Quyết định 53/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên

thuộc tính Quyết định 53/2008/QĐ-TTg

Quyết định 53/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:53/2008/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:28/04/2008
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách
 

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 53/2008/QĐ-TTg NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2008 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH  PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ

 NAM PHÚ YÊN, TỈNH PHÚ YÊN

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên, với những nội dung chủ yếu sau:

 

I. CHỨC NĂNG CỦA KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN

 

- Là một trong các trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, đô thị lớn của khu vực; cửa ngõ quan trọng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên;

- Trung tâm kinh tế lớn, mang tính đột phá để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên;

- Trung tâm thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế quan trọng của tỉnh Phú Yên và vùng Nam Trung Bộ.

 

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
KHU KINH TẾ
NAM PHÚ YÊN

 

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển các ngành, lĩnh vực trong Khu kinh tế Nam Phú Yên phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế; phù hợp và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước;

- Phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành địa bàn đột phá toàn diện của tỉnh Phú Yên; một cực phát triển quan trọng của vùng Nam Trung Bộ; một trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, thương mại, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên;

- Phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên thành trung tâm kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, gồm: khu phi thuế quan; các khu công nghiệp tập trung; khu cảng Vũng Rô, Bãi Gốc và dịch vụ cảng; khu đô thị tập trung có kiến trúc hiện đại; khu du lịch biển;

- Khu kinh tế Nam Phú Yên áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đảm bảo thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh, một đầu mối nhằm tạo môi trường thông thoáng nhất cho các hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên đảm bảo mang lại hiệu quả tổng hợp và bền vững, cả về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, môi trường và quan hệ đối ngoại.

2. Mục tiêu phát triển

a. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là ngành công nghiệp lọc, hoá dầu và các ngành công nghiệp sau dầu; các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu; gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng Vũng Rô, Bãi Gốc, sân bay Tuy Hòa. Xây dựng Khu kinh tế thành một trung tâm công nghiệp và dịch vụ, mang tính đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Yên; cực phát triển quan trọng, trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đô thị văn minh, hiện đại. Tạo điều kiện tiền đề để phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh và các vùng lân cận.

b. Mục tiêu cụ thể

- Khai thác có hiệu quả các lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực; tạo ra sự lan toả ra các vùng xung quanh, tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh trong khu vực và cả nước;

- Hình thành các phân ngành, sản phẩm mũi nhọn chủ lực có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài;

- Tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần quyết định vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng hiện đại;

- Tạo ra một khu vực có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư, với các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi nhất, bộ máy quản lý đạt hiệu quả để thu hút đầu tư.

 

III. MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN

 

Khu kinh tế Nam Phú Yên có các phân khu chức năng chính là: khu đô thị trung tâm; khu phi thuế quan và khu thuế quan.

1. Khu phi thuế quan: diện tích khoảng 320 ha gắn với khu cảng Vũng Rô và Khu cảng Bãi Gốc trong Khu kinh tế Nam Phú Yên là một khu vực đột phá quan trọng, một nhân tố mang tính quyết định đến sự phát triển và thu hút đầu tư của Khu kinh tế.

2. Khu thuế quan: là toàn bộ khu vực còn lại của Khu kinh tế Nam Phú Yên, (gồm các phân khu chính như: khu cảng thuế quan, các khu công nghiệp, các khu du lịch, khu đô thị, khu hành chính trung tâm và các khu dân cư).

3. Cơ chế, chính sách: Khu kinh tế Nam Phú Yên được phép áp dụng những cơ chế, chính sách, pháp luật có mức độ khuyến khích đầu tư và ưu đãi nhất theo quy định, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đủ sức hấp dẫn, thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển trong và ngoài nước.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trực tiếp thực hiện quản lý tập trung, thống nhất hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ và các cơ chế, chính sách đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

 

1. Định hướng phát triển công nghiệp

- Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp gắn với các thế mạnh của Khu kinh tế như công nghiệp lọc dầu, công nghiệp hoá dầu; các ngành công nghiệp gắn với khai thác biển và cảng biển; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; các ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu; các ngành công nghiệp có công nghệ tiên tiến, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về tác động môi trường;

- Hình thành các sản phẩm công nghiệp chủ lực có tầm ảnh hưởng lớn, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế nhằm tạo ra thế và lực cho phát triển lâu dài;

- Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp lớn, các công ty xuyên quốc gia, làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên;

- Sử dụng hiệu quả đất tại 3 khu công nghiệp tập trung đã có; hình thành thêm một số khu công nghiệp hiện đại trong Khu kinh tế Nam Phú Yên; phát triển các cụm công nghiệp, các loại hình công nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp công nghiệp lớn trong Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Với định hướng trên, từ nay đến năm 2020, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu sau: công nghiệp lọc - hoá dầu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp ôtô, cơ khí chế tạo động cơ, phụ tùng, công nghiệp dệt may, sản xuất hàng hoá tiêu dùng; công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, t động hoá, lắp ráp, gia công, bao bì; công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ sản v.v…. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp cụ thể như sau:

a. Công nghiệp lọc, hoá dầu: tập trung thúc đẩy việc hoàn thành thủ tục đầu tư, sớm triển khai xây dựng Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (100% vốn đầu tư nước ngoài), Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp hoá dầu và dự án Tổ hợp hoá dầu Naphtha Cracking (100% vốn nước ngoài).

b. Công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền: cần khuyến khích phát triển các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển với năng lực đóng mới tàu đến 20.000 DWT và sửa chữa tàu đến 100 ngàn tấn. Thúc đẩy để sớm triển khai giai đoạn 2, Dự án Nhà máy đóng và sửa chữa tàu của Tập đoàn Vinashin.

c. Công nghiệp cơ khí chế tạo, phụ tùng: phát triển mạnh các ngành công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất và lắp ráp ôtô, xe cơ giới; lắp ráp các máy nặng; sản xuất và sửa chữa, lắp ráp các phương tiện vận tải nặng, các thiết bị nâng dỡ; sản xuất máy xây dựng, các thiết bị cho nhà máy xi măng, nhà máy đường; sản xuất máy móc thiết bị phục vụ chế biến nông lâm thuỷ sản; thiết bị nổ; thiết bị cơ khí chính xác; lắp ráp thiết bị kỹ thuật số.

d. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh cao cấp, thiết bị điện, đồ điện chất lượng cao, cáp điện các loại, bóng điện cao áp thuỷ ngân v.v…. phục vụ cho nhu cầu của cả vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và xuất khẩu.

đ. Các ngành công nghiệp chế biến nông thuỷ sản: đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông thuỷ sản để nâng cao giá trị và giá trị sử dụng của hàng hoá nông ngư nghiệp; nghiên cứu triển khai xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu (công suất 2.500 - 3.000 tấn/năm), xây dựng nhà máy bia (công suất 100 triệu lít/năm) và xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm đồ hộp, nhà máy hoa quả hộp, nước giải khát, thức ăn gia súc v.v….

e. Các ngành công nghiệp khác: đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến để nâng cao giá trị và giá trị sử dụng của hàng hoá nông - lâm - ngư; nghiên cứu triển khai xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu (công suất 2.500 - 3.000 tấn/năm); và các nhà máy chế biến thực phẩm đồ hộp, nhà máy hoa quả hộp, nước giải khát, thức ăn gia súc v.v….; sẽ phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, gia công thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực vật liệu xây dựng mới; sản xuất, gia công, lắp ráp thiết bị văn phòng; sản xuất, gia công, chế tạo mẫu sản phẩm, bao bì; sản xuất, gia công hàng chất lượng cao (vàng, bạc, đá quý, hoá mỹ phẩm v.v…); sản xuất rượu, các sản phẩm từ nhựa cao cấp, chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, chế biến đồ hộp, hoa quả xuất khẩu, sản xuất bao bì, in ấn nhãn hàng hoá, đồ gia dụng, dụng cụ thể dục thể thao, thiết bị, văn phòng phẩm.

2. Định hướng phát triển các ngành dịch vụ

Tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ chủ lực như dịch vụ cảng và vận tải biển, du lịch, thương mại, tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông v.v….. Định hướng phát triển các ngành dịch vụ cụ thể như sau:

a. Phát triển dịch vụ cảng và vận tải biển: phát triển các dịch vụ cảng và vận tải biển trở thành ngành kinh tế chủ lực, đưa Nam Phú Yên trở thành một trung tâm kinh tế hàng hải của vùng Nam Trung Bộ. Dự báo hàng qua cảng Vũng Rô đạt khoảng 1,8 - 2 triệu tấn vào năm 2010 và đạt khoảng 4,2 - 4,5 triệu tấn vào năm 2020. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển, cần tập trung xây dựng, nâng cấp cảng Vũng Rô đạt công suất khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2010, và đạt từ 4 - 6 triệu tấn vào năm 2020.

- Về dịch vụ cảng: phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ cảng (như: đại lý tàu biển và môi giới hàng hải; lai dắt tàu biển; đại lý vận tải hàng hoá tàu biển; cung ứng tàu biển, thuỷ thủ; giao nhận và kiểm đếm hàng hoá; bốc dỡ hàng hoá, kho bãi, xuất nhập khẩu, chuyển khẩu quá cảnh; sửa chữa tàu biển tại cảng; vệ sinh môi trường biển; cứu hộ trên biển v.v…..).

- Về vận tải biển: phát triển dịch vụ vận tải biển theo hướng từng bước xây dựng đội tàu vận tải phù hợp để tham gia vào vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu qua khu vực cảng Vũng Rô; phát triển đồng bộ, theo cơ cấu hợp lý đội tàu viễn dương gắn với nhu cầu vận chuyển (gồm: tàu rời chuyên dụng, tàu chuyên dụng chở container, tàu 2 boong chở gạo và nông sản đóng bao v.v....)

b. Phát triển du lịch: tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngành du lịch; ưu tiên phát triển một số khu du lịch hiện đại, quy mô lớn; khôi phục, nâng cấp các di tích lịch sử; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch; tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ du lịch; ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào phát triển du lịch; kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường. Phát triển các sản phẩm du lịch như nghỉ mát, tắm biển, thể thao trên bờ và trên biển, khảo sát, nghiên cứu sinh vật biển, du thuyền ra thăm các tuyến đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi, cắm trại, thăm viếng danh thắng, di tích lịch sử, tham dự lễ hội, làng chài, du lịch công vụ, hội nghị, hội chợ, triển lãm v.v….; hình thành các trung tâm du lịch Vũng Rô - Đá Bia; liên kết hình thành các tour du lịch với các trung tâm du lịch khác của tỉnh (như: Sông Cầu, Tuy An, thành phố Tuy Hoà) và các trung tâm du lịch nước ngoài, với Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

c. Phát triển thương mại: xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên thành trung tâm giao dịch thương mại, bán buôn, bán lẻ, trung tâm thu phát hàng xuất nhập khẩu lớn; một trung tâm xúc tiến thị trường và vận động đầu tư lớn của Phú Yên và vùng Nam Trung Bộ. Hướng phát triển thương mại là: đa dạng hoá các hoạt động thương mại phục vụ sản xuất, đời sống dân cư; ưu tiên phát triển các loại hình thương mại xuất khẩu, chuyển khẩu uỷ thác, tạm nhập tái xuất, các dịch vụ xúc tiến thương mại, hỗ trợ mua bán hàng hoá v.v….; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại, mở rộng liên doanh liên kết với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Nhiệm vụ cụ thể là:

- Xây dựng khu phi thuế quan hiện đại gắn với khu cảng Vũng Rô;

- Xây dựng một trung tâm thương mại tầm cỡ, quy mô khoảng 40.000 - 50.000m2 sàn. Trung tâm này có chức năng giao dịch thương mại (cung cấp các dịch vụ trưng bày, triển lãm, thông tin, nguồn hàng, đối tác và cơ hội đầu tư, thương lượng ký kết hợp đồng v.v….), và dịch vụ văn phòng (cung cấp mặt bằng, trụ sở cho các đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp);

- Xây dựng trung tâm thông tin - tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp; là nơi diễn ra các hoạt động tư vấn, các giao dịch giữa các doanh nghiệp, giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, giữa các đối tác trong và ngoài nước về thị trường hàng hoá, dịch vụ, công nghệ, nhân lực, vốn;

- Xây dựng các cơ sở mua bán lớn như: siêu thị lớn, hiện đại, quy mô khoảng 4.000 - 6.000m2 kết hợp với các văn phòng đại diện, xúc tiến thương mại - đầu tư, các chợ đầu mối, các siêu thị với quy mô vừa tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và các khu dân cư tập trung; các chợ tại các đầu mối giao thông và các khu dân cư nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao của nhân dân (giai đoạn 2006 - 2010, phát triển chợ trên cơ sở nâng cấp hệ thống chợ hiện có, giai đoạn 2011 - 2020, kiên cố hoá 100% chợ).

- Phát triển, nâng cấp hệ thống kho đầu mối thông dụng.

d. Phát triển tài chính - ngân hàng: xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành trung tâm giao dịch tài chính - ngân hàng lớn của tỉnh Phú Yên; tạo thuận lợi để các ngân hàng nước ngoài thành lập các chi nhánh, trong đó đặc biệt là chi nhánh của các tập đoàn ngân hàng lớn trên thế giới. Khuyến khích phát triển các hình thức ngân hàng cổ phần, tín dụng ngoài quốc doanh để phát triển các dịch vụ tiền tệ; mở rộng và phát triển đa dạng các dịch vụ tiện ích ngân hàng; phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hoá các dịch vụ ngân hàng: nhận gửi, cho vay, cho thuê tài chính, thanh toán và chuyển tiền, thế chấp và cam kết, giao dịch qua tài khoản, môi giới cho vay, quản lý tài sản v.v…; mở rộng các loại dịch vụ bảo hiểm, đặc biệt là dịch vụ bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng. Hình thành trung tâm giao dịch hoặc chi nhánh giao dịch chứng khoán trong khu Kinh tế.

đ. Phát triển hệ thống thông tin liên lạc: phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên thành trung tâm viễn thông lớn, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Phát triển mạng bưu cục, kiốt, ghi-sê, điểm, đại lý bưu điện (nhất là đại lý bưu điện đa dịch vụ);

- Xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại, đồng bộ và rộng khắp, cung cấp các dịch vụ đa dạng, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng phát triển mạng viễn thông nông thôn;

- Liên doanh với nước ngoài xây dựng hệ thống viễn thông, trước hết ở các khu vui chơi giải trí, khách sạn cho người nước ngoài, các trung tâm, các khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung, các trụ sở của các doanh nghiệp trên địa bàn.

e. Phát triển các dịch vụ khác: phát triển có chọn lọc, vững chắc, lành mạnh, theo tiêu chuẩn quốc gia các ngành dịch vụ khác như tư vấn, khoa học công nghệ, kinh doanh tài sản, đầu tư, thị trường, dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, dịch vụ đô thị v.v….

3. Định hướng phát triển nông - lâm - ngư nghiệp

a. Trồng trọt: hình thành các khu sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, khu nuôi trồng thuỷ sản theo hướng sạch bệnh, bền vững. Phát triển mạnh kinh tế vườn và kinh tế trang trại; nâng giá trị trên diện tích đất canh tác bình quân lên 70-100 triệu đồng/ha. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, tập trung, thâm canh cao; dành 60-70% diện tích trồng cây thực phẩm để trồng rau sạch, rau cao cấp phục vụ cho khu đô thị mới và các khu công nghiệp, du lịch trong Khu kinh tế và thành phố Tuy Hoà. Hình thành một khu rau sạch (rau an toàn) áp dụng công nghệ cao tại Phú Lâm.

b. Chăn nuôi: phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hình thức trang trại công nghiệp gắn với chế biến, công tác thú y, dịch vụ thú ý, xây dựng vùng an toàn dịch  gia súc, gia cầm. Xây dựng một số trang trại lớn trong Khu kinh tế kết hợp với quy mô vừa và nhỏ ở các hộ gia đình, đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho Khu kinh tế và một phần cho chế biến xuất khẩu.

c. Phát triển lâm nghiệp: sử dụng tổng hợp nguồn lợi rừng, kết hợp các mục đích phòng hộ, bảo vệ môi trường với du lịch. Phát triển mạnh trồng rừng, kể cả trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán, hình thành một vành đai cây xanh bảo vệ cho Khu kinh tế Nam Phú Yên. Xây dựng dự án trồng rừng chắn gió và cát tại khu vực ven biển. Có kế hoạch trồng mới, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, cảnh quan tại khu vực Đèo Cả, thuộc Hoà Xuân Nam.

Khuyến khích xây dựng các mô hình trang trại lâm nghiệp và trang trại nông - lâm kết hợp; phát triển trồng cây phân tán ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu công viên và trồng cây xanh dọc các đường giao thông v.v…. Phấn đấu đạt tỷ lệ cây xanh từ 8-10m2/người, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ và cải thiện môi trường sống, đồng thời tạo cảnh quan sinh thái cho khu đô thị trong Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Tổ chức công tác quản lý bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng, phòng chống cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng, kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh thực vật, động vật rừng tuân theo các quy định hiện hành.

d. Phát triển thuỷ sản: phát triển các ngành nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; gắn khai thác, nuôi trồng với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Hình thành một cảng cá tại Phú Lạc, Hoà Hiệp Nam để phục vụ phát triển nghề cá.

Chuyển đổi nghề nghiệp cho lực lượng lao động khai thác ven bờ sang các ngành nghề khác như nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, dịch vụ nghề cá, dịch vụ du lịch v.v… Phát triển du lịch kết hợp nuôi trồng thuỷ sản tại khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch. Tiếp tục đầu tư phát triển phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ trên cơ sở củng cố, nâng cao hiệu quả của các đội tàu đánh bắt xa bờ. Tăng cường khai thác xa bờ nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thuỷ sản nước lợ nhằm hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản chuyên canh, phục vụ nhu cầu của Khu kinh tế và tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

4. Định hướng phát triển các lĩnh vực xã hội

a. Dân số, lao động: dự báo đến năm 2010, quy mô dân số của Khu kinh tế Nam Phú Yên khoảng 120-125 nghìn người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 34% và đến năm 2020, quy mô dân số khoảng 150-160 ngàn người, tỷ lệ đô thị hoá trên 70%. Đến năm 2010, tổng lao động xã hội khoảng 69 ngàn người (chiếm khoảng 57% dân số) và đến năm 2020, khoảng 94 ngàn người (chiếm khoảng 60% dân số). Nhu cầu lao động cho phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên khoảng 64 nghìn người vào năm 2010 và khoảng 87,5% nghìn người vào năm 2020; trong đó lao động nông - lâm - ngư nghiệp khoảng 32 ngàn người, lao động công nghiệp - xây dựng khoảng 18 ngàn người và lao động các ngành dịch vụ khoảng 14,1 ngàn người vào năm 2010 và tương ứng là 17,5 ngàn, 33,2 ngàn và 36,7 ngàn vào năm 2020. Nhu cầu trên được đáp ứng nhờ thu hút một phần lao động ở các khu vực lân cận hàng ngày đến làm việc tại Khu kinh tế và nhờ việc cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng chuyển dần lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Theo tính toán, tỷ lệ lao động nông - lâm - ngư nghiệp sẽ giảm mạnh từ 81% hiện nay xuống còn 50% vào năm 2010 và 20% vào năm 2020; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp sẽ tăng nhanh, đến năm 2010, chiếm khoảng 50% và đến năm 2020 chiếm 80% tổng số lao động của Khu kinh tế (trong đó lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 38%, lao động các ngành dịch vụ chiếm 42%).

b. Giáo dục - đào tạo: xây dựng đội ngũ nhân lực đủ trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực trong Khu kinh tế Nam Phú Yên với các nội dung chính:

- Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong công tác đào tạo và đào tạo; xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật các trường học. Phấn đấu 100% trường học trong Khu kinh tế đạt chuẩn quốc gia trước năm 2020. Thành lập thêm một số trường phổ thông các cấp ở các Khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu dịch vụ v.v…. để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ trong độ tuổi. Phấn đấu đạt phổ cập giáo dục trung học vào năm 2012;

- Củng cố, nâng cấp các trường cao đẳng, đại học hiện có theo hướng đào tạo đa cấp, đa ngành phù hợp với nhu cầu nhân lực theo hướng phát triển của Khu kinh tế. Liên kết, mở rộng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40% vào năm 2010 và trên 80% vào năm 2020;

- Chú trọng đào tạo chuyên nghiệp, các nhà doanh nghiệp về công nghiệp, dịch vụ, du lịch v.v; có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các chuyên gia và lao động kỹ thuật giỏi trong và ngoài nước về làm việc tại Khu kinh tế.

c) Y tế - chăm sóc sức khỏe nhân dân: tiếp tục triển khai Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; củng cố tuyến y tế cơ sở phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân tại cộng đồng; sắp xếp mạng lưới khám chữa bệnh, tăng cường đầu tư và quản lý tốt nguồn lực, đầu tư trang thiết bị cho khu vực y tế kỹ thuật; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh hiện có; chủ động và tích cc làm tốt công tác y tế dự phòng, phát triển các phong trào vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ môi trường; triển khai các chương trình y tế quốc gia và phòng chống bệnh dịch nguy hiểm để hạ thấp tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng; thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình và các chương trình y tế quốc gia.

Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Hoà Hiệp Trung và các cơ sở y tế hiện có trong Khu kinh tế. Phát triển các cơ sở y tế mới với trang thiết bị hiện đại, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, cán bộ công nhân viên của Khu kinh tế, kể cả cho các thủy thủ, chuyên gia và khách du lịch người nước ngoài bằng các hình thức đầu tư theo hướng xã hội hoá.

d) Văn hoá, thông tin, thể dục thể thao: xây dựng tốt đời sống văn hoá cơ sở, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hoá hiện đại đồng thời với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, góp phần xây dựng nền vắn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá theo hướng xây dựng đời sống văn hoá, văn minh đô thị vừa thể hiện được nét đặc sắc của văn hoá truyền thống, vừa bắt kịp với sự văn minh tiến bộ của nhân loại. Kết hợp hài hoà các loại hình văn hoá như chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, đọc sách báo, nhằm nâng cao dân trí về văn minh đô thị và mức hưởng thụ văn hoá của mọi người dân. Trước mắt, cần tập trung vào một số nội dung sau:

- Xây dựng một số trung tâm văn hóa ở các vực tập trung dân cư; nâng cấp trang thiết bị mạng lưới thông tin - truyền thanh ở các xã; hoàn thiện hệ thống các nhà bưu điện - văn hóa xã;

- Xây dựng trạm tiếp sóng phát thanh, truyền hình với trang thiết bị hiện đại; để phủ sóng 100% diện tích trong Khu kinh tế.

đ) Bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững:

- Xử lý nước thải: nước thải trong từng khu chức năng (bao gồm cả nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp) phải được xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung hoặc sử dụng tuần hoàn cho các mục đích khác như: tưới cây, rửa đường, cứu hỏa, làm mát máy trong công nghiệp.v.v... Đối với nước thải sinh hoạt của khu đô thị mới và các khu du lịch, dịch vụ v.v.... sẽ được xử lý cục bộ, chảy theo hệ thống đường cống chính xây dựng dọc các đường phố về tng khu vc, sau đó bơm đến trạm xử lý chung rồi mới đổ ra môi trường.

Dự kiến bố trí 4-5 khu vực xử lý riêng với công suất mỗi trạm từ 10.000- 15.000 m3/ngày đêm (chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 khoảng 2.000- 5.000 m3/ngày đêm/trạm). Tại khu phi thuế quan sẽ xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải dẫn đến khu xử lý làm sạch rồi mới thải ra môi trường.

Đối với nước thải công nghiệp sẽ xây dựng hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải riêng đạt tiêu chuẩn cho phép để s dụng lại hoặc dẫn ra cống thoát nước chung trước khi thải ra môi trường. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý tiên tiến với công nghệ xử lý hiện đại để có thể sử dụng tuần hoàn nhằm tiết kiệm nước. Riêng đối với các nước thải có chất độc hại phải được xử lý cục bộ riêng ở từng nhà máy bằng phương pháp thích hợp đạt tiêu chuẩn quy định sau đó mới dẫn đến trạm xử lý nước thải khu công nghiệp để làm sạch trước khi thoát ra cống thoát nước chung.

Xử lý chất thải rắn: căn cứ theo tiêu chuẩn rác thải đô thị, dự báo đến năm 2010, lượng rác thải thường của Khu kinh tế Nam Phú Yên khoảng 60 - 70 tấn/ngày và năm 2020, khoảng 170 - 200 tấn/ngày; đến năm 2010, rác thải công nghiệp khoảng 160 - 200 tấn/ngày và đến năm 2020 lên tới 400 - 450 tấn/ngày. Để đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường đô thị, cần thực hiện việc phân loại rác ngay ở mỗi đơn vị trong từng khu chức năng và từng hộ gia đình. Hoàn thiện việc xây dựng khu xử lý rác thải chung cho Khu kinh tế Nam Phú Yên và thành phố Tuy Hòa với quy mô dự tính khoảng 30 ha và sử dụng công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.

- Về xử lý bụi, khí thải và tiếng ồn: tất cả các nhà máy, xí nghiệp trong Khu kinh tế phải có các thiết bị xử lý khói, bụi và tiếng ồn, đảm bảo không được vượt quá giới hạn cho phép, đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Các dự án đầu tư vào Khu kinh tế phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện. Bên cạnh đó phải tăng cường trồng cây xanh để bảo vệ và cải thiện môi trường xung quanh.

5. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng

a) Đầu tư cụm cảng của Khu kinh tế Nam Phú Yên

- Nâng cấp cảng Vũng Rô: theo Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010”, Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg ngày 20/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ "Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị" và phương hướng phát triển giao thông vận tải đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; từ nay đến năm 2010, cảng Vũng Rô sẽ tiếp tục khai thác và đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục thuộc giai đoạn 2 cảng vận tải tại Bãi Lách. Đồng thời sẽ xây dựng cảng vận tải tổng hợp Vũng Rô tại bãi chính để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải trên 30.000 tấn và tiếp nhận tàu dầu có trọng tải 150.000 DWT, đưa năng lực thông qua cảng Vũng Rô lên khoảng 1 triệu tấn/năm vào năm 2010; sau năm 2010, sẽ nâng cấp cảng Vũng Rô lên công suất khoảng 4-5 triệu tấn/năm.

- Đầu tư xây dựng mới cảng Bãi Gốc thành một cảng lớn để có thể tiếp nhận tàu trên 250.000 DWT (thuộc dự án Hạ tầng Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking Phú Yên).

b) Nâng cấp cảng hàng không Tuy Hoà

Hiện tại, sân bay Tuy Hòa (tên cũ là sân bay Đông Tác) mới chỉ khai thác hai chiều tuyến bay Tuy Hoà - Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất ba chuyến/tuần bằng loại máy bay ATR72. Tổng cục Du lịch và Bộ Giao thông vận tải đã quy hoạch sân bay Tuy Hòa trở thành sân bay để phục vụ nhu cầu du lịch không chỉ của Phú Yên mà của cả khu vực Bắc Khánh Hòa. Để tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch và triển khai các dự án có quy mô lớn như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Khu công nghiệp hóa dầu và Tổ hợp hóa dầu Naphtha Cracking v.v....; giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên nghiên cứu nâng cấp cảng hàng không Tuy Hoà nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong khu vực.

c) Phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt

- Giao thông đối ngoại: nâng cấp và xây dựng mới các tuyến giao thông quan trọng liên kết giữa Khu kinh tế với bên ngoài như:

+ Nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua Khu kinh tế Nam Phú Yên thành 6 làn xe;

+ Nâng cấp tỉnh lộ 645 thành quốc lộ; đây là đường huyết mạch nối Khu kinh tế Nam Phú Yên với Đắc Lắc, Tây Nguyên đến cửa khẩu Đắk Riê - Campuchia;

+ Nâng cấp Quốc lộ 25 (đường nối thành phố Tuy Hoà với Gia Lai, kết nối với đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 14) đảm bảo thông thương dễ dàng từ Phú Yên lên Tây Nguyên theo hướng Gia Lai đến cửa khẩu Bờ Y (Kom Tum);

+ Đầu tư hoàn thành trục giao thông phía Tây Tỉnh nối với các tỉnh khu vc Tây Nguyên và trục giao thông ven biển nối Phú Yên với Khánh Hoà và Bình Định;

+ Xây dựng dự án Hầm đường bộ Đèo Cả;

+ Nâng cấp ga Tuy Hòa trên tuyến đường sắt Thống Nhất thành ga cấp 2. Hình thành ga hàng hóa Phú Hiệp (ga hàng hoá phục vụ chủ yếu cho Khu tinh tế Nam Phú Yên);

+ Xây dựng tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Mê Thuột. Điểm xuất phát của tuyến đường sắt này bắt đầu từ ga Phú Hiệp, điểm cuối tại Buôn Mê Thuột, men theo tỉnh lộ 645, dọc theo thung lũng sông Ba;

+ Đầu tư nâng cấp sân bay Tuy Hoà nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong khu vc (phục vụ cho Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu kinh tế Văn Phong và phát triển du lịch) bằng các nguồn vốn đầu tư như FDI, BOT.v.v.

- Giao thông nội bộ Khu kinh tế: đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hiện đại hóa các trục giao thông quan trọng trong Khu kinh tế Nam Phú Yên theo quy hoạch đã duyệt.

+ Từ nay đến năm 2010, hoàn thành xây dựng các tuyến đường chính trong Khu kinh tế. Sau năm 2010, nâng cấp và hoàn chỉnh các đường nhánh trong khu đô thị mới và hệ thống đường nội bộ trong Khu phi thuế quan và các khu công nghiệp, khu du lịch.v.v;

+ Chú trọng phát triển giao thông nông thôn. Đến năm 2010, cơ bản hoàn thành nâng cấp các đường xã và liên xã hiện có lên đường cấp IV đồng bằng;

+ Các công trình giao thông khác: từ nay đến năm 2010, xây dựng mới một bến xe khách đối ngoại, quy mô khoảng 1,5 - 2 ha; sau năm 2010, xây dựng tiếp một bến theo tiến độ phát triển của Khu kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của dân cư.

d) Phát triển hệ thống cấp thoát nước

- Cấp nước: để đảm bảo nhu cầu nước cho phát triển khu kinh tế đến 2020, nghiên cứu xây dựng mới nhà máy nước công suất 400 - 450 nghìn m3/ngày đêm cấp nước cho toàn bộ Khu kinh tế.

- Thoát nước mưa: đối với khu đô thị mới, các khu công nghiệp tập trung và nhà nghỉ du lịch: việc xử lý nước mưa được gắn với quy hoạch cốt san nền của Khu kinh tế và hệ thống cống, rãnh, thoát nước chung khép kín, tự chảy. Đối với khu dân cư cũ cải tạo, chỉnh trang và xây dựng mới: quy hoạch hệ thống cống rãnh thoát nước phù hợp, tự chảy ra hệ thống thoát nước chung. Tất cả hệ thống thoát trên phải bảo đảm thoát nước cho Khu kinh tế không bị ngập úng cục bộ, bảo vệ môi trường và mọi hoạt động của Khu kinh tế.

đ) Phát triển hệ thống cấp điện

Trước mắt, nguồn cung cấp điện cho khu vực lấy từ lưới điện quốc gia, từ 2 đường dây 110 KV là Quy Nhơn - Tuy Hoà và Nha Trang - Tuy Hoà qua các trạm trung gian 110/35/0 KV công suất 2x25 MVA.

Trong tương lai, khi xây dựng xong thuỷ điện sông Ba Hạ, Eakrông Hnăng và tuyến đường dây 220 KV Quy Nhơn - Tuy Hoà và Nha Trang - Tuy Hoà và trạm biến áp 220/110 KV-125 MVA thì nguồn điện cho Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ được đáp ứng đầy đủ. Dự kiến đặt 5 - 7 trạm 110 KV: tại khu dân cư đô thị (công suất 2x40MVA); tại các KCN, kho tàng và cảng biển Vũng Rô, tại nhà máy đóng tàu, các khu du lịch v.v.... (công suất 2 x 63MVA). Lưới 110 từ trạm 220 KV có các lộ 110 KV mạch kép dẫn tới các trạm 110 KV. Lưới 22 KV dùng cáp ngầm (vì đây là khu đô thị mới); trường hợp khó khăn về kinh phí sẽ dùng cáp nổi có bọc cách điện. Lưới 22 KV có kết cấu mạch vòng kín, vận hành hở. Đối với khu vực nông thôn, nâng cấp và cải tạo hoàn chỉnh hệ thống lưới điện trung áp và hạ áp của các xã, nâng cao chất lượng cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

e) Xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Đông - Tây nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và vùng 3 biên giới Nam Lào, Bắc Cam-pu-chia và Đông Bắc Thái Lan.

 

V. ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ

 

1. Định hướng sử dụng đất

Định hướng sử dụng đất của Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2020 như sau:

Đơn vị tính: ha

Chỉ tiêu

Diện tích

Tỷ lệ

Tổng diện tích tự nhiên

20.730

100

I. Đất khu phi thuế quan

320

1,5

1. Đất khu cảng tự do

70

0,34

2. Đất khu thương mại và dịch vụ

80

0,39

3. Đất khu công nghiệp, khu chế xuất

70

0,34

4. Đất khu ngoại quan

100

0,48

II. Đất khu vực thuế quan

20.410

98,5

1. Đất xây dựng, đô thị

7.750

37,4

a. Đất ngoài dân dụng

4.800

23,2

- Đất khu cảng thuế quan

300

1,4

- Đất công nghiệp

2.700

13,0

- Đất kho tàng bến bãi công nghiệp

800

3,9

- Đất dự trữ phát triển công nghiệp

1.000

4,8

b. Đất xây dựng dân dụng

2.950

14,2

- Đất công trình công cộng

70

0,3

- Đất khu đô thị

1.500

7,2

- Đất ở làng xóm đô thị hoá

700

3,4

- Đất tái định cư

300

1,4

- Đất ở chuyên gia

30

0,1

- Đất các trường đào tạo

50

0,2

- Đất cây xanh cách ly, công viên sinh thái

300

1,4

2. Đất các khu du lịch

800

3,9

3. Đất khác

11.860

57,2

- Đất giao thông đối ngoại và đầu mối hạ tầng

250

1,2

- Đất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản

2.200

10,6

- Đất rừng, đồi núi, đất chưa sử dụng, đất khác

9.410

45,4

 

2. Định hướng hình thành các phân khu chức năng

a. Khu đô thị trung tâm: khu đô thị trung tâm có chức năng là khu trung tâm hành chính, quản lý, điều hành; trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch của Khu kinh tế. Dự kiến quy mô dân số đô thị là 4,1 vạn người vào năm 2010 và khoảng 11 vạn người vào năm 2020. Quy mô và vị trí cụ thể của khu đô thị trung tâm sẽ được xác định cụ thể trong quy hoạch chung xây dựng của Khu kinh tế Nam Phú Yên. Khu đô thị trung tâm sẽ được nghiên cứu xây dựng theo hướng là một đô thị văn minh, hiện đại, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội đồng bộ, môi trường xanh sạch đẹp với các phân khu chức năng chính là: khu hành chính, khu thương mại - dịch vụ, khu văn phòng đại diện, các khu chuyên ngành, các khu công trình công cộng, khu dân cư, khu nghỉ dưỡng v.v….

Trong giai đoạn 2008 - 2010, sẽ bố trí khoảng 500 - 700 ha đất xây dựng dùng để xây dựng dân dụng, bao gồm: các khu ở tái định cư, khu ở chuyên gia, một số công trình dịch vụ thương mại công cộng, dịch vụ hạ tầng xã hội, các nhóm nhà ở đô thị mới như chung cư, biệt thự, nhà vườn v.v….

b. Khu phi thuế quan: có diện tích khoảng 320 ha, gắn với khu cảng Vũng Rô trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, là một khu vực đột phá quan trọng, một nhân tố mang tính quyết định đến sự phát triển và thu hút đầu tư của Khu kinh tế. Khu phi thuế quan được ngăn cách với các khu thuế quan trong Khu kinh tế và nội địa Việt Nam bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra - vào, đảm bảo sự kiểm soát của các cơ quan chức năng liên quan. Trong khu phi thuế quan có cơ quan hải quan để giám sát, kiểm tra, làm thủ tục hải quan hàng hoá ra, vào; không có khu dân cư và dân cư cư trú thường xuyên hoặc tạm trú (kể cả người nước ngoài). Hoạt động chủ yếu là sản xuất (gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất nhập khẩu phục vụ tại chỗ và kinh doanh thương mại (về hàng hoá: xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập - tái xuất, phân phối, cửa hàng và siêu thị bán lẻ, cửa hàng và siêu thị miễn thuế; về dịch vụ: phân loại, đóng gói, vận chuyển giao nhận hàng hoá quá cảnh, bảo quản, kho tàng, kho ngoại quan, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống; về xúc tiến thương mại: hội trợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các chi nhánh và văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các dịch vụ tài chính - ngân hàng và các hoạt động thương mại khác).

Do đặc điểm địa hình riêng ở khu vực Nam Phú Yên, không thể bố trí Khu phi thuế quan gần sát cảng Vũng Rô như ở các Khu kinh tế khác; địa điểm khu phi thuế quan ở đây được sơ bộ lựa chọn nằm cách cảng Vũng Rô 14km, có đường giao thông thuận tiện với nội địa, có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng hệ thống tường bao cách ly với bên ngoài. Toàn bộ khu phi thuế quan Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm ba khu chính sau:

- Khu trung tâm thương mại và dịch vụ, diện tích khoảng 80 ha, gồm bộ phận quản lý điều hành, các trung tâm hội nghị, hội chợ, triển lãm, các văn phòng đại diện, các văn phòng giao dịch xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, hệ thống các siêu thị bán lẻ, siêu thị miễn thuế, bưu điện, tài chính ngân hàng, khách sạn nhà hàng và các công trình vui chơi giải trí cao cấp. Đây còn là nơi lưu giữ hàng xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa qua cảng biển, gia công đóng gói, bao bì và sản phẩm hàng hóa.

- Khu chế xuất: diện tích khoảng 70 ha, dành cho các xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và sản xuất hàng phục vụ nhu cầu tại chỗ.

- Khu kho ngoại quan: diện tích khoảng 100 ha, gồm hệ thống kho vận ngoại quan, các dịch vụ bảo quản, giao nhận hàng xuất nhập cảnh, trung chuyển hàng hóa qua cảng, gia công đóng gói v.v...

Riêng khu cảng tiền phương, được đặt tại cảng Vũng Rô, diện tích khoảng 70 ha, gồm khu hậu cảng có bãi để container, kho cảng có mái, trung tâm dịch vụ điều hành quản lý cảng.

c. Khu thuế quan: khu thuế quan là toàn bộ khu vực còn lại của Khu kinh tế Nam Phú Yên, bao gồm các phân khu chính như: khu cảng thuế quan, các khu công nghiệp, các khu du lịch, khi đô thị, hành chính và các khu dân cư.

- Khu cảng thuế quan: dự kiến sẽ bố trí khoảng 300 ha. Khu cảng thuế quan bao gồm cảng tổng hợp Vũng Rô cùng với hệ thống bến bãi, kho tàng, các công trình dịch vụ cảng, cung ứng vận tải gắn liền với cảng (hậu cần cảng).

- Các khu công nghiệp tập trung: trong Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ hình thành và phát triển một số khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.700 ha. Dự kiến sẽ hình thành khoảng 5 - 6 khu công nghiệp (kể cả các khu công nghiệp hiện có) với chức năng và các công trình chủ lực dự kiến bố trí trong các khu này như sau:

+ Khu công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, hóa chất: xây dựng Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm 1.300 ha; Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (100% vốn nước ngoài), công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm;

+ Khu công nghiệp cơ khí: nòng cốt là nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển (năng lực đóng mới tàu 10.000 DWT và sửa chữa tàu 20.000 tấn), đóng mới tàu cá, tàu chuyên dùng, sản xuất container v.v.... Tại đây, sẽ bố trí các nhà máy lắp ráp các máy nặng, cơ khí sản xuất và lắp ráp ô tô, xe cơ giới; sản xuất và sửa chữa, lắp ráp các phương tiện vận tải nặng, các thiết bị nâng dỡ; thiết bị cơ khí chính xác; lắp ráp thiết bị kỹ thuật số; sản xuất máy xây dựng và các thiết bị cho nhà máy xi măng; thiết bị phục vụ chế biến nông lâm thủy sản; thiết bị nổ;

+ Khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp;

+ Khu công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: sẽ bố trí nhà máy dệt, may, da giầy, điện t, điện lạnh cao cấp, thiết bị điện, đồ điện chất lượng cao, cáp điện các loại, bóng điện cao áp thuỷ ngân.v.v;

+ Khu công nghiệp đa năng: sẽ bố trí nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (công suất 3000 - 5.000 tấn/năm) và các nhà máy chế biến thực phẩm đồ hộp, nhà máy hoa quả hộp, nước giải khát, thức ăn gia súc; hóa chất v.v.

Ngoài các nhà máy trên, sẽ bố trí xen kẽ vào các khu công nghiệp các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất, gia công thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực vật liệu xây mới; sản xuất, gia công, lắp rắp thiết bị văn phòng; sản xuất, gia công, chế tạo mẫu sản phẩm, bao bì; sản xuất, gia công hàng chất lượng cao (vàng, bạc, đá quý, hoá mỹ phẩm.v.v.); sản xuất rượu; chế biến đá ốp lát, bê tông át-phan; vật liệu xây dựng cao cấp và các sản phẩm bê tông đúc sẵn, gạch tuy-nen; các sản phẩm từ nhựa cao cấp; chất tẩy rửa; kính các loại, chế biến thuỷ tinh; chế biến hoa quả xuất khẩu, chế biến đồ hộp; in ấn nhãn hàng hoá; giấy và các sản phẩm từ giấy; đồ gia dụng, dụng cụ thể dục thể thao, thiết bị, văn phòng phẩm:

- Các khu du lịch: dự kiến trong Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ xây dựng 02 - 03 khu du lịch hiện đại ven biển, tổng diện tích khoảng 800 ha. Trong từng khu du lịch sẽ có đồng bộ các phân khu chính như: khu trung tâm mua sắm, khu nghỉ mát tắm biển, khu công viên cây xanh, khu thể thao - vui chơi giải trí trên bờ, khu thể thao - vui chơi giải trí dưới nước và các công trình dịch vụ khác.v.v.

Phát triển các sản phẩm du lịch như nghỉ mát tắm biển, thể thao trên bờ và trên biển, khảo sát, nghiên cứu sinh vật biển; du thuyền ra thăm các đảo; du lịch sinh thái; du lịch leo núi, cắm trại; du lịch văn hóa, thăm các di tích lịch sử cách mạng, lễ hội, làng chài; du lịch công vụ, hội nghị, hội chợ, triển lãm.v.v....

- Các khu dân cư: dự báo đến năm 2020, quy mô dân số toàn Khu kinh tế Nam Phú Yên khoảng 150 - 160 ngàn người, trong đó dân số đô thị khoảng 100 - 110 ngàn người (bao gồm cả số dân cư và lao động của các khu công nghiệp và du lịch, dịch vụ); dân số nông thôn khoảng 45 - 50 ngàn người. Để đảm bảo yêu cầu phát triển của Khu kinh tế, cần có phương án bố trí, sắp xếp lại dân cư trên địa bàn cho phù hợp.

Đối với dân cư đô thị: ngoài các khu nhà ở thuộc khu trung tâm (bao gồm cả khu nhà ở cao tầng và thấp tầng), sẽ hình thành một số khu dân cư mới với tổng diện tích đất dân dụng khoảng 400 - 500 ha vào năm 2010 và 1500 ha vào năm 2020, đảm bảo điều kiện sống cho dân cư của trung tâm đô thị mới và số dân tái định cư của các khu công nghiệp sẽ được xây dựng trong tương lai.

Đối với dân cư nông thôn: chủ yếu cải tạo, chỉnh trang và sắp xếp lại các khu dân cư hiện có cho phù hợp với quy hoạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội nhằm nâng cao điều kiện sống cho nhân dân. Hạn chế di dời đối với dân cư đã định cư lâu đời. Đối với các khu vực dân cư nằm trong vùng dự kiến xây dựng công nghiệp, cảng bắt buộc phải di dời cần phải có quy hoạch cụ thể và tiến độ hợp lý. Đối với các khu vực dân cư nằm trong vùng dự kiến xây dựng đô thị mới (khu làng xóm đô thị hoá) được từng bước cải tạo chỉnh trang phù họp với cảnh quan chung. Đến với các khu dân cư còn lại giữ nguyên quy mô và mật độ xây dựng.

Hệ thống công viên cây xanh: bảo tồn nguyên vẹn, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên: các đồi cao, mặt nước, sông ngòi, đầm (chỉ san lấp cục bộ); bảo tồn hệ sinh thái biển; bổ sung nhiều dạng cây trồng thích hợp cho đô thị và du lịch; giữ gìn, tôn tạo các di tích, chứng tích lịch sử; khai thác các bãi tắm biển, đồi núi cao, ven sông ngòi, kênh rạch để tạo thành các vùng cây xanh tạo cảnh quan cho không gian du lịch hấp dẫn, bảo vệ sinh thái môi trường bền vững. Hệ thống công viên cây xanh của Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm:

+ Hệ thống công viên và cây xanh đô thị: quy mô khoảng 300 ha (gồm công viên trung tâm ở đô thị mới và các vườn hoa quy mô nhỏ tại các khu du lịch, khu dân cư mới; cây xanh ven các đường phố và trong các công sở, các khu công nghiệp v.v....);

+ Hệ thống rừng phòng hộ: bảo vệ và phát triển rừng trên toàn bộ diện tích đồi núi, đảm bảo chức năng phòng hộ, đồng thời kết hợp phát triển du lịch;

+ Cây xanh phân tán: quy mô khoảng 150 - 200 ha với các dải cây xanh biển, ven sông suối và dọc theo hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường cao tốc, đường sắt, bao quanh các khu công nghiệp.

 

VI. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ NAM PHÚ YÊN
VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

 

1. Các giai đoạn phát triển

a) Giai đoạn 2008 - 2010

Đây là giai đoạn chuẩn bị, tạo điều kiện để phát triển nhanh Khu kinh tế trong giai đoạn sau. Do vậy, giai đoạn này cần hình thành được các cơ sở pháp lý và cơ chế chính sách ưu đãi cho Khu kinh tế Nam Phú Yên; xây dựng một bước các kết cấu hạ tầng cơ bản của Khu kinh tế; hình thành các khu chức năng; xúc tiến mạnh việc thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Các công việc cụ thể cần thực hiện sau khi Đề án xây đựng Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là:

- Xây dựng Quy chế hoạt động, thành lập bộ máy quản lý của Khu kinh tế; hình thành quy trình kêu gọi đầu tư; xây dựng cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Khu kinh tế Nam Phú Yên; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi và thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vc; tiến hành xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.v.v....;

- Xây dựng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên và quy hoạch chi tiết cho các phân khu chức năng tỷ lệ l/2000;

- Xây dựng các kết cấu hạ tầng quan trọng như: các trục giao thông chính, cảng biển, công trình cấp nước, hạ tầng các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng để huy động vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp;

- Hoàn thành công tác đền bù giải toả, thu hồi đất, tái định cư trong Khu kinh tế theo quy hoạch. Đối với diện tích đất chưa sử dụng, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm;

- Hoàn chỉnh về cơ bản Khu phi thuế quan. Tập trung xây dựng cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng cho Khu phi thuế quan để kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhà đầu tư được chọn để đầu tư xây dựng khu này có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và định hướng hoạt động của nhà đầu tư và nằm trong khuôn khổ được Chính phủ cho phép.

b) Giai đoạn 2011 -2020

- Tiếp tục xây dựng và đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế Nam Phú Yên;

- Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các khu chc năng theo quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết được duyệt của Khu kinh tế Nam Phú Yên;

- Thực hiện theo quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu phi thuế quan và các công trình kinh tế khác;

- Hoàn thiện phát triển Khu kinh tế theo quy hoạch. Hoàn thành các cảng biển, các khu công nghiệp, khu du lịch, các trung tâm thương mại, giao dịch quốc tế và các công trình dịch vụ công cộng cao cấp khác.v.v....

2. Nguồn vốn đầu tư

Nguồn vốn phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên được cân đối bằng các nguồn sau: Vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, cấp thiết cho sự vận hành của Khu kinh tế Nam Phú Yên; vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI); vốn huy động từ đấu giá quyên sử dụng đất; vốn tín dụng, vốn của doanh nghiệp và dân cư trong nước.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên là rất lớn so với khả năng nguồn lực của Tỉnh và sự hỗ trợ của Trung ương. Vì vậy, để đáp ứng được nhu câu vốn đầu tư như trên, Tỉnh cần có các biện pháp huy động vốn một cách tích cực, trong đó nguồn nội lực là chủ yếu, huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao.v.v.

 

VII. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

 

(Phụ lục kèm theo)

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Nam Phú Yên nêu trong Quy hoạch sau khi đã được phê duyệt, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

- Xây dựng - đề án thành lập Ban quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên, kèm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất, Kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Phú Yên phù hợp với mục tiêu phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên;

- Chỉ đạo việc lập và trình duyệt theo quy định Quy hoạch chung xây dựng, Quy hoạch chi tiết xây dựng các phân khu chức năng của Khu kinh tế Nam Phú Yên;

- Phê duyệt danh mục các dự án đầu tư phát triển và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm tại Khu kinh tế Nam Phú Yếm

- Chỉ đạo và tạo điều kiện cho Ban Quản lý Khu kinh tế Nam Phá Yên hoạt động và thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện có liên quan thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc đầu tư phát triển, quản lý và vận hành Khu kinh tế Nam Phú Yên.

- Có giải pháp và xây dựng phương án huy động các nguồn vốn một cách cụ thể, hợp lý, có tính khả thi nhằm thu hút vốn đầu tư giảm tỷ lệ huy động vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) phù hợp với khả năng cân đối vốn và có các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch. Cần coi trọng và có giải pháp vừa đầu tư vừa khai thác từ quỹ đất để có nguồn thu, đầu tư trở lại phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế. Trước mắt, trong giai đoạn 2008 - 2010, cần xây dựng chính sách huy động, thu hút vốn đầu tư thật cụ thể, hấp dẫn đến từng dự án, lĩnh vực đầu tư; trước hết là chính sách huy động nguồn lực từ việc khai thác quỹ đất, thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài địa phương các nhà đầu tư nước ngoài;

Nghiên cứu ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Nam Phú Yên.

 

Điều 3. Giao các Bộ, ngành có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Nam Phú Yên; phối hợp và hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Ban Quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, đề án, quy hoạch nói trên và trong việc nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể áp dụng tại Khu kinh tế Nam Phú Yên; đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được quyết định đầu tư; nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư tại Khu kinh tế Nam Phú Yên.

 

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 


Phụ lục

DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2008/QĐ-TTg
ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

 

TT

Tên chương trình, dự án

Địa điểm

A

VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH

 

1

Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên

Huyện Đông Hòa

2

Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế Nam Phú Yên

Huyện Đông Hòa

3

Quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái hạ lưu sông Bàn Thạch

Hòa Tâm

4

Quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng và quy hoạch chi tiết khu tái định cư tại thôn Phú Lạc

 

B

CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

 

I

DỰ ÁN NÔNG, LÂM, NGƯ NGHIỆP

 

1

Dự án hạ tầng khu sản xuất rau sạch áp dụng công nghệ cao

Phú lâm

2

Dự án trồng rừng chắn gió và cát

Ven biển

3

Dự án trồng, chăm sóc rừng đèo cả

Hoà Xuân Nam

4

Dự án khu nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái hạ lưu sông Bàn Thạch

Hòa Tâm

5

Dự án san lấp mặt bằng và kè bờ Bắc hạ lưu sông Bàn Thạch

Huyện Đông Hòa

6

Dự án san lấp mặt bằng và kè bờ Nam hạ lưu sông Bàn Thạch

Huyện Đông Hòa

7

Dự án cảng cá Phú Lạc

Hòa Hiệp Nam

8

Dự án kè bờ biển vùng bãi ngang ven biển

Huyện Đông Hòa

II

DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP

 

1

Nhà máy lọc dầu Vũng Rô

Hòa Tâm

2

Dự án tổ hợp hóa dầu Naphtha

Hòa Tâm

3

Dự án nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu

KCN Hòa Hiệp 1

4

Dự án nhà máy sản xuất khung thép tiền chế

KCN Hòa Hiệp 1

5

Nhà máy chế biến song mây xuất khẩu

KCN Hòa Hiệp 2

6

Tổng kho xăng dầu và đường ống dẫn dầu đi Tây Nguyên

Huyện Đông Hòa

7

Nhà máy sản xuất điện tử, điện máy

KCN Hòa Hiệp 1

III

DỰ ÁN DU LỊCH VÀ DỊCH VỤ

 

1

Dự án Khu du lịch Đèo Cả - Vũng Rô

Hòa Xuân Nam

2

Dự án Trung tâm thương mại Nam thành phố Tuy Hòa

Phú Lâm

3

Dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Phú Yên

Phú Lâm

IV

DỰ ÁN HẠ TẦNG KỸ THUẬT

 

 

Kết cấu hạ tầng đô thị, các khu dân cư

 

1

Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Khu trung tâm thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa

Huyện Đông Hòa

2

Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thị trấn Hòa Hiệp Trung (dự kiến tách xã Hòa Hiệp Trung)

Hòa Hiệp Trung

3

Dự án hạ tầng đô thị Nam thành phố Tuy Hòa - Phú Lâm

Huyện Đông Hòa

4

Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Khu dân cư Phú Lạc (Bắc sông Đà Nông)

Hòa Hiệp Nam

5

Dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng các khu dân cư trong KKT Nam Phú Yên

Huyện Đông Hòa

6

Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu trung tâm hành chính mới xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa

Hòa Tâm

7

Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phục vụ KCN Hòa Hiệp - xã Hòa Hiệp Trung

Hòa Hiệp Trung

8

Dự án san lấp mặt bằng khu vực phía Tây xã Hòa Hiệp Bắc - Quốc lộ 1A

Hòa Hiệp Bắc

 

Kết cấu hạ tầng giao thông

 

1

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Ba Bản - Hòa Hiệp Trung

Huyện Đông Hòa

2

Dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng mới tuyến Gò Mầm - Đông Mỹ - KCN Hòa Hiệp 1 (cả cầu vượt đường sắt)

 

3

Tuyến đường hạ tầng đô thị Nam thành phố Tuy Hòa - KCN Hòa Hiệp 1 - Vũng Rô

Huyện Đông Hòa

4

Dự án nâng cấp, xây dựng mới đường Phú Khê - Phước Tân

Huyện Đông Hòa

5

Dự án nâng cấp sân bay Tuy Hòa

Phú Lâm

6

Dự án cảng Vũng Rô

Hòa Xuân Nam

7

Dự án cảng Bãi Gốc

Hòa Tâm

8

Dự án cầu vượt đường sắt và đường dẫn KCN hóa dầu Hòa Tâm

Hòa Tâm

9

Dự án đường giao thông Bãi Chùa - Quốc lộ 1A

Hòa Xuân Nam

10

Dự án san lấp mặt bằng và kè bờ Nam sông Đà Rằng

Phú Lâm

11

Dự án cầu Phước Giang

Huyện Đông Hòa

12

Dự án đường sắt nối cảng Bãi Gốc - đường sắt Bắc Nam

Huyện Đông Hòa

13

Dự án ga đường sắt Phú Hiệp

Hòa Hiệp Trung

14

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả

Huyện Đông Hòa

15

Dự án đường Ướt Lâm - Quốc lộ 1A

Huyện Đông Hòa

16

Dự án đầu xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn

Huyện Đông Hòa

V

DỰ ÁN HẠ TẦNG KỸ THUẬT KHU CÔNG NGHIỆP

 

1

Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm

Hòa Tâm

2

Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1 và 2 - huyện Đông Hòa

Hòa Hiệp Trung

VI

DỰ ÁN CẤP NƯỚC, THOÁT NƯỚC

 

1

Dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt trong Khu kinh tế

Huyện Đông Hòa

2

Dự án hệ thống cấp nước và Nhà máy nước phục vụ Nhà máy lọc dầu và Khu công nghiệp hóa dầu

Hòa Tâm

3

Dự án hệ thống thoát nước và Nhà máy xử lý nước thải Khu kinh tế Nam Phú Yên

Huyện Đông Hòa

VII

DỰ ÁN CẤP ĐIỆN

 

1

Dự án lưới điện và trạm điện trong Khu kinh tế Nam Phú Yên

Toàn khu

2

Dự án tổ hợp pháp điện - Khu công nghiệp hóa dầu

Hòa Tâm

VIII

DỰ ÁN THÔNG TIN LIÊN LẠC

 

1

Dự án truyền hình kỹ thuật số mặt đất

Toàn khu vực

2

Dự án xây dựng hệ thống cáp quang

Toàn khu vực

IX

DỰ ÁN XỬ LÝ CHẤT THẢI

 

1

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm

Hòa Tâm

2

Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và đô thị

Các khu dân cư và khu công nghiệp

X

DỰ ÁN VĂN HÓA, XÃ HỘI, THỂ DỤC THỂ THAO

 

1

Dự án Tổ hợp thể dục thể thao phục vụ Khu kinh tế Nam Phú Yên

Huyện Đông Hòa

2

Dự án Tượng đài tàu không số Vũng Rô

Hòa Xuân Nam

3

Dự án xây dựng thiết chế văn hóa cấp xã, phường

Toàn khu vực

4

Dự án xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, phường

Toàn khu vực

XI

DỰ ÁN Y TẾ

 

1

Dự án nâng cấp các trung tâm y tế

Toàn khu vực

2

Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị và mở rộng quy mô Bệnh viện Việt - Hàn

Hòa Hiệp Trung

XII

DỰ ÁN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

1

Dự án Phân trường 2, Trường Đại học Phú Yên trong khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa

Phú Lâm

2

Dự án nâng cấp các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông

Toàn khu vực

 

* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích chiếm đất, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của từng thời kỳ.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE PRIME MINISTER
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence
- Freedom - Happiness
----------

No. 53/2008/QD-TTg

Hanoi, April 28, 2008

 

DECISION

APPROVING THE PLANNING ON DEVELOPMENT OF NAM PHU YEN ECONOMIC ZONE, PHUYENPROVINCE

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2005 Investment Law;
At the proposal of the president of Phu Yen provinces Peoples Committee and the Minister of Planning and Investment,

DECIDES:

Article 1. To approve the planning on development of Nam Phu Yen economic zone, Phu Yen province, with the following major contents:

I. FUNCTIONS OF NAM PHU YEN ECONOMIC ZONE

- To be an international trade exchange, industrial and service center, a seaport, a big regional urban center and an important gateway of the southern central region and Central Highlands.

- To be a big economic center, creating a breakthrough for socio-economic development of Phu Yen province;

- To be an important center for investment attraction and international integration of Phu Yen province and the southern central region.

II. NAM PHU YEN ECONOMIC ZONE DEVELOPMENT VIEWPOINTS AND OBJECTIVES

1. Development viewpoints

- Developing branches and domains in Nam Phu Yen economic zone suitable to international economic integration trend; suitable to and closely associated with the socio-economic development of the southern central region, Central Highlands and the whole country;

- Developing Nam Phu Yen economic zone into a comprehensive breakthrough locality of Phu Yen province; an important development pole of the southern central region: an international trade exchange center, an industrial and commercial center, a big seaport of the southern central region and Central Highlands;

- Developing Nam Phu Yen economic zone into a general multi-branch and multi-function economic center, comprising a non-tariff sub-zone; industrial parks; Vung Ro and Bai Goc ports and port service sub-zone; a concentrated urban center with modern architecture; a marine tourism sub-zone;

- Applying long-term preferential and incentive mechanisms and policies to Nam Phu Yen economic zone in order to create the most favorable conditions for domestic and foreign investors: ensuring convenient, fast and one-stop administrative procedures in order to create the most favorable environment for production and business activities;

- Developing Nam Phu Yen economic zone with comprehensive and sustainable economic, social, political, security, defense, environmental and diplomatic efficiency.

2. Development objectives

a/ General objectives

To build and develop Nam Phu Yen economic zone into a general multi-branch and multi-function economic zone, focusing on oil refining, petro-chemical and after-oil industries; consumer goods and processing industries, and export, in association with the development and efficient exploitation of Vung Ro and Bai Goc ports, Tuy Hoa airport. To build the economic zone into an industrial and service center as a breakthrough for socio-economic development of Phu Yen province; an important development pole and an international trade exchange center of the southern central region and Central Highlands, with a comprehensive infrastructure system and modern urban centers. To create prerequistes for socioeconomic development of the province and its vicinities.

b/ Specific objectives

- To efficiently tap advantages in natural conditions, geographical location for economic and political exchange, international and domestic services to boost regional economic development; to spread the development to nearby regions, proceeding to narrow the development gap with other provinces in the region and the whole country;

- To form spearhead sub-branches and products of high quality and competitiveness in various industries, services and agriculture in order to create posture and force for long-term development;

- To generate more jobs, to raise the quality of human resources, making decisive contributions to economic and labor restructuring towards modernization;

- To create an area with an open and favorable investment and business environment with the most preferential and incentive mechanisms and policies and effective management apparatus to attract investment.

III. DEVELOPMENT MODEL OF NAM PHU YEN ECONOMIC ZONE

Nam Phu Yen economic zone comprises principal functional sub-zones, including an urban center, a non-tariff sub-zone and a tariff sub-zone.

1. The non-tariff sub-zone, covering about 320 ha and associated with Vung Ro and Bai Goc port areas in Nam Phu Yen economic zone is an important breakthrough area of decisive nature to the zones development and investment attraction.

2. The tariff sub-zone covers the remainder of Nam Phu Yen economic zone (comprising such principal areas as the tariff port area, industrial parks, tourist areas, urban center, central administrative area and population quarters).

3. Mechanisms and policies: Nam Phu Yen economic zone is entitled to the most preferential and incentive mechanisms and policies prescribed and approved by the Prime Minister, which are tempting enough to attract domestic and foreign development investment resources.

The Nam Phu Yen Economic Zone Management Board is a state management body attached to Phu Yen provinces Peoples Committee, which is set up under the Prime Ministers decision at the proposal of the president of Phu Yen provinces Peoples Committee and the Minister of Home Affairs, directly performing the concentrated and unified management of investment, construction and development activities in Nam Phu Yen economic zone according to planning, plans, schedules as well as mechanisms and policies already approved by competent state bodies.

IV. ORIENTATIONS FOR DEVELOPMENT OF BRANCHES, DOMAINS

1. Industrial development orientations

- To prioritize the development of such industries associated with the zones advantages as oil-refining industry, petro-chemical industry; industries associated with sea and seaport exploitation; intensive-labor industries; export-oriented industries; industries with advanced technologies, ensuring absolute safety on environmental impacts:

- To create leading industrial products of great impact and high competitiveness, meeting the regional and international integration requirements in order to create posture and force for long-term development:

- To prioritize the attraction of big enterprises and transnational companies, which act as motive forces for the development of Nam Phu Yen economic zone;

- To efficiently use land in three existing industrial parks; to additionally form some modern industrial parks in Nam Phu Yen economic zone; to develop industrial complexes, medium- and small-sized industrial establishments as satellites for industrial parks, big industrial enterprises in Nam Phu Yen economic zone.

With the above orientations, from now till 2020, to focus on the development of the following key industries: oil-refining and petro-chemical industry, ship-building and -repairing industry, automobile industry, engine and accessories manufacture industry, textile and garment industry, customer goods industry; electronics, precision, automation, assembly, processing, packaging industries; hi-tech food-processing industry; agricultural, forest and aquatic product-processing industry, etc. The orientations for development of specific industries are as follows:

a/ Oil-refining and petro-chemical industry: To focus on boosting the completion of investment procedures for early execution of the project on construction of Vung Ro oil refinery (100% foreign investment capital), the project on investment in infrastructure of petro-chemical industrial park and the project on Naphtha Cracking petro-chemical complex (100% foreign capital).

b/ Ship-building and -repairing industry: To encourage the development of shipyards capable of building ships of up to 20,000 DWT and repairing ships of up to 100,000 tons. To accelerate the execution, phase 2, of the project on a shipyard of Vinashin Group.

c/ Mechanical engineering industry: To strongly develop mechanical industries in service of manufacture and assembly of automobiles, motorized vehicles; assembly of machine tools: manufacture, repair and assembly of heavy means of transport, lifting equipment; manufacture of building machines, equipment for cement plants, sugar mills; manufacture of machines and equipment in service of processing of agricultural, forest and aquatic products; explosive equipment, precision instruments; assembly of digital equipment.

d/ Consumer goods industry: To develop such consumer goods industries as textile and garment, leather and shoe, electronics, electro-refrigerating, high-quality electrical equipment, electric cables, high-pressure mercury bulb industries to meet the whole southern central regions and Central Highlands consumption demands and for export.

e/ Agricultural and aquatic product-processing industries: To invest in the construction of agricultural and aquatic product-processing establishments in order to raise the value and use value of agricultural and fishery commodities; to study and start the construction of an export aquatic product-processing factory (with a capacity of 2,500-3,000 tons/year), to build a beer factory (with a capacity of 100 million liters/year), canneries, soft-drink factory, animal feed plants, etc.

f/ Other industries: To invest in the construction of processing establishments in order to raise the value and use value of agricultural, forest and fishery products; to study and start the construction of an export aquatic product-processing factory (with a capacity of 2,500-3,000 tons): canneries, soft-drink, animal feed factories; to develop manufacturing and processing industries in the field of biotechnology, new building materials; to manufacture, process and assemble office equipment; to produce, process and create product and package models; to produce and process high-quality articles (gold, silver, germ, cosmetics, etc.); to produce liquor, high-grade plastic products, cleansing substances, cosmetics, canned food and fruits for export, to produce packages, print product labels, produce household utensils, sport equipment, stationery.

2. Service development orientations

To focus on the development of key services and service products such as port and shipping, tourism, commercial, financial-banking, post-telecommunication, ... services. Orientations for development of specific services are as follows:

a/ To develop port and shipping services: To develop port and shipping services into a key economic branch, making Nam Phu Yen a maritime economic center of the southern central region. Cargo going through Vung Ro port is expected to reach about 1.8-2 million tons by 2010 and about 4.2-4.5 million tons by 2020. Therefore, to meet the development requirements, efforts should be concentrated on construction and upgrading of Vung Ro port to reach a capacity of 1.5 million tons by 2010 and 4-6 million tons by 2020.

- Port services: To diversify types of port services (shipping agency and maritime brokerage: ship piloting: cargo shipping agency; ship and crew supply; cargo delivery and tally; cargo handling, warehouses and storing yards, export and import, transshipment and transit; ship repair at port: marine environment sanitation, sea rescue, etc).

- Shipping: To develop shipping service in the direction of incrementally building suitable fleets to participate in transportation of export and import goods via Vung Ro port; to synchronously develop with rational structure an ocean fleet (including separate special-use ships, container carriers, double-deck ships for transportation of packed rice and farm produce, etc.).

b/ Tourism development: To increase investment development of tourism infrastructure; to prioritize the development of some modern large-scale tourist resorts; to restore and upgrade historical relics; to step up tourism propagation and advertisement; to propagate and educate people in order to raise their awareness of tourist services; to apply science and technology, particularly information technology, to tourism development; to harmonize socio-economic development, tourism development with environmental protection. To develop such tourist products as sea cruise and bathing, coastal and sea sports, marine creature survey and research, visiting islands on leisure ships, eco-tourism, convalescence, mountain climbing, camping, visiting scenic places, historical relics, fishing villages, official-duty, conference, fair, exhibition tourism; to form Vung Ro- Da Bia tourist centers; to join the provinces other tourist centers (including Song Cau, Tuy An, Tuy Hoa city), foreign tourist centers, Ho Chi Minh City, Da Nang, Hanoi, central and Central Highlands provinces in formulating different tours.

c/ Commercial development: To build Nam Phu Yen economic zone into a trade exchange, wholesale and retail center, a big exports and imports delivery center; a big market promotion and investment mobilization center of Phu Yen and the southern central region. The commercial development is directed at diversifying commercial activities in service of production and peoples life; prioritizing the development of commercial forms of entrusted export, border-gate transfer, temporary import for re-export, trade promotion, goods trading support services, etc; encouraging all economic sectors to participate in commercial activities, expanding joint venture and association with big domestic and foreign enterprises. Specific tasks are:

- Building a modern non-tariff area associated to Vung Ro port area;

- Building a large trade center of about 40,000-50,000 m2 of flooring space. It has the function of commercial transactions (provision of services on goods display, exhibition, information, sources, partners and investment opportunities, negotiation and conclusion of contracts, etc.), and office services (supply of flooring space, offices for representatives, branches, enterprises);

- Building an information and consultancy center in support of enterprises for consultancy activities and transactions between enterprises, between management bodies and enterprises, between domestic as well as foreign partners on commodity markets, services, technologies, personnel, capital;

- Building big trading establishments such as big and modern department stores of about 4,000-6,000 m2 of flooring space in combination with representative offices, trade-investment promotion, wholesale markets, medium-sized department stores in urban centers, industrial parks, tourist resorts and concentrated residential areas; markets at traffic hubs and rural residential areas, boosting the production of commodities to meet peoples increasing demands (in the 2006-2010 period, developing markets on the basis of upgrading the existing ones, in the 2011-2020 period, solidifying all markets);

- Developing and upgrading systems of major common-use warehouses.

d/ Financial-banking development: To build Nam Phu Yen economic zone into a big financial-banking transaction center of Phu Yen province; creating favorable conditions for foreign banks to set up their branches, especially branches of big banking groups in the world. To encourage the development of types of joint-stock banks, non-state credit for development of monetary services; expanding and diversifying banking services; developing forms of non-cash payment; diversifying banking services: money transfer, lending, financial leasing, payment, mortgage and pledge; via-account transaction, lending brokerage, property management, etc; diversifying types of insurance services, especially insurance of goods exported and imported through ports. To form a securities trading center or branch in the economic zone.

e/ Development of information and communication networks: To develop Nam Phu Yen economic zone into a big telecommunications center, focusing on the following principal tasks:

- Developing the postal networks, kiosks, points, agents (particularly multi-service postal agents);

- Building a modern, synchronous and widespread telecommunications network, providing diverse services of international quality, attaching importance to the development of rural telecommunications networks;

- Entering into joint-ventures with foreign countries in building telecommunications systems, primarily in entertainment and recreation areas, hotels for foreigners, centers, export processing zones and industrial parks, offices of enterprises in the province.

f/ Development of other services: To selectively, steadily and healthily develop up to national standards such services as consultancy, scientific and technological, property dealing, investment and market services, services of high-brain content, technological research and application, healthcare, education, culture, sport and urban services.

3. Agricultural-forestry-fishery development orientations

a/ Cultivation: To form farming areas applying high technologies, disease-free and sustainable aquaculture area. To strongly develop horticulture and farm economies; raising the value on cultivated land area to VND 70-100 million/ha on average. To vigorously restructure crops towards highly specialized and intensive farming; reserving 60-70% of the area under food crops for growing clean and high-grade vegetables in service of new urban centers, industrial parks and tourist resorts in the economic zone and Tuy Hoa city. To form an area for production of clean (safety) vegetables with the application of high technologies in Phu Lam.

b/ Husbandry: To strongly develop husbandry, particularly husbandry in form of industrial farms in association with processing, veterinary services, building disease-free cattle and poultry zones. To build some big farms in the economic zone combined with household-based farms of medium or small size, ensuring food supply for the economic zone and partly for export processing.

c/ Forestry development: To comprehensively use forest resources, combining forest protection and environmental protection with tourism. To strongly develop afforestation, including the planting of concentrated forests and scattered trees, forming a green tree belt to protect Nam Phu Yen economic zone. To formulate a project on planting of wind- and sand-shield forests in coastal areas. To work out plans on planting, tending and protecting protective forests, landscapes in Deo Ca pass area of Hoa Xuan Nam.

To encourage the development of forestry farms and agro-forestry farms; to develop the planting of scattered trees in urban centers, industrial parks, tourist resorts, green parks and the planting of trees along roads, etc. To strive for a greenery rate of 8-10m2/person, meeting the requirements of protecting and improving the living environment while creating ecological landscapes for the urban center in Nam Phu Yen economic zone.

To organize the management of forest flora and fauna, preventing and fighting forest fires, harmful creatures, trading in, transporting, exporting, importing, temporarily importing for re-export, transiting forest flora and fauna under current regulations.

d/ Fishery development: To develop fishing, aquaculture, processing and fishery logistics: combining exploitation and aquaculture with processing in order to increase the value of products, especially export products. To form a fish harbor in Phu Lac, Hoa Hiep Nam, in service of fishery development.

To transfer coastal fishermen to other occupations such as aquaculture, aquatic product processing, fishery services, tourist services. To develop tourism in combination with aquaculture in the basin of Ban Thach river. To continue investing in the development of offshore fishing vessels on the basis of consolidating and raising the efficiency of offshore fishing fleets. To intensify offshore fishing in order to protect and develop aquatic resources. To make detailed planning on brackish water aquaculture areas, aiming to form specialized aquaculture zones to meet the demands of the economic zone and create raw-material sources for export processing.

4. Social development orientations

a/ Population and labor: It is forecast that Nam Phu Yen economic zones population will reach around 120,000-125,000 and urbanization rate will be about 34% by 2010, which will respectively rise to around 156,000-160,000 and over 70% by 2020, respectively. The total social labor force will be 69,000 people (accounting for about 57% of the population) by 2010, which will rise to around 94,000 (about 60% of the population) by 2020. The labor demand for the development of Nam Phu Yen economic zone will be around 64,000 by 2010 and some 87,500 by 2020, of which about 32,000 for the agricultural-forestry-fishery sector, about 18,000 for the industry-construction sector and around 14,100 for the service sector, by 2010, which will respectively be 17,500,33,200 and 36,700 by 2020. Such labor demand is satisfied thanks to the attraction of laborers who come from neighboring areas to work in the economic zone and thanks to the labor restructuring in the direction of gradually transferring the agricultural labor force to industries and services. It is estimated that the agricultural-forestry-fishery labor will sharply reduce from current 81% to 50% by 2010 and 20% by 2020, and the non-agricultural labor force will grow fast, accounting for around 50% of the total labor force of the economic zone by 2010 and 80% by 2020 (of which the industrial-construction labor represents 38% and the service labor, 42%).

b/ Education and training: To develop qualified human resources, meeting the development requirements of branches and domains in Nam Phu Yen economic zone, with the following principal contents:

- Stepping up the socialization of education and training; building school physical-technical foundations. To strive for the target that 100% of schools in the economic zone will reach national standards before 2020. To additionally establish a number of general education schools of different levels in the new urban center, industrial parks, service zone, etc., in order to satisfy the schooling demands of youngsters in the school age groups. To strive to complete the universalization of secondary education by 2012;

- Consolidating and upgrading the existing colleges and universities towards multi-level and multi-branch training suitable to the increasing personnel demand of the economic zone. To cooperate in expanding the vocational training for rural agricultural labor force. To strive for the target that trained laborers will reach over 40% by 2010 and over 80% by 2020;

- Attaching importance to the training of professionals and entrepreneurs in industry, services, tourism, etc.; adopting preferential policies to attract domestic and foreign specialists and skilled laborers to work in the economic zone.

c/ Healthcare: To further materialize the Political Bureaus Resolution 46-NQ/TW, on the protection of, care for, and improvement of, peoples health in the new situation; to consolidate grassroots medical networks in service of primary healthcare for people in communities; to restructure medical examination and treatment networks, increase investment in and well manage human resources, to supply more equipment and facilities for the technical healthcare sector; to improve material foundations for existing medical examination and treatment establishments: to actively realize the preventive medicine, developing movements for disease prevention and hygiene and environmental protection; to materialize national health programs and prevent and fight dangerous epidemics in order to lower the rate of diseased people in communities; to well carry out the population-family planning work and national health programs.

To invest in upgrading Hoa Hiep Trung hospital and existing medical establishments in the economic zone. To develop new medical establishments with modern and high-quality equipment, meeting the medical examination and treatment needs of people, cadres and employees of the economic zone, including foreign sailors, specialists and tourists, in various forms of investment in the direction of socialization.

d/ Culture, information, physical training and sports: To well develop the grassroots cultural life, selectively accepting the quintessence of modern culture while preserving the cultural identities of Vietnam in general and Phu Yen in particular, contributing to building a modern culture imbued with national identities. To expand and qualitatively improve the system of mass media. To step up cultural activities in the direction of building up the cultured life and urban civilization, which demonstrate the distinctive features of the traditional culture while keeping pace with mankinds civilization and progress. To harmoniously combine various cultural forms such as film projection, art performance and reading, with a view to raising peoples intellectual level regarding urban civilization and cultural enjoyment. In the near future, to focus on the following contents:

- Building some cultural centers in populated quarters, upgrading information-public address networks in communes: perfecting the system of communal post-cultural houses:

- Building radio and television relay stations with modern equipment to cover the whole economic zone.

e/ Environmental protection and sustainable development assurance:

- Wastewater treatment: Wastewater in each functional zone (including daily-life wastewater and industrial wastewater) must be locally treated up to Vietnam environment standards before being discharged into the common water drainage system or being used for other purposes such as tree watering, road sweeping, fire fighting, industrial machine cooling, etc. Daily-life wastewater of new urban centers, tourist resorts, service establishments, etc., will be locally treated, flowing through the systems of main sewage built along streets to different areas then being pumped to common treatment stations before being discharged into the environment.

It is expected to arrange 4-5 separate treatment stations with a capacity of 10,000- 15,000 m3/ day each (with two phases, and around 2,000-5,000 m3/day in die first phase). In the non-tariff area, a system of sewage will be built to conduit wastewater to treatment stations before being discharged into the environment.

For industrial wastewater, a collection system and separate treatment stations will be built to treat wastewater up to permitted standards for reuse or for flow into common drainage sewage before being discharged into the environment. To prioritize investment in the construction of an advanced treatment system with modern technology for cyclical use to save water. Particularly, hazardous wastewater must be locally treated at every factory by appropriate methods up to set standards then conducted to wastewater treatment stations in industrial parks before being discharged into common drainage sewage.

- Solid waste treatment: Based on urban waste criteria, the daily-life waste volume of Nam Phu Yen economic zone is expected to reach about 60-70 tons/day by 2010 and around 179-200 tons/ day by 2020; and the industrial waste, around 160-200 tons/day by 2010 and 400-500 tons/day by 2020. In order to meet urban environment sanitation requirements, waste should be sorted out right at every unit in each functional quater and each family. To complete the construction of a common garbage treatment area for Nam Phu Yen economic zone and Tuy Hoa city on a planned area of about 30 ha, where advanced technologies will be applied for garbage treatment up to environmental standards.

- Treatment of dust, exhaust and noise: All factories and plants in the economic zone must be equipped with facilities for treatment of smoke, dust and noise not to beyond permitted limits and up to Vietnam standards. Investment projects in the economic zone must be enclosed with reports on environmental impacts before being executed. In addition, trees must be planted to protect and improve the surrounding environment.

5. Infrastructure development orientations

a/ Investment in port complex of Nam Phu Yen economic zone

- Upgrading Vung Ro port: Under the Prime Ministers Decision No. 202/1999/QD-TTg of October 12, 1999, approving the master plan on development of the system of Vietnams seaports till 2010, Decision No. 113/2005/QD-TTg of May 20, 2005, on the Governments action program for materialization of the Political Bureaus Resolution No. 39-NQ/TW and the orientations for communications and transport development till 2010 with a vision toward 2020, from now till 2010, Vung Ro port will see continued exploitation and comprehensive investment in items of shipping port construction at Bai Lach, phase 2. At the same time, a general shipping port of Vung Ro will be built in Bai Chinh for accommodation of ships of over 30,000 tons and oil tankers of 150,000 DWT, raising the cargo handling capacity of Vung Ro port to around 1 million tons/year by 2010; and after 2010, Vung Ro port will be upgraded with a capacity of around 4-5 million tons/year.

-.Investing in the construction of Bai Goc port into a big one, which can accommodate ships of over 250,000 DWT (under a project on infrastructure of Hoa Tam petro-chemical industrial park and Naphtha Cracking Phu Yen petro-chemical complex).

b/ Upgrading Tuy Hoa airport

At present, Tuy Hoa airfield (formerly Dong Tac airfield) is being exploited for two-way Tuy Hoa-Ho Chi Minh city route with three flights per week on ATR72 airplane. The Vietnam National Administration of Tourism and the Ministry of Transport plan to put Tuy Hoa airfield into service of tourism not only of Phu Yen but also of northern Khanh Hoa. In order to facilitate tourist development and execution of large-scale projects such as Vung Ro oil refinery, petro-chemical industrial park and Naphtha Cracking petro-chemical complex, etc., the Ministry of Transport is assigned to coordinate with Phu Yen provinces Peoples Committee in studying the upgrading of Tuy Hoa airport to meet regional development demands.

c/ Developing road and railway transport systems

- Outbound transport: Upgrading and building important roads and railways linking the economic zone to other areas, such as:

+ Upgrading and expanding the national highway 1A section running through Nam Phu Yen economic zone into 6 lanes;

+ Upgrading provincial road 645 into a national highway, which will serve as an artery linking Nam Phu Yen economic zone with Dac Lac of the Central Highlands, leading to Dak Rie border gate with Cambodia;

+ Upgrading national highway 25 (linking Tuy Hoa city with Gia Lai, linking to Ho Chi Minh road-national highway 14), ensuring smooth traffic from Phu Yen to the Central Highlands in the direction from Gia Lai to Bo Y border gate (Kom Tum);

+ Investing in the completion of road axis to the west of the province, linking with the Central Highland provinces and the coastal road axis linking Phu Yen with Khanh Hoa and Binh Dinh;

+ Formulating a project on Deo Ca road tunnel;

+ Upgrading Tuy Hoa railway station on the North-South railway into grade 2- station. To form Phu Hiep cargo station (mainly in service of Nam Phu Yen economic zone);

+ Building Tuy Hoa - Buon Ma Thuot railway, starting from Phu Hiep station and ending at Buon Ma Thuot and running along provincial road 645, and Ba river valley;

+ Investing in upgrading Tuy Hoa airport to meet regional development demands (in service of Nam Phu Yen economic zone, Van Phong economic zone and tourist development) with such capital sources as FDI, BOT, etc.

- Intra-economic zone transport: Investing in comprehensive construction and gradual modernization of important trunk roads in Nam Phu Yen economic zone according to the approved planning.

+ From now to 2010, to complete the construction of main roads in the economic zone. After 2010, to upgrade and complete branch roads in the new urban center and systems of internal roads in the non- tariff area, industrial parks, tourist resorts, etc.

+ Attaching importance to rural transport. By 2010, to basically complete the upgrading of existing communal and inter-communal roads into grade-4 delta roads;

+ Other traffic works: From now till 2010, to build a passenger car terminal sized about 1.5-2 ha; after 2010, to build another one according to the development rate of the economic zone, meeting peoples travel needs.

d/ Development of water supply and drainage systems:

- Water supply: In order to meet water needs for the development of the economic zone till 2020, to study the construction of a new water plant of an output of 400,000- 450,000 m3/day, which supplies water for the whole economic zone.

- Rainwater drainage: For the new urban center, industrial parks and tourist resorts: The drainage of rainwater is associated to the planning on the economic zones foundation elevation and the systems of enclosed self-running water drainage sewage and ditches. For old residential quarters: Suitable water drainage systems will be transformed, embellished or newly built for self-running into common water drainage systems. All the above water drainage systems must ensure effective water drainage for, environmental protection and all activities of, the economic zone.

e/ Development of power supply systems

For the near future, the sources of power supply for the area come from the national grids, from Quy Nhon - Tuy Hoa and Nha Trang - Tuy Hoa 110 KV transmission lines via the 110/35/0KV intermediate station of an output of 2x25 MVA.

In the future, when the Ba Ha and Eakrong Hnang river hydro-power plants, the Quy Nhon -Tuy Hoa and Nha Trang - Tuy Hoa 220 KV transmission lines and the 220/110 KV-125 MVA transformer station are completely built, the power sources for Nam Phu Yen economic zone will fully satisfy the demands. It is planned to build 5-7 110 KV stations in urban population quarters (with an output of 2 x 40 MVA); at industrial parks, warehouses, Vung Ro seaport, shipyard, tourist resorts, etc. (with an output of 2 x 63 MVA); 110 grid from 220 KV station with 110 KV sections of dual circuit leading to 110 KV stations; 22 KV grid of underground cable (for the new urban center) or insulated surface cable in case of funding difficulty; 22 KV grid with enclosed loop circuit. For rural areas, to upgrade the medium-and low-voltage grids of communes; raising the quality of power supply in service of production and daily-life activities of people.

f/ Building the East-West oil pipeline, linking Phu Yen with the Central Highlands provinces and the border triangle of southern Laos, northern Cambodia and northeastern Thailand.

V. ORIENTATIONS FOR LAND USE AND TERRITORIAL ORGANIZATION

1. Land use orientations

The land use orientations for Nam Phu Yen economic zone till 2020 are as follows:

Unit of calculation: ha

Norm

Area

Percentage

Total natural area

20,730

100

I. Non-tariff area land

320

1.5

I. Free port area land

70

0.34

2. Commercial and service area land

80

0.39

3. Industrial park and export processing zone land

70

0.34

4. Bonded warehouse land

100

0.48

II. Tariff area land

20,410

98.5

1. Construction and urban land

7,750

37.4

a/ Non-civil use land

4,800

23.2

- Tariff port land

300

1.4

- Industrial land

2,700

13.0

- Industrial warehouse, yard land

800

3.9

- Industrial development reserve land

1,000

4.8

b/ Civil construction land

2,950

14.2

- Public-facility land

70

0.3

- Urban center land

1,500

7.2

- Urbanized village land

700

3.4

- Resettlement land

300

1.4

- Specialists residential land

30

0.1

- Training institutions land

50

0.2

- Isolated greenery and ecological park land

300

1.4

2. Tourist resorts land

800

3.9

3. Other land

11,860

57.2

- Outbound transport and major infrastructure land

250

1.2

- Agricultural and aquacultural land

2,200

10.6

- Forest, mountain and hill land, unused land, other land

9,410

45.4

2. Orientations for formation of functional sub-zones

a/ The central urban area: The central urban area functions as an administrative, management and executive center, a commercial-service-tourist center of the economic zone. Its population is estimated at 41,000 by 2010 and around 110,000 by 2020. Its specific size and location will be identified in the general construction planning of Nam Phu Yen economic zone. The central urban area will be studied for construction as a modern urban center with comprehensive economic and social infrastructure systems, green and clean environment, comprising the following principal functional sub-zones: the administrative area, the commercial-service area, the representative office area, specialized areas, public facilities, residential quarters, the convalescence area, etc.

In the 2008-2010 period, about 500-700 ha of construction land will be used for construction of resettlement area, specialists residential quarter, public commercial and service facilities, social infrastructures, apartment buildings, villas, garden houses, etc.

b/ The non-tariff area covers about 320 ha, linking with Vung Ro port area in Nam Phu Yen economic zone. It is an important breakthrough area decisive to the economic zones development and investment attraction. It is separated from the tariff area in the economic zone and inland Vietnam by a system of fence walls, with entrance and exit gates, ensuring the control by relevant functional bodies. In the non-tariff area, there is a customs office for supervision and inspection of, and carrying out procedures for, goods in and out; there are no residential quarters, no permanent or temporary residents (including foreigners). Its major activities cover production (processing, recycling, assembly of export and import goods for local consumption) and commercial trading (for commodities: export, import border-gate transfer, temporary import for re-export, distribution, retail shops and supermarkets, duty-free shops and supermarkets; for services: sorting, packing, transportation and deliver) of transit goods, preservation, storage, bonded warehouses, post and telecommunications, finance, banking, transport, insurance, entertainment and recreation, restaurants: for trade promotion: trade fair and exhibition, show rooms, branches and representative offices of domestic and foreign enterprises, financial-banking services and other commercial activities).

Due to particular topographical conditions of Nam Phu Yen economic zone, the non-tariff area cannot be arranged close to Vung Ro port like other economic zone; the location of the non-tariff area is preliminarily selected to be 14 km from Vung Ro port, with roads for convenient traffic to the inland, with favorable conditions for construction of fence walls separated from the outside. The entire non-tariff area of Nam Phu Yen economic zone comprises three principal quarters:

- The trade and service center, which covers about 80 ha, comprising the management and executive section, conference, trade fair and exhibition areas, representative offices, transaction offices for investment and trade promotion, showrooms, systems of retail supermarkets, duty-free supermarkets, post offices, banks, hotels and restaurants, high-grade entertainment and recreation facilities. This is also a place for keeping export and import goods, transiting goods via seaport, goods packing, package and goods production.

- The export processing zone, which covers about 70 ha, reserved for enterprises producing export goods and manufacturing goods for on-spot consumption.

-The bonded warehouse area, which covers about 100 ha, comprising the system of bonded warehouses, with services on preservation and delivery of export and import goods, transit of goods via port, goods packing, etc.

Particularly, the forward port, to be located at Vung Ro port, covers about 70 ha, comprising the port logistics area with container yards, roofed port warehouses, port administration and management service center.

c/ The tariff area, which covers the remainder of Nam Phu Yen economic zone, comprising the following principal sub-zones: the tariff port area, industrial parks, tourist resorts, urban centers, administrative area and population quarters.

-.The tariff port area, which is expected to cover some 300 ha. It comprises the general port of Vung Ro with systems of wharves, storing yards, warehouses, port service facilities, port-related transport supply (port logistics).

-.Industrial parks: In Nam Phu Yen economic zone, a number of industrial parks will be developed with a total land area of about 2,700 ha. About 5-6 industrial parks (including existing ones) are expected to take shape with the following functions and key works:

+ Oil-refining, petro-chemical and chemical quarter: To build Hoa Tam petro-chemical industrial park on an area of 1,300 ha; Vung Ro oil refinery (100% foreign capital) with a designed capacity of 4 million tons/year;

+ Mechanical engineering park with the shipyard as core (which is capable of building ships of 10,000 DWT and repairing ships of 20,000 tons), building fishing ships, special-use ships, manufacture of containers, etc. Factories will be built in this park for assembly of machine tools, production and assembly of automobiles, motor vehicles; manufacture, repair and assembly of heavy transport means, lifting equipment, precision tools, assembly of digital equipment, production of construction machines and equipment for cement plants, equipment in service of agricultural, forest and fishery product processing, explosive equipment;

+ Building materials industrial park: To produce high-grade building materials:

+ Consumer goods industrial park: Textile and garment, leather and shoe, electronic, electro-refrigerating equipment, electrical equipment, high-quality electrical article, cable, high-pressure mercury bulb factories will be built in this park:

+ Multi-function industrial park: An export aquatic product processing plant (with a capacity of 3,000 - 3,500 tons/year), canneries, soft-drink, animal feeds, chemical factories with be built.

In addition to the above-listed factories, production or processing plants in the domains of biotechnology or new building materials; enterprises producing, processing or assembling office equipment, producing, processing, creating product and package models; producing or processing high-quality articles (gold, silver, germ, cosmetics, etc.); producing liquor; processing flooring and walling ashlars, asphalt concrete, high-grade building materials and pre-fabricated concrete products, tunnel bricks, high-grade plastic products; cleansing substances, assorted glass, glass processing; processing export fruits, canned food; printing goods labels; papers and paper products; household appliances, sport gears, stationery, will be minglingly-built in industrial parks.

-.Tourist resorts: It is planned to build in Nam Phu Yen economic zone 2-3 modern coastal tourist resorts on a total land area of about 800 ha. Each tourist resort will comprise such principal areas as shopping area, beach area, green park area, ashore sport and entertainment area, water sport and entertainment area and other service facilities. To develop such tourist products as sea bathing, ashore and sea sports, sea creature survey and research; visits to islands on leisure ships, eco-tourism; mountain climbing, camping; cultural tourism, visiting historical-and revolutionary relics, festivals, fishermen villages: official-duty, conference, trade fair, exhibition tourism.

-.Residential quarters: It is forecast that by 2020, Nam Phu Yen economic zones population will reach 150,000-160,000, including 100,000-110,000 urban dwellers (including inhabitants and laborers in industrial parks, service areas and tourist resorts) and about 45,000- 50,000 rural inhabitants. In order to meet the economic zones development requirements, local population should be appropriately re-distributed according to a scheme.

For urban population: Apart from the residential quarter in the central area (including high-rises and low-rises), some new residential quarters will take shape with a total land area of about 400-500 ha by 2010 and 1,500 ha by 2020, ensuring the living conditions for inhabitants in the new urban center and resettlers of industrial parks to be built in the future.

For rural population: Primarily to improve, embellish and re-arrange existing residential quarters to suit the planning and, at the same time, create favorable conditions for investment in the construction of social infrastructure, aiming to improve peoples living conditions. To restrict the relocation of people who have settled down for long now. For residential quarters lying within areas planned for industrial or port development, which must be relocated, there must be specific planning and reasonable schedule. For residential quarters lying within areas planned for construction of new urban centers (areas of urbanized villages), they will be incrementally improved and embellished to suit general landscapes. The remaining residential quarters will be kept intact in size and construction density.

- Greenery and park systems: To conserve intact the natural views: hills, water surface, rivers and canals, swamps (only leveled and filled up locally); to preserve the marine eco-system; to add trees of different kinds suitable to urban centers and tourism; to preserve and embellish historical relics; to exploit beaches, hills, river banks, canals in order to create greenery areas and attractive landscapes for tourist space and to sustainably protect the ecological environment. The greenery and park systems of Nam Phu Yen economic zone include:

+ The urban greenery and park system, which covers some 300 ha (including the central park in the new urban center and small-sized flower gardens in tourist resorts, new population quarters; green trees along streets and in public offices, industrial parks, etc.);

+ The protection forest system: To protect forests and develop forestation on the entire hilly and mountainous areas, ensuring the protection functions and combination with tourist development;

+ Scattered trees: On a total area of some 150-200 ha with greenery stretches along the coast, rivers, national highways, provincial roads, expressways, railways, surrounding the industrial parks.

VI. STAGES OF DEVELOPMENT OF NAM PHU YEN ECONOMIC ZONE AND INVESTMENT CAPITAL SOURCES

1. Development stages

a/ The 2008-2010 stage

This is a stage of preparations, creating conditions for fast development of the economic zone in subsequent stages. Therefore, in this stage, it is necessary to formulate legal grounds and preferential mechanisms and policies for Nam Phu Yen economic zone; to initially build the basic infrastructure of the economic zone; to form functional quarters; to strongly promote the attraction of domestic and foreign investment projects. Specific tasks to be performed after a Scheme on building of Nam Phu Yen economic zone is approved by the Prime Minister will be:

-.Formulating the Operation Regulation and setting up the management apparatus of the economic zone; formulating the process to call for investment; building the one-stop shop mechanism at Nam Phu Yen economic zone; making the list of projects calling for investment and attracting investment in branches and domains; conducting investment promotion at home and abroad, etc.

-.Elaborating the general planning on construction of Nam Phu Yen economic zone and detailed planning on functional sub-zones, of a 1/2,000 scale;

-.Building important infrastructure such as main traffic axes, seaports, water supply works, infrastructure of industrial parks, tourist resorts, service areas. To encourage enterprises to invest in infrastructure development in order to raise investment capital for dealing in infrastructure of industrial parks;

- -.Completing the compensations and ground clearance, land recovery and resettlement in the economic zone as planned. For unused land areas, measures should be taken to strictly manage them and handle cases of violation;

- Giving the final touch to the non-tariff area: To focus on formulation of mechanisms and policies for investment in infrastructure of the non-tariff area in order to call for foreign direct investment. Investors selected for investment in the construction of this area shall formulate detailed planning up to international standards and operation orientations of investors and lying within the framework permitted by the Government.

b/ The 2011-2020 stage:

-.Continuing with the construction and investment in comprehensive development and modernization of infrastructure systems of Nam Phu Yen economic zone;

-.Continuing with the complete construction of functional sub-zones under the approved general construction planning and detailed planning of Nam Phu Yen economic zone;

-.Realizing the detailed planning on industrial parks, tourist resorts, entertainment and recreation areas, non-tariff area and other economic works;

-.Completing the development of the economic zone as planned. Completing seaports, industrial parks, tourist resorts, trade and international transaction centers and other high-grade service and public facilities, etc.

2. Investment capital sources:

The capital for development of Nam Phu Yen economic zone is supplied from the following sources: The state budget capital supports for construction of important infrastructure works, supply of equipment for the operation of Nam Phu Yen economic zone; foreign investment capital (ODA, FDI); capital raised through land use right auction; credit capital, capital of domestic enterprises and people.

The total investment capital demand for the formation and development of Nam Phu Yen economic zone is extremely great as compared with the provinces resources and the central governments supports. Therefore, to satisfy the above-said investment capital demand, the province should work out measures to actively mobilize capital, primarily the internal resources, to mobilize to the utmost capital from land funds, attaching importance to attraction of capital from non-state economic sectors, socialization of investment in the domains of healthcare, education, culture and sports, etc.

VII. LIST OF PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENTSTUDY

(See the enclosed Appendix)

Article 2. To assign Phu Yen provinces Peoples Committee, based on the objectives, tasks and orientations for socio-economic development of Nam Phu Yen economic zone stated in the Planning after it is approved, to coordinate with concerned ministries and branches in directing the elaboration, submission for approval and materialization according to regulations of the following contents:

-.The scheme on establishment of the Nam Phu Yen Economic Zone Management Board, with its functions, tasks, powers and organizational structure, for submission to the Prime Minister for consideration and decision;

-.The adjustments and supplements to the master plan on socio-economic development, the land use planning and plan of Phu Yen province to suit the development objectives of Nam Phu Yen economic zone;

-.The general construction planning, the detailed construction planning on functional sub-zones of Nam Phu Yen economic zone;

-.The approval of lists of investment development projects and annual plans on capital construction investment in Nam Phu Yen economic zone;

-.Direction and creation of conditions for the Nam Phu Yen Economic Zone Management Board to operate and perform its assigned functions, tasks and powers;

- Direction of Peoples Committees of concerned districts to well carry out ground clearance; direction of the provinces functional bodies to coordinate with the Nam Phu Yen Economic Zone Management Board in settling matters related to development investment, management and operation of Nam Phu Yen economic zone;

- Measures and schemes for concrete, rational and feasible capital mobilization in order to attract investment capital, reduce the rate of investment capital raising from the state budget (central budget and local budgets) suitable to capital supply capability; proper mechanisms and policies for mobilization of resources in order to ensure the feasibility of the Planning. To attach importance to, and adopt solutions to investment in, and exploitation from, land funds for revenues and re-investment in service of socio-economic development of the economic zone. Immediately in the 2008-2010 stage, to formulate specific and attractive policies for investment capital mobilization and attraction, for every investment project and domain, primarily the policies for mobilization of resources from the exploitation of land funds, attraction of investment capital from all economic sectors, enterprises, investors inside and outside the locality, foreign investors;

- The study on the promulgation or submission to competent state bodies for promulgation (for matters falling beyond its competence) of specific mechanisms and policies in order to mobilize and efficiently use resources, encourage and attract investment for the fulfillment of objectives, tasks and orientations of socio-economic development of Nam Phu Yen economic zone.

Article 3. To assign concerned ministries and branches to perform the state management of Nam Phu Yen economic zone; to coordinate with and support Phu Yen provinces Peoples Committee and the Nam Phu Yen Economic Zone Management Board in elaborating, adjusting and supplementing the above-mentioned regulations, schemes and plannings, and in studying the formulation, submission to competent state bodies for promulgation, specific mechanisms and policies applicable in Nam Phu Yen economic zone; to step up the investment in, and realization of works and projects of regional scale and nature, important to the development of Nam Phu Yen economic zone, for which the investment has been decided: to study adjustments and supplements to plannings on branch development, plans on investment in relevant works and projects to be invested in Nam Phu Yen economic zone.

Article 4. This Decision takes effect 15 days after its publication in CONG BAO.

Article 5. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, and the president of Phu Yen provinces Peoples Committee shall implement this Decision.

 

 

THE PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

APPENDIX

LIST OF PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY
(Attached to the Prime Ministers Decision No. 53/2008/QD-TTg of April 28, 2008)

Ordinal number

Programs and projects

Location

A

ON PLANNING WORK

 

1

The general planning on construction of Nam Phu Yen economic zone

Dong Hoa district

2

Detailed planning on construction of functional quarters in Nam Phu Yen economic zone

Dong Hoa district

3

Detailed planning on aquaculture-cum- tourist development areas downstream Ban Thach river

Hoa Tam

4

Planning on embellishment of existing residential quarters and detailed planning on resettlement quarter in Phu Lac village

 

B

PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY

 

I

AGRICULTURAL, FORESTRY, FISHERY PROJECTS

 

1

Project on infrastructures of clean vegetables- producing areas with the application of high technologies

Phu Lam

2

Project on planting wind- and sand-shielding forests

Along coast

3

Projects on planting and tending forests at Deo Ca

Hoa Xuan Nam

4

Project on aquaculture-cum eco-tourist development area downstream Ban Thach river

Hoa Tam

5

Project on ground leveling and embankment of northern downstream bank of Ban Thach river

Dong Hoa district

6

Project on ground leveling and embankment of southern downstream bank of Ban Thach harbor

Dong Hoa district

7

Project on Phu Lac fish harbor

Hiep Nam district

8

Project on embankment of horizontal coastal sand-banks

Dong Hoa district

II

INDUSTRIAL PROJECTS

 

1

Vung Ro oil refinery

Hoa Tam

2

Project on Naphtha petro-chemical complex

Hoa Tam

3

Project on export aquatic product-processing plant

Hoa Hiep 1 industrial park

4

Project on pre-engineered steel frame production factory

Hoa Hiep 1 industrial park

5

Export rattan processing plant

Hoa Hiep 2 industrial park

6

General petroleum depot and oil pipeline to the Central Highlands

Dong Hoa district

7

Electronic and mechano-electrical article production plant

Hoa Hiep 1 industrial park

III

TOURISM AND SERVICE PROJECTS

 

1

Project on Deo Ca-Vung Ro tourist resort

Hoa Xuan Nam

2

Project on a trade center south of Tuy Hoa city

Phu Lam

3

Project on Phu Yen fishery logistic service center

Phu Lam

IV

TECHNICAL INFRASTRUCTURE PROJECTS

 

 

Urban and population quarter infrastructures

 

1

Investment project on infrastructure of the central area of Hoa Vinh township, Dong Hoa district

Dong Hoa district

2

Investment project on infrastructure of Hoa Hiep Trung township (the planned separation of Hoa Hiep Trung commune)

Hoa Hiep Trung

3

Project on urban infrastructure south of Tuy Hoa city - Phu Lam

Dong Hoa district

4

Investment project on infrastructure of Phu Lac residential quarter (north of Da Nong river)

Hoa Hiep Nam

5

Project on improvement and upgrading of infrastructure of residential quarters in Nam Phu Yen economic zone

Dong Hoa district

6

Project on technical infrastructure of the new central administrative quarter of Hoa Tam commune, Dong Hoa district

Hoa Tam

7

Project on technical infrastructure of residential quarters in service of Hoa Hiep industrial park, Hoa Hiep Trung commune

Hoa Hiep Trung

8

Project on ground leveling of area west of Hoa Hiep Bac commune - National Highway 1A

Hoa Hiep Bac

 

Transport infrastructure

 

1

Project on improvement and upgrading of Ba Ban-Hoa Hiep Trung route

Dong Hoa district

2

Investment project on upgrading and construction of Go Mam-Dong My route-Hoa Hiep 1 industrial park (including railroad underbridge)

Dong Hoa district

3

Urban infrastructure route south of Tuy Hoa city - Hoa Hiep 1 industrial park - Vung Ro

Dong Hoa district

4

Project on upgrading and construction of Phu Khe - Phuoc Tan road

Dong Hoa district

5

Project on upgrading of Tuy Hoa airfield

Phu Lam

6

Project on Vung Ro port

Hoa Xuan Nam

7

Project on Bai Goc port

Hoa Tam

8

Project on railroad underbridge and guide to Hoa Tam petro-chemical industrial park

Hoa Tam

9

Project on Bai Cua-Highway 1A road

Hoa Xuan Nam

10

Project on ground leveling and embankment of southern bank of Da Rang river

Phu Lam

11

Project on Phuoc Giang bridge

Dong Hoa district

12

Project on railroad connecting Bai Goc port to North-South railway

Dong Hoa district

13

Project on Phu Hiep railway station

Hoa Hiep Trung

14

Project on Deo Ca road tunnel

Dong Hoa district

15

Project on Uot Lam-National Highway 1A road

Dong Hoa district

16

Investment project on construction of rural road systems

Dong Hoa district

V

PROJECTS ON INDUSTRIAL PARK TECHNICAL INFRASTRUCTURES

 

1

Project on technical infrastructure of Hoa Tam petro-chemical industrial park

Hoa Tam

2

Project on technical infrastructure of Hoa Hiep 1 and 2 industrial parks, Dong Hoa district

Hoa Hiep Trung

VI

WATER SUPPLY AND DRAINAGE PROJECTS

 

1

Project on daily-life water supply in the economic zone

Dong Hoa district

2

Project on water supply systems and water plants in service of oil refinery and petro-chemical industrial parks

Hoa Tam

3

Project on water supply systems and wastewater treatment plants in Nam Phu Yen economic zone

Dong Hoa district

VII

POWER SUPPLY PROJECTS

 

1

Projects on power grids and transformer stations in Nam Phu Yen economic zone

The entire zone

2

Project on electricity generation complex, petro-chemical industrial park

Hoa Tam

VIII

INFORMATION AND COMMUNICATION PROJECTS

 

1

Project on earth digital television

The entire region

2

Project on construction of optic cable system

The entire region

IX

WASTE TREATMENT PROJECTS

 

1

Project on wastewater treatment plant, Hoa Tam petrochemical industrial park

Hoa Tam

2

Project on industrial and urban waste treatment plants

Population quarters and industrial parks

X

CULTURAL, SOCIAL, PHYSICAL TRAINING AND SPORT PROJECTS

 

1

Project on physical training and sport complex in service of Nam Phu Yen economic zone

Dong Hoa district

2

Project on Vung Ro numberless ship monument

Hoa Xuan Nam

3

Project on formulation of commune/ward-level cultural institutions

The entire region

4

Project on construction of commune/ward- level cultural and sport centers

The entire region

XI

MEDICAL PROJECTS

 

1

Project on upgrading of health centers

The entire region

2

Investment project on equipment upgrading and expansion of Viet-Han hospital

Hoa Hiep Trung

XII

PROJECTS ON EDUCATION AND TRAINING

 

1

Project on Branch 2 of Phu Yen university in the urban center south of Tuy Hoa city

Phu Lam

2

Project on upgrading of primary, lower secondary and upper secondary schools

The entire region

* Note: Locations, sizes, land areas, total investment and investment capital sources of the above-listed projects will be calculated, selected and specified in the stage of formulating and submitting for approval the investment projects, depending on the demands and capability to balance and mobilize resources in each period.

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decision 53/2008/QD-TTg DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 2412/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề, Chính sách, Thi đua-Khen thưởng-Kỷ luật

văn bản mới nhất