Bản án số 664/2022/DS-PT ngày 15/11/2022 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- VB liên quan
- Lược đồ
- Đính chính
- Án lệ
- BA/QĐ cùng nội dung
- Tải về
-
Bản án số 664/2022/DS-PT
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!
Thuộc tính Bản án 664/2022/DS-PT
Tên Bản án: | Bản án số 664/2022/DS-PT ngày 15/11/2022 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng vay tài sản |
---|---|
Quan hệ pháp luật: | Tranh chấp hợp đồng vay tài sản |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Tòa án xét xử: | TAND TP. Hồ Chí Minh |
Số hiệu: | 664/2022/DS-PT |
Loại văn bản: | Bản án |
Ngày ban hành: | 15/11/2022 |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Áp dụng án lệ: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Đính chính: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Thông tin về vụ/việc: | Tranh chấp hợp đồng vay tài sản |
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
Tải văn bản
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 664/2022/DS-PT NGÀY 15/11/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 15 tháng 11 năm 2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 324/DSPT ngày 04/10/2022 về việc: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” Do bản án dân sự sơ thẩm số 419/2022/DS-ST ngày 05 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5223/2022/QĐ-PT ngày 17 tháng 10 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Trần Thị Tuyết H, sinh năm: 1971; Địa chỉ: 26/9A Thới Tứ, xã T, huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh. (vắng mặt).
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vũ Xuân C, sinh năm: 1983; Địa chỉ: 35/61 TCH36, khu phố N, phường H, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt).
- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1971; Địa chỉ: 65/4 ấp Xuân Thới Đông B, xã Đ, huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt).
Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Trần Thị Tuyết H là ông Vũ Xuân C trình bày:
Ngày 27/02/2019, bà Trần Thị Tuyết H có cho ông Nguyễn Văn T vay số tiền 400.000.000 đồng. Việc vay mượn tiền này đã được các bên lập Vi bằng giao nhận tiền tại Văn phòng Thừa phát lại huyện M. Ngày 14/3/2019, ông T tiếp tục vay của bà H 100.000.000 đồng. Ngày 09/5/2019, ông T tiếp tục vay của bà H 100.000.000 đồng. Ngày 01/4/2020, ông T tiếp tục vay của bà H 200.000.000 đồng. Việc vay mượn các đợt nói trên đều có lập văn bản viết tay, hai bên có ký tên và điểm chỉ. Căn cứ theo Giấy mượn tiền lập ngày 01/4/2020 giữa các bên thì tổng số tiền ông T đã vay là 800.000.000 đồng. Ông T có hứa mấy tháng sau trả. Tuy nhiên, nguyên đơn đã nhiều lần nhắc nhở và mặc dù bị đơn cũng nhiều lần hứa hẹn trả nợ cho nguyên đơn nhưng đến nay, bị đơn vẫn chưa trả cho nguyên đơn số tiền nào. Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện M giải quyết vấn đề sau: Yêu cầu bị đơn là ông Nguyễn Văn T phải hoàn trả cho nguyên đơn Trần Thị Tuyết H số tiền 800.000.000 đồng trong một lần. Về thời hạn trả nợ: Do khoản nợ này đã quá hạn nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả nợ gốc khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 05/7/2022, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Hội đồng xét xử buộc ông Nguyễn Văn T phải trả thêm tiền lãi của số tiền 800.000.000 đồng tính từ ngày 01/4/2020 (ngày ông T mượn tiền lần cuối cùng) với mức lãi suất 1,5%/tháng, tổng tiền lãi là 288.000.000 đồng, nhưng do thấy ông T đang khó khăn nên nguyên đơn chỉ yêu cầu ông T trả 50% tiền lãi là 144.000.000 đồng.
Bị đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:
Ông T xác nhận ông có ký tên vào Giấy mượn tiền bà H4 lần với tổng số tiền là 800.000.000 đồng lập ngày 01/4/2020 nhưng đến nay ông không có khả năng trả cho bà Hồng, lâm vào tình trạng phá sản. Ông xin bà H cho ông được trả 600.000.000 đồng vào 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 10/2021, đợt 2 vào tháng 03/2022. Mỗi đợt ông sẽ trả 300.000.000 đồng. Ông T thừa nhận bản thân đã ký tên vào Vi bằng số 1802/2019/VB-TPL lập ngày 27/02/2019 của Văn phòng Thừa phát lại huyện M và “Giấy giao nhận tiền” lập ngày 14/3/2019 và các ngày 09/5/2019, ngày 01/4/2020 do nguyên đơn cung cấp và thừa nhận có ký xác nhận nợ bà H số tiền 800.000.000 đồng. Nhưng thực tế ông chỉ nhận của bà H số tiền 400.000.000 đồng có lập vi bằng ngày 27/02/2019 và ông có trả lãi cho bà H với lãi suất 5%/tháng; các biên nhận tiền sau đó không phải ông vay thêm tiền của bà Hmà vì ông không có tiền trả lãi nên bà H viết thành giấy vay tiền. Do các lần trả tiền cho bà H không có lập văn bản ký nhận nên ông T không cung cấp được giấy tờ chứng minh cho lời khai của mình.
Tại bản án sơ thẩm số 419/2022/DS-ST ngày 05/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:
- Căn cứ Điều 463; Điều 466; khoản 1 Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015;
khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 3 Điều 235, khoản 1 Điều 236, khoản 1 Điều 244; Điều 266; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Trần Thị Tuyết H đối với bị đơn ông Nguyễn Văn T về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”: Buộc ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả cho bà Trần Thị Tuyết H số tiền nợ gốc tổng cộng là 800.000.000 đồng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
[2] Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông Nguyễn Văn T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 36.000.000 đồng. Hoàn trả cho bà Trần Thị Tuyết H số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 18.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0076227 ngày 08/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện M.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về về thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 18/7/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04/QĐ-KKS-DS kháng nghị một phần bản án sơ thẩm số 419/2022/DS-ST ngày 05/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện M đối với phần giải quyết yêu cầu tính lãi suất của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Trần Thị Tuyết H là ông Vũ Xuân C trình bày:
Nguyên đơn thống nhất với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M, yêu cầu bị đơn ngoài việc phải hoàn trả cho nguyên đơn Trần Thị Tuyết H số tiền 800.000.000 đồng trong một lần theo bản án sơ thẩm còn phải trả cho nguyên đơn phải trả thêm tiền lãi chậm trả của số tiền 800.000.000 đồng tính từ ngày 01/4/2020 (ngày ông T mượn tiền lần cuối cùng) với mức lãi suất 1,5 %/tháng, tổng tiền lãi là 288.000.000 đồng nhưng do thấy ông T đang khó khăn nên nguyên đơn chỉ yêu cầu ông T trả 50% tiền lãi là 144.000.000 đồng. Nguyên đơn xác định văn bản có trong Vi bằng ngày 27/02/2019 do nguyên đơn nộp có tên Văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng đất và nhà ở ngày 27/02/2019 giữa ông T và bà H là giả tạo, không có thật, thực tế là bà H cho ông T vay mượn 400.000.000 đồng, không có việc mua bán nhà, văn bản này được lập để làm tin, đề nghị hủy bỏ văn bản thỏa thuận này Bị đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:
Ông T xác nhận ông có ký tên vào Giấy mượn tiền bà H 4 lần với tổng số tiền là 800.000.000 đồng lập ngày 01/4/2020 nhưng đến nay ông không có khả năng trả cho bà Hồng, lâm vào tình trạng phá sản. Ông xin bà H cho ông được trả 600.000.000 đồng, mỗi tahsng là 2.000.000 đồng cho đến hết. Thực tế ông chỉ nhận của bà Hsố tiền 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng có lập vi bằng ngày 27/02/2019 và ông có trả lãi cho bà Hvới lãi suất 5%/tháng; các biên nhận tiền sau đó không phải ông vay thêm tiền của bà H mà vì ông không có tiền trả lãi nên bà H viết thành giấy vay tiền. Do các lần trả tiền cho bà Hkhông có lập văn bản ký nhận nên ông T không cung cấp được giấy tờ chứng minh cho lời khai của mình. Bị đơn xác định bị đơn không có mua căn nhà 42/4A Xuân Thới Đông H, xã Đ, huyện M của bà Nguyễn Thị C và cũng không có bán căn nhà này cho bà Trần Thị Tuyết H theo như Văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng đất và nhà ở ngày 27/02/2019 có trong bộ hồ sơ Vi bằng ngày 27/02/2019 do nguyên đơn nộp. Văn bản này bà H yêu cầu ông ký tên khi vay mượn tiền, là giả tạo, không có thật. Thực tế là bà H cho ông vay mượn 400.000.000 đồng, không có việc mua bán nhà, văn bản này được lập để làm tin, đề nghị hủy bỏ văn bản thỏa thuận này.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị đơn nằm trong hạn luật định nên được chấp nhận hợp lệ. Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán; Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm nghị án đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn ông Nguyễn Văn T có nghĩa vụ trả cho nguyên đơn bà Trần Thị Tuyết H số tiền nợ gốc 800.000.000 đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, việc bản án sơ thẩm không xem xét đối với yêu cầu tính lãi chậm trả của nguyên đơn với lý do yêu cầu trên của nguyên đơn được đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm nên vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu tại Đơn khởi kiện ngày 24/7/2020 và dành quyền khởi kiện đối với yêu cầu trên cho nguyên đơn bằng vụ kiện khác là không đúng và chưa giải quyết toàn diện vụ án bởi lẽ:
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định phạm vi khởi kiện như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án”; Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định tại phiên tòa nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”. Xét thấy việc bổ sung yêu cầu buộc bị đơn trả lãi suất chậm trả đối với số tiền nợ gốc 800.000.000 đồng tại phiên tòa của nguyên đơn không phát sinh thêm quan hệ tranh chấp mới, cũng không làm thay đổi quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” đã khởi kiện và Tòa án sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết vì tiền lãi là một thành tố của hợp đồng vay tài sản. Do đó, yêu cầu bổ sung trên của nguyên đơn không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên cần phải được xem xét, giải quyết trong cùng một vụ án để đảm bảo giải quyết toàn diện vụ án.
Xét yêu cầu buộc bị đơn phải trả lãi trên số tiền 800.000.000 đồng, tính từ ngày 01/4/2020 (ngày ông T mượn tiền lần cuối cùng) với mức lãi suất 1,5%/tháng, tổng tiền lãi là 288.000.000 đồng, tuy nhiên do ông T khó khăn nên bà Hchỉ yêu cầu ông T trả 50% tiền lãi