Nghị quyết 294A/2007/UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Nghị quyết 294A/2007/UBTVQH12
Cơ quan ban hành: | Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 294A/2007/UBTVQH12 |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Người ký: | Nguyễn Phú Trọng |
Ngày ban hành: | 27/09/2007 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Nghị quyết 294A/2007/UBTVQH12
NGHỊ QUYẾT
CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 294A/2007/UBTVQH12
NGÀY 27 THÁNG 9 NĂM 2007 VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TỈNH, THÀNH PHỐ
TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Q
uốc hội số 83/2007/QH11;
Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH12;
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng chịu trách nhiệm trước tỉnh uỷ, thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Điều 2.
Trong quá trình chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định.
Điều 3.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thực hiện sự chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 4.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có các nhiệm vụ sau đây:
1. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và tình hình cụ thể của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng ở địa phương; tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kế hoạch đó;
2. Chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng;
3. Chỉ đạo phối hợp hoạt động của các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm cho công tác này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;
4. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ, việc tham nhũng ở địa phương theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng;
5. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng ở địa phương; kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;
6. Ðịnh kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo tỉnh uỷ, thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng về tình hình, kết quả phòng, chống tham nhũng ở địa phương và hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.
Điều 5.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có các quyền hạn sau đây:
1. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp cần thiết, yêu cầu báo cáo việc xử lý vụ, việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng;
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiến nghị, yêu cầu xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả;
3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; khi xét thấy cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết một số vụ, việc nhằm bảo đảm việc xử lý được kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; chủ trì thảo luận và kết luận chỉ đạo việc phối hợp xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp ở địa phương mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân - Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ giám đốc sở và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân cấp huyện và các chức vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động chống tham nhũng;
5. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đảng viên, cán bộ, công chức hoặc người giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động chống tham nhũng;
6. Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;
7. Trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo khi cần thiết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tố cáo hành vi tham nhũng hoặc tham gia chống tham nhũng; đề nghị khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Điều 6.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng bao gồm các thành viên sau đây:
1. Trưởng Ban chỉ đạo: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
2. Phó Trưởng Ban chỉ đạo (tương đương chức vụ giám đốc sở làm nhiệm vụ thường trực Ban chỉ đạo);
3. Các Ủy viên Ban chỉ đạo:
a) Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d) Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
đ) Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
e) Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ;
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân - Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng quyết định danh sách cụ thể thành viên Ban chỉ đạo.
Điều 7.
1. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có bộ phận giúp việc từ 3 đến 5 người, đối với một số tỉnh, thành phố lớn có thể nhiều hơn nhưng không quá 10 người và do Phó Trưởng Ban chỉ đạo quản lý, điều hành.
2. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bộ phận giúp việc là một khoản riêng trong tổng kinh phí của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do ngân sách địa phương cấp theo đề nghị của Ban chỉ đạo. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động của Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc.
Trụ sở làm việc của bộ phận giúp việc đặt tại Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có con dấu theo quy định của pháp luật.
4. Thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và cán bộ, công chức bộ phận giúp việc được hưởng phụ cấp trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng do Chính phủ quy định.
Điều 8.
Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo;
2. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
3. Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình công tác và những vấn đề khác thuộc phạm vi hoạt động của Ban chỉ đạo;
4. Chủ trì, kết luận các cuộc họp của Ban chỉ đạo;
5. Chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban chỉ đạo trước tỉnh uỷ, thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Điều 9.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Trưởng Ban chỉ đạo; giúp Trưởng Ban chỉ đạo điều hành hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo và theo dõi, đôn đốc hoạt động của các thành viên Ban chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo;
2. Quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo về mọi hoạt động của bộ phận giúp việc; quyết định các vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ của bộ phận này.
Điều 10.
Ủy viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng về những nhiệm vụ được phân công; chủ động đề xuất, kiến nghị với Trưởng Ban chỉ đạo các giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng.
Các Ủy viên Ban chỉ đạo sử dụng bộ máy của cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Ban chỉ đạo phân công.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 11.
1. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Trưởng Ban chỉ đạo kết luận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng họp định kỳ hằng tháng; họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban chỉ đạo. Tùy theo từng vấn đề mà Trưởng Ban chỉ đạo có thể quyết định họp toàn thể hay họp những thành viên có liên quan; trong trường hợp cần thiết, quyết định việc mời lãnh đạo cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự cuộc họp của Ban chỉ đạo.
3. Ðịnh kỳ ba tháng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tổ chức giao ban về công tác phòng, chống tham nhũng với các sở, ban, ngành, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; thành phần tham dự do Trưởng Ban chỉ đạo quyết định, tập trung vào những lĩnh vực, sở, ban, ngành, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiều vụ, việc tham nhũng hoặc có nhiều hạn chế trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Điều 12.
1. Ðịnh kỳ hằng tháng, ba tháng, sáu tháng, hằng năm, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng với tỉnh uỷ, thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và báo cáo đột xuất khi xảy ra các vụ việc phức tạp hoặc khi có yêu cầu.
Quyết định tạm đình chỉ công tác, yêu cầu hoặc kiến nghị tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 của Nghị quyết này phải được gửi đến tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức liên quan trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ký.
2. Định kỳ ba tháng, Ủy viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ được phân công với Trưởng Ban chỉ đạo.
3. Trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử vụ, việc tham nhũng, nếu có sự cản trở, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thì cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ở địa phương có trách nhiệm kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.
Điều 13.
1. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trong trường hợp ý kiến của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng khác với ý kiến của tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng thì Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng báo cáo và thực hiện theo ý kiến Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.
2. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng đối với các cơ quan, tổ chức của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Trong trường hợp ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng khác với ý kiến chỉ đạo của các cơ quan tư pháp trung ương đối với các cơ quan tư pháp địa phương trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thì các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của các cơ quan tư pháp trung ương; Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng báo cáo vấn đề này với Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Điều 14.
1. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác giám sát phòng, chống tham nhũng tại địa phương.
Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời tham dự các phiên họp của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.
2. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm phối hợp với các ban của tỉnh uỷ, thành uỷ và các cấp ủy đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức đảng ở địa phương;
b) Kiến nghị, yêu cầu cấp ủy đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có liên quan đến tham nhũng.
3. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời tham dự các phiên họp của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15.
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố.
2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Trọng
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây