Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 210 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
01 | QA | Bảo đảm chất lượng (Quality Assurance) | 10/2007/TT-BTNMT |
02 | QC | Kiểm soát chất lượng (Quality Control) | 10/2007/TT-BTNMT |
03 | QFE | (Atmospheric pressure at Aerodrome elevation or at runway threshold): Áp suất khí quyển tại mức cao cảng hàng không, sân bay hoặc tại ngưỡng đường cất hạ cánh. | 12/2007/QĐ-BGTVT |
04 | QNH | (Altimeter sub-scale setting to obtain elevation when on the ground): Khí áp quy về mực nước biển trung bình theo khí quyển chuẩn ICAO. | 12/2007/QĐ-BGTVT |
05 | Quá cảnh | 1. Chế độ cho phép miễn thuế đối với hàng hóa chuyên chở qua một nước để đến một nước thứ ba, mà không dừng ở nước quá cảnh đó (nếu chuyên chở đường biển thì thông qua phao số không). 2. Sự đi qua một nước hay nhiều nước để đi tới một nước thứ ba, ở nước đi qua không bị khám xét gì hết (sự tự do quá cảnh được thiết lập năm 1921 với Hiệp ước Băcxelơn (Baccelone). Tại Điều 38 - Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định: quá cảnh là việc thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng qua eo biển giữa một bộ phận khác về kinh tế và một vùng đặc quyền về kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế. | Từ điển Luật học trang 380 |
06 | Quá cảnh hàng hóa | là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh. | 36/2005/QH11 |
07 | Quá cảnh lãnh thổ Việt Nam | là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh. | 15/2006/QĐ-BNN |
08 | Quá trình lao động | Là quá trình làm việc theo hợp đồng lao động, bao gồm cả lao động trong và ngoài giờ, thời gian đi công tác và quá trình đi và về giữa nơi ở và nơi làm việc. | 14/2004/QĐ-BTC |
09 | Quản chế | Một hình phạt bổ sung buộc người bị kết án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 31 - Bộ luật hình sự và bị cấm làm một số nghề hoặc công việc nhất định. Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do luật quy định. Thời hạn quản chế từ 1 - 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Quản chế là hình phạt bổ sung có tính chất nghiêm khắc hơn so với cấm cư trú. | Từ điển Luật học trang 382 |
10 | Quân chủ | Hình thức chính thể của nhà nước phong kiến trong đó tất cả quyền lực tập trung vào một người lên ngôi theo dòng họ gọi là vua, hoàng đế hoặc một chế độ trong đó quốc trưởng, nguyên thủ quốc gia là vua, hoàng đế. | Từ điển Luật học trang 384 |
11 | Quân chủ lập hiến | Hình thức chính thể của nhà nước tư sản ở một số nước còn bảo tồn ngôi vua, nhưng quyền hạn của vua bị hạn chế theo hiến pháp. Ở thế kỉ XIX, vua của một vài nước tư bản bị hạn chế về quyền lập pháp nhưng vẫn còn nhiều quyền về hành pháp (vd. Nhật bản theo hiến pháp năm 1889 ...). Hiện nay, hình thức quân chủ lập hiến gần như chế độ đại nghị, vua giữ vai trò nguyên thủ quốc gia, vd. tổng thống ở các nước cộng hòa đại nghị (Nhật Bản theo Hiến pháp năm 1947, Thụy Điển theo Hiến pháp năm 1974) (Xt.Chế độ đại nghị, Chế độ quân chủ). | Từ điển Luật học trang 384 |
12 | Quân đội chính quy | Quân đội quốc gia được tổ chức theo chế độ nghĩa vụ quân sự và có sự quản lý thống nhất của nhà nước về các mặt: tổ chức biên chế, trang bị vũ khí, kỹ thuật, kỉ luật, chỉ huy, chế độ đảm bảo về vật chất, tinh thần. | Từ điển Luật học trang 385 |
13 | Quân đội liên hợp quốc | "(cg. Quân mũ nồi xanh) là các đơn vị vũ trang được huy động từ các nước thành viên, trên cơ sở những thỏa thuận đặc biệt giữa các nước ấy với Liên hợp quốc. Theo quyết định của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc quân đội Liên hợp quốc được phái đi làm nhiệm vụ vãn hồi hòa bình tại các nơi có xảy ra xung đột vũ trang. Khi tổ chức Liên hợp quốc còn bị các nước tư bản thao túng, quân đội Liên hợp quốc thường bị lợi dụng vào những mục đích đàn áp các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và can thiệp vào nội bộ các nước có chủ quyền như chống lại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên năm 1950; thủ tiêu chính quyền của nước Cộng hòa nhân dân Côngô năm 1960. Dưới danh nghĩa quân đội liên hợp quốc, một số nước thành viên Liên hợp quốc đã đưa quân vào nhiều nước có xung đột vũ trang như ở Libăng, Môdămbich, Bôtxnhia, Crôatia, Xecbia, ... để vãn hồi hòa bình nhưng không thành công." | Từ điển Luật học trang 385 |
14 | Quân đội nhân dân | là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương. Ngày 22 tháng 12 hàng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân, ngày hội quốc phòng toàn dân. | 39/2005/QH11 |
15 | Quan hệ công cụ chuyển nhượng | là quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân trong việc phát hành, chấp nhận, bảo lãnh, chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu, thanh toán, truy đòi, khởi kiện về công cụ chuyển nhượng. | 49/2005/QH11 |
16 | Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài | "Là: a) Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; b) Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động mà các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam, nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt theo pháp" | 138/2006/NĐ-CP |
17 | Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài | là quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài | 22/2000/QH10 |
18 | Quan hệ lao động | Quan hệ xã hội hình thành trong quá trình sử dụng lao động theo sự thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Theo đó, một bên là người lao động cam kết hoàn thành một loại công việc theo một nghề nghiêp, với trình độ chuyên môn nhất định, thực hiện đầy đủ nội quy lao động và các quy định khác trong quá trình lao động và bên kia là người sử dụng lao động, có nghĩa vụ giao việc cho người lao động như đã cam kết, trả lương theo năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh và thực hiện các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định. Các đặc điểm của quan hệ lao động là: a) Trong quan hệ lao động, người lao động cam kết thực hiện một loại công việc theo một nghề nghiệp, lĩnh vực nào đó chứ không phải là một công việc cụ thể. b) Đối tượng của quan hệ lao động là quá trình sử dụng sức lao động, quá trình hoạt động lao động của người lao động chứ không phải là một công việc cụ thể. c) Trong quan hệ lao động người lao động đặt hoạt động lao động của mình dưới sự quản lý điều hành của người sử dụng lao động, chịu sự phân công công việc, chấp hành các quy định về hoạt động lao động mà người sử dụng đề ra. Các quan hệ lao động được thiết lập tự nguyện, bình đẳng giữa hai bên và không trái pháp luật. Hình thức pháp lí chủ yếu của quan hệ lao động là hợp đồng lao động. | Từ điển Luật học trang 380 |
19 | Quan hệ ngoại giao | Những mối quan hệ chính thức giữa các quốc gia, được thiết lập sau khi các quốc gia này công nhận lẫn nhau về pháp lý và được tiến hành bằng những phái đoàn ngoại giao thường trực. Quan hệ ngoại giao giữa các nước được biểu hiện bằng hoạt động ngoại giao với những hình thức chủ yếu như cử đại diện thường trực quốc gia ở nước sở tại (phái đoàn ngoại giao), tiến hành hội nghị ngoại giao các cấp giữa các nước, trao đổi thư từ (công hàm) ngoại giao, đàm phán ký kết điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước nhằm góp phần phục vụ xây dựng đất nước. | Từ điển Luật học trang 381 |
20 | Quan hệ pháp luật | "Một trong ba dạng quan hệ xã hội của con người (quan hệ phong tục; quan hệ đạo đức; quan hệ pháp luật). Quan hệ pháp luật là loại quan hệ được xác lập, tồn tại, phát triển hoặc chấm dứt trên cơ sở quy định của các quy phạm pháp luật. Quan hệ pháp luật là loại quan hệ phổ biến, chủ yếu trong mọi mặt hoạt động của nhà nước, của xã hội và mọi mặt đời sống của công dân. Quan hệ giữa công dân với nhà nước, giữa các quốc gia với nhau là quan hệ pháp luật. Quan hệ pháp luật rõ ràng, đầy đủ, tiến bộ, được xác lập, duy trì, bảo vệ một cách nghiêm minh là cơ sở để duy trì, ổn định xã hội, bảo đảm sự gắn bó chặt chẽ giữa công dân với nhà nước, giữa công dân với công dân, là điều kiện vật chất đảm bảo sự phát triển không ngừng về mọi mặt của quốc gia. Quan hệ pháp luật lỏng lẻo, lạc hậu so với cuộc sống là nguyên nhân dẫn đến việc buông lỏng quản lý xã hội của nhà nước và mọi hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Hoàn thiện không ngừng quan hệ pháp luật là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước pháp quyền." | Từ điển Luật học trang 381 |