Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 5.777 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
3061 | Luật doanh nghiệp tư nhân | "Đạo luật quy định khái niệm doanh nghiệp tư nhân; các nguyên tắc pháp lí bảo đảm sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp tư nhân; điều kiện và thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp tư nhân; điều kiện và thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân, những dấu hiệu của doanh nghiệp tư nhân vào tình trạng phá sản. Luật doanh nghiệp tư nhân do Quốc hội Khóa VIII thông qua ngày 21.12.1990, đã được sửa đổi một số điều do Quốc hội khóa IX, thông qua ngày 22.6.1994, gồm 5 chương, 28 điều với những nội dung sau đây: những quy định chung; thành lập, đăng kí kinh doanh, giải thể, phá sản doanh nghiệp tư nhân; tổ chức hoạt động của doanh nghiệp tư nhân; xử lí vi phạm; điều khoản cuối cùng." | Từ điển Luật học trang 285 |
3062 | Luật gia | (cg. nhà luật học), người có kiến thức pháp lí, chuyên nghiên cứu về luật, luật học hoặc làm công tác pháp luật ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp: luật gia tư vấn, vv. (Xt. Hội luật gia Việt Nam). | Từ điển Luật học trang 286 |
3063 | Luật hàng hải | Quy phạm pháp lí điều chỉnh những quan hệ về hàng hải, về vận chuyển hành khách và hàng hóa trên biển. Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 1990 quy định chế độ pháp lí của tầu biển, cảng biển, quan hệ về việc vận chuyển hành khách và hàng hóa trên biển và các vấn đề khác liên quan đến hàng hải. | Từ điển Luật học trang 286 |
3064 | Luật hành chính | "Ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hoạt động quản lí của các cơ quan nhà nước, những thể lệ quy định mối quan hệ giữa nhà nước với tư nhân trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Luật hành chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lí nhà nước (chính phủ, các bộ, các ủy ban nhân dân…), của công chức, trách nhiệm hành chính, thủ tục tiến hành các hoạt động quản lí; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, của công dân trong lĩnh vực quản lí nhà nước, trong quan hệ với các cơ quan quản lí nhà nước." | Từ điển Luật học trang 287 |
3065 | Luật hiến pháp | (cg. luật nhà nước), ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm các quy định về tổ chức quyền lực nhà nước, chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Luật hiến pháp là ngành luật chủ đạo, giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong hệ thống pháp luật, thể hiện tập trung nhất bản chất giai cấp của nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lí. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành luật hiến pháp điều chỉnh các loại quan hệ xã hội quan trọng như: - Những vấn đề cơ bản của chế độ xã hội: chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh, quốc phòng và đường lối đối ngoại. - Những vấn đề cơ bản về địa vị pháp lí, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam. - Phương thức tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn và quan hệ giữa các bộ phận cấu thành cơ bản của bộ máy nhà nước. Nội dung của ngành luật hiến pháp được quy định chủ yếu trong hiến pháp, trong một số văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính phủ, Luật tổ chức tòa án nhân dân, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật tổchức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, các luật quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. | Từ điển Luật học trang 287 |
3066 | Luật hình sự | Ngành luật trong hệ thống pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật, xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, đồng thời quy định mức và loại hình phạt áp dụng đối với từng loại tội phạm. Trong hệ thống pháp luật, luật hình sự có vị trí rất quan trọng, là công cụ sắc bén để bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa mọi hành vi phạm tội, góp phần hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật hình sự được thừa nhận là một ngành luật độc lập vì nó có đối tượng, phương pháp điều chỉnh riêng, không trùng lập với các ngành luật khác, mặc dù giữa luật hình sự và các ngành luật khác có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 26.7.1985 có hiệu lực từ ngày 1.1.1986. Hệ thống quy phạm pháp luật trong luật hình sự được chia làm hai phần: Phần thứ nhất là “Phần chung” có 8 chương 71 điều (từ Điều 1 – 71) bao gồm các quy phạm pháp luật về những nguyên tắc, nhiệm vụ của luật hình sự, những chế định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự và điều kiện áp dụng hình phạt đối với từng loại tội phạm. Phần thứ hai: được gọi là “Phần các tội phạm” gồm 12 chương, 209 điều (từ Điều 72 – 280) bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật xác định các dấu hiệu của tội phạm, mức và loại hình phạt áp dụng đối với từng loại tội phạm cụ thể… | Từ điển Luật học trang 287 |
3067 | Luật học | Hệ thống các tri thức cơ bản về nhà nước và pháp luật bao gồm nhiều chuyên ngành khoa học về lí luận (lí luận chung về nhà nước và pháp luật và lí luận về từng ngành luật như luật hiến pháp, luật hành chính, luật dân sự, luật tố tụng…), về các khoa học ứng dụng (pháp y học, tâm lí học tư pháp, tội phạm học, hình pháp học…). (Xt. Khoa học pháp lí). | Từ điển Luật học trang 288 |
3068 | Luật hôn nhân và gia đình | "Ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, tức là các quan hệ nhân thân và các quan hệ về tài sản giữa vợ chồng; giữa cha mẹ với các con và những người thân thích, ruột thịt khác; các quan hệ xã hội phát sinh từ việc kết hôn, li hôn, nuôi con nuôi; xác định các mối quan hệ cha, mẹ, con cái. Luật hôn nhân và gia đình được Quốc hội thông qua ngày 29.12.1986, có hiệu lực từ ngày 3.1.1987 (có 10 chương, 57 điều)" | Từ điển Luật học trang 288 |
3069 | Luật hợp tác xã | "Đạo luật quy định việc thành lập, tổ chức hoạt động và quản lí hợp tác xã. Luật hợp tác xã xác định chính sách của nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp của hợp tác xã, bảo đảm quyền bình đẳng của hợp tác xã trong kinh doanh; khuyến khích phát triển hợp tác xã; thông qua hợp tác xã để thực hiện các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ xã viên xóa đói giảm nghèo, thực hiện bình đẳng, công bằng và tiến bộ xã hội; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, không can thiệp vào việc quản lí và hoạt động hợp pháp của hợp tác xã. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã theo Luật hợp tác xã là tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; chia lãi bảo đảm kết hợp lợi ích của xã viên và sự phát triển của hợp tác xã; hợp tác và phát triển cộng đồng. Luật hợp tác xã do Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 20.3.1996, có hiệu lực từ ngày 1.1.1997, gồm 10 chương, 56 điều với những nội dung sau: những quy định chung; thành lập và đăng kí kinh doanh; xã viên; tổ chức và quản lí hợp tác xã; hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản hợp tác xã; liên hiệp hợp tác xã, tổ chức liên minh của hợp tác xã; quản lí nhà nước đối với hợp tác xã; khen thưởng, xử lí vi phạm; điều khoản thi hành." | Từ điển Luật học trang 289 |
3070 | Luật khoáng sản | "Đạo luật quy định về quản lí, bảo vệ, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản. Luật khoáng sản do Quốc hội khóa IX thông qua ngày 20.3.1996, có hiệu lực kể từ này 1.9.1996 gồm 10 chương, 66 điều với những nội dung sau: những quy định chung về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; khu vực hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; khảo sát khoáng sản; thăm dò khoáng sản; khai thác, chế biến khoáng sản; quản lí nhà nước về khoáng sản; thanh tra chuyên ngành về khoáng sản; khen thưởng và xử lí vi phạm; điều khoản thi hành." | Từ điển Luật học trang 289 |
3071 | Luật khuyến khích đầu tư trong nước | "Đạo luật quy định việc khuyến khích các tổ chức, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Luật khuyến khích đầu tư trong nước khẳng định nguyên tắc: nhà nước công nhận bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, lợi nhuận, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của chủ đầu tư; quy định việc nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hoạt động đầu tư trong nước, các lĩnh vực đầu tư được ưu đãi; quy định quyền của chủ đầu tư được lựa chọn ngành nghề, địa bàn, hình thức đầu tư, chủ động trong hoạt động đầu tư, được thuê lao động, được xuất cảnh ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư; quy định những nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thực hiện pháp luật về kế toán, thống kê, về nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, về bảo vệ an ninh, quốc phòng và các nghĩa vụ khác. Luật khuyến khích đầu tư trong nước cũng quy định việc quản lí nhà nước về khuyến khích đầu tư nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ, các cơ quan quản lí nhà nước khác ở trung ương và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Luật khuyến khích đầu tư trong nước do Quốc hội thông qua ngày 20.5.1998, có hiệu lực từ ngày 1.1.1999, gồm 7 chương, 44 điều với nội dung sau: những quy định chung; bảo đảm và hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư; quản lí nhà nước về khuyến khích đầu tư; khen thưởng và xử lí vi phạm; điều khoản thi hành." | Từ điển Luật học trang 289 |
3072 | Luật La Mã | "Pháp luật thành văn của nhà nước La Mã cổ đại, nhà nước chủ nô của hình thái kinh tế – xã hội chiếm hữu nô lệ. Đạo luật đầu tiên là “Luật mười hai bảng” (Loi des douze tables) được ghi vào năm 456 trước Công nguyên trên 12 tấm bảng bằng đồng. Luật La Mã thể hiện ý chí của giai cấp chủ nô, chủ yếu là bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị, trấn áp giai cấp nô lệ, nhưng mặt khác cũng có những quy định quan trọng điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong nội bộ giai cấp thống trị với nhau. Vì vậy Luật La Mã đã có rất nhiều khái niệm, chế định, đặc biệt là trong lĩnh vực luật dân sự cho đến nay vẫn phát huy được giá trị trong khoa học luật dân sự hiệp định, như khái niệm về quyền sở hữu, vật quyền, hợp đồng, về hôn nhân – gia đình, thừa kế… Theo Enghen, Luật La Mã là sự thể hiện về mặt pháp lí có tính chất kinh điển về điều kiện và xung đột xã hội trong đó có sự ngự trị của chế độ tư hữu thuần túy mà sau này các văn bản pháp luật khó có thể phủ nhận giá trị của nó. Lí luận pháp luật dân sự nói chung và nhất là luật dân sự của các nước tư sản trên thực tế đã dựa rất nhiều vào kế t quả nghiên cứu sáng tạo của các luật gia La Mã cổ đại. Ví dụ như các bộ luật dân sự hiện hành của Cộng hòa Pháp và nhiều nước khác trong hệ thống luật germano romain… Luật La Mã cổ cũng để lại những nguyên tắc pháp quyền có giá trị phổ biến trên thế giới hiện nay như: “Các đức tính của luật pháp là truyền lệnh, cấm đoán, cho phép, trừng phạt” (legis virtus haec est imperare, vetare, perimttere, punire); “Không ai có thể làm quan tòa xử vụ kiện của mình” (nemo esse judex in sua causa); “Không có hình phạt nào không có luật” (nulla poena sine lege) để nói về nguyên tắc không ai bị phạt nếu không phạm luật, hoặc tòa án chỉ tuyên phạt nếu có luật trừng trị; “Không có tội phạm nào mà không do luật định” (nullum crimen sine lege; hoặc nullum dilictum sine lege)… Cũng như ở những trường đại học luật ở các nước trong hệ thống luật germano romain, hiện nay Việt Nam, hầu hết các cơ sở đào tạo cử nhân luật đều đưa luật La Mã cổ vào chương trình giảng dạy để trang bị cho sinh viên một phần các kiến thức cơ bản về pháp luật dân sự." | Từ điển Luật học trang 290 |
3073 | Luật ngân hàng | "Hệ thống các văn bản pháp luật nhằm xác định trách nhiệm quản lí nhà nước của ngân hàng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ của nhà nước, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nhiều thành phần, phù hợp với đường lối đổi mới cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lí sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Để quản lí nhà nước đối với các hoạt động ngân hàng, ngày 23.5.1990, Hội đồng nhà nước (khóa VIII) đã ban hành Pháp lệnh ngân hàng nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh ngân hàng hợp tác xã nông nghiệp. Qua hơn 6 năm thực hiện hai pháp lệnh này, các hoạt động ngân hàng đã thực sự góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định đồng tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hai pháp lệnh cũng bộc lộ những mặt hạn chế cần được bổ sung, sửa đổi để nâng lên thành luật. Vì vậy, Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam đã được Quốc hội khóa X thông qua ngày 12.12.1997, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.10.1998, gồm 7 chương, 63 điều với những nội dung sau: Những quy định chung; Tổ chức của Ngân hàng nhà nước; Hoạt động của Ngân hàng nhà nước; Tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo của nga n hàng n hà nước; Thanh tra ngân hàng; Tổng kiểm soát của Ngân hàng nhà nước; Khen thưởng và xử lí vi phạm; Điều khoản thi hành" | Từ điển Luật học trang 291 |
3074 | Luật ngân sách nhà nước | "Đạo luật quy định về lập, chấp hành, quyết toán, kiểm tra ngân sách nhà nước và về nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan nhà nước các cấp trong lĩnh vực ngân sách nhà nước. Luật ngân sách nhà nước xác định nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, có phân công trách nhiệm gắn với quyền hạn, phân cấp quản lí giữa các ngành, các cấp là nguyên tắc cơ bản của quản lí ngân sách nhà nước. Luật ngân sách nhà nước quy định hệ thống ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương; quy định nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể của mỗi cấp ngân sách; quy định các nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước; quy định thẩm quyền của các cơ quan nhà nước các cấp cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về ngân sách nhà nước. Luật ngân sách nhà nước cũng quy định những căn cứ và trình tự của việc lập dự toán ngân sách nhà nước; thủ tục chấp hành ngân sách nhà nước; công tác kế toán và kiểm toán đối với hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước cũng như việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước. Luật ngân sách nhà nước do Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 20.3.1996, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 1997 bao gồm 8 chương, 82 điều với những nội dung sau: nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ, các cơ quan khác của nhà nước và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về ngân sách nhà nước; nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chấp hành ngân sách các cấp; lập dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch và quyết toán ngân sách nhà nước; kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lí vi phạm; điều khoản thi hành." | Từ điển Luật học trang 292 |
3075 | Luật nghĩa vụ quân sự | "Đạo luật quy định nghĩa vụ của công dân phải phục vụ tại ngũ trong các đơn vị quân đội chính quy và phục vụ ở ngạch dự bị các trường hợp được xét miễn, hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự; hạn tuổi và thời gian phải phục vụ tại ngũ, hạn tuổi và thời gian phục vụ tại ngạch dự bị; hạn tuổi hết làm nghĩa vụ quân sự; nghĩa vụ phục vụ tại ngũ khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; quyền lợi và nghĩa vụ của quân nhân, vv. Luật nghĩa vụ quân sự của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên được ban hành ngày 15.4.1960, thay thế chế độ tình nguyện phục vụ trong quân đội đã được áp dụng từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, để đặt nền móng cho việc xây dựng quân đội nhân dân, cách mạng chính quy và hiện đại." | Từ điển Luật học trang 293 |
3076 | Luật ngoại giao, lãnh sự | "Các quy phạm pháp luật quy định thể thức bổ nhiệm và triệu hồi các đại diện ngoại giao, lãnh sự, chức năng của các đại diện ngoại giao, lãnh sự cũng như quyền ưu đãi, miễn trừ của họ, trách nhiệm của nước tiếp nhận về bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự; trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và các thành viên của cơ quan này đối với nước tiếp nhận và việc giải quyết hậu quả pháp lí khi có vi phạm xảy ra. Pháp lệnh về cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993 quy định về tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như việc bổ nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài. Pháp lệnh lãnh sự năm 1990 quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức cũng như việc bổ nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài." | Từ điển Luật học trang 293 |
3077 | Luật phá sản doanh nghiệp | "Đạo luật quy định thủ tục nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp và tòa án có thẩm quyền thụ lí đơn; trình tự của việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hội nghị chủ nợ, tuyên bố phá sản doanh nghiệp; những vấn đề về thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Luật phá sản doanh nghiệp do Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 30.12.1993, có hiệu lực kể từ ngày 1.7.1994 gồm 6 chương, 52 điều với những nội dung sau: Những quy định chung; Thủ tục nộp đơn và thụ lí đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; Xử lí vi phạm; Điều khoản thi hành. Tinh thần của luật được thể hiện rõ trong Lời nói đầu “để bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ, khi giải quyết việc phá sản doanh nghiệp góp phần thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bảo đảm trật tự, kỉ cương xã hội”." | Từ điển Luật học trang 293 |
3078 | Luật so sánh | Bộ môn khoa học pháp lí nghiên cứu so sánh, đối chiếu những quan điểm, phương pháp xây dựng luật, các chế định luật, các điều luật cụ thể của các ngành luật khác nhau, qua đó mà phát hiện ra những điểm tương đồng và khác biệt của các đối tượng so sánh, với mục đích tìm ra những quan điểm, phương pháp hoàn thiện về việc xây dựng, thi hành và bảo vệ luật. Hội luật so sánh được thành lập năm 1869, được đổi tên thành Hội khoa học pháp lí quốc tế và hoạt động dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Đại hội quốc tế luật so sánh lần đầu tiên được tiến hành năm 1950 tại Pari. Việt Nam là hội viên của Hội luật so sánh quốc tế từ năm 1993. | Từ điển Luật học trang 294 |
3079 | Luật sư | 1. Thành viên của một đoàn luật sư, làm nghề giúp đỡ về mặt pháp lí cho cá nhân hoặc tổ chức theo hợp đồng hoặc theo chỉ định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số trường hợp. Luật sư tham gia tố tụng để bào chữa cho bị can, để bênh vực bị cáo, các đương sự, thay mặt cho người bị hại trước các tòa án, và có thể làm một số dịch vụ pháp lí khác theo quy định của pháp luật. Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức và đủ các điều kiện về kiến thức pháp lí theo quy định của pháp luật, được một đoàn luật sư kết nạp có thể trở thành luật sư sau một thời gian tập sự. 2. Danh hiệu chỉ người đã làm nghề luật sư nhưng đã nghỉ việc. 3. Pháp lệnh mới về luật sư đang được soạn thảo và có một số điều khoản mới so với pháp lệnh hiện hành. | Từ điển Luật học trang 294 |
3080 | Luật tài nguyên nước | "Văn bản được Quốc hội Khóa X thông qua ngày 20.5.1998, có hiệu lực từ ngày 1.1.1999, gồm 10 chương, 75 điều: quy định những vấn đề khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, đồng thời phòng chống tác hại do nước gây ra. Nguồn nước bao gồm nguồn nước mạch, nước ngầm và nước vùng nội thủy. Thuật ngữ nguồn nước trong luật về nước được hiểu là: nước và lòng bờ chứa nước tới mức cao nhất ở các nhánh sông, suối, hồ tự nhiên, nhân tạo, đầm, ao, kênh, rạch và nơi tập trung nước trên mặt đất. Luật tài nguyên nước tăng cường hiệu lực quản lí nhà nước bằng việc nâng cao trách nhiệm pháp lí của chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra; khuyến khích việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lí, đúng quy định của pháp luật." | Từ điển Luật học trang 294 |