Bản án số 36/2023/HS-ST ngày 27/04/2023 của TAND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La về tội hủy hoại rừng

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng tội danh
  • Tải về
Mục lục
Tải văn bản
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 36/2023/HS-ST

Tên Bản án: Bản án số 36/2023/HS-ST ngày 27/04/2023 của TAND huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La về tội hủy hoại rừng
Tội danh: 189.Tội hủy hoại rừng (Bộ luật hình sự năm 1999)
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Tòa án xét xử: TAND huyện Sốp Cộp (TAND tỉnh Sơn La)
Số hiệu: 36/2023/HS-ST
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 27/04/2023
Lĩnh vực: Hình sự
Áp dụng án lệ:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Đính chính:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Thông tin về vụ án:
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN SỐP CỘP, TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 36/2023/HS-ST NGÀY 27/04/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 27/4/2023, tại Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Sơn La, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 31/2023/TLST-HS ngày 16/3/2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 32/2023/QĐXXST-HS ngày 28/3/2023 và Thông báo số 01/2023/TB-TA ngày 05/4/2023 về việc thay đổi ngày xét xử đối với bị cáo:

Thào Thị L, sinh ngày 01/01/1968 tại huyện S, tỉnh Sơn La; số định danh cá nhân: 014xxxxxxxxx; nơi cư trú: Bản H, xã M, huyện S, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: trồng trọt; trình độ học vấn: không biết chữ; dân tộc: Mông; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Thào A T và bà Giàng Thị M (đều đã chết); có chồng là Hạng A T1 (đã chết) và 05 con (con lớn nhất sinh năm 1993, con nhỏ nhất sinh năm 2003); không có tiền án, tiền sự; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú tại xã M, huyện S, tỉnh Sơn La từ ngày 29/12/2022 cho đến nay; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Cầm Trọng T, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La; có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Cộng đồng dân cư bản H, xã M, huyện S, tỉnh Sơn La. Người đại diện hợp pháp: ông Sộng A L1, Trưởng bản, sinh năm 1983, nơi cư trú: Bản H, xã M, huyện S, tỉnh Sơn La. Vắng mặt.

- Người phiên dịch cho bị cáo: Ông Mùa A Chư; nghề nghiệp: Viên chức Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện S; trú tại: bản Nà Lốc, xã S, huyện S, tỉnh Sơn La. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 09/5/2022, Hạt kiểm lâm huyện S phát hiện một số đám rừng phòng hộ thuộc bản H, xã M bị chặt phá bởi Thào Thị L, sinh năm 1968 trú tại bản H, xã M. Ngày 12/5/2022, Hạt kiểm lâm huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành khám nghiệm hiện trường. Kết quả xác định: Vị trí diện tích rừng bị chặt phá thuộc tiểu khu 845, khoảnh 2, lô 1, 3 do cộng đồng bản H quản lý loại rừng phòng hộ. Diện tích rừng bị chặt phá là 7.940m2. Lâm sản thiệt hại chủ yếu là loại cây thồ lộ (vối thuốc), đường kính gốc từ 10cm đến 22cm, đường kính trung bình 17cm, chiều dài thân cây từ 05m đến 08m. Số lượng cây 286 cây, quy ra khối lượng gỗ là 10.952m3. Tại thời điểm khám nghiệm hiện trường các gốc cây bị chặt phá đang mọc chồi tái sinh cao khoảng 25cm đến 30cm. Đối với thảm thực vật mặt đất và những cây nhỏ không bị phát vẫn phát triển bình thường. Vật chứng thu giữ của Thào Thị L là 01 con dao quắm dài 80cm, cán gỗ dài 50cm, đường kính 02cm, bản dao rộng 04cm giao nộp ngày 12/5/2022 và 01 máy cưa xăng hiệu “CHAIN SAW” màu da cam, chiều cao 22cm, dài 44 cm không gắn lưỡi lam xích giao nộp ngày 23/12/2022.

Kết luận giám định ngày 14/6/2022 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La kết luận:“7.1. Diện tích rừng, vị trí, loại rừng, chức năng rừng bị chặt phá:

- Căn cứ kết quả đo đạc thực tế tại hiện trường, diện tích rừng bị bà Thào Thị L chặt phá là 7.940m2 (Bảy nghìn chín trăm bốn mươi mét vuông).

- Vị trí, loại rừng, chức năng rừng bị chặt phá:

+ Theo dữ liệu bản đồ giao đất, giao rừng giai đoạn 2001-2006, vị trí diện tích vi phạm thuộc tiểu khu 845, khoảnh 2, lô e, trạng thái IIa, mục đích sử dụng là rừng phòng hộ, chủ rừng là cộng đồng bản H.

+ Theo bản đồ rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng tỉnh Sơn La giai đoạn 2017- 2025, định hướng đến 2030 tại Quyết định số 3248/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Sơn La vị trí diện tích vi phạm thuộc tiểu khu 845, Khoảnh 2, lô quy hoạch là lô 1 với diện tích 4.688m2, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi - TXP, mục đích sử dụng là rừng phòng hộ, chủ rừng là cộng đồng bản H và lô quy hoạch là lô 3 với diện tích 3.252m2, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi - TXP, mục đích sử dụng quy hoạch là rừng phòng hộ, chủ rừng là cộng đồng bản H.

7.2. Nguồn gốc rừng, trạng thái rừng - Theo bản đồ giao đất lâm nghiệp – giao rừng, bản đồ theo dõi diễn biến rừng hàng năm, Bản đồ rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng diện tích rừng bị chặt phá là rừng tự nhiên.

- Đối chiếu bảng thống kê lâm sản thiệt hại kèm theo Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 12/5/2022 của Hạt kiểm lâm huyện S phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S, UBND xã M, Ban quản lý bản H thực hiện với phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích rừng bị chặt phá có trạng thái Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo kiệt (TXK)”.

Kết luận định giá tài sản số 04/KL-HĐĐG ngày 06/02/2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện S kết luận: “Lâm sản thiệt hại với khối lượng là 10,592m3 gỗ tròn thông thường nhóm VI có tổng giá trị là 13.170.000 đồng”.

Trong quá trình điều tra, bị can Thào Thị L khai nhận hành vi như sau: Do thiếu đất canh tác sản xuất lương thực nên sau tết Nguyên Đán năm 2022, Thào Thị L đến khu rừng phòng hộ thuộc bản H, xã M chặt phá rừng để làm nương lúa. Trước khi đi chặt phá rừng Thào Thị L không xin phép cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền và không nói cho ai biết. Hiện trạng khu rừng trước khi bị chặt phá có nhiều cây thồ lộ (Vối thuốc) đường kính từ 10 cm đến 22 cm, ở dưới mặt đất có nhiều cây nhỏ và cây bụi rậm rạp. Khi chặt phá rừng, Thào Thị L dùng dao quắm để chặt cây và dùng cưa máy để cưa đổ những cây gỗ. Thào Thị L chặt, phá rừng từ ngày 05/02/2022 đến ngày 12/02/2022 thì được khu đất rộng 7.940m2. Chặt phá rừng xong, Thào Thị L đợi cho cây khô để đốt làm nương nhưng chưa kịp đốt cây thì ngày 09/5/2022 bị tổ công tác Hạt kiểm lâm huyện S phát hiện.

Diện tích rừng bị Thào Thị L chặt phá được Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, giao cho Cộng đồng bản H, xã M quản lý bảo vệ theo Biên bản giao đất lâm nghiệp - Giao rừng ngày 26/8/2002. Đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào sổ cấp 00797, số sơ ri W558797 số ký hiệu 35/H-QĐ-UB/2003 ngày 24/01/2003.

Hiện trạng khu rừng Thào Thị L chặt phá đến tháng 02/2023: các gốc cây bị chặt phá đã mọc tái sinh, cây tái sinh có chiều cao khoảng 01m. Lớp thực vật mặt đất mọc xanh tốt đảm bảo chức năng phòng hộ, không có dấu hiệu bị chặt, đốt, phá.

Về bồi thường dân sự: Ngày 18/02/2023, ông Sộng A L1 trưởng bản đại diện Cộng đồng bản H, xã M, huyện S yêu cầu Thào Thị L bồi thường cho Nhà nước số lâm sản bị thiệt hại số tiền 13.170.000 đồng. Thào Thị L đã đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện S nộp 3.000.000 đồng tiền tạm ứng bồi thường thiệt hại do hành vi hủy hoại rừng gây ra.

Bản Cáo trạng số 09/CT-VKSSC ngày 14/3/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện S, tỉnh Sơn La, truy tố bị cáo Thào Thị L về tội Hủy hoại rừng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên toà, bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện S giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội Hủy hoại rừng và đề nghị Hội đồng xét xử:

- Về hình phạt: Áp dụng e khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 54; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo từ 30 đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

- Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước 13.170.000 đồng. Ghi nhận bị cáo đã bồi thường số tiền 3.000.000 đồng nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện S, còn phải bồi thường tiếp 10.170.000 đồng.

- Về xử lý vật chứng: Đề nghị tịch thu sung quỹ nhà nước 01 con dao và 01 chiếc cưa máy.

- Về án phí: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo: Bị cáo phạm tội lần đầu, chưa có tiền án tiền sự. Bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; bị cáo đã bồi thường một phần thiệt hại; bị cáo là người dân tộc thiểu số không biết chữ và sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử miễn án phí cho bị cáo và áp dụng điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54; Điều 65 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo 30 tháng tù và cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo nhất trí với luận tội, nhất trí với quan điểm bào chữa của người bào chữa và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an huyện, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố: đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và người bào chữa cho bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp. Tại phiên toà người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự là Trưởng bản H vắng mặt không có lý do, tuy nhiên giai đoạn điều tra đã có đơn yêu cầu bồi thường dân sự. Xét thấy việc vắng mặt không cản trở việc xét xử nên Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự theo khoản 1 Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[2] Về hành vi của bị cáo, tại phiên tòa, bị cáo Thào Thị L thừa nhận: Sau tết Nguyên đán năm 2022, do thiếu đất canh tác nên bị cáo đã đến khu rừng phòng hộ thuộc bản H dùng dao và cưa máy chặt phá rừng để làm nương lúa. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố; phù hợp với lời khai của những người làm chứng; phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường và kết luận giám định. Hàng năm, bị cáo đã được Ban quản lý bản và các cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng và ký cam kết bảo vệ rừng. Năm 2022, bị cáo đã được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nên biết rõ việc chặt phá rừng là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Bị cáo là người đã thành niên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện S truy tố bị cáo về tội Hủy hoại rừng theo điểm e khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[4] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo đã chặt phá 7.940m2 rừng phòng hộ, phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước đối với tài nguyên rừng, xâm phạm đến môi trường sinh thái, đe dọa gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo đã thành khẩn khai nhận tội và ăn năn hối cải về hành vi của mình; bị cáo đã nộp 3.000.000 đồng để bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại về lâm sản; đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s và điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, bị cáo là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng biên giới, đặc biệt khó khăn, bản thân có nhận thức pháp luật và hiểu biết xã hội hạn chế (không đi học, không biết chữ), là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[5] Về hình phạt: Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự; là đồng bào dân tộc sinh sống tại khu vực biên giới, có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; thuộc hộ cận nghèo; là lao động chính trong gia đình có 5 con, chồng đã mất; động cơ phạm tội đơn giản là huỷ hoại rừng để lấy đất trồng lúa phục vụ nhu cầu lương thực cho gia đình. Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ chấp nhận đề nghị Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị cáo, áp dụng Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho bị cáo được hưởng án treo và không áp dụng hình phạt bổ sung.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Hành vi hủy hoại rừng phòng hộ của bị cáo xâm phạm đến tài sản của nhà nước nên bị cáo phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023, tại khu rừng bị cáo đã chặt phá, các gốc cây đã mọc tái sinh thành các cây cao khoảng 1m, thảm thực vật trên mặt đất có các cây cỏ, dây leo mọc xanh tốt, đảm bảo chức năng phòng hộ. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn dân sự chỉ buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại về lâm sản. Số tiền 3.000.000 đồng bị cáo đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện S được khấu trừ vào số tiền bị cáo phải bồi thường, số tiền còn phải thi hành là 10.170.000 đồng.

[7] Về xử lý vật chứng: 01 chiếc máy cưa và 01 con dao quắm là công cụ, phương tiện phạm tội nhưng đã hư hỏng và không còn nhiều giá trị sử dụng, nếu thanh lý để sung công thì chi phí lớn hơn giá trị thu được nên cần tịch thu tiêu hủy theo quy định tại điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự. Đối với 10.952m3 gỗ là vật chứng trong vụ án lẽ ra cần đưa về bảo quản tại Hạt kiểm lâm huyện để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển, bảo quản lớn hơn giá trị sử dụng. Do vậy, ngày 07/02/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Hạt Kiểm lâm và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện S đã họp và thống nhất giao cho cộng đồng bản H, xã M, huyện S quản lý tại hiện trường để gỗ tự phân hủy cải tạo đất. Hội đồng xét xử xét thấy việc xử lý vật chứng như vậy là có căn cứ và phù hợp với hoàn cảnh thực tế nên chấp nhận.

[8] Về án phí: Bị cáo thuộc hộ nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

[9] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

[10] Về khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội: Bị cáo thực hiện hành vi phá rừng từ tháng 02/2022 nhưng đến tháng 5/2022 mới bị phát hiện. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hội đồng xét xử kiến nghị chủ rừng là Cộng đồng bản H cần thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng theo đúng Luật Lâm nghiệp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Về tội danh và hình phạt: Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 243; điểm b, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 54; Điều 65 Bộ luật Hình sự: Tuyên bố bị cáo Thào Thị L phạm tội Hủy hoại rừng. Xử phạt bị cáo Thào Thị L 20 (hai mươi) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 40 (bốn mươi) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (ngày 27/4/2023).

Giao bị cáo Thào Thị L cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện S, tỉnh Sơn La, giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự.

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự; các Điều 584, 585, 586 và Điều 589 Bộ luật Dân sự: Bị cáo phải bồi thường thiệt hại về lâm sản và nộp vào ngân sách nhà nước 13.170.000 đồng, được khấu trừ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đã tự nguyện nộp theo biên lai thu số: AA/2021/0000639 ngày 14/3/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S, tỉnh Sơn La, còn lại phải thi hành là 10.170.000 đồng (mười triệu một trăm bảy mươi nghìn đồng).

3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a, c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự, tịch thu tiêu huỷ: 01 (một) máy cưa xăng nhãn hiệu “CHAIN SAW”, màu da cam, có chiều cao 22cm, dài 44cm, không gắn lưỡi lam xích (đã qua sử dụng); 01 (một) con dao quắm có tổng chiều dài 80cm, cán dao bằng gỗ dài 50cm, đường kính 02cm, lưỡi dao bằng kim loại bản rộng 04cm (đã qua sử dụng). Giao 10.952m3 gỗ cho cộng đồng bản H, xã M, huyện S, tỉnh Sơn La quản lý, bảo vệ tại hiện trường để tự phân hủy cải tạo đất rừng.

4. Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, miễn án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm cho bị cáo Thào Thị L.

5. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 27/4/2023), nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo phần bản án liên quan đến trách nhiệm dân sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật./.

Tải về
Bản án số 36/2023/HS-ST Bản án số 36/2023/HS-ST

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Bản án/ Quyết định cùng đối tượng

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất