Bản án số 09/2023/HS-ST ngày 30/03/2023 của TAND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên về tội hủy hoại rừng

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng tội danh
  • Tải về
Mục lục
Tải văn bản
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 09/2023/HS-ST

Tên Bản án: Bản án số 09/2023/HS-ST ngày 30/03/2023 của TAND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên về tội hủy hoại rừng
Tội danh: 189.Tội hủy hoại rừng (Bộ luật hình sự năm 1999)
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Tòa án xét xử: TAND huyện Sơn Hòa (TAND tỉnh Phú Yên)
Số hiệu: 09/2023/HS-ST
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 30/03/2023
Lĩnh vực: Hình sự
Áp dụng án lệ:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Đính chính:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Thông tin về vụ án:
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN S, TỈNH PHÚ YÊN

BẢN ÁN 09/2023/HS-ST NGÀY 30/03/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 30 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở TAND huyện S, tỉnh Phú Yên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 03/2023/HS-ST ngày 07 tháng 02 năm 2023; quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2023/QĐXXST-HS ngày 15 tháng 3 năm 2023 và quyết định thay đổi hội thẩm số: 05/2023/QĐXXST-HS ngày 23 tháng 3 năm 2023 của TAND huyện S, tỉnh Phú Yên đối với bị cáo:

Nguyễn Văn B (thường gọi B Giếng), sinh ngày 01-01-1956 tại: Phú Yên; Nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa (học vấn): 02/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Con ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị T, đều đã chết; vợ bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1960, có 05 con, lớn nhất 43 tuổi, nhỏ nhất 33 tuổi; tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giam ngày 20-9-2022. Được thay đổi biện pháp tạm giam cho tại ngoại ngày 17-11-2022. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị cáo tại ngoại. Có mặt.

*Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn B: Ông Nguyễn Đức D - Luật sư Công ty Luật TNHH ĐN thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đăk Lăk. Có mặt.

* Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân (UBND) xã E do ông Huỳnh Văn H1, Chức vụ: Phó Chủ tịch UBND xã E làm đại diện theo ủy quyền. Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn trồng rừng Z OJI thuộc Công ty cổ phần tập đoàn kỷ nghệ gỗ Z, trụ sở: 81 Nguyễn Tất Thành, Phường 2, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên do ông Trần Ngọc B2, sinh ngày 12-8-1969, địa chỉ: Số 28 Đường Tô Nào, Phường 2, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Chức vụ: Phó Tổng Giám đốc đại diện. Có mặt.

2. Ông Nguyễn Văn T1 (thường gọi là H), sinh ngày 05-8-1983, nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

3. Ông Nguyễn Đức T2 (T2 Lùn), sinh ngày 15-8-1965, nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt (có đơn đề nghị xử vắng mặt).

4. Ông Nguyễn Ngọc L1, sinh ngày 13-12-1980, nơi cư trú: Thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

5. Bà Nguyễn Thị L2 (Bà N1BÀ ), sinh ngày 05-6-1960, nơi cư trú: Thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt (có đơn đề nghị xử vắng mặt).

6. Ông Niê Y H2 (Ma K), sinh ngày 12-5-1995, nơi cư trú: Buôn Bai, xã Ea Lâm, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

7. Ông Nguyễn Đình C, sinh ngày 10-8-1984, nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

8. Ông Lê Xuân M, sinh năm 1974, nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt (có đơn đề nghị xử vắng mặt).

9. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1960, nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

* Người làm chứng:

1. Ông Hoàng Văn H3, sinh năm 1979, nơi cư trú: Buôn Zô, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

2. Ông Bá Văn T3 (Ma Ch), sinh ngày 07-3-1982, nơi cư trú: Buôn Zô, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

3. Ông Nguyễn Thành C1, sinh năm 1981, nơi cư trú: Buôn Zô, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

4. Ông Đặng Văn Tr (Cu E), sinh năm 1974, nơi cư trú: Khu phố 2, thị trấn Hai Riêng, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

5. Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1961, nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

6. Ông Nguyễn L3 (Ú), sinh năm 1983, nơi cư trú: Thôn Tân Yên, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

7. Ông La Mô Y R (Ma T4), sinh ngày 07-10-1985, nơi cư trú: Buôn Bai, xã Ea Lâm, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

8. Ông Nay Y P (Ma H4), sinh ngày 01-01-1981, nơi cư trú: Buôn Bai, xã Ea Lâm, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

9. Ông Hving Y B3 (Ma N2), sinh ngày 09-5-1952, nơi cư trú: Buôn Bai, xã Ea Lâm, huyện S, tỉnh Phú Yên. Có mặt.

10. Ông Lê Mô Y Đ (Ma S1), sinh năm 1982, nơi cư trú: Buôn Bai, xã Ea Lâm, huyện S, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa và nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 9 năm 2021, Nguyễn Văn B nảy sinh ý định hủy hoại rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 293, xã E, huyện S do UBND xã E, huyện S quản lý, nhằm mục đích mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nguyễn Văn B thuê máy múc của Nguyễn Văn T1 vào khu vực rừng nêu trên và chỉ dẫn cho T1 điều khiển máy múc thực hiện việc múc, san ủi gạt đất, cây rừng thành đống để đốt, dọn rừng trái phép với diện tích 31.500 m2, T1 và B thỏa thuận tiền công máy múc 550.000đ/giờ, T1 làm trong khoảng thời gian một tháng. Quá trình làm thuê, T1 thuê Nguyễn Đức T2 nấu ăn, bơm mỡ, chở dầu cho T1. Sau khi T1 làm xong, B dọn những đống cây đã gom, cháy nham nhở. Ngày 20-01-2022, UBND xã E, huyện S phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra phát hiện.

Kết luận giám định tư pháp số: 154/KLGĐ-CCKL ngày 18-02-2022 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên kết luận: Vị trí cây rừng tự nhiện bị san ủi, đào bới có diện tích 31.500 m2, thuộc hiện trạng rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, quy hoạch rừng sản xuất, trữ lượng rừng trên diện tích vi phạm là 10,373 m3, trữ lượng rừng bình quân/ha là 3,293 m3, thiệt hại về lâm sản trên diện tích vi phạm là 10, 316 m3.

Văn bản số 50/CCKL-QLR ngày 11-01-2023 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên xác định tại thời điểm diện tích đất rừng 31.500 m2 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 293, xã E, huyện S bị hủy hoại thì diện tích đất rừng này đủ tiêu chí xác định là rừng tự nhiên (chưa có trữ lượng).

Kết luận định giá tài sản số 02/KL-HĐĐGTS ngày 09-01-2023 của Hội đồng định giá tài sản huyện S, tỉnh Phú Yên kết luận: Giá trị thiệt hại, giá trị bồi thường đối với rừng tự nhiện là rừng sản xuất với diện tích 31.500 m2, lâm sản thiệt hại khối lượng 10,316 m3 tại thời điểm định giá ngày 20-01-2022 là 15.654.864đ (mười lăm triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn tám trăm sáu mươi bốn đồng).

Tại bản Cáo trạng số 04/CT-VKS ngày 06-02-2023 của VKSND huyện S, tỉnh Phú Yên đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn B về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tại phiên tòa, Bị cáo trình bày: Bị cáo biết hành vi hủy hoại rừng là vi phạm pháp luật, nhưng vì không có đất sản xuất, sau khi thuê đất bà L2 để sản xuất, muốn mở rộng đất nên đã phá rừng làm rẫy. Gia đình bị cáo có em trai là liệt sỹ, đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại, gần 70 tuổi đã già yếu, thường xuyên đau bệnh, chân bị tật, là lao động chính, lần đầu phạm tội, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhờ Tòa xem xét.

Nguyên đơn dân sự: Ông H1 đại diện trình bày: Thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm kịp thời ngăn chặn việc phá rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật tại địa bàn xã. Qua kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Văn B đã có hành vi hủy hoại rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 293 với diện tích 31.500m2. Nay, UBND xã E yêu cầu Tòa buộc ông Nguyễn Văn B phải bồi thường thiệt hại theo định giá tài sản là 15.654.864đ (mười lăm triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn tám trăm sáu mươi bốn đồng). Nhờ Tòa xem xét.

Ngưi có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn trồng rừng Z OJI thuộc Công ty cổ phần tập đoàn kỷ nghệ gỗ Z (gọi tắt là Công ty Z) do ông Trần Ngọc B2 trình bày:

Năm 2014, UBND tỉnh Phú Yên cho Công ty Z thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng theo Quyết định số 1151/QĐ-UBND, ngày 22-7-2014 với nội dung: Diện tích đất thuê: 2.608.000 m2 (260,8 ha) trong đó: hiện trạng đất thuê: Đất đồi núi chưa sử dụng 1.096.331 m2 (109,6 ha), đất có rừng tự nhiên 1.511.669,0 m2; vị trí khu đất: Tiểu khu 293 xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên; mục đích sử dụng: Trồng rừng kinh tế-đất trồng rừng sản xuất; thời hạn thuê đất: 50 năm (năm mươi năm). Năm 2015, Công ty Z rà soát bốc tách hiện trạng có thực bì dày, rừng tự nhiên ra khỏi vùng để quản lý bảo vệ, phòng cháy rừng. Diện tích còn lại lập hồ sơ thiết kế trồng rừng keo lai giâm hom 88 ha. Ngày 25-02- 2022, Hạt kiểm lâm huyện S chủ trì phối hợp các ngành, UBND xã E và Công ty Z tiến hành kiểm tra hiện trường vụ phá rừng xác định bị hủy hoại rừng diện tích 31.500 m2 tại khoảnh 4 tiểu khu 293, xã E, chức năng rừng sản xuất. Đề nghị Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Ông Nguyễn Văn T1 (H) trình bày: Ông T1 thừa nhận là người làm thuê cho ông B, thực hiện việc điều khiển máy múc màu vàng, bánh xích gàu 0,7 m3 để gom cây, san ủi mặt bằng dọn rẫy cho ông B, không biết rẫy đó là rừng, không hưởng thụ hoặc ăn chia từ việc hủy hoại rừng của ông B.

3. Ông Nguyễn Đức T2 (T2 Lùn): Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 484-485A ông T2 trình bày: Khoảng cuối năm 2021, ông T2 làm thuê cho ông T1 có nhiệm vụ là đi chợ, nấu cơm, dỡ cơm cho ông T1, bơm mỡ máy múc của ông T1, không tham gia hủy hoại rừng.

4. Ông Nguyễn Ngọc L1: Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 150- 157, 248 ông L1 là nhân viên bảo vệ Công ty Z trình bày: Người đầu tiên phát hiện hủy hoại rừng là anh T3 kiểm lâm địa bàn và anh Khánh là tổng giám sát, ngày 20-01-2022 ông L1 thấy có một máy múc ở khu vực đất ông B, ông L1 không xác định được đất san ủi có phải đất của công ty không nên không dám nói. Ngày 28-02-2022, công ty đã cho ông L1 nghỉ việc bàn giao rừng lại cho ông Phú giám sát của Công ty.

5. Bà Nguyễn Thị L2 (Bà N1): Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 216-221 trình bày: Bà L2 có đám rẫy mua lại của người đồng bào dân tộc Buôn Zô, không giấy tờ, cho ông B thuê khoảng 10ha từ năm 2019 đến năm 2022 để trồng mía, mì, vì năm 2015 chồng bà L2 (ông Trần Công Đức) chết nên không ai làm, rẫy phải cho thuê, khoảng tháng 3 năm 2022 ông B không thuê nữa trả đất lại, bà L2 không liên quan gì đến việc hủy hoại rừng của ông B.

6. Ông Niê Y H2 (Ma K) trình bày: Là người làm thuê cho ông B, công việc được giao như: cuốc cỏ mì, mía, dùng cưa lốc cắt cây ở suối, tất cả công việc đều do ông B chỉ đạo giao việc và cùng làm với Ma Tô, Ma Hưu, Ma Hiên. Không liên quan gì đến việc hủy hoại rừng.

7. Ông Nguyễn Đình C trình bày: Ông C là con đẻ ông B, nhưng công việc ai người đó làm, không tham gia vào việc hủy hoại rừng.

8. Ông Lê Xuân M: Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 238-239 trình bày: Thấy máy múc của ông T1 đến làm thuê cho ông B nên vào nhặt củi, có sử dụng cưa lốc để cắt củi về bán, sử dụng.

9. Bà N là vợ bị cáo trình bày: Tất cả tang vật vụ án đã bị thu giữ là tài sản gia đình, hàng ngày ông B sử dụng để làm rẫy, bà N thường xuyên đau yếu nên không tham gia làm rẫy.

* Người làm chứng:

1. Ông Hoàng Văn H3: Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 174-179 trình bày: Trong năm 2021, ông H3 thường xuyên đi bẩy chồn, sóc thấy ông B cùng một số người dân tộc sử dụng cưa lốc để cắt gỗ khu vực khe suối của Công ty Z, sau đó thuê T1 (H Râu) sử dụng máy múc để dọn đất trồng mía, mì.

2. Ông Bá Văn T3 (Ma Ch): Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 188- 189 trình bày: Ông T3 thường đi tìm măng tươi, nhìn thấy máy múc của ông T1 (H) đang san ủi, mở rộng diện tích đất của ông B để trồng mía.

3. Ông Nguyễn Thành C1: Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 472- 473 trình bày: Ông C1 làm thuê cho ông S Tót, hàng ngày thường đi ngang rẫy ông B, thấy ông B và người làm thuê cho ông B thuê hạ cây, thuê máy múc của ông T1 đến san ủi, gom cây, phát dọn rẫy.

4. Ông Đặng Văn Tr (Cu E): Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 476- 477 trình bày: Ông Tr trồng mía gần rẫy ông B, thấy ông B hạ cây lớn rồi thuê máy múc của ông T1 vào san ủi, gom cây, móc gốc để mở rộng diện tích đất sử dụng.

5. Ông Nguyễn Văn S: Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 189-199 trình bày: Bà L2 cho ông B thuê 02ha, mảnh đất ông S thuê giáp ranh mảnh đất ông B thuê. Từ sau tháng 6 năm 2021 vợ ông S bị tai nạn giao thông chết, ông S ít vào rẫy, khu vực ông B hủy hoại rừng là đất của Công ty Z do UBND xã E quản lý, ông B thuê ông T1 dùng máy múc san ủi đất để mở rộng diện tích đất thuê, còn việc trả công giữa ông B và ông T1 như thế nào ông S không biết.

6. Ông Nguyễn L3 (Ú) trình bày: Ông L3 hàng ngày vào rừng hái L2, nhử gà rừng, bẩy sóc thường đi ngang qua rẫy ông B, có nhìn thấy máy múc san ủi đất cho ông B vào mùa mưa năm 2021, không biết máy múc của ai nhưng thấy ông T1 và ông T2 thường ở trại ông B.

7. Ông La Mô Y R (Ma T4) trình bày: Ma Tô làm thuê cho ông B nhiều đợt, đợt đầu khoảng tháng 3 năm 2021, cùng Ma Téc, Ma Rin, vợ Ma Tô, công việc làm là trồng mía, cuốc cỏ mì, phun thuốc cỏ... Có lúc ông B nhờ cưa những gốc cây trong rẫy, mục đích mở rộng diện tích, dọn sạch rẫy để trồng mía, trồng mì, khoảng tháng 11 năm 2021 có thấy máy múc màu vàng, bánh xích vào rẫy ông B để san ủi, gom cây. Không liên quan hủy hoại rừng.

8. Ông Nay Y P (Ma H4) trình bày: Vào năm 2021, Ma Hy, Ma Bương và Ma Tô cùng đi làm thuê cho ông B, công việc thường được thuê là nhổ mì, bốc mì lên xe, dọn rẫy, chặt chồi, cầm cưa lốc cắt chồi, khi máy múc đã múc xong.

9. Ông Hving Y B3 (Ma N2) trình bày: Khoảng tháng 4 năm 2021, Ma Nhưng cùng nhiều người ở buôn bai, xã Ea Lâm thường được ông B thuê cuốc cỏ mì, dọn cỏ mía, có nghe máy múc, máy cưa phát rẫy của ông B để mở rộng diện tích đất trồng mía, trồng mì.

10. Ông Lê Mô Y Đ (Ma S1): Theo biên bản ghi lời khai tại bút lục số 230-231 trình bày: Khi Ma Sương đến làm thuê cho ông B thì đã thấy máy múc đã xới bung gốc cây, chỉ làm nhiệm vụ chặt cành, gom cây thành đống để đốt hoặc bốc lên xe chở về trại ông B, không biết ai cưa.

* Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo B (LS D) trình bày:

Do sự quản lý rừng của UBND xã E và Công ty Z lỏng lẻo, không thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân biết khu vực ông B làm rẫy là rừng tự nhiên. Bị cáo biết sai, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính, thường xuyên đau bệnh, chân bị tật, hiện tại gần 70 tuổi là người già yếu, sau khi phạm tội có đơn tự nguyện trồng lại rừng, đã bồi thường toàn bộ thiệt hại (bồi thường 15.654.864đ) có nhân thân tốt, gia đình có người thân là liệt sỹ, vợ bị cáo (bà N) bị tật không đi làm nặng được. Đề nghị Tòa xem xét cho bị cáo cải tạo không giam giữ để bị cáo thấy được sự khoan hồng của nhà nước mà lương thiện làm ăn. Về vật chứng vụ án, những tài sản bị tạm giữ như xe mô tô, gỗ, cưa lốc, rựa là tài sản của gia đình có phần của bà N (vợ bị cáo) nên chia đôi, nếu tuyên thu sung quỹ nhà nước.

* Kiểm sát viên luận tội đối với bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX):

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn B phạm tội “Hủy hoại rừng”. Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 BLHS. Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B từ 01 năm 06 tháng đến 02 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt đi thi hành án (được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 20-9-2022 đến 17-11-2022).

Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự là UBND xã E số tiền 15.654.864đ (mười lăm triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn tám trăm sáu mươi bốn đồng). Đã bồi thường xong.

Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 BLHS; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS): Đề nghị tịch thu sung quỹ nhà nước vật chứng vụ án (theo biên bản giao nhận vật chứng vụ án giữa Công an và Chi cục THADS huyện S) vì là phương tiện, công cụ phạm tội. Riêng 02 cưa lốc đề nghị bán chia đôi phần của bị cáo thì sung quỹ nhà nước, phần của bà N (vợ bị cáo) được nhận lại, vì là những tài sản chung của vợ chồng.

Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, HĐXX nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S, Điều tra viên, VKSND huyện S, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, tuân thủ đầy đủ theo quy định của thủ tục tố tụng về thu thập tài liệu, chứng cứ của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không ai có ý kiến hoặc khiếu nại đối với hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

