Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện

thuộc tính Nghị định 88/2016/NĐ-CP

Nghị định 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:88/2016/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành:01/07/2016
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Lao động-Tiền lương, Chính sách, Bảo hiểm
 

TÓM TẮT VĂN BẢN

Khuyến khích tham gia hưu trí bổ sung tự nguyện

Tại Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, Chính phủ khuyến khích phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua các chính sách ưu đãi theo quy định về thuế; đồng thời khẳng định Nhà nước sẽ không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả của quỹ hưu trí.
Cũng theo Nghị định này, mỗi cá nhân có thể có 01 hoặc nhiều tài khoản hưu trí cá nhân tại 01 thời điểm được quản lý bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác nhau. Các tài khoản hưu trí cá nhân này được sử dụng để tiếp nhận khoản đóng góp của người tham gia quỹ và của người sử dụng lao động (nếu có); tiếp nhận kết quả đầu tư sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí và phân bổ cho từng tài khoản hưu trí cá nhân; thanh toán các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước theo quy định; chi trả cho người tham gia quỹ và người sử dụng lao động theo quy định. Đặc biệt, không được sử dụng tài khoản hưu trí cá nhân để chuyển nhượng; cầm cố hay giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký.
Về đầu tư quỹ hưu trí, Nghị định quy định doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải quy định cụ thể chính sách đầu tư tại điều lệ quỹ. Các loại tài sản mà quỹ hưu trí được đầu tư bao gồm: Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ điều kiện quy định về chính sách đầu tư của quỹ tại điều lệ quỹ hưu trí; Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định. Trong đó, tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ, bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Xem chi tiết Nghị định88/2016/NĐ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

Số: 88/2016/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2016

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một sđiều của Luật chng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua việc hình thành quỹ hưu trí từ sự đóng góp tự nguyện của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân; việc quản lý, đầu tư, chi trả và giám sát quỹ hưu trí.
2. Nghị định này không điều chỉnh các hoạt động sau:
a) Hoạt động của các quỹ thuộc phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
b) Hoạt động cung cấp sản phẩm bảo hiểm hưu trí của các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
2. Cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
3. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
4. Các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ liên quan tới việc thiết lập, hoạt động, quản lý, giám sát quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Nghị định này.
5. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
Trong Nghị định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người tham gia quỹ là người lao động, cá nhân theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định này, có tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí.
2. Chương trình hưu trí là tên viết tắt của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ khi đến tuổi về hưu dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân, được đầu tư và tích lũy theo quy định của pháp luật.
3. Quỹ hưu trí là tên viết tắt của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, là quỹ tài chính để thực hiện chương trình hưu trí, được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động.
4. Tài khoản hưu trí cá nhân là tài khoản được cấp cho người tham gia quỹ, được quản lý bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
5. Tài sản quỹ hưu trí là tập hợp số dư của các tài khoản hưu trí cá nhân của người lao động tham gia cùng một chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, được hình thành từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động.
6. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí là doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
7. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là tên rút gọn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.
8. Dịch vụ quản lý quỹ hưu trí là dịch vụ quản lý các tài khoản hưu trí cá nhân theo ủy quyền của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động.
9. Tổ chức lưu ký là tổ chức được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí lựa chọn để thực hiện lưu ký tài sản quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
10. Ngân hàng giám sát là tổ chức được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí lựa chọn để thực hiện giám sát hoạt động quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
11. Tuổi nghỉ hưu là độ tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật lao động.
Điều 4. Nguyên tắc của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện
1. Việc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện của người lao động và cá nhân, người sử dụng lao động (đóng góp cho người lao động) trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.
2. Khoản đóng góp của người tham gia quỹ bao gồm cả khoản đóng góp của người sử dụng lao động (nếu có) được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.
3. Người tham gia quỹ có quyền sở hữu đối với tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định này. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí nhận ủy thác đầu tư tài sản quỹ hưu trí. Tài sản quỹ hưu trí phải được quản lý tách biệt với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, người sử dụng lao động và các tài sản quỹ hưu trí khác được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.
4. Hoạt động quản lý quỹ hưu trí thực hiện theo nguyên tắc công khai và minh bạch.
5. Quỹ hưu trí phải đảm bảo đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định này và điều lệ quỹ hưu trí.
6. Mức chi trả hưu trí được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước đối với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện
1. Nhà nước khuyến khích phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua các chính sách ưu đãi quy định tại pháp luật về thuế.
2. Nhà nước quản lý, giám sát việc thực hiện chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, quản lý, giám sát hoạt động của quỹ hưu trí thông qua việc ban hành chính sách, chế độ đảm bảo quỹ hưu trí hoạt động công khai, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia đóng góp quỹ.
3. Nhà nước không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả của quỹ hưu trí.
Chương II
THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH HƯU TRÍ BỔ SUNG TỰ NGUYỆN, THIẾT LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ HƯU TRÍ
Mục 1. THAM GIA ĐÓNG GÓP CHƯƠNG TRÌNH HƯU TRÍ
Điều 6. Đối tượng tham gia đóng góp
1. Người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
2. Người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
3. Cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.
Điều 7. Phương thức tham gia đóng góp
1. Tham gia đóng góp chương trình hưu trí thông qua người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động của doanh nghiệp mình trên cơ sở yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, không có sự đóng góp của người lao động;
b) Người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp vào quỹ hưu trí theo văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
2. Tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí, bao gồm:
a) Người lao động đóng góp hoàn toàn vào quỹ hưu trí, không có sự đóng góp của người sử dụng lao động;
b) Cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này đóng góp vào quỹ hưu trí.
Điều 8. Tham gia đóng góp thông qua người sử dụng lao động
1. Căn cứ vào yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, người sử dụng lao động có thể xây dựng chương trình hưu trí và thực hiện đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động của doanh nghiệp mình theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
2. Quy trình tham gia đóng góp chương trình hưu trí thông qua người sử dụng lao động như sau:
a) Người sử dụng lao động thông báo cho người lao động về chương trình hưu trí.
b) Người sử dụng lao động ký thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Văn bản thỏa thuận về việc tham gia chương trình hưu trí bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Tên chương trình hưu trí người lao động lựa chọn tham gia;
- Nội dung cơ bản của chương trình hưu trí;
- Thời gian bắt đầu tham gia chương trình hưu trí;
- Mức đóng góp, tần suất và thời gian đóng góp của người sử dụng lao động;
- Mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của người lao động (trong trường hợp người lao động cùng tham gia đóng góp với người sử dụng lao động);
- Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia quỹ hưu trí, trong đó bao gồm điều kiện được hưởng khoản đóng góp của người sử dụng lao động và kết quả đầu tư từ khoản đóng góp này;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi tham gia đóng góp cho người lao động, trong đó bao gồm điều kiện người sử dụng lao động được nhận lại khoản đóng góp của mình cho người lao động và kết quả đầu tư từ khoản đóng góp này;
- Quy trình thay đổi các nội dung tại văn bản thỏa thuận (nếu có);
- Các trường hợp ngừng và tạm ngừng tham gia chương trình hưu trí.
c) Người sử dụng lao động ký hợp đồng tham gia chương trình hưu trí với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí. Nội dung hợp đồng tham gia quỹ hưu trí thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
d) Căn cứ vào hợp đồng tham gia chương trình hưu trí và văn bản thỏa thuận với người lao động, người sử dụng lao động thực hiện chuyển tiền đóng góp vào quỹ hưu trí đối với phần trách nhiệm đóng góp của mình và phần người lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hộ (nếu có) đồng thời thông báo cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký và ngân hàng giám sát về số tiền đóng góp vào mỗi tài khoản hưu trí cá nhân.
3. Khoản tiền đóng góp vào mỗi tài khoản hưu trí cá nhân của người tham gia quỹ bao gồm:
a) Khoản tiền đóng góp của người sử dụng lao động cho người lao động theo văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động;
b) Khoản tiền đóng góp của người lao động (nếu có) theo văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động.
4. Việc ngừng hoặc tạm ngừng tham gia chương trình hưu trí của người lao động và người sử dụng lao động thực hiện theo văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và hợp đồng tham gia quỹ hưu trí quy định tại Điều 19 Nghị định này.
Điều 9. Tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí
1. Người lao động, cá nhân tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí theo phương thức quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
2. Người lao động, cá nhân tự lựa chọn chương trình hưu trí và phương thức đóng góp, thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo mẫu hợp đồng quy định tại Điều 19 Nghị định này.
3. Người lao động, cá nhân thực hiện chuyển tiền đóng góp của mình vào quỹ hưu trí theo các điều khoản tại hợp đồng tham gia chương trình hưu trí.
4. Người lao động, cá nhân đối chiếu thông tin cập nhật do doanh nghiệp quản lý quỹ, tổ chức lưu ký và ngân hàng giám sát cung cấp định kỳ về giá trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định này.
5. Người lao động, cá nhân ngừng hoặc tạm ngừng tham gia chương trình hưu trí theo hợp đồng tham gia quỹ quy định tại Điều 19 Nghị định này.
Điều 10. Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Quyền của người sử dụng lao động tham gia chương trình hưu trí:
a) Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản đóng góp của người sử dụng lao động vào quỹ hưu trí cho người lao động theo quy định của pháp luật về thuế;
b) Quyết định mức và thời điểm đóng góp, điều chỉnh tăng, giảm, ngừng hoặc tạm ngừng đóng góp theo quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;
c) Lựa chọn, thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo điều khoản quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí;
d) Được nhận lại phần đóng góp của mình cho người lao động và kết quả đầu tư từ phần đóng góp này sau khi trừ đi các chi phí liên quan trong trường hợp người lao động không đáp ứng các điều kiện tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động tham gia chương trình hưu trí:
a) Đóng góp vào quỹ hưu trí phần trách nhiệm đóng góp của mình theo đúng quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;
b) Đóng góp vào quỹ hưu trí phần người lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hộ theo thời hạn quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí (nếu có);
c) Đảm bảo tách biệt phần trách nhiệm đóng góp của người sử dụng lao động và phần người lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hộ (nếu có);
d) Thực hiện quy trình thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo các điều khoản tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí;
đ) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí, điều lệ quỹ và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí theo quy định tại Nghị định này.
Điều 11. Quyền và trách nhiệm của người lao động
1. Quyền của người lao động tham gia chương trình hưu trí:
a) Được tham gia và hưởng toàn bộ quyền lợi từ chương trình hưu trí theo quy định của Nghị định này;
b) Được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản đóng góp vào quỹ hưu trí theo mức quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;
c) Quyết định mức và thời điểm đóng góp, điều chỉnh tăng, giảm, ngừng hoặc tạm ngừng đóng góp theo quy định tại hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;
d) Lựa chọn, thay đổi chương trình hưu trí được quản lý bởi cùng 01 doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí đối với người lao động tham gia chương trình hưu trí thông qua người sử dụng lao động hoặc lựa chọn, thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí đối với người lao động trực tiếp tham gia chương trình hưu trí;
đ) Được cấp tài khoản hưu trí cá nhân, được quyền truy cập thông tin về tài khoản hưu trí cá nhân của mình; được chuyển tài khoản hưu trí cá nhân sang doanh nghiệp quản lý quỹ khác khi thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ;
e) Nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Nghị định này;
g) Được bảo mật thông tin hưu trí cá nhân, thông tin về tài khoản hưu trí cá nhân;
h) Được chuyển từ hình thức tham gia quỹ hưu trí thông qua người sử dụng lao động sang hình thức trực tiếp tham gia quỹ hưu trí;
i) Trường hợp thay đổi việc làm:
- Được tiếp tục duy trì tài khoản hưu trí cá nhân tại doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tại nơi làm việc cũ theo hình thức trực tiếp tham gia chương trình hưu trí; hoặc
- Chuyển tài khoản hưu trí cá nhân sang doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tại nơi làm việc mới.
2. Trách nhiệm của người lao động tham gia chương trình hưu trí:
a) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;
b) Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 12. Quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia chương trình hưu trí
1. Quyền của cá nhân tham gia chương trình hưu trí:
a) Các quyền như đối với người lao động tham gia chương trình hưu trí quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1 Điều 11 Nghị định này;
b) Được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản đóng góp vào quỹ hưu trí theo mức quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân nếu đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;
c) Được chuyển từ hình thức tham gia trực tiếp chương trình hưu trí sang hình thức tham gia thông qua người sử dụng lao động.
2. Cá nhân tham gia chương trình hưu trí có trách nhiệm như người lao động tham gia chương trình hưu trí quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
Mục 2. THIẾT LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ HƯU TRÍ
Điều 13. Thiết lập quỹ hưu trí
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Nghị định này được thiết lập quỹ hưu trí theo các quy định tại Nghị định này.
2. Căn cứ vào nhu cầu của người tham gia quỹ và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tự quyết định về số lượng quỹ hưu trí và mục tiêu đầu tư quỹ hưu trí phù hợp với quy định tại Điều 20 Nghị định này.
3. Đối với mỗi quỹ được thành lập, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải:
a) Xây dựng và ban hành điều lệ quỹ hưu trí. Điều lệ quỹ hưu trí do doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quyết định trên cơ sở đảm bảo các nội dung cơ bản quy định tại Điều 14 Nghị định này;
b) Lựa chọn và ký hợp đồng với 01 tổ chức lưu ký để thực hiện lưu ký tài sản quỹ hưu trí và các nghĩa vụ quy định tại Điều 15 Nghị định này;
c) Lựa chọn và ký hợp đồng với 01 ngân hàng giám sát để thực hiện giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí và các nghĩa vụ quy định tại Điều 16 Nghị định này.
Điều 14. Điều lệ quỹ hưu trí
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải ban hành điều lệ để thiết lập quỹ hưu trí bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Tên quỹ hưu trí;
b) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
c) Tổ chức lưu ký;
d) Ngân hàng giám sát;
đ) Các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có);
e) Mục tiêu, chính sách đầu tư của quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 20 Nghị định này và quy trình, thủ tục thay đổi chính sách đầu tư (nếu có);
g) Quyền và nghĩa vụ của người tham gia quỹ, người sử dụng lao động, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có);
h) Điều khoản về chuyển tài khoản hưu trí cá nhân giữa các quỹ hưu trí được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
i) Điều khoản về thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
k) Lựa chọn và thay đổi tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có);
l) Nguyên tắc phân bổ chi phí hoạt động của quỹ hưu trí cho từng tài khoản hưu trí cá nhân;
m) Phương pháp xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và của mỗi tài khoản hưu trí cá nhân;
n) Quy chế giải quyết tranh chấp;
o) Các trường hợp đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ;
p) Chế độ thông tin báo cáo;
q) Giải thể quỹ hưu trí;
r) Cam kết của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có) về việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điều lệ quỹ;
s) Thể thức tiến hành sửa đổi, bổ sung điều lệ quỹ hưu trí.
2. Điều lệ quỹ hưu trí phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu và công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.
Điều 15. Tổ chức lưu ký
1. Tổ chức lưu ký tài sản quỹ hưu trí phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là ngân hàng lưu ký theo quy định của Luật chứng khoán hoặc là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam;
b) Không là người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí ký hợp đồng lưu ký tài sản mỗi quỹ hưu trí với 01 tổ chức lưu ký đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Hợp đồng giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với tổ chức lưu ký phải bao gồm những nội dung cơ bản sau:
a) Quyền và trách nhiệm của tổ chức lưu ký và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
b) Phí lưu ký;
c) Các trường hợp tổ chức lưu ký phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này.
3. Tổ chức lưu ký được nhận phí lưu ký theo hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với tổ chức lưu ký.
4. Tổ chức lưu ký có các nghĩa vụ theo quy định tại hợp đồng lưu ký tài sản quỹ hưu trí nhưng phải đảm bảo những nghĩa vụ cơ bản sau:
a) Thực hiện lưu ký tài sản quỹ hưu trí theo hợp đồng ký với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
b) Thực hiện hoạt động thu, chi, thanh toán, chuyển giao tiền, chứng khoán theo yêu cầu của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
c) Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền sở hữu tài sản của quỹ, thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán thuế đối với quỹ;
d) Đảm bảo tách biệt tài sản của quỹ hưu trí với tài sản của người sử dụng lao động, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các quỹ hưu trí khác được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
đ) Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát, các tổ chức cung cấp dịch vụ (nếu có) để các tổ chức này thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định này và điều lệ quỹ.
5. Tài sản của quỹ hưu trí được lưu ký tại tổ chức lưu ký là tài sản thuộc sở hữu của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động. Tổ chức lưu ký không được sử dụng tài sản của quỹ hưu trí để thanh toán, bảo lãnh thanh toán cho các khoản nợ của mình hoặc cho bên thứ ba.
Điều 16. Ngân hàng giám sát
1. Ngân hàng giám sát quỹ hưu trí phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
b) Có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng các nghĩa vụ của ngân hàng giám sát quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Không là người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí ký hợp đồng giám sát quỹ hưu trí với 01 ngân hàng giám sát đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Hợp đồng giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với ngân hàng giám sát bao gồm những nội dung cơ bản sau:
a) Quyền và trách nhiệm của ngân hàng giám sát, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, người tham gia quỹ, người sử dụng lao động;
b) Phí giám sát quỹ hưu trí của ngân hàng giám sát;
c) Các trường hợp ngân hàng giám sát phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này.
3. Ngân hàng giám sát có các quyền theo quy định tại hợp đồng giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí nhưng phải đảm bảo các quyền cơ bản sau:
a) Được nhận phí giám sát theo hợp đồng giám sát ký kết giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với ngân hàng giám sát;
b) Yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản quỹ hưu trí, kế toán quỹ hưu trí, quản trị tài khoản hưu trí cá nhân cung cấp thông tin và tài liệu để ngân hàng giám sát thực hiện nghĩa vụ giám sát theo quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Kiểm tra doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức cung cấp các dịch vụ kế toán quỹ hưu trí và quản trị tài khoản hưu trí cá nhân về việc tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định này, điều lệ quỹ, hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, hợp đồng cung cấp các dịch vụ về kế toán quỹ hưu trí và quản trị tài khoản hưu trí cá nhân.
4. Ngân hàng giám sát có các nghĩa vụ theo quy định tại hợp đồng giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí nhưng phải đảm bảo các nghĩa vụ cơ bản sau:
a) Kiểm tra và giám sát doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và các tổ chức cung cấp dịch vụ về việc tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định này, điều lệ quỹ, hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, hợp đồng cung cấp các dịch vụ liên quan;
b) Kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, các giao dịch của quỹ hưu trí và tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Nghị định này và điều lệ quỹ hưu trí;
c) Định kỳ 06 tháng rà soát quy trình, phương pháp xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí; kiểm tra, giám sát việc xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí;
d) Định kỳ 06 tháng rà soát quy trình, phương pháp phân bổ kết quả đầu tư, xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân; kiểm tra, giám sát việc xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân;
đ) Lập và lưu trữ trong thời gian 10 năm các hồ sơ, chứng từ dưới dạng văn bản và tệp dữ liệu điện tử nhằm xác nhận việc tuân thủ trong hoạt động của ngân hàng giám sát đối với hoạt động quản lý;
e) Không được cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản quỹ hưu trí, kế toán quỹ hưu trí, quản trị tài khoản hưu trí cá nhân cho quỹ hưu trí đang ký hợp đồng giám sát;
g) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.
Điều 17. Đại lý hưu trí
1. Đại lý hưu trí là tổ chức được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí ủy quyền thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Giới thiệu về quỹ hưu trí;
b) Ký hợp đồng tham gia quỹ hưu trí với người tham gia quỹ và người sử dụng lao động.
2. Đại lý hưu trí là doanh nghiệp được phép hoạt động một trong các lĩnh vực sau: Ngân hàng, đại lý bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Điều 18. Tài khoản hưu trí cá nhân
1. Mỗi cá nhân có thể có một hoặc nhiều tài khoản hưu trí cá nhân tại một thời điểm được quản lý bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác nhau.
2. Tài khoản hưu trí cá nhân được sử dụng để:
a) Tiếp nhận khoản đóng góp của người tham gia quỹ và của người sử dụng lao động (nếu có);
b) Tiếp nhận kết quả đầu tư sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí và phân bổ cho từng tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại điều lệ quỹ;
c) Thanh toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định;
d) Chi trả cho người tham gia quỹ và người sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định này.
3. Quyền sở hữu tài khoản hưu trí cá nhân:
a) Người tham gia quỹ được sở hữu khoản đóng góp của mình và kết quả đầu tư sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí được phân bổ cho từng tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại điều lệ quỹ hưu trí;
b) Người lao động tham gia quỹ được sở hữu khoản đóng góp của người sử dụng lao động và kết quả đầu tư sau khi trừ đi các chi phí liên quan nếu đáp ứng được các điều kiện tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
4. Tài khoản hưu trí cá nhân không được sử dụng để:
a) Chuyển nhượng;
b) Cầm cố;
c) Giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký.
5. Quy trình chuyển tài khoản hưu trí cá nhân giữa các quỹ hưu trí được thực hiện theo phương thức tất toán tài khoản hưu trí cá nhân thành tiền và chuyển toàn bộ khoản tiền này sang tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí mới.
Điều 19. Hợp đồng tham gia quỹ hưu trí
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xây dựng 02 mẫu hợp đồng khung để quản lý tài khoản hưu trí cá nhân theo ủy quyền của người sử dụng lao động và người tham gia quỹ, trong đó có một mẫu hợp đồng khung ký với người trực tiếp tham gia quỹ hưu trí và một mẫu hợp đồng khung ký với người sử dụng lao động.
2. Mẫu hợp đồng khung tham gia quỹ hưu trí phải bao gồm những nội dung sau:
a) Tên, mục tiêu và chính sách đầu tư của các quỹ hưu trí;
b) Quyền và trách nhiệm của người tham gia quỹ, người sử dụng lao động và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
c) Quy trình đăng ký thay đổi thông tin đóng góp, lựa chọn quỹ hưu trí và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
d) Quy trình đăng ký chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân;
đ) Điều khoản về bảo mật thông tin tài khoản hưu trí cá nhân;
e) Nguyên tắc phân bổ chi phí hoạt động của quỹ hưu trí cho từng tài khoản hưu trí cá nhân;
g) Quy trình và điều kiện ngừng và tạm ngừng tham gia quỹ hưu trí.
Điều 20. Đầu tư quỹ hưu trí
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải quy định cụ thể chính sách đầu tư (bao gồm cơ cấu và tiêu chuẩn các tài sản đầu tư) tại điều lệ quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quyết định việc đầu tư của quỹ hưu trí theo quy định tại điều lệ quỹ, chính sách đầu tư của quỹ và các quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.
3. Các loại tài sản mà quỹ hưu trí được đầu tư bao gồm:
a) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ điều kiện quy định về chính sách đầu tư của quỹ tại điều lệ quỹ hưu trí;
b) Trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương;
c) Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán theo điều kiện quy định về chính sách đầu tư của quỹ tại điều lệ quỹ hưu trí.
4. Tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí.
5. Quỹ hưu trí không được gửi tiền tại doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí hoặc người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp.
Điều 21. Kế toán quỹ hưu trí
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thực hiện kế toán quỹ hưu trí bao gồm:
a) Hạch toán toàn bộ hoạt động thu chi của quỹ hưu trí;
b) Xây dựng và cập nhật quy trình, phương pháp xác định giá trị tài sản ròng quỹ hưu trí;
c) Xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí;
d) Lập báo cáo tài chính quỹ.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải chịu trách nhiệm đối với người tham gia quỹ về tính chính xác của việc hạch toán, kế toán quỹ hưu trí quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có thể tự thực hiện dịch vụ hoặc ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán để thực hiện kế toán quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chi phí hoạt động của quỹ hưu trí bao gồm các khoản chi phí cơ bản sau:
a) Chi phí quản lý tài sản trả cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
b) Chi phí lưu ký tài sản quỹ hưu trí trả cho tổ chức lưu ký;
c) Chi phí giám sát quỹ hưu trí trả cho ngân hàng giám sát;
d) Chi phí dịch vụ thuê ngoài (nếu có);
đ) Chi phí dự thảo, in ấn, gửi bản cáo bạch, bản cáo bạch tóm tắt, báo cáo tài chính, xác nhận giao dịch, sao kê tài khoản và các tài liệu khác cho người tham gia quỹ; chi phí công bố thông tin của quỹ hưu trí;
e) Chi phí liên quan đến thực hiện các giao dịch tài sản của quỹ.
Điều 22. Quản trị tài khoản hưu trí cá nhân
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thực hiện quản trị tài khoản hưu trí cá nhân bao gồm:
a) Hạch toán thu chi toàn bộ hoạt động của tài khoản hưu trí cá nhân bao gồm đóng góp, phân bổ kết quả đầu tư, chi phí hoạt động quỹ hưu trí; chi trả hưu trí;
b) Xây dựng và cập nhật quy trình, phương pháp phân bổ kết quả đầu tư và chi phí hoạt động quỹ hưu trí; xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân;
c) Xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân hàng tháng;
d) Lập và gửi ngươi tham gia quỹ báo cáo giá trị tài khoản hưu trí cá nhân hàng tháng theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải chịu trách nhiệm đối với người tham gia quỹ về tính chính xác của hoạt động cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có thể ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này để thực hiện quản trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này phải là một trong các tổ chức sau:
a) Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam;
b) Là doanh nghiệp được phép hoạt động một trong các lĩnh vực ngân hàng, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kế toán hoặc kiểm toán.
Điều 23. Đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ trong các trường hợp sau:
a) Thực hiện đầu tư không đúng với quy định tại Nghị định này hoặc chính sách đầu tư của quỹ hưu trí quy định tại điều lệ quỹ;
b) Xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí;
c) Phân bổ kết quả đầu tư và xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân.
2. Mức đền bù cho người tham gia quỹ được xác định trên cơ sở thiệt hại phát sinh cho người tham gia quỹ.
3. Quy trình đền bù cho người tham gia quỹ hưu trí:
a) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ;
b) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thông báo cho ngân hàng giám sát về mức thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ;
c) Ngân hàng giám sát kiểm tra, xác nhận giá trị thiệt hại phát sinh trên cơ sở tính toán của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
d) Ngân hàng giám sát và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thống nhất về giá trị thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ hưu trí;
đ) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thanh toán tiền đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ hưu trí.
4. Ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký, tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân chịu trách nhiệm liên đới với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ khi xảy ra các thiệt hại do sai sót của từng tổ chức này. Mức độ bồi thường thiệt hại thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký, tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân.
5. Việc bồi thường thiệt hại cho người tham gia quỹ phải được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thuyết minh cụ thể tại báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động quản lý quỹ hưu trí, trong đó nêu rõ nguyên nhân, lý do, mức độ ảnh hưởng, số lượng người tham gia quỹ bị ảnh hưởng đã được đền bù, mức đền bù cho người tham gia quỹ, hình thức đền bù, phương thức thanh toán và các hoạt động khắc phục khác (nếu có).
Mục 3. CHI TRẢ TỪ QUỸ HƯU TRÍ
Điều 24. Nguyên tắc chi trả từ quỹ hưu trí
1. Đối tượng được nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân bao gồm:
a) Người tham gia quỹ;
b) Người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động.
2. Số tiền thanh toán từ tài khoản hưu trí cá nhân phụ thuộc vào giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và kế hoạch chi trả quy định tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
3. Trong quá trình chi trả, tài khoản hưu trí cá nhân được tiếp tục đầu tư tại quỹ hưu trí theo lựa chọn của người tham gia quỹ.
4. Người tham gia quỹ nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân được lựa chọn nhận chi trả theo chế độ hàng tháng hoặc một lần. Nhà nước khuyến khích chi trả theo chế độ hàng tháng (lương hưu) thông qua chính sách thuế quy định tại Nghị định này và văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
5. Thời gian nhận chi trả hàng tháng khi người tham gia quỹ đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 10 năm. Mức chi trả hàng tháng khi đến tuổi về hưu do đối tượng nhận chi trả lựa chọn nhưng tối đa không vượt quá tổng giá trị tài khoản hưu trí cá nhân ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 120 tháng. Sau 10 năm, người tham gia quỹ có thể nhận chi trả một lần.
6. Trường hợp mức chi trả hàng tháng được xác định theo quy định tại khoản 5 Điều này thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định hiện hành thì mức chi trả hàng tháng tối đa không vượt quá mức lương cơ sở cho đến khi tất toán tài khoản hưu trí cá nhân.
Điều 25. Chi trả cho người tham gia quỹ
1. Người tham gia quỹ đăng ký kế hoạch chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tại hợp đồng tham gia quỹ hưu trí và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí theo quy định tại điều lệ quỹ hưu trí.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí yêu cầu tổ chức lưu ký thanh toán thanh toán tiền cho người tham gia quỹ hưu trí.
3. Trước khi thanh toán tiền cho người tham gia quỹ, tổ chức lưu ký có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
4. Người thừa kế hợp pháp của người tham gia quỹ được thừa hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ trong trường hợp người tham gia quỹ bị chết hoặc mất tích theo quy định về thừa kế của Bộ luật dân sự.
Điều 26. Chi trả cho người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động được nhận lại phần đóng góp của mình cho người lao động và kết quả đầu tư từ phần đóng góp này sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí khi người lao động không đáp ứng các điều kiện tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí yêu cầu tổ chức lưu ký thanh toán tiền cho người sử dụng lao động theo quy định tại điều lệ quỹ hưu trí và văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.
Mục 4. CÔNG BỐ THÔNG TIN, HẠCH TOÁN, KẾ TOÁN, CHI PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CỦA DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ QUỸ HƯU TRÍ
Điều 27. Tài liệu giới thiệu về quỹ hưu trí
1. Trước thời điểm ký hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải cung cấp tài liệu giới thiệu về quỹ hưu trí cho các đối tượng tham gia quỹ hưu trí quy định tại Điều 6 Nghị định này.
2. Tài liệu giới thiệu về các quỹ hưu trí phải bao gồm những nội dung sau:
a) Điều lệ quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;
b) Nêu rõ người tham gia quỹ hưu trí trên cơ sở tự nguyện và chấp nhận rủi ro trong đầu tư quỹ hưu trí theo mục tiêu và chính sách đầu tư quy định tại điều lệ quỹ. Chế độ chi trả hưu trí phụ thuộc vào giá trị đóng góp tích lũy và kết quả đầu tư quỹ hưu trí sau khi trừ đi các chi phí liên quan phân bổ cho từng tài khoản hưu trí;
c) Thuyết minh rõ cho người tham gia quỹ các quyền và trách nhiệm của người tham gia quỹ;
d) Các chi phí liên quan phân bổ cho từng tài khoản hưu trí của người tham gia quỹ;
đ) Kết quả đầu tư của quỹ trong 03 năm liền kề trước đó (nếu có);
e) Tài liệu giới thiệu về quỹ hưu trí phải chính xác, khách quan, đầy đủ, trung thực, phù hợp với chương trình hưu trí và được trình bày rõ ràng, dễ hiểu.
Điều 28. Báo cáo giá trị tài khoản hưu trí cá nhân
1. Hàng tháng, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải lập báo cáo giá trị tài khoản hưu trí cá nhân bao gồm những nội dung sau:
a) Số tiền đóng góp vào tài khoản hưu trí cá nhân trong tháng và lũy kế đến thời điểm lập báo cáo;
b) Kết quả phân bổ đầu tư đến tài khoản hưu trí cá nhân trong tháng và lũy kế đến thời điểm lập báo cáo;
c) Chi phí thanh toán từ tài khoản hưu trí cá nhân trong tháng và lũy kế đến thời điểm lập báo cáo;
d) Giá trị tích lũy của tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm đầu kỳ báo cáo và thời điểm lập báo cáo.
2. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ thời điểm kết thúc tháng, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải gửi báo cáo về tài khoản hưu trí cá nhân cho người tham gia quỹ.
Điều 29. Cung cấp tài liệu, thông tin cho người tham gia quỹ
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải duy trì và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp về thông tin cơ bản của mỗi quỹ hưu trí do doanh nghiệp quản lý, cụ thể bao gồm:
a) Điều lệ quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;
b) Bản cáo bạch; báo cáo tài chính bán niên, báo cáo tài chính năm đã kiểm toán;
c) Báo cáo tổng kết về hoạt động quản lý quỹ hưu trí, bán niên và cả năm;
d) Báo cáo thống kê về phí giao dịch trong hoạt động đầu tư của quỹ hưu trí bán niên và cả năm;
đ) Báo cáo về hoạt động của quỹ hưu trí bán niên và cả năm;
e) Tổng hợp kết quả đầu tư trong 05 năm liền kề trước đó (nếu có).
2. Người tham gia quỹ được quyền truy cập thông tin về tài khoản hưu trí cá nhân tại trang thông tin điện tử của tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
Điều 30. Hạch toán kế toán, kiểm toán
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thực hiện chế độ hạch toán, kế toán báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành về kế toán.
2. Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải được kiểm toán độc lập.
Điều 31. Các loại chi phí thanh toán từ tài khoản hưu trí cá nhân
1. Tài khoản hưu trí cá nhân phải thanh toán các loại chi phí sau:
a) Chi phí quản lý tài khoản hưu trí cá nhân;
b) Chi phí lưu ký, giám sát, kiểm toán;
c) Chi phí quản trị quỹ;
d) Chi phí chuyển đổi tài khoản hưu trí cá nhân giữa các quỹ hưu trí tại cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và chuyển đổi tài khoản hưu trí cá nhân sang doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác;
đ) Các loại chi phí khác theo quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng tham gia quỹ hưu trí.
2. Nguyên tắc xác định các chi phí nêu tại khoản 1 Điều này phải được quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng tham gia quỹ hưu trí.
Điều 32. Chế độ báo cáo của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí
1. Định kỳ hàng năm, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo kết quả hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
a) Thời gian gửi báo cáo: Chậm nhất 03 tháng sau khi kết thúc kỳ báo cáo;
b) Kỳ báo cáo: Báo cáo kết quả hoạt động của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm;
c) Nội dung báo cáo:
- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập;
- Báo cáo hoạt động quản lý quỹ hưu trí, báo cáo quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ theo hướng dẫn cụ thể của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
d) Nơi nhận báo cáo: Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có trách nhiệm báo cáo đột xuất theo quy định tại Điều 40 Nghị định này hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Điều 33. Chế độ báo cáo của ngân hàng giám sát
1. Định kỳ hàng năm, ngân hàng giám sát có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, cụ thể như sau:
a) Thời gian gửi báo cáo: Chậm nhất 03 tháng sau khi kết thúc kỳ báo cáo;
b) Kỳ báo cáo: Báo cáo kết quả giám sát quỹ hưu trí từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm;
c) Nội dung báo cáo:
- Đánh giá kết quả thực hiện kiểm tra và giám sát theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 4 Điều 16 Nghị định này;
- Các vi phạm (nếu có) của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan và kiến nghị hướng giải quyết, khắc phục.
d) Nơi nhận báo cáo: Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Trường hợp phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật hoặc điều lệ quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát phải báo cáo ngay cho Bộ Tài chính và thông báo cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm, đồng thời yêu cầu thực hiện sửa lỗi hoặc thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả trong thời hạn quy định.
3. Ngoài các trường hợp báo cáo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu ngân hàng giám sát báo cáo bất thường về việc giám sát quỹ hưu trí. Ngân hàng giám sát phải báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu báo cáo này.
Chương III
DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ QUỸ HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN
Điều 34. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
1. Là doanh nghiệp thành lập hợp pháp tại Việt Nam được phép hoạt động trong các lĩnh vực: Bảo hiểm nhân thọ, quản lý quỹ theo quy định của pháp luật chuyên ngành và đáp ứng được các điều kiện sau:
a) Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải đủ điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm hưu trí;
b) Đối với công ty quản lý quỹ phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý quỹ; tổng giá trị tài sản quản lý tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, đang hoạt động quản lý quỹ mở hoặc quỹ trái phiếu.
2. Không phải là tổ chức nằm trong diện đang được tái cơ cấu hoặc bị kiểm soát, giám sát đặc biệt theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Có dự thảo điều lệ quỹ đối với mỗi quỹ hưu trí dự kiến thành lập đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 14 Nghị định này.
4. Có hợp đồng nguyên tắc ký kết với các tổ chức cung cấp dịch vụ sau:
a) Tổ chức lưu ký tài sản quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 15 Nghị định này;
b) Ngân hàng giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí và quản trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
5. Có phương án kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí gồm những nội dung cơ bản sau:
a) Kế hoạch và chiến lược hoạt động quản lý quỹ hưu trí trong 05 năm tiếp theo;
b) Dự kiến doanh thu và chi phí trong 05 năm tiếp theo;
c) Phương án về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý từng tài khoản hưu trí cá nhân đảm bảo thực hiện các hoạt động đóng góp, đầu tư, thanh toán chi phí, thuế, tiền phạt và chi trả các đối tượng liên quan;
d) Có mẫu hợp đồng khung về tham gia quỹ hưu trí đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này.
6. Có tối thiểu 05 người lao động có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực quản lý quỹ hưu trí, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quản lý quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. Trong đó phải có tối thiểu 03 nhân viên nghiệp vụ có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ do Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp hoặc là thành viên của Hiệp hội các nhà phân tích tài chính (CFA).
7. Có quy trình quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ.
Điều 35. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (thông tin về mã số doanh nghiệp).
2. Bản sao Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành (Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản sao không có chứng thực xuất trình cùng bản chính để đối chiếu).
3. Bản sao hợp đồng nguyên tắc với tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát.
4. Phương án kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ:
a) Kế hoạch và chiến lược hoạt động quản lý quỹ hưu trí;
b) Dự kiến doanh thu và chi phí trong 05 năm tiếp theo;
c) Phương án về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để quản lý từng tài khoản hưu trí cá nhân đảm bảo thực hiện các hoạt động đóng góp, đầu tư, thanh toán chi phí, chi trả cho người tham gia quỹ và người sử dụng lao động, thanh toán thuế thu nhập cá nhân;
d) Mẫu hợp đồng khung về tham gia quỹ hưu trí đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định này.
5. Tài liệu chứng minh có tối thiểu 05 người lao động đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 34 Nghị định này, bao gồm các tài liệu cơ bản sau:
a) Bản sao hợp đồng lao động (Bản sao có chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản sao không có chứng thực xuất trình cùng bản chính để đối chiếu);
b) Sơ yếu lý lịch của người lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (nêu rõ quá trình công tác và các chứng chỉ, bằng cấp nếu có);
c) Bản sao các chứng chỉ theo quy định tại khoản 6 Điều 34 Nghị định này.
6. Quy trình quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát nội bộ.
Điều 36. Quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
1. Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 35 Nghị định này đến Bộ Tài chính để kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tài chính thông báo về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung tài liệu (nếu có) và gửi 02 bộ hồ sơ chính thức để thẩm định.
3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các đơn vị có liên quan thẩm định, xem xét hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trong trường hợp từ chối, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
4. Nội dung thẩm định hồ sơ theo các điều kiện quy định tại Điều 34 Nghị định này.
Điều 37. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có những nội dung cơ bản sau:
a) Tên doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
b) Địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
c) Số, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
d) Số, ngày cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
đ) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;
e) Nội dung và phạm vi hoạt động.
2. Trường hợp cấp lại hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì ghi rõ số lần cấp lại hoặc số lần điều chỉnh và sử dụng số chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được cấp lần đầu cho doanh nghiệp.
Điều 38. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được cấp lại trong những trường hợp sau:
a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bị mất hoặc bị hư hỏng;
b) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp) và tiếp tục đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 34 Nghị định này.
2. Quy trình, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này:
a) Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gồm:
- Bản gốc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (trừ trường hợp bị mất);
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
3. Quy trình, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này:
a) Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
- Hồ sơ chứng minh doanh nghiệp tiếp tục đáp ứng đủ các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 34 Nghị định này bao gồm các văn bản, tài liệu quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 Nghị định này.
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, xem xét hồ sơ để cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trong trường hợp từ chối, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Điều 39. Điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải làm thủ tục đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có sự thay đổi tại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 37 Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bao gồm:
a) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, trong đó nêu rõ lý do điều chỉnh;
b) Bản gốc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được cấp lần gần nhất;
c) Tài liệu chứng minh nội dung đề nghị điều chỉnh.
3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, xem xét hồ sơ để điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trong trường hợp từ chối, Bộ Tài chính thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Điều 40. Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi về những nội dung sau đây, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài chính:
1. Thuộc diện tái cơ cấu hoặc kiểm soát, giám sát đặc biệt.
2. Bị giải thể, phá sản hoặc tự chấm dứt kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí.
3. Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm hoặc quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
4. Thay đổi về tổ chức lưu ký.
5. Thay đổi về ngân hàng giám sát.
Điều 41. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau đây:
a) Bị giải thể, phá sản hoặc tự chấm dứt kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí;
b) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm hoặc quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
2. Quy trình thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh:
a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tự động bị hết hiệu lực đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính về quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp phải chấm dứt ngay các hoạt động quản lý quỹ hưu trí kể từ thời điểm Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tự động bị hết hiệu lực.
4. Trường hợp doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính chỉ định một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác tiếp nhận việc quản lý các quỹ hưu trí đang quản lý bởi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp được chỉ định phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí và đang thực hiện quản lý tối thiểu 01 quỹ hưu trí.
5. Người tham gia quỹ được lựa chọn tiếp tục tham gia quỹ hưu trí được quản lý bởi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo chỉ định của Bộ Tài chính hoặc yêu cầu chuyển tài khoản hưu trí cá nhân sang quỹ hưu trí quản lý bởi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác.
Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí
1. Quyền của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí:
a) Quyết định về số lượng quỹ hưu trí và chính sách đầu tư quỹ hưu trí;
b) Ký hợp đồng quản lý quỹ hưu trí;
c) Lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan;
d) Quyết định việc đầu tư của quỹ hưu trí theo quy định tại điều lệ quỹ và các quy định tại Nghị định này.
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí:
a) Thành lập, đầu tư và quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Nghị định này;
b) Xây dựng và ban hành điều lệ quỹ hưu trí đối với mỗi quỹ được thành lập;
c) Lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát;
d) Quyết định việc đầu tư của quỹ hưu trí theo quy định tại điều lệ quỹ và quy định tại Nghị định này;
đ) Thực hiện kế toán quỹ hưu trí hoặc ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán quỹ hưu trí cá nhân theo quy định tại Nghị định này;
e) Thực hiện quản trị tài khoản hưu trí cá nhân hoặc ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Nghị định này;
g) Chuyển tài khoản hưu trí cá nhân giữa các quỹ hưu trí quản lý bởi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và chuyển sang doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác theo quy định tại Nghị định này;
h) Thực hiện công bố thông tin, hạch toán, kế toán và báo cáo theo quy định tại Nghị định này;
i) Đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ (nếu có) theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.
Chương IV
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 43. Kiểm tra, thanh tra
1. Công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện theo phương pháp định kỳ hoặc đột xuất. Việc kiểm tra, thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi phát hiện doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao. Việc kiểm tra, thanh tra định kỳ thực hiện không quá 01 lần trong năm đối với một doanh nghiệp.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ 05 năm một lần về việc tuân thủ các quy định về cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Nghị định này.
3. Nội dung kiểm tra, thanh tra bao gồm xem xét khả năng tiếp tục duy trì hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và việc tuân thủ đầy đủ các quy định về cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Nghị định này.
4. Việc kiểm tra, thanh tra thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều 44. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Hướng dẫn chính sách thuế đối với chương trình hưu trí tự nguyện theo quy định tại khoản 4 Điều 24 và chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 32 Nghị định này.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, theo dõi, đánh giá việc thực hiện Nghị định này.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định này.
4. Theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thông qua chế độ báo cáo theo quy định của Nghị định này.
5. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ hoạt động của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định của Nghị định này định kỳ 05 năm một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
Điều 45. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng văn bản thỏa thuận tham gia chương trình hưu trí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi, đánh giá việc tham gia quỹ hưu trí của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định này.
3. Phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, theo dõi, đánh giá việc thực hiện Nghị định này.
4. Phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến đối với việc cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
5. Phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ hoạt động của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định của Nghị định này định kỳ 05 năm một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
1. Tham gia phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến đối với việc cấp, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
2. Phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ hoạt động của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định của Nghị định này định kỳ 05 năm một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Điều 48. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3). XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC

(Kèm theo Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ)

Mu số 01

Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hoặc, cấp lại Giy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

Mu số 02

Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

Mu số 03

Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

Mẫu số 01

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: ………..

…………., ngày …… tháng …… năm 20…

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hoặc,
Cấp lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện
i với trường hợp doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đi hình thức sở hữu và tiếp tục đáp ứng đủ các Điều kiện quy định tại Nghị định …../…./NĐ-CP ngày …../…./.... của Chính phủ quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện)

Kính gửi: Bộ Tài chính.

Phần I. Thông tin về doanh nghiệp

1. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng Việt (ghi bằng chữ in hoa):

..........................................................................................................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt (nếu có):

..........................................................................................................................................

Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài (nếu có):

..........................................................................................................................................

2. Địa chỉ trụ sở chính:

..........................................................................................................................................

3. Mã số doanh nghiệp: ...................................................................................................

4. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số:

...........................................................................................................................................

do.......................................................................................................... (tên cơ quan cấp)

cấp ngày …… tháng …… năm ………. tại .......................................................................

5. Các lĩnh vực đăng ký kinh doanh:

............................................................................................................................................

6. Vốn Điều lệ: ....................................................................................................................

7. Vốn Điều lệ thực góp: .....................................................................................................

8. Điện thoại: …………………………………………. Fax: ..................................................

9. Trang thông tin điện tử: .................................................................................................

10. E-mail: .........................................................................................................................

11. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

Họ và tên: ………………………………………………………..Giới tính: .............................

Chức vụ: ............................................................................................................................

Hợp đồng lao động số: .......................................................................................................

Quốc tịch ...............................................................................  Sinh ngày: …..…../……….

Giấy CMND/Hộ chiếu số: ......................................................... cấp ngày: …….…../…….

ti........................................................................................................................................

Bng cấp..........................................................................................................................

Trình đ chuyên môn và kinh nghim làm việc................................................................

...........................................................................................................................................

Đin thoi: ……………………………….. E-mail: ..............................................................

12. 05 người lao động đáp ứng Điều kiện có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực quản lý quỹ hưu trí, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quản lý quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm

(1) H và tên: ………………………………………………….. Giới tính:..............................

Chức v: ...........................................................................................................................

Hp đồng lao đng số: .....................................................................................................

Quốc tch .........................................................................  Sinh ngày: ………../…………

Giấy CMND/Hộ chiếu số: .................................................. cấp ngày: …….……./………

tại........................................................................................................................................

Bằng cấp: ..........................................................................................................................

Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc:

...........................................................................................................................................

...........................................................................................................................................

Điện thoại: …………………………………. E-mail: ............................................................

(2)………

(3)……….

(4)……….

(5)……….

Phần II. Nộdung đề nghị và hồ sơ kèm theo

1. (Tên doanh nghiệp) đề nghị Bộ Tài chính cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Nghị định số …..…../NĐ-CP ngày ….…./….. của Chính phủ quy định về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

2. Hồ sơ kèm theo gồm có:

- ........................................................................................................................................

- ........................................................................................................................................

- ........................................................................................................................................

Phần III. Doanh nghiệp cam kết

(Tên doanh nghiệp) xin cam kết:

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và tính hợp pháp của những nội dung kê khai trên đây và các giy tờ, tài liệu trong hồ sơ gửi kèm theo Đơn này.

2. Nếu được cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện, (tên doanh nghiệp) sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

 

 

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ và tên và đóng dấu)

Mẫu số 02

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------

Số: ………..

…………., ngày …… tháng …… năm 20…

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Cấp lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện
i với trường hợp Giấy chứng nhận bị mất hoặc bị hư hỏng)

Kính gửi: Bộ Tài chính.

1. Tên doanh nghiệp: ........................................................................................................

Tên doanh nghiệp viết tắt (nếu có): ................................................................................

Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài (nếu có): .......................................................

Địa chỉ trụ sở chính: ……………………… Số điện thoại: ................................................

số fax: ................................................................................................................................

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số …….. do………………… (tên cơ quan cấp) ………cấp ngày ….. tháng …. năm …..

Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện số …….. cấp lần đầu ngày ….. tháng ….. năm …… (Điều chỉnh lần thứ …… ngày …. tháng…. năm …………).

Đề nghị Bộ Tài chính cấp lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho ………………… (tên doanh nghiệp) thay thế Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dịch vụ quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện số....................................................................................... cấp ….. ngày … tháng… năm ……

2. Lý do đề nghị cấp lại: ....................................................................................................

3. Hồ sơ kèm theo gồm có: ..............................................................................................

4. Doanh nghiệp xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung trong đơn và các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ gửi kèm theo đơn này./.

 

 

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ và tên và đóng dấu)

 

 

Mẫu số 03

TÊN DOANH NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………..

…………., ngày …… tháng …… năm 20…

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

Điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện

Kính gửi: Bộ Tài chính.

1. Tên doanh nghiệp: ..........................................................................................................

- Tên doanh nghiệp viết tắt (nếu có): ..................................................................................

- Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài (nếu có): ........................................................

- Địa chỉ trụ sở chính: ……………………………….. Số điện thoại: ....................................

số fax: .................................................................................................................................

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số …………….…. do …………(tên cơ quan cấp)......... cấp ngày…...tháng…...năm…...

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện số ….. cấp lần đầu ngày ....... tháng...... năm ……….(điều chỉnh lần th ngày ….tháng....... năm….).

Đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho………………… (tên doanh nghiệp) trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện số ………. cấp ……… ngày …….. tháng ………. năm …………

2. Nội dung đề nghị điều chỉnh

(Tên doanh nghiệp) đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo các nội dung sau: ................................................................................................

Lý do đề nghị điều chỉnh: .................................................................................................

3. Hồ sơ kèm theo gồm có: .............................................................................................

4. Doanh nghiệp xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung trong đơn và các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ gửi kèm theo đơn này./.

 

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ và tên và đóng du)

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT

Decree No.88/2016/ND-CPdated July 01, 2016 of the Government on voluntary supplemental retirement program

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law onsocial insurance dated November 20, 2014;

Pursuant to the Law on Investment dated November 26, 2014;

Pursuant to the Law onEnterprisesdated November 26, 2014;

Pursuant to the Law onSecurities dated June 29, 2006 and the Law dated November 24, 2010 on amendment of certain articles of the Law on Securities;

Atthe request of Minister ofFinance;

The Government promulgates a Decreeon voluntary supplemental retirement program.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scopeof adjustment

1.This Decree provides for the voluntary supplemental retirement program by means of establishment of retirement funds with the voluntary contributions by fund participants and employers under the form of individual retirement accounts, the management, investment, payment and supervision of retirement funds.

2.The following activities shall not be governed by this Decree:

a) Activities of funds that are under the management of Vietnam Social Security;

b) Provision of retirement insurance products by insurance companies in accordance with regulations of the Law on insurance trading and relevant instructional documents.

Article 2.Subject of application

1. Employees and employers as regulated in the Labor Code.

2. Individuals aged 15 years or older, working without labor contracts as referred to in the Labor Code.

3.  Voluntary supplemental retirementfund management companies.

4. Providers of services relating to the establishment, operation, management and supervision of voluntary supplemental retirement funds as referred to in this Decree.

5. Entities involved in thevoluntary supplemental retirement program.

Article 3. Interpretation of terms

In this Decree, these terms shall be construed as follows:

1. A fund participant refers to an employee or individual who is prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 6 of this Decree and has an individual retirement account opened at the retirement fund.

2. Retirement program is the abbreviated name of the voluntary supplemental retirement program which is a social insurance policy with voluntary features for the purpose of increasing retirement savings of fund participants under individual retirement accounts used to make investments and accumulation in accordance with the law.

3. Retirement fund is the abbreviated name of the voluntary supplemental retirement fund which is a financial fund functioned to execute retirement programs and established by the contributions of fund participants and employers.

4. Individual retirement account refers to an account which is opened for a fund participant and managed by a retirement fund management company as referred to in Article 18 of this Decree.

5. Assets of a retirement fund refer to the sum of balances of individual retirement accounts of employees who participate in the samevoluntary supplemental retirementprogram and are established from the contributions of employees and employers.

6. Aretirement fundmanagement company refers to a company that has obtained a Certificate of eligibility to provide voluntary supplemental retirement fund service.  

7. Certificate of eligibility is the short name of theCertificate of eligibilityto providevoluntary supplemental retirement fund serviceas referred to in Article 37 of this Decree.

8. A retirement fund service covers the management of individual retirement accounts under the authorization of fund participants and employers.

9. Depository institution is selected by the retirement fund management company to receive deposited assets of that retirement fund in conformity with regulationsin Article 15 of this Decree.

10. Supervisory bank is selected bythe retirement fund management company tosupervise activities of thatretirement fund in conformity with regulations in Article 16 of this Decree.

11. Retirement age refers to the age at which the employee may retire as referred to in the Labor Code.

Article 4. Rules of voluntary supplemental retirement program

1. The participation in thevoluntary supplemental retirement programof employees and individuals and/or employers (who make contributions for their employees) must be entirely voluntary.

2. Contributions of a fund participant shall include those made by his/her employer (if any) and be managed under his/her individual retirement account.

3. A fund participant is entitled to take the ownership of an individual retirement accountas referred to inClause 3Article 18 of this Decree.  The retirement fund management company shall be entrusted with assets of that retirement fund for investments.  The retirement fund management company must manage assets of a retirement fund separately from its own assets, assets of depository institutions, those of employers and assets of other retirement funds which are also under its management.

4. Retirement fund management activities must be conducted in a transparent and openness manner.

5. Investments of the retirement fund must be carried out in conformity with regulations in this Decree and the charter of that retirement fund.

6. The pension rate is determined on the basis of individual retirement accountbalances at the payment time asreferred to in Article 18 of this Decree.

Article 5. Government s policies on voluntary supplemental retirement program

1. The Government encourages developing voluntary supplemental retirement programs by means ofincentivepolicies provided for in laws on taxation.

2. TheGovernment shall manage and supervise the implementation of voluntary supplemental retirement programs as well as operations of retirement funds by adopting policies and regulations toforce retirement funds to operate in a transparent and openness way in order to protect lawful rights and interest of fund participants.

3.Investment results and payment rates made by retirement funds shall not be guaranteed by the Government.

Chapter II

PARTICIPATION IN VOLUNTARY SUPPLEMENTAL RETIREMENT PROGRAMS, ESTABLISHMENT AND OPERATION OF RETIREMENT FUNDS

Section 1. PARTICIPATION IN RETIREMENT PROGRAM

Article 6. Entitiesmaking contributions to retirement program

1. Employers who make contributions for their employees in accordance with regulations ofthe Labor Code.

2.Employees as regulated in the Labor Code.

3.Individuals aged 15yearsor older,working without labour contracts as referred to in the Labour Code.

Article 7.Methods of contribution

1. Participation in retirement programs through employers, consisting of:

a) An employer makes contributions to a retirement fund for his/her employees on the basis of labor management requirements and financial capacity without the employee’s contribution.

b) Employer and his/her employees shall jointly make contributions to a retirement fund in conformity with an agreement made by and between that employer and his/her employees.

2. Direct participation in retirement program, consisting of:

a) An employee himself/herself makes all of regulated contributions to a retirement fund without his/her employer’s contribution;

b) Contributions to retirement funds made by individuals as referred to in Clause 3 Article 6 of this Decree.

Article 8. Participation in retirement program through employer

1. Based onlabour management requirements and financial capacity, the employer may set up a retirement program and make contributions to the retirement fund for his/her employees upon the method of contribution prescribed in Clause 1 Article 7 of this Decree.

2. The participation in retirement program through an employer shall comply with the following process:

a) The employer shall provide announcement of the retirement program to his/her employees.

b) Employer and his/her employees shall enter into a written agreement on the participation in the retirement program as regulated by Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.  The written agreement on theparticipation in retirement programmust include the following contents:

- Name of theretirement programselected by employees;

- Basic contents of that retirement program;

- Time of starting the retirement program;

- Contribution rate, frequency and contribution period of the employer;

- Contribution rate, frequency, period and methods of contribution of relevant employee (if the employee and employer jointly make contribution to the retirement program);

- Rights and obligations of employees when they participate in the retirement fund, including conditions for receiving contributions by their employer and earnings from investment by these contributions;

-Rights and obligations oftheemployer during his/herparticipationin the retirement fund, including conditionsfor that the employer can take back his/her contributions made for his/her employeesand earnings from investment by these contributions;

- Procedures for change of contents of the written agreement (if any);

- Termination and suspension of the participation inthe retirement program.

c) The employer shall enter into a retirement fund participation contract with a retirement fund management company. Contents of the retirement fund participation contract shall comply with regulations inArticle 19of this Decree.

d) Based on thesigned retirementfundparticipation contract and the written agreement made with the employees, the employer shall transfer contributions, includingthe employer’scontribution portionand contribution portions entrusted with by employees (if any),to the retirement fund, and inform the retirement fund management company, depository institution and supervisory bank of amounts transferred to each individual retirement account.

3. Contributions to each individual retirement account of the fund participant consist of:

a) The contribution made by the employer for the relevant employee in conformity with the written agreement signed by and between the employer and that employee;

b) The contribution made by the employee (if any) as regulated in the written agreement signed by and between that employee and his/her employer.

4. The termination or suspension of the participation in the retirement program by the employer and the employee shall comply withthe written agreement signed by and between the employer and theemployeeas referred to in Point b Clause 2 of this Article and the retirement fund participation contract prescribed in Article 19 of this Decree.

Article 9. Direct participation in retirement program

1. Employees/ individuals may make direct contributions to retirement programs upon themethod of contribution prescribed in Clause 2 Article 7 of this Decree.

2.Employees/ individuals mayselect suitable retirement programs and methods of contribution, and then enter into contracts with the retirement fund management companies according to the contract form stated inArticle19of this Decree.

3.Employees/ individualsshall transfer their contributions to retirement funds upon provisions in the signed retirement fund participation contracts.

4. Employees/individuals shall checked updated information periodically provided by the fund management company, the depository institution and the supervisory bank about values of individual retirement accounts as referred to inArticles 28 and 29of this Decree.

5.Employees/individuals mayterminate or suspend the participation in retirement programs upon the retirement fund participation contractsprescribed in Article19of this Decree.

Article 10. Rights and responsibilities of the employer

1. An employer participating in the retirement program shall have the following rights:

a) Contributions made by the employer to the retirement fund for his/her employees shall be accounted into deductible expenditures upon determination of income subject to corporate income tax in accordance with regulations of the law on taxation;

b) Make decisions on the rate and time of contribution, increase, decrease, termination or suspension of contributions as regulated in the written agreement signed by the employer and the employee on the participation in the retirement program and the signed retirement fund participation contract;

c) Select and change retirement fund management company as regulated in the written agreement signed by the employer and the employee on the participation in the retirement program;

d) Get back contributions made for an employee and earnings from investment by such contributions after relevant expenses are deducted in the event that the employee fails to meet requirements stated in the written agreement signed by the employer and the employee on the participation in the retirement program as referred to in Article 26 of this Decree.

2. An employer participating in the retirement programhas the following responsibilities:

a) Make contributions to the retirement fund according to the contribution percentage belonging to the employer’s responsibility as specified in the written agreement signed by the employer and the employee on the participation in the retirement program and the signed retirement fund participation contract;

b) Make contributions to the retirement fund as entrusted with by the employee according to the contribution percentage belonging to the employee’s responsibility within the period specified in the written agreement signed by the employer and the employee on the participation in the retirement program and the signed retirement fund participation contract (if any);

c) Ensure the separation between the employer’s contributions and those entrusted with by the employee (if any);

d) Comply with procedures for change of the retirement fund management company in conformity with provisions in the written agreement signed by the employer and the employee on the participation in the retirement program;

dd) Discharge duties mentioned inthe written agreement signed by and between the employer and the employeeon the participation in the retirement program, the retirement fund’s charter and theretirement fund participation contractas referred toin this Decree.

Article 11. Rights and responsibilities of the employee

1. An employeeparticipating in the retirement program shall have the following rights:

a) Participate in the retirement program and have rights and interests accrued from that retirement program as referred to in this Decree;

b) Contributions made to the retirement fund shall be deducted from taxable income before calculation of personal income tax according to the rate regulated in the law on personal income tax;

c) Make decisions on the rate and time of contribution, increase, decrease, termination or suspension of contributions as regulated in the retirement fund participation contract;

d) The employee who participates in the retirement program through his/her employer may select and change between retirement programs managed by the same retirement fund management company; the employee who directly participates in the retirement program is entitled to select and change the retirement fund management company;

dd) Have an individual retirement account issued, and have the right to access to the information about to his/her individual retirement account; move his/her individual retirement account to another retirement fund management company in case of change of the retirement fund management company;

e) Receive payments from the individual retirement account as referred to in this Decree;

g) Personal retirement information and the information related to the individual retirement account will be kept secret;

h) Have the right to change from the form of participation in the retirement fund through the employer into the form of direct participation in the retirement fund;

i) In case of change of employment:

- Maintain the individual retirement account opened at the retirement fund management company at the former employer’s place under the form of direct participation in the retirement program; or

- Move the individual retirement account to theretirement fund management companyat the new employer’s place.

2.An employeeparticipating in the retirement program has the following responsibilities:

a) Fulfill obligations as regulated in the retirement fund’s charter and the retirement fund participation contract;

b) Comply with regulations in this Decree and relevant laws.

Article 12. Rights and responsibilities of individuals participating in the retirement program

1.Anindividual participating in the retirement programshall have the following rights:

a) Have the rights as those of an employee participating in the retirement program regulated in Points a, c, d, dd, e and g Clause 1 Article 11 of this Decree;

b) Contributions made to the retirement fund shall be deducted from taxable income before calculation of personal income tax according to the rate regulated in the law on personal income tax if that individual has participated in compulsory social insurance or voluntary social insurance (including the cases where the period of social insurance premium payment is reserved) in accordance with regulations of the law on social insurance;

c) Have the right to change from the form of direct participation in the retirement fund into the form of participation in the retirement fund through the employer.

2. Individualsparticipating in retirement programs shall have the same responsibilities with employees participating in retirement programs asprescribed inClause 2Article 11of this Decree.

Section 2. ESTABLISHMENT AND OPERATION OF RETIREMENT FUNDS

Article 13. Establishment of retirement funds

1.Retirement fund managementcompanies that haveCertificatesof eligibilityforretirement fund serviceprovision as referred to in this Decree may establish retirement funds in conformity with regulations herein.

2. The retirement fund management company shall base on demands of fund participants and its management requirements to decide the number of requirement funds and investment objectives of retirement funds in conformity with regulations inArticle 20 of this Decree.

3. With regard to each established retirement fund, the retirement fund management companymust:

a) Formulate and promulgate the retirement fund’s charter. The retirement fund management company shall decide contents of the retirement fund’s charter provided that it includes basic contents mentioned in Article 14 ofthis Decree;

b) Select and enter into contract with a depository institution to deposit assets of that retirement fund and perform other obligations as specified in Article 15 of this Decree;

c) Select and enter into contract with a supervisory bank to supervise activities of that retirement fund and perform other obligations as specified in Article 16 of this Decree.

Article 14.Retirement fund s charter

1. The retirement fund’s charter shall be promulgated by the retirement fund management company and consist of the following contents:

a) Name of the retirement fund;

b) The retirement fund management company;

c) Depository institution;

d) Supervisory bank;

dd) Relevant service providers (if any);

e) Investment objectives and policies of the retirement fund as regulated in Article 20 of this Decree and procedures for change of investment policies (if any);

g) Rights and obligations of fund participants, the employer, the retirement fund management company, the depository institution, the supervisory bank and relevant service providers (if any);

h) Provisions on moving of individual retirement account between retirement funds which are managed by the same retirement fund management company;

i) Provisions on change of the retirement fund management company;

k)Provisions on selection and change of depository institution, supervisory bank and relevant service providers (if any);

l) Principles for determining the retirement fund’s operating expenses incurred by each individual retirement account;

m) Methods of valuation of net asset value (NAV) of the retirement fund and the NAV of each individual retirement account;

n) Regulations on dispute settlement;

o) Cases where fund participants are compensated;

p) Reporting regulations;

q) Dissolution of retirement fund;

r)Commitments ofthe retirement fund management company, the depository institution, the supervisory bank and relevant service providers (if any)about the performance of their obligations prescribed in the retirement fund’s charter;

s)Procedures for change and/or amendment ofthe retirement fund’s chater.

2. The retirement fund’s charter must be expressed in a clear and understandable way, and published on the website o the retirement fund management company.

Article 15. Depository institution

1. A depository institution holding assets of a retirement fund must meet the following conditions:

a) It must be a depository bank as referred to in the Law on securities or Vietnam Securities Depository;

b) It must have no relation with the retirement fund management company as referred to in Clause 17 Article 4 of the Law on enterprises.

2. The retirement fund management company must enter into a depository contract for holding assets of each retirement fund with a depository institution that meets requirements in Clause 1 of this Article. The contract signed between theretirement fund management companyand the depository institution shallconsist of the following contents:

a) Rights and responsibilities of the depository institution and theretirement fund management company;

b) Depository fees;

c) Cases where the depository institution must compensate fund participants for damages as referred to as in Clause 4 Article 23 of this Decree.

3. The depository institution shall get depository fees under the contract signedbetween the retirement fund management company and the depository institution.

4. The depository institution shall perform obligations as specified in the contract for depository of assets of retirement fund provided that the following obligations must be fulfilled:

a) Hold assets of retirement fund in compliance with the contract signed with the retirement fund management company;

b) Make collections, payments, transfer of money and/or securities at the request of the retirement fund management company;

c) Perform rights and obligations related to the ownership of assets of retirement fund, and carry out procedures for tax declaration and payment for the fund;

d) Assure that assets of the retirement fund must be managed separately from assets of the employer, of the retirement fund management company, of the depository institution, or the supervisory bank and those of other retirement funds which are managed by the same retirement fund management company;

dd) Provide necessary information to the retirement fund management company, the supervisory bank and relevant service providers (if any) in a promptly, sufficient and accurate manner in order that they can perform their rights and obligations as referred to as in this Decree and the retirement fund s charter.

5. Assets of the retirement fund held at the depository institution shall belong to the ownership of the fund participants and the employer. The depository institution is not allowed to use assets of the retirement fund to make payments or guarantee the payment obligations for its debts or for the third party.

Article 16. Supervisory bank

1.Asupervisory bank in charge of supervisinga retirement fund must meet the following conditions:

a) It must be a commercial bank or foreign bank’s branch that is established and operates in Vietnam;

b) Information technology infrastructure of the supervisory bank must correspond to its obligations as referred to in Clause 4 of this Article;

c) It must have no relation with the retirement fund management company as referred to in Clause 17 Article 4 of the Law on enterprises.

2.The retirement fund management company must enter into a contractfor supervision of operations of the retirement fundwith asupervisory bankthat meets requirements in Clause 1 of this Article.The contract signed between the retirement fund management company and thesupervisory bankshall consist of the following contents:

a) Rights and responsibilities of the supervisory bank, the retirement fund management company, fund participants and the employer;

b) Fees for supervision of retirement fund paid to the supervisory bank;

c) Cases where the supervisory bank must compensate fund participants for damages as referred to as in Clause 4 Article 23 of this Decree.

3.Thesupervisory bankshallhave the rightsas specified in the contract forsupervisionofoperations of theretirement fund provided thatthe following rights must be ensured:

a) Receive supervisory fees according to thecontract forsupervisionofoperations of theretirement fundsigned between the retirement fund management company and the supervisory bank;

b) Request the providers of depository service of assets of retirement fund, accounting service, and management service of individual retirement accounts to provide information and documents in order that the supervisory bank can perform its supervisory obligations as referred to in Clause 4 of this Article;

c) Inspect the compliance with relevant obligations prescribed in this Decree, the retirement fund’s charter, the retirement fund participation contract, contracts for provision of accounting service or management service of individual retirement accounts by the retirement fund management company, retirement fund accounting service provider and management provider of individual retirement accounts.

4.The supervisory bankmust perform obligationsas specified in the contract for supervision of operations of the retirement fund provided that the followingobligations must be fulfilled:

a) Inspect the compliance with relevant obligations as prescribed in this Decree, the retirement fund’s charter, the retirement fund participation contract, and contracts for provision of relevant services by the retirement fund management company and relevant service providers;

b) Inspect investment activities and transactions related to the retirement fund and individual retirement accounts as referred to in this Decree and the retirement fund’s charter;

c) Every 06 months, check the process and method of valuation of NAV of the retirement fund; inspect the valuation of NAV of the retirement fund;

d) Every 06 months, check the process and method of distribution of earnings from investment and the valuation of NAVs of individual retirement accounts; inspect the valuation of NAVs of individual retirement accounts;

dd) Prepare and retain for 10 years relevant documents in paper and electronic files in order to verify the compliance with regulations on supervision of operations of the retirement fund by the supervisory bank;

e) The supervisory bank is not allowed to provide depository service of assets of retirement fund, accounting service and management service of individual retirement accounts to the retirement fund that is a party of the supervisory contract;

g)Comply withreportingregulations in Article 33 of this Decree.

Article 17. Retirement agents

1. A retirement agent is authorized by theretirement fund management company toconduct the following acts:

a) Introduce retirement funds;

b) Enter into retirement fund participation contracts with fund participants and the employer.

2. A retirement agent must be an enterprise that is licensed to operate in any of the following sectors: banking, insurance agent or securities investment fund management.

Article 18. Individual retirement accounts

1. Each individual may have one or several individual retirement accounts issued at the same time and managed by different retirement fund management companies.

2. An individual retirement account shall be used for the following purposes:

a) Receive contributions made by the fund participant and the employer (if any);  

b) Receive earnings from investment after deducting the retirement fund’s operating expenses which must be incurred by each individual retirement account as determined in accordance with the retirement fund s charter;

c) Make payment ofpayablesto the State budgetas regulated;

d) Make payments to fund participant and the employer as referred to in this Decree.

3. Ownership of individual retirement account:

a) A fund participant may own his/her contributions and earnings from the investment after deducting the retirement fund’s operating expenses which must be incurred by each individual retirement account as determined in accordance with the retirement fund s charter;

b) The employee participating in the retirement fund shall own contributions made by the employer and earnings from the investment after deducting relevant expenses if that employee meets all conditions specified in the written agreement made between the employee and the employer on the retirement fund participation.

4. It is not allowed to use theindividual retirement account for the following purposes:

a) Transfer;

b) Mortgage;

c) Handle bankruptcy procedures of the retirement fund management company, the supervisory bank or the depository institution.

5. An individual retirement account may be transferred between retirement funds by transferring the balance in cash after closing that individual retirement account into another individual retirement account at the new retirement fund. 

Article 19. Retirement fund participation contract

1. A retirement fund management company must formulate two forms of framework contracts for managing individual retirement accounts under the authorization of the employer and fund participants, among which, one is signed with the fund participant and the other is signed with the employer.

2. Form of the framework contract for participation in the retirement fund must consist of the following contents:

a) Name, objectives and investment policies of retirement funds;

b) Rights and responsibilities of fund participants, the employer and the retirement fund management company;

c) Procedures for registration of change of information about contributions and selection of retirement fund and the retirement fund management company;

d) Procedures for registration of payments made on an individual retirement account;

dd)Provisions on keeping secret of information relating to individual retirement accounts;

e) Principles for determination of the retirement fund’s operating expenses incurred by each individual retirement account;

g) Procedures and conditions for termination and suspension of the participation in the retirement fund.

Article 20. Retirement fund sinvestment activities

1.The retirement fund management companymust clarify investment policies (including structure and standards of investment portfolio) inthe retirement fund’s charteras referred toin Article 14 of this Decree.

2.The retirement fund management companyshall decide the retirement fund’s investment activities as referred toin the retirement fund’s charter,the retirement fund’sinvestment policies and regulations in Clauses 3, 4 and 5 of this Article.

3. The retirement fund’s portfolios shall consist of:

a) Deposits at commercial banks that meet requirements on the retirement fund’s investment policies specified in the retirement fund’s charter;

b) Government bonds, government backed bonds and local authority bonds;

c) Securities investment fund certificates under conditions on investment policies specified in the retirement fund’s charter.

4. The proportion of investments in government bonds (including investments in government bonds through securities investment fund certificates) must be at least 50% of total asset value of the retirement fund.

5. The retirement fund is not allow to deposit money at theretirement fund management companyor its related personsas referred to in Clause 17 Article 4 of the Law on enterprises.

Article 21. Retirement fundaccounting

1. Theretirement fund management companymust perform the retirement fund accounting, consisting of:

a) All collections and payments of a retirement fund must be entered into the accounts;

b) Formulate and update procedures and methods of valuation of the retirement fund’s NAV;  

c) Make the valuation of the retirement fund’s NAV; 

d) Make the retirement fund’s financial statements.

2. Theretirement fund management companymust bear responsibility before the fund participants for the accuracy of the retirement fund accounting as regulated in Clause 1 of this Article.

3.The retirement fund management companymay itself perform or enter into a contract with a qualified accounting service provider to make the retirement fund accounting as regulated in Clause 1 of this Article.

4. Operating expenses of a retirement fund include the following items:

a) Asset management fees paid to the retirement fund management company;

b) Depository fees paid to depository institution;

c) Fees for supervision of the retirement fund paid to the supervisory bank;

d)Outsourcing service fees (if any);

dd) Expenses for drafting, printing, sending prospectus, summary prospectus, financial statements, transaction confirmation, account statements and other documents to fund participants; expenses for publishing the retirement fund’s information;

e) Expenses relating to execution of transactions in assets of the retirement fund.

Article 22. Management of individual retirement accounts 

1.The retirement fund management company mustcarry out the management of individual retirement account, consisting of:

a) Account for all collections and payments made on an individual retirement account, including contributions, distribution of earnings from investment, determination of the retirement fund’s operating expenses, payment of pension;

b) Formulate and update procedures and methods of distribution of earnings from investment and determination of operating expenses of the retirement fund; determination of the value of an individual retirement account;

c) Determine monthly balance of an individual retirement account;

d) Make and send reports on monthly balances on individual retirement accounts to fund participants as referred to in Article 28 of this Decree.

2.The retirement fund management company must bear responsibility before the fund participants for the accuracy of themanagement of individual retirement accountsas regulated in Clause 1 of this Article.

3.The retirement fund management company may enter into contract with aserviceproviderthat meets conditions prescribed in Clause 4 of this Articleto make themanagement of individual retirement accountsas regulated in Clause 1 of this Article.

4. A provider of management service of individual retirement account as regulated inClause 1 of this Articlemust be one of the following entities:

a) Vietnam Securities Depository;

b) An enterprise that is licensed to operate in banking, securities investment fund management, accounting or auditing.

Article 23. Compensation to fund participants

1. A retirement fund management company shall be responsible for compensating for damages to fund participants in the events that:

a) Make investment inconsistent with regulations in this Decree or investment policies of the relevant retirement fund in its charter;

b) The retirement fund’s NAV is incorrectly determined;   

c) Fail to distribute earnings from investment and determine the individual retirement account balances in correct manner.

2. The compensation amount paid to fund participants shall be determined on the basis of damages which they suffered.

3. Procedures for making compensation to fund participants:

a) The retirement fund management company shall determine damages suffered by fund participants;

b) The retirement fund management company shall inform the supervisory bank of the level of damages suffered by fund participants;

c) The supervisory bank shall check and verify the level of damages on the basis of calculation made by the retirement fund management company;

d) The supervisory bank shall come to a conclusion with the retirement fund management company in terms of the level of damages suffered by fund participants;

dd) Theretirement fund management company shallmake compensation fordamages tothefund participants.

4.The supervisory bank, the depository institution, the retirement fund accounting service provider and provider of management service of individual retirement accountsshalljointly bear responsibility together with theretirement fund management companyand must make compensation tofund participantsfordamagesby their mistake. The compensation amount shall comply with a civil agreement between theretirement fund management companyand the supervisory bank, the depository institution, the retirement fund accounting service providerorprovider of management service of individual retirement accounts.

5. Theretirement fund management companymust explain the compensation for damages to fund participants in financial statements and reports on operations of the retirement fund, including reasons, level of damages, the number of fund participants suffered damages, the compensation amount, method of compensation, method of settlement and other remedial activities (if any).

Section 3. PAYMENT FROM THE RETIREMENT FUND

Article 24. Rules for payment from the retirement fund

1. The following entities shall receive payment fromindividual retirement accounts:

a) Fund participants;

b) Employers who make contributions for their employees.

2. The payment from an individual retirement account shall be subject to the value of that individual retirement account and the payment plan specified in theretirement fund participation contractand thewritten agreement signed by and between the employer and the employeeon the participation in the retirement fund.

3. While receiving payments, the fund participant may continue making the investment at the retirement fund via the individual retirement account.

4. A fund participant may receive monthly payments or lump sum payout from his/her individual retirement account. The Government encourages monthly payments (pension) through tax policies as referred to in this Decree and Minister of Finance’s guidelines.

5. The period of monthly payments paid to a fund participant who reaches the retirement age must be at least 10 years. The retiree may decide the rate of monthly payment provided that it must not exceed the total value of his/her individual retirement account at the time when he/she retires divided by 120 months. After 10 years, the fund participant may get lump sum payout.

6. If the rate of monthly payment which is determined in compliance with regulations in Clause 5 of this Article is lower than the statutory pay rate as referred to by prevailing laws, the rate of monthly payment must not exceed the statutory pay rate until the individual retirement account is closed.

Article 25. Payments to fund participants

1. A fund participant must confirm the payment plan from his/her individual retirement account with the retirement fund management company at theretirement fund participation contract and the written agreement signed by and between the employeeand his/her employeron the participationin the retirement fundas referred to in the retirement fund’s charter.

2.The retirement fund management company shallrequest the depository institution to make payments tofund participants.

3. Before making payments to fund participants, the depository institution mustdeductpersonal income tax amounts as referred to in the law on taxation.

4. The legal inheritor of a fund participant shall inherit all rights, interests and obligations if that fund participant dies or had beenmissingin accordance with regulations on inheritance in the Civil Code.

Article 26. Payments toemployers

1. An employer may get back his/her contributions made for an employee and earnings from investment by these contributions after deducting the retirement fund s operating expenses in the event that that employee fails to meet requirements in thewritten agreement signed by the employer and thatemployee on the participation in the retirement program as referred to inPoint b Clause 2Article8of this Decree.

2. The retirement fund management company shall request the depository institution to make payments to the employeras referred to in the retirement fund’s charterandthe written agreement signed by the employee andtheemployer on the participationin the retirement fund.

Section 4. INFORMATION ANNOUNCEMENT, ACCOUNTING, EXPENSES AND REPORTING BY THE RETIREMENT FUND MANAGEMENT COMPANY

Article 27.Retirement fund introduction documents 

1. Before signing a retirement fund participation contract, theretirement fund management companymust provide documents introducing the retirement fund to entities who want to participate in the retirement fund as referred toin Article 6 of this Decree.

2. Retirement fund introduction documents consist of:

a) The retirement fund’s charter as referred to in Article 14 of this Decree;

b) The fact that the participation in the retirement fund is voluntary and fund participants may face risks from the retirement fund s investment activities according to investment objectives and policies as referred to in the retirement fund’s charter must be announced. The payment of pension shall be subject to the accumulation of contributions and earnings from the retirement fund s investments after deducting relevant expenses which are divided into each individual retirement account;

c) Description about rights and responsibilities of fund participants;

d) Relevant expenses incurred by each individual retirement account of fund participant;

dd) Earnings from the retirement fund s investment of 03 previous years (if any);

e) Retirement fund introduction documents must be accurate, objective, sufficient, honest and corresponding to the retirement program, and expressed in a clear and understandable way.

Article 28. Report on individual retirement account’s value

1. Every month, theretirement fund management companymust make report on theindividual retirement account’s value, including the following contents:

a) Contributions to the individual retirement account during that month, and accumulation of contributions until the reporting date;

b) Earnings from investment which is distributed to the individual retirement account during that month and accumulation of earnings from investment until the reporting date;

c) Payment of expenses from the individual retirement account during that month, and accumulation of payments until the reporting date;

d) Accumulated value of the individual retirement account at the beginning of the reporting period and at the reporting date.

2. Within 10 working days from the ending of month, the retirement fund management company mustsend report on individual retirement account to eachfund participant.

Article 29. Provision of documents/information to fund participants

1. The retirement fund management companymust maintain and update basic information about each retirement fund on its website. To be specific:

a) The retirement fund’s charter as referred to in Article 14 of this Decree;

b) The prospectus, audited half-year and annual financial reports;

c) Half-year and annual reports on the management of the retirement fund;

d) Half-year and annual statistical reports on transaction fees incurred from the retirement fund’s investment activities;

dd)Half-year and annual reports on operations of the retirement fund;

e) Summation of earnings from investment of 05 previous years(if any).

2. Fund participants may access to information about their individual retirement accounts on the website of the provider of management service of individual retirement accountsas referred to in Article22of this Decree.

Article 30. Accounting and auditing

1.The retirement fund management company mustmake accounting and financial statements in compliance with regulations of the law on accounting.

2. Annual financial reports ofthe retirement fund management company mustbe examined by an independent auditor.

Article 31.Expenses covered by individual retirement account

1. Anindividual retirement accountmust cover the following expenses:

a) Expenses for management of individual retirement account;

b) Depository, supervisory and auditing expenses;

c) Expenses for retirement fund management;

d) Expenses for transfer of individual retirement account between retirement funds managed by the same retirement fund management company and moving of an individual retirement account to another retirement fund management company.

dd)Other expenses as referred toin the retirement fund’s charter and the retirement fund participation contract.

2. Rules for determination of expenses prescribed in Clause 1 of this Article must be clarified in the retirement fund’s charter and the retirement fund participation contract.

Article 32. Reporting by the retirement fund management company

1. Annually, the retirement fund management company must make reports on its operating results. To be specific:

a) Reporting time: Within 03 months after the end of the reporting period;

b) Reporting period: Reports on operating results of the retirement fund management company as of January 01stto December 31stof each year;

c) Reporting contents:

- Financial statements verified by an independent auditor;

- Reports on the management of the retirement fund, reports on risk management and internal control system as regulated by Minister of Finance.

d) Places of receiving reports: Ministry of Finance; Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.

2.The retirement fundmanagement company must send extraordinary reportsasregulatedin Article 40 of this Decreeor at the request of Ministry of Finance.

Article 33. Reporting by thesupervisory bank

1.Annually, thesupervisory bankmust make reports onsupervisoryresults. To be specific:

a) Reporting time: Within 03 months after the end of the reporting period;

b) Reporting period: Reports on the supervision of the retirement fund as of January 01stto December 31stof each year;

c) Reporting contents:

- Evaluation of inspection and supervision results as referred to in Points a, b, c and d Clause 4Article16of this Decree;

- Violations (if any) committed by theretirement fund Management Companyand relevant service providers and proposed remedial measures.

d) Places of receiving reports: Ministry of Finance; Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.

2. The supervisory bank must report any discovered violations against the laws or the retirement fund’s charter to Ministry of Finance and inform theretirement fund management companyof such violations within 02 working days from the date on which they are discovered, and at the same time requests theretirement fund management companyto make rectifications or remedial measures within regulated period.

3. Ministry of Finance can request the supervisory bank to submit extraordinary reports on the supervision of the retirement fund in necessary cases other than those specified in Clauses 1 and 2 of this Article. The supervisory bank must submit reports to Ministry of Finance and Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs within 02 working days from the receipt of written request for reporting.

Chapter III

VOLUNTARY RETIREMENT FUND MANAGEMENT COMPANIES

Article 34. Conditions for issuance of Certificate of eligibility

1. A retirement fund management company must be established under the law of Vietnam and be licensed to operate in life insurance and/or fund management sectors in accordance with regulations of specialized laws, and must satisfy all of the following conditions:

a) A life insurance company must satisfy all conditions for developing retirement insurance products in accordance with regulations of the law on retirement insurance business;

b) A fund management company must have at least 05 years of experience in the fund management sector; total value of assets of open funds or bond funds under its management must be at least VND 1,000 billion.

2. A retirement fund management company must not be in the restructuring planning or under the special control or supervision upon regulatory body’s decision.

3. The draft of the retirement fund’s charter is required for each retirement fund which will be established in conformity with regulationsin Article 14 of this Decree.

4. A retirement fund management company must enter into principle contracts with the following service providers:

a) The depository institution to hold assets of retirement funds as referred to in Article 15 of this Decree;

b) The supervisory bank to supervise operations of retirement funds and manage individual retirement accounts as referred to in Article 16 of this Decree.

5.The retirement fund management companymust have plans for running retirement fund management service,consistingof the following contents:

a) Operating plans and strategies of retirement funds in the next 05 years;

b) Estimated revenues and expenses in the next 05 years;

c) Plans on information technology infrastructure for managing each individual retirement account in order to ensure the making of contributions, investments, payment of expenses, taxes and fines, and other payments to relevant entities;

d) Framework contracts for retirement fund participation must be available in conformity with regulations in Article 19 of this Decree.

6. At least 05 employees who have at least 05 years of experience in retirement fund management, securities investment fund management orpolicyholder fundmanagement are contracted. Among which at least 03 employees have fund management practicing certificates granted by the State Securities Commission of Vietnam or are members of chartered financial analyst associations (CFA). 

7. Risk management process and internal control system must be available.

Article 35. Application for issuance of Certificate of eligibility

1. The applicationformfor issuance of Certificate of eligibility(information about the enterprise’s code)

2.The copy of the license to operate inspecialized sector (The copy originated from themaster registeror certified by competent authority, or the copy without certification provided that it must be enclosed with its original for comparison).

3. Copies of principle contracts signed with the depository institution and the supervisor bank.

4.The plan for running retirement fund management service:

a) Operating plans and strategies of retirement funds;

b) Estimated revenues and expenses in the next 05 years;

c) Plans on information technology infrastructure for managing each individual retirement account in order to ensure the making of contributions, investments, payment of expenses, payments to fund participants and employers, and payment of personal income tax;

d) Framework contracts for retirement fund participation in conformity with regulations in Article 19 of this Decree.

5. Documents proving that at least 05 employees meet conditions in Article 34 of this Decree, including the following documents:

a) Copies of labor contracts (copies certified by competent authorities or copies without certification provided that they must be enclosed with their originals for comparison);

b) Employees’ curricula vitae which must be certified by competent authorities (working experience and qualifications (if any) are specified);

c) Copies of certificates as referred to in Clause 6 Article 34 of this Decree.

6.Risk management process and internal control system.

Article 36. Procedures for issuance of Certificate of eligibility

1. The company shall submit 01 set of the applicationfor issuance of Certificate of eligibilityas referred to in Article 35 of this Decree to Ministry of Finance for checking its sufficiency and validity.

2. Within 05 working days from the receipt of the application, Ministry of Finance shall make the notice of the sufficiency and validity of the application, and request the applicant to supplement documents (if any) and send 02 sets of the valid application for appraisal.

3. Within 30 working days from the receipt of the valid application, Ministry of Finance shall take charge and coordinate with Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs, Ministry of Planning and Investment and relevant entities to appraise and consider the application, and issue Certificate of eligibility.  If the application is rejected, Ministry of Finance shall give written reasons to the applicant.

4. The application shall be appraised in accordance with contents stated inArticle 34 of this Decree.

Article 37. Certificate of eligibility

1. ACertificate of eligibilityshall consist of the following contents:

a) Name of the retirement fund management company;

b) Main office’s address and website of the retirement fund management company;

c) Number and issued date of business registration certificate;

d) Number and issued date of Certificate of eligibility;

dd)Legal representativeof the retirement fund management company;

e) Contents and scope of operations.

2. In case of re-issuance or amendment of Certificate of eligibility, the time of re-issuance or amendment must be specified, and the number of the initially issued certificate of eligibility shall be remained.

Article 38. Re-issuance of Certificate of eligibility

1. ACertificate of eligibilityshall be re-issued in the following cases:

a) The issued Certificate of eligibility is lost or damaged;

b) The retirement fund management company carries out the restructuring (separation, division,amalgamation,merging or change of type of the company) and remain its satisfaction of conditions in Article 34 of this Decree.

2.Procedures forre-issuance of Certificate of eligibilityin the cases stated in Point a Clause 1 of this Article:

a) The application for re-issuance of Certificate of eligibility shall consist of:

-Theoriginal of theissued Certificate of eligibility(except for the cases where the issued certificate of eligibility is lost);

-The applicationformfor re-issuance of Certificate of eligibility.

b) Within 05 working days from the receipt of the application form for re-issuance of certificate of eligibility, Ministry of Finance shall consider and re-issue Certificate of eligibility.

3.Procedures for re-issuance of Certificate of eligibility in the cases stated in PointbClause 1 of this Article:

a) The application consists of:

-The application form for re-issuance of Certificate of eligibility;

- Documents proving the applicant’s satisfaction of conditions for issuance of Certificate of eligibility as referred to in Article 34 of this Decree, including documents and papers prescribed in Clauses 2, 3, 4, 5 and 6 Article 35 of this Decree.

b) Within 15 working days from the receipt of the valid application, Ministry of Finance shall take charge and coordinate with Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs to appraise and consider the application, and re-issue Certificate of eligibility.  If the application is rejected, Ministry of Finance shall give written reasons to the applicant.

Article 39.To amend theCertificate of eligibility

1. The retirement fund management company must carry out the procedures for amendment of Certificate of eligibility within 10 working days from the date on which the change of contents inCertificate of eligibilityas prescribedin Article 37 of this Decreeoccurs.

2. The application foramendmentof Certificate of eligibilityconsists of:

a) The application form for amendment of Certificate of eligibility, including reasons for amendment;

b) The original of the latest Certificate of eligibility;

c) Documents proving amended contents.

3.Within 15 working days from the receipt of the valid application, Ministry of Finance shall take charge and coordinate with Ministry of Labour – War Invalids and Social Affairs to appraise and consider the applicationin order to amendCertificate of eligibility.  If the application is rejected, Ministry of Finance shall give written reasons to the applicant.

Article 40. Changes to be informed to Ministry of Finance

Within 10 working days from the date on which any of the following changes occurs, the retirement fund management company must give a written notice to Ministry of Finance:

1. Theretirement fund management companyis subject tothe restructuring planning or under the special control or supervision.

2. Theretirement fund managementcompany is dissolved or bankrupted, or itself terminates the provision of retirement fund management service.

3. The retirement fund management company has the business registration certificate, or the license to operate in insurance or securitiesinvestment fund managementrevoked.

4. There is a change of depository institution.

5. There is a change of supervisory bank.

Article 41. Revocation of Certificate of eligibility

1.A Certificate of eligibilitywhich has been issued to a retirement fund management companyshall berevokedin the following cases:

a) The retirement fund management company is dissolved or bankrupted, or itself terminates the provision of retirement fund management service;

b) The retirement fund management company has the business registration certificate, or the license to operate in insurance or securities investment fund management revoked.

2. Procedures for the revocation of Certificate of eligibility:

a) A Certificate of eligibility shall automatically be invalid in the cases referred to in Clause 1 of this Article;

b) Ministry of Finance shall make a decision on the revocation of Certificate of eligibility and publish it on the website of Ministry of Finance.

3. Theretirement fund management companymust terminate its activities relating to the retirement fund management immediately whenCertificate of eligibilityis automatically invalid.

4. If aretirement fund management companyhas itsCertificate of eligibilityrevoked, Ministry of Finance shall appoint another qualifiedretirement fund management companyto manage retirement funds which are under the management of theretirement fund management companyhaving itsCertificate of eligibilityrevoked. The appointed company must have Certificate of eligibility granted and presently manage at least 01 retirement fund.

5. Fund participants may maintain their participation in retirement funds which are managed by theretirement fund management companyappointed by Ministry of Finance, or move their individual retirement accounts to retirement funds managed by otherretirement fund management companies.

Article 42. Rights and obligations of a retirement fund management company

1. Aretirement fund management companyshall have the following rights:

a) Decide the number of retirement funds and investment policies of retirement funds;

b) Enter into contract for retirement fund management;

c) Select and sign contracts with depository institution, supervisory bank and relevant service providers;

d) Decide the retirement fund’s investments in conformity with the retirement fund’s charter and regulations in this Decree.

2.

Aretirement fund management companymust perform the following obligations:
a) Establish, invest and manage retirement funds in accordance with regulations in this Decree;

b) Formulate and promulgate the retirement fund’s charter for each established retirement fund;

c) Select and sign contracts with depository institution and supervisory bank;  

d) Decide the retirement fund’s investments in conformity with the retirement fund’s charter and regulations in this Decree;

dd) Itself perform or enter into contract with accounting service provider to perform the retirement fund accounting in accordance with regulations in this Decree;

e) Manage individual retirement accounts or enter into contract with provider of management service of individual retirement accounts in accordance with regulations in this Decree;

g) Transfer individual retirement accounts between retirement funds under its management, and transfer them to other retirement fund management companies as referred to in this Decree;

h) Publish information, and make accounting and reporting in accordance with regulations in this Decree;

i) Make compensation to fund participants (if any) as referred to in Article 23 of this Decree.

Chapter IV

INSPECTION AND RESPONSIBILITIES OF REGULATORY BODIES

Article 43. Inspection

1. The inspection shall be carried out on a regular or irregular basis. The irregular inspection shall be carried out only when the retirement fund management companydenotes the violation against the law, or as requested to settle complaints ordenunciations or anti-corruption, or as assigned by heads of regulatory bodies. A retirement fund management company shall not bear more than one time of inspection per year.

2. Ministry of Finance shall preside over and coordinate with Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, Ministry of Planning and Investment and relevant entities to carry out the inspection for every 05 years of the compliance with regulations on the provision of retirement fund management service as referred to in this Decree.

3. The inspection shall include the consideration whether a retirement fund management company is qualified to maintain its operations or has itsCertificate of eligibilityrevoked, and its compliance with regulations on the provision of retirement fund management service as referred to in this Decree.

4. The inspection of performance of tax obligations by aretirement fund management companyshall be conducted in compliance with regulations of the law on taxation.

Article 44.Responsibilities of Ministry of Finance 

1. Instruct tax policies for voluntary retirement programs as prescribed in Clause 4 Article 24 and reporting regulations to be complied by retirement fund management companiesas referred to in Article32of this Decree.

2. Preside over and coordinate with Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs to summarize, monitor and evaluate the implementation of this Decree.

3. Preside over and coordinate withMinistry of Labour – War Invalids and Social Affairs, Ministry of Planning and Investment and relevant entities to issue/re-issue/amend/revokeCertificatesof eligibilityin accordance with regulations in this Decree.

4. Monitor and evaluate operations of retirement fund management companies by means of reporting as referred to in this Decree.

5. Preside over and coordinate withMinistry of Labour – War Invalids and Social Affairsto carry out the inspection of retirement fund management companies as referred to in this Decree on a regular basis of every 05 years or on an irregular basis in conformity with requirements on management as prescribed in Article 43 of this Decree.

Article 45. Responsibilities of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs

1. Provide guidelines for formulating written agreements on retirement fund participation asprescribed inPoint bClause 1 Article 8 of this Decree.

2.Preside over and coordinate with Ministry ofFinanceto summarize, monitor and evaluate theparticipation in retirement funds by fund participants and employers in accordance with regulations in this Decree.

3.Coordinate with Ministry ofFinance tosummarize, monitor and evaluate the implementation of this Decree.

4.Coordinate with Ministryof Finance to consider and provide advice to the issuance/re-issuance/amendment and revocation ofCertificates of eligibility in accordance with regulations in this Decree.

5.Coordinate with Ministry ofFinanceto carry out the inspection of retirement fund management companies as referred to in this Decree on a regular basis of every 05 years or on an irregular basis in conformity with requirements on management as prescribed in Article 43 of this Decree.

Article 46.Responsibilities of Ministry ofPlanning and Investment

1.Coordinate with Ministry of Finance to consider and provide advice to the issuance/re-issuance/amendment and revocation of Certificates of eligibility in accordance with regulations in this Decree.

2.Coordinate with Ministry of Finance to carry out the inspection of retirement fund management companies as referred to in this Decree on a regular basis of every 05 years or on an irregular basis in conformity with requirements on management as prescribed in Article 43 of this Decree.

ChapterV

IMPLEMENTATIONORGANIZATION

Article 47. Effect

This Decree takes effect on July 01, 2016.

Article 48.Implementationorganization

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of affiliates of the Government,chairpersons of people’s committeesofcentral-affiliated citiesor provinces, retirement fund management companies and relevant entitiesshall be responsible for implementing this Decree./.

For the Government

The Prime Minister

Nguyen Xuan Phuc

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem Nội dung MIX.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decree 88/2016/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông tư 13/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Lao động-Tiền lương, Khoa học-Công nghệ

Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP ngày 10/05/2016 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân

Lao động-Tiền lương, Bảo hiểm

văn bản mới nhất