Nghị quyết 76/NQ-CP Chương trình cải cách hành chính Nhà nước 2021-2030

thuộc tính Nghị quyết 76/NQ-CP

Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:76/NQ-CP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị quyết
Người ký:Trương Hòa Bình
Ngày ban hành:15/07/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Hành chính

TÓM TẮT VĂN BẢN

Đến 2025, 100% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh

Ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết 76/NQ-CP về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 tập trung vào 6 nội dung, cụ thể bao gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Cụ thể, mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2025 như sau: Cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đếm hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực tính đến hết 31/5/2020; Ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến;…

Bên cạnh đó, mục tiêu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đến năm 2025 như sau: 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành, chia sẻ và kết nối trên toàn quốc; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực thông tin điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 90% hồ sơ công việc tại cấp Bộ, cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng;...

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký.

Xem chi tiết Nghị quyết76/NQ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết
CHÍNH PHỦ
______
Số: 76/NQ-CP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030

__________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), với các nội dung cụ thể như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Quán triệt chủ trương của Đảng về cải cách hành chính là một trong những đột phá phát triển đất nước; gắn cải cách hành chính đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
3. Các nội dung cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.
4. Cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; tận dụng có hiệu quả thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với lộ trình, bước đi phù hợp, tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không nóng vội, chủ quan, duy ý chí.
5. Cải cách hành chính phải kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được trong cải cách hành chính nhà nước giai đoạn vừa qua; tiếp thu những kinh nghiệm, những bài học thành công trong cải cách của các nước có nền hành chính phát triển để vận dụng vào thực tiễn một cách phù hợp.
II. MỤC TIÊU CHUNG
Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.

III. NỘI DUNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: Cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

1. Cải cách thể chế
a) Mục tiêu
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.
- Đến năm 2025:
+ Cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển.
+ Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
+ Hoàn thiện thể chế và các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
- Đến năm 2030:
Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế của nền hành chính hiện đại, thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước.
b) Nhiệm vụ
- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ đầy đủ, đồng bộ trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
+ Hoàn thiện thể chế về sở hữu, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; thể chế về phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, các yếu tố thị trường và các loại thị trường, bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật; thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
+ Hoàn thiện thể chế về thu hút đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và thể chế về phân phối kết quả làm ra để giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển.
+ Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này. Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước.
+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
+ Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo,...
- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật:
+ Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình lập pháp, lập quy theo hướng chặt chẽ, khoa học, hiện đại, chuyên nghiệp, áp dụng kỹ thuật lập pháp tiến bộ trong soạn thảo; tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và tham vấn ý kiến rộng rãi của người dân, tổ chức và xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán, ổn định và dự đoán được của pháp luật.
+ Tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
- Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật:
+ Ban hành quy định và tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật hàng năm tại các bộ, ngành, địa phương.
+ Tăng cường năng lực phản ứng chính sách, kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt gắn kết với quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
+ Đổi mới công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
+ Thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
+ Tăng cường vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng trong phản biện và giám sát thi hành pháp luật.
2. Cải cách thủ tục hành chính
a) Mục tiêu
Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
- Đến năm 2025:
+ Cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2020.
+ Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
+ Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.
+ Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.
+ Năm 2021, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 40%, 30%, 20%, 15%; giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm tăng tối thiểu 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
+ Tối thiểu 80% thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.
+ Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%.
+ 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời.
+ 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
- Đến năm 2030:
+ 100% thủ tục hành chính, có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên.
+ Tối thiểu 90% thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%.
+ 90% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
+ Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%.
+ Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.
b) Nhiệm vụ
- Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, trọng tâm là thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, đầu tư, bảo hiểm, thuế, hải quan, công an,... và các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực khác có số lượng, tần suất giao dịch lớn.
- Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính:
+ Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện; loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.
+ Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất. Tổ chức triển khai có kết quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
+ Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước; ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra, bảo đảm minh bạch thông tin; áp dụng đầy đủ, hiệu quả phương pháp kiểm tra tiên tiến, phương pháp quản lý rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
+ Rà soát, thống kê và đơn giản hóa các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
- Thường xuyên, kịp thời cập nhật, công khai thủ tục hành chính dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện. Vận hành và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Hoàn thành đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
- Trong năm 2022, hoàn thành kết nối cổng Thông tin một cửa quốc gia với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và thanh toán các khoản phí liên quan đến kiểm tra chuyên ngành trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành xây dựng và vận hành có hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
a) Mục tiêu
Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Đến năm 2025:
+ Hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới.
+ Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước.
+ Hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.
+ Giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
+ Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.
- Đến năm 2030:
+ Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu môi các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian.
+ Tiếp tục giảm bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.
+ Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 95%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 90%
+ Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
b) Nhiệm vụ
- Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước:
+ Nghiên cứu, đề xuất mô hình, cơ cấu tổ chức Chính phủ trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chủ động tham gia, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
+ Rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính phải thực hiện, những công việc cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới thực hiện; công việc cần chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; trên cơ sở đó thiết kế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phù hợp ở Trung ương và địa phương.
+ Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bảo đảm tinh gọn các bộ, cơ quan ngang bộ.
+ Các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Tổ chức sắp xếp, kiện toàn các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước:
+ Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
+ Tiếp tục thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.
+ Sắp xếp, giảm tối đa các ban quản lý dự án, các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt:
+ Sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
+ Ban hành giải pháp khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.
+ Thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố phù hợp với yêu cầu quản lý và tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố.
+ Thí điểm mô hình chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở những nơi có đủ điều kiện.
- Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là các lĩnh vực: Y tế; giáo dục và đào tạo; lao động, thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông.
+ Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần.
+ Nghiên cứu, ban hành các biện pháp đổi mới phương thức quản lý, tổ chức và hoạt động để nâng cao năng lực quản trị. Thực hiện thí điểm việc thi tuyển, thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; phân cấp giữa các cấp ở địa phương.
+ Ban hành cơ chế, chính sách kiểm soát quyền lực chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phân cấp. Triển khai các biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp.
- Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cơ quan hành chính các cấp trên môi trường số, tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, không giấy tờ.
4. Cải cách chế độ công vụ
a) Mục tiêu
Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.
- Đến năm 2025:
Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
- Đến năm 2030:
Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 50% - 60% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương, 25% - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.
b) Nhiệm vụ
- Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
- Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm tỉ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng.
Xây dựng, ban hành các quy định thực hiện thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
- Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
- Tiếp tục mở rộng và triển khai có hiệu quả việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng và tương đương.
- Nghiên cứu, đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và gắn với vị trí việc làm, thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.
- Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai các văn bản pháp luật quy định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương; quy định quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp nhà nước; quy định về xác định tiền lương đối với sản phẩm, dịch vụ công ích.
- Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi hoạt động theo hướng đẩy mạnh tự chủ.
- Hoàn thiện quy định về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; xây dựng và ban hành quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những người có sai phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
- Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm, bảo đảm không trùng lắp, tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết.
- Đổi mới cơ chế quản lý và chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, bảo đảm giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện khoán kinh phí.
- Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài giai đoạn 2021 - 2030.
5. Cải cách tài chính công
a) Mục tiêu
Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
- Đến năm 2025:
+ Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương.
+ Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
- Đến năm 2030:
Hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
b) Nhiệm vụ
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước. Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy định về thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính tại các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập quốc tế, hội nhập khu vực.
Nâng cao năng lực, hiệu quả giám sát và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; giám sát an toàn về nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại.
- Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính: Thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, hoạt động hiệu quả; thị trường bảo hiểm lành mạnh, an toàn; đồng bộ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam; thị trường trái phiếu theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh đi đôi với tái cấu trúc thị trường tài chính.
- Hoàn thiện cơ chế tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm các quy định về nguồn thu, nhiệm vụ chi, phân phối thu nhập bổ sung; thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phân cấp, tạo quyền chủ động cho đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở cho việc ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
+ Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
+ Chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ sự nghiệp công.
- Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa:
+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, nhất là y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ...
+ Ban hành các chính sách khuyến khích thành lập đơn vị sự nghiệp ngoài công lập (giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ).
+ Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên.
- Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, đổi mới và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhà nước.
6. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
a) Mục tiêu
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
- Đến năm 2025:
+ 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.
+ 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng Dịch vụ công quốc gia.
+ 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
+ 80% các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại.
+ 100% hệ thống báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
+ Triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: 100% cấp tỉnh, 80% cấp huyện thực hiện họp thông qua Hệ thống này đối với các cuộc họp của Ủy ban nhân dân.
+ 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
+ 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
+ 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành Phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực.
+ Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
- Đến năm 2030:
+ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
+ 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).
+ 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
+ Tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.
+ Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
b) Nhiệm vụ
- Hoàn thiện môi trường pháp lý:
+ Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng khung pháp lý của bộ, ngành, địa phương hỗ trợ xây dựng, phát triển Chính phủ số và Chính quyền số các cấp. Nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn thi hành để triển khai thực hiện.
+ Ban hành quy định về định danh và xác thực điện tử, hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số.
+ Xây dựng các chính sách, quy định pháp lý về thuế, phí nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.
- Phát triển hạ tầng số quốc gia:
+ Phát triển hạ tầng truyền dẫn đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương.
+ Phát triển hệ thống dữ liệu phục vụ triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương.
+ Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả.
+ Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, gắn kết với phát triển đô thị thông minh tại các bộ, ngành, địa phương.
- Phát triển nền tảng và hệ thống số quy mô quốc gia:
+ Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương.
+ Phát triển các hệ thống đặc thù sử dụng trong phạm vi toàn ngành, địa phương để tiết kiệm thời gian, chi phí triển khai, tạo điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu...
+ Xây dựng, phát triển Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
- Phát triển dữ liệu số quốc gia:
+ Phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương; thực hiện chia sẻ hiệu quả dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với các địa phương; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
+ Xây dựng kho dữ liệu để lưu trữ dữ liệu điện tử của các công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước trên cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
+ Xây dựng Hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu số từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
- Phát triển ứng dụng, dịch vụ nội bộ:
+ Phát triển hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục phát triển, hoàn thiện Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu số, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến tới triển khai phục vụ chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp.
Phát triển, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối, tích hợp theo thời gian thực với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, cơ quan, địa phương tại các cấp chính quyền.
Phát triển, hoàn thiện Hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi về thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, kết nối, liên thông với các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của bộ, ngành, địa phương.
Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.
+ Phát triển các ứng dụng, dịch vụ nghiệp vụ, chuyên ngành phục vụ nội bộ và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin trong và ngoài bộ, ngành, địa phương theo nhu cầu.
+ Đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký sổ, định danh số, chuyển đổi số và niêm phong điện tử trong xử lý văn bản hành chính, cắt giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ.
+ Phát triển các hệ thống làm việc tại nhà, từ xa của các cơ quan nhà nước.
+ Ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), di động, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội và các công nghệ số mới trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ điện tử tại bộ, ngành, địa phương.
- Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp:
+ Phát triển, hoàn thiện cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành việc tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng Dịch vụ công quốc gia.
+ Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và cổng tham vấn điện tử theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
+ Xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của cơ quan nhà nước.
+ Phát triển, tích hợp các ứng dụng thanh toán điện tử, đa dạng hóa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để phổ cập, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử một cách rộng rãi tới tất cả người dân.
- Xây dựng, phát triển đô thị thông minh:
+ Phát triển các dịch vụ đô thị thông minh phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế. Ưu tiên phát triển trước các dịch vụ giải quyết các vấn đề bức thiết của xã hội tại các đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch, phát triển y tế, phát triển giáo dục, quản lý trật tự xây dựng và phải bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
+ Lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thử nghiệm một số dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; kịp thời sơ kết đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện cải cách hành chính từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ và các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính trong Chương trình. Có cơ chế phân công, phối hợp thống nhất, rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính để bảo đảm Chương trình được triển khai đồng bộ, thống nhất theo lộ trình và mục tiêu đã đề ra.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chương trình trong phạm vi quản lý của mình; xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả nhiệm kỳ công tác; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Coi trọng công tác thi đua, khen thưởng trong cải cách hành chính.
2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Cải cách hành chính không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu chung của toàn xã hội. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ, công chức và người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước. Tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Cần phải tiếp tục sử dụng công cụ, biện pháp thiết thực để phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, như tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
3. Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho cải cách hành chính.

Huy động và bố trí đủ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. Nâng cao năng lực nghiên cứu và chỉ đạo của các cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.
4. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Tạo động lực cải cách bên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều biện pháp, như: Đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ; quan tâm đến nâng cao lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng chính sách lương, thưởng thoả đáng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; cơ chế, chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển cho những cá nhân có trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính.
5. Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của cơ quan hành chính các cấp; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan hành chính theo hướng toàn diện, đa chiều, công khai, minh bạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong đánh giá.

Thường xuyên khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp dưới nhiều hình thức khác nhau, trên các nội dung quản lý nhà nước khác nhau, như ban hành cơ chế, chính sách pháp luật; tổ chức thực thi pháp luật; cung cấp dịch vụ công... của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, truyền thông trong khảo sát trực tuyến người dân, tổ chức để cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục, kịp thời về tình hình phục vụ của các cơ quan hành chính cho Chính phủ và chính quyền các cấp ở địa phương.
6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình trong dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao.
3. Khuyến khích việc huy động theo quy định của pháp luật các nguồn kinh phí ngoài ngân sách trung ương để triển khai Chương trình.
4. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân. Tạo động lực cải cách bên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều biện pháp, như: Đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ; quan tâm đến nâng cao lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng chính sách lương, thưởng thoả đáng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; cơ chế, chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển cho những cá nhân có trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch cải cách hành chính để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm đúng lộ trình cải cách của Chính phủ. Căn cứ điều kiện cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 5 năm hoặc cả giai đoạn 2021 - 2030 để tổ chức thực hiện.
b) Lập dự toán kinh phí để thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án và nhiệm vụ cải cách hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của bộ, ngành, địa phương.
c) Định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Bộ Nội vụ tình hình thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
d) Bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Các bộ, cơ quan chủ trì các đề án có quy mô quốc gia được nêu trong Phụ lục kèm theo Nghị quyết này có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tổ chức xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai theo quy định.
3. Bộ Nội vụ:
a) Là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
b) Chủ trì triển khai các nội dung cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ và cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang nhân dân.
c) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình.
d) Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cải cách hành chính hàng năm.
đ) Thẩm định các đề án thí điểm cải cách hành chính do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.
e) Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng báo cáo cải cách hành chính hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất về tình hình thực hiện Chương trình.
g) Kiểm tra và tổng hợp việc thực hiện Chương trình; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hàng quý, 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất.
h) Chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện phương pháp theo dõi, đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
i) Chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
k) Hàng năm, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức thực hiện công tác cải cách hành chính ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và đảm bảo cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu nhiệm vụ cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.
l) Chủ trì triển khai công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính. Hàng năm, xây dựng, triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính.
m) Đến năm 2025, tiến hành sơ kết, đến năm 2029 tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tổng thể.
4. Bộ Tư pháp:
a) Theo dõi, tổng hợp việc triển khai nội dung cải cách thể chế.
b) Chủ trì triển khai nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
c) Chủ trì xây dựng và vận hành có hiệu quả Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đảm bảo thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
5. Văn phòng Chính phủ:
a) Chủ trì triển khai nội dung cải cách thủ tục hành chính.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phát triển, quản lý, vận hành cổng Dịch vụ công quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi về thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và Cổng tham vấn điện tử.
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, vận hành khai thác Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
c) Chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ công việc và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; điều hành dựa trên dữ liệu số; theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo thời gian thực; tích hợp hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
6. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
b) Chủ trì xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đổi mới cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí từ ngân sách trung ương cho các đề án trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm về cải cách hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước.
c) Chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện Chương trình.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ trì triển khai nội dung phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
b) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
9. Bộ Y tế:
a) Chủ trì rà soát, làm rõ nội dung quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ y tế. Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế.
b) Chủ trì xây dựng và hướng dẫn việc thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.
c) Chủ trì đổi mới chính sách bảo hiểm y tế.
10. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Chủ trì rà soát, làm rõ nội dung quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ giáo dục. Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
b) Chỉ đạo rà soát, sắp xếp hệ thống mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông, đại học, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động của ngành theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Chủ trì xây dựng và hướng dẫn việc thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.
11. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì rà soát, làm rõ nội dung quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
b) Chủ trì cải cách chính sách tiền lương đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức.
12. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
b) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
13. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch:
Thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách xã hội hóa hiện hành, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương đề xuất, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với điều kiện của đất nước. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.
14. Bộ Công an:
a) Chủ trì triển khai, vận hành, khai thác và cập nhật có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Chủ trì quản lý xác thực và định danh điện tử qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Hệ thống do Bộ Công an xây dựng.
b) Nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý cư trú theo hướng hiện đại với lộ trình, bước đi phù hợp.
15. Bộ Quốc phòng:
Nghiên cứu, đổi mới công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, tiến tới kiểm soát tự động, thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu do bộ quản lý.
16. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, các cơ quan thông tin, báo chí Trung ương và địa phương: Xây dựng chuyên mục, chuyên trang về cải cách hành chính để tuyên truyền Chương trình và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KSTT (02).VTA.
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 
 
 



Trương Hòa Bình

 

Phụ lục

DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH QUY MÔ QUỐC GIA

(Kèm theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ)

__________________________

STT

TÊN ĐỀ ÁN

CƠ QUAN CHỦ TRÌ

THỜI GIAN HOÀN THÀNH

1.

Đề án nghiên cứu mô hình, cơ cấu tổ chức Chính phủ trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bộ Nội vụ

2024

2.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030

Bộ Nội vụ

2024

3.

Đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh tiến tới phân định cán bộ, công chức trung ương và địa phương

Bộ Nội vụ

2022

4.

Đề án nghiên cứu mô hình tổ chức các cơ quan độc lập có chức năng thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực

Bộ Nội vụ

2024

5.

Đề án “Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập”

Bộ Khoa học và Công nghệ

2022

6.

Đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”

Bộ Nội vụ

2022

7.

Đề án “Thí điểm thực hiện hợp đồng hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước”

Bộ Nội vụ

2024

8.

Đề án “Cải cách tổng thể chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công

Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương nhà nước

Thực hiện theo lộ trình

9.

Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính”

 

Văn phòng

Chính phủ

2022

10.

Đề án “Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030”

Bộ Nội vụ

2022

11.

Đề án “Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá cải cách hành chính và đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030”

Bộ Nội vụ

2022

12.

Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công”

Bộ Ytế

2022

13.

Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công”

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022

14.

Đề án “Đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức hành chính dựa trên kết quả”

Bộ Nội vụ

2024

15.

Đề án “Liên thông trong công tác đánh giá đảng viên và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức”

Bộ Nội vụ

2024

16.

Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh

Bộ Nội vụ

2022

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT

-------------------

No. 76/NQ-CP

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Independence - Freedom - Happiness

----------------------------

Hanoi, July 15, 2021

RESOLUTION

On the promulgation of the Master Program on State Administration Reform for the 2021-2030 period

-----------------

THE GOVERNMENT

 

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law dated November 22, 2019, Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Government Organization and the Law on Organization of Local Government;

At the proposal of the Minister of Home Affairs.

 

RESOLVES:

 

Article 1. To promulgate the Master Program on State Administration Reform for the 2021-2030 period as follows:

I. VIEWPOINTS

1. Thoroughly implementing the Communist Party of Vietnam’s (CPV) guidelines on administrative reform is one of the breakthroughs in the development of the country; combining uniform administrative reform with legislative and judicial reform as well as reform of the CPV's leadership methodology, thus contributing to building and improving the socialist rule-of-law State of Vietnam.

2. Administrative reform must stem from the interests of citizens and businesses; center on the citizens and businesses; consider the satisfaction of citizens and businesses as a metric to evaluate service quality of State administrative agencies at all levels.

3. Areas of administrative reform must be implemented in a uniform, consistent, and focused manner and in harmony with actual conditions, thereby contributing to promoting the successful realization of socio-economic development objectives of the country from time to time.

4. Administrative reform must be associated with awareness raising, mind renewing and innovative action; reform of working protocols and modernization of management methods on the basis of promoting the application of digital technology to and implementing digital transformation in operations of State administrative agencies; effectively take advantage of scientific and technological achievements and advances, especially those of the Fourth Industrial Revolution, with appropriate roadmaps and steps to inclusively avoid indifference and lack of confidence and initiative, but in a manner that is not too hasty, subjective, and willful.

5. Historical achievements of State administrative reform shall be inherited and promoted; experiences and successes in administrative reform of other countries with developed administrative systems shall be learned and applied into domestic practice appropriately.

II. OVERALL OBJECTIVES

To continue building a democratic, professional, modern, streamlined, effective, efficient, enabling, serving administration with integrity on the basis of the CPV’s viewpoints, policies and guidelines on comprehensively and uniformly promoting the reform process, building a socialist-rule-of-law State of the citizens, by the citizens and for the citizens in the 2021-2030 period.

III. SPECIFIC ADMINISTRATIVE REFORM AREAS, OBJECTIVES, AND TASKS

In the 2021-2030 period, 6 areas of administrative reform will be focused, namely: Institutional reform, administrative procedure reform, Organizational reform of the State administrative apparatus, Civil service reform, Public finance reform, and Development of e-Government and Digital Government.

The focus of administrative reform in the next 10 years will be: Institutional reform, which aims at building and improving the institutional system and enhancing the effectiveness and efficiency of law enforcement; building a contingent of professional, capable and qualified cadres, civil servants and public employees to meet the requirements of tasks and the development of the country, of which the focus shall be salary policy reform; and development of E-Government and Digital Government.

1. Institutional reform

a) Objectives

To further build and improve the institutional system of the State administration uniformly of all aspects; to improve the quality of socialist-oriented, uniform, modern and internationally integrated market economy with the focus on the markets of production factors, especially land use rights, science and technology; to make a breakthrough in effectively mobilizing, allocating and using resources to promote national development; to organize strict and effective law enforcement while raising the awareness of law observance of individuals, organizations and the whole society.

- By 2025:

+ To basically improve the institutional system of the State administration with the focus on the organizational and management institutions with respect to cadres, civil servants and public employees, improve the effectiveness and efficiency of State governance as well as the visionary and developing capacity.

+ To further improve the institutions for developing the socialist-oriented market economy and better dealing with the relationship between the State and the market; focusing on and prioritizing the consistent and quality improvement and well-organized enforcement of the system of laws, mechanisms and policies, thereby creating a favorable, healthy and fair investment and business climate for all economic sectors and promoting innovation.

+ To improve institutions and legal frameworks for promoting digital transformation to effectively serve the building and development of the Digital Government, digital economy and digital society.

- By 2030:

To comprehensively, uniformly improve and effectively implement the institutions of a modern administration and the institution on the development of the socialist-oriented market economy, create a breakthrough in effectively mobilizing, allocating and using resources to promote national development.

b) Tasks

- To further build and improve the system of institutions, policies and laws on the organization of the administrative apparatus and the civil service regime fully and uniformly pursuant to the Law on Government Organization, the Law on Organization of Local Government, the Law on Cadres and Civil Servants, and the Law on Public Employees. To further institutionalize the provisions of the Constitution on human rights, citizenship, rights and obligations of the Vietnam Fatherland Front and political-social, social-professional organizations.

- To build and improve the socialist-oriented market economy institution:

+ To improve the institution of ownership to ensure that property ownership rights of the State, organizations and individuals as stipulated in the 2013 Constitution will be fully institutionalized; the institution on the development of economic sectors, types of businesses, market factors and types of markets to ensure that all citizens and businesses of all economic sectors operate according to the market mechanism with equality and fair competition under the law; the institution on linking economic growth with sustainable development, social progress and justice, national defense and security, environmental protection and response to climate change; the institution on promoting and improving the efficiency of international economic integration.

+ To improve institutions for attracting investment and effectively mobilizing, allocating and using resources and institutions for distributing products to release the productive power, create motivation and resources for growth and development.

+ To amend, supplement and improve the laws on land and natural resources in order to effectively mobilize, allocate and use land and resources, to minimize disputes, complaints, corruption, and waste in this field. To publicize and transparentize the management and use of public land; to intensify the supervision, tighten the management, and improve the efficiency of the use of land allocated to communities and State-owned businesses.

+ To review, amend, supplement and improve institutions, mechanisms and policies to strongly develop the science and technology market in association with building a national database on science and technology.

+ To develop and complete the legal framework and pilot specific mechanisms and policies to promote the digital transformation process, digital economy, smart production, new production and business models, sharing economy, e-commerce, startups, etc.

- To improve the quality of legislation:

+ To further reform and improve the legislative and rulemaking process to be rigorous, scientific, modern and professional, to apply advanced legislative techniques in bill drafting; to promote expert consultation with associations, experts, scientists and publicly with citizens, organizations and the society in the process of elaborating and promulgating legal documents so as to ensure transparency, consistency, stability and predictability of the law.

+ To intensify inspection and review of legal documents, promptly detect and handle overlapping, conflicting, illegal, invalid or no longer relevant regulations.

- To reform and improve the quality and efficiency of law enforcement:

+ To promulgate regulations on law enforcement and effectively enforce them as well as to monitor and evaluate the annual law enforcement by ministries, sectors and local authorities.

+ To enhance the capacity to respond to policies, promptly handle new problems arising from law enforcement, especially those associated with the process of law formulation and improvement.

+ To reform the inspection, monitoring and evaluation of the performance of State governance responsibilities in relation to law enforcement.

+ To effectively disseminate and educate on the laws by increasing the application of information technology and digitizing law dissemination and education.

+ To heighten the role of citizens, businesses, socio-political and socio-professional organizations, and communities in law enforcement criticism and supervision.

2. Administrative procedure reform

a) Objectives

To drastically, uniformly and effectively reform administrative procedures related to citizens and businesses; internal administrative procedures among State administrative agencies; to review, reduce, simplify business conditions and documentation, and optimize administrative procedures on the basis of strong application of information technology; to lift barriers restricting freedom of business, improve and raise the quality of the investment and business climate, ensure the fair, equal and transparent competition; to reform and improve the efficiency of the implementation of the single-window and inter-agency single-window mechanisms in settling administrative procedures. To promote the settlement of administrative procedures in the digital environment so that citizens and businesses can request services anytime, anywhere, on different devices.

- By 2025:

+ To cut or simplify at least 20% of procedures and 20% of the compliance costs regarding business-related procedures specified in effective documents as of May 31, 2020.

+ To complete the reform of the single-window and inter-agency single-window mechanisms in settling administrative procedures towards improving service quality, not being restricted within administrative boundaries, increasing the application of information technology, reducing time spent on the road and social costs, thereby facilitating the citizens and businesses.

+ At least 80% of records of administrative procedure settlement to be circulated internally among competent authorities or relevant agencies by electronic means.

+ At least 80% of administrative procedures subject to financial obligations to be settled online payment, of which the rate of online payment transactions to reach 30% or more.

+ In 2021, the digitization of settlement results of administrative procedures that are still effective and valid within the settlement jurisdiction of the central, provincial, district and commune levels to reach the minimum 40%, 30%, 20%, 15%, respectively; in the period of 2022-2025, that of each administrative level to increase by least 20% each year until it reaches 100% so as to ensure the connection and sharing of data in the settlement of administrative procedures in the electronic environment.

+ At least 80% of administrative procedures by ministries, sectors and local authorities to be eligible for being provided online at levels 3 and 4. Of them, at least 80% to be integrated and provided on the National Public Service Portal. The rate of applications for public services at levels 3 and 4 settled online out of the total number of applications will be at least 50%.

+ The percentage of citizens and businesses satisfying with the settlement of administrative procedures to reach at least 90%. Among them, the number satisfying with the settlement of administrative procedures related to land, construction and investment to reach at least 85%.

+ 90% of internal administrative procedures among State administrative agencies to be announced, publicized and updated in a timely manner.

+ 80% of citizens and businesses carrying out administrative procedures not to re-provide information, papers and documents which have been accepted in previously successfully settled administrative procedures and managed by the same State competent authorities, or those that have been connected and shared by State agencies.

- By 2030:

+ 100% of administrative procedures subject to financial obligations to be settled online payment, of which the rate of online payment transactions to reach 50% or more.

+ At least 90% of administrative procedures by ministries, sectors and local authorities to be eligible for being provided online at levels 3 and 4, and at the same time, completely integrated to and provided on the National Public Service Portal. The rate of applications for public services at levels 3 and 4 settled online out of the total number of applications will be at least 80%.

+ 90% of the citizens and businesses participating in the e-Government system to have their e-identifications authenticated smoothly and uniformly on all information systems of the government at Central to local levels.

+ The percentage of citizens and businesses satisfying with the settlement of administrative procedures to reach at least 95%. Among them, the number satisfying with the settlement of administrative procedures related to land, construction and investment to reach at least 90%.

+ Vietnam's business climate to be ranked in the top 30.

b) Tasks

- To strictly control the promulgation of regulations on administrative procedures related to citizens and businesses so as to ensure that newly issued administrative procedures are simple and easy to understand and follow, of which the attention shall be paid to administrative procedures related to: Land, construction, investment, insurance, tax, customs, public security, etc. and other administrative procedures with large number and frequency of transactions.

- To review and simplify administrative procedures:

+ To review and evaluate administrative procedures during the implementation process thereof; to eliminate cumbersome and overlapping procedures that are likely to be abused for corruption and cause difficulties for citizens and organizations; to remove unnecessary, unreasonable documentation components; to drastically reduce unnecessary forms, declarations and documents containing identical information by integrating them into and applying digital technologies and available databases.

+ To reduce and simplify regulations related to business operations, to eliminate illegal, unnecessary, unreasonable regulations in a substantive manner. To successfully implement the Program to reduce and simplify regulations related to business operations in the 2020-2025 period.

+ To reform specialized inspection of exported and imported goods towards increasing connection and sharing of information among State governance agencies; to maximally employ information technology systems to simplify and modernize inspection procedures and ensure information transparency; to fully and effectively apply advanced inspection and risk management methods in accordance with international practices and international conventions/agreements to which Vietnam is a signatory or has acceded.

+ To review, make statistics and simplify internal administrative procedures among State administrative agencies.

- To regularly and promptly update and publicize administrative procedures in various forms, thereby creating favorable conditions for citizens and organizations to learn and implement. To effectively operate and exploit the administrative procedure database on the National Public Service Portal.

- To complete the reform of the single-window and inter-agency single-window mechanisms in settling administrative procedures as specified in the Prime Minister's Decision No. 468/QD-TTg dated March 27, 2021.

- To enhance decentralization of administrative procedure settlement competence in a manner that the level closest to the grassroots and the citizens shall be assigned to settle procedures, to follow the sectoral and territorial governance principles, and to prevent multi-level cascade and prolonged settlement causing intimidation, misconduct and troubles against the citizens.

- To intensively study and propose solutions to solve problems related to administrative mechanisms, policies and procedures by optimizing the dialogue with and collecting opinions of citizens and businesses and promoting the role and effective operations of the Prime Minister's Advisory Council for Administrative Procedure Reform.

- In 2022, the National Single-Window Portal to be completely connected to the National Public Service Portal; promote the performance of specialized inspection procedures and payment of specialized inspection fees via the National Public Service Portal. To complete the construction and effectively operate the electronic Civil Registration Database, which shall be compatible with the National Population Database.

3. Organizational reform of the State administrative apparatus

a) Objectives

To further review the functions and tasks of State administrative agencies at all levels and specify the scope of work of State administrative agencies; to explicitly define the organizational models of rural, urban, island, and special administrative - economic division governments. To intensify the reform and improvement of working protocols in order to improve the effectiveness and efficiency of State governance, and to rearrange and streamline the organizational system of State administrative agencies at all levels in accordance with the regulations. To promote the decentralization of State governance; to intensify the review and rearrangement of the system of public non-business units towards a streamlined, rational structure and operational efficiency enhancement.

- By 2025:

+ To finalize the study and propose the overall organizational model of the State administrative system to meet the specific requirements and conditions of our country in the new era.

+ To explicitly define the functions, tasks and powers of each agency or organization, thereby overcoming the overlapping, identicality or omission of functions and tasks among agencies and organizations in the State administrative system.

+ To complete the streamlining of administrative divisions at district, commune and village levels or of residential groups according to regulatory standards.

+ To reduce the number of public non-business units by at least 10% on average nationwide and reduce the public non-business payrolls funded by the State budget by 10% compared to that of 2021.

+ The percentage of citizens and organizations satisfying with the service of State administrative agencies to reach at least 90%. The percentage of citizens satisfying with the public health and education services to reach at least 85%.

- By 2030:

+ To further rearrange and improve the Government's organizational structure towards rationally reducing the investment in ministries and ministerial-level agencies and correspondingly reducing the number of specialized agencies under the People's Committees of provinces and districts; to drastically reduce the number of intermediary organizations.

+ To further reduce the public non-business payrolls funded by the State budget by 10% on average compared to that of 2025.

+ The percentage of citizens and organizations satisfying with the service of State administrative agencies to reach at least 95%. The percentage of citizens satisfying with the public health and education services to reach at least 90%

+ To explicitly define and realize the government models of rural and urban areas, islands and special administrative - economic divisions.

b) Tasks

- To make and improve policies and laws on the organization of the State administrative apparatus:

+ To study and propose the model and organizational structure of the Government while promoting the development of e-Government and Digital Government and actively participating in and adapting to the Fourth Industrial Revolution.

+ To review and explicitly define tasks to be performed by administrative agencies and to be decentralized to local authorities and subordinates; tasks to be transferred to businesses and social organizations; thereby designing and arranging the appropriate administrative apparatus at the central and local levels.

+ To study and clarify the theoretical and practical foundations and the scope of multi-sectoral and multi-disciplinary management by ministries and sectors, especially those with similar and overlapping functions and tasks, thereby appropriately to consolidate and streamline the organizational structures thereof.

+ Local authorities that have piloted the consolidation and merger of their specialized agencies under Conclusion No. 34-KL/TW dated August 7, 2018, of the Political Bureau on pilot models specified by Resolution No. 18-NQ/TW dated October 25, 2017, to summarize the pilots at the request of the competent authorities.

- To organize, arrange and consolidate agencies in the State administrative apparatus:

+ To further review, arrange and streamline the organizational apparatus of agencies and units, reduce the number of intermediary organizations, thoroughly overcome the identicality and overlapping of functions and tasks following the principle that an organization may take on many tasks, but one task shall be presided over by only one organization which is primarily responsible for it.

+ To further pilot the transfer of some unimportant public administrative tasks and services that the State may not take on by itself to businesses and social organizations.

+ To arrange and minimize project management boards and inter-sectoral coordination organizations, especially those with specialized assisting sub-divisions.

- To research, amend, supplement and improve regulations on the organizational structure of local government towards more explicitly delineating the government apparatus of urban and rural areas, islands and special administrative - economic divisions:

+ To rearrange, consolidate and reorganize administrative divisions at district and commune levels according to the law; to study and pilot the re-arrangement of provincial-level administrative divisions.

+ To make solutions to encourage mergers and increase the size of administrative divisions at all levels in localities where conditions are available to improve management and administration capacity and intensify local resources.

+ To arrange and merge villages and residential groups to meet the requirements of management and organization of activities of villages and residential groups.

+ To pilot the models of under-provincial urban government and special administrative - economic units in localities where conditions are available.

- To reform the organization and management system and improve operational efficiency to reduce the quantity of units and overcome the overlapping, scattered structure and identicality of public non-business units in terms of their functions and tasks:

+ To review and improve regulations on criteria for classification and conditions for establishment, merger, consolidation and dissolution of public non-business units in each sector or field; to plan the network of public non-business units with the focus on the following areas: Health; education and training; labor, war invalids and social affairs; science and technology; culture, sports and tourism; information and communication.

+ To convert qualified public non-business units into joint stock companies.

+ To study and promulgate measures to reform the management, organization and operation methods in order to improve the administration capacity. To pilot the recruitment and hiring of executives of public non-business units.

- To strengthen the reasonable decentralization of competence between the central and local governments, between superiors and subordinates, and associate powers with responsibilities; to encourage the dynamism and creativity and promote the positivity and initiative of authorities at all levels and sectors in performing State governance tasks.

+ To review, amend and supplement regulations on decentralization of management between central and local governments; decentralization among local levels.

+ To promulgate mechanisms and policies to strictly control powers, to ensure democracy, openness, and transparency, and to promote accountability for performing decentralized tasks. To take measures to effectively monitor, check and supervise the performance of decentralized tasks.

- To study and implement measures to reform working protocols, improve productivity and operational efficiency of State administrative agencies at all levels by strongly applying scientific and technological advances and information technology; to intensify the digital-based leadership, administration and operation of administrative agencies at all levels, organize online, paperless meetings and conferences.

4. Civil service reform

a) Objectives

To build a professional, responsible, dynamic and talented civil service. To implement a healthy, democratic, open and transparent competition mechanism for the appointment and promotion of cadres and the recruitment of civil servants and public employees in order to attract truly virtuous and talented citizens to work in State administrative agencies.

- By 2025:

To build a reasonable contingent of cadres, civil servants and public employees meeting the standards of titles, positions and competency frameworks as prescribed.

- By 2030:

To build a contingent of professional, high-quality, professional cadres, civil servants and public employees with reasonable quantity and composition; the contingent of cadres at all levels, especially at the strategic level, to be qualified, capable and reputable, on par with their duties: 50%-60% of leaders and managers of ministerial departments, divisions, agencies, directorates and equivalents at the central level, 25%-35% of leaders and managers of provincial-level departments, sectoral bodies, district-level People's Committees and equivalents, over 30% of leaders and managers of sub-departments of provincial-level departments, sectoral bodies, district-level People's Committees and equivalents, 80% of leaders and managers of State-owned businesses to be capable of working in an international competitive environment.

100% of commune-level cadres and civil servants to obtain associate and university degrees and to be standardized in political theoretical studies, expertise, professionalism, and working skills.

b) Tasks

- To further study, amend, supplement, improve or issue new legal documents on the building and management of the contingent of cadres, civil servants and public employees in accordance with the Law on Cadres and Civil Servants; the Law on Public Employees and in harmony with the CPV's personnel-related regulations in order to build a contingent of cadres, civil servants and public employees with sufficient qualifications, quality and reasonable composition to meet the requirements of their duties and the national development in the new era.

- To amend, supplement and improve regulations on standards of civil servant ranks, standards of professional titles of public employees; to reform the recruitment, employment, appointment and rotation of cadres, civil servants and public employees.

To promulgate regulations on standards for leading and managerial civil servants in State administrative agencies. To specify the standards, conditions and policies to reduce the number of stewards serving in each agency, especially staff-work offices.

To formulate and promulgate regulations on uniform civil servant pre-recruitment testing to serve as a basis for ministries, sectors and local authorities to select and recruit civil servants meeting the requirements and tasks; to intensify the decentralization of testing by specializations and by zones or regions.

To strengthen the application of information technology to improve the quality of recruitment and up-ranking of civil servants, and promotion of public employees.

- To structure and rearrange the contingent of cadres, civil servants and public employees in authorities at all levels and sectors based on job positions and capacity frameworks in order to ensure that the right citizens are recruited for the right jobs, thereby improving the quality and staffing reasonability.

- To further expand and effectively organize competitive exams to appoint under-ministerial, under-provincial, departmental leaders and managers and equivalent positions.

- To study and reform methods and processes for assessing and classifying cadres, civil servants and public employees towards democracy, publicity, transparency, quantification of evaluation criteria based on task performance associated with the respective position with specific tasks and products.

- To make, improve and enforce legal documents stipulating the new salary policy for cadres, civil servants, public employees and armed forces according to the salary policy reform roadmap; regulations on labor management, salaries and bonuses of State-owned businesses; regulations on determining wages based on public products and services.

- To amend, supplement and improve regulations on management and employment of and benefits for public employees at public non-business units that have transformed towards self-financing.

- To improve regulations on intensifying disciplinary rules for performing public administrative services; to formulate and promulgate regulations on the authority and responsibility of heads of agencies, organizations and units for staffing work and personnel management; to promptly detect and strictly handle those who commit violations, even after they have changed jobs or retired.

- To reform the training/re-training content and methods to improve the capacity, skills and quality of the contingent of cadres, civil servants and public employees that match their positions. To review, amend and supplement the refresher courses on State governance knowledge in line with the standards of civil servant ranks, professional titles of public employees and requirements of the jobs, ensure that they have no identical content and are economical and efficient; to review and cut unnecessary certificates of training.

- To reform the management mechanism and benefits for cadres and civil servants in communes, wards and townships and those who work part-time at the commune level in order to ensure a gradual reduction in the number of part-timers at the commune level, improve operational efficiency, and conduct contract financing.

- To reform incentive mechanisms and policies to make breakthroughs in finding, acquiring and recruiting talents in the fields of State governance and administration, science, technology and innovation, especially key industries and fields for fast and sustainable development. To formulate and effectively implement the National Talent Acquisition Strategy in the 2021-2030 period.

5. Public finance reform

a) Objectives

To strongly reform the mechanism of State budget allocation and use for administrative agencies and public non-business units in line with the tasks and output products assigned to them in order to improve their self-financing and self-responsibility and promote their creativity; to improve operational quality and efficiency; to control corruption in agencies and units. To accelerate the restructuring of State-owned businesses and reform the mechanism of management of State capital invested in businesses.

- By 2025:

+ To focus on improving the legal system to reform the mechanism of State budget allocation and management towards ensuring the vital role of the central budget and the proactive role of local budgets.

+ To further review and improve the legal system on reform of management and financial mechanisms for State administrative agencies and public non-business units. By 2025, at least 20% of public non-business units to cover their own recurrent expenses; 100% of economic and other non-business units to be eligible for transformation and be completely transformed into joint stock companies or self-finance their recurrent and capital expenditures.

- By 2030:

To fully and uniformly complete the legal system to institutionalize the CPV's guidelines on reforming the management and financial mechanisms of State administrative agencies and public non-business units. Expenditures directly funded by the State budget for public non-business units to reduce by 15% on average compared to that of the 2021-2025 period.

b) Tasks

- To study and propose amendments and supplements to the Law on State Budget and related documents to reform the mechanism of State budget allocation and management. To amend, supplement and improve regulations on implementing the contract financing mechanism for administrative management expenses of State administrative agencies and organizations by materializing the CPV's guidelines and meeting requirements of the reality.

To promote cooperation and take the initiative to integrate into international finance; to intensify the monitoring and supervision of international and regional integration.

To improve the capacity and effectiveness of supervision and protection of national financial security; to safely manage public debts, national debts, and government debts; to intensify the inspection and supervision of the use of loans for on-lending.

- To uniformly develop the financial markets and financial services: The stock market to be operated stably, sustainably, and effectively; the insurance market to be healthy and safe; the accounting and auditing service market to be uniform; Vietnam's valuation capacity to be enhanced; the bond market to develop in a modern and adequate manner along with the restructuring of the financial markets.

- To improve the financial mechanisms of public non-business units:

+ To complete the legal system on the self-financing mechanism for public non-business units, including regulations on revenues and expenditures, and distribution of additional income; authority and responsibility of heads of public non-business units; to intensify the decentralization and allow public non-business units to take the initiative.

+ To amend, supplement or promulgate the list of public administrative services funded with the State budget, economic - technical norms, and cost norms, as the basis for promulgating unit prices and prices of public services funded by the State budget in accordance with the law.

+ To promulgate criteria and standards for the quality of public services funded by the State budget; the mechanism of supervision, evaluation and quality assurance and the regulations on inspection and acceptance of public administrative services funded by the State budget that fall under the management of ministries, Central-level agencies and local authorities.

+ To change from the support mechanism of average allocation to the mechanism of the State ordering and assigning tasks to provide public administrative services based on output quality or through public procurement of public services; to create equal competition in providing public administrative services, to improve the quality and diversification of public administrative services.

- To step up the provision of public services according to the market mechanism, and to promote socialization thereof:

+ To review, amend and supplement mechanisms and policies to facilitate the socialization of provision of public services, especially in terms of health, education and training, science and technology, etc. according to the market mechanism.

+ To promulgate policies to encourage the establishment of non-public non-business units (in the fields of education and training, health, science and technology).

+ To transform public non-business units into the model of completely self-financing both capital and recurrent expenditures.

- To accelerate the restructuring of State-owned businesses and reform the mechanism of management of State capital invested in businesses. To research, amend, supplement and improve mechanisms and policies for restructuring State-owned businesses. To formulate and promulgate mechanisms and policies to promote, reform and improve the efficiency of State-owned enterprise administration.

6. Development of e-Government and Digital Government

a) Objectives

To intensify the application of information technology, digital transformation and application of scientific and technological advances, push the accomplishment of e-Government and Digital Government, thus contributing to the reform of working protocols and improving the productivity and operational efficiency of State administrative agencies at all levels so that they are capable of operating the digital economy and digital society, meeting the requirements of socio-economic development, national defense and security and international integration; to improve the quality of the provision of public services for citizens and organizations.

- By 2025:

+ 100% of national databases constituting the foundation for e-Government development to be completed as well as connected and shared across the country.

+ 100% of Public Service Portals, ministerial and provincial-level electronic single-window information systems to be connected and share data with the National Public Service portal.

+ 100% of the citizens and businesses using online public services to be granted e-identifications and authenticated smoothly and uniformly on all information systems of the government at Central to local levels.

+ 80% of the information systems of ministries, sectors and local authorities related to citizens and businesses that have been put into operation and exploitation to interconnected through the National Document Communication Axis and integrated data-sharing platforms; information of citizens and businesses that has been digitized and stored in national and specialized databases not to be re-provided.

+ 100% of reporting systems of ministries, sectors and local authorities to be interconnected and share data with the National Reporting Information System.

+ To deploy and expand the information system for the Government to hold meetings with and assign tasks to the People's Committees of provinces and districts: 100% of the People’s Committees at the provincial level, 80% of the People’s Committees at the district level to hold their meetings through this System.

+ 90% of working files at ministerial and provincial levels; 80% of working files at the district level and 60% of working files at the commune level to be processed on the Internet (other than those classified as State secrets).

+ 50% of inspection activities of the State regulatory authorities are carried out in the digital environment and via their information systems.

+ 100% of ministries, sectors and local authorities to complete the construction and put into operation the module for monitoring the tasks assigned by Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Government attached-agencies, chairpersons of provincial-level People's Committees and ensure the real-time display thereof.

+ Vietnam to be in the group of 70 countries with leading E-Government Development Index (EGDI).

- By 2030:

+ 100% online public services are provided at level 4 on various means of access, including mobile devices.

+ 100% of working files at ministerial and provincial levels; 90% of working files at the district level and 70% of working files at the commune level to be processed on the Internet (other than those classified as confidential information).

+ 70% of inspection activities of the State regulatory authorities are carried out in the digital environment and via their information systems.

+ At least 80% of adults have their own bank accounts.

+ Vietnam to be in the group of 50 countries with leading E-Government Development Index (EGDI).

b) Tasks

- To improve the legal environment:

+ To review, update, amend, supplement and develop the legal framework of ministries, sectors and local authorities to support the construction and development of the central Digital Government and local digital governments at all levels. To study and develop the Law on Digital Government and its guiding documents.

+ To promulgate regulations on electronic identification and authentication, and improve the legal framework for popularizing digital identities.

+ To make policies and legal regulations on taxes and fees to encourage citizens and businesses to use and provide digital services.

- To develop the national digital infrastructure:

+ To develop the transmission infrastructure to meet the needs of realizing the e-Government towards building the Digital Government in ministries, sectors and local authorities.

+ To develop the data transmission systems to meet the needs of realizing the e-Government towards building the Digital Government in ministries, sectors and local authorities.

+ To restructure information technology infrastructure and transform information technology infrastructure into digital infrastructure using cloud computing technology for connecting and managing resources and data of State agencies in a safe, flexible, stable and efficient manner.

+ To develop Internet of Things (IoT) infrastructure in service of operational and specialized applications for implementing e-Government towards building the Digital Government in line with developing smart cities in ministries, sectors and local authorities.

- To develop national digital platforms and systems:

+ To develop a ministerial/provincial-level Local Governance Support Programme (LGSP) connecting information systems and databases within ministries, sectors and local authorities and connecting to the National Governance Support Programme (NGSP) under the Vietnam E-Government Architecture Framework so as to exchange and share data with external agencies. To build security operations centers (SOC) to protect information systems of ministries, sectors and local authorities.

+ To develop specific systems for the whole sector and locality so as to save time and cost of deployment as well as facilitate the connection and data sharing, etc.

+ To build and develop an application platform on mobile devices to support citizens and businesses when using services and utilities in the e-Government and Digital Government.

- To develop the national digital data:

+ To develop specialized databases for digital government applications and services within ministries, sectors and local authorities; to effectively share specialized data of ministries and sectors with local authorities; to open data of State agencies in accordance with the law.

+ To build a data warehouse to store electronic data of citizens when conducting online transactions with State agencies on the National Public Service Portal and the information systems for settling administrative procedures at the ministerial and provincial levels.

+ To build data aggregation systems at ministerial and provincial levels in order to centrally store, synthesize, analyze and process digital data from different sources, thereby creating new information and new data service for developing the e-Government towards building the Digital Government.

- To develop internal applications and services:

+ To develop an information system to serve the leadership and administration of the Government and the Prime Minister.

To further develop and improve the National Document Communication Axis into a platform for connecting and sharing digital data, connecting information systems and databases of ministries, sectors and local authorities to serve the leadership and administration of the Government and the Prime Minister.

To develop and improve an information system serving meetings and tasks of the Government as well as the leadership and administration of the Government and the Prime Minister towards serving the leadership and administration of People's Committees at all levels.

To develop and improve the Information and Reporting System of Government, the Command Center of the Government and Prime Minister that can connect and integrate in real time with information systems and databases of ministries, agencies and local authorities at all levels.

To develop and improve a database management software system for monitoring the performance of tasks assigned by the Government and the Prime Minister, which can be interoperable with the document management and administration systems of ministries, sectors and local authorities.

To standardize and electronicize the online file processing workflow, forms, and reporting regime; to increase the communication of documents and reports in electronic format with digital signatures between State management agencies, socio-political organizations and businesses; to digitize and store working files of State agencies in electronic format according to the regulations.

+ To develop operational and specialized applications and internal services, connect and share data with information systems inside and outside ministries, sectors and local authorities on demand.

+ To promote the use of digital signatures, digital authentication, digital transformation and electronic sealing in processing administrative documents, thereby reducing paperwork, improving the efficiency of State governance, and simplifying operational processes.

+ To develop work-from-home or remote work systems for State agencies.

+ To strongly and effectively apply new digital technologies, such as cloud computing, big data, mobility, Internet of things (IoT), artificial intelligence (AI), Blockchain, social networks and others in building and deploying e-Government applications and services in ministries, sectors and local authorities.

- To develop applications and services to serve the citizens and businesses:

+ To develop and improve the National Public Service Portal and the ministerial- and provincial-level information systems for settling administrative procedures by merging the public service portals and the electronic single-window information systems of the ministries, sectors and local authorities in order to provide online public services; to completely integrate all online public services at levels 3 and 4 into the National Public Service Portal.

+ To improve the Business Regulations Database and the e-consultation portal under the program on the abolishment or simplification of business regulations in the 2020-2025 period.

+ To build online interactive channels for citizens to participate in and supervise the making and enforcement of policies and laws, and the decision-making by State agencies.

+ To develop and integrate electronic payment applications, and diversify non-cash payment methods in order to popularize electronic payment services to all citizens and increase accessibility thereof.

- To build and develop smart cities:

+ To develop smart city services suitable to actual conditions, specificities and needs. To prioritize services to solve pressing social issues in urban areas, such as traffic congestion, environmental pollution, tourism development, health and education development, construction management and to ensure the efficiency as well as avoid token service and wastefulness.

+ To select typical urban areas of provinces and centrally-run cities to pilot some services on the smart city platform; to promptly review, evaluate and replicate effective models in harmony with actual conditions.

IV. SOLUTIONS

1. To strengthen the leadership and administration of administrative reform from the Government and Prime Minister to ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and People's Committees at all levels.

To uphold the roles, responsibilities and capacity of the Government's standing body for administrative reform and agencies in charge of administrative reform in the Program. To have a mechanism for assigning, uniformly coordinating, clarifying the authority and specific responsibilities among agencies in charge of administrative reform so as to ensure that the Program is implemented uniformly and comprehensively following the roadmap set forth.

The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the Government-attached agencies and the chairpersons of the People's Committees of the provinces and centrally-run cities shall be directly responsible for leading and unifying the implementation of the Program within the scope of their management; consider administrative reform as the central and cross-cutting task of their entire terms of office; develop specific plans to implement the Program in each period and each field; explicitly assign responsibilities to each agency and organization as well as each cadre, civil servant and public employee; intensify inspection and push the implementation of the Program. To associate the evaluation of the performance of annual administrative reform tasks with the evaluation of responsibilities, leadership and management capacity of the heads of agencies and units. To attach importance to emulation and commendation with respect to administrative reform.

2. To promote information, communication and awareness raising among cadres, civil servants, citizens, businesses and society.

Administrative reform is not the work of the administrative system itself but is a common requirement of the whole society. Therefore, it is necessary to intensify the communication and dissemination of information so that all cadres, civil servants and citizens can properly perceive, agree, and abide by the guidelines, policies and tasks of administrative reform set forth by the CPV and the State. To strengthen the involvement of the Vietnam Fatherland Front at all levels, socio-political organizations, citizens and businesses in the supervision and social criticism of the administrative agencies, cadres, civil servants and public employees regarding the performance of their tasks and public duties. It is necessary to further use practical tools and measures to promote democracy and exercise the citizens' right to supervise the operations of the administrative apparatus, such as increasing the consultation of the citizens on the making of institutions and policies, evaluating the service and attitude of cadres and civil servants against the citizens; consider the satisfaction of citizens and organizations with the quality of public services as a measure of the quality and performance of State agencies.

3. To allocate sufficient financial and human resources for administrative reform.

To gather and arrange enough cadres, civil servants and public employees capable of developing and performing administrative reform tasks. To improve the study and leadership capacity of agencies in charge of assisting the Government and People's Committees at all levels to perform administrative reform tasks. To strengthen the training and retraining to improve professional qualifications and skills for civil servants who directly advise on administrative reform tasks for ministries, sectors and local authorities. To prioritize financial resources to perform administrative reform tasks.

4. To tighten administrative discipline in association with creating motivation for reform among cadres, civil servants and public employees.

To tighten administrative discipline and public service ethics among cadres, civil servants and public employees in line with preferential policies to encourage cadres, civil servants and public employees to well perform their duties as well as mechanisms of removing and dismissing those who fail to fulfill their duties, commit disciplinary violations, and lose credibility among the citizens. To take various measures to motivate the contingent of cadres, civil servants and public employees for reform, such as: To promote personal responsibility in the performance of official duties; to pay attention to improving the benefits of cadres, civil servants and public employees with a satisfactory salary and reward policy; to reform the method of assessing cadres, civil servants and public employees based on their task performance; to have mechanisms and policies to encourage training, retraining and improvement of qualifications and capacity, and create promotion and development opportunities for responsible, innovative and creative individuals in performing their administrative reform tasks.

5. To reform the methodology of periodically monitoring and evaluating the performance of administrative reform tasks; to regularly measure the satisfaction of citizens and organizations.

To further study and improve indicators for monitoring and evaluating annual administrative reform outcomes of administrative agencies at all levels; to reform and improve the quality of assessment and calculation of the annual Public Administration Reform Index of administrative agencies in a comprehensive, multifaceted, public, transparent manner while increasing the application of information and communication technology in the evaluation.

To regularly survey the satisfaction of citizens and organizations with the service of State administrative agencies at all levels in various forms in terms of different State governance aspects, such as promulgation of mechanisms, making of laws and policies; law enforcement; provision of public services, etc. by State administrative agencies at all levels. To effectively apply information and communication technology in online surveys of citizens and organizations in order to provide regular, continuous and timely information on the service of administrative agencies to the Government and the local governments at all levels.

6. To promote the application of science and technology, especially information technology, communication and digital technology in the operations of administrative agencies in order to improve the capacity, operational efficiency and service quality of the agencies.

V. FUNDS FOR IMPLEMENTATION

1. Funds for the implementation of the Program shall be allocated from the State budget according to the current decentralization of State budget.

2. Ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, People's Committees of provinces and centrally-run cities shall allocate funds to perform the Program's tasks in annual budget estimates approved by competent authorities.

3. The mobilization of funds other than the Central budget in accordance with the law for the implementation of the Program is encouraged.

Article 2. Implementation organization

1. Ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, People's Committees of provinces and centrally-run cities shall:

a) Develop their own administrative reform plans to implement the Program following the Government's reform roadmap. Based on specific conditions, ministries, agencies and local authorities shall take the initiative in formulating and promulgating, then implementing their Public Administrative Reform Programs and Plans for the 5-year period or the whole 2021-2030 period.

b) Make funding estimates for their administrative reform programs, plans, schemes and tasks already approved by competent authorities, and send them to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance where they are summarized and submitted to competent authorities for approval in annual State budget estimates of ministries, sectors and local authorities.

c) Send quarterly, semi-annual, annual or ad hoc reports to the Ministry of Home Affairs on the implementation of the Program following the guidance of the Ministry of Home Affairs for the ministry to summarize and report them to the Government and the Prime Minister.

d) Ensure benefits for cadres and civil servants who perform administrative reform tasks and control administrative procedures in accordance with the law.

2. Ministries and agencies in charge of national-scale projects mentioned in the Appendix to this Resolution shall coordinate with relevant ministries and agencies in formulating and submitting such projects to competent authorities for approval and implementation in accordance with the regulations.

3. The Ministry of Home Affairs shall:

a) Act as the standing body in coordinating the implementation of the Program.

b) Assume the prime responsibility for implementing the reform of administrative apparatus, civil service reform and salary policy reform for cadres, civil servants and public employees; coordinate with the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security in reforming the salary policies for the people's armed forces.

c) Submit solutions to intensify the leadership and administration to the Prime Minister for decision, and push the implementation of the Program.

d) Guide ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, People's Committees of provinces and centrally-run cities to formulate their annual administrative reform plans.

dd) Appraise administrative reform pilot schemes developed by ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and People's Committees of provinces and centrally-run cities. and submit them to the Prime Minister.

e) Guide ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, People's Committees of provinces and centrally-run cities to formulate their monthly, semi-annual, annual or ad hoc reports on the implementation of the Program.

g) Check and summarize the implementation of the Program; send quarterly, semi-annual, annual or ad hoc reports to the Government and the Prime Minister.

h) Assume the prime responsibility for developing and implementing methods of monitoring, evaluating and determining the annual public administrative reform index of ministries, ministerial-level agencies and People's Committees of provinces and centrally-run cities.

i) Assume the prime responsibility for the development and implementation of methods to measure citizens' satisfaction with the service of State administrative agencies.

k) On an annual basis, organize refresher and capacity building courses for cadres and civil servants who perform administrative reform tasks in ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, and People's Committees of the provinces and centrally-run cities. Strengthen the training and retraining to improve professional qualifications and skills and ensure satisfactory mechanisms and policies for cadres and civil servants who directly advise on administrative reform tasks for ministries, sectors and local authorities.

l) Assume the prime responsibility for the information and communication on administrative reform. On an annual basis, formulate and implement the information and communication plan on administrative reform.

m) By 2025, conduct a preliminary review, and by 2029, conduct a summary review and evaluation of the implementation of the Master Program.

4. The Ministry of Justice shall:

a) Monitor and summarize the institutional reform.

b) Assume the prime responsibility for performing the tasks of reforming and improving the quality of the elaboration and promulgation of legal documents and the law enforcement.

c) Assume the prime responsibility for building and effectively operating the electronic Civil Registration Database, which shall be compatible with the National Population Database.

5. The Governmental Office shall:

a) Assume the prime responsibility for administrative procedure reform.

b) Assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant agencies in, the development, management and operation of the National Public Service Portal; the National Document Communication Axis; the Information System serving meetings and tasks of the Government; the National Information and Reporting System and the Command Center of the Government and Prime Minister; the database management system for monitoring the performance of tasks assigned by the Government and the Prime Minister; improve the Business Regulations Database and the e-consultation portal.

Formulate and submit to the Prime Minister for promulgation the Regulations on management, operation and exploitation of the National Information and Reporting System and the Command Center of the Government and the Prime Minister.

c) Assume the prime responsibility for pushing ministries, sectors and local authorities to reform working practices and protocols by communicating documents by electronic means and processing working files and settling administrative procedures in the digital environment; operating based on digital data; monitoring and evaluating the performance of tasks assigned by the Government and the Prime Minister in real time; integrating the information and reporting systems of ministries, sectors and local authorities with the Government’s Information and Reporting System to form a national information and reporting system.

6. The Ministry of Finance shall:

a) Assume the prime responsibility for summarizing and submitting to competent authorities for allocating funds for performing administrative reform tasks in annual State budget recurrent expenditure estimates of ministries and Central-level agencies in accordance with the Law on State budget and its guiding documents.

b) Assume the prime responsibility for formulating and improving mechanisms and policies on reform of self-financing mechanism of public non-business units.

7. The Ministry of Planning and Investment shall:

a) Monitor and push ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, People's Committees of provinces and centrally-run cities to implement Resolution No. 99/NQ-CP dated October 3, 2017, of the Government promulgating the Program of Action to implement Resolution No. 11-NQ/TW of June 3, 2017, of the 5th plenum of the 12th-tenure CPV Central Committee on completing the institution of the socialist-oriented market economy.

b) Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Home Affairs in, summarizing and submitting to competent authorities for allocating funds from the Central budget for projects in the annual State budget estimates on administrative reform of State administrative agencies.

c) Assume the prime responsibility for summarizing and submitting to competent authorities for decision the official development assistance (ODA) to fund the implementation of the Program.

8. The Ministry of Information and Communications shall:

a) Assume the prime responsibility for developing e-Government and Digital Government.

b) Direct the media agencies to step up the information and communication on State administrative reform in the 2021-2030 period.

9. The Ministry of Health shall:

a) Assume the prime responsibility for reviewing and clarifying the State governance of providing health services. Reform the organization and management, and improve the quality and performance of public non-business units in the health sector.

b) Assume the prime responsibility for developing and guiding the implementation of methods to measure citizens' satisfaction with public health services.

c) Assume the prime responsibility for the reform of health insurance policies.

10. The Ministry of Education and Training shall:

a) Assume the prime responsibility for reviewing and clarifying the State governance of providing educational services. Reform the organization and management, and improve the quality and performance of public non-business units in the education sector.

b) Direct the review and arrangement of the network of schools, kindergartens, high schools and universities to ensure it is streamlined and efficient, associate this with restructuring and improving the quality of the educational administrators, teachers and employees of the education sector in line with Resolution No.19-NQ/TW dated October 25, 2017, adopted at the 6th session of the 12th-tenure CPV Central Committee on continuing to reform organizational and management structure, enhance quality and efficiency of public non-business units.

c) Assume the prime responsibility for developing and guiding the implementation of methods to measure citizens' satisfaction with public educational services.

11. The Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs shall:

a) Assume the prime responsibility for reviewing and clarifying the State governance of providing vocational education services. Reform the organization and management, and improve the quality and performance of public non-business units in the vocational education sector.

b) Assume the prime responsibility for reforming salary policies for employees in various types of businesses, social insurance policies and incentives for citizens with meritorious services; coordinate with the Ministry of Home Affairs in reforming the salary policy for cadres, civil servants and public employees.

12. The Ministry of Science and Technology shall:

a) Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance in, proposing to improve the legal provisions on reform of the financial mechanism for scientific and technological activities, and innovation.

b) Study and propose solutions to reform the organization, management, improve the quality, operational efficiency and self-financing mechanism of public scientific and technological institutions.

13. The Ministry of Culture, Sports and Tourism shall:

Review current socialization mechanisms and policies, coordinate with the Ministry of Finance and other ministries, sectors and localities in proposing and advising competent authorities to issue new legal documents or revise current legal documents to promote the socialization in cultural, sports and tourism activities suitable to the country's conditions. Formulate and submit to the Prime Minister for promulgation a list of basic and essential public services in relation to culture, family, sports and tourism.

14. The Ministry of Public Security shall:

a) Assume the prime responsibility for effectively deploying, operating, exploiting and updating the National Population Database and the Citizen Identification Database. Assume the prime responsibility for managing the electronic identification and authentication via the National Population Database on the system developed by the Ministry of Public Security.

b) Study and propose solutions to reform the residence management towards modernity with the appropriate roadmap and steps.

15. The Ministry of National Defence shall:

Study and reform the immigration control towards automatic control and settlement of procedures in the electronic environment in order to facilitate the entry and exit through border gates managed by the ministry.

16. Vietnam News Agency, Voice of Vietnam, Vietnam Television, Government Portal, Central- and local-level media and information agencies shall: Open special sections and sites themed public administration reform to disseminate the Program and receive feedbacks from citizens, businesses, agencies and organizations on public administration reform by ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, and People's Committees at all levels.

Article 3. Effect and responsibilities for enforcement

1. This Resolution takes effect from the date of its signing for promulgation.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, chairpersons of People's Committees of provinces and centrally-run cities, relevant agencies, organizations and individuals shall be responsible for implementing this Resolution./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT

FOR THE PRIME MINISTER

THE DEPUTY PRIME MINISTER

 

 

Truong Hoa Binh

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Resolution 76/NQ-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Resolution 76/NQ-CP PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 777/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Lao động-Tiền lương, Chính sách, Hành chính, COVID-19

văn bản mới nhất