Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 5.777 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
3601 | Nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia | là những nhân tố bên trong, bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có khả năng thực tế gây nguy hại cho an ninh quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam | 32/2004/QH11 |
3602 | Nguyên cáo | Danh từ chỉ bên nguyên trong một vụ án hình sự. | Từ điển Luật học trang 326 |
3603 | Nguyên đơn | 1. Người khởi kiện hoặc người không khởi kiện trong những vụ án được viện kiểm sát khởi tố về dân sự hoặc tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích của người đó. 2. Nguyên đơn có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. 3. Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn (x. Đương sự). 4. Nguyên đơn đã được tòa án triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lí do chính đáng thì tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án. | Từ điển Luật học trang 326 |
3604 | Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự | "Cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 40 – Bộ luật tố tụng hình sự). Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền: đưa ra chứng cứ và yêu cầu; được thông báo kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên tòa; khiếu nại các quyết định của cơ quan điều tra, viện kiểm sát; kháng cáo các bản án và quyết định của tòa án về bồi thường thiệt hại." | Từ điển Luật học trang 326 |
3605 | Nguyên đơn trong vụ án dân sự | là người khởi kiện, người được cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn. | 24/2004/QH11 |
3606 | Nguyên liệu | bao gồm nguyên liệu thô, thành phần, phụ tùng, linh kiện, bộ phận rời và các hàng hoá mà có thể hợp lại để cấu thành một hàng hoá khác sau khi trải qua một quá trình sản xuất. | 19/2006/NĐ-CP |
3607 | Nguyên liệu chính | là nguyên liệu tạo nên thành phần chính của sản phẩm. | 116/2008/TT-BTC |
3608 | Nguyên liệu gia công | bao gồm nguyên liệu chính và phụ liệu để tạo nên sản phẩm gia công. | 116/2008/TT-BTC |
3609 | Nguyên liệu thuốc lá | là thuốc lá dưới dạng lá rời, lá đã sơ chế tách cọng hoặc thuốc lá sợi, thuốc lá tấm, cọng thuốc lá và các chế phẩm thay thế khác dùng để sản xuất ra các sản phẩm thuốc lá. | 119/2007/NĐ-CP |
3610 | Nguyên nhân tội phạm | "Là những yếu tố làm phát sinh tội phạm. Thuyết nhân chủng học cho rằng nguyên nhân tội phạm là do hoàn cảnh địa lí, tướng mạo bẩm sinh của con người như mắt xếch, lông mày rậm, tay chân thô kệch… hoặc do chủng tộc, màu da, địa vị xã hội thấp hèn, vv. Thuyết duy tâm cho rằng nguyên nhân tội phạm là do tác động của lực lượng siêu tự nhiên như thần thánh, quỷ dữ… Thuyết duy vật cho rằng nguyên nhân tội phạm xuất phát từ tệ nạn áp bức, bóc lột, người bóc lột người, từ sự nghèo đói, bần cùng về đời sống vật chất và lạc hậu trì trệ về mặt ý thức tư duy. Thuyết duy vật chia nguyên nhân tội phạm thành hai dạng: một dạng xuất phát từ khách quan như sự đình đốn về kinh tế, thiên tai, chiến tranh, vv.; một dạng xuất xứ ngay trong mỗi bản thân con người phạm tội như lối sống đồi trụy, ích kỉ cá nhân, vv. Việc xác định đúng nguyên nhân khách quan và chủ quan của tội phạm sẽ giúp xác định đúng quy luật diễn biến, tìm được những phương pháp phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm có hiệu quả." | Từ điển Luật học trang 326 |
3611 | Nguyên tắc “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” | "Là một trong số các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự được quy định tại Điều 17 – Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 5 – Luật tổ chức tòa án nhân dân. Nguyên tắc này có nghĩa là trong khi xét xử, tòa án có trách nhiệm áp dụng đúng đắn pháp luật, chỉ căn cứ vào pháp luật để xét xử; các cá nhân các cơ quan nhà nước khác đều không có quyền can thiệp vào công tác xét xử của tòa án. Nguyên tắc này không có nghĩa là tòa án biệt lập với các cơ quan khác của nhà nước. Tòa án vẫn phải phối hợp, cộng tác chặt chẽ với các cơ quan khác để xét xử tốt, đúng pháp luật, phục vụ tốt lợi ích của nhà nước và của nhân dân." | Từ điển Luật học trang 332 |
3612 | Nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác” | Nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại, theo đó không một quốc gia, một nhóm quốc gia hay một tổ chức quốc tế nào có quyền can thiệp dưới bất cứ hình thức nào vào các công việc đối nội cũng như đối ngoại thuộc thẩm quyền riêng của quốc gia khác hoặc bắt buộc quốc gia khác phải đưa những công việc này, khác ra quốc gia theo thủ tục quốc tế. Luật pháp quốc tế hiện đại quy định những hành vi sau đây là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia: 1. Sử dụng sức mạnh hoặc đe dọa bằng sức mạnh, áp dụng các hình thức can thiệp khác để chống lại chủ quyền của quốc gia hay chống lại nền tảng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia khác. 2. Sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để khuất phục quốc gia khác nhằm hạn chế các quyền bắt nguồn từ chủ quyền quốc gia và nhằm buộc quốc gia khác giành lợi thế cho mình. 3. Tổ chức, giúp đỡ, chứa chấp, khuyến khích, tài trợ hoặc cho phép những hoạt động vũ trang, lật đổ hoặc khủng bố nhằm làm thay đổi thể chế của quốc gia khác thông qua sức mạnh cũng như nhằm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ, nhất là nội chiến ở quốc gia khác. 4. Sử dụng sức mạnh để buộc nhân dân nước khác từ bỏ hình thức tồn tại dân tộc của họ. 5. Can thiệp dưới bất cứ hình thức nào nhằm tước bỏ quyền không thể tước đoạt được của quốc gia khác là lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của họ. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong tuyên bố năm 1970 của Liên hợp quốc về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như trong tuyên bố năm 1982 của Liên hợp quốc về việc “không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia” và trong nhiều văn kiện pháp lí quốc tế quan trọng khác. | Từ điển Luật học trang 333 |
3613 | Nguyên tắc “không có tội khi không có luật” | Xuất phát từ khái niệm tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Điều 8 – Bộ luật hình sự và từ cơ sở của trách nhiệm hình sự là chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Tội phạm bao giờ cũng phải được quy định trong luật hình sự. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi nhưng chưa được quy định trong luật hình sự thì không thể coi là tội phạm. Đây là đặc trưng cơ bản của tội phạm. Sở dĩ như vậy, một mặt là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân: không ai hoặc bất kì một cơ quan nào ngoài những cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật hình sự có thể tự tiện quy trách nhiệm hình sự cho hành vi này hay hành vi khác. Mặt khác, đó là sự bảo đảm hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử một người phải đúng pháp luật hiện hành. Việc quản lí nhà nước theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở việc tôn trọng nguyên tắc này trong việc xác định tội phạm. | Từ điển Luật học trang 334 |
3614 | Nguyên tắc bầu cử | Những quy định cơ bản nhất về bầu cử, làm cơ sở cho việc thực hiện quyền bầu cử của các cử tri lựa chọn người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Nguyên tắc bầu cử thể hiện bản chất của một chế độ nhà nước. Ở Việt Nam, việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 1. Nguyên tắc phổ thông: thể hiện tính dân chủ rộng rãi toàn dân. Bầu cử là công việc chung của toàn dân, được thực hiện đồng thời và đều khắp trên phạm vi lãnh thổ. 2. Nguyên tắc bình đẳng: bảo đảm để các cử tri có cơ hội, điều kiện như nhau trong việc thể hiện nguyện vọng và sự lựa chọn của mình, không có bất kì sự phân biệt đối xử nào giữa các cử tri. Mỗi cử tri được ghi tên tham gia bầu cử ở một nơi và bỏ một phiếu bầu. 3. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp: bảo đảm để cử tri trực tiếp lựa chọn người đại diện cho mình bằng lá phiếu của mình không qua bất kì một sự trung gian nào. Cử tri phải tự cầm lá phiếu, tự lựa chọn người đại diện và tự tay bỏ vào hòm phiếu, không được nhờ người khác bầu thay, không được bầu bằng cách gửi thư qua bưu điện. Những người già cả, ốm đau không trực tiếp đến nơi bỏ phiếu chung thì cơ quan bầu cử phải đưa hòm phiếu đến tận chỗ ở để cử tri đó trực tiếp bỏ phiếu. 4. Nguyên tắc bỏ phiếu kín: bảo đảm để cử tri được tự do thể hiện sự lựa chọn đúng theo ý chí, nguyện vọng của mình mà không bị ảnh hưởng bởi những điều kiện và yếu tố bên ngoài. | Từ điển Luật học trang 327 |
3615 | Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia | Theo luật quốc tế, nguyên tắc này có hai nội dung cơ bản sau đây: 1. Tôn trọng chủ quyền quốc gia. 2. Thừa nhận và tôn trọng sự bình đẳng và quyền ngang nhau giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc bình đẳng với nhau về chủ quyền giữa các quốc gia đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc. Theo tuyên bố năm 1970 của Liên hợp quốc và tuyên bố Băng Đung năm 1955, sự bình đẳng về chủ quyền này bao gồm các yếu tố sau đây: a) Các quốc gia đều bình đẳng về mặt pháp lí. b) Mỗi nước đều sử dụng các quyền thuộc chủ quyền đầy đủ của mình. c) Mỗi nước đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các nước khác. d) Tính toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của nhà nước là bất khả xâm phạm. đ) Mỗi nước có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị xã hội, kinh tế và văn hóa của mình. e) Mỗi nước có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ quốc tế của mình và sống trong hòa bình với các nước khác. | Từ điển Luật học trang 328 |
3616 | Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực | Là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, quy định nghĩa vụ của các quốc gia trong quan hệ quốc tế là không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của quốc gia khác, hoặc để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc gia, tổ chức hoặc khuyến khích tổ chức các lực lượng không thường trực hoặc các toán võ trang, các đội quân đánh thuê để xâm nhập lãnh thổ một quốc gia khác, xúi dục, giúp đỡ hoặc tham gia nội chiến hay hoạt động khủng bố ở quốc gia khác, gây chiến tranh xâm lược đều là vi phạm nguyên tắc này. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 14.2.1974 đã định nghĩa xâm lược và liệt kê các hành vi xâm lược. Nhưng mặt khác, nghị quyết nói trên cũng quy định những hành vi sau đây là hợp pháp: sử dụng lực lượng vũ trang để tự vệ, để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, hoặc để đấu tranh chống ách thuộc địa, và phụ thuộc, giành độc lập trên cơ sở quyền dân tộc tự quyết, hoặc sử dụng lực lượng vũ trang theo Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. | Từ điển Luật học trang 328 |
3617 | Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế | "Những quy phạm pháp luật được thừa nhận một cách rộng rãi của các chủ thể quan hệ quốc tế. Thể hiện một cách tập trung những tư tưởng, quan điểm chính trị – pháp lí cơ bản nhằm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện những vấn đề quan trọng nhất của đời sống quốc tế trong mỗi thời đại lịch sử nhất định. Trong luật quốc tế hiện đại, nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế có một ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ hòa bình và phát triển sự hợp tác giữa các quốc gia. Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại được ghi nhận trong nhiều văn bản luật quốc tế quan trọng như Hiến chương Liên hợp quốc; Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Băng Đung của các nước á – Phi năm 1955; các văn kiện của phong trào không liên kết, vv. Song hệ thống những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại được nêu trong các văn bản này không giống nhau. Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại cũng như nhu cầu thống nhất, khẳng định hệ thống và nội dung của những nguyên tắc này nhằm nâng cao hiệu quả việc thi hành luật quốc tế hiện đại, ngày 24.10.1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 2625 (XXV) phê chuẩn tuyên bố về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc là; 1. Cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. 2. Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. 3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. 4. Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau. 5. Các dân tộc có quyền bình đẳng và tự quyết. 6. Bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. 7. Tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế. Ngoài những nguyên tắc nêu trên, Định ước cuối cùng Henxinki năm 1975 về an ninh và hợp tác Châu Âu còn nêu thêm một số nguyên tắc cơ bản khác như: không xâm phạm biên giới quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản." | Từ điển Luật học trang 329 |
3618 | Nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình | "Nguyên tắc trung tâm của luật quốc tế hiện đại. Nó có giá trị ràng buộc các quốc gia có chế độ kinh tế – xã hội khác nhau trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế cũng như việc xây dựng và phát triển sự hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Tính chất quan trọng của nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình là nó tập trung những nội dung hiện có được ghi nhận trong nhiều nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Vì vậy, hệ thống nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại còn được gọi là hệ thống của nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Xuất phát từ vị trí quan trọng như trên, nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp lí quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc, tuyên bố của Liên hợp quốc về những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 24.10.1970; Định ước cuối cùng Henxinhki năm 1975 của các nước Châu Âu về an ninh và hợp tác, vv. Ở Việt Nam, tuy vấn đề “cùng tồn tại hòa bình” không quy định thành một nguyên tắc cụ thể, nhưng nội dung của nó được quy định trong Điều 14 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị xã hội khác nhau… tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Chính quy định này đã cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước Việt Nam." | Từ điển Luật học trang 329 |
3619 | Nguyên tắc dân chủ trong pháp luật | Thể hiện sự kết hợp hài hòa, thống nhất trong quá trình xây dựng, ban hành và thi hành pháp luật. Theo đó, việc xây dựng và ban hành pháp luật phải dựa trên cơ sở ý chí chung của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Các quy định của pháp luật được áp dụng bình đẳng, không thiên vị đối với tất cả các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội. Ở Việt Nam, việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật đều bắt nguồn từ lợi ích chung của nhân dân. Đối với những đạo luật quan trọng, Hiến pháp Việt Nam quy định nhân dân có quyền trực tiếp tham gia ý kiến thông qua người đại biểu do mình bầu ra (đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp) hoặc trực tiếp gửi đến các cơ quan có trách nhiệm và các phương tiện thông tin đại chúng. Việc ban hành pháp luật và thi hành pháp luật luôn bảo đảm mở rộng dân chủ rộng rãi để phát huy tính chỉ đạo tập trung của cấp trên và tính chủ động, sáng tạo của cấp dưới, nhằm bảo đảm cho các hoạt động quản lí nhà nước bằng pháp luật đạt được hiệu quả cao. Hiến pháp Việt Nam cũng quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. | Từ điển Luật học trang 330 |
3620 | Nguyên tắc dân tộc tự quyết | "Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại được ghi nhận tại Điều 1 và Điều 55 của Hiến chương Liên hợp quốc và được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế khác như: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị các nước Á – Phi tại Băng Đung (1955), các văn kiện của phong trào không liên kết, Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam… Tôn trọng quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là tôn trọng quyền thành lập quốc gia, dân tộc độc lập hoặc cùng với dân tộc khác, quốc gia khác thành lập quốc gia liên bang trên cơ sở tự nguyện; quyền của dân tộc lựa chọn cho mình chế độ chính trị kinh tế – xã hội, tự giải quyết vấn đề nội bộ, không có sự can thiệp từ bên ngoài; quyền của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để dành độc lập và nhận sự giúp đỡ, ủng hộ, kể cả sự giúp đỡ về quân sự của các quốc gia khác; mọi dân tộc đều có quyền bình đẳng, bất kể màu da, ngôn ngữ, trình độ phát triển… Nói đến quyền dân tộc tự quyết cũng có nghĩa là xóa bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột của dân tộc này đối với dân tộc khác, xóa bỏ chế độ thực dân cũ và mới. Mọi hành vi trái với những nội dung nêu trên đều bị coi là hành vi phi pháp." | Từ điển Luật học trang 331 |