Quyết định 1558/QĐ-TTg 2016 về bảo tồn giá trị tác phẩm VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam

thuộc tính Quyết định 1558/QĐ-TTg

Quyết định 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam"
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:1558/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Vũ Đức Đam
Ngày ban hành:05/08/2016
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Văn hóa-Thể thao-Du lịch

TÓM TẮT VĂN BẢN

Quảng bá tác phẩm văn học về dân tộc thiểu số dưới dạng sách điện tử, 3D

Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05/08/2016 tại Quyết định số 1558/QĐ-TTg.
Theo đó, nhằm góp phần củng cố và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó cùng phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bổ sung nguồn tài liệu, tư liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi, giao lưu và phát triển văn hóa giữa các tộc người…, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trực thuộc khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử, sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số.
Trong đó, biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm dưới dạng sách in; xuất bản 1.500 sách điện tử; xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa; xây dựng 54 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tộc người hoặc phim chuyên đề về văn hóa, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định1558/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
Số: 1558/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2016
 
 
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM”
--------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Tờ trình số 968/TTr-UB ngày 18 tháng 7 năm 2016,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu và nhiệm vụ
a) Giới thiệu, quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với thế giới, đồng thời phản bác lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.
b) Góp phần củng cố và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó cùng phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
c) Xây dựng, bổ sung và số hóa kho tư liệu về văn hóa, văn học, nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng trên cơ sở kế thừa nguồn tư liệu của các nhà dân tộc học, nhân học, văn hóa học và các sáng tác văn học, nghệ thuật... trước đây.
d) Bổ sung nguồn tài liệu, tư liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi, giao lưu và phát triển văn hóa giữa các tộc người; là cẩm nang, là kiến thức cơ bản cho các cán bộ làm công tác dân vận, giáo viên, chiến sỹ biên phòng vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và đông đảo các đối tượng thụ hưởng khác trong và ngoài nước.
2. Nội dung Đề án
Khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử (Ebook), sách 3D, các phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số. Cụ thể:
a) Về sách in: Biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm được chọn lọc từ kho tài liệu hơn 2.500 tác phẩm, công trình đã được nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác.
b) Sách điện tử (Ebook): Xuất bản 1.500 sách điện tử được chuyển từ 1.500 tác phẩm, công trình sách in đã xuất bản nêu trên; bảo đảm dễ dàng, thuận lợi sử dụng, truy cập trên máy tính để bàn và trên các thiết bị điện tử cầm tay với hệ điều hành phù hợp, thông dụng.
c) Sách 3D: xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc, giới thiệu về những đặc trưng của từng dân tộc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa.
d) Xây dựng 54 phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tộc người hoặc phim chuyên đề về văn hóa, lễ hội dân gian, tín ngưỡng dân gian, nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như âm nhạc nghệ thuật truyền thống... của 54 dân tộc.
đ) Trang tin điện tử (Website) của Đề án: Tất cả hệ thống tư liệu được đăng tải trên Trang tin điện tử của Đề án bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài; bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu nhất về văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc; các tác phẩm, công trình của Đề án dưới dạng file điện tử được công bố và phổ biến rộng rãi văn hóa và văn học, nghệ thuật các dân tộc Việt Nam đến mọi đối tượng trong nước và quốc tế.
e) Thư viện số hóa: Tất cả sản phẩm của Đề án, gồm: sách điện tử (Ebook), sách 3D, phim tài liệu, phim chuyên đề... được số hóa, hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện giúp người đọc dễ dàng xem và truy cập dữ liệu một cách tốt nhất, nhanh nhất và khoa học nhất.
3. Đối tượng thụ hưởng
Là các bạn đọc, nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước quan tâm đến văn học nghệ thuật, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhân dân và chiến sĩ ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; các trung tâm văn hóa, xã hội; các viện nghiên cứu chuyên ngành; hệ thống các cơ sở đào tạo đại học, trường phổ thông, các cơ quan báo chí và các học viện báo chí tuyên truyền của hệ thống công tác văn hóa, tư tưởng từ Trung ương đến địa phương (cấp tỉnh) thuộc 2.450 đơn vị thụ hưởng theo 5 nhóm đối tượng chính, bao gồm:
a) Nhóm 1 (900 đơn vị): Các Ban Tuyên giáo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đài phát thanh và truyền hình các địa phương; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các trường dân tộc nội trú; tủ sách bộ đội biên phòng, hải đảo.
b) Nhóm 2 (30 đơn vị): Phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và các cơ quan thông tấn quốc tế.
c) Nhóm 3 (50 đơn vị): Các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc.
d) Nhóm 4 (1.270 đơn vị): Thư viện của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các điểm thư viện các quận, huyện trên toàn quốc và thư viện của các cơ sở đào tạo đại học, trường trung học phổ thông, trung học cơ sở tiêu biểu trên toàn quốc.
đ) Nhóm 5 (200 đơn vị): Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số và các chi hội trên toàn quốc;
4. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án
a) Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” được phân kỳ thành các giai đoạn thực hiện 5 năm; giai đoạn I của Đề án thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.
b) Kinh phí thực hiện Đề án được ngân sách Nhà nước bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa ở Trung ương hàng năm trong dự toán giao Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức thực hiện. Trên cơ sở dự toán được giao, Liên hiệp thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định của Nhà nước, tuân thủ Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ vào các chế độ, định mức nhà nước hiện hành và khả năng thực tế bố trí ngân sách hằng năm để thẩm định tổng dự toán của Đề án và ra Quyết định phê duyệt tổng dự toán, dự toán phân bổ hằng năm để thực hiện Đề án.
b) Tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả sử dụng kinh phí thực hiện Đề án; kiến nghị các hình thức khen thưởng thích hợp đối với các tác phẩm xuất sắc lên Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Tài chính căn cứ tổng dự toán Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và tiến độ thực hiện, bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và theo các chế độ tài chính hiện hành.
3. Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
a) Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án gồm các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học đầu ngành và các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật để chỉ đạo thực hiện Đề án.
b) Thành lập Ban quản lý Đề án đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Đề án; có nhiệm vụ quản lý, điều hành các hoạt động của Đề án theo kế hoạch và tiến độ đã được các cơ quan chức năng phê duyệt; thực hiện việc quyết toán kinh phí với ngân sách Nhà nước. Ban quản lý Đề án sử dụng con dấu và tài khoản của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam để giao dịch và thực hiện nhiệm vụ.
c) Thành lập Hội đồng thẩm định để tư vấn, thẩm định nội dung các công trình, tác phẩm, đề tài văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam giúp Ban Chỉ đạo Đề án.
d) Làm đầu mối tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức thực hiện theo đúng các quy chế, quy định hiện hành.
đ) Hàng năm tổng kết, đánh giá và kịp thời phát hiện khó khăn vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam
a) Đề xuất thành lập Ban quản lý Đề án và các phòng (ban) chuyên môn theo sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Đề án.
b) Đề xuất thành lập Hội đồng thẩm định để tư vấn, thẩm định nội dung các công trình, tác phẩm, đề tài văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam theo sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo Đề án.
c) Giúp Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết, đánh giá và kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT VN;
- Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, V.III, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam
 
 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất