Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 511 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
01 | Nạn nhân chiến tranh | Là những người bị chiến tranh gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và làm đảo lộn cuộc sống yên bình. Ngày 12.8.1949, các nước trên thế giới đã cùng nhau kí tại Giơnevơ (Thụy Sĩ) bốn công ướ về bảo hộ nạn nhân chiến tranh đối với bốn loại đối tượng: a) Thương binh, bệnh binh thuộc các lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ. b) Thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc những lực lượng hải quân. c) Tù binh. d) Thường dân. Nội dung công ước quy định các bên tham chiến không được dùng con người làm vật thí nghiệm vũ khí, không được giết hại, đối xử tàn bạo đối với những người đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu, với nhân dân trong vùng bị chiếm đóng… Những kẻ phạm tội tội ác với nạn nhân chiến tranh sẽ bị truy tố và xét xử về tội ác chiến tranh. | Từ điển Luật học trang 313 |
02 | Nâng cấp trạm | là tăng thêm nhiệm vụ hoặc yếu tố quan trắc cho trạm và nâng hạng trạm lên hạng cao hơn. | 03/2006/QĐ-BTNMT |
03 | Năng định | Là văn bản do Cục Hàng không Việt Nam cấp kèm theo giấy phép, giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự, trong đó chỉ ra các điều kiện riêng, quyền hạn hoặc hạn chế của giấy phép và giấy chứng nhận đó. | 10/2008/QĐ-BGTVT |
04 | Năng lực hành vi của người chưa thành niên | "Những người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) được coi là những người chưa có năng lực hành vi, nhưng căn cứ vào độ tuổi thì các Điều 22 và 23 – Bộ luật dân sự quy định: a) Người chưa đủ 6 tuổi hoàn toàn không có năng lực hành vi dân sự. Do đó, mọi quyền, nghĩa vụ dân sự của họ đều phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện (x. Đại diện theo pháp luật). b) Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, vd. người chưa thành niên 7 – 8 tuổi mua sách vở, đồ dùng học tập; người 15 – 16 tuổi mua quần áo, nhưng nếu mua những tài sản có giá trị quan trọng thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vv. c) Trong trường hợp người đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng đủ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không đòi hỏi phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, vd. người 17 tuổi được kí hợp đồng lao động và nếu họ được thừa kế một số tiền thì có thể dùng tiền đó mua một xe đạp, xe máy, vv." | Từ điển Luật học trang 313 |
05 | Năng lực hành vi của người mất năng lực hành vi | Người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền. Trong trường hợp nói trên, mọi quyền và nghĩa vụ dân sự của người mất năng lực hành vi phải do người đại diện theo pháp luật của người đó thực hiện (Điều 24 – Bộ luật dân sự). Khi người mất năng lực hành vi khỏi bệnh, theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi. Năng lực hành vi của người này được phục hồi sau khi có quyết định của tòa án. | Từ điển Luật học trang 314 |
06 | Năng lực hành vi của người nghiện ma túy hoặc các chấ kích thích khác | Theo Điều 25 Bộ luật dân sự: 1. Người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn tới chỗ phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan hoặc tổ chức hữu quan, tòa án có thể ra quyết định tuyên bố đó là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. 2. Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện do tòa án quyết định. Người bị hạn chế năng lực hành vi muốn thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện, trừ những giao dịch nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. 3. Khi đã cai nghiện được thì theo yêu cầu của người bị hạn chế năng lực hành vi hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan hoặc tổ chức hữu quan, tòa án quyết định hủy bỏ quyết định hạn chế năng lực hành vi. | Từ điển Luật học trang 314 |
07 | Năng lực hành vi dân sự | Mặc dù mỗi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự nhưng muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự người đó còn phải có năng lực hành vi, tức là phải có khả năng thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự (Điều 19 – Bộ luật dân sự). Năng lực hành vi dân sự được pháp luật quy định căn cứ vào: a) Độ tuổi, tức là đến một độ tuổi nào đó thì con người mới có đủ nhận thức để quyết định về hành vi của mình. Do đó, Bộ luật dân sự quy định người thành niên (đủ 18 tuổi) là người có đủ năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp kết hôn thì nam giới phải đủ 21 tuổi. Nếu là người chưa thành niên thì tùy theo độ tuổi mà họ là người không có năng lực hành vi hoặc chỉ có năng lực hành vi hạn chế. b) Người có quyền, nghĩa vụ dân sự không phải là người mắc bệnh tâm thần, hoặc nghiện ma túy, hoặc nghiện các chất kích thích khác mà phá tán tài sản. Người mắc bệnh tâm thần là người mất năng lực hành vi, còn người thuộc loại thứ hai là người bị hạn chế năng lực hành vi. Để bảo vệ những quyền lợi của người không có năng lực hành vi, pháp luật quy định là họ không được tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự mà phải có người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. | Từ điển Luật học trang 314 |
08 | Năng lực hành vi dân sự của cá nhân | là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. | 33/2005/QH11 |
09 | Năng lực hành vi tố tụng dân sự | là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. | 24/2004/QH11 |
10 | Năng lực pháp luật dân sự | "Theo Điều 16 – Bộ luật dân sự, năng lực pháp luật của cá nhân là khả năng có các quyền dân sự (xt. Quyền dân sự) và có nghĩa vụ dân sự (xt. Nghĩa vụ dân sự). Năng lực pháp luật dân sự bao gồm: a) Quyền nhân thân không gắn liền với tài sản (như quyền có họ tên; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền đứng tên trong tác phẩm; quyền cho sử dụng hoặc không cho sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học vv.) và quyền nhân thân gắn liền với tài sản (như quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật; quyền của tác giả được hưởng tiền nhuận bút…). b) Các quyền tài sản (x. Quyền tài sản). c) Quyền tham gia các quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó (quyền kết hôn, kí hợp đồng, vv.). Cá nhân có năng lực pháp luật dân sự kể từ khi họ sinh ra cho đến khi chết. Vd. trẻ em mới sinh ra đều được hưởng quyền chăm sóc của cha mẹ, được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; người đang bị giam giữ hoặc phải thi hành án tù giam vẫn được quyền hưởng thừa kế và được là chủ sở hữu tài sản của mình, trừ trường hợp tài sản đó bị tịch thu." | Từ điển Luật học trang 315 |
11 | Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân | là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết. | 33/2005/QH11 |
12 | Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân | là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình. | 33/2005/QH11 |
13 | Năng lực pháp luật tố tụng dân sự | là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. | 24/2004/QH11 |
14 | Năng lực phòng thí nghiệm | "là khả năng hoạt động của phòng thí nghiệm, được đánh giá thông qua các tiêu chí về: không gian và môi trường làm việc của phòng thí nghiệm; trang thiết bị thí nghiệm và khả năng thực hiện của nhân viên thí nghiệm tương ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật của phép thử; khả năng tổ chức và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm; hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm." | 14/2008/QĐ-BGTVT |
15 | Năng lực trách nhiệm hình sự | Khả năng nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và khả năng điều khiển hành vi theo hướng có lợi hay không có lợi cho xã hội. Chỉ những người có khả năng đó mới hiểu rõ được hành vi của mình đúng hay sai, nên thực hiện hay không nên thực hiện, phù hợp với quy định của pháp luật hay không… để chủ động điều chỉnh hành vi của mình và khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và đủ các điều kiện khác theo luật định mới có thể là chủ thể của tội phạm. Theo quy định của Bộ luật hình sự, những người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển hành vi của mình và những trẻ em dưới 14 tuổi là những người không có năng lực trách nhiệm hành vi nguy hiểm cho xã hội thì hành vi này không được coi là tội phạm, họ không phải chịu trách nhiệm hình sự và không bị xử lí bằng biện pháp hình sự. Điều 12 – Bộ luật hình sự quy định đối với người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình mà thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội thì áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. | Từ điển Luật học trang 315 |
16 | Năng lượng | là dạng vật chất có khả năng sinh công, bao gồm nguồn năng lượng sơ cấp: than, dầu, khí đốt và nguồn năng lượng thứ cấp là nhiệt năng, điện năng được sinh ra thông qua quá trình chuyển hoá năng lượng sơ cấp. | 102/2003/NĐ-CP |
17 | Năng lượng nguyên tử | "là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ; là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc." | 18/2008/QH12 |
18 | Năng lượng tái tạo | là năng lượng được sản xuất từ các nguồn như thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy triều, sinh khối, khí chôn lấp rác thải, khí của nhà máy xử lý rác thải và khí sinh học. | 18/2008/QĐ-BCT |
19 | Nâng ngạch | là nâng từ ngạch thấp lên ngạch cao hơn trong cùng một ngành chuyên môn nghiệp vụ. | 117/2003/NĐ-CP |
20 | Nạp tiền | Là việc nạp giá trị tiền vào thẻ bằng cách nộp tiền mặt, séc, chuyển tiền bằng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc trích tài khoản tiền gửi thanh toán thông qua tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, đại lý phát hành thẻ hoặc đơn vị chấp nhận thẻ. | 20/2007/QĐ-NHNN |