Bộ luật Tố tụng hình sự 1998 số 7-LCT/HĐNN8

thuộc tính Bộ luật Tố tụng hình sự 1998

Bộ luật Tố tụng hình sự
Cơ quan ban hành: Quốc hội
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:7-LCT/HĐNN8
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Luật
Người ký:Võ Chí Công
Ngày ban hành:28/06/1988
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực:

TÓM TẮT VĂN BẢN

Xem Bộ luật Tố tụng hình sự mới nhất đang áp dụng
Xem Bộ luật Hình sự mới nhất đang áp dụng

Xem chi tiết Luật7-LCT/HĐNN8 tại đây

tải Luật 7-LCT/HĐNN8

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ LUẬT

TỐ TỤNG HÌNH SỰ

CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Thấu suốt tư tưởng "lấy dân làm gốc", Bộ luật đáp ứng yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý kiên quyết và triệt để mọi hành vi phạm tội.

Kế thừa và phát triển pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay, với tinh thần đổi mới trên mọi mặt của đời sống xã hội, Bộ luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, đề cao vai trò của các tổ chức xã hội và công dân trong việc tham gia tố tụng, kết hợp sức mạnh của pháp chế xã hội chủ nghĩa với sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Việc thi hành nghiêm chỉnh Bộ luật tố tụng hình sự là nhiệm vụ chung của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và của toàn thể nhân dân.

 

PHẦN THỨ NHẤT. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

 

Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Bộ luật góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giáo dục công dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.

 

Điều 2. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự.

Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Điều 3. Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

Khi tiến hành tố tụng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời huỷ bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa.

 

Điều 4. Bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.

Tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

 

Điều 5. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân.

Không ai có thể bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát. Việc bắt và giam giữ người phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

 

Điều 6. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.

 

Điều 7. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.

Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.

 

Điều 8. Việc tham gia tố tụng hình sự của các tổ chức xã hội và công dân.

Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội nông dân, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ, các tổ chức xã hội khác và công dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật này, góp phần đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức xã hội và công dân tham gia tố tụng hình sự.

Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, nếu Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng thì có quyền kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Bộ luật này. Các cơ quan đó phải xem xét, giải quyết và trả lời cho các tổ chức xã hội đã kiến nghị biết.

 

Điều 9. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan khác của Nhà nước.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan Nhà nước phối hợp với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án trong việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.

Các cơ quan Nhà nước phải thông báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát biết mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình, thực hiện yêu cầu của các cơ quan hoặc người tiến hành tố tụng.

 

Điều 10. Không ai có thể bị coi là có tội, nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của Toà án.

Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt, khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

 

Điều 11. Xác định sự thật của vụ án.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

 

Điều 12. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ.

 

Điều 13. Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự.

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án, trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.

 

Điều 14. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc tham gia tố tụng hình sự.

Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, điều tra viên, thư ký phiên toà, người phiên dịch, người giám định không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Điều 15. Phát hiện và khắc phục nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toá án có nhiệm vụ tìm ra những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả lời về việc thực hiện yêu cầu của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

 

Điều 16. Thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm nhân dân tham gia.

Việc xét xử ở Toà án có hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Bộ luật này. Khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.

 

Điều 17. Thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

 

Điều 18. Toà án xét xử tập thể.

Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

 

Điều 19. Xét xử công khai.

Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự.

Trong trường hợp đặc biệt, cần giữ gìn bí mật Nhà nước hoặc giữ gìn đạo đức xã hội thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.

 

Điều 20. Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án.

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đưa ra yêu cầu và tranh luận trước Toà án.

 

Điều 21. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự.

Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tiến hành và người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trong trường hợp này phải có phiên dịch.

 

Điều 22. Giám đốc việc xét xử.

Toà án cấp trên giám đốc việc xét xử của Toà án cấp dưới, Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp để bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất.

 

Điều 23. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự.

Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Trong các giai đoạn của tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có trách nhiệm áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào.

Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, kiểm sát viên chỉ tuân theo pháp luật, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

Điều 24. Bảo đảm quyền khiếu nại và tố cáo của công dân đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Công dân có quyền khiếu nại và tố cáo những việc làm trái pháp luật của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án hoặc của bất kỳ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và giải quyết nhanh chóng các khiếu nại và tố cáo, thông báo bằng văn bản kết quả cho người khiếu nại và tố cáo biết và có biện pháp khắc phục.

Cơ quan đã làm oan phải khôi phục danh dự, quyền lợi và bồi thường cho người bị thiệt hại. Cá nhân có hành vi trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 25. Bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án.

Bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân và tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án và quyết định của Toà án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

 

Điều 26. Hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự được áp dụng đối với hoạt động tố tụng do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam mà là công dân của nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hoạt động tố tụng được tiến hành theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các đặc quyền ngoại giao hoặc quyền ưu đãi, miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các hiệp định quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hay công nhận hoặc theo tục lệ quốc tế, thì vụ án được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

 

CHƯƠNG II. CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG, NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG VÀ VIỆC THAY ĐỔI NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

 

Điều 27. Cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

1- Các cơ quan tiến hành tố tụng gồm có:

a) Cơ quan điều tra;

b) Viện kiểm sát;

c) Toà án.

2- Những người tiến hành tố tụng gồm có:

a) Điều tra viên;

b) Kiểm sát viên;

c) Thẩm phán;

d) Hội thẩm nhân dân;

đ) Thư ký phiên toà.

 

Điều 28. Những trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng.

Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

1- Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo;

2- Họ đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong vụ án đó;

3- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

 

Điều 29. Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.

Những người sau đây có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng:

1- Kiểm sát viên;

2- Bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ;

3- Người bào chữa.

 

 

Điều 30. Thay đổi thẩm pháp hoặc Hội thẩm nhân dân.

1- Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 28 Bộ luật này;

b) Họ cùng trong một hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký phiên toà.

Thành viên Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã tham gia xét xử vụ án theo trình tự giám đốc tại Uỷ ban thẩm phán vẫn được tham gia xét xử lại vụ án tại Hội đồng thẩm phán.

2- Việc thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định.

Việc thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét việc thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

Việc cử thành viên mới của Hội đồng xét xử do Chánh án Toà án quyết định.

 

Điều 31. Thay đổi kiểm sát viên.

1- Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 28 Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là điều tra viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân hoặc thư ký phiên toà.

2- Việc thay đổi kiểm sát viên trước khi mở phiên toà do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định. Nếu kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên quyết định. Trong trường hợp phải thay đổi kiểm sát viên tại phiên toà thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

Việc cử kiểm sát viên khác do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên quyết định.

 

Điều 32. Thay đổi điều tra viên.

1- Điều tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 28 Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân hoặc thư ký phiên toà.

2- Việc thay đổi điều tra viên do thủ trưởng cơ quan điều tra quyết định.

Nếu điều tra viên bị thay đổi là thủ trưởng cơ quan điều tra thì việc điều tra vụ án được giao cho cơ quan điều tra cấp trên.

 

 

Điều 33. Thay đổi thư ký phiên toà.

1- Thư ký phiên toà phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 28 Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân.

2- Việc thay đổi thư ký phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định.

Việc cử thư ký khác do Chánh án Toà án quyết định.

 

CHƯƠNG III. NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG

 

Điều 34. Bị can, bị cáo.

1- Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự.

Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử.

2- Bị can có quyền biết mình bị khởi tố về tội gì; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Bị can được giao nhận bản sao quyết định khởi tố, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; được giao nhận bản kết luận điều tra sau khi kết thúc điều tra, bản cáo trạng sau khi Viện kiểm sát quyết định truy tố; có quyền khiếu nại các quyết định của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

3- Bị cáo được giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; được tham gia phiên toà; được đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; nói lời sau cùng trước khi nghị án; được kháng cáo bản án và quyết định của Toà án.

4- Bị can, bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải.

 

Điều 35. Người bào chữa.

1- Người bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo;

c) Bào chữa viên nhân dân.

2- Những người sau đây không được bào chữa:

a) Người đã tiến hành tố tụng trọng vụ án đó hoặc là người thân thích của người này;

b) Người tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch.

3- Một người bào chữ có thể bào chữa cho nhiều bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một bị can, bị cáo.

4- Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Toà án hoặc Hội đồng xét xử cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong vụ án để họ thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

 

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa.

1- Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

2- Người bào chữa có quyền có mặt khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác.

Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; được đọc hồ sơ vụ án và ghi chép những điều cần thiết sau khi kết thúc điều tra; có quyền tham gia xét hỏi và tranh luận tại phiên toà; khiếu nại các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, kháng cáo bản án và quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 37 Bộ luật này.

3- Người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo; giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Người bào chữa không được từ chối bào chữa cho bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận, nếu không có lý do chính đáng.

Người bào chữa không được tiết lộ bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ.

 

Điều 37. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa.

1- Người bào chữa do bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

2- Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự.

b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.

Trong những trường hợp quy định tại điểm a và b, khoản 2 Điều này, bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

 

Điều 38. Người bị tạm giữ.

1- Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có quyết định tạm giữ, nhưng chưa bị khởi tố.

2- Người bị tạm giữ có quyền được biết lý do mình bị tạm giữ; được giải thích quyền và nghĩa vụ; trình bày lời khai; đưa ra những yêu cầu; khiếu nại về việc tạm giữ và những quyết định khác có liên quan. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về tạm giữ.

 

Điều 39. Người bị hại.

1- Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra.

2- Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; có quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.

Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này.

3- Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm theo Điều 242 Bộ luật hình sự.

4- Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 88 Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà.

 

Điều 40. Nguyên đơn dân sự.

1- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2- Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; có quyền đề nghị mức bồi thường, và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại.

 

Điều 41. Bị đơn dân sự.

1- Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm vật chất đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

2- Bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại việc đòi bồi thường của nguyên đơn dân sự; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo kết quả điều tra có liên quan đến việc đòi bồi thường; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại.

 

Điều 42. Người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án.

Người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được tham gia phiên toà; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; kháng cáo bản án hoặc quyết định của Toà án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Điều 43. Người làm chứng.

1- Người nào biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

2- Người làm chứng phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; có nghĩa vụ khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.

3- Những người sau đây không được làm chứng:

a) Người bào chữa của bị can, bị cáo;

b) Người do có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

4- Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 242 Bộ luật hình sự; khai gian dối thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 241 Bộ luật hình sự.

 

Điều 44. Người giám định.

1- Người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định mà cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu.

2- Người giám định có quyền tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định; yêu cầu cơ quan trưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc kết luận; tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định.

3- Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.

Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 242 Bộ luật hình sự. Người giám định kết luận gian dối thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 241 Bộ luật hình sự.

4- Người giám định phải từ chối tham tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 28 Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu quyết định.

5- Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;

b) Tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ;

c) Tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn đối với những tình tiết của vụ án.

 

Điều 45. Người phiên dịch.

1- Người phiên dịch do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án yêu cầu trong trường hợp có người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt.

2- Người phiên dịch phải có mặt theo giấy triệu tập và thực hiện nhiệm vụ được giao; nếu dịch gian dối thì người phiên dịch phải chịu trách nhiệm theo Điều 241 Bộ luật hình sự.

3- Người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu:

a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 28 Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng với tư cách là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người giám định, người làm chứng trong vụ án đó.

Việc thay đổi người phiên dịch do cơ quan yêu cầu quyết định.

4- Những quy định của Điều này cũng được áp dụng đối với người biết dấu hiệu của người câm và người điếc.

 

Điều 46. Trách nhiệm giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản.

 

CHƯƠNG IV. CHỨNG CỨ

 

Điều 47. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự.

Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:

1- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

2- Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích hoặc động cơ phạm tội;

3- Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân bị can, bị cáo;

4- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

 

Điều 48. Chứng cứ.

1- Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2- Chứng cứ được xác định bằng:

a) Vật chứng;

b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Kết luận giám định;

d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu khác.

 

Điều 49. Thu thập chứng cứ.

1- Để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp tài liệu, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

2- Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

 

Điều 50. Đánh giá chứng cứ.

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm nhân dân xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án.

 

Điều 51. Lời khai của người làm chứng.

1- Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của bị can, bị cáo, người bị hại; quan hệ giữa họ với bị can, bị cáo, người bị hại và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2- Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

 

Điều 52. Lời khai của người bị hại.

1- Người bị hại trình bày về những tình tiết của vụ án, quan hệ giữa họ với bị can, bị cáo và trả lời những câu hỏi đặt ra.

2- Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người bị hại trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.

 

Điều 53. Lời khai của người bị tạm giữ.

Người bị tạm giữ trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.

 

Điều 54. Lời khai của bị can, bị cáo.

1- Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.

2- Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

 

Điều 55. Kết luận giám định.

1- Người giám định kết luận về vấn đề được yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận đó.

Nếu việc giám định do một nhóm người giám định tiến hành thì tất cả các thành viên đều ký vào bản kết luận chung. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi riêng ý kiến kết luận của mình.

2- Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại theo thủ tục chung.

 

Điều 56. Vật chứng.

Vật chứng là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

 

Điều 57. Thu thập và bảo quản vật chứng.

1- Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh để đưa vào hồ sơ và vật chứng phải được niêm phong, bảo quản.

2- Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẵn lộn và hư hỏng. Hồ sơ vụ án ở cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm bảo quản vật chứng. Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc tại các cơ quan chuyên trách khác.

3- Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường; trong trường hợp huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng vật chứng nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 236 Bộ luật hình sự.

 

Điều 58. Xử lý vật chứng.

1- Việc xử lý vật chứng do Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Chánh án, Phó chánh án Toà án cùng cấp hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2- Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước;

b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc thuộc sở hữu của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

d) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.

3- Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b, khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.

4- Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo tố tụng dân sự.

 

Điều 59. Biên bản về hoạt động điều tra và xét xử.

Những tình tiết được ghi trong các biên bản bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, biên bản phiên toà và các hoạt động tố tụng khác tiến hành theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ.

 

Điều 60. Các tài liệu khác trong vụ án.

Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ.

Trong trường hợp những tài liệu này có những dấu hiệu quy định tại Điều 56 Bộ luật này thì được coi là vật chứng.

 

 

 

CHƯƠNG V. NHỮNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

 

Điều 61. Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

 

Điều 62. Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam.

1- Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người:

a) Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Toà án quân sự cấp quân khu trở lên chủ toạ phiên toà;

d) Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên. Trong trường hợp này lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2- Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Người thi hành lệnh phải đọc và giải thích lệnh cho người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt người, phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người bị bắt cư trú hoặc làm việc và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến.

3- Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang quy định tại Điều 63 và Điều 64 Bộ luật này.

 

Điều 63. Việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp.

1- Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm nghiêm trọng;

b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy đó là tội phạm nghiêm trọng và cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

 

2- Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên;

b) Người chỉ huy của đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo hoặc biên giới;

c) Người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

3- Nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải tuân theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật này.

4- Trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản để xét phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì trả tự do ngay cho người bị bắt.

 

Điều 64. Việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.

1- Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2- Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí của người bị bắt.

 

Điều 65. Những việc cần làm ngay sau khi nhận người bị bắt.

1- Sau khi nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

2- Đối với người bị truy nã thì sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh truy nã và giải ngay người đó đến trại giam nơi gần nhất.

 

Điều 66. Biên bản.

1- Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ đồ vật của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

 

2- Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên bàn giao và nhận phải lập biên bản.

Ngoài những điểm đã quy định tại khoản 1 Điều này, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao các biên bản lấy lời khai, đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khoẻ của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận.

 

Điều 67. Thông báo về việc bắt.

Người ra lệnh bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt phải thông báo ngay.

 

Điều 68. Tạm giữ.

1- Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang quy định tại Điều 63 và Điều 64 Bộ luật này.

2- Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên có quyền ra lệnh tạm giữ.

3- Trong thời hạn 24 giờ, lệnh tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

Lệnh tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

 

Điều 69. Thời hạn tạm giữ.

1- Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày đêm, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

2- Trong trường hợp cần thiết và được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn, cơ quan ra lệnh tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá ba ngày đêm.

3- Khi hết thời hạn tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ.

4- Thời gian tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam.

 

Điều 70. Tạm giam.

1- Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên một năm và có căn cứ để cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2- Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới mười hai tháng, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng, trừ trường hợp đặc biệt thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

3- Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Điều 62 Bộ luật này có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 62 Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

4- Cơ quan ra lệnh tạm giam phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bi tạm giam cư trú hoặc làm việc biết.

 

Điều 71. Thời hạn tạm giam.

1- Thời hạn tạm giam để điều tra không được quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng; không được quá bốn tháng đối với tội nghiêm trọng.

2- Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trở lên và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trở lên có quyền gia hạn tạm giam, nhưng không được quá hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, không được quá bốn tháng đối với tội nghiêm trọng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có thể gia hạn thêm đối với tội nghiêm trọng, nhưng không được quá bốn tháng.

Trong trường hợp cần thiết, đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm.

3- Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát huỷ bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 

Điều 72. Chế độ tạm giữ, tạm giam.

Chế độ tạm giữ, tạm giam khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt tù.

Nơi tạm giữ, tạm giam, chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình được thực hiện theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

 

Điều 73. Việc chăm nom thân nhân và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam.

1- Khi người bị tạm giữ, tạm giam có con chưa thành niên dưới 14 tuổi và thân nhân là người tàn tật, già yếu, không có người chăm sóc, thì cơ quan ra lệnh tạm giữ, tạm giam giao những người đó cho người thân thích hoặc cho chính quyền sở tại chăm nom.

2- Trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom thì cơ quan ra lệnh tạm giữ, tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản thích đáng.

3- Cơ quan ra lệnh tạm giữ, tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết những biện pháp đã được áp dụng.

 

Điều 74. Cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình và phải có mặt khi có giấy triệu tập. Trong trường hợp bị can, bị cáo cần phải tạm thời di khỏi nơi cư trú thì phải được phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Bị can, bị cáo vi phạm cam đoan sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

 

Điều 75. Bảo lĩnh.

1- Cá nhân hoặc tổ chức có thể nhận bảo lĩnh bị can, bị cáo. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh. Trong trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh thì ít nhất phải có hai người.

2- Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh phải chịu trách nhiệm về vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan.

 

Điều 76. Đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm.

1- Đối với bị can hoặc bị cáo là người nước ngoài thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có thể cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt theo giấy triệu tập.

Quyết định của cơ quan điều tra về việc cho đặt tiền hoặc tài sản phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2- Phải lập biên bản về việc đặt tiền hoặc tài sản và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản. Biên bản phải ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt.

3- Trong trường hợp bị can hoặc bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án thì số tiền hoặc tài sản đó bị sung quỹ Nhà nước.

 

Điều 77. Huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn.

1- Khi vụ án bị đình chỉ thì mọi biện pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải được huỷ bỏ.

2- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc huỷ bỏ hoặc thay thế phải do Viện kiểm sát quyết định.

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG VI. BIÊN BẢN, THỜI HẠN, ÁN PHÍ

 

Điều 78. Biên bản.

1- Khi tiến hành các hoạt động tố tụng, bắt buộc phải lập biên bản theo mẫu quy định thống nhất.

Trong biên bản ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, những người tiến hành, tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động tố tụng, những khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

2- Biên bản phiên toà phải có chữ ký của chủ toạ và thư ký; biên bản các hoạt động tố tụng khác phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định trong từng trường hợp. Những điểm sửa chữa trong biên bản cũng phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.

 

Điều 79. Tính thời hạn.

1- Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày và tháng. Đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ; khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày không làm việc thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.

2- Trong trường hợp có đơn hoặc giấy tờ được gửi qua bưu điện thì thời hạn được tính theo dấu bưu điện. Nếu có đơn hoặc giấy tờ được gửi qua Ban giám thị trại giam thì thời hạn được tính từ ngày Ban giám thị trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.

 

Điều 80. Phục hồi thời hạn.

Nếu quá hạn mà có lý do chính đáng thì cơ quan tiến hành tố tụng phải phục hồi thời hạn.

 

Điều 81. Án phí.

Án phí là tất cả chi phí để tiến hành tố tụng hình sự bao gồm tiền thù lao cho người làm chứng, người bị hại, người giám định, người phiên dịch, người bào chữa trong trường hợp Toà án chỉ định và các khoản chi phí khác.

 

Điều 82. Trách nhiệm chịu án phí.

1- Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu.

2- Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Toà án.

3- Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nếu Toà án tuyên bị cáo vô tội thì người bị hại phải trả án phí.

PHẦN THỨ HAI. KHỞI TỐ VÀ ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

CHƯƠNG VII. KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

 

Điều 83. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:

1- Tố giác của công dân;

2- Tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội;

3- Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;

4- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm;

5- Người phạm tội tự thú.

 

Điều 84. Tố giác và tin báo về tội phạm.

Công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án hoặc với các cơ quan khác của Nhà nước hoặc tổ chức xã hội. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

Cơ quan hoặc tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản.

 

Điều 85. Người phạm tội tự thú.

Khi người phạm tội đến tự thú, cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở và những lời khai của người tự thú.

 

Điều 86. Nhiệm vụ giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm.

Trong thời hạn không quá hai mươi ngày kể từ khi nhận được tố giác hoặc tin báo, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác hoặc tin báo có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng.

 

Điều 87. Quyết định khởi tố vụ án hình sự.

1- Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm ra quyết định khởi tố vụ án trong những trường hợp quy định tại Điều 93 Bộ luật này.

Toà án ra quyết định khởi tố vụ án nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

2- Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.

3- Trong thời hạn 24 giờ, quyết định khởi tố của Viện kiểm sát được gửi đến cơ quan điều tra để tiến hành điều tra; quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm được gửi đến Viện kiểm sát để kiểm sát việc khởi tố; quyết định khởi tố của Toà án được gửi đến Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra.

 

Điều 88. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại.

1- Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 109; đoạn 1, khoản 1 Điều 112; đoạn 1, khoản 1 Điều 113; khoản 1 Điều 116; khoản 1 Điều 117 và Điều 126 Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.

2- Trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp cần thiết, tuy người bị hại rút yêu cầu, Viện kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

Điều 89. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự.

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

1- Không có sự việc phạm tội;

2- Hành vi không cấu thành tội phạm;

3- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết đình đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6- Tội phạm đã được đại xá;

7- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

 

Điều 90. Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

1- Khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 89 Bộ luật này thì cơ quan có quyền khởi tố ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải huỷ bỏ quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm biết rõ lý do; nếu xét cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan hoặc tổ chức hữu quan giải quyết.

2- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm có thể khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án với Viện kiểm sát. Quyết định không khởi tố vụ án của Viện kiểm sát cấp dưới có thể bị khiếu nại với Viện kiểm sát cấp trên.

Điều 91. Kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự.

1- Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm việc khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp.

2- Trong trường hợp quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố đó; nếu quyết định không khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan đó không có căn cứ, thì Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án.

3- Trong trường hợp quyết định khởi tố của Toà án không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Toà án cấp trên.

 

CHƯƠNG VIII. CƠ QUAN ĐIỀU TRA VÀ QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐIỀU TRA

 

Điều 92. Cơ quan điều tra và thẩm quyền điều tra.

Cơ quan điều tra của Lực lượng Cảnh sát nhân dân và Lực lượng An ninh nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra trong Quân đội và những trường hợp do cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân điều tra.

2- Cơ quan điều tra trong Quân đội điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự.

3- Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân điều tra trong những trường hợp sau đây, khi Viện trưởng xét thấy cần thiết:

a) Khi phát hiện việc điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng;

b) Khi tiến hành kiểm sát việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật, phát hiện những vụ phạm tội rõ ràng, không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra khác;

c) Khi phát hiện tội phạm trong hoạt động tư pháp.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể giao cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát điều tra trong những trường hợp khác.

4- Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

5- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan điều tra do Hội đồng Nhà nước quy định.

 

Điều 93. Quyền hạn điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm.

1- Khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực quản lý của mình thì đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan và cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền:

a) Đối với hành vi phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, ít nghiêm trọng thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

b) Đối với hành vi phạm tội nghiêm trọng hoặc phức tạp thì ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành những hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

2- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, Hải quan và Kiểm lâm do Hội đồng Nhà nước quy định.

 

Điều 94. Quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên.

1- Thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, truy nã bị can, khám xét, thay đổi điều tra viên trong những trường hợp được Bộ luật này quy định; trực tiếp tiến hành điều tra; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra.

Điều tra viên được phân công điều tra vụ án có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do Bộ luật này quy định và phải chịu trách nhiệm về những hoạt động điều tra của mình.

2- Những quyết định, yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan điều tra, của điều tra viên trong khi tiến hành điều tra vụ án phải được cơ quan, tổ chức và công dân chấp hành.

 

Điều 95. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra.

Có thể nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm quy định tại Điều 246 và Điều 247 Bộ luật hình sự.

Chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

 

Điều 96. Uỷ thác điều tra.

Khi cần thiết, cơ quan điều tra có thể uỷ thác cho cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định uỷ thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu cụ thể. Cơ quan điều tra được uỷ thác có trách nhiệm thực hiện nhanh chóng và đầy đủ những việc được uỷ thác.

Việc uỷ thác điều tra giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của hiệp định đó.

 

Điều 97. Thời hạn điều tra.

1- Thời hạn điều tra vụ án hình sự không được quá bốn tháng kể từ khi khởi tố vụ án hình sự cho đến khi kết thúc điều tra.

2- Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án, trong thời hạn mười ngày trước khi hết hạn điều tra, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra không quá bốn tháng đối với vụ án do cấp dưới hoặc cấp mình điều tra;

b) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá bốn tháng đối với những vụ án do cấp mình điều tra và một lần không quá bốn tháng đối với vụ án do cấp tỉnh và cấp quân khu điều tra;

c) Trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn điều tra thêm một lần không quá bốn tháng. Đối với tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm.

3- Khi đã hết thời gian gia hạn điều tra mà không chứng minh được bi can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

 

Điều 98. Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại.

1- Trong trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 140 Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không được quá ba tháng. Việc gia hạn điều tra tiến hành theo thủ tục chung quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật này, nhưng không quá ba tháng.

2- Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không được quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không được quá một tháng. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.

3- Trong trường hợp vụ án được trả lại để điều tra lại thì thời hạn điều tra và việc gia hạn điều tra theo thủ tục chung.

Thời hạn điều tra được tính từ khi cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.

 

Điều 99. Giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng.

Khi người tham gia tố tụng có yêu cầu về những vấn đề liên quan đến vụ án thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình, giải quyết yêu cầu của họ và báo cho họ biết kết quả. Trong trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định và nêu rõ lý do.

 

Điều 100. Sự tham dự của người chứng kiến.

Người chứng kiến được mời tham dự hoạt động điều tra trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.

Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung và kết quả công việc mà điều tra viên đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. ý kiến này được ghi vào biên bản.

 

 

 

Điều 101. Không được tiết lộ bí mật về điều tra.

Điều tra viên, kiểm sát viên phải báo trước cho người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật về điều tra. Việc báo này phải được ghi vào biên bản.

Điều tra viên, kiểm sát viên hoặc người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật về điều tra thì tuỳ trường hợp phải chịu trách nhiệm theo các Điều 92, 93, 222, 223, 262, 263 Bộ luật hình sự.

 

Điều 102. Biên bản điều tra.

1- Khi tiến hành điều tra phải lập biên bản theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này.

Người lập biên bản phải đọc lại biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ biết quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Nhận xét đó được ghi vào biên bản. Người tham gia tố tụng cùng ký tên vào biên bản với người lập biên bản.

2- Trong trường hợp người tham gia tố tụng từ chối ký vào biên bản, thì việc đó phải được ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

3- Nếu người tham gia tố tụng vì nhược điểm về thể chất, tâm thần hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do; người lập biên bản và người chứng kiến cùng ký xác nhận.

Người không biết chữ thì điểm chỉ vào biên bản.

 

CHƯƠNG IX. KHỞI TỐ BỊ CAN VÀ HỎI CUNG BỊ CAN

 

Điều 103. Khởi tố bị can.

1- Khi có đủ căn cứ để xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.

2- Quyết định khởi tố bị can ghi rõ: thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.

Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau, thì trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.

3- Cơ quan ra quyết định khởi tố bị can phải giao quyết định và giải thích quyền và nghĩa vụ cho bị can. Bị can ký vào biên bản giao nhận.

4- Quyết định khởi tố bị can phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

Điều 104. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.

Nếu thấy cần thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can thì cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và bị can.

 

Điều 105. Tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm.

Khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan cấp quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can. Trong thời hạn bảy ngày, các cơ quan này phải trả lời cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã có kiến nghị biết.

 

Điều 106. Giấy triệu tập bị can.

1- Giấy triệu tập bị can cần ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.

2- Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cho Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc để giao cho bị can.

Khi nhận giấy triệu tập, bị can phải ký nhận, có ghi rõ ngày, giờ nhận. Nếu bị can không ký nhận thì phải lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan điều tra. Nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đã thành niên trong gia đình. Bị can đang bị tạm giam được triệu tập, thông qua Ban giám thị trại giam.

3- Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập. Trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc có biểu hiện trốn tránh thì cơ quan điều tra ra quyết định áp giải. Quyết định này phải được đọc cho bị can nghe trước khi áp giải.

 

Điều 107. Hỏi cung bị can.

1- Việc hỏi cung bị can phải do điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó.

Trước khi hỏi cung, điều tra viên phải đọc quyết định khởi tố bị can và giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ.

Nếu vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can tự viết lời khai của mình.

2- Không hỏi cung vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

3- Điều tra viên bức cung hoặc dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 234 và Điều 235 Bộ luật hình sự.

 

Điều 108. Biên bản hỏi cung bị can.

1- Biên bản hỏi cung bị can phải lập theo quy định của Điều 78 Bộ luật này.

Mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời.

2- Sau khi hỏi cung, điều tra viên đọc lại biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trong trường hợp có bổ sung và sửa chữa biên bản, thì bị can và điều tra viên cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang của biên bản. Trong trường hợp bị can tự viết lời khai thì điều tra viên và bị can cùng ký xác nhận tờ khai đó.

Nếu việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và điều tra viên cùng ký xác nhận.

Trong trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì điều tra viên phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết được quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch. Người phiên dịch và bị can cùng ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.

3- Khi hỏi cung có mặt người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị can thì điều tra viên phải giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện hợp pháp cùng ký vào biên bản hỏi cung.

 

CHƯƠNG X. LẤY LỜI KHAI NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI BỊ HẠI ĐỐI CHẤT VÀ NHẬN DẠNG

 

Điều 109. Triệu tập người làm chứng.

1- Giấy triệu tập người làm chứng phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của người làm chứng; ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm có mặt; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không có lý do chính đáng.

2- Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc. Các cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ.

Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận.

3- Giấy triệu tập người làm chứng chưa đủ 16 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác của họ.

 

Điều 110. Lấy lời khai của người làm chứng.

1- Có thể lấy lời khai người làm chứng tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại chỗ ở của người đó.

2- Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai.

3- Trước khi lấy lời khai, điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ. Việc này phải được ghi vào biên bản.

4- Trước khi hỏi về nội dung vụ án, điều tra viên cần xác minh mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại và những tình tiết khác về nhân thân người làm chứng. Điều tra viên cần yêu cầu người làm chứng kể hoặc viết lại những gì mà họ biết về vụ án, sau dó mới đặt câu hỏi. Không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý.

5- Khi lấy lời khai của người làm chứng dưới 16 tuổi phải mời cha mẹ, người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy giáo, cô giáo của người đó tham dự.

 

 

Điều 111. Biên bản ghi lời khai của người làm chứng.

Biên bản ghi lời khai của người làm chứng phải được lập theo quy định tại Điều 78 và Điều 108 Bộ luật này.

 

Điều 112. Lấy lời khai của người bị hại.

Việc lấy lời khai của người bị hại được tiến hành theo quy định tại các Điều 109, 110 và 111 Bộ luật này.

 

Điều 113. Đối chất.

1- Trong trường hợp có sự mâu thuẵn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì điều tra viên tiến hành đối chất.

2- Nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước tiên điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải được ghi vào biên bản.

3- Khi bắt đầu đối chất, điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Khi đã nghe những lời khai trong đối chất, điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.

Điều tra viên cũng có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẵn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải được ghi vào biên bản.

Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai lần trước của họ.

4- Biên bản đối chất phải lập theo quy định tại Điều 78 và Điều 108 Bộ luật này.

 

Điều 114. Nhận dạng.

1- Khi cần thiết, điều tra viên có thể mời người hoặc đưa vật, ảnh cho người làm chứng, người bị hại hoặc bị can nhận dạng.

Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

2- Số người, vật hoặc ảnh đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và về bề ngoài phải tương tự giống nhau. Đối với việc nhận dạng tử thi thì không thể áp dụng nguyên tắc này.

Trong trường hợp đặc biệt có thể cho xác nhận người qua tiếng nói.

3- Nếu nhân chứng hay người bị hại là người nhận dạng, thì trước khi tiến hành, điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc giải thích đó phải được ghi vào biên bản.

4- Trong khi tiến hành nhận dạng, điều tra viên không được đặt câu hỏi có tính chất gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận người, vật, hay ảnh đó.

Việc tiến hành nhận dạng phải có mặt người chứng kiến.

5- Biên bản nhận dạng phải được lập theo quy định tại Điều 78 và Điều 108 Bộ luật này. Trong biên bản cần ghi rõ nhân thân của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; những đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng.

 

CHƯƠNG XI. KHÁM XÉT, THU GIỮ, TẠM GIỮ, KÊ BIÊN TÀI SẢN

 

Điều 115. Căn cứ khám người, chỗ ở, địa điểm, đồ vật, thư tín, bưu kiện, bưu phẩm.

1- Việc khám người, chỗ ở, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Việc khám chỗ ở, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.

2- Khi cần phải thu thập những tài liệu hoặc đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.

 

Điều 116. Thẩm quyền ra lệnh khám xét.

1- Những người được quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 62 Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi tiến hành.

2- Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Sau khi khám xong, trong thời hạn 24 giờ, người ra lệnh khám phải báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

Điều 117. Khám người.

1- Khi bắt đầu khám người, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.

Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.

2- Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.

3- Có thể tiến hành khám người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người đồ vật cần thu giữ.

 

Điều 118. Khám chỗ ở, địa điểm.

1- Việc khám chỗ ở, địa điểm, chỗ làm việc được tiến hành theo quy định tại các Điều 115, 116 và 117 Bộ luật này.

2- Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường hoặc thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.

3- Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

4- Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan hoặc tổ chức chứng kiến.

5- Khi tiến hành khám chỗ ở, địa điểm, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.

 

Điều 119. Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện.

Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện thì cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản và sau khi thu giữ phải báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.

Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.

Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết, trừ trường hợp việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.

 

Điều 120. Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét.

Khi khám xét, điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu khi tiến hành khám xét phải được lập biên bản. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản: một bản giao cho người chủ đồ vật, tài liệu; một bản đưa vào hồ sơ vụ án; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ.

 

Điều 121. Kê biên tài sản.

1- Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật này có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 62 Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2- Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

Tài sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc thân nhân của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, huỷ hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 244 Bộ luật hình sự.

3- Khi tiến hành kê biên tài sản, phải có mặt đương sự hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền xã, phường hoặc thị trấn và người láng giềng chứng kiến. Người tiến hành kê biên phải lập biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản phải lập theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này, đọc cho đương sự và những người có mặt nghe và cùng ký tên. Những khiếu nại của đương sự được ghi vào biên bản, có chữ ký xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.

Biên bản kê biên được lập thành ba bản: một bản được giao ngay cho đương sự sau khi kê biên xong; một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa vào hồ sơ vụ án.

4- Khi xét thấy việc kê biên không còn cần thiết thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải kịp thời ra quyết định huỷ bỏ lệnh kê biên.

 

Điều 122. Trách nhiệm bảo quản đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong.

Đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong theo quy định tại các Điều 57, 119 và 120 Bộ luật này phải được bảo quản nguyên vẹn.

Người được giao bảo quản mà phá huỷ niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc huỷ hoại tài sản được giao bảo quản thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 244 Bộ luật hình sự.

 

Điều 123. Biên bản khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.

Khi tiến hành khám xét, thu giữ, tạm giữ phải lập biên bản theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này.

 

Điều 124. Trách nhiệm của người ra lệnh và thi hành lệnh khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.

Người ra lệnh, người tiến hành khám xét, kê biên tài sản, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà bị xử lý kỷ luật hoặc phải chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật hình sự.

 

 

 

CHƯƠNG XII. KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG, KHÁM NGHIỆM TỬ THI THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA, GIÁM ĐỊNH

 

Điều 125. Khám nghiệm hiện trường.

1- Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.

2- Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trước khi tiến hành khám nghiệm, điều tra viên phải báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Khi khám nghiệm phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.

3- Khi khám nghiệm hiện trường, điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

 

Điều 126. Khám nghiệm tử thi.

Khi phát hiện tử thi, điều tra viên tiến hành khám nghiệm có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến.

Trong trường hợp cần phải khai quật tử thi thì phải có quyết định của cơ quan điều tra và phải thông báo cho gia đình nạn nhân. việc khai quật tử thi phải được tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia.

Khi cần thiết có thể triệu tập người giám định và phải có người chứng kiến.

Trong mọi trường hợp, việc khám nghiệm tử thi phải được báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

 

Điều 127. Xem xét dấu vết trên thân thể.

1- Điều tra viên tiến hành xem xét thân thể người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng để phát hiện trên người họ dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Trong trường hợp cần thiết thì trưng cầu giám định pháp y.

2- Việc xem xét thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có mặt người cùng giới chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết thì có bác sĩ tham gia.

Không được xâm phạm đến nhân phẩm hoặc sức khoẻ của người bị xem xét thân thể.

 

Điều 128. Thực nghiệm điều tra.

1- Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, vẽ sơ đồ.

2- Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia.

Không được xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra.

 

Điều 129. Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra.

Khi tiến hành khám nghiện hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra phải lập biên bản theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này.

 

Điều 130. Trưng cầu giám định.

1- Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Bộ luật này cũng như khi xét thấy cần thiết thì Thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định.

2- Quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ yêu cầu giám định vấn đề gì; họ tên người được trưng cầu hoặc tên cơ quan tiến hành giám định; ghi rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định đã được quy định tại Điều 44 Bộ luật này.

 

Điều 131. Việc tiến hành giám định.

Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu giám định.

Điều tra viên có quyền tham dự giám định, nhưng phải báo trước cho người giám định biết.

 

Điều 132. Nội dung kết luận giám định.

1- Nội dung kết luận giám định phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể.

2- Để làm sáng tỏ hoặc bổ sung nội dung kết luận giám định, cơ quan điều tra có thể hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết và có thể quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.

 

Điều 133. Quyền của bị can đối với kết luận giám định.

1- Sau khi đã tiến hành giám định, nếu bị can yêu cầu thì được thông báo về nội dung kết luận giám định.

Bị can được trình bày những ý kiến của mình về kết luận giám định, yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Những điều này được ghi vào biên bản.

2- Trong trường hợp cơ quan điều tra không chấp nhận yêu cầu của bị can thì phải nêu rõ lý do và báo cho bị can biết.

 

Điều 134. Giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Việc giám định bổ sung hoặc giám định lại được tiến hành theo thủ tục chung.

Việc giám định lại phải do người giám định khác tiến hành.

 

CHƯƠNG XIII. TẠM ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA VÀ KẾT THÚC ĐIỀU TRA

 

Điều 135. Tạm đình chỉ điều tra.

1- Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra. Trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra.

Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Nếu không biết bị can đang ở đâu thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.

2- Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho bị can, người bị hại biết.

 

Điều 136. Truy nã bị can.

Quyết định truy nã phải ghi rõ họ tên, tuổi, trú quán, đặc điểm để nhận dạng bị can, dán ảnh kèm theo, nếu có và tội phạm mà bị can đã bị khởi tố.

Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người phát hiện, bắt, giữ người bị truy nã.

 

Điều 137. Kết thúc điều tra.

1- Việc điều tra kết thúc khi cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố hoặc đình chỉ điều tra.

2- Trong trường hợp cơ quan điều tra đề nghị truy tố thì hồ sơ vụ án được chuyển sang Viện kiểm sát và cơ quan điều tra phải báo ngay cho bị can và người bào chữa biết.

 

Điều 138. Đề nghị truy tố.

1- Khi có đầy đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố. Bản kết luận điều tra trình bày diễn biến hành vi tội phạm, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án, có nêu rõ lý do và căn cứ.

Bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án được gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp.

2- Kèm theo kết luận điều tra có bản kê về thời hạn điều tra, biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng có ghi rõ thời gian tạm giữ, tạm giam, vật chứng, việc kiện dân sự, biện pháp để bảo đảm việc phạt tiền, bồi thường và tịch thu tài sản, nếu có.

3- Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ và chữ ký của người làm kết luận.

 

Điều 139. Đình chỉ điều tra.

1- Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:

a) Có một trong những căn cứ quy định tại Điều 89 Bộ luật này;

b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

2- Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do đình chỉ điều tra, việc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan.

Cơ quan điều tra phải gửi quyết định đình chỉ điều tra cho Viện kiểm sát cùng cấp và báo ngay bị can, người bị hại biết.

Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

3- Trong trường hợp được quy định tại đoạn 1, khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và có thể chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội xử lý.

 

Điều 140. Phục hồi điều tra.

1- Khi có lý do để huỷ bỏ quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra, thì cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Quyết định này phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2- Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo điểm 5 và điểm 6 Điều 89 Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi điều tra.

 

CHƯƠNG XIV. KIỂM SÁT ĐIỀU TRA. QUYẾT ĐỊNH VIỆC TRUY TỐ

 

Điều 141. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát đối với hoạt động điều tra.

1- Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm việc điều tra được khách quan, toàn diện và đầy đủ. Viện kiểm sát phải kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra và đề ra biện pháp khắc phục.

2- Viện kiểm sát có nhiệm vụ:

a) Áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật này quy định để mọi hành vi phạm tội đều phải được điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội;

b) Bảo đảm không để một người nào bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật;

c) Bảo đảm hoạt động điều tra phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này. Trong việc điều tra phải thu thập cả chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, làm rõ những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can và tìm ra những nguyên nhân, điều kiện phạm tội;

d) Bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can là có căn cứ và hợp pháp.

3- Viện kiểm sát có quyền:

a) Kiểm sát việc khởi tố, tự mình khởi tố vụ án hình sự và chuyển đến cơ quan điều tra để yêu cầu tiến hành điều tra; trực tiếp điều tra trong những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 92 Bộ luật này;

b) Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định của cơ quan điều tra đã được quy định tại Bộ luật này;

c) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn; yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị can;

d) Đề ra yêu cầu điều tra, trả lại hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung; yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về tội phạm và việc làm vi phạm pháp luật của điều tra viên, nếu có;

đ) Kiểm sát việc khám xét, khám nghiệm, việc hỏi cung bị can và các hoạt động điều tra khác của cơ quan điều tra; trực tiếp hỏi cung bị can khi thấy cần thiết;

e) Quyết định truy tố, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra, chuyển vụ án, huỷ bỏ các quyết định trái pháp luật của các cơ quan điều tra;

g) Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan điều tra thay đổi điều tra viên vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra.

4- Các cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu và quyết định của Viện kiểm sát. Đối với những yêu cầu và quyết định quy định tại các điểm b, c, e khoản 3 Điều này, nếu không nhất trí, cơ quan điều tra vẫn phải chấp hành, nhưng có quyền đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xét và quyết định. Trong thời hạn hai mươi ngày, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xét và giải quyết đề nghị của cơ quan điều tra.

 

Điều 142. Quyết định của Viện kiểm sát sau khi kết thúc điều tra.

1- Trong thời hạn không quá ba mươi ngày kể từ khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng;

b) Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thể gia hạn thêm nhưng không quá ba mươi ngày.

Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can và người bào chữa biết những quyết định nói trên. Bản cáo trạng, quyết định đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra phải được giao cho bị can. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép những điều cần thiết và đề xuất yêu cầu.

2- Trong trường hợp bị can đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam để điều tra đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành bản cáo trạng thì Viện kiểm sát có thể ra lệnh tạm giam, nhưng không được quá ba mươi ngày.

3- Trong trường hợp truy tố thì trong thời hạn ba ngày kể từ khi ra quyết định, Viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và quyết định truy tố đến Toà án.

 

Điều 143. Bản cáo trạng.

1- Nội dung bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; thủ đoạn, mục đích, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; những chứng cứ xác định tội trạng của bị can, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ; nhân thân của bị can và mọi tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Phần kết luận của cáo trạng ghi rõ tội danh và điều khoản Bộ luật hình sự được áp dụng.

2- Người lập bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm lập cáo trạng; họ tên, chức vụ và ký vào bản cáo trạng.

 

Điều 144. Khiếu nại đối với hoạt động của điều tra viên, kiểm sát viên.

1- Khiếu nại đối với hoạt động của điều tra viên được gửi đến cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp.

Khiếu nại đối với hoạt động của kiểm sát viên được gửi cho Viện trưởng Viện kiểm sát đó hoặc Viện kiểm sát cấp trên. Nếu khiếu nại bằng miệng thì phải lập biên bản có chữ ký của người khiếu nại và người nhận khiếu nại.

2- Khiếu nại phải được giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày kể từ khi nhận được khiếu nại. Trong trường hợp bác bỏ khiếu nại phải nêu rõ lý do.

 

PHẦN THỨ BA. XÉT XỬ SƠ THẨM

CHƯƠNG XV. THẨM QUYỀN CỦA TOÀ ÁN CÁC CẤP

 

Điều 145. Thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp.

1- Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ bảy năm tù trở xuống, trừ những tội sau đây:

a) Các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội quy định tại các Điều 89, 90, 91, 92, 93, 101 (khoản 3), 102, 179, 231, 232 Bộ luật hình sự.

2- Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về những tội phạm không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện và Toà án quân sự khu vực hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án cấp dưới mà mình lấy lên để xét xử.

3- Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao, Toà án quân sự cấp cao xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

4- Toà án quân sự xét xử những bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của mình theo quy định của pháp luật.

 

Điều 146. Thẩm quyền theo lãnh thổ.

1- Toà án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Toà án nơi tội phạm được thực hiện. Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi kết thúc việc điều tra.

2- Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tuỳ trường hợp, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Toà án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử.

Bị cáo phạm tội ở nước ngoài, nếu thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự thì do Toà án quân sự cấp quân khu trở lên xét xử, theo quyết định của Chánh án Toà án quân sự cấp cao.

 

Điều 147. Thẩm quyền xét xử những tội phạm xảy ra trên máy bay hoặc tàu biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc lãnh hải Việt Nam.

Những tội phạm xảy ra trên máy bay hoặc tàu biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài thuộc thẩm quyền của Toà án Việt Nam, nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên, hoặc nơi máy bay, tàu biển đó được đăng ký.

 

Điều 148. Việc xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của các Toà án khác cấp.

Khi bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp trên thì Toà án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án.

 

Điều 149. Chuyển vụ án.

Khi thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì Toà án chuyển vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử. Việc chuyển vụ án cho Toà án ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính tương đương và ngoài phạm vi quân khu do Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án quân sự cấp quân khu quyết định.

Chỉ được chuyển vụ án cho Toà án khác khi vụ án chưa được xét xử. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Chánh án Toà án quyết định. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án quân sự hoặc Toà án cấp trên thì vụ án đã được đưa ra xét xử vẫn phải chuyển cho Toà án có thẩm quyền. Trong trường hợp này, việc chuyển vụ án do Hội đồng xét xử quyết định.

Việc chuyển vụ án phải được thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

Điều 150. Giải quyết việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử.

1- Việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định.

2- Việc tranh chấp về thẩm quyền xét xử giữa Toà án nhân dân và Toà án quân sự do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định.

 

CHƯƠNG XVI. CHUẨN BỊ XÉT XỬ

 

Điều 151. Thời hạn chuẩn bị xét xử.

1- Sau khi nhận hồ sơ vụ án, thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà.

2- Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày đối với tội ít nghiêm trọng, ba tháng đối với tội nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, thẩm phán phải ra một trong những quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c) Tạm đình chỉ vụ án;

d) Đình chỉ vụ án.

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử thêm một tháng.

Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, phải mở phiên toà trong thời hạn mười lăm ngày; trong trường hợp có lý do chính đáng thì có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

 

Điều 152. Áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn.

Ngay sau khi nhận hồ sơ, thẩm phán phải quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó chánh án Toà án cùng cấp quyết định.

Thời hạn tạm giam kể từ ngày Toà án nhận được hồ sơ và cáo trạng đến ngày mở phiên toà xét xử không được quá bốn mươi lăm ngày đối với vụ án do Toà án cấp huyện và Toà án quân sự khu vực thụ lý; ba tháng đối với vụ án do Toà án nhân dân cấp tỉnh trở lên và Toà án quân sự cấp quân khu trở lên thụ lý. Trong trường hợp đặc biệt, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp có quyền gia hạn thêm một lần, nhưng không được quá một tháng.

Đối với vụ án do Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao hoặc Toà án quân sự cấp cao xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm, nhưng không được quá một tháng.

 

Điều 153. Nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ:

1- Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị cáo;

2- Tội danh và điều khoản Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát viện dẫn đối với hành vi của bị cáo;

3- Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên toà;

4- Xử công khai hay xử kín;

5- Họ tên thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên toà;

6- Họ tên kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà;

7- Họ tên người bào chữa, nếu có;

8- Họ tên người phiên dịch, nếu có;

9- Họ tên những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên toà;

10- Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà.

 

Điều 154. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

1- Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung trong những trường hợp sau đây:

a) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên toà được;

b) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác;

c) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Những vấn đề cần điều tra bổ sung phải được nói rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

2- Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và báo cho Toà án biết.

Trong trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Toà án yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Toà án vẫn tiến hành xét xử.

 

 

 

 

Điều 155. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án.

Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 135; ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 89 Bộ luật này.

Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật này.

 

Điều 156. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố.

Nếu xét thấy có những căn cứ quy định tại Điều 89 Bộ luật này hoặc khi có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án.

 

Điều 157. Việc giao các quyết định của Toà án.

1- Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên toà.

Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.

2- Các quyết định của Toà án về tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án phải được giao cho bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người đại diện hợp pháp của bị cáo; những người khác tham gia tố tụng thì được gửi giấy báo.

 

Điều 158. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà.

Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà.

 

CHƯƠNG XVII. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG TẠI PHIÊN TOÀ

 

Điều 159. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục.

1- Toà án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng và nghe lời bào chữa. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà.

2- Việc xét xử phải tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ.

 

 

 

Điều 160. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm.

Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì Hội đồng xét xử có thể gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân.

Đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì Hội đồng xét xử gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân.

Thẩm phán chủ toạ phiên toà điều khiển và giữ kỷ luật phiên toà.

 

Điều 161. Thay thế thành viên của Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt

1- Các thành viên của Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.

2- Trong quá trình xét xử, nếu có thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân không tiếp tục tham gia xét xử được thì Toà án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân dự khuyết. Thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân dự khuyết phải có mặt tại phiên toà từ đầu thì mới được tham gia xét xử.

3- Trong trường hợp không có thẩm phán, hội thẩm nhân dân dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ toạ phiên toà thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

 

Điều 162. Sự có mặt của bị cáo tại phiên toà.

1- Bị cáo phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà.

Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.

Nếu bị cáo trốn tránh thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.

2- Toà án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả;

b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên toà;

c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ.

 

Điều 163. Giám sát bị cáo tại phiên toà.

1- Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên toà chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ toạ phiên toà.

2- Bị cáo không bị tạm giam phải có mặt tại phiên toà trong suốt thời gian xử án.

 

 

 

Điều 164. Sự có mặt của kiểm sát viên.

1- Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hai kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên toà.

2- Nếu kiểm sát viên vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà và báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

Điều 165. Sự có mặt của người bào chữa.

Người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên toà. Nếu người bào chữa vắng mặt, nhưng có gửi trước bản bào chữa thì Toà án vẫn mở phiên toà xét xử.

Trong trường hợp người bào chữa quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật này vắng mặt, thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.

 

Điều 166. Sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ.

1- Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.

2- Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc bị đơn dân sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự.

 

Điều 167. Sự có mặt của người làm chứng.

Người làm chứng tham gia phiên toà để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở cơ quan điều tra thì chủ toạ phiên toà công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.

 

Điều 168. Sự có mặt của người giám định.

1- Người giám định tham gia phiên toà khi được Toà án triệu tập.

2- Nếu người giám định vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.

 

Điều 169. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố hoặc định tội danh nhẹ hơn tại phiên toà.

Tại phiên toà, sau khi xét hỏi, kiểm sát viên có thể rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội danh nhẹ hơn, nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án.

 

Điều 170. Giới hạn của việc xét xử.

Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử.

 

Điều 171. Nội quy phiên toà.

1- Trước khi bắt đầu phiên toà, thư ký phải phổ biến nội quy phiên toà.

2- Mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ toạ phiên toà.

3- Mọi người ở trong phòng xử án đều phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án. Chỉ những người được Toà án triệu tập để xét hỏi mới được phát biểu và người nào muốn phát biểu phải được chủ toạ phiên toà cho phép. Người phát biểu phải đứng khi được hỏi, trừ trường hợp vì lý do sức khoẻ được chủ toạ phiên toà cho phép ngồi để phát biểu.

4- Những người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Toà án triệu tập để xét hỏi.

 

Điều 172. Những biện pháp đối với người vi phạm trật tự phiên toà.

Những người vi phạm trật tự phiên toà thì tuỳ trường hợp, có thể bị chủ toạ phiên toà cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ.

Cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ phiên toà và thi hành lệnh của chủ toạ phiên toà về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ người gây rối trật tự tại phiên toà.

 

Điều 173. Việc ra bản án và các quyết định của Toà án.

1- Bản án của Toà án quyết định việc bị cáo có phạm tội hay không phạm tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Bản án phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.

2- Quyết định về việc thay đổi thành viên của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, thư ký phiên toà; chuyển vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và về việc bắt giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và phải được viết thành văn bản.

3- Quyết định về vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải viết thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên toà.

 

Điều 174. Biên bản phiên toà.

1- Biên bản phiên toà phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm của phiên toà và mọi diễn biến ở phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi tuyên án.

2- Những câu hỏi và những câu trả lời đều phải được ghi vào biên bản.

3- Sau khi kết thúc phiên toà, chủ toạ phiên toà phải kiểm tra biên bản và cùng với thư ký phiên toà ký vào biên bản đó.

4- Bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của những người đó được xem biên bản phiên toà, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà và ký xác nhận.

 

CHƯƠNG XVIII. THỦ TỤC BẮT ĐẦU PHIÊN TOÀ

 

Điều 175. Thủ tục bắt đầu phiên toà.

Khi bắt đầu phiên toà, chủ toạ phiên toà đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Sau khi nghe thư ký báo cáo danh sách những người được triệu tập đã có mặt, chủ toạ phiên toà kiểm tra căn cước của những người đó và giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà.

Trong trường hợp bị cáo chưa được giao nhận bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều 34 và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ luật này và nếu bị cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà.

 

Điều 176. Giải quyết việc đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, thư ký phiên toà.

Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng phải được hỏi xem họ có đề nghị thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, thư ký phiên toà hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

 

Điều 177. Giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch và người giám định.

Nếu có người phiên dịch và người giám định tham gia phiên toà thì chủ toạ phiên toà giới thiệu họ tên, nghề nghiệp hoặc chức vụ của những người đó và giải thích rõ những quyền và nghĩa vụ của họ. Những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ.

 

Điều 178. Giải thích nghĩa vụ và cách ly người làm chứng.

1- Sau khi đã hỏi họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi thường trú của từng người làm chứng, chủ toạ phiên toà giải thích rõ nghĩa vụ tố tụng của họ. Người làm chứng phải cam đoan không khai gian dối. Riêng người làm chứng chưa thành niên không phải cam đoan.

2- Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án, chủ toạ phiên toà có thể quyết định những biện pháp để cho những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan. Trong trường hợp lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẵn nhau thì chủ toạ phiên toà có thể quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.

 

Điều 179. Giải quyết những yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên toà khi có người vắng mặt.

Chủ toạ phiên toà phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem có ai đề nghị triệu tập thêm người làm chứng hoặc đề nghị đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì chủ toạ phiên toà cũng phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên toà hay không. Nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét và quyết định.

 

CHƯƠNG XIX. THỦ TỤC XÉT HỎI TẠI PHIÊN TOÀ

 

Điều 180. Đọc bản cáo trạng.

Trước khi tiến hành xét hỏi, kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày những ý kiến bổ sung, nếu có.

 

Điều 181. Trình tự xét hỏi.

1- Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý.

2- Khi xét hỏi từng người, chủ toạ phiên toà hỏi trước rồi đến các hội thẩm nhân dân, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa. Những người tham gia phiên toà cũng có quyền đề nghị với chủ toạ phiên toà hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định.

3- Trong khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét những vật chứng có liên quan trong vụ án.

 

Điều 182. Công bố những lời khai tại cơ quan điều tra.

1- Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên toà thì Hội đồng xét xử và kiểm sát viên không được nhắc hoặc công bố lời khai của họ tại cơ quan điều tra, trước khi họ khai tại phiên toà về những tình tiết của vụ án.

2- Chỉ được công bố những lời khai tại cơ quan điều tra trong những trường hợp sau đây:

a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên toà có mâu thuẵn với lời khai của họ tại cơ quan điều tra;

b) Người được xét hỏi không khai tại phiên toà;

c) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

 

Điều 183. Hỏi bị cáo.

1- Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ toạ phiên toà phải cách ly họ. Trong trường hợp này, bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.

2- Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẵn.

3- Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng.

 

Điều 184. Hỏi người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó.

Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền và lợi ích hợp pháp có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người đó trình bày về những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẵn.

 

Điều 185. Hỏi người làm chứng.

1- Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó.

2- Khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ toạ phiên toà yêu cầu họ trình bày rõ những tình tiết vụ án mà họ đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẵn.

3- Nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì chủ toạ phiên toà có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi.

4- Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.

 

Điều 186. Xem xét vật chứng.

1- Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên toà.

Khi cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với kiểm sát viên và những người tham gia phiên toà đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên toà được.

2- Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia phiên toà có quyền trình bày những nhận xét của mình về vật chứng. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm họ về những vấn đề có liên quan đến vật chứng.

 

Điều 187. Xem xét tại chỗ.

Nếu xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với kiểm sát viên và những người tham gia phiên toà đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc những địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Việc xem xét tại chỗ phải được lập biên bản theo thủ tục chung.

Điều 188. Việc trình bày, công bố các tài liệu của vụ án và nhận xét hoặc báo cáo của các cơ quan, tổ chức.

Nhận xét, báo cáo của cơ quan hoặc tổ chức về những tình tiết của vụ án do đại diện của cơ quan hoặc tổ chức đó trình bày; trong trường hợp không có đại diện của cơ quan hoặc tổ chức đó tham dự thì Hội đồng xét xử công bố nhận xét hoặc báo cáo tại phiên toà.

Các tài liệu đã có trong hồ sơ hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên toà.

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia phiên toà có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan.

 

Điều 189. Hỏi người giám định.

1- Người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định.

2- Tại phiên toà, người giám định có quyền giải thích, bổ sung trên cơ sở kết luận giám định.

3- Nếu người giám định vắng mặt thì chủ toạ phiên toà công bố kết luận giám định.

4- Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia phiên toà có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẵn trong kết luận giám định.

5- Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại.

 

Điều 190. Kết thúc xét hỏi.

Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ thì chủ toạ phiên toà hỏi kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên toà xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không. Nếu có người yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ toạ phiên toà quyết định tiếp tục việc xét hỏi.

 

CHƯƠNG XX. TRANH LUẬN TẠI PHIÊN TOÀ

 

Điều 191. Trình tự phát biểu khi tranh luận.

1- Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên toà, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội.

2- Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.

3- Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Điều 192. Đối đáp.

Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.

 

Điều 193. Trở lại việc xét hỏi.

Nếu qua tranh luận mà xét thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.

 

Điều 194. Bị cáo nói lời sau cùng.

Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc tranh luận.

Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án, nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.

 

Điều 195. Xem xét việc rút truy tố.

1- Khi kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội danh nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án.

2- Trong trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng tại phiên toà trình bày ý kiến về việc rút truy tố đó.

 

CHƯƠNG XXI. NGHỊ ÁN VÀ TUYÊN ÁN

 

Điều 196. Nghị án.

1- Chỉ có thẩm phán và hội thẩm nhân dân mới có quyền nghị án. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một. Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được để vào hồ sơ.

2- Trong trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bố vô tội; nếu thấy việc rút truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên.

3- Khi nghị án, chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà.

4- Khi nghị án phải có biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử.

 

Điều 197. Trở lại việc xét hỏi và tranh luận.

Qua việc nghị án nếu thấy có tình tiết của vụ án chưa được xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại xét hỏi và tranh luận.

 

Điều 198. Nội dung bản án.

1- Toà án ra bản án nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2- Trong bản án cần phải ghi rõ: ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên toà, họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử và thư ký phiên toà; họ tên của kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, thành phần xã hội và tiền án của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ.

3- Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều khoản nào của của Bộ luật hình sự, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo vô tội và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án và quyền kháng cáo đối với bản án.

 

Điều 199. Quyết định yêu cầu sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý.

1- Cùng với việc ra bản án, Toà án ra quyết định yêu cầu cơ quan hoặc tổ chức hữu quan áp dụng những biện pháp cần thiết để khắc phục những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan, tổ chức đó. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức đó phải báo cho Toà án biết những biện pháp được áp dụng.

2- Quyết định của Toà án có thể được đọc tại phiên toà cùng với bản án hoặc chỉ gửi riêng cho cơ quan hoặc tổ chức hữu quan.

 

Điều 200. Tuyên án.

Khi tuyên án mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ toạ phiên toà đọc bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết.

 

Điều 201. Trả tự do cho bị cáo.

Trong những trường hợp sau đây Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên toà cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội phạm khác:

1- Bị cáo không có tội;

2- Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt;

3- Bị cáo bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù;

4- Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo;

5- Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.

 

Điều 202. Bắt giam bị cáo sau khi tuyên án.

Nếu bị cáo không bị tạm giam nhưng bị phạt tù thì họ chỉ bị bắt giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Toà án có thể quyết định bắt giam ngay bị cáo nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục gây án.

 

Điều 203. Việc giao bản án.

Chậm nhất là mười lăm ngày sau khi tuyên án, Toà án phải giao bản sao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, gửi bản sao bản án cho những người bị xử vắng mặt và thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc.

Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo theo quy định tại điểm a hoặc điểm b, khoản 2 Điều 162 Bộ luật này thì trong thời hạn nói trên bản sao bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo.

Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp có liên quan đến vụ án hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án.

 

PHẦN THỨ TƯ. XÉT LẠI BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH CHƯA CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT THEO THỦ TỤC PHÚC THẨM

 

CHƯƠNG XXII. TÍNH CHẤT CỦA PHÚC THẨM VÀ QUYỀN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ

 

Điều 204. Tính chất của phúc thẩm.

Phúc thẩm là việc Toà án cấp trên trực tiếp xét lại những bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

 

Điều 205. Những người có quyền kháng cáo.

Bị cáo, người bị hại và người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần.

Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

Người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Người được Toà án tuyên là vô tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ vô tội.

 

 

Điều 206. Kháng nghị của Viện kiểm sát.

Viện kiển sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

 

Điều 207. Thủ tục kháng cáo và kháng nghị.

1- Người kháng cáo phải gửi đơn đến Toà án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo.

Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Toà án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Toà án phải lập biên bản về việc kháng cáo đó.

2- Viện kiểm sát kháng nghị bằng văn bản, có nói rõ lý do. Kháng nghị được gửi đến Toà án đã xử sơ thẩm.

 

Điều 208. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

1- Thời hạn kháng cáo, kháng nghị là mười lăm ngày kể từ ngày tuyên án. Trong trường hợp Toà án xử vắng mặt thì thời hạn đó tính từ ngày bản sao bản án được giao cho đương sự hoặc từ ngày niêm yết.

2- Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại giam nhận được đơn.

 

Điều 209. Kháng cáo quá hạn.

1- Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng.

2- Toà án cấp phúc thẩm xét lý do kháng cáo quá hạn và ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn.

Điều 210. Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị.

1- Việc kháng cáo, kháng nghị phải được Toà án cấp sơ thẩm thông báo cho Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng biết.

2- Người được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi ý kiến của mình cho Toà án cấp phúc thẩm.

 

Điều 211. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị.

1- Những phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 226 Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án thì toàn bộ bản án chưa được đưa ra thi hành.

2- Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

 

Điều 212. Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị.

1- Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị.

2- Trong trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ.

 

Điều 213. Kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Toà án cấp sơ thẩm.

1- Viện kiểm sát kháng nghị các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm cùng cấp trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày Toà án ra quyết định.

2- Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án của Toà án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

 

CHƯƠNG XXIII. XÉT XỬ PHÚC THẨM

 

Điều 214. Phạm vi xét xử phúc thẩm.

Toà án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án.

 

Điều 215. Thời hạn xét xử phúc thẩm.

Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu phải xét xử phúc thẩm trong thời hạn không quá ba mươi ngày; Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cáo và Toà án quân sự cấp cao phải xét xử phúc thẩm trong thời hạn không quá sáu mươi ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

 

Điều 216. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai hội thẩm nhân dân.

 

Điều 217. Những người tham gia phiên toà phúc thẩm.

1- Tại phiên toà phúc thẩm, sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp là bắt buộc; nếu vắng mặt thì phải hoãn phiên toà.

2- Người bào chữa, người kháng cáo, người có quyền và lợi ích hợp pháp có liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị phải được tham gia phiên toà; nếu họ vắng mặt mà có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà.

3- Sự tham gia phiên toà của những người khác do Toà án cấp phúc thẩm quyết định, nếu xét thấy sự có mặt của họ là cần thiết.

 

Điều 218. Bổ sung, xem xét chứng cứ tại Toà án cấp phúc thẩm.

1- Trước khi xét xử hoặc trong khi xét hỏi tại phiên toà, Viện kiểm sát có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Toà án bổ sung những chứng cứ mới; người đã kháng cáo và người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị cũng có quyền bổ sung chứng cứ mới.

2- Chứng cứ cũ và chứng cứ mới đều phải được xem xét tại phiên toà. Bản án của Toà án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới.

 

Điều 219. Thủ tục phiên toà phúc thẩm.

Phiên toà phúc thẩm cũng tiến hành như phiên toà sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị.

 

Điều 220. Bản án phúc thẩm.

Toà án cấp phúc thẩm có quyền quyết định:

1- Bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

2- Sửa bản án sơ thẩm;

3- Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

4- Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

 

Điều 221. Sửa bản án sơ thẩm.

1- Toà án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt cho bị cáo;

b) Áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng.

2- Nếu có căn cứ, Toà án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

3- Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Toà án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, Toà án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn và giảm mức bồi thường thiệt hại.

 

Điều 222. Huỷ án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại.

1- Toà án cấp phúc thẩm huỷ án sơ thẩm để tiến hành lại tố tụng từ giai đoạn điều tra khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

Nếu thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng thì Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới.

2- Khi huỷ án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm cần ghi rõ lý do của việc huỷ án sơ thẩm.

3- Khi huỷ án sơ thẩm để xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Toà án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điều khoản Bộ luật hình sự và hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng.

 

Điều 223. Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều 89 Bộ luật này thì Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án; nếu có một trong những căn cứ quy định tại các điểm 3, 4, 5, 6, 7 Điều 89 Bộ luật này thì huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

 

Điều 224. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án hình sự.

Sau khi Toà án cấp phúc thẩm huỷ án mà vụ án phải điều tra lại hoặc xét xử lại thì cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại và Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

 

Điều 225. Phúc thẩm những quyết định của Toà án cấp sơ thẩm.

1- Đối với những quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng nghị hoặc kháng cáo, Toà án cấp phúc thẩm không phải mở phiên toà, nhưng nếu xét cần thì có thể triệu tập những người tham gia tố tụng cần thiết để nghe ý kiến của họ trước khi Toà án ra quyết định.

2- Toà án cấp phúc thẩm phải ra quyết định giải quyết việc kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của vụ án.

3- Khi xét những quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp phúc thẩm có những quyền hạn quy định tại Điều 220 Bộ luật này.

 

PHẦN THỨ NĂM. THI HÀNH BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN

 

CHƯƠNG XXIV. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THI HÀNH BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH CỦA TOÀ ÁN

 

Điều 226. Những bản án và quyết định được thi hành.

1- Những bản án và quyết định được thi hành là những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:

a) Những bản án và quyết định sơ thẩm đồng thời là chung thẩm;

b) Những bản án và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm;

c) Những bản án và quyết định của Toà án cấp phúc thẩm;

d) Những quyết định của Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

2- Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Toà án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Toà án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo.

3- Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ khi bản án hoặc quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án hoặc uỷ thác cho Toà án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án.

Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành án hoặc quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án; bản án hoặc quyết định mà người bị kết án phải chấp hành.

Trong trường hợp người bị kết án đang tại ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ thời hạn người đó phải có mặt ở cơ quan công an để thi hành án là bảy ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Quyết định thi hành án, trích lục bản án hoặc quyết định phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp nơi thi hành án, cơ quan thi hành án và người bị kết án.

 

Điều 227. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án và quyết định của Toà án.

1- Cơ quan công an thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân và tham gia Hội đồng thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 229 Bộ luật này.

2- Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc cải tạo của những người được hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ.

3- Việc thi hành án quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm một số chức vụ hoặc cấm làm một số nghề nhất định do chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi thi hành án đảm nhiệm.

4- Cơ sở chuyên khoa y tế thi hành quyết định về bắt buộc chữa bệnh.

5- Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên của Toà án thi hành án phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại. Nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan công an và các cơ quan Nhà nước hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp.

6- Việc thi hành bản án và quyết định của Toà án quân sự do các tổ chức trong Quân đội đảm nhiệm.

7- Các cơ quan thi hành án phải báo cho Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án về việc bản án hoặc quyết định đã được thi hành; nếu chưa thi hành được thì phải nói rõ lý do.

 

CHƯƠNG XXV. THI HÀNH HÌNH PHẠT TỬ HÌNH

 

Điều 228. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành.

1- Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay lên Chánh án Toà án nhân dân tối cao và bản sao bản án phải được gửi ngay lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong thời hạn bảy ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Hội đồng Nhà nước.

2- Bản án tử hình được thi hành, nếu không có kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Hội đồng Nhà nước bác đơn xin ân giảm.

 

Điều 229. Thi hành hình phạt tử hình.

1- Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành án tử hình gồm đại diện Toà án, Viện kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.

2- Trước khi thi hành án phải giao cho người bị kết án đọc quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và nếu người bị kết án đã có đơn xin ân giảm án tử hình thì giao cho họ đọc bản sao quyết định của Hội đồng Nhà nước bác đơn xin ân giảm.

3- Hình phạt tử hình được thi hành bằng xử bắn.

4- Việc thi hành án tử hình phải được lập biên bản ghi rõ việc đã giao các quyết định cho người bị kết án xem, những lời nói của họ và những thư từ, đồ vật mà họ gửi lại cho thân nhân.

5- Trong trường hợp có tình tiết đặc biệt, Hội đồng thi hành án hoãn thi hành và báo cáo lên Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

 

CHƯƠNG XXVI. THI HÀNH HÌNH PHẠT TÙ VÀ CÁC HÌNH PHẠT KHÁC

 

Điều 230. Thi hành án phạt tù.

1- Trong trường hợp người bị kết án đang bị tạm giam thì theo yêu cầu của thân nhân người bị kết án, cơ quan công an phải cho phép người bị kết án gặp thân nhân trước khi thi hành án.

Ban giám thị trại giam phải thông báo cho gia đình người bị kết án biết nơi người đó chấp hành hình phạt.

2- Trong trường hợp người bị kết án đang tại ngoại, nếu quá thời hạn mà không có mặt ở cơ quan công an để chấp hành án thì người bị kết án sẽ bị áp giải.

3- Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án phải theo dõi việc thi hành án. Cơ quan công an phải báo cho Toà án biết việc bắt người bị kết án để thi hành án hoặc lý do chưa bắt được và biện pháp cần áp dụng để bảo đảm việc thi hành án.

 

Điều 231. Hoãn thi hành án phạt tù.

Đối với người bị kết án đang được tại ngoại, Chánh án Toà án có thể tự mình hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát, cơ quan công an hoặc người bị kết án, cho hoãn chấp hành hình phạt trong những trường hợp sau đây:

1- Người bị kết án bị ốm nặng được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khoẻ phục hồi;

2- Người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc mới sinh đẻ thì được hoãn chấp hành hình phạt từ ba tháng đến một năm;

3- Người bị kết án là người lao động duy nhất trong gia đình nếu ở tù sẽ làm cho gia đình đặc biệt khó khăn, thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt đến một năm, trừ trường hợp là phần tử nguy hiểm cho xã hội hoặc bị kết án về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội nghiêm trọng khác;

4- Quân nhân bị kết án về một tội ít nghiêm trọng, nếu do nhu cầu chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu mà được người chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên đề nghị thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt từ sáu tháng đến một năm.

 

Điều 232. Tạm đình chỉ thi hành án phạt tù.

1- Theo đề nghị của Viện kiểm sát hoặc của Ban giám thị trại giam, Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án có thể cho người bị kết án không phải là phần tử nguy hiểm được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong các trường hợp quy định tại các điểm 1, 2 và 4 Điều 231 Bộ luật này. Việc tạm đình chỉ để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm phải do Toà án cấp trên trực tiếp quyết định.

2- Thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt không tính vào thời gian chấp hành hình phạt.

 

Điều 233. Quản lý người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

1- Người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc quản lý. Họ không được tự ý đi nơi khác, nếu không được phép của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức quản lý họ.

2- Nếu trong thời gian được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà người bị kết án có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc định trốn thì Chánh án Toà án đã cho hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án huỷ quyết định đó và ra lệnh bắt họ chấp hành hình phạt.

 

Điều 234. Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội.

1- Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo và người bị kết án cải tạo không giam giữ được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn, hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc để giám sát, giáo dục.

2- Người bị kết án cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội được giao cho đơn vị kỷ luật của quân đội.

 

Điều 235. Thi hành hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú.

Đối với người bị phạt quản chế thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù, người bị kết án được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú để thi hành hình phạt quản chế. Người bị phạt cấm cư trú thì không được về những địa phương bị cấm cư trú mà phải đến ở nơi khác.

 

Điều 236. Thi hành hình phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.

Quyết định đưa bản án phạt tiền hoặc tịch thu tài sản ra thi hành phải được gửi cho chấp hành viên và chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú.

Việc tịch thu tài sản được tiến hành theo quy định tại Điều 32 Bộ luật hình sự.

 

CHƯƠNG XXVII. GIẢM THỜI HẠN HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT

 

Điều 237. Điều kiện để được giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt.

1- Người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội, cấm cư trú hoặc quản chế có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định tại các Điều 49, 50, 51, 66 và 69 Bộ luật hình sự. Nếu họ chưa chấp hành hình phạt thì có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

2- Người bị kết án tù được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách theo quy định tại Điều 44 Bộ luật hình sự.

 

Điều 238. Thủ tục giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt.

1- Toà án có thẩm quyền quyết định giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt tù là Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành hình phạt.

Việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành các hình phạt khác hoặc giảm thời gian thử thách thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án nhân dân cấp huyện, Toà án quân sự khu vực nơi người bị kết án chấp hành hình phạt hoặc chịu thử thách.

2- Hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách phải có đề nghị hoặc nhận xét của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành án quy định tại Điều 227 Bộ luật này.

3- Khi Toà án xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, một thành viên của Toà án trình bày vấn đề cần được xem xét, đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến, Toà án ra quyết định chấp nhận hoặc bác đề nghị giảm thời hạn, miễn chấp hành hình phạt hoặc rút ngắn thời gian thử thách.

 

CHƯƠNG XXVIII. XOÁ ÁN

 

Điều 239. Đương nhiên xoá án.

Theo yêu cầu của người được đương nhiên xoá án theo quy định tại Điều 53 Bộ luật hình sự, Chánh án của Toà án đã xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận là họ đã được xoá án.

 

Điều 240. Xoá án do Toà án quyết định.

1- Trong những trường hợp quy định tại Điều 54 và Điều 55 Bộ luật hình sự, việc xoá án do Toà án quyết định. Người bị kết án phải có đơn gửi cho Toà án đã xử sơ thẩm vụ án kèm theo nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú hoặc làm việc.

2- Chánh án Toà án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để phát biểu ý kiến bằng văn bản về đơn xin xoá án. Nếu xét thấy đủ điều kiện thì Chánh án ra quyết định xoá án; trong trường hợp chưa đủ điều kiện thì ra quyết định bác đơn xin xoá án.

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN THỨ SÁU. XÉT LẠI BẢN ÁN VÀ QUYẾT ĐỊNH Đà CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

 

CHƯƠNG XXIX. GIÁM ĐỐC THẨM

 

Điều 241. Tính chất của giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lý vụ án.

 

Điều 242. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau đây:

1- Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ;

2- Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

3- Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

4- Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

 

Điều 243. Phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Người bị kết án, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật với những người quy định tại Điều 244 Bộ luật này.

Trong trường hợp phát hiện thấy những vi phạm pháp luật trong bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát và Toà án phải báo cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 244 Bộ luật này.

 

Điều 244. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

1- Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp;

2- Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao và Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới;

3- Chánh án Toà án quân sự cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự cấp dưới;

4- Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Toà án quân sự cấp quân khu và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án cấp dưới.

 

Điều 245. Tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị.

Những người đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đó.

 

Điều 246. Kháng nghị.

1- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phải nói rõ lý do và được gửi cho:

a) Toà án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị;

b) Toà án sẽ xử giám đốc thẩm;

c) Người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị.

2- Khi không có những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, người có quyền kháng nghị phải trả lời cho người hoặc cơ quan, tổ chức đã phát hiện biết rõ lý do.

3- Trước khi bắt đầu phiên toà giám đốc thẩm, người đã kháng nghị có quyền bổ sung hoặc rút kháng nghị.

 

Điều 247. Thời hạn kháng nghị.

1- Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

2- Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

 

Điều 248. Thẩm quyền giám đốc thẩm.

1- Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện; Uỷ ban thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án quân sự khu vực.

2- Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án nhân dân cấp tỉnh; Toà án quân sự cấp cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự cấp quân khu.

3- Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà thuộc Toà án nhân dân tối cao.

4- Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những quyết định của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.

 

 

Điều 249. Những người tham gia phiên toà giám đốc thẩm.

Phiên toà giám đốc thẩm phải có sự tham gia của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền.

Khi xét thấy cần thiết, Toà án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên toà giám đốc thẩm.

 

Điều 250. Thành phần Hội đồng giám đốc thẩm.

Hội đồng giám đốc thẩm Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao hoặc Toà án quân sự cấp cao gồm có ba thẩm phán. Nếu Uỷ ban thẩm phán hoặc Hội đồng thẩm phán giám đốc thẩm thì số thành viên tham gia xét xử phải chiếm hai phần ba tổng số các thành viên của Uỷ ban thẩm phán hoặc Hội đồng thẩm phán. Quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban thẩm phán hoặc Hội đồng thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên tán thành thì mới có giá trị.

 

Điều 251. Thủ tục phiên toà giám đốc thẩm.

Trong phiên toà, một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày tóm tắt nội dung vụ án, nội dung của kháng nghị và đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến.

Nếu đã triệu tập người bị kết án, người bào chữa, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến việc kháng nghị thì những người này được trình bày ý kiến trước khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Trong trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng giám đốc thẩm vẫn có thể tiến hành xét xử.

 

Điều 252. Thời hạn xét xử giám đốc thẩm.

Phiên toà giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận kháng nghị.

 

Điều 253. Phạm vi giám đốc thẩm.

Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.

 

Điều 254. Quyết định giám đốc thẩm.

Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định:

1- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

2- Huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án;

3- Huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại;

4- Sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 255. Huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.

Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án, nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 89 Bộ luật này.

 

Điều 256. Huỷ bản án hoặc quyết định để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại trong những trường hợp quy định tại Điều 242 Bộ luật này. Nếu cần xét xử lại thì tuỳ trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Nếu bản án hoặc quyết định phúc thẩm có sai lầm nhưng bản án hoặc quyết định sơ thẩm đúng thì Hội đồng giám đốc thẩm chỉ huỷ bản án hoặc quyết định có sai lầm đó và giữ nguyên bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

 

Điều 257. Sửa bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

Hội đồng giám đốc thẩm không được tăng hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn, nhưng có quyền sửa hình phạt và áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn đối với những người bị kháng nghị và cả những người không bị kháng nghị theo hướng đó.

 

Điều 258. Hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm.

Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

 

Điều 259. Điều tra lại, xét xử lại vụ án ở Toà án cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm sau khi Hội đồng giám đốc thẩm sau khi Hội đồng giám đốc thẩm huỷ bản án.

Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định phải điều tra lại thì trong thời hạn năm ngày hồ sơ vụ án phải được trả lại cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra lại theo thủ tục chung.

Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định xét xử lại ở cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì việc xét xử được tiến hành theo thủ tục chung.

 

CHƯƠNG XXX. TÁI THẨM

 

Điều 260. Tính chất của tái thẩm.

Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án quyết định đó.

 

 

Điều 261. Những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là:

1- Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định hoặc lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

2- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

3- Vật chứng hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật.

 

Điều 262. Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện.

1- Người bị kết án, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân có quyền thông báo cho Viện kiểm sát hoặc Toà án những tình tiết mới được phát hiện của vụ án. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

2- Nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 261 Bộ luật này thì Viện trưởng Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị tái thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền. Nếu không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát trả lời cho những cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết.

 

Điều 263. Những người có quyền kháng nghị tái thẩm.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân hoặc Toà án quân sự các cấp. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự các cấp.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự khu vực.

3- Bản kháng nghị phải được gửi cho người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị.

 

Điều 264. Tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đã bị kháng nghị tái thẩm.

Những người đã kháng nghị theo thủ tục tái thẩm có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị.

 

Điều 265. Thời hạn kháng nghị tái thẩm.

1- Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự và không được quá một năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

2- Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

 

Điều 266. Thẩm quyền tái thẩm.

1- Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện; Uỷ ban thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự khu vực.

2- Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp tỉnh; Toà án quân sự cấp cao tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự cấp quân khu.

3- Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà thuộc Toà án nhân dân tối cao.

4- Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao tái thẩm đối với các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

 

Điều 267. Việc tiến hành tái thẩm.

Những quy định tại các Điều 249, 250, 251 và 252 Bộ luật này cũng áp dụng đối với việc tái thẩm vụ án.

 

Điều 268. Các quyết định của Hội đồng tái thẩm.

Hội đồng tái thẩm có quyền ra quyết định:

1- Bác kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

2- Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc xét xử lại;

3- Huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và đình chỉ vụ án.

 

Điều 269. Hiệu lực của quyết định tái thẩm.

Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

 

Điều 270. Điều tra lại hoặc xét xử lại vụ án.

Sau khi bản án hoặc quyết định bị huỷ, việc điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại được tiến hành theo thủ tục chung.

PHẦN THỨ BẢY. THỦ TỤC ĐẶC BIỆT

 

CHƯƠNG XXXI. THỦ TỤC VỀ NHỮNG VỤ ÁN MÀ BỊ CAN, BỊ CÁO LÀ NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

 

Điều 271. Phạm vi áp dụng.

Thủ tục tố tụng đối với những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của Chương này.

 

Điều 272. Điều tra, truy tố và xét xử.

1- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành tố tụng về những vụ án người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, về khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng và chống tội phạm của người chưa thành niên.

2- Khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử cần phải xác định rõ:

a) Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên;

b) Điều kiện sinh sống và giáo dục;

c) Có hay không có những người lớn tuổi xúi giục;

d) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

 

Điều 273. Bắt, tạm giữ, tạm giam.

Nếu có đủ căn cứ quy định tại các Điều 62, 63, 64, 68 và 71 Bộ luật này thì có thể bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng và theo quy định tại Điều 58 Bộ luật hình sự.

 

Điều 274. Việc giám sát bị can, bị cáo chưa thành niên.

1- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có thể ra quyết định giao bị can, bị cáo chưa thành niên cho cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của họ giám sát để bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo khi có giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

2- Những người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ giám sát chặt chẽ người chưa thành niên, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục người đó.

 

Điều 275. Bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo, nếu bị can, bị cáo không tự lựa chọn được. Đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho bị can, bị cáo.

Điều 276. Việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội.

1- Đại diện của gia đình bị can, bị cáo, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tổ chức xã hội khác nơi bị can, bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án.

2- Trong trường hợp cần thiết, việc hỏi cung bị can tại cơ quan điều tra phải có mặt đại diện của gia đình bị can. Đại diện gia đình có thể hỏi bị can nếu được điều tra viên đồng ý, được trình bày chứng cứ, đưa ra yêu cầu, khiếu nại; đọc hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra.

3- Tại phiên toà xét xử phải có mặt đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường hoặc tổ chức xã hội.

 

Điều 277. Xét xử.

1- Thành phần Hội đồng xét xử phải có một hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong trường hợp cần thiết, Toà án có thể quyết định xét xử kín.

2- Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Toà án áp dụng một trong những biện pháp tư pháp quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.

 

Điều 278. Chấp hành hình phạt tù.

1- Người chưa thành niên phạm tội chấp hành hình phạt tù theo chế độ giam giữ riêng do pháp luật quy định.

Không được giam chung người chưa thành niên với người thành niên.

2- Người chưa thành niên bị kết án phải được học nghề hoặc học văn hoá trong thời gian chấp hành hình phạt tù.

3- Nếu người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù đã đủ 18 tuổi thì phải chuyển người đó sang chế độ giam người đã thành niên.

4- Đối với người chưa thành niên đã chấp hành xong hình phạt tù, Ban giám thị trại giam phải phối hợp với chính quyền và tổ chức xã hội ở xã, phường, thị trấn để giúp người đó trở về sống bình thường trong xã hội.

 

Điều 279. Chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp và giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Người chưa thành niên bị kết án có thể được chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp hoặc được giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện quy định tại các Điều 61, 62 hoặc 66 Bộ luật hình sự.

 

Điều 280. Xoá án.

Việc xoá án đối với người chưa thành niên phạm tội được tiến hành theo thủ tục chung khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 67 Bộ luật hình sự.

CHƯƠNG XXXII. THỦ TỤC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH

 

Điều 281. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

1- Khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì tuỳ theo giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải trưng cầu giám định pháp y.

Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Viện kiểm sát hoặc Toà án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2- Việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh do Viện kiểm sát quyết định trong giai đoạn điều tra hoặc do Toà án quyết định trong giai đoạn xét xử hoặc thi hành án.

 

Điều 282. Điều tra.

1- Đối với vụ án có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 281 Bộ luật này, cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ:

a) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra;

b) Tình trạng tâm thần và bệnh tâm thần của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội;

c) Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội có mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình hay không.

2- Khi tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra phải bảo đảm có người bào chữa tham gia tố tụng từ khi xác định là người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần. Đại diện hợp pháp của người đó có thể tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết.

 

Điều 283. Kết thúc điều tra.

Khi xét kết luận điều tra, Viện kiểm sát có thể ra một trong những quyết định sau đây:

1- Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án;

2- Đình chỉ vụ án và quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

3- Truy tố bị can trước Toà án.

 

Điều 284. Xét xử.

1- Toà án có thể ra một trong những quyết định sau đây:

a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

b) Đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

c) Tạm đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

d) Trả lại hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.

2- Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Toà án có thể giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vấn đề khác liên quan đến vụ án.

 

Điều 285. Khiếu nại, kháng nghị, kháng cáo.

1- Khi quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bị khiếu nại thì vụ án phải được đưa ra xét xử sơ thẩm ở Toà án cùng cấp.

2- Việc kháng nghị hoặc kháng cáo đối với quyết định của Toà án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm.

3- Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh vẫn có hiệu lực thi hành mặc dù có khiếu nại, kháng nghị, kháng cáo.

 

Điều 286. Thực hiện và đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

1- Biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện ở một cơ sở chuyên khoa y tế do Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ định.

2- Khi có báo cáo của cơ sở chữa bệnh, đơn yêu cầu của thân nhân người bị bắt buộc chữa bệnh hoặc yêu cầu của Viện kiểm sát thì trên cơ sở kết luận của Hội đồng giám định y khoa, Viện kiểm sát hoặc Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có thể ra quyết định đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời có thể quyết định phục hồi tố tụng đã bị tạm đình chỉ.

 

Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1988.

 

 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản tiếng việt
văn bản TIẾNG ANH
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản mới nhất