Quyết định 2128/QĐ-BGTVT Kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân Tết 2021
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 2128/QĐ-BGTVT
Cơ quan ban hành: | Bộ Giao thông Vận tải |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 2128/QĐ-BGTVT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Văn Thể |
Ngày ban hành: | 12/11/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | An ninh trật tự, Giao thông |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Đây là yêu cầu được nêu ra tại Quyết định 2128/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 12/11/2020 về Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
Bộ yêu cầu các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao; có kế hoạch tăng cường, bổ sung hoặc điều chuyển phương tiện khi có nhu cầu, bảo đảm cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên đi lại được thuận tiện, an toàn: không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển.
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chỉ được chở đúng tải trọng cho phép, số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19;
Các hãng hàng không bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyển, hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Bộ cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo công tác triển khai thực hiện nội dung theo yêu cầu tại Kế hoạch này của đơn vị mình về Bộ tại địa chỉ Email: vpbaocao@mt.gov.vn; vanthu.gtvt@mt.gov.vn; vuvantai@mt.gov.vn, số fax: 02439427331 trước ngày 15/12/2020.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định2128/QĐ-BGTVT tại đây
tải Quyết định 2128/QĐ-BGTVT
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 2128/QĐ-BGTVT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH CÔNG TÁC PHỤC VỤ TỐT NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NHÂN DÂN, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG DỊP TẾT DƯƠNG LỊCH, TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ MÙA LỄ HỘI XUÂN TÂN SỬU NĂM 2021
-----------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC PHỤC VỤ TỐT NHU CẦU ĐI LẠI CỦA NHÂN DÂN, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG DỊP TẾT DƯƠNG LỊCH, TẾT NGUYÊN ĐÁN VÀ MÙA LỄ HỘI XUÂN TÂN SỬU NĂM 2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2128/QĐ-BGTVT ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và vận tải hàng hóa; bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021
2. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, trật tự trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong hoạt động vận tải; quản lý các bến, bãi đỗ xe, nhà ga, cảng hàng không; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ về công tác này, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe, lái tàu, các đơn vị kinh doanh phục vụ hoạt động vận tải.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Trong những năm qua, Bộ Giao thông vận tải luôn luôn chủ động có kế hoạch chỉ đạo công tác vận tải để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân. Từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; đặc biệt phục vụ nhu cầu đi lại bảo đảm cho cán bộ, công nhân các khu công nghiệp, nhân dân các huyện vùng sâu và biên giới hải đảo, học sinh, sinh viên đi lại được thuận tiện, an toàn; không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong các dịp nghỉ Lễ, Tết khi nhu cầu vận tải tăng cao vẫn còn hiện tượng một số nhà xe chèn ép giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định; vận tải hàng không còn chậm chuyến, hủy chuyến; vận tải đường thủy nội địa tuyến từ bờ ra đảo năng lực phương tiện còn hạn chế khi gặp thời tiết xấu phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến ùn ứ hành khách phải nhờ đến tàu của Quân đội. Cảnh sát biển để giải tỏa khách.
Để chủ động phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch. Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021, hạn chế tối đa các hiện tượng còn tồn tại nêu trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải, các Tổng công ty và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong toàn ngành Giao thông vận tải, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai các nội dung sau:
1. Nhiệm vụ chung:
1.1. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021. Đối với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ thì phân công lịch trực của lãnh đạo, chuyên viên để thực hiện (không thành lập Ban chỉ đạo).
1.2. Lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết Dương lịch. Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021, trong đó có đủ các thông tin: họ và tên, chức vụ, ngày trực, địa chỉ email, số điện thoại, số fax gửi về Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tiện trong trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết công việc.
1.3. Công bố số điện thoại đường dây nóng và thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị mình: tổng hợp báo cáo các nội dung phản ánh gửi về Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tiện trong trao đổi thông tin và phối hợp giải quyết công việc hàng ngày trong dịp Tết Dương lịch. Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
1.4. Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối đa ùn tắc giao thông. Tập trung chủ yếu: kế hoạch bố trí phương tiện: kế hoạch tăng cường, bổ sung hoặc điều chuyển phương tiện khi có nhu cầu, bố trí lái tàu, lái xe, phi công, nhân viên phục vụ: kế hoạch kiểm tra các điều kiện an toàn vận tải; bảo đảm cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên đi lại được thuận tiện, an toàn: không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển.
1.5. Chỉnh trang sạch đẹp tại các vị trí khu vực nhà ga, cảng, bến thủy nội địa, bến xe, cảng hàng không, sắp xếp các vị trí cung cấp thông tin để hành khách chủ động trong việc lựa chọn chuyến đi; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động bán vé trước cho hành khách bằng nhiều hình thức và ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua vé, đồng thời có biện pháp chống việc đầu cơ, buôn bán vé gây mất trật tự xã hội.
1.6. Quán triệt các đơn vị vận tải, các cảng, bến thủy nội địa, nhà ga, cảng hàng không thực hiện nghiêm các quy định trong việc vận chuyển hành khách và hàng hoá; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi khi tham gia giao thông.
1.7. Ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng hóa là nguồn phát sinh, lây lan bệnh dịch:
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo:
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế trên các phương tiện vận tải hành khách đi, đến từ khu vực có dịch bệnh để hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng gia súc.
1.8. Công tác kết nối các phương thức vận tải để phục vụ vận chuyển hành khách:
- Các Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, đặc biệt là những địa phương có lưu lượng hành khách và phương tiện đi lại tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021, chủ động xây dựng kế hoạch làm việc với các đơn vị có liên quan để tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy, phối hợp và hỗ trợ cùng nhau để phục vụ vận tải hành khách đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông.
- Tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng để kết nối và hỗ trợ hành khách đi lại thuận tiện tại các đầu mối giao thông tập trung lượng hành khách lớn như: nhà ga đường sắt, cảng, bến xe, bến tàu.
1.9. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm:
- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm giữ gìn trật tự, an ninh trong hoạt động vận tải tại khu vực bến tàu, bến xe, cảng hàng không, khu vực trường học: bảo đảm an ninh, trật tự trên phương tiện trong quá trình hoạt động: phòng chống cháy nổ, phòng chống khủng bố, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; chỉ dẫn, tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiếu ùn tắc giao thông.
1.10. Phối hợp cơ quan truyền thông để tổ chức tuyên truyền về kế hoạch phục vụ vận tải Tết của cơ quan, đơn vị mình: thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về Kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị mình.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
Các cơ quan, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình thực hiện các nhiệm vụ tại mục I phần II của Kế hoạch này.
2.1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam
a) Chủ động tổ chức kiểm tra công tác phục vụ vận tải đường bộ trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021 tại một số địa phương; trường hợp Bộ GTVT tổ chức Đoàn kiểm tra thì bố trí người tham gia Đoàn kiểm tra của Bộ GTVT để kiểm tra công tác phục vụ vận tải đường bộ của Sở Giao thông vận tải, doanh nghiệp vận tải, đơn vị bến xe;
b) Hướng dẫn, đôn đốc các Sở Giao thông vận tải chỉ đạo:
- Các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe;
- Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải và tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định, đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng:
- Các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật ATGT, thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện, không lái xe khi đã uống rượu bia, hướng dẫn quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông trên đường cao tốc trên các phương tiện thông tin đại chúng:
c) Thường xuyên phối hợp các Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai để quản lý hoạt động của phương tiện (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô) để xử lý vi phạm theo quy định;
d) Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở Giao thông vận tải: Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định;
d) Chỉ đạo các Cục QLĐB kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông, đặc biệt là các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế; tăng cường lực lượng tổ chức, bảo đảm giao thông, phân luồng hợp lý, hướng dẫn phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt, bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu phí, nhất là trên các trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các trạm thu phí BOT, các điểm đang thi công thường xảy ra ùn tắc; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt là trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực có nguy cơ ùn tắc cao, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; các nút giao giữa đường phụ ra đường chính;
e) Kiểm tra, chỉ đạo các Trạm thu phí đường bộ kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào Trạm thu phí đường bộ. Trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào Trạm thu phí đường bộ phải mở baric để giải tỏa phương tiện.
2.2. Cục Hàng không Việt Nam
a) Chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay;
b) Chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không, các công ty cung cấp dịch vụ hàng không và cảng vụ hàng không có kế hoạch bố trí nhân lực để bảo đảm an toàn và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại trong các ngày cao điểm trước, trong và sau Tết;
c) Chỉ đạo các cảng vụ hàng không chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn cảng hàng không hoặc Cục Y tế GTVT tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên các chuyến bay, tại các khu vực dịch vụ của cảng hàng không;
d) Chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyển, hủy chuyến đặc biệt trong dịp cao điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021;
đ) Chỉ đạo các cảng hàng không phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải và các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất;
e) Chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không có hoạt động vận chuyển mặt đất (xe tra nạp xăng dầu, xe chở thức ăn, xe chở khách/chở hàng...) tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông khu vực cảng.
2.3. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam
a) Tăng cường phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng (Thanh tra Sở GTVT, Biên phòng, Cảnh sát biển...) kiểm tra các tuyến vận tải ven biển, các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, chú trọng các tuyến đi Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Cát Bà, Vịnh Hạ Long…, đặc biệt là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, các bến tàu phục vụ du lịch, lễ hội; chỉ đạo các Cảng vụ Đường thủy nội địa phối hợp với Cảng vụ Hàng hải để kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo khi có hiện tượng thời tiết xấu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển của tàu thuyền;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các cảng, bến thủy nội địa, cảng, bến hành khách có nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, chở đúng trọng tải cho phép đối với phương tiện chở hàng hóa, thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy;
c) Đôn đốc các Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai thực hiện việc kiểm tra các bến khách ngang sông, nhất là việc chấp hành các quy định về bảo đảm thiết bị cứu sinh và chở đúng số người quy định, việc thực hiện quy định về giá vé, phòng chống cháy nổ trên phương tiện; cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
2.4. Cục Đường sắt Việt Nam
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt cho người dân, đặc biệt là người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông;
b) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt tăng cường kiểm tra tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, nhất là các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn các thành phố lớn; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang, các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt theo thẩm quyền;
c) Chủ trì và phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, công tác phục vụ vận tải đường sắt tại các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.
2.5. Cục Hàng hải Việt Nam
a) Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để tăng cường công tác quản lý tuyến vận tải ven biển và tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo theo thẩm quyền;
b) Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt chú trọng cảnh báo về ảnh hưởng thời tiết gió mùa Đông Bắc khi phương tiện hoạt động tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng...);
c) Chỉ đạo các doanh nghiệp cảng biển tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và xếp hàng hóa đúng tải trọng phương tiện.
2.6. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông
a) Chỉ đạo các Ban quản lý dự án tăng cường công tác kiểm tra đơn vị thi công thực hiện nghiêm việc đảm bảo an toàn giao thông khi thi công các công trình; có kế hoạch hoàn trả mặt đường và biện pháp thi công phù hợp với thời gian phục vụ Tết để không ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân; đồng thời yêu cầu lái xe, chủ xe chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình xây dựng đúng trọng tải cho phép chở theo quy định:
b) Thành lập và duy trì bộ phận ứng trực để bảo đảm giao thông trong dịp Tết Dương lịch. Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
2.7. Cục Đăng kiểm Việt Nam
a) Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng cường phục vụ tốt nhu cầu đăng kiểm phương tiện của tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân;
b) Phối hợp tuyên truyền việc thực hiện các quy định trong kinh doanh vận tải.
2.8. Cục Y tế Giao thông vận tải
a) Phối hợp với các Vụ, Cục, Trung tâm Y tế Hàng không, Trung tâm Y tế Đường sắt tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch trên các chuyến bay, đoàn tàu và tại các khu dịch vụ của Cảng hàng không, nhà ga, bến xe;
b) Thường xuyên cập nhật ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid - 19 của Bộ GTVT; dự trù đầy đủ thuốc, máu, dịch truyền, phương tiện, trang thiết bị y tế, nhân lực trực ngoại viện phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch, ngộ độc, tai nạn giao thông.
2.9. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai
a) Chủ động phối hợp với Sở Tài chính và Công an tỉnh, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra công tác phục vụ vận tải, kiểm tra việc tuân thủ quy định về giá cước, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021;
b) Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và quán triệt tới các đơn vị có liên quan để tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy, phối hợp và hỗ trợ cùng nhau để phục vụ vận tải hành khách đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông;
c) Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông: chỉ dẫn phân luồng bảo đảm giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông;
d) Chỉ đạo tăng cường vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để kết nối với các loại hình vận tải khác, kịp thời giải tỏa hành khách tại các bến xe; chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch tổ chức các chuyến xe hỗ trợ công nhân, sinh viên về quê ăn Tết;
đ) Đối với các địa phương (35 tỉnh, thành phố)[1] có thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hoạt động của phương tiện đúng tuyến đường, khu vực được phép hoạt động mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã quy định; tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, công tác chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
2.10. Các Tổng công ty: Đường sắt Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Việt Nam, Vận tải thủy, Hàng hải Việt Nam tăng cường công tác phối hợp giữa các lĩnh vực để thực hiện hiệu quả công tác tổ chức vận tải hành khách và hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
Riêng đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra; tiếp tục vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương tham gia cảnh giới để bảo đảm an toàn giao thông tại các nối đi tự mở qua đường sắt; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; kiểm tra chất lượng phương tiện chở khách, không cho phép sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia giao thông.
3. Chế độ báo cáo:
a) Các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo công tác triển khai thực hiện nội dung theo yêu cầu tại Kế hoạch này của đơn vị mình về Bộ Giao thông vận tải (địa chỉ Email: vpbaocao@mt.gov.vn; vanthu.gtvt@mt.gov.vn; vuvantai@mt.gov.vn, số fax: 02439427331) trước ngày 15/12/2020;
b) Vụ Vận tải tổng hợp báo cáo về lĩnh vực vận tải gửi Văn phòng Bộ để tổng hợp Báo cáo chung;
c) Vụ An toàn giao thông tổng hợp báo cáo về tình hình an toàn giao thông, tai nạn giao thông gửi Văn phòng Bộ để tổng hợp Báo cáo chung của Bộ GTVT;
d) Văn phòng Bộ tổng hợp Báo cáo chung gửi Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời, thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
2. Thanh tra Bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
3. Vụ Vận tải chủ trì, phối hợp Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục, các Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải, Xây dựng Lào Cai để kiểm tra hoặc tổ chức kiểm tra đột xuất công tác thực hiện kế hoạch trong dịp Tết Dương lịch. Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
4. Vụ Vận tải, Vụ An toàn giao thông, Văn phòng Bộ đôn đốc việc triển khai thực hiện và là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện kế hoạch này từ các cơ quan, đơn vị gửi về Bộ Giao thông vận tải.
5. Đề nghị Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:
a) Phối hợp Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị địa phương triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021;
b) Chủ trì, phối hợp với Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo trật tự an toàn trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021.
Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện./.
[1] 35 địa phương được phép thí điểm, gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Vĩnh Phúc.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây