Quyết định ban hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 219-QĐ
Cơ quan ban hành: | Bộ Giáo dục |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 219-QĐ |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Thị Bình |
Ngày ban hành: | 28/02/1986 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 219-QĐ
CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 219-QĐ NGÀY 28-2-1986
BAN HÀNH QUY CHẾ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG CƠ SỞ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
Căn cứ Nghị định số 123-HĐBT ngày 22-4-1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 125-CP ngày 19-3-1981 của Hội đồng Chính phủ về việc sửa đổi chế độ thi trong nhà trường phổ thông;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các trường phổ thông cơ sở Bộ Giáo dục.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Điều 2. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Vụ trưởng Vụ các trường phổ thông cơ sở, Giám đốc Sở Giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 219-QĐ ngày 28-2-1986)
CHƯƠNG
I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở là sự đánh giá của Nhà nước về kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp cuối cấp II theo mục tiêu đào tạo của cấp học; là sự tiếp tục và hoàn thiện quá trình đánh giá trình độ được giáo dục của học sinh trong cả cấp học.
Điều 2. Kết quả tốt nghiệp của học sinh là sự đánh giá tổng hợp giữa kết quả được đánh giá ở năm học lớp cuối cấp II về các mặt giáo dục (đạo đức, văn hoá, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể) và kết quả thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Kết quả thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở sẽ được dùng vào việc sử dụng học sinh sau khi ra trường và xét tuyển vào lớp đầu bậc học phổ thông trung học.
Điều 3. Kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở có mục đích:
- Đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, kết quả đào tạo của nhà trường, báo cáo trung thực kết quả đó với Đảng, Nhà nước và nhân dân;
- Động viên, thúc đẩy học sinh chăm chỉ học tập và rèn luyện, giáo viên không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm về năng lực để tiến hành giảng dạy và giáo dục tốt hơn;
- Động viên, thúc đẩy việc cải tiến công tác quản lý giáo dục của các cấp; đồng thời động viên, thúc đẩy các cấp bộ Đảng, chính quyền và các cấp quản lý giáo dục cùng cha, mẹ học sinh và toàn xã hội chăm lo việc giảng dạy và giáo dục của thầy, việc học tập và rèn luyện của trò.
Điều 4. Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở gồm các thành viên lấy trong tập thể sư phạm nhà trường thay mặt Nhà nước thực hiện toàn bộ công tác thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở dưới sự thanh tra, giám sát của cấp trên. Nhà trường, Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phải coi trọng và có biện pháp kết hợp chặt chẽ để phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong việc thi và xét tốt nghiệp. Tổ chức Đoàn và Đội của nhà trường phổ thông cơ sở có trách nhiệm góp phần thực hiện tốt Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
CHƯƠNG
II
ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN DỰ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP
Điều 5. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở tổ chức cho 2 đối tượng sau:
1. Những học sinh đã học hết lớp cuối cấp II của bậc học phổ thông cơ sở trong năm mở kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
2. Những học sinh đã học hết lớp cuối cấp II của bậc học phổ thông cơ sở ở các năm học trước, nhưng không tiếp tục học lại lớp, mà:
a) Đã dự kỳ thi, nhưng không tốt nghiệp; hoặc
b) Chưa dự kỳ thi do không đủ điều kiện dự thi.
Điều 6. Những học sinh thuộc diện nêu tại điểm 1 , điều 5, nếu có đủ tất cả các điều kiện dưới đây sẽ được dự thi:
1. Đã học hết chương trình của tất cả các lớp ở cấp II trong bậc học phổ thông cơ sở, có đầy đủ kết quả do nhà trường đánh giá, xếp loại về các mặt giáo dục ở từng lớp theo Quy chế hiện hành.
2. Tổng số ngày nghỉ học trong năm học lớp cuối cấp II (nghỉ 1 lần hay nhiều lần cộng lại) không quá 45 ngày.
3. Phải được xếp loại cả năm ở lớp cuối cấp II từ trung bình trở lên về 3 mặt đạo đức, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể.
4. Về mặt văn hoá, phải thuộc một trong các diện dưới đây:
a) Có nhiều nhất là 5 môn đạt điểm trung bình cả năm từ 4,0 đến 4,9, trong đó chỉ được 1 môn là văn hoặc toán; các môn còn lại đều phải đạt điểm trung bình từ 5,0 trở lên.
b) Có nhiều nhất là 3 môn đạt điểm trung bình từ 4,0 đến 4,9 (trong đó chỉ có 1 môn là văn hoặc toán) và 1 môn (không phải là văn, toán) đạt điểm trung bình từ 3,5 trở lên; các môn còn lại đều phải đạt điểm trung bình từ 5,0 trở lên.
c) Có nhiều nhất là 2 môn đạt điểm trung bình từ 3,5 trở lên (không phải là văn, toán) và 1 môn đạt điểm trung bình từ 4,0 đến 4,9; các môn còn lại đều phải đạt điểm trung bình từ 5,0 trở lên.
Đối với những học sinh đang học không đủ điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng phải thông báo cho học sinh và gia đình học sinh biết trước ngày thi tốt nghiệp là 10 ngày.
Điều 7. Về những đối tượng đã nêu tại điểm 2, điều 5:
1. Những học sinh thuộc diện nêu ở mục a, điểm 2 của điều 5, muốn dự thi và xét tốt nghiệp sẽ được đăng ký dự thi và xét tốt nghiệp trước ngày thi 45 ngày tại trường cũ hoặc nơi gần nhất, nếu có đủ các điều kiện sau:
a) Không quá 20 tuổi.
b) Được Uỷ ban Nhân dân xã, phường hoặc thị trấn đề nghị và xác nhận vào đơn xin dự thi và xét tốt nghiệp.
Riêng đối với những học sinh đã được các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở sản xuất tuyển dụng thì phải có ý kiến đề nghị và xác nhận của thủ trưởng các đơn vị đó.
2. Những học sinh thuộc diện nêu ở mục b, điểm 2 của điều 5 muốn dự thi và xét tốt nghiệp, sẽ được đăng ký dự thi và xét tốt nghiệp trước ngày thi 45 ngày tại trường cũ hoặc nơi gần nhất nếu có đủ các điều kiện sau:
a) Đối với những học sinh không đủ điều kiện dự thi về mặt đạo đức hoặc lao động hoặc bảo vệ rèn luyện thân thể ngoài việc phải có đủ điều kiện đã nêu ở điểm 1 của điều này, còn phải được chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) hoặc cơ quan, đơn vị đang quản lý (đối với học sinh đã được tuyển dụng) xác nhận đã có ý thức và thái độ tốt trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đã tích cực tham gia lao động hoặc công tác xã hội và có tư cách đạo đức tốt trong thời gian không tiếp tục học ở trường.
b) Đối với học sinh không đủ điều kiện dự thi về mặt văn hoá, ngoài việc phải có đủ điều kiện đã nói trong điểm 1 của điều này, còn phải được nhà trường (đã tiếp nhận hồ sơ xin dự thi) kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện dự thi về mặt văn hoá. Chỉ kiểm tra những môn có điểm trung bình thấp dẫn đến không đạt điều kiện dự thi.
Điều 8. Bộ sẽ có quy định riêng về hồ sơ thi và xét tốt nghiệp. Toàn bộ hồ sơ thi và xét tốt nghiệp của học sinh phải được nhà trường hoàn thành đầy đủ trước ngày thi 5 ngày để Hội đồng thi và xét tốt nghiệp kiểm tra lại. Đối với những học sinh đã học các năm học trước, nếu có đủ điều kiện mà muốn dự thi và xét tốt nghiệp, phải nộp đầy đủ hồ sơ ở nơi đăng ký dự thi và xét tốt nghiệp.
CHƯƠNG
III
MÔN THI, NGÀY THI, CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ THI
Điều 9. Về nguyên tắc, học sinh được học môn nào sẽ phải thi môn ấy. Hàng năm Bộ Giáo dục sẽ quy định và thông báo những môn thi (viết hay hỏi miệng) cùng với ngày, giờ thi trước ngày thi chậm nhất là 45 ngày.
Điều 10. Chương trình thi là chương trình toàn cấp học, chủ yếu là chương trình lớp cuối cấp II.
Điều 11. Bộ Giáo dục giao cho Giám đốc Sở Giáo dục chịu trách nhiệm việc tổ chức ra đề thi. Hàng năm, Sở Giáo dục căn cứ vào hướng dẫn ra đề thi của Bộ Giáo dục, tiến hành việc ra đề thi, hướng dẫn chấm và biểu cho điểm để tổ chức kỳ thi thống nhất trong phạm vi tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
Đề thi, hướng dẫn chấm và biểu cho điểm phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, chính xác, an toàn từ khâu dự thảo đến khâu đánh máy, in, phân phối, bảo quản và sử dụng theo đúng quy định của Bộ.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP VÀ XẾP LOẠI TỐT NGHIỆP
Điều 12. Những học sinh đạt một trong các điều kiện sau đây sẽ được công nhận tốt nghiệp (đỗ thẳng):
1. Được xếp loại cả năm học về tất cả các mặt giáo dục (theo Quy chế hiện hành) ở lớp cuối cấp II đạt từ trung bình trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 5 điểm trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm dưới 3.
2. Được xếp loại cả năm học về tất cả các mặt giáo dục ở lớp cuối cấp II đạt từ khá trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 4,5 điểm trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm dưới 3.
Điều 13. Việc xét tốt nghiệp thêm (đỗ thêm) chỉ áp dụng đối với những học sinh đang học tại trường phổ thông cơ sở nêu tại điểm 1, điều 5 ở Quy chế này.
Những học sinh đó nếu đạt một trong các điều kiện dưới đây sẽ được công nhận tốt nghiệp thêm (đỗ thêm):
1. Được xếp loại cả năm học về đạo đức, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể ở lớp cuối cấp II từ trung bình trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 5 điểm trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm 0.
2. Được xếp loại cả năm học ở lớp cuối cấp II về các mặt đạo đức, văn hoá, lao động từ khá trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 4,5 trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm 0.
3. Là con liệt sĩ, được xếp loại cả năm học ở lớp cuối cấp II về các mặt đạo đức, lao động từ khá trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 4,5 trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm 0.
Điều 14. Trong trường hợp đặc biệt, nếu thấy cần phải xét đặc cách tốt nghiệp thêm nữa ngoài những điều kiện đã nêu trong điều 13, thì Sở Giáo dục phải trình Bộ Giáo dục quyết định.
Điều 15. Những học sinh đạt kết quả tốt nghiệp trong kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở được xếp thành 4 loại theo tiêu chuẩn sau đây:
1. Loại giỏi là những học sinh được công nhận tốt nghiệp, có xếp loại cả năm học về đạo đức đạt loại tốt, văn hoá đạt loại giỏi, các mặt giáo dục còn lại đều đạt loại khá trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi đạt từ 8 điểm trở lên, trong đó chỉ có một bài thi đạt từ điểm 6 trở lên.
2. Loại khá là những học sinh được công nhận tốt nghiệp đạt 1 trong 2 điều kiện sau đây:
a) Có tất cả các mặt giáo dục được xếp loại cả năm học từ khá trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi đạt từ 6,5 trở lên, trong đó chỉ có một bài thi đạt từ điểm 5 trở lên.
b) Có tất cả các mặt giáo dục được xếp loại cả năm học từ khá trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ điểm 7 trở lên, chỉ có hai bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó chỉ có một bài là văn hoặc toán.
3. Loại trung bình là những học sinh được công nhận tốt nghiệp (đỗ thẳng) còn lại.
4. Loại thường là những học sinh được công nhận tốt nghiệp thêm (đỗ thêm).
Kết quả xếp loại tốt nghiệp được ghi vào bảng ghi tên, ghi điểm và bằng tốt nghiệp của học sinh để tiện sử dụng khi ra trường.
Điều 16. Những học sinh thuộc một trong các diện sau đây sẽ được đặc cách tốt nghiệp ;
1. Học sinh bị ốm hoặc có sự cố đột xuất xảy ra trước ngày thi không tham dự được kỳ thi nếu có giấy chứng nhận hợp lệ của cơ quan y tế và nhà trường, được xếp loại cả năm học về đạo đức, văn hoá từ khá trở lên, các mặt giáo dục còn lại được xếp loại từ trung bình trở lên.
2. Học sinh bị ốm hoặc có sự cố đột xuất xảy ra trong thời gian đang thi, không thể thi tiếp được nữa, nếu có biên bản xác nhận hợp lệ của cơ quan y tế và của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp; đồng thời, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
- Được xếp loại cả năm học về các mặt đạo đức, lao động từ khá trở lên, các mặt còn lại được xếp loại từ trung bình trở lên;
- Các môn đã thi phải đạt từ 5 điểm trở lên;
- Điểm trung bình cả năm của những môn không thi được phải đạt từ 5 điểm trở lên.
3. Học sinh đang học không tham dự kỳ thi do được tuyển nhập ngũ, đi thanh niên xung phong, phục vụ quốc phòng, đi vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước sau khi đã học hết kỳ I hoặc học kỳ II, nếu ở cuối học kỳ I hoặc cuối học kỳ II hoặc cả năm học được xếp loại trung bình trở lên.
4. Những học sinh đang học lớp cuối cấp II không tham dự kỳ thi do Bộ Giáo dục hoặc cơ quan Nhà nước cấp Trung ương tuyển chọn trong đội tuyển tham dự các cuộc thi quốc tế (ngoại ngữ, điền kinh...), nếu được xếp loại cả năm học về mặt đạo đức từ khá trở lên, các mặt giáo dục còn lại từ trung bình trở lên.
Những học sinh trong diện được đặc cách tốt nghiệp đều không xếp loại tốt nghiệp và ghi rõ vào bằng tốt nghiệp.
Điều 17. Để thực hiện quyền dân chủ của học sinh và cha mẹ học sinh cần niêm yết công khai danh sách học sinh tốt nghiệp và thông báo điểm bài thi cho tất cả học sinh dự thi và xét tốt nghiệp ngay sau khi Phòng giáo dục sơ duyệt xong kết quả tốt nghiệp. Giải quyết những đơn khiếu nại của học sinh theo đúng thủ tục quy định, chậm nhất là 30 ngày sau khi công bố kết quả tốt nghiệp tại trường.
Điều 18. Việc giải quyết đơn khiếu nại về bài thi của học sinh được quy định như sau:
a) Chỉ nhận đơn khiếu nại của học sinh không tốt nghiệp trong thời hạn 1 tuần lễ kể từ ngày công bố điểm bài thi và kết quả tốt nghiệp tại trường và chỉ xét những đơn khiếu nại có đầy đủ các điều kiện do Bộ Giáo dục quy định.
b) Hội đồng chấm lại bài thi khiếu nại thành lập theo đơn vị huyện, quận hoặc thị xã. Tuỳ theo số lượng đơn khiếu nại, các Phòng giáo dục đề nghị quy mô tổ chức để trình Uỷ ban Nhân dân huyện, quận hoặc thị xã ra quyết định thành lập.
CHƯƠNG
V
TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO KỲ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP
Điều 19. \'ebmỗi trường phổ thông cơ sở thành lập một Hội đồng thi và xét tốt nghiệp gồm các thành phần sau:
- Chủ tịch: Hiệu trưởng,
- 1 hay 2 Phó chủ tịch: Phó hiệu trưởng,
- 1 hay 2 thư ký: Thư ký Hội đồng giáo dục hoặc tổ trưởng tổ chuyên môn cấp II của trường,
- Các uỷ viên: các giáo viên chủ nhiệm lớp cuối cấp II, các giáo viên khác dạy các lớp cấp II và Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của trường, Bí thư Đoàn trường.
Điều 20. Trong trường hợp đặc biệt, nếu xét thấy trường phổ thông cơ sở nào chưa có đủ điều kiện quản lý để làm tốt công tác thi và xét tốt nghiệp, thì Phòng giáo dục (sau khi được Sở Giáo dục chấp thuận) cho phép trường đó được thi và xét tốt nghiệp chung với trường khác; hoặc cử thêm cán bộ có năng lực ở nơi khác đến giúp thực hiện việc thi và xét tốt nghiệp tại trường đó.
Điều 21. Hội đồng thi và xét tốt nghiệp có nhiệm vụ:
1. Kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, tư cách thí sinh theo đúng quy định ở Quy chế thi, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và mọi thủ tục cần thiết để kỳ thi và xét tốt nghiệp được tiến hành bình thường và nghiêm túc.
2. Tổ chức và tiến hành việc coi thi, chấm thi theo đúng thể thức, Quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
3. Xét duyệt kết quả tốt nghiệp đối với từng học sinh theo đúng các tiêu chuẩn mà Bộ đã quy định.
4. Tiến hành và đề nghị cấp trên khen thưởng và thi hành kỷ luật đối với những học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện tốt hoặc vi phạm Quy chế thi và xét tốt nghiệp.
Điều 22. Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm:
1. Ban hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở, các Chỉ thị, Thông tư hướng dẫn việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp, nghiệp vụ thi và các chủ trương giải quyết cụ thể những vấn đề xảy ra trong kỳ thi và xét tốt nghiệp.
2. ấn định môn thi, ngày, giờ thi, nội dung và hình thức thi và xét tốt nghiệp.
3. Chỉ đạo và kiểm tra toàn bộ công việc tổ chức chỉ đạo kỳ thi và xét tốt nghiệp của các địa phương.
Hàng năm, Bộ Giáo dục sẽ thành lập một số đoàn kiểm tra việc thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở ở các địa phương.
Điều 23. Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:
1. Chỉ đạo Sở Giáo dục thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở do Bộ Giáo dục đã ban hành.
2. Xét đề nghị của Sở Giáo dục, ra quyết định thành lập Hội đồng ra đề thi, Ban chỉ đạo và kiểm tra kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở của tình, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
3. Chỉ thị cho Uỷ ban Nhân dân các cấp và các ngành hữu quan giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục tiến hành tổ chức tốt kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Điều 24. Sở Giáo dục chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương về toàn bộ công tác thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở trong phạm vi địa phương mình. Cụ thể là:
1. Chỉ đạo việc hoàn thành công tác cho điểm, đánh giá xếp loại học sinh trong năm học và việc chuẩn bị hồ sơ sổ sách, các phương tiện vật chất cần thiết cho kỳ thi và xét tốt nghiệp ở các trường phổ thông cơ sở.
2. Ra đề thi, hướng dẫn chấm và biểu cho điểm thống nhất cho kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở trong địa phương mình theo Quy chế và các hướng dẫn của Bộ.
3. Chỉ đạo và kiểm tra toàn bộ công tác tổ chức chỉ đạo kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở của các Phòng giáo dục, các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
4. Xét duyệt kết quả tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp; tiến hành việc khen thưởng, kỷ luật trong kỳ thi và xét tốt nghiệp theo đúng các thủ tục và Quy chế của Bộ Giáo dục.
Điều 25. Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở thuộc địa phương mình theo Quy chế của Bộ Giáo dục. Cụ thể là:
1. Chỉ đạo Phòng giáo dục, các trường phổ thông cơ sở, các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở do Bộ Giáo dục ban hành.
2. Xét đề nghị của Phòng giáo dục, ra quyết định thành lập các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, Hội đồng chấm lại, Ban chỉ đạo và kiểm tra (bao gồm cả các tổ kiểm tra và giám sát Hội đồng thi và xét tốt nghiệp) của kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở ở địa phương mình.
3. Chỉ thị cho các ngành hữu quan giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục tiến hành tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở ở địa phương mình.
4. Chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn, tiến hành tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp ở các trường phổ thông cơ sở thuộc địa phương mình thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
- Chỉ đạo nhà trường phổ thông cơ sở thực hiện đúng Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Bộ Giáo dục;
- Bảo đảm an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Xét đề nghị của nhà trường, tiến hành tổ chức ban bảo vệ và phục vụ Hội đồng thi và xét tốt nghiệp của địa phương mình.
Điều 26. Phòng Giáo dục chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã về toàn bộ công tác chỉ đạo tiến hành kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở của địa phương mình (từ khâu chuẩn bị đến các khâu coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp, duyệt kết quả tốt nghiệp...) theo Quy chế của Bộ Giáo dục.
CHƯƠNG VI
VIỆC DUYỆT KẾT QUẢ TỐT NGHIỆP, CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP,
BẢO QUẢN VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG CƠ SỞ
Điều 27. Trưởng phòng Giáo dục chịu trách nhiệm sơ duyệt kết quả tốt nghiệp, do các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp ở các trường phổ thông cơ sở đề nghị. Giám đốc Sở Giáo dục duyệt chính thức. Kết quả tốt nghiệp là chính thức chỉ sau khi Sở Giáo dục đã duyệt y. Nếu sau khi công bố, phát hiện được những trường hợp làm sai hoặc bỏ sót thì Sở giáo dục sửa lại và thông báo ngay kết quả đã được sửa lại đó. Việc cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh do Giám đốc Sở Giáo dục chịu trách nhiệm. Chậm nhất là 60 ngày sau khi công bố kết quả tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp của học sinh phải được giao tới từng trường.
Điều 28. Hàng năm, các trường phổ thông cơ sở tổ chức lễ ra trường cho học sinh các lớp cuối cấp II vào dịp khai giảng năm học mới. Trong buổi lễ ấy sẽ trao bằng tốt nghiệp và bàn giao những học sinh ra trường.
Điều 29. Việc lưu trữ và bảo quản hồ sơ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở quy định như sau:
1. Bảng ghi tên, ghi điểm của học sinh dự thi, dự xét tốt nghiệp và xét đặc cách tốt nghiệp phải được lưu trữ không thời hạn tại Sở Giáo dục (1 bản), tại Phòng giáo dục (1 bản), tại trường phổ thông cơ sở (1 bản).
2. Phòng Giáo dục phải lưu trữ trong thời hạn ít nhất 1 năm toàn bộ biên bản của các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp và hồ sơ của những học sinh dự xét đặc cách tốt nghiệp.
3. Trường phổ thông cơ sở phải lưu trữ trong thời hạn ít nhất 1 năm toàn bộ bài thi của học sinh dự thi.
CHƯƠNG VII
KHEN
THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT TRONG KỲ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP
PHỔ THÔNG CƠ SỞ
Điều 30. Việc khen thưởng và thi hành kỷ luật những cán bộ, giáo viên làm công tác thi và xét tốt nghiệp, những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp, những học sinh dự thi và xét tốt nghiệp phải được tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:
1. Định hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với từng cá nhân và căn cứ vào mức độ thành tích hay hành động phạm lỗi cụ thể của cá nhân đó trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình đã được quy định trong Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Bộ Giáo dục.
2. Việc khen thưởng và kỷ luật phải được tiến hành một cách nghiêm minh, dân chủ, kịp thời, có tác dụng giáo dục cán bộ, giáo viên, học sinh và những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp.
Điều 31. Các hình thức khen thưởng cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp bao gồm:
1. Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở biểu dương trước toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
2. Trưởng phòng giáo dục biểu dương trong phạm vi các trường phổ thông cơ sở của huyện, quận hoặc thị xã.
3. Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã hoặc Sở Giáo dục cấp giấy khen.
Điều 32. Các hình thức thi hành kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ thi và xét tốt nghiệp gồm 4 loại sau đây, do cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định:
1. Khiển trách trước toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành trong phạm vi nhà trường.
2. Cảnh cáo và thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành trong phạm vi huyện, quận, thị xã.
3. Hạ tầng công tác, hạ bậc kỹ thuật và hạ lương, chuyển đi làm công tác khác.
4. Buộc thôi việc hoặc có thể truy tố trước pháp luật.
Điểu 33. Đối với cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ thi và xét tốt nghiệp, nếu vi phạm Quy chế trong khi đang thi hành nhiệm vụ tại Hội đồng thi và xét tốt nghiệp mà hành động phạm lỗi có ảnh hưởng trực tiếp ngay đến việc thi và xét tốt nghiệp thì phải lập biên bản và đình chỉ ngay công tác đang đảm nhiệm.
- Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp có quyền đình chỉ công tác của các Phó chủ tịch Hội đồng, các thành viên của Hội đồng và những người làm công tác phục vụ thi và xét tốt nghiệp.
- Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã hoặc Giám đốc Sở Giáo dục có quyền đình chỉ công tác của Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp và đình chỉ công tác của các thành viên trong tổ kiểm tra và giám sát công tác thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở.
Điều 34. Các hình thức khen thưởng đối với học sinh dự thi và xét tốt nghiệp bao gồm:
1. Hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở cấp giấy khen cho những học sinh tốt nghiệp vào loại khá và các trường hợp học sinh có thành tích đột xuất trong kỳ thi.
2. Sở Giáo dục cấp giấy khen cho những học sinh tốt nghiệp vào loại giỏi.
Điều 35. Các hình thức kỷ luật đối với học sinh dự thi và xét tốt nghiệp bao gồm:
1. Giáo viên coi thi khiển trách trước học sinh trong phòng thi.
2. Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp cảnh cáo trước toàn thể học sinh dự thi hoặc đình chỉ việc thi tiếp của các môn còn lại.
3. Hội đồng thi không chấm bài thi, huỷ kết quả tốt nghiệp.
4. Sau khi Hội đồng thi và xét tốt nghiệp đã kết thúc công việc, nếu phát hiện ra hành động phạm lỗi của học sinh trong kỳ thi và xét tốt nghiệp, thì Sở Giáo dục có thể huỷ kết quả tốt nghiệp và thu hồi bằng tốt nghiệp (nếu đã cấp).
5. Sở Giáo dục cấm dự thi và xét tốt nghiệp từ 1 đến 2 năm.
Các trường hợp học sinh bị xử lý kỷ luật đều phải công bố công khai trước Hội đồng thi và xét tốt nghiệp và thông báo cho gia đình học sinh và nhà trường biết.
CHƯƠNG VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 36. Bản Quy chế này áp dụng cho việc thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở trong phạm vi cả nước kể từ năm học 1985 -1986.
Điều 37. Bộ Giáo dục sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện bản Quy chế này.
Điều 38. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ các trường phổ thông cơ sở Bộ Giáo dục và Giám đốc các Sở Giáo dục chịu trách nhiệm thi hành bản Quy chế này.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây