Nghị định 133/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ

thuộc tính Nghị định 133/2008/NĐ-CP

Nghị định 133/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:133/2008/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:31/12/2008
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Khoa học-Công nghệ
 

TÓM TẮT VĂN BẢN

Hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ - Ngày 31/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 133/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, áp dụng cho hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ giám định công nghệ và các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Các công nghệ được khuyến khích chuyển giao theo Nghị định này gồm: Công nghệ nano; sản xuất mạch tích hợp, các bộ nhớ dung lượng cao; sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD), plasma; chế tạo các thiết bị đo chính xác kỹ thuật số, đầu cảm biến, thiết bị đo điện tử; chế tạo robot; chế tạo vật liệu xây dựng có tính năng đặc biệt; sản xuất vắc xin bảo vệ sức khỏe người, động vật; sản xuất nhiên liệu mới; luyện, cán, kéo kim loại đặc biệt; công nghệ giống, nuôi cá ngừ đại dương, tôm hùm, bào ngư, sò huyết, trai lấy ngọc, san hô; sản xuất các bộ phận nhân tạo của con người; sản xuất thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tiểu đường, HIV/AIDS, thuốc cai nghiện ma túy, thuốc phục vụ sinh đẻ có kế hoạch… Các công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam gồm: Công nghệ in, sắp chữ bằng bản chì; điện phân dùng điện cực thủy ngân; sản xuất sơn sử dụng thủy ngân; sản xuất xi măng lò đứng; sản xuất xi măng lò quay bằng phương pháp ướt; nhân bản vô tính phôi người; điều chế chất ma túy; các công nghệ làm vô hiệu hóa các thiết bị đo, đếm, tính lượng, tính thời gian, ghi âm, ghi hình, thiết bị kiểm tra… Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Xem chi tiết Nghị định133/2008/NĐ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 133/2008/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2008

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU

CỦA LUẬT CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ về hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ giám định công nghệ và các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Điều 2. Lập hợp đồng chuyển giao công nghệ
1. Việc chuyển giao công nghệ và giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện theo quy định tại Điều 12 và khoản 1 Điều 14 của Luật Chuyển giao công nghệ và các quy định khác của pháp luật.
2. Trường hợp bên giao công nghệ chuyển giao cho bên nhận công nghệ nhiều đối tượng công nghệ thì có thể lập chung trong một hợp đồng hoặc tách ra thành nhiều hợp đồng, nhưng nội dung của các hợp đồng này không được trùng lặp đối tượng công nghệ được chuyển giao.
Trường hợp bên giao công nghệ chuyển giao công nghệ có kèm theo máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật thì danh mục và các thỏa thuận về máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật đó phải được thể hiện trong hợp đồng hoặc phụ lục kèm theo hợp đồng.
3. Hợp đồng chuyển giao công nghệ mà đối tượng chuyển giao là tài liệu về công nghệ có chứa đựng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết kỹ thuật, bản vẽ thiết kế, công thức, quy trình công nghệ thì trong hợp đồng chuyển giao công nghệ cần ghi cụ thể tên, nội dung các tài liệu về công nghệ sẽ được chuyển giao.
4. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có nội dung thực hiện việc đào tạo công nghệ thì trong hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng các bên thỏa thuận về số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật, các ngành nghề, nội dung được đào tạo, các chi phí đào tạo, thời gian, địa điểm đào tạo nhưng phải đảm bảo sau đào tạo bên nhận tiếp thu và làm chủ công nghệ được chuyển giao.
5. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có nội dung bên giao công nghệ cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật để thực hiện hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào sản xuất thì trong hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng các bên cần thỏa thuận về số lượng chuyên gia, nội dung, thời gian và chi phí hỗ trợ tư vấn kỹ thuật để đảm bảo bên nhận sản xuất sản phẩm đạt chỉ tiêu chất lượng và giải quyết các khó khăn trong quá trình áp dụng công nghệ được chuyển giao vào sản xuất.
Điều 3. Phương thức thanh toán trong hợp đồng chuyển giao công nghệ
Các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận thanh toán theo một hoặc một số phương thức sau đây:
1. Trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa;
2. Chuyển giá trị công nghệ thành vốn góp vào dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp;
Trường hợp các bên có thỏa thuận góp vốn bằng công nghệ, sau khi hoàn thành việc chuyển giao công nghệ và được các bên xác nhận thì giá trị công nghệ mới được tính vào vốn góp của bên giao công nghệ trong dự án đầu tư hoặc vốn góp của doanh nghiệp;
3. Trả kỳ vụ theo phần trăm (%) giá bán tịnh.
Giá bán tịnh được xác định bằng giá bán sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao (tính theo hoá đơn bán hàng) trừ đi các khoản sau: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu (nếu có); chi phí mua các bán thành phẩm, bộ phận, chi tiết, linh kiện được nhập khẩu hoặc mua ở trong nước; chi phí mua bao bì, chi phí đóng gói, chi phí vận tải sản phẩm đến nơi tiêu thụ, chi phí quảng cáo;
4. Trả theo phần trăm (%) doanh thu thuần.
Doanh thu thuần được xác định bằng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ được tạo ra bằng công nghệ được chuyển giao, trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu gồm chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại;
5. Trả theo phần trăm (%) lợi nhuận trước thuế của bên nhận.
Lợi nhuận trước thuế được xác định bằng doanh thu thuần trừ đi tổng chi phí hợp lý để sản xuất sản phẩm có áp dụng công nghệ chuyển giao đã bán trên thị trường;
6. Kết hợp các phương thức thanh toán quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
Điều 4. Chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước
1. Trường hợp sử dụng vốn nhà nước để nhận chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư, bên nhận công nghệ phải lập phương án nhận chuyển giao công nghệ, trong đó nêu rõ nội dung chuyển giao cộng nghệ và giá ước tính của công nghệ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư. Bên nhận công nghệ phải chịu trách nhiệm về nội dung chuyển giao công nghệ và giá thanh toán cho công nghệ được chuyển giao theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư.
2. Trong trường hợp sử dụng nhiều nguồn vốn để nhận chuyển giao công nghệ, trong đó nguồn vốn nhà nước chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên thì phải theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 5. Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao
1. Ban hành kèm theo Nghị định này các danh mục công nghệ sau:
a) Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao (Phụ lục I);
b) Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (Phụ lục II);
c) Danh mục công nghệ cấm chuyển giao (Phụ lục III).
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm:
a) Tổ chức xác định các công nghệ cụ thể trong các danh mục quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Định kỳ hàng năm, căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý Nhà nước đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các danh mục công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm:
a) Hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về quy trình và tiêu chí xác định các công nghệ cụ thể thuộc các danh mục công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Thẩm định đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các danh mục công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này và tổng hợp trình Chính phủ quyết định.
Điều 6. Đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, nhưng các bên tham gia giao kết hợp đồng có quyền đăng ký nếu có nhu cầu. Trong trường hợp có nhu cầu đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thì trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên nhận công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam) thay mặt các bên gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ theo Điều 9 Nghị định này.
2. Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ là cơ sở để được hưởng các ưu đãi theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
3. Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ theo mẫu tại Phụ lục IV của Nghị định này.
Điều 7. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Đơn đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ;
Đơn đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Nghị định này.
b) Bản gốc hoặc bản sao có công chứng hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Hợp đồng phải được các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên tham gia hợp đồng là tổ chức.
2. Việc gửi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp chuyển giao công nghệ thuộc khoản 1 Điều 9 Nghị định này, bên nhận công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước) hoặc bên giao công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) thay mặt các bên gửi 03 (ba) bộ hồ sơ, trong đó có ít nhất 01 (một) bộ hồ sơ gốc đến Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Trường hợp chuyển giao công nghệ không thuộc khoản 1 Điều 9 Nghị định này, bên nhận công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước) hoặc bên giao công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) thay mặt các bên gửi 03 (ba) bộ hồ sơ, trong đó có ít nhất 01 (một) bộ hồ sơ gốc đến Sở Khoa học và Công nghệ, nơi bên nhận (hoặc bên giao) đặt trụ sở chính.
Điều 8. Đăng ký bổ sung, sửa đổi hợp đồng chuyển giao công nghệ
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, nếu các bên có thỏa thuận bổ sung, sửa đổi nội dung hợp đồng, thì phải gửi hợp đồng bổ sung, sửa đổi đến cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, sửa đổi hợp đồng.
2. Hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm:
a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển giao công nghệ;
Đơn đề nghị đăng ký sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển giao công nghệ theo mẫu tại Phụ lục V của Nghị định này.
b) Bản gốc hoặc bản sao có công chứng hợp đồng sửa đổi, bổ sung bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Hợp đồng phải được các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên tham gia hợp đồng là tổ chức.
3. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao tiếp nhận hồ sơ đăng ký sửa đổi, bổ sung hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
Điều 9. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ
1. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư.
Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được gửi 01 (một) bản cho sở Khoa học và Công nghệ, nơi bên nhận đặt trụ sở chính để phối hợp theo dõi và kiểm tra việc thực hiện hợp đồng.
2. Sở Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được gửi 01 (một) bản đến Bộ Khoa học và Công nghệ để quản lý tổng hợp.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và 2 Điều này có trách nhiệm xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 10. Chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp nhận công nghệ phải có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc sử dụng công nghệ tiếp nhận; có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực đủ trình độ để tiếp nhận, vận hành công nghệ một cách an toàn và phải chấp hành nghiêm chỉnh tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Đối với công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển giao công nghệ phải đảm bảo không gây phương hại đến lợi ích quốc gia.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao gửi hồ sơ đến Bộ Khoa học và Công nghệ để xin chấp thuận chuyển giao công nghệ.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với công nghệ có liên quan đến ngành, lĩnh vực mà Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét và ra văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ. Trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
Điều 11. Cấp phép chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao 
1. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định, cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định tại Điều 52 của Luật Chuyển giao công nghệ.
2. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, bên nhận công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước) hoặc  bên giao công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) thay mặt các bên gửi 03 (ba) bộ hồ sơ, trong đó có ít nhất 01 (một) bộ hồ sơ gốc đến Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định, cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ.
3. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp với quy định của pháp luật thì Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản yêu cầu bên đã gửi hồ sơ sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung hợp lệ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định, cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ. Trường hợp không cấp Giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung của Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu các bên tham gia hợp đồng không đáp ứng các yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ không còn giá trị.
4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ, nếu các bên muốn thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép chuyển giao công nghệ thì một trong các bên tham gia hợp đồng chuyển giao công nghệ phải thay mặt các bên nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép mới.
5. Giấy phép chuyển giao công nghệ theo mẫu tại phụ lục VI của Nghị định này.
Điều 12. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao bao gồm:
a) Đơn đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ;
b) Văn bản về tư cách pháp lý của bên đề nghị: bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép phù hợp ngành nghề được hoạt động;
c) Tài liệu giải trình về công nghệ;
d) Tài liệu giải trình về việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
Đơn đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ và nội dung cơ bản của tài liệu giải trình về công nghệ theo mẫu tại Phụ lục VII và Phụ lục VIII của Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ;
Đơn đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ theo mẫu tại Phụ lục IX của Nghị định này.
b) Văn bản về tư cách pháp lý của các bên tham gia hợp đồng: bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép phù hợp ngành nghề được hoạt động; Giấy xác nhận tư cách pháp lý đối với người đại diện, ký tên trong hợp đồng;
c) Văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;
d) Bản gốc hoặc bản sao có công chứng hợp đồng chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Hợp đồng phải được các bên ký kết, đóng dấu và có chữ ký tắt của các bên, đóng dấu giáp lai vào các trang của hợp đồng và phụ lục nếu một trong các bên tham gia hợp đồng là tổ chức;
đ) Danh mục tài liệu công nghệ, máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật (nếu có) kèm theo hợp đồng chuyển giao công nghệ;
e) Trong trường hợp có sử dụng vốn nhà nước phải gửi kèm văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư nhất trí với nội dung chuyển giao công nghệ và giá ước tính cho công nghệ được chuyển giao.
Điều 13. Chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ
1. Trường hợp trong dự án đầu tư hoặc trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị có nội dung chuyển giao công nghệ, khi lập dự án hoặc hợp đồng đó phải tách nội dung và chi phí chuyển giao công nghệ thành một phần riêng trong dự án hoặc hợp đồng.
2. Trường hợp công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì việc lập hồ sơ, cấp phép đối với phần chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Nghị định này.
3. Trường hợp công nghệ không  thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì việc lập hồ sơ, đăng ký đối với phần chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định này.
Điều 14. Hợp đồng chuyển giao công nghệ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy phép chuyển giao công nghệ
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ mà nội dung không có các đối tượng công nghệ quy định tại Điều 7 của Luật Chuyển giao công nghệ.
2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Chuyển giao công nghệ.
Điều 15. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ
1. Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Các bên không thực hiện việc chuyển giao công nghệ sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ;
b) Chuyển giao không đúng đối tượng công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy phép chuyển giao công nghệ;
c) Giả mạo giấy tờ để đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc đề nghị cấp phép chuyển giao công nghệ.
2. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ đã cấp.
3. Trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ và được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ mà bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ thì bên đã nhận ưu đãi phải hoàn trả nhà nước các khoản ưu đãi đã được nhận.
Điều 16. Báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ
1. Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ đã dược cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ và đã thực hiện được trên một năm, hằng năm bên nhận công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước) hoặc bên giao công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) có trách nhiệm lập báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ của năm trước gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và đã thực hiện được trên một năm, mà có sử dụng vốn nhà nước chiếm tỷ lệ từ 51% trở lên để thực hiện chuyển giao công nghệ, hằng năm bên nhận công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước) hoặc bên giao công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) có trách nhiệm lập báo cáo thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ của năm trước gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Sở Khoa học và Công nghệ, nơi đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.
3. Thời hạn gửi báo cáo thực hiện chuyển giao công nghệ là trước ngày mười lăm tháng 01 của năm kế tiếp.
4. Báo cáo hằng năm về tình hình thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ theo mẫu tại Phụ lục X của Nghị định này.
Điều 17. Thanh lý hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao
1. Việc thanh lý hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao phải được các bên lập biên bản thanh lý.
2. Bên nhận công nghệ hoặc bên giao công nghệ trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài gửi biên bản thanh lý hợp đồng chuyển giao công nghệ đến Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời hạn chậm nhất 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày thanh lý.
3. Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển giao công nghệ theo mẫu tại Phụ lục XI của Nghị định này.
Điều 18. Phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ
1. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ, bên nhận công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước) hoặc bên giao công nghệ (trong trường hợp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài) phải nộp phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ.
2. Bộ Tài chính hướng dẫn thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Điều 19. Nội dung giám định công nghệ
1. Xác định tình trạng pháp lý, các quyền đối với công nghệ được chuyển giao.
2. Xác định các chỉ tiêu của công nghệ đã được chuyển giao trong thực tế so với các chỉ tiêu công nghệ quy định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Điều 20. Quyền trưng cầu giám định công nghệ, quyền yêu cầu giám định
1. Cơ quan có quyền trưng cầu giám định công nghệ bao gồm:
a) Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ;
b) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo về chuyển giao công nghệ.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định công nghệ bao gồm:
a) Bên tham gia giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ;
b) Tổ chức cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi vi phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo vi phạm về chuyển giao công nghệ;
c) Tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan đến việc tranh chấp, vi phạm, khiếu nại, tố cáo về chuyển giao công nghệ.
Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định công nghệ, người yêu cầu giám định công nghệ
1. Người trưng cầu, yêu cầu giám định công nghệ có các quyền sau đây:
a) Được lựa chọn tổ chức giám định công nghệ đã được công nhận đáp ứng điều kiện giám định công nghệ;
b) Yêu cầu tổ chức giám định trả lời kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã được thỏa thuận;
c) Yêu cầu tổ chức giám định giải thích kết luận giám định;
d) Yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại theo quy định tại Điều 26 Nghị định này;
đ) Thỏa thuận về chi phí giám định công nghệ.
2. Người trưng cầu, yêu cầu giám định có các nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn và chính xác của các tài liệu, chứng cứ, thông tin liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên;
b) Trình bày rõ ràng, cụ thể những vấn đề thuộc nội dung cần trưng cầu, yêu cầu giám định;
c) Thanh toán chi phí giám định công nghệ theo thoả thuận.
3. Chi phí giám định công nghệ theo trưng cầu giám định hoặc theo yêu cầu giám định do các bên thoả thuận.
Điều 22. Tổ chức giám định công nghệ và giám định viên công nghệ
1. Tổ chức giám định công nghệ có thể là tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp.
2. Tổ chức giám định công nghệ phải có ít nhất hai giám định viên công nghệ.
3. Người đáp ứng đủ các điều kiện sau đây được công nhận là giám định viên công nghệ:
a) Có trình độ từ đại học, cao đẳng trở lên và có năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu và lĩnh vực công nghệ cần giám định;
b) Có ít nhất ba năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cần giám định;
c) Có chứng chỉ giám định về lĩnh vực công nghệ cần giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định nội dung kiểm tra nghiệp vụ giám định công nghệ.
5. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình hướng dẫn việc cấp chứng chỉ giám định công nghệ thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định công nghệ
1. Quyền của tổ chức giám định công nghệ:
a) Giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; thực hiện giám định theo đúng nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, thời hạn giám định; trong trường hợp cần phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết;
b) Từ chối giám định trong trường hợp đối tượng giám định, tài liệu liên quan không đủ hoặc không có giá trị để đưa ra kết luận giám định; người giám định có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định hoặc vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định nhưng đồng thời là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho một trong các bên liên quan trong vụ việc cần giám định;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp các tài liệu, hiện vật, thông tin liên quan đến đối tượng giám định;
d) Lựa chọn phương pháp cần thiết và phù hợp để tiến hành giám định; sử dụng kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn, ý kiến chuyên gia phục vụ việc giám định;
đ) Lập hồ sơ giám định, giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu.
2. Nghĩa vụ của tổ chức giám định công nghệ:
a) Bảo quản các hiện vật, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định; giữ bí mật về kết quả giám định, các thông tin, tài liệu giám định;
b) Độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định;
c) Bồi thường thiệt hại trong trường hợp đưa ra kết luận giám định sai sự thật, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan theo quy định pháp luật;
d) Tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục giám định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
Điều 24. Trưng cầu giám định công nghệ
1. Việc trưng cầu giám định phải lập thành văn bản.
2. Văn bản trưng cầu giám định phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ cơ quan trưng cầu giám định công nghệ; tên, chức vụ người có thẩm quyền trưng cầu giám định công nghệ;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định hoặc giám định viên;
c) Đối tượng, nội dung cần giám định;
d) Các tài liệu, hiện vật có liên quan;
đ) Thời hạn trả kết luận giám định.
Điều 25. Yêu cầu giám định công nghệ
1. Yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định công nghệ.
2. Hợp đồng dịch vụ giám định công nghệ phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cần giám định;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định công nghệ;
c) Nội dung cần giám định;
d) Các tài liệu, hiện vật có liên quan;
đ) Thời hạn trả kết luận giám định;
e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Điều 26. Giám định bổ sung, giám định lại
1. Giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng về các nội dung cần giám định hoặc có phát sinh tình tiết mới cần làm rõ. Yêu cầu giám định bổ sung và việc thực hiện giám định bổ sung phải tuân theo các quy định đối với giám định lần đầu.
2. Giám định lại được thực hiện trong trường hợp người trưng cầu, yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại có thể do tổ chức giám định, giám định viên đã giám định trước đó hoặc do tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện theo yêu cầu của người trưng cầu, yêu cầu giám định.
Điều 27. Văn bản kết luận giám định công nghệ
1. Văn bản kết luận giám định công nghệ là một trong các cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc.
2. Văn bản kết luận giám định công nghệ phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định công nghệ;
b) Tên, địa chỉ của cơ quan trưng cầu giám định hoặc tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;
c) Đối tượng, nội dung, phạm vi giám định;
d) Phương pháp thực hiện giám định;
đ) Kết luận giám định;
e) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành giám định.
3. Văn bản kết luận giám định phải có chữ ký của giám định viên thực hiện giám định công nghệ, người đứng đầu tổ chức giám định công nghệ và đóng dấu của tổ chức đó.
Điều 28. Dịch vụ chuyển giao công nghệ
1. Dịch vụ chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ quá trình tìm kiếm, giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ bao gồm đánh giá và định giá công nghệ, môi giới và tư vấn chuyển giao công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, hướng dẫn cụ thể về dịch vụ chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 29. Dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ, giám định công nghệ và tư vấn chuyển giao công nghệ
1. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ để cung cấp các dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ, giám định công nghệ và tư vấn chuyển giao công nghệ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức đánh giá, định giá công nghệ, giám định công nghệ và tư vấn chuyển giao công nghệ.
Điều 30. Kết quả đánh giá, định giá công nghệ
Kết quả đánh giá, định giá công nghệ phải được thể hiện bằng văn bản và là một trong những căn cứ để:
1. Các bên giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ tiến hành đàm phán, thỏa thuận giá công nghệ được chuyển giao;
2. Xem xét, xác định giá trị công nghệ chuyển giao từ kết quả nghiên cứu nếu có đầu tư của nhà nước; sử dụng vốn nhà nước để chuyển giao công nghệ; góp vốn bằng giá trị công nghệ khi các bên có yêu cầu;
3. Cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm hợp đồng chuyển giao công nghệ và giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Điều 31. Kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ
Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, Giấy phép chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 9, Điều 11 Nghị định này có trách nhiệm kiểm tra hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định pháp luật.
Điều 32. Chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ
1. Tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh bằng công nghệ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập được tạo ra từ công nghệ.
2. Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển. công nghệ, đổi mới công nghệ, bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách báo khoa học.
3. Máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần phải nhập khẩu phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ không chịu thuế giá trị gia tăng.
4. Doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ có tiếp nhận công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập được tạo ra do áp dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao trong bốn năm với điều kiện tổng giá trị miễn thuế không vượt quá 50% tổng kinh phí đầu tư cho đổi mới công nghệ.
5. Doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ để thực hiện dự án đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ việc thay thế, đổi mới công nghệ và nguyên liệu, vật tư, linh kiện dùng để sản xuất trong thời hạn năm năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất theo công nghệ mới.
6. Tổ chức chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao vào vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được giảm 50% thuế thu nhập đối với thu nhập từ việc chuyển giao công nghệ, cung cấp giống cây trồng, giống vật nuôi.
7. Cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ được miễn thuế thu nhập trong bốn năm, được giảm 50% thuế thu nhập phải nộp trong chín năm tiếp theo và được miễn thuế sử dụng đất.
8. Tổ chức, cá nhân tiếp nhận công nghệ tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được miễn phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ.
9. Trình tự, thủ tục giải quyết việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, phí thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế và phí có liên quan.
Điều 33. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Điều 34. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
Điều 35. Thống kê hoạt động chuyển giao công nghệ
1. Hằng năm vào tháng 01, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường đại học, trường cao đẳng và các cơ sở đào tạo khác có trách nhiệm báo cáo về tình hình đổi mới, chuyển giao công nghệ năm trước của đơn vị mình gửi về Sở Khoa học và Công nghệ, nơi doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường đại học, trường cao đẳng và các cơ sở đào tạo đặt trụ sở chính. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đổi mới, chuyển giao công nghệ hằng năm trong phạm vi cả nước.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể mẫu báo cáo, chế độ báo cáo và hướng dẫn thực hiện thống kê chuyển giao công nghệ.
Điều 36. Điều khoản chuyển tiếp
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ xác nhận đăng ký hoặc phê duyệt trước ngày Luật Chuyển giao công nghệ có hiệu lực vẫn tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn hợp đồng.
2. Hồ sơ đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đã nộp cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ từ ngày 01 tháng 7 năm 2007 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy phép chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.
Điều 37. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Điều 38. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

Nguyễn Tấn Dũng

Phụ lục I

DANH MỤC CÔNG NGHỆ KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN GIAO ([1])

(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

 

1. Công nghệ nano.

2. Công nghệ chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MENS), hệ thống nano cơ điện tử (NEMS) và thiết bị sử dụng MENS, NEMS.

3. Công nghệ sản xuất mạch tích hợp, các bộ nhớ dung lượng cao.

4. Công nghệ sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD), plasma.

5. Công nghệ chế tạo các thiết bị đo chính xác kỹ thuật số.

6. Công nghệ chế tạo các đầu cảm biến, các thiết bị đo điện tử.

7. Công nghệ chế tạo robot.

8. Công nghệ vũ trụ.

9. Công nghệ chế tạo các hệ mô phỏng giao tiếp người - máy thông qua ý nghĩ, cử chỉ, ngôn ngữ và hình ảnh.

10. Công nghệ ứng dụng mạng nơron trong xử lý ảnh.

11. Công nghệ chế tạo thiết bị cộng hưởng từ chẩn đoán bằng hình ảnh.

12. Công nghệ chế tạo các máy chụp X-quang cao tần, máy điện não, thiết bị laser dùng trong y tế.

13. Công nghệ gia công vật liệu bằng siêu âm, tia lửa điện, plasma, laser, điều khiển kỹ thuật số.

14. Công nghệ chế tạo kim loại có độ tinh khiết cao.

15. Công nghệ chế tạo vật liệu xây dựng có tính năng đặc biệt.

16. Công nghệ sản xuất vật liệu dễ phân hủy, thân môi trường.

17. Công nghệ chế tạo các vật liệu composit dạng dẻo, dạng bimetal.

18. Công nghệ chế tạo vật liệu gốm, sợi thủy tinh đặc biệt, sợi quang, sợi cacbon.

19. Công nghệ sản xuất chất xúc tác và vật liệu mới.

20. Công nghệ luyện, cán, kéo kim loại đặc biệt.

21. Công nghệ xử lý hàm lượng kẽm cao trong sản xuất gang.

22. Công nghệ sản xuất pin lithium, pin mặt trời.

23. Công nghệ sản xuất các loại sơn không sử dụng dung môi hữu cơ và kim loại nặng.

24. Công nghệ biển.

25. Công nghệ thiết kế tàu thủy cỡ lớn, tàu có tính năng phức tạp.

26. Công nghệ chế tạo thiết bị điều chỉnh tự động từ xa (nhiệt độ, áp suất, điện áp, lưu lượng, vòng quay) trên tàu thủy.

27. Công nghệ chế tạo nghi khí hàng hải cho tàu thủy và công trình biển.

28. Công nghệ giảm tổn thất điện năng trong truyền tải điện.

29. Công nghệ sản xuất các sản phẩm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.

30. Công nghệ sản xuất điện sử dụng năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, thủy triều, sóng biển, sinh khối.

31. Công nghệ sản xuất nhiên liệu mới.

32. Công nghệ chế tạo tuabin thủy điện công suất trên 60 MW.

33. Công nghệ nhân, tạo giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao.

34. Công nghệ điều khiển thời gian ra hoa, kết trái và thu hoạch của các loại cây trồng.

35. Công nghệ tự động hóa quá trình chăn nuôi, trồng trọt và thu hoạch các loại rau, hoa, quả.

36. Công nghệ tưới tiết kiệm nước.

37. Công nghệ bảo quản lạnh trứng, hợp tử động vật.

38. Công nghệ sản xuất vắc-xin bảo vệ sức khỏe người, động vật.

39. Công nghệ giống, nuôi cá ngừ đại dương, tôm hùm, bào ngư, sò huyết, trai lấy ngọc, san hô.

40. Công nghệ sản xuất giống tôm sú bố, mẹ sạch bệnh.

41. Công nghệ phát hiện sớm túi nước, túi khí CnHn+2.

42. Công nghệ thi công công trình biển, công trình ngập trong nước.

43. Công nghệ cắt, hàn dưới nước.

44. Công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học (màng sinh học, màng thẩm thấu ngược).

45. Công nghệ nuôi tế bào gốc người, động vật.

46. Công nghệ sản xuất các bộ phận nhân tạo của con người.

47. Công nghệ sản xuất thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tiểu đường, HIV/AIDS, thuốc cai nghiện ma túy, thuốc phục vụ sinh đẻ có kế hoạch.

48. Công nghệ phát hiện, thu gom, giám sát và xử lý các loại chất thải nguy hại.

49. Công nghệ dự báo bão, lũ, động đất, sóng thần và các hiện tượng thiên tai khác.

50. Các công nghệ hiện đại hóa ngành nghề truyền thống.


[1]              Được áp dụng đối với công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam.

Phụ lục II

DANH MỤC CÔNG NGHỆ HẠN CHẾ CHUYỂN GIAO

(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

 

I. Công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam

1. Công nghệ sản xuất đèn chiếu sáng bằng sợi đốt trong khí trơ.

2. Công nghệ sản xuất linh kiện điện tử chân không, linh kiện bán dẫn mức độ tích hợp thấp.

3. Công nghệ đồng phân hóa sử dụng các axit flohydric, axit sulfuric làm xúc tác.

4. Công nghệ sản xuất bột ôxit titan có sử dụng axit sulfuric.

5. Công nghệ sản xuất các loại mạch in 1 lớp, 2 lớp.

6. Công nghệ in tiền và các loại giấy có mệnh giá.

7. Công nghệ tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp biến đổi gien trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

8. Công nghệ sản xuất các loại thuốc sát trùng gia dụng, thuốc diệt côn trùng, diệt chuột bằng phương pháp sinh học.

9. Công nghệ sử dụng hóa chất độc trong nuôi, trồng và chế biến thủy sản.

10. Công nghệ sử dụng các loài sinh vật phi bản địa làm tác nhân xử lý, chỉ thị môi trường.

11. Công nghệ làm giàu các chất phóng xạ.

II. Công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài.

12. Công nghệ sản xuất giống, nuôi, trồng thủy sản thuộc sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

13. Công nghệ sản xuất thực phẩm thuộc ngành nghề truyền thống có sử dụng các chủng giống vi sinh vật có đặc tính quý hiếm.

Phụ lục III

DANH MỤC CÔNG NGHỆ CẤM CHUYỂN GIAO

(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

 

I. Công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam.

1. Công nghệ sản xuất axit sulfuric bằng phương pháp tiếp xúc đơn, hấp thụ đơn.

2. Công nghệ in, sắp chữ bằng bản chì.

3. Công nghệ sản xuất pin bằng phương pháp hồ điện dịch.

4. Công nghệ điện phân dùng điện cực thủy ngân.

5. Công nghệ sản xuất sơn sử dụng thủy ngân.

6. Công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa nổ bằng phương pháp thủ công.

7. Công nghệ sản xuất xi măng lò đứng.

8. Công nghệ sản xuất xi măng lò quay bằng phương pháp ướt.

9. Công nghệ nhân bản vô tính phôi người.

10. Công nghệ điều chế chất ma túy.

11. Công nghệ phá sóng, chèn sóng vô tuyến điện.

12. Công nghệ vô hiệu hóa các thiết bị ghi âm, ghi hình, đo, đếm, tính tải trọng, tốc độ phương tiện giao thông, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu an ninh.

13. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng.

14. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị tính thời gian sử dụng điện thoại

15. Công nghệ vô hiệu hóa thiết bị kiểm tra, phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, ma túy và đồ vật nguy hiểm khác, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu an ninh.

16. Công nghệ sản xuất các loại vũ khí, khí tài, vật liệu nổ quân sự, trang thiết bị kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ, phương tiện vô hiệu hóa các thiết bị phát hiện việc truy cập mạng máy tính điện tử, trừ trường hợp phục vụ nhu cầu an ninh, quốc phòng.

II. Công nghệ chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài

17. Công nghệ cấm chuyển giao theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

PHỤ LỤC IV

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

Tên cơ quan
cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

 

Tỉnh (thành phố), ngày … tháng … năm ….

 

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ
HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Nghị định số …/2008/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Căn cứ đơn đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ đề ngày … tháng  … năm … và hồ sơ hợp đồng chuyển giao công nghệ của (tên tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ) …., nộp ngày … tháng … năm …….,

CHỨNG NHẬN

Hợp đồng: ………………………………………………
(Tên Hợp đồng, lĩnh vực sản xuất dịch vụ, tên và ký mã hiệu sản phẩm …)

Ký ngày: …………………………………………………..

Bản gốc (hoặc bản sao) bằng tiếng Việt gồm: …….. trang, trong đó có các Phụ lục số … ...

Bên giao

Tên:

Địa chỉ:

Bên nhận:

Tên:

Địa chỉ:

Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, ….) số … ngày … tháng … năm … (tên cơ quan cấp) …..

Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tại … (tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ).

Số đăng ký: …./……., Quyển số: …….., ngày … tháng … năm ….

 

 

Tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận
đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

(Chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu)

PHỤ LỤC V

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Tỉnh (thành phố), ngày … tháng … năm ….

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ
HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Kính gửi:

Bộ Khoa học và Công nghệ
hoặc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh (thành phố) …

I. Các Bên tham gia hợp đồng chuyển giao công nghệ:

1. Bên giao công nghệ:

Tên (tổ chức, cá nhân):

Địa chỉ:

Tel:                   ; Email:             ; Fax:

Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:

Tên người đại diện:                    ; chức danh:

2. Bên nhận công nghệ:

Tên:

Địa chỉ:

Tel:                   ; Email:             ; Fax:

Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:

Tên người đại diện:                    ; chức danh:

II. Nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ:

1. Sản phẩm của công nghệ được chuyển giao:

- Tên, ký hiệu sản phẩm.

- Tiêu chuẩn chất lượng (theo tiêu chuẩn cơ sở, Việt Nam, quốc tế …).

- Sản lượng:

- Tỷ lệ xuất khẩu (nếu xác định được):

2. Nội dung chuyển giao công nghệ:

Nội dung

Không

Ghi chú

+ Bí quyết công nghệ

0

0

 

+ Tài liệu kỹ thuật

0

0

 

+ Đào tạo

0

0

 

+ Trợ giúp kỹ thuật

0

0

 

+ Li xăng các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa …)

0

0

Số đăng ký:

III. Các văn bản kèm theo Đơn đề nghị đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ:

- Hợp đồng bằng tiếng Việt

0, số lượng bản: ….

- Hợp đồng bằng tiếng (nước ngoài) …………

0, số lượng bản: ….

- Các văn bản khác:

 

+ Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, …) của các bên tham gia hợp đồng.

0

+ Giấy xác nhận tư cách pháp lý của người đại diện các bên tham gia hợp đồng

0

+ Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có sử dụng vốn nhà nước)

0

+ Giấy ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động chuyển giao công nghệ)

0

Chúng tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 

TM. CÁC BÊN
BÊN NHẬN

(chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu) đối với chuyển giao công nghệ trong nước hoặc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
hoặc
BÊN GIAO

(chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu) đối với chuyển giao công nghệ từ
Việt Nam ra nước ngoài

Lưu ý: Đối với ô trống 0, nếu có (hoặc đúng) thì đánh dấu X vào trong ô trống.

PHỤ LỤC VI

MẪU GIẤY PHÉP CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: …../………….

Hà Nội, ngày … tháng … năm ….

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

- Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Nghị định số ……../2008/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

- Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Căn cứ Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, ….) số … ngày ……… tháng … năm …. của (tên cơ quan cấp) ….

- Căn cứ văn bản chấp thuận chuyển giao công nghệ số … ngày … tháng … năm … của Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Căn cứ Đơn đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ đề ngày … tháng … năm … của (tên tổ chức cá nhân) …………. và hồ sơ hợp đồng chuyển giao công nghệ nộp ngày … tháng … năm ….;

- Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép chuyển giao công nghệ giữa ………… (bên giao) và ……… (bên nhận) trong hợp đồng chuyển giao công nghệ ký ngày … tháng … năm ……………….

Điều 2. Trách nhiệm của bên giao

Điều 3. Trách nhiệm của bên nhận

Điều ……… Giấy phép này được lập thành … bản gốc:

- Một bản cấp cho bên giao;

- Một bản cấp cho bên nhận;

- Một bản gửi cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư,

- Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, ….);

- Một bản gửi cơ quan quản lý tài chính;

- Một bản gửi cơ quan quản lý thuế tỉnh (thành phố) …;

- Một bản đăng ký tại Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ;

- Một bản lưu tại Văn thư Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

 

BỘ TRƯỞNG

PHỤ LỤC VII

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Tỉnh (thành phố), ngày … tháng … năm ….

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ.

1. Bên có nhu cầu tiếp nhận (hoặc chuyển giao) công nghệ:

Tên (tổ chức, cá nhân):

Địa chỉ:

Tel:                   ; Email:             ; Fax:

Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, …) số … ngày … tháng … năm …….. của (tên cơ quan cấp) ….

Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:

Tên người đại diện; chức danh:

2. Bên cung cấp công nghệ (hoặc tiếp nhận công nghệ):

Là chủ sở hữu công nghệ (hoặc có quyền chuyển giao công nghệ):

Tên:

Địa chỉ:

Tel:                   ; Email:             ; Fax:

Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:

Tên người đại diện; chức danh:

3. Tên công nghệ dự kiến tiếp nhận (hoặc chuyển giao):

4. Các văn bản kèm theo đơn đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ:

4.1. Tài liệu giải trình về công nghệ.

4.2. Tài liệu giải trình về việc đáp ứng các điều kiện để tiếp nhận hoặc chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.

4.3. Các văn bản khác:

+ Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, …) số … ngày … tháng … năm … của (tên cơ quan cấp) …………….

0

+ Ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư (nếu có sử dụng vốn nhà nước Việt Nam)

0

+ Giấy ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện thủ tục đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ)

0

Chúng tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 

BÊN CÓ NHU CẦU TIẾP NHẬN
HOẶC CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

(chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu)

PHỤ LỤC VIII

MẪU TÀI LIỆU GIẢI TRÌNH CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

NỘI DUNG CHÍNH CỦA TÀI LIỆU GIẢI TRÌNH CÔNG NGHỆ

1. Sự cần thiết chuyển giao công nghệ:

Phân tích, đánh giá về thực trạng công nghệ hiện có và nhu cầu chuyển giao công nghệ.

2. Thuyết minh về công nghệ:

a) Tên công nghệ.

b) Nguồn gốc xuất xứ công nghệ.

c) Sản phẩm do công nghệ tạo ra.

d) Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

đ) Thị trường tiêu thụ sản phẩm (trong nước, xuất khẩu).

e) Công nghệ đã được áp dụng vào thực tế (hoặc chưa được áp dụng vào thực tế).

g) Nội dung chuyển giao công nghệ:

- Bí quyết kỹ thuật.

- Tài liệu và thông tin công nghệ.

- Đào tạo.

- Trợ giúp kỹ thuật.

- Li xăng đối tượng sở hữu công nghiệp.

h) Sơ đồ và quy trình công nghệ.

i) Các yêu cầu về nhân lực.

k) Các máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ.

l) Nhu cầu sử dụng nhiên, nguyên, vật liệu đối với công nghệ chuyển giao.

m) Các cơ sở hạ tầng cần thiết trong trường hợp tiếp nhận công nghệ.

3. Dự kiến kết quả chuyển giao công nghệ đạt được:

 

 

Tỉnh (thành phố), ngày … tháng … năm ….
BÊN CÓ NHU CẦU TIẾP NHẬN
HOẶC CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

(chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu)

PHỤ LỤC IX

MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Tỉnh (thành phố), ngày … tháng … năm ….

 

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ.

I. Các bên tham gia hợp đồng chuyển giao công nghệ:

1. Bên giao công nghệ:

Tên (tổ chức, cá nhân):

Địa chỉ:

Tel:                   ; Email:             ; Fax:

Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:

Tên người đại diện; chức danh:

2. Bên nhận công nghệ:

Tên:

Địa chỉ:

Tel:                   ; Email:             ; Fax:

Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính:

Tên người đại diện:                                ; chức danh:

II. Sản phẩm của công nghệ được chuyển giao:

1. Tên, ký hiệu sản phẩm:

2. Tiêu chuẩn chất lượng (theo tiêu chuẩn cơ sở, Việt Nam, quốc tế):

3. Sản lượng:

4. Tỷ lệ xuất khẩu:

III. Nội dung hợp đồng:

1. Quyền liên quan đến công nghệ được chuyển giao:

+ Phạm vi lãnh thổ được chuyển giao công nghệ:

+ Sản xuất: Độc quyền                           0 /Không độc quyền                               0,

+ Công nghệ: Được chuyển giao lại        0 /Không được chuyển giao lại               0,

+ Bán hàng: Độc quyền trong lãnh thỗ     0 /Không độc quyền trong lãnh thổ          0

Được xuất khẩu                                    0 /không được xuất khẩu                       0

2. Nội dung chuyển giao công nghệ:

Nội dung

Không

Ghi chú

+ Bí quyết công nghệ

0

0

 

+ Tài liệu kỹ thuật

0

0

 

+ Đào tạo

0

0

 

+ Trợ giúp kỹ thuật

0

0

 

+ Li xăng các đối tượng sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa …)

0

0

 

3. Thời hạn hợp đồng chuyển giao công nghệ:

IV. Các văn bản kèm theo đơn đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

- Hợp đồng bằng tiếng Việt

0, số lượng: ….

- Hợp đồng bằng tiếng nước ngoài …………

0, số lượng: ….

- Tài liệu giải trình công nghệ (Phụ lục 8)

0

- Dự kiến chi phí chuyển giao công nghệ phải trả từng năm và tổng giá thanh toán trong suốt thời hạn hợp đồng.

0

- Các văn bản khác:

 

+ Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, …) của các bên tham gia hợp đồng.

0

+ Giấy xác nhận tư cách pháp lý của người đại diện các bên tham gia hợp đồng

0

+ Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có sử dụng vốn nhà nước)

0

+ Giấy ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ)

0

Chúng tôi xin cam đoan những lời khai trên đây là đúng sự thật, nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

 

TM. CÁC BÊN
BÊN NHẬN

(chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu) đối với chuyển giao công nghệ trong nước hoặc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
hoặc
BÊN GIAO

(chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu) đối với chuyển giao công nghệ từ
Việt Nam ra nước ngoài

Lưu ý: Đối với ô trống 0, nếu có (hoặc đúng) thì đánh dấu X vào trong ô trống.

PHỤ LỤC X

MẪU BÁO CÁO NĂM VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Tỉnh (thành phố), ngày … tháng … năm ….

 

BÁO CÁO NĂM ……….
VỀ VIỆC THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Kính gửi:

Tên cơ quan đã cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ)

1. Tên Bên nhận công nghệ:

2. Địa chỉ:

3. Giấy chứng nhận đầu tư (hoặc Giấy phép đầu tư, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, …) số … ngày …. tháng  … năm … của (tên cơ quan cấp) …

4. Ngày chính thức hoạt động:

5. Các vấn đề về hoạt động chuyển giao công nghệ:

+ Tên hợp đồng chuyển giao công nghệ

Giấy phép chuyển giao công nghệ (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ) số … ngày … tháng … năm … của (tên cơ quan cấp) …..

+ Ngày sản xuất thương mại có sử dụng công nghệ chuyển giao

5.1. Số lượng sản phẩm đã sản xuất trong năm theo công nghệ được chuyển giao:

5.2. Chất lượng sản phẩm so với quy định trong hợp đồng

Đạt £                           Không đạt £

5.3. Nội dung công nghệ đã chuyển giao trong năm:

 

Theo hợp đồng

Đã thực hiện

5.3.1. Tài liệu (hoặc bí quyết) đã chuyển giao cho Bên nhận (tên tài liệu, bí quyết):

……………………

………………………

5.3.2. Đào tạo:

 

 

- Số người x ngày được đào tạo ở nước ngoài:

 

 

Cán bộ lãnh đạo

………… người.ngày

………… người.ngày

Kỹ sư

………… người.ngày

………… người.ngày

Công nhân, nhân viên

………… người.ngày

………… người.ngày

- Số người x ngày được đào tạo tại Việt Nam:

 

 

Cán bộ lãnh đạo

………… người.ngày

………… người.ngày

Kỹ sư

………… người.ngày

………… người.ngày

Công nhân, nhân viên

………… người.ngày

………… người.ngày

5.3.3. Hỗ trợ kỹ thuật:

 

 

- Số người x ngày chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật tại Việt Nam

………… người.ngày

………… người.ngày

5.3.4. Các phát sinh liên quan đến chuyển giao công nghệ (nếu có):

……………………..

………………………

- Nội dung:

 

 

5.4. Chi phí đã thanh toán cho chuyển giao công nghệ trong năm: ……………………………..

 

 

TM. CÁC BÊN
BÊN NHẬN CÔNG NGHỆ

(Chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC XI

MẪU BIÊN BẢN THANH LÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Tỉnh (thành phố), ngày … tháng … năm ….

 

BIÊN BẢN THANH LÝ HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Nghị định số ……../2008/NĐ-CP ngày … tháng … năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Căn cứ Giấy phép chuyển giao công nghệ (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ) số … ngày … tháng … năm … của (tên cơ quan cấp) …;

Căn cứ Hợp đồng chuyển giao công nghệ ký ngày … tháng … năm … giữa (bên nhận công nghệ) ………… và (bên giao công nghệ) …….. (sau đây gọi là hợp đồng),

Hôm nay, ngày … tháng … năm … tại …………………. các bên tham gia hợp đồng chuyển giao công nghệ tiến hành thanh lý hợp đồng với những nội dung chính như sau:

1. Tổng vốn đầu tư (nếu chuyển giao công nghệ theo dự án đầu tư):

+ Phần xây dựng nhà xưởng:

+ Phần thiết bị:

2. Bên giao đã hoàn tất việc chuyển giao công nghệ với các nội dung sau đây:

2.1. Ngày chính thức đưa công nghệ vào sản xuất:

2.2. Số lượng sản phẩm đã sản xuất theo công nghệ được chuyển giao:

2.3. Chất lượng sản phẩm so với quy định trong hợp đồng:

Đạt £                           Không đạt £

2.4. Nội dung công nghệ đã chuyển giao:

 

Theo hợp đồng

Đã thực hiện

2.4.1. Tài liệu (hoặc bí quyết) đã chuyển giao cho Bên nhận (tên tài liệu, bí quyết):

……………………

………………………

2.4.2. Đào tạo:

…………………….

……………….

- Số người x ngày được đào tạo ở nước ngoài:

 

 

Cán bộ lãnh đạo

………… người.ngày

………… người.ngày

Kỹ sư

………… người.ngày

………… người.ngày

Công nhân, nhân viên

………… người.ngày

………… người.ngày

- Số người x ngày được đào tạo tại Việt Nam:

 

 

Cán bộ lãnh đạo

………… người.ngày

………… người.ngày

Kỹ sư

………… người.ngày

………… người.ngày

Công nhân, nhân viên

………… người.ngày

………… người.ngày

2.4.3. Hỗ trợ kỹ thuật:

 

 

- Số người x ngày chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật tại Việt Nam

………… người.ngày

………… người.ngày

2.4.4. Các phát sinh liên quan đến chuyển giao công nghệ (nếu có):

……………………..

………………………

- Nội dung:

 

 

2.5. Tổng chi phí cho chuyển giao công nghệ trong thời hạn hợp đồng:

…………………

…………………….

2.5.1. Chi phí ứng trước (nếu có):

………………..

……………….

2.5.2. Chi phí còn lại:

 

 

2.5.3. Tổng chi phí:

 

 

3. Hai bên xác nhận rằng công nghệ được chuyển giao đã được đưa vào sản xuất, kinh doanh đạt kết quả theo đúng nội dung xác định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.

4. Những nội dung chưa đạt (hoặc thay đổi) so với hợp đồng chuyển giao công nghệ …

 

Biên bản này được lập thành … bản bằng ……….. (ngôn ngữ) và …….. bản bằng ………. (ngôn ngữ) có giá trị như nhau, trong đó 01 (một) bản được gửi cho cơ quan đã cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ).

 

BÊN GIAO CÔNG NGHỆ(*)
(Chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu)

BÊN NHẬN CÔNG NGHỆ(*)
(Chữ ký, tên, chức vụ người ký và đóng dấu)

 

(*) Đây là biên bản thanh lý Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc Hợp đồng chuyển giao công nghệ trong nước.

 


[1] Được áp dụng đối với các công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển giao trong lãnh thổ Việt Nam

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
---------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 133/2008/ND-CP

Hanoi, December 31, 2008

 

DECREE

DETAILING AND GUIDING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON TECHNOLOGY TRANSFER

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the November 29, 2005 Law on Technology Transfer;

At the proposal of the Minister of Science and Technology,

DECREES:

Article 1. Scope of regulation

This Decree details and guides the implementation of a number of articles of the Law on Technology Transfer regarding technology transfer contracts, technology evaluation services and measures to encourage and promote technology transfer.

Article 2. Making of technology transfer contracts

1. Technology transfer and entry into technology transfer contracts comply with Article 12 and Clause 1, Article 14 of the Law on Technology Transfer and other relevant provisions of law.

2. In case a technology transferor transfers to a technology transferee more than one subject matter of technology, they may make a common contract or several different contracts, provided that these contracts do not have contents on the same transferred technology.

In case a technology transferor transfers a technology accompanied with machinery, equipment and technical devices, a list of and agreements on these machinery, equipment and technical devices must be provided in the transfer contract or annexes thereof.

3. A technology transfer contract involving the transferred subject matter being documents on technologies which contain technical solutions, technical know-how, engineering drawings, formulas or technological processes must specifically indicate the titles and contents of these documents.

4. For a technology transfer contract with a technological training content, the contracting parties shall include in the contract or annex thereof their agreements on the number of technical workers and technicians; sectors or professions in which the training is provided; training expenses, duration and places, ensuring that transferees can absorb and master transferred technologies after the training.

5. For a technology transfer contract with a content that the technology transferor shall send technical consultants to provide technical assistance or consultancy to the technology transferee in applying transferred technologies to production, the contracting parties shall include in the contract or annex thereof their agreements on the number of consultants; technical assistance and consultancy contents, duration and expenses, ensuring that the transferee can turn out products up to quality standards and solve difficulties in the course of application of transferred technologies to production.

Article 3. Payment methods under technology transfer contracts

Contracting parties may agree on payment by any of the following methods:

1. Payment in lump sum or installments in cash or in kind;

2. Conversion of the technology value into contributions as capital to an investment project or to an enterprise;

In case the contracting parties agree on contribution of technologies as capital, only after the technology transfer is completed with these parties' certification can the technology value be accounted by contribution of the technology transferor to the investment project or enterprise;

3. Payment on a seasonal basis at a percentage (%) of the net selling price.

The net selling price is determined to equal the selling price of products or services turned out by the transferred technology (according to sale invoices) minus value-added tax, excise tax, export duty (if any); costs of semi-finished products, parts, details and components imported or purchased at home; package material and packaging costs, freight for transportation of products to outlets, and advertisement expenses;

4. Payment at a percentage (%) of the net turnover.

The net turnover is determined to equal the turnover from sale of goods or provision of services turned out by the transferred technology minus turnover reductions including commercial discounts, price reductions of goods sold, returned goods;

5. Payment at a percentage (%) of the pre-tax profit of the transferee.

The pre-tax profit is determined to equal the net turnover minus total reasonable expenses for the production of marketed products with the transferred technology;

6. Combination of payment methods specified in Clauses 1, 2, 3, 4 and 5 of this Article.

Article 4. Technology transfer funded with state capital

1. When using state capital for receiving a transferred technology under an investment project, a technology transferee shall work out a plan on receipt of the transferred technology, clearly stating technology transfer contents and the estimated price of the technology, then submit it to an agency with investment-deciding competence. The technology transferee shall take responsibility for technology transfer contents and the payment price of the transferred technology under a decision of the agency with investment-deciding competence.

2. Cases in which capital of many sources is used for receiving a transferred technology, of which state capital accounts for 51% or more, comply with Clause 1 of this Article.

Article 5. List of technologies encouraged for transfer, list of technologies restricted from transfer and list of technologies banned from transfer

1. Enclosed with this Decree are the following lists:

a/ A list of technologies encouraged for transfer (Appendix I);

b/ A list of technologies restricted from transfer (Appendix II);

c/ A list of technologies banned from transfer (Appendix III).

2. Ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies shall:

a/ Organize the identification of specific technologies on the lists mentioned in Clause 1 of this Article;

b/ Annually, based on the socio-economic development situation and state management requirements, propose amendments and supplements to the lists of technologies mentioned in Clause 1 of this Article.

3. The Ministry of Science and Technology shall:

a/ Guide ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies in procedures and criteria for identifying specific technologies on the lists of technologies mentioned in Clause 1 of this Article;

b/ Consider proposals of ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies on amendment or supplementation of the lists of technologies mentioned in Clause 1 of this Article and sum up and submit them to the Government for decision.

Article 6. Registration of technology transfer contracts

1. Technology transfer contracts are not subject to compulsory registration but contracting parties may register their contracts if they so wish. If wishing to register a technology transfer contract, a technology transferee (in case of transfer of a technology from abroad into Vietnam) shall, within 90 days after entering into the contract, file on behalf of the contracting parties a dossier with an agency competent to issue technology transfer contract registration certificates under Article 9 of this Decree.

2. For contracts for transfer of technologies on the list of technologies encouraged for transfer, technology transfer contract registration certificates serve as a basis for enjoying the incentives provided in this Decree and relevant laws.

3. Technology transfer contract registration certificates are made according to a form provided in Appendix IV to this Decree (not printed herein).

Article 7. Dossiers for registration of technology transfer contracts

1. A dossier for registration of a technology transfer contract comprises:

a/ An application for registration of the technology transfer contract;

This application shall be made according to a form provided in Appendix V to this Decree (not printed herein).

b/ The original or a notarized copy of the technology transfer contract in Vietnamese and a foreign language. The contract must be signed and sealed by the contracting parties and must be initialed and sealed by the contracting parties on every two adjoining pages and annexes in case a contracting party is an organization.

2. The filing of dossiers for registration of technology transfer contracts must comply with the following regulations:

a/ For cases of technology transfer specified in Clause 1, Article 9 of this Decree, the technology transferee (in case of transfer of a technology from abroad into Vietnam or within the country) or the technology transferor (in case of transfer of a technology from Vietnam abroad) shall file on behalf of the contracting parties 3 (three) dossier sets, including at least 1 (one) original, with the Ministry of Science and Technology;

b/ For cases of technology transfer not specified in Clause 1, Article 9 of this Decree, the technology transferee (in case of transfer of a technology from abroad into Vietnam or within the country) or the technology transferor (in case of transfer of a technology from Vietnam abroad) shall file on behalf of the contracting parties 3 (three) dossier sets, including at least 1 (one) original, with the provincial-level Science and Technology Service in the locality where the transferee (or the transferor) is headquartered.

Article 8. Registration of modification of technology transfer contracts

1. If parties to a technology transfer contract for which a technology transfer registration certificate has been issued agree to modify the contract, they shall send the modified contract to the agency that has issued the registration certificate for issuance of a certificate of registration of modification of the contract.

2. A dossier for registration of modification of a technology transfer contract comprises:

a/ An application for registration of modification of the technology transfer contract;

This application shall be made according to a form provided in Appendix V to this Decree (not printed herein).

b/ The original or a notarized copy of the modified contract in Vietnamese and a foreign language. The contract must be signed and sealed by the contracting parties and must be initialed and sealed by the contracting parties on every two adjoining pages and annexes in case a contracting party is an organization.

3. The agency competent to register technology transfer contracts for technologies encouraged for transfer shall receive dossiers for registration of modification of technology transfer contracts specified in Clause 2, Article 7 of this Decree.

Article 9. Competence to issue technology transfer contract registration certificates

1. The Ministry of Science and Technology shall issue technology transfer contract registration certificates for technologies of investment projects in which investment is approved by the Prime Minister.

One copy of a technology transfer contract registration certificate shall be sent to the provincial-level Science and Technology Service in the locality where the transferee is headquartered for coordinated monitoring and inspection of contract performance.

2. Provincial-level Science and Technology Services shall issue technology transfer contract registration certificates for technologies other than those specified in Clause 1 of this Article.

One copy of a technology transfer contract registration certificate shall be sent to the Ministry of Science and Technology for management.

3. Within 15 days after receiving a valid dossier, the competent agency specified in Clause 1 or 2 of this Article shall examine the dossier and issue a technology transfer contract registration certificate. In case of refusal to issue a techno-logy transfer contract registration certificate, it shall reply in writing, clearly stating the reason.

Article 10. Approval of technology transfer for technologies on the list of technologies restricted from transfer

1. Organizations and individuals that wish to receive or transfer technologies on the list of technologies restricted from transfer must fully satisfy the following conditions:

a/ For technologies transferred from abroad into Vietnam: Organizations and individuals that wish to receive these technologies must have functions and tasks directly related to the use of to-be-received technologies; have sufficient material foundation and qualified personnel to receive and safely operate technologies; and shall strictly observe national standards and technical regulations;

b/ For technologies transferred from Vietnam abroad: Organizations and individuals that wish to transfer these technologies shall ensure that the technology transfer is not prejudicial to national interests.

2. Organizations and individuals that wish to receive or transfer technologies on the list of technologies restricted from transfer shall file dossiers with the Ministry of Science and Technology for approval.

3. The Ministry of Science and Technology shall coordinate with other ministries and ministerial-level agencies in approving transfers of technologies related to branches or domains under the management of these ministries and ministerial-level agencies.

4. Within 30 days after receiving a valid dossier, the Ministry of Science and Technology shall examine it and issue a written approval of technology transfer. In case of disapproval, it shall reply in writing, clearly stating the reason.

5. Dossiers of application for approval of transfers of technologies on the list of technologies restricted from transfer comply with Clause I, Article 12 of this Decree.

Article 11. Licensing of transfer of technologies on the list of technologies restricted from transfer

1. The Ministry of Science and Technology shall evaluate and issue technology transfer licenses for technologies on the list of technologies restricted from transfer specified in Article 52 of the Law on Technology Transfer.

2. Within 60 days after entering into a technology transfer contract, the technology transferee (in case of transfer of a technology from abroad into Vietnam or within the country) or the technology transferor (in case of transfer of a technology from Vietnam abroad) shall file on behalf of the contracting parties 3 (three) sets of the dossier of application for a technology transfer license, including at least 1 (one) original, with the Ministry of Science and Technology.

3. Within 10 days after receiving a valid dossier, the Ministry of Science and Technology shall examine it and issue a technology transfer license.

3. In case the dossier is incomplete or improper according to law, the Ministry of Science and Technology shall request in writing the party that has filed the dossier to modify it. Within 10 days after receiving the duly modified dossier, the Ministry of Science and Technology shall examine it and issue a technology transfer license. In case of refusal to issue a license, it shall reply in writing, clearly stating the reason.

Past 60 days after receiving the Ministry of Science and Technology's written request for dossier modification, if the contracting parties fail to comply with such request, their dossier of application for a technology transfer license will become invalid.

4. In the course of performance of a technology transfer contract for which a technology transfer license has been issued, if the contracting parties wish to modify contents of the technology transfer license, one of them shall file on their behalf a dossier of application for a new license.

5. Technology transfer licenses are made according to a form provided in Appendix VI to this Decree (not printed herein).

Article 12. Dossiers of application for approval of, and dossiers of application for licensing of transfer of technologies on the list of technologies restricted from transfer

1. A dossier of application for approval of transfer of a technology on the list of technologies restricted from transfer comprises:

a/ An application for approval of technology transfer;

b/ A document on the applicant's legal status; a copy of the investment certificate or business registration certificates or practice license for the business line or profession the applicant is conducting or practicing;

c/ Explanatory documents on the technology;

d/ Explanatory documents on the satisfaction of the conditions specified in Clause 1, Article 10 of this Decree.

Applications for approval of technology transfer and principal contents of explanatory documents on technologies shall be made according to forms provided in Appendices VII and VIII to this Decree (not printed herein).

2. A dossier of application for a license for transfer of a technology on the list of technologies restricted from transfer:

a/ An application for a technology transfer license;

Applications for technology transfer licenses must be made according to a form provided in Appendix DC to this Decree (not printed herein).

b/ A document on the legal status of the contracting parties: copies of the investment certificates or business registration certificates or practice licenses for the business lines or professions the contracting parties are conducting or practicing; and certifications of the legal status of their representatives who sign the contract;

c/ The Ministry of Science and Technology's written approval of technology transfer;

d/ The original or a notarized copy of the technology transfer contract in Vietnamese and a foreign language. The contract must be signed and sealed by the contracting parties and must be initialed and sealed by contracting parties on every two adjoining pages and annexes in case a contracting party is an organization;

e/ A list of technology documents, machinery, equipment and technical devices (if any) enclosed with the technology transfer contract;

f/ For technology transfers funded with state capital, written consent of the agency with investment-deciding competence to the technology transfer and the estimated price of the transferred technology.

Article 13. Technology transfer under projects or commercial franchising contracts, industrial property rights assignment contracts or contracts on sale and purchase of machinery and equipment accompanying technology transfer

1. In case an investment project, commercial franchising contract, industrial property rights assignment contract or machinery and equipment sale and purchase contract has a technology transfer content, when that project or contract is formulated, the technology transfer content and expenses must be presented in a separate part of the project or contract.

2. For technologies on the list of those restricted from transfer, the dossier and licensing for the technology transfer part under a project or a contract must comply with Articles 10, 11 and 12 of this Decree.

3. For technologies not on the list of those restricted from transfer, the dossier and registration of the technology transfer part under a project or a contract must comply with Articles 6, 7, 8 and 9 of this Decree.

Article 14. Technology transfer contracts ineligible for registration certification or technology transfer licensing

1. Technology transfer contracts contain no subject matter of technology specified in Article 7 of the Law on Technology Transfer.

2. Technology transfer contracts are in violation of Article 13 of the Law on Technology Transfer.

Article 15. Withdrawal of technology transfer contract registration certificates or technology transfer licenses

1. A technology transfer contract registration certificate or technology transfer license shall be withdrawn in the following cases:

a/ The contracting parties fail to perform the technology transfer 12 months after the technology transfer contract registration certificate or technology transfer license is issued;

b/ The transferred technology is other than that for which the technology transfer contract registration certificate or technology transfer license has been issued;

c/ Documents for technology transfer contract registration or application for a technology transfer license are fake.

2. Agencies that have issued technology transfer contract registration certificates or technology transfer licenses may withdraw these certificates or licenses.

3. In case parties that have obtained technology transfer contract registration certificates or technology transfer licenses and enjoyed the incentives provided for in the Law on Technology Transfer have their technology transfer contract registration certificates or technology transfer licenses withdrawn, they shall refund these incentives to the State.

Article 16. Reports on performance of technology transfer contracts

1. For a technology transfer contract for which a technology transfer license has been issued and which has been performed for more than one year, the technology transferee (in case of transfer of a technology from abroad into Vietnam or within the country) or the technology transferor (in case of transfer of a technology from Vietnam abroad) shall annually make a report on performance of the technology transfer contract in the preceding year and send it to the Ministry of Science and Technology.

2. For a technology transfer contract for which a registration certificate has been issued and which has been performed for more than one year with state capital accounting for 51% or more of its total budget, every year the technology transferee (in case of transfer of a technology from abroad into Vietnam or within the country) or the technology transferor (in case of transfer of a technology from Vietnam abroad) shall annually make a report on performance of the technology transfer contract in the preceding year and send it to the Ministry of Science and Technology or the provincial-level Science and Technology Service that has issued the technology transfer contract registration certificate.

3. A report on performance of a technology transfer contract in a year must be sent before January 15"' of the subsequent year.

4. Annual reports on performance of technology transfer contracts must be made according to a form provided in Appendix X to this Decree (not printed herein).

Article 17. Liquidation of technology transfer contracts for technologies on the list of technologies restricted from transfer

1. The liquidation of technology transfer contracts for technologies on the list of technologies restricted from transfer must be recorded in writing by contracting parties.

2. The technology transferee or technology transferor in case of transfer of a technology from Vietnam abroad shall send a written record of liquidation of the technology transfer contract to the Ministry of Science and Technology within 30 (thirty) days after the date of liquidation.

3. Written records of liquidation of technology transfer contracts must be made according to a form provided in Appendix XI to this Decree (not printed herein).

Article 18. Charge for evaluation of technology transfer contracts

1. When submitting dossiers of application for technology transfer contract registration certificates or technology transfer licenses, technology transferees (in case of transfer of technologies from abroad into Vietnam or within the country) or technology transferors (in case of transfer of technologies from Vietnam abroad) shall pay the charge for evaluation of technology transfer contracts.

2. The Ministry of Finance shall guide the collection, management and use of the charge for evaluation of technology transfer contracts.

Article 19. Contents of technology appraisal

1. Verifying the legal status of and rights to transferred technologies.

2. Identifying criteria of actually transferred technologies against those indicated in technology transfer contracts.

Article 20. Right to invite and right to request technology appraisal

1. Agencies having the right to invite technology appraisal include:

a/ Agencies competent to issue technology transfer contract registration certificates and technology transfer licenses;

b/ Agencies competent to settle disputes, handle violations or settle complaints and denunciations about technology transfer.

2. Organizations and individuals having the right to request technology appraisal include:

a/ Parties to technology transfer contracts;

b/ Organizations and individuals requested to be handled for their acts of violation or subjected to complaints or denunciations about their violations related to technology transfer;

c/ Other organizations and individuals that have rights or interests related to disputes over, violations in, complaints or denunciations about technology transfer.

Article 21. Rights and obligations of technology appraisal inviters and requesters

1. Technology appraisal inviters and requesters have the following rights:

a/ To select accredited technology appraisal organizations that are qualified for technology appraisal;

b/ To request appraisal organizations to supply appraisal conclusions with details and within a time limit as agreed upon;

c/ To request appraisal organizations to explain appraisal conclusions;

d/ To request additional appraisal or reappraisal under Article 26 of this Decree;

e/ To reach agreement on technology appraisal expenses.

2. Technology appraisal inviters and requesters have the following obligations:

a/ To supply sufficient documents, evidence and information on appraised subject matters at the request of appraisal organizations and appraisers, and take responsibility for their truthfulness and accuracy;

b/ To clearly and concretely present matters which are subject to invited or requested appraisal;

c/ To pay technology appraisal expenses as agreed upon.

3. Expenses for invited or requested technology appraisal shall be agreed upon by involved parties.

Article 22. Technology appraisal organizations and technology appraisers

1. Technology appraisal organizations may be scientific and technological organizations or enterprises.

2. Technology appraisal organizations must have at least two technology appraisers.

3. A person who fully satisfies the following criteria may be recognized as a technology appraiser:

a/ Having a college, university or higher degree and professional qualifications relevant to the technology appraisal requirements and domains;

b/ Having worked for at least three years in the technological domain to be appraised;

c/ Possessing an appraisal certificate pertaining to the technological domain to be appraised, when such certificate is required by law.

4. Ministries, ministerial-level and government-attached agencies shall coordinate with the Ministry of Science and Technology in specifying contents of examination of technology appraisal knowledge and skills.

5. Ministries, ministerial-level and government-attached agencies shall base themselves on their functions, tasks and powers to guide the issuance of technology appraisal certificates in branches and domains under their management.

Article 23. Rights and obligations of technology appraisal organizations

1. Rights of technology appraisal organizations:

a/ To conduct appraisal when invited or requested; to conduct appraisal according to specific requirements of invited or requested appraisal and within the required time limit. In case the appraisal requires more time, to promptly notify such to appraisal inviters or requesters;

b/ To refuse to conduct appraisal when appraised subject matters and relevant documents are insufficient or invalid for making appraisal conclusions, or when appraisers have rights or interests related to appraised subject matters or cases subject to appraisal or can, for other reasons, affect the objectiveness of appraisal conclusions but at the same time act as representatives to protect interests of any of parties involved in cases subject to appraisal;

c/ To request agencies and organizations to supply documents, objects and information related to appraised subject matters;

d/ To select necessary and appropriate appraisal methods; to conduct appraisal based on test results or professional conclusions or expert opinions;

e/To prepare appraisal dossiers and explain appraisal conclusions upon request.

2. Obligations of technology appraisal organizations:

a/To preserve objects and documents related to cases subject to appraisal; to keep secret appraisal results, information and documents;

b/ To make independent appraisal conclusions and take responsibility before law for appraisal conclusions;

c/To pay compensations for damage caused by their untruthful appraisal conclusions to concerned individuals and organizations under law;

d/ To comply with regulations on the appraisal order and procedures and exercise other rights and perform other obligations specified by law.

Article 24. Invitation of technology appraisal

1. Invitation of technology appraisal must be made in writing.

2. A written invitation of technology appraisal must have the following principal details:

a/ Name and address of the inviting agency; name and position of the person competent to invite technology appraisal;

b/ Name and address of the appraisal organization or appraiser;

c/ Subject matter and contents to be appraised;

d/ Relevant documents and objects;

e/ Time limit for notifying appraisal conclusions.

Article 25. Request for technology appraisal

1. Technology appraisal request must be made in the form of an appraisal service contract between the appraisal requester and technology appraisal organization.

2. A technology appraisal service contract must have the following principal details:

a/ Name and address of the organization or individual requesting appraisal;

b/ Name and address of the technology appraisal organization;

c/ Contents to be appraised;

d/ Relevant documents and objects;

e/ Time limit for notifying appraisal conclusions;

f/ Rights and obligations of involved parties;

g/ Responsibility for contract breaches.

Article 26. Additional appraisal or reappraisal

1. Additional appraisal may be conducted in case appraisal conclusions are inadequate and unclear about appraised contents or there emerge new details which need to be clarified. Requests for additional appraisal and performance of an additional appraisal comply with regulations on first-time appraisal.

2. Re-appraisal may be conducted in case appraisal inviters or requesters disagree with appraisal results or appraisal conclusions on the same appraised subject matter are contradictory. Re-appraisal may be conducted by the same appraisal organizations or appraisers that have conducted previous appraisal or by other appraisal organizations or appraisers at the request of appraisal inviters or requesters.

Article 27. Documents on technology appraisal conclusions

1. Documents on technology appraisal conclusions constitute a legal ground for handling relevant cases.

2. A document on technology appraisal conclusions must have the following principal details:

a/ Name and address of the technology appraisal organization;

b/ Name and address of the appraisal inviter or requester;

c/ Appraisal subject matter, contents and scope;

d/ Method of appraisal; e/Appraisal conclusions;

f/ Time and place of performance and completion of appraisal.

3. Documents on technology appraisal conclusions must be signed by appraisers who have conducted the technology appraisal and heads of technology appraisal organizations and appended with the seals of these organizations.

Article 28. Technology transfer services

1. Technology transfer services means activities assisting the process of seeking, entering into and performing technology transfer contracts, including technology evaluation and pricing, technology transfer brokerage and consultancy, and technology transfer promotion.

2. The Ministry of Science and Technology shall specify and guide technology transfer services specified in Clause 1 of this Article.

Article 29. Technology evaluation, pricing and appraisal and technology transfer consultancy services

1. Organizations and individuals are encouraged to establish technology transfer service organizations to provide technology evaluation, pricing and appraisal and technology transfer consultancy services.

2. The Ministry of Science and Technology shall guide contents and methods of operation of technology evaluation, pricing and appraisal and technology transfer consultancy service organizations.

Article 30. Technology evaluation and pricing results

Technology evaluation and pricing results must be expressed in writing and constitute a ground for:

1. Parties to technology transfer contracts to conduct negotiations and reach agreement on prices of to-be-transferred technologies;

2. Considering and determining the values of transferred technologies based on state-invested research outcomes; using state capital in technology transfers; contributing as capital the values of technologies when parties so request;

3. Competent agencies to examine and handle breaches of technology transfer contracts and settle disputes in the course of performance of technology transfer contracts.

Article 31. Inspection of technology transfer activities

Agencies issuing technology transfer contract registration certificates or technology transfer licenses defined in Articles 9 and 11 of this Decree shall inspect technology transfer activities under law.

Article 32. Tax policies to promote technology transfer activities

1. Organizations contributing as capital technologies for establishing enterprises or performing business cooperation contracts are exempt from enterprise income tax for incomes generated from these technologies.

2. Import duty exemption is given for goods imported for direct use in technology research and development, technology renewal, including machinery, equipment, spare parts, materials and means of transport which cannot be manufactured at home or technologies which cannot be created at home; scientific documents, books and newspapers.

3. Machinery, equipment and special-purpose means of transport which cannot be manufactured at home and need to be imported for the performance of technology transfer contracts are not liable to value-added tax.

4. Enterprises investing in technology renewal and receiving technologies on the list of technologies encouraged for transfer are exempt from enterprise income tax for incomes generated from the application of these technologies for four years, provided that the total exempted tax amount does not exceed 50% of total investment in technology renewal.

5. Enterprises receiving technologies for implementing investment projects in localities with difficult or exceptionally difficult socioeconomic conditions are exempt from import duty for goods used for technology replacement or renewal and raw materials, supplies and parts used for production for five years from the commencement of the production with new technologies.

6. Organizations transferring technologies on the list of technologies encouraged for transfer in rural or mountainous areas, localities with difficult or exceptionally difficult socioeconomic conditions are entitled to a 50% reduction of income tax for incomes from technology transfer or supply of plant varieties or animal breeds.

7. Technology nursery establishments and technology enterprise nursery establishments are exempt from income tax for four years, entitled to a 50% reduction of income tax for nine subsequent years and exempt from land use tax.

8. Organizations and individuals that receive technologies in localities with difficult or exceptionally difficult socio-economic conditions are exempt from the charge for examination of technology transfer contracts.

9. The order of and procedures for exemption from or reduction of enterprise income tax, personal income tax and the charge for examination of technology transfer contracts comply with relevant tax and charge laws.

Article 33. The national technology renewal program

1. The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies in, approving the national technology renewal program.

2. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial-level People's Committees shall, within the ambit of their powers, organize the implementation of the national technology renewal program.

Article 34. The national technology renewal fund

The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies in, studying and proposing the Prime Minister for decision the setting up, management and use of the national technology renewal fund.

Article 35. Making statistics on technology transfer activities

1. Every January, enterprises, scientific research and technological development organizations, universities, colleges and other training institutions shall report on their technology renewal and transfer activities in the preceding year to the provincial-level Science and Technology Services of localities where they are headquartered. Provincial-level Science and Technology Services shall sum up these reports and report to the Ministry of Science and Technology.

2. The Ministry of Science and Technology shall sum up and report to the Prime Minister on the annual situation of technology renewal and transfer nationwide.

3. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Science and Technology in, specifying report forms and the reporting regime and guiding the making of statistics on technology transfer.

Article 36. Transitional provisions

1. Technology transfer contracts certified as having been registered or approved by the Ministry of Science and Technology or provincial-level Science and Technology Services before the effective date of the Law on Technology Transfer will continue to be valid until their dates of expiration.

2. Dossiers of application for registration of technology transfer contracts filed with the Ministry of Science and Technology or provincial-level Science and Technology Services between July 1,2007, and the effective date of this Decree will be examined for issuance of technology transfer contract registration certificates or technology transfer licenses under regulations effective at the time of filing.

Article 37. Effect

This Decree takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO" and replaces the Government's Decree No. 11/2005/ND-CP of February 2, 2005, providing in detail technology transfer (amended).

Article 38. Implementation responsibility

The Minister of Science and Technology, other ministers, heads of ministerial-level agencies and government-attached agencies, and presidents of provincial-level People's Committees shall implement this Decree.

 

 

On behalf of the Government
Prime Minister




NGUYEN TAN DUNG

 

 

APPENDIX I

LIST OF TECHNOLOGIES ENCOURAGED FOR TRANSFER
(Enclosed with the Governments Decree No. 133/2008/ND-CP of December 31, 2008)

1. Nano technology.

2. Technology for manufacturing micro-electro-mechanical systems (MEMS), nano-electro-mechanical systems (NEMS) and equipment using MEMS or NEMS.

3. Technology for manufacturing integrated circuits and high-capacity memories.

4. Technology for manufacturing liquid crystal displays (LCD) and plasma displays.

5. Technology for manufacturing digital precision measuring devices.

6. Technology for manufacturing sensors and electronic measuring devices.

7. Technology for manufacturing robots.

8. Space technology.

9. Technology for manufacturing systems simulating human-machine interactions through thoughts, gestures, languages and images.

10. Technology for applying neuronal networks in image processing.

11. Technology for manufacturing magnetic resonance devices for imaging diagnosis.

12. Technology for manufacturing high-frequency radiographs, electroencephalography and laser instruments for medical use.

13. Technology for processing materials with ultrasound, electric spark, plasma, laser or digital control.

14. Technology for manufacturing high-purity metals.

15. Technology for manufacturing construction materials with special properties.

16. Technology for manufacturing easy-to-disintegrate and environmentally friendly materials.

17. Technology for manufacturing composite materials in flexible or bimetal form.

18. Technology for manufacturing ceramic materials, special glass fibers, optical fibers and carbon fibers.

19. Technology for manufacturing catalysts and new materials.

20. Technology for working, rolling and elongating special metals.

21. Technology for treating high zinc contents in pig iron manufacture.

22. Technology for manufacturing lithium-ion and solar cells.

23. Technology for manufacturing paints without organic solvents and heavy metals.

24. Marine technology.

25. Technology for engineering large-sized seagoing ships with complicated functions.

26. Technology for manufacturing remote automatic control devices (temperature, pressure, electric voltage, flow or spin number) for use on board ships.

27. Technology for manufacturing navigation devices for ships and marine works.

28. Technology for reducing electricity wastage in transmission.

29. Technology for manufacturing energy-saving products.

30. Technology for generating solar, wind, geothermal, tide, wave or biomass power.

31. Technology for producing new fuels.

32. Technology for manufacturing hydropower turbines of over 60 MW.

33. Technology for propagating or creating plant varieties or animal breeds of high productivity and quality.

34. Technology for controlling the blooming, fructification and harvest time of plant varieties.

35. Technology for automating the process of rearing, cultivating and harvesting vegetables, flowers and fruits.

36. Water-saving irrigation technology.

37. Technology for cold preservation of animal eggs and zygotes.

38. Technology for manufacturing human and animal vaccines.

39. Technology for breeding and rearing tuna, lobster, abalone, blood cockle, mother-of-pearl and corals.

40. Technology for producing disease-free giant tiger prawns (penaeus monodon) for breeding.

41. Technology for early discovering water or CnHn+2 gas pockets.

42. Technology for constructing marine or submerged works.

43. Technology for underwater cutting or welding.

44. Technology for manufacturing bio-products (biological membranes, reverse osmosis membranes).

45. Technology for culturing human or animal stem cells.

46. Technology for manufacturing artificial human body parts.

47. Technology for manufacturing medicines for cancer, cardiovascular disease, diabetes, HIV/AIDS, drug detoxification or family planning.

48. Technology for detecting, collecting, supervising and disposing of hazardous wastes.

49. Technology for forecasting typhoons, floods, earthquakes, tsunami and other natural disasters.

50. Technologies for modernizing traditional trades and crafts.

 

APPENDIX II

LIST OF TECHNOLOGIES RESTRICTED FROM TRANSFER
(Enclosed with the Government's Decree No. 133/2008/ND-CP of December 31, 2008)

I. TECHNOLOGIES TRANSFERRED FROM ABROAD INTO VIETNAM AND WITHIN VIETNAMESE TERRITORY

1. Technology for manufacturing inert gas filament lamps.

2. Technology for manufacturing vacuum electronic components, low-integrated semiconductor components.

3. Technology for isomerization using fluorhydric acid or sulfuric acid as a catalyst.

4. Technology for manufacturing titanium oxide powder using sulfuric acid.

5. Technology for manufacturing one-layer or two-layer printed circuits.

6. Technology for printing money and par-value papers.

7. Technology for producing plant varieties or animal breeds by the genetic modification method in agricultural production, forestry or fisheries.

8. Technology for manufacturing domestic-use germicides, insecticides and rodenticide by biological methods.

9. Technology using toxic chemicals in aquatic product rearing, culture and processing.

10. Technology using non-aboriginal species as environmental treatment agents or indicators.

11. Technology for enriching radioactive substances.

II. TECHNOLOGIES TRANSFERRED FROM VIETNAM ABROAD

12. Technology for breeding, rearing and culturing aquatic products being key exports.

13. Technology for manufacturing foodstuffs by traditional methods using microorganisms with precious and rare properties.

 

APPENDIX III

LIST OF TECHNOLOGIES BANNED FROM TRANSFER
(Enclosed with the Government's Decree No. 133/2008/ND-CP of December 31, 2008)

I. TECHNOLOGIES BANNED FROM TRANSFER FROM ABROAD INTO VIETNAM OR WITHIN VIETNAMESE TERRITORY

1. Technology for manufacturing sulfuric acid by the method of single exposure and single absorption.

2. Technology for printing and type-setting with lead plates.

3. Technology for manufacturing cells by the electrophoresis method.

4. Electrolysis technology using mercury electrodes.

5. Technology for manufacturing paints with mercury.

6. Technology for manufacturing explosive chemical products by manual methods.

7. Technology for shaft kiln cement production.

8. Technology for rotary kiln cement production by the wet method.

9. Technology for human embryo cloning.

10. Technology for producing narcotics.

11. Technology for radio wave interference.

12. Technology for nullifying sound-recording, video recording, measuring, counting and weighing devices and speedometers of means of transport, except for those used for the security purpose.

13. Technology for nullifying devices to measure, count or calculate electricity volume.

14. Technology for nullifying devices to record telephone call time.

15. Technology for nullifying devices to check and detect weapons, explosive materials, narcotics and other dangerous objects, except for those used for security purposes.

16. Technology for manufacturing weapons, military equipment, explosive materials, technical equipment, support tools and devices for nullifying equipment to detect access to computer networks, except for those used for security and defense purposes.

II. TECHNOLOGIES TRANSFERRED FROM VIETNAM ABROAD

17. Technologies banned from transfer under treaties to which Vietnam is a contracting party.-

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decree 133/2008/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông tư 13/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Lao động-Tiền lương, Khoa học-Công nghệ

văn bản mới nhất