* Về quyết định cho thuê đất và trách nhiệm của Công ty trách nhiệm hữu hạn trồng rừng Z OJI thuộc Công ty cổ phần tập đoàn kỷ nghệ gỗ Z (gọi tắt là Công ty Z) do ông Trần Ngọc B2 đại diện trình bày: Năm 2014, UBND tỉnh Phú Yên cho Công ty Z thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng theo Quyết định số 1151/QĐ-UBND, ngày 22-7-2014 với nội dung: Diện tích đất thuê: 2.608.000,0 m2 (260,8 ha) trong đó: hiện trạng đất thuê: Đất đồi núi chưa sử dụng 1.096.331 m2 (109,6 ha), đất có rừng tự nhiên 1.511.669,0 m2; vị trí khu đất: Tiểu khu 293 xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên; mục đích sử dụng: Trồng rừng kinh tế-đất trồng rừng sản xuất; thời hạn thuê đất 50 (năm mươi) năm. Năm 2015, Công ty Z rà soát bốc tách hiện trạng có thực bì dày, rừng tự nhiên ra khỏi vùng để quản lý bảo vệ, phòng cháy rừng. Diện tích còn lại lập hồ sơ thiết kế trồng rừng keo lai giâm hom 88 ha. Ngày 25-02-2022, Hạt kiểm lâm huyện S chủ trì phối hợp các ngành, UBND xã E và Công ty Z tiến hành kiểm tra hiện trường vụ phá rừng xác định bị hủy hoại rừng diện tích 31.500 m2 tại khoảnh 4 tiểu khu 293, xã E, chức năng rừng sản xuất cho thấy đất đã thu từ UBND xã E, để giao cho UBND tỉnh Phú Yên cho Công ty Z thuê. Nhưng, tại các văn bản của Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên và các cơ quan trả lời diện tích do bị cáo B hủy hoại rừng vẫn là rừng tự nhiên, việc quản lý vẫn thuộc UBND xã E, huyện S. Vì vậy, UBND xã E được xác định với tư cách nguyên đơn dân sự là phù hợp.

* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ông T2, bà L2, ông M) và những người làm chứng (ông H3, ông T3, ông C1, ông Tr, ông S, Ma Sương) vắng mặt tại phiên tòa, nhưng việc vắng mặt đều được tống đạt hợp lệ, người liên quan như ông T2, ông M đã có đơn đề nghị xử vắng mặt và xét thấy không ảnh hưởng gì về thủ tục tố tụng nên HĐXX quyết định tiếp tục xét xử.

Riêng bà N (vợ bị cáo) tại phiên tòa trình bày, đối chiếu biên bản khám xét nhà bị cáo B (bút lục số 22) có thu giữ một số tài sản là những đồ vật liên quan đến vụ án nên HĐXX đưa bà N vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[2] Về tội danh:

Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án. HĐXX có đủ cơ sở kết luận:

Khoảng tháng 9 năm 2021, bị cáo B nảy sinh ý định hủy hoại rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 293, xã E, huyện S do Ủy ban nhân dân (UBND) xã E, huyện S quản lý, nhằm mục đích mở rộng diện tích đất sản xuất. Bị cáo đã chủ động thuê máy múc của Nguyễn Văn T1 vào khu vực rừng nêu trên và chỉ dẫn cho T1 thực hiện việc múc, san ủi gạt đất, cây rừng thành nhiều đống để đốt, dọn rừng trái phép với diện tích 31.500 m2, T1 và B thỏa thuận tiền công máy múc 550.000đ/giờ, T1 làm trong khoảng thời gian một tháng, quá trình làm thuê cho B, T1 có thuê Nguyễn Đức T2 nấu ăn, bơm mỡ, chở dầu cho T1. Sau khi T1 làm xong, B dọn những đống cây đã gom đốt cháy nham nhở. Ngày 20-01-2022, UBND xã E, huyện S phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra phát hiện.

Bị cáo có hành vi thuê người khác sử dụng máy múc san ủi đất, cây rừng với diện tích 31.500m2, thuộc khoảnh 4, tiểu khu 293, xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên, rừng này do UBND xã E quản lý. Căn cứ, kết quả giám định tư pháp số 154/KLGĐ-CCKL ngày 18-02-2022 của Chi cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên xác định diện tích 31.500m2 nêu trên là rừng tự nhiên chưa có trữ lượng, quy hoạch rừng sản xuất, trữ lượng rừng trên diện tích vi phạm là 10,373 m3, trữ lượng rừng bình quân/ha là 3,293 m3, thiệt hại về lâm sản trên diện tích vi phạm là 10,316 m2, thiệt hại định giá với số tiền 15.654.864đ (mười lăm triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn tám trăm sáu mươi bốn đồng).

Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 BLHS. Như vậy, cáo trạng của VKSND huyện S truy tố đối với bị cáo là đúng người, đúng tội.

“Tại Điều 243 khoản 2 điểm đ BLHS quy định:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

đ, Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 m2đến dưới 50.000 m2 [3] Tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo:

Bị cáo B là người thuê đất của bà Nguyễn Thị L2 (bà N1) đúng như là trình bày của những người liên quan, người làm chứng, nhưng không muốn sử dụng trong phần đất thuê mà muốn mở rộng thêm diện tích, để có diện tích sử dụng nhiều hơn, bị cáo B đã chủ động dùng cưa máy cắt cây, thuê máy múc, với mục đích phá rừng làm rẫy.

[5] Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Tình tiết tăng nặng: Không.

Tình tiết giảm nhẹ:

Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên toà bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, sau khi phạm tội bị cáo tự nguyện khắc phục toàn bộ thiệt hại với số tiền 15.654.864đ nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS.

Bị cáo có thân nhân là liệt sĩ nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS; bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ nên được áp dụng Điều 54 BLHS xét xử dưới mức của khung hình phạt.

[6] Về hình phạt: Bị cáo phạm tội nghiêm trọng với lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái nên cần xử lý nghiêm tương xứng với mức độ hành vi phạm tội. Xét bị cáo đã lớn tuổi (68 tuổi), pháp luật quy định 70 tuổi là người già, bản thân và vợ của bị cáo đều bị tật tay và chân, thường đau bệnh không làm nặng được, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng không thể chấp nhận lời bào chữa của Luật sư và lời trình bày của bị cáo áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, mà chấp nhận mức án kiểm sát viên đề nghị tại phiên tòa và xét hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn từ huyện Tây Hòa đến huyện S, tỉnh Phú Yên thuê đất, làm rẫy mưu sinh nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo và áp dụng hình phạt tù tương xứng với hành vi phạm tội.

Đối với Nguyễn Văn T1 (H) sử dụng máy múc của T1 để san ủi, dọn rẫy cho bị cáo, không biết là hành vi phá rừng, không hưởng lợi từ việc hủy hoại rừng, chỉ là người làm thuê cho bị cáo B và Nguyễn Đức T2 cũng là người làm thuê cho T1. Quá trình làm thuê, T1 và T2 đều không biết diện tích rừng mà bị cáo B thuê hủy hoại là rừng sản xuất, hiện trạng và vị trí giáp ranh với diện tích đất đang trồng mía, mì của bị cáo và diện tích rừng bị hủy hoại, không có căn cứ vững chắc để buộc T1 và T2 phải biết đó là rừng tự nhiên và là đồng phạm. Cơ quan cảnh sát điều tra và VKSND huyện S không xem xét trách nhiệm hình sự đối với T1 và T2 là phù hợp quy định pháp luật.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự UBND xã E, huyện S 15.654.864đ. Bị cáo đã bồi thường xong.

[8] Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 BLHS, Điều 106 BLTTHS:

* Tiếp tục tạm giữ số tiền 15.654.864đ để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

* Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước toàn bộ vật chứng đã tạm giữ, vì bà N (vợ bị cáo) có mặt tại tòa cung cấp: Ba xe mô tô là xe độ chế, mua từ vật phế liệu, con rựa, hai máy cưa lốc, một điện thoại, một số gỗ, mặc dù là tài sản chung của gia đình nhưng không chứng minh được tất cả vật chứng vụ án đều không sử dụng vào việc phạm tội. Tại phiên tòa, bị cáo và những người liên quan như Ma Tô, Ma Hy, Ma Nhưng… thừa nhận có sử dụng máy cưa lốc cắt cây, con rựa dùng phát rẫy, điện thoại dùng để liên lạc thuê người hủy hoại rừng, đối chiếu chứng cứ có trong hồ sơ và 14 ảnh ghi lại hiện trường hủy hoại rừng (bút lục số 43 đến 46) cho thấy tất cả vật chứng đều do bị cáo quản lý, sử dụng vào việc phạm tội. Ý kiến của kiểm sát viên tại phiên tòa bán chia đôi hai máy cưa lốc, các vật chứng còn lại đề nghị tuyên thu sung quỹ. Xét không thể chấp nhận bán chia đôi hai máy cưa lốc, mà đủ căn cứ xác định toàn bộ tang vật vụ án bị thu giữ là không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản là hợp pháp, xác định là phương tiện, công cụ phạm tội và là vật cấm lưu hành nên cần tịch thu sung quỹ nhà nước.

[9] Về án phí: Căn cứ Điều 136 BLTTHS; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Mặc dù bị cáo là người cao tuổi nhưng không thể miễn án phí hình sự theo lời bào chữa của luật sư. Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH:

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn B phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54 BLHS.

1. Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn B 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án (được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 20-9-2022 đến 17-11-2022).

Về hình phạt bổ sung: Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 589 Bộ luật dân sự:

Buộc bị cáo phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự là UBND xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên số tiền 15.654.864đ (mười lăm triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn tám trăm sáu mươi bốn đồng). Bị cáo đã nộp đủ.

3. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 47 BLHS, Điều 106 BLTTHS:

* Tiếp tục tạm giữ số tiền 15.654.864đ (mười lăm triệu sáu trăm năm mươi bốn nghìn tám trăm sáu mươi bốn đồng) để bồi thường cho nguyên đơn dân sự là UBND xã E, huyện S, tỉnh Phú Yên nộp vào ngân sách nhà nước.

* Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước:

1. 01 (một) điện thoại di động NOKIA 105 màu đen đã qua sử dụng, bên trong có chứa thẻ sim số 03267530xx;

2. 01 (một) cưa máy cầm tay hiệu KATSU màu xanh đã qua sử dụng, có gắn lam xích dài 60 cm;

3. 01 (một) cưa máy cầm tay hiệu FUJIKAWA KANTA màu đỏ đã qua sử dụng, có gắn lam xích dài 60 cm;

4. 01 (một) rựa dài 90 cm, cán bằng gỗ dài 61 cm, cán có đường kính 03 cm, lưỡi bằng kim loại dài 29 cm, phía trước có mũi cong;

5. 01 (một) xe mô tô độ chế màu sơn đen, nhãn hiệu DEAHAN, số máy LC152FMHO1045310, không xác định số khung, không có biển kiểm soát, xe đã qua sử dụng;

6. 01 (một) xe mô tô độ chế màu sơn đen, nhãn hiệu YASUTA, không xác định được số máy, số khung, không có biển kiểm soát, xe đã qua sử dụng;

7. 01 (một) xe mô tô độ chế màu sơn đen, nhãn hiệu FERVOR, số máy VTT14JL52FHM019583, không xác định số khung, không có biển kiểm soát, xe đã qua sử dụng;

8. 02 (hai) khúc gỗ, mỗi khúc có kích thước (2,5 x 0,1 x 0,1) m, chưa xác định chủng loại gỗ;

9. 188 (một trăm tám mươi tám) thanh gỗ, mỗi thanh có kích thước (80 x 8 x 8) cm, chưa xác định chủng loại gỗ.

(toàn bộ vật chứng có đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng ngày 07-02-2023 giữa Công an huyện S và Chi cục Thi hành án dân sự huyện S).

4. Về án phí: Áp dụng Điều 136 BLTTHS ; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Tải về
Bản án số 09/2023/HS-ST Bản án số 09/2023/HS-ST

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Bản án/ Quyết định cùng đối tượng

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất