Bản án số 94/2019/HSPT ngày 07/08/2019 của TAND tỉnh Bắc Giang về tội cố ý gây thương tích

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng tội danh
  • Tải về
Mục lục
Tải văn bản
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 94/2019/HSPT

Tên Bản án: Bản án số 94/2019/HSPT ngày 07/08/2019 của TAND tỉnh Bắc Giang về tội cố ý gây thương tích
Tội danh: 104.Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật hình sự năm 1999)
Cấp xét xử: Phúc thẩm
Tòa án xét xử: TAND tỉnh Bắc Giang
Số hiệu: 94/2019/HSPT
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 07/08/2019
Lĩnh vực: Hình sự
Áp dụng án lệ:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Đính chính:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Thông tin về vụ án:
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 94/2019/HSPT NGÀY 07/08/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 06, 07/8/2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 85/TLPT-HS ngày 19 tháng 4 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Văn T, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2019/HS-ST ngày 15/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: Nguyễn Văn T, sinh năm 1968 tại Y, Bắc Giang; nơi cư trú: Bản C, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ văn hóa: 07/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Quốc T và con bà Trần Thị K; có vợ: Lưu Thị L và có 02 con; tiền án; tiền sự: không; nhân thân: Bản án số 223/HSST ngày 23/9/1998 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang xử phạt Nguyễn Văn T 02 năm tù về tội “Cướp tài sản xã hội chủ nghĩa”; bị bắt tạm giam từ ngày 28/9/2018, hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang (có mặt).

- Người bào chữa:

+ Bà Vũ Thị N, bà Nguyễn Thị V, là Luật sư của Văn phòng luật sư C, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).

+ Ông Vi Văn D, ông Quách Thành L, là Luật sư của Công ty luật TNHH T, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội (có mặt).

- Bị hại: Anh Đặng Văn T1, sinh năm 1976; Địa chỉ: Bản G, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Bà Nguyễn Thị M - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Giang (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Vũ Văn P, sinh năm 1968 (có mặt)

Địa chỉ: Thôn Đ, xã P, huyện Y, tỉnh Bắc Giang.

2. Chị Hoàng Thị N, sinh năm 1976 (có mặt)

3. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1961 (có mặt)

4. Anh Đặng Văn T, sinh năm 1985 (vắng mặt)

5. Ông Phùng Văn T, sinh năm 1969 (có mặt)

Cùng địa chỉ: Bản G, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang.

6. Bà Đặng Thị N, sinh năm 1971 (có mặt)

Địa chỉ: Bản L, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang.

7. Chị Lưu Thị L, sinh năm 1973 (có mặt)

Địa chỉ: Bản C, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Anh Trương Quốc T2, sinh năm 1958 ở phường T, thành phố B, tỉnh Bắc Giang hợp đồng giao khoán trồng rừng tại lô số 2, khoảnh 5, tờ bản đồ số 2 với Lâm trường Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. Diện tích đất này thuộc quyền quản lý đất của Lâm trường Đ do Nhà nước cho thuê thời hạn 50 năm, kể từ ngày 15/10/1993. Anh T2 có hợp đồng Vũ Văn P, sinh năm 1968 ở thôn Đ, xã P, huyện Y và Nguyễn Văn T, sinh năm 1968 ở bản C, xã Đ, huyện Y để bảo vệ khu vực rừng này.

Do anh Đặng Văn T1, sinh năm 1976 ở bản G, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang cho rằng khu vực đất này cũng được cấp sổ đỏ thuộc quyền sở hữu của anh T1nên hai bên xảy ra tranh chấp với nhau. Ngày 18/01/2018, Ủy ban nhân dân xã Đ lập biên bản yêu cầu hai bên dừng lại chờ giải quyết.

Khoảng hơn 13 giờ ngày 24/01/2018, anh T1 dọn đốt bãi tại khu vực này thì anh P và T đi xe mô tô đến. Khi đó tay trái anh T1 cầm một con dao quắm dài 87 cm (chuôi gỗ, phần dao bằng kim loại dài 43 cm, bản rộng 4,5 cm); tay phải cầm mồi lửa để đốt cành cây củi; sườn trái đeo 01 con dao (loại dao bằng) có chiều dài 45 cm, cán bằng gỗ dài 13 cm, bản rộng 5,5cm. Khi thấy anh T1 đang đốt bãi thì anh P và T để xe mô tô tại đường rồi cùng đi đến chỗ anh T1 làm, mục đích để ngăn cản không cho anh T1 tiếp tục làm nữa. Anh P bảo anh T1 không được đốt bãi và yêu cầu về Ủy ban nhân dân xã giải quyết nhưng anh T1 không đồng ý và nói đây là đất của anh T1 nên cứ làm. Anh P dùng hai tay túm giữ con dao quắm của anh T1. T đi đến giằng co dao quắm nhưng không được nên bỏ tay ra. Anh P và anh T1 tiếp tục giằng co con dao quắm. Trong lúc hai người di chuyển, giằng co dao thì lưỡi dao quắm va vào trán anh T1 làm chảy máu. Ngay sau đó, T đi đến vị trí chếch chéo phía sau bên trái anh T1 và dùng một đoạn gậy gỗ vụt hai phát liên tiếp vào vùng vai trái anh T1 làm anh T1 bị đau nên buông tay ra khỏi con dao quắm và bị ngã nghiêng bên phải xuống đất thì anh P giật được con dao quắm. T tiếp tục dùng gậy gỗ vụt hai phát trúng vào mặt ngoài cánh tay trái anh T1. Sau đó, anh P đưa con dao quắm cho T cầm và bảo đem về Ủy ban xã nộp. T cầm dao quắm đi ra vị trí để xe mô tô, anh P nhặt con dao (loại dao bằng) của anh T1 rơi dưới đất rồi cùng T rời khỏi nơi xảy ra xô sát. T mang 02 con dao mang ra nộp cho Công an xã Đ.

Ngay sau khi bị đánh, chị Hoàng Thị N là vợ anh T1 đến lấy lá đắp vào vết thương ở trán để cầm máu cho anh T1. Sau đó, anh T1 được người nhà đưa đến đến Bệnh viện đa khoa huyện Y điều trị.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an xã Đ đã đến hiện trường lập biên bản xác định anh T1 có các thương tích: Vết thương trán trái dài khoảng 4 cm, bả vai và bắp tay trái có 5 vết bầm tím, từ bả vai bên trái đến giữa lưng bị 6 vết bầm tím, ngón tay áp út tay trái bị xước mảng da khoảng 1 cm. Anh Phạm Văn C là Phó công an xã Đ dùng điện thoại di động chụp các vết thương của anh T1.

Khám nghiệm hiện trường: Khu vực nơi xảy ra vụ việc là khu vực đồi núi, có đường mòn chạy xung quanh, đồi đã được khai thác gỗ. Tại khu vực đất trống dốc thoải giáp với lối mòn có 02 đống củi bạch đàn, tiếp đó có 01 đám tro tàn chưa cháy hết củi, tiếp đó là một đống củi bạch đàn. Hai đống củi giáp lối mòn cách đám tro tàn chưa cháy hết củi là 16,7 m, cách đống cành ngọn bạch đàn là 21,4m, đám tàn tro cách đống cành bạch đàn là 8,9m. Đám cháy tàn tro có kích thước (2,6 x 3)m, tại đống cành ngọn bạch đàn có một đám tàn tro cháy xám có kích thước (30 x 40) cm. Theo trình bày của T thì vị trí xảy ra xô sát là vị trí gần đống cành ngọn bạch đàn cách đám tro tàn cháy xám là 1,8m, cách tâm đám tro tàn chưa cháy hết là 10,4m.

Ngày 20/3/2018 và ngày 11/4/2018, anh T1 nộp cho Cơ quan điều tra 01 ảnh chụp các thương tích, 01 áo sơ mi dài tay, 01 áo khoác dài tay (là 02 chiếc áo anh T1 mặc khi bị đánh). Ngày 23/3/2018, anh C giao nộp 04 ảnh chụp các thương tích của anh T1.

Anh T1 điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Y từ ngày 24/01/2018 đến ngày 28/01/2018; Điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc giang từ ngày 29/01/2018 đến ngày 12/02/2018. Điều trị tại Bệnh viện Quân y 110 từ ngày 30/7/2018 đến ngày 03/8/2018 thì ra viện.

Giấy chứng nhận thương tích ngày 6/2/2018 của Bệnh viện đa khoa huyện Y xác định: Đặng Văn T1 vào viện hồi 17 giờ ngày 24/01/2018, ra viện ngày 28/01/2018: Khám vùng trán trái có vết thương dài sấp sỉ 03 cm, sâu 0,5 cm, bờ dập nát. Vai trái xây sát bầm tím hạn chế vận động, chụp XQ hình ảnh gãy mỏm cùng vai trái.

Giấy chứng nhận thương tích ngày 11/4/2018 của Bệnh viện đa khoa huyện Y xác định: Đặng Văn T1 vào viện ngày 11/4/2018: Hạn chế vận động khớp vai trái, đau nhiều vùng thắt lưng và cánh tay trái. Vùng trán lệch sang trái sát chân tóc có vết sẹo đã liền các vết, 02 nốt chỉ khâu dài sấp sỉ 02 cm, sát chân cánh mũi trái có vết sẹo nhỏ dài sấp sỉ 02 cm. Vai trái có vết mổ cũ dài sấp sỉ 12 cm đã liền tốt nhô đầu đinh,1/3 trên cánh tay trái không phát hiện tổn thương, vùng thắt lưng không còn dấu vết.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích và cơ chế hình thành thương tích của anh T1; Trưng cầu giám định nhóm máu của anh T1 và dấu vết trên 02 con dao đã thu giữ.

Kết luận giám định pháp y về thương tích số 8143/18/TgT ngày 12/3/2018 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bắc Giang kết luận:

- Thương tích vết sẹo vùng trán trái: 1%.

- Thương tích hai vết sẹo mổ vùng vai trái + X-quang: Gãy gai vai và mỏm cùng vai trái đã kết hợp xương bằng néo ép, hiện có vị trí giải phẫu bình thường: 13%.

- Thương tích chạm thương cánh tay trái không còn dấu vết: 0%.

Kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại của anh Đặng Văn T1 là 14%.

Cơ chế hình thành thương tích:

- Thương tích vết sẹo vùng trán trái do vật sắc gây nên. Chiều hướng từ trước ra sau, lực tác động không mạnh.

- Thương tích hai vết sẹo mổ vùng vai trái + X-quang: Gãy gai vai và mỏm cùng vai trái đã kết hợp xương bằng néo ép, hiện có vị trí giải phẫu bình thường không xác định được vật gây thương tích, không xác định được chiều hướng gây thương tích, lực tác động mạnh.

- Thương tích chạm thương cánh tay trái không còn dấu vết không xác định được vật gây thương tích, không xác định được chiều hướng gây thương tích, lực tác động không mạnh.

Sau khi được thông báo kết luận giám định pháp y về thương tích, anh Trường có đơn xin giám định lại. Cơ quan điều tra đã trưng cầu Viện pháp y quốc gia giám định lại tỷ lệ thương tích của anh T1.

Kết luận giám định pháp y về thương tích số 118/18/TgT ngày 08/5/2018 của Viện pháp y quốc gia kết luận:

- Sẹo nhỏ vùng trán trái: 1%;

- Sẹo mổ vùng bả vai trái: 8%.

- Vùng cánh mũi trái, tay trái và lưng hiện không còn phát hiện dấu vết thương tích.

- Gãy mỏm cùng vai trái, trật khớp vai trái gây hạn chế vận động khớp ít: 14%. Kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại của anh Đặng Văn T1 là 22%. Thương tích vùng trán trái do vật có cạnh sắc gây nên. Thương tích vùng vai trái, gãy xương mỏm cùng vai đã mổ nên không thể xác định được vật gây thương tích và chiều hướng tác động của vật gây thương tích. Cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Viện pháp y quốc gia giải thích làm rõ thêm một số nội dung trong Kết luận giám định pháp y về thương tích của anh T1.

Công văn số 362/PYQG-CV ngày 16/10/2018 của Viện pháp y Quốc gia giải thích: Lực tác động gây ra thương tích vùng trán trái, cánh mũi trái, tay và lưng trái là không mạnh. Lực tác động gây ra thương tích gãy mỏm cùng vai, trật khớp vai trái là mạnh. Chiều hướng gây ra thương tích vùng trán trái hơi chếch từ trên xuống dưới, từ trước ra sau nạn nhân. Thương tích vùng vai gãy mỏm cùng vai trái do vật tày tác động, không thể xác định được chiều hướng tác động của vật gây thương tích do đã phẫu thuật và các vết sây sát, bầm tím tại thời điểm giám định không còn dấu tích.

Công văn số 440/PYQG-CV ngày 12/12/2018 của Viện pháp y Quốc gia giải thích: Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể dựa trên phương pháp cộng lùi quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế. Áp dụng theo phương pháp cộng này, tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Đặng Văn T1 (Đã làm tròn số) là 22%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định.

Kết luận giám định số 295/KL-PC54 ngày 7/3/2018 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận:

- Mẫu máu của Đặng Văn T1 được niêm phong trong phong bì thư gửi giám định thuộc nhóm máu O.

- Trên con dao quắm có máu người, thuộc nhóm máu O.

- Trên con dao mũi bằng không phát hiện thấy dấu vết máu.

Quá trình điều tra, anh T1 khai: Khi anh T1 đang cầm con dao quắm trên tay trái còn tay phải cầm mồi lửa để đốt cành cây củi thì anh P đi đến giằng mồi lửa vứt đi sau đó giằng con dao quắm chém về phía anh T1 thì anh T1 dùng hai tay đỡ, túm vào cán dao và bị lưỡi dao trúng vào trán. Khi hai người đang giằng co con dao thì T đi đến dùng tay đấm một phát vào sườn bên phải của anh T1 rồi di chuyển ra phía sau anh T1. Trong lúc anh T1 và anh P tiếp tục giằng co con dao thì anh T1 bị vụt liên tiếp hai phát trúng vào vai trái. Tại thời điểm này, anh T1 nhìn thấy T cầm một đoạn gậy gỗ đứng ở phía sau bên trái anh T1. Do máu ở trán chảy xuống mặt nên anh T1 lấy tay phải vuốt máu ở mặt. Anh T1 tiếp tục bị vụt hai phát nữa vào mặt ngoài cánh tay trái. Anh T1 khẳng định bị T dùng gậy gỗ vụt liên tiếp 2 phát trúng vào bả vai trái gây nên thương tích vùng vai trái, gãy mỏm cùng vai tr ái. Sau khi bị T dùng gậy đánh, anh T1 còn bị P dùng sống dao vụt mấy cái vào lưng trước khi bỏ đi.

Anh P ban đầu khai khi giằng co dao quắm với anh T1 thì có thể lưỡi dao va vào trán anh T1 làm bị thương. Anh P và T không đánh anh T1. Quá trình điều tra, anh P thay đổi lời khai, xác định khi anh P và anh T1 đang giằng co con dao quắm thì nghe thấy tiếng “bụp, bụp”. Anh P thấy anh T1 rời tay ra khỏi dao quắm và bị ngã nghiêng sườn bên phải xuống đất. Tại thời điểm này, anh P nhìn thấy T đứng ở phía sau, bên trái anh T1, tay phải T cầm một đoạn gậy gỗ dài khoảng 60 cm đến 70 cm giơ lên vụt hai phát liên tiếp, chếch chéo theo chiều từ trái sang phải, từ trên xuống dưới trúng vào sườn, tay trái anh T1. Anh P không thừa nhận dùng sống dao quắm đánh vào lưng anh T1.

Ban đầu Nguyễn Văn T khai: Khi thấy anh P và anh T1 giằng co con dao quắm, T có vào túm giữ dao không được rồi lùi lại phía sau. T và anh P không đánh anh T1. Sau đó, T thay đổi lời khai: Khi anh P và anh T1 giằng co con dao quắm thì T thấy anh P giật được con dao quắm làm anh T1 loạng choạng, cúi người hai tay chống xuống đất thì anh P dùng sống dao vụt một phát vào lưng của anh T1 và dùng bản dao vụt một phát thứ hai trúng vào vai trái của anh T1. Anh P giơ dao quắm lên định vụt tiếp thì T chạy đến túm giữ con dao và can ngăn. T không dùng tay đấm và không dùng gậy gỗ đánh anh T1.

Do lời khai giữa anh T1, anh P và T mâu thuẫn nhau. Trong quá trình điều tra và truy tố, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã tiến hành đối chất nhưng tất cả đều giữ nguyên nội dung đã khai.

Cơ quan điều tra đã tiến hành thực nghiệm điều tra theo lời khai của T, anh T1, anh P và Quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 04 ngày 14/5/2018 để trưng cầu giám định các tình huống.

Kết luận giám định số 246/18/TgT ngày 27/11/2018 của Viện pháp y Quốc gia kết luận:

Tình huống 1: Anh T1 và anh P đều dùng hai tay túm vào cán dao quắm để giằng co và anh T đứng phía sau anh T1 dùng gậy gỗ vụt vào vùng vai trái, bả vai trái của anh T1 thì có thể gây ra được thương tích vùng vai trái, bả vai trái và gãy mỏm cùng vai trái, trật khớp cùng đòn của anh T1 không? Có thể gây ra được thương tích vùng vai trái, bả vai trái và gãy mỏm cùng vai trái, trật khớp cùng đòn của anh T1.

Tình huống 2: Anh T1 và anh P đều dùng hai tay túm vào cán dao quắm để giằng co và anh P giật mạnh được dao quắm làm anh T bị ngã xuống nền đất có nhiều hòn đá to, nhỏ khác nhau. Nếu anh T1 bị ngã xuống nền đất hoặc anh T1 bị ngã ngồi nghiêng bên phải xuống đất (Vai trái không chạm đất) thì có thể gây ra được thương tích vùng vai trái, bả vai trái và gãy mỏm cùng vai trái, trật khớp cùng đòn của anh T1 không? Không có khả năng gây ra được thương tích.

Tình huống 3: Anh T1 đứng đối diện, cách anh P 90 cm, anh P dùng hai tay cầm dao quắm dài 87 cm, có chuôi bằng gỗ, phần dao bằng kim loại dài 43 cm, bản lưỡi rộng nhất là 4,5cm chém theo hướng từ trên xuống dưới về phía đầu anh T1, anh T1 dùng hai tay đỡ vào cán dao quắm làm lưỡi dao quắm trúng vào trán trái thì có thể gây ra được thương tích vùng trán của anh T1 không? Có khả năng gây ra được thương tích.

Tình huống 4: Anh T1 và anh P đứng đối diện, đều dùng hai tay túm vào cán dao quắm, lưỡi dao quắm hướng lên phía trên (Dao quắm dài 87 cm, có chuôi bằng gỗ, phần dao bằng kim loại dài 43 cm, bản lưỡi rộng nhất là 4,5 cm) để giằng co và lưỡi dao quắm trúng vào trán trái, trúng vào sát chân cánh mũi trái của anh T1 thì có thể gây ra được thương tích vùng trán và thương tích sát chân cánh mũi trái của anh T1 không? Có khả năng gây ra được thương tích.

Tình huống 5: Anh T1 và anh P đứng đối diện, đều dùng hai tay túm vào cán dao quắm, lưỡi dao quắm hướng lên phía trên để giằng co và móng tay của anh T1 hoặc móng tay của anh P sước trúng vào trán trái, trúng vào sát chân cánh mũi trái của anh T1 thì có thể gây ra được thương tích vùng trán và thương tích sát chân cánh mũi trái của anh T1 không? Không có khả năng gây ra được thương tích.

Tình huống 6: Anh T1 bị ngã, nằm duỗi chân, nghiêng sườn bên phải tiếp đất, anh P đứng phía trước mặt anh T1 38 cm, anh T đứng phía sau lưng anh T1g 63 cm. Anh P dùng sống dao quắm (dao quắm dài 87 cm, có chuôi bằng gỗ, phần dao bằng kim loại dài 43 cm, bản lưỡi rộng nhất là 4,5 cm) vụt vào lưng của anh T1 thì có thể gây ra được thương tích vùng lưng, vùng cánh tay của anh T1 không? Có thể gây ra được thương tích.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 11/2019/HSST ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã quyết định:

Áp dụng điểm đ khoản 2 điều 134, Điều 38, Điều 50 của Bộ luật hình sự năm 2015: Xử phạt Nguyễn Văn T 03 (Ba) năm tù về tội“Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 28/9/2018.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 584, 585, 590, Điều 468 của Bộ luật dân sự: Buộc bị cáo Nguyễn Văn T phải bồi thường cho anh T1 số tiền 85.292.998đ (Tám mươi lăm triệu hai trăm chín mươi hai nghìn chín trăm chín mươi tám đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên phần xử lý vật chứng, phần án phí, quyền kháng cáo, quyền thi hành án theo quy định.

Ngày 18/3/2019, bị cáo Nguyễn Văn T kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung đề nghị xem xét lại cho bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không đúng tội danh.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Văn T giữ nguyên kháng cáo.

Bị cáo cho rằng bị oan vì bị cáo chỉ có chân tay không, hiện trường không có vật gì để gây thương tích, bị cáo không đánh anh T1 mà do anh Vũ Văn P dùng dao đánh anh T1. Lúc đó chỉ có 03 người là bị cáo, anh T1, anh P. Anh P dùng dao quắm đánh anh T1 đập vào ngang lưng, nhát thứ 2 vào bả vai trái, dùng sống dao đập anh T1, bị cáo đứng ở phía sau anh P và trước mặt anh T1. Ban công an xã khám nghiệm không thu được gậy gì.

Anh Đặng Văn T1 trình bày: Bị cáo nói không đánh anh T1 là không đúng. Anh T1 thấy trong lúc anh T1 và anh P đang giằng co nhau con dao thì T ở phía sau đập 02 cái vào vai làm anh T1 dời tay ra chứ không phải anh P giằng co làm anh T1 ngã. Anh T1 ngã xuống thì T còn dùng gậy gỗ đập vài cái vào tay, sau đó anh P mới dùng dao đập vào lưng anh T1. Khi T dùng gậy gỗ đập vào tay thì anh P đứng trước mặt anh T1.

Anh Vũ Văn P trình bày: Anh P và anh T1 đang giằng co nhau con dao thì T có vào giằng co nhưng thấy T tuột ra. Anh P và anh T1 tiếp tục giằng co nhau thì anh P nghe thấy bụp bụp và anh T1 ngã nghiêng người xuống. Anh P nhìn thấy T cầm gậy gỗ đập tiếp vào tay trái anh T1. Anh P không đánh anh T1.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không chứng kiến vụ việc đánh nhau và đề nghị giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang tham gia phiên toà phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Căn cứ vào lời khai của bị hại, lời khai của anh Vũ Văn P là phù hợp với nhau, phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nguyễn Văn T là người dùng gậy gỗ đánh vào vai, vào tay trái anh T1 gây thiệt hại 22% sức khỏe của anh T1. Án sơ thẩm kết án bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích, theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự là có căn cứ, không oan; mức hình phạt 03 năm tù đối với bị cáo là phù hợp; Án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường cho anh T1 85.292.998 đồng là có căn cứ, vụ án không có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa phát biểu quan điểm: Vụ án có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì biên bản khám nghiệm hiện trường có Điều tra viên, Kiểm sát viên tham gia nhưng sau đó mới có quyết định phân công Kiểm sát viên, điều tra viên; vụ án không thể căn cứ kết quả giám định giả định các tình huống để làm chứng cứ kết tội bị cáo; Vụ án còn bỏ lọt tội phạm là Vũ Văn P đồng phạm với bị cáo, vật chứng là gậy gỗ thì không thu giữ được trong khi lời khai của 3 người có mặt ở hiện trường mâu thuẫn nhau và không có vật chứng là chiếc gậy gỗ thì không thể xác định bị cáo phạm tội ở điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự; đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.

Người bào vệ quyền lợi của bị hại phát biểu quan điểm: Bản án sơ thẩm kết tội bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích, theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự là đúng, bị cáo chính là người gây thương tích cho bị hại, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các bên tham gia tranh luận giữ nguyên quan điểm của mình.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo được làm trong thời hạn kháng cáo theo đúng quy định tại Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự nên xác định là kháng cáo hợp pháp, được chấp nhận xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bị cáo thấy:

+ Về tội danh: Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn T khẳng định nơi xảy ra sự việc là đồi bạch đàn đã khai thác thuộc khu vực đèo Bản thuộc bản G, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. Khi xảy ra sự việc xô xát chỉ có 03 người là bị cáo T, anh Vũ Văn P và anh Đặng Văn T1, ngoài ra không có ai khác.

Anh Đặng Văn T1 cũng khẳng định nơi xảy ra sự việc là đồi bạch đàn đã khai thác thuộc khu vực đèo Bản thuộc bản G, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. Trên đồi có nhiều cành củi bạch đàn rải rác là sản phẩm thừa sau khi khai thác gỗ. Khi xảy ra sự việc xô xát chỉ có 03 người là bị cáo T, anh Vũ Văn P và anh Đặng Văn T1, ngoài ra không có ai khác. Anh T1 khai: khi anh đang giằng co dao quắm với anh P thì bị cáo T dùng gậy gỗ đường kính khoảng 3cm đến 4 cm, dài khoảng 80 cm đến 1 mét đánh từ phía sau gây thương tích cho anh T1 ở vai trái, thương tích gãy gai vai và mỏm cùng vai trái là do bị cáo T dùng gậy gỗ đánh gây ra làm anh T1 ngã xuống đất. Sau khi anh T1 ngã xuống nhìn thấy T tiếp tục dùng gậy gỗ vụt 2 phát trúng vào sườn trái và mặt ngoài cánh tay trái, sau đó P dùng sống dao quắm đánh vào vùng lưng của T1.

Anh Vũ Văn P cũng khẳng định nơi xảy ra sự việc là đồi bạch đàn đã khai thác thuộc khu vực đèo Bản thuộc bản G, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang. Hiện trường có nhiều gỗ, cành củi bạch đàn. Khi xảy ra sự việc xô xát chỉ có 03 người là anh Vũ Văn P và anh Đặng Văn T1 và bị cáo T, ngoài ra không có ai khác. Anh P khai: khi thấy anh T1 tay phải cầm mồi lửa, tay trái cầm dao quắm anh P tiến đến và nói "đất đang tranh chấp không được làm", anh T1 nói "Tôi cứ làm" thì anh P vào ngăn cản không cho T1 làm, T1 vứt mồi lửa dơ dao quắm lên, anh P túm giằng dao, khi P và T1 đứng đối diện mặt quay vào nhau giằng co dao quắm khoảng 1 đến 2 phút thì T đến bên phải của P dùng 1 tay túm vào cán dao quắm để giằng co nhưng không được thì T bỏ tay ra, T1 và P tiếp tục giằng co, khi anh P và T1 đang giằng co thì P nghe 2 tiếp “bụp,bụp” từ phía cơ thể anh T1 phát ra đồng thời T1 buông tay ra, ngã nghiêng sườn phải suống đất, P nhìn thấy T đứng phía trước bên tay phải của P và phía sau bên tay trái của T1 cách T1 khoảng hơn 1m, tay phải T cầm 1 gậy gỗ dơ lên phía trái vụt chéo xuống bên phải trúng vào bắp tay trái của T 1.

Như vậy, khi xảy ra tranh cãi, xô sát thì chỉ có 03 người là bị cáo Nguyễn Văn T, bị hại Đặng Văn T1 và anh Vũ Văn P (anh P là người cùng làm việc với bị cáo). Trong lúc anh Đặng Văn T1 và anh Vũ Văn P đang giằng co nhau con dao quắm thì anh T1 bị đánh 2 cái vào vai trái làm anh T1 ngã nghiêng người. Lời khai về tình tiết này của anh T1 và anh P phù hợp với nhau. Anh T1 và anh P đều nhìn thấy khi anh T1 bị đánh ngã nghiêng người thì T cầm gậy gỗ đánh vào sườn, tay trái anh T1. Như vậy, lời khai của anh T1 và anh P phù hợp với nhau, phù hợp với các kết luận giám định và thương tích trên cơ thể anh T1 nên có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nguyễn Văn T chính là người đã dùng gậy gỗ đánh vào vai trái, sườn, tay trái anh T1 gây thương tích 22% sức khỏe. Do bị cáo không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, không hợp tác điều tra nên không thu được chính xác chiếc gậy gỗ bị cáo dùng để đánh anh T1, vì thế không thể xác định được chi tiết đặc điểm, kích thước chiếc gậy đó và anh T1, anh P chỉ nhìn thấy bị cáo dùng gậy gỗ đánh anh T1 nên dẫn đến việc hai người đã không mô tả được chính xác đặc điểm, kích thước chiếc gậy đó. Chiếc gậy gỗ là vật cứng khi dùng nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên được xác định là hung khí nguy hiểm. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội Cố ý gây thương tích, theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Do bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải nên Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tòa án cấp sớ thẩm đã xem xét các khoản thiệt hại thực tế của bị hại, phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, xác định mức thiệt hại 85.292.998 đồng buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại là có căn cứ.

Trong vụ án này, anh Đặng Văn T1 và Anh Vũ Văn P giằng co nhau con dao dẫn đến thương tích 1 %, phù hợp với kết luận giám định về cơ chế hình thành thương tích là lực tác động không mạnh, phù hợp với lời khai của anh P và anh T1. Giữa bị cáo và anh P không có bàn bạc với nhau về việc đánh anh T1, không có ý định đánh anh T1 từ trước, trong khi anh T1 và anh P giằng co nhau con dao thì bị cáo bột phát đánh anh T1, nằm ngoài ý chí của anh P. Anh T1 khai sau khi bị ngã và bị T đánh vào tay thì anh P có đánh vào lưng anh T1 nhưng giám định không có thương tích gì ở lưng anh T1, do vậy không có căn cứ xác định anh P đồng phạm với bị cáo gây thương tích cho anh T1 như đề nghị của người bào chữa. Cơ quan điều tra đã tiền hành điều tra đầy đủ, không vi phạm nghiêm trọng tố tụng nên không có căn cứ hủy bản án sơ thẩm.

Từ những phân tích trên đây, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo cũng như đề nghị của người bào chữa cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Nguyễn Văn T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[4] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không xem xét.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T và giữ nguyên bản án sơ thẩm:

[1] Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134, Điều 38, Điều 50 của Bộ luật hình sự năm 2015; Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 03 (Ba) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 28/9/2018.

[2] Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 30 của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 584, 585, 590, Điều 468 của Bộ luật dân sự;

Buộc bị cáo Nguyễn Văn T phải bồi thường cho anh Đặng Văn T1 số tiền 85.292.998 (Tám mươi lăm triệu hai trăm chín mươi hai nghìn chín trăm chín mươi tám) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, nếu các bên không thoả thuận được lãi suất chậm trả thì người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất bằng 50% mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

[3] Về xử lý vật chứng: Căn cứ khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự;

- Trả lại cho bị cáo Nguyễn Văn T: 01 điện thoại di động SamSung màu vàng số IMEI1: 35620209264042601, số IMEI2:35620309264042401 trong điện thoại có lắp 02 sim; 01 điện thoại di động NOKIA màu đen số IMEI 1: 351960050337963, số IMEI 2: 235196 0050,337971 có lắp 01 sim 01 dây lưng cũ, 01 ví da màu đen đã cũ, 01 giấy phép lái xe hạng A1, C số 240080242756 mang tên Nguyễn Văn T, 01 chứng minh nhân dân số 121074742 mang tên Nguyễn Văn T, 158.000 đồng tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Tất cả được niêm phong trong một hộp bìa cát tông ghi ký hiệu "đồ vật của Nguyễn Văn T"; 01 đăng ký xe mô tô biển kiểm soát 98H1 - 083.19 mang tên Dương Văn L được niêm phong trong một phong bì thư ghi ký hiệu"đăng ký xe BKS 98H1- 08319"; nhưng tạm giữ của Nguyễn Văn T 02 chiếc điện thoại di động và số tiền 158.000 đồng để đảm bảo thi hành án.

- Trả lại anh Đặng Văn T1: 01 áo sơ mi dài tay màu xanh có hai túi ở trước ngực, có nhãn hiệu ghi chữ "CÔNG TY TNHH MAY ĐT CT SẢN XUẤT 2015", 01 áo khoác dài tay màu đen, xanh, trắng trên áo có lô gô ghi chữ "ITALIA", áo có khóa và và có 02 túi ở hai bên được niêm phong trong hộp bìa cát tông ghi ký hiệu "áo của anh T1"; 01 con dao bằng chuôi có cán gỗ dài 13cm thân dài 45cm bản rộng 5,5cm lưng dao 07mm; 01 dao quắm có cán gỗ dài 44cm, chiều dài của dao 43cm, bản rộng 4,5cm, lưng dao 0,5cm.

[4] Về án phí: Căn cứ Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội; Bị cáo Nguyễn Văn T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 4.264.600 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Tải về
Bản án số 94/2019/HSPT Bản án số 94/2019/HSPT

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Bản án/ Quyết định cùng đối tượng

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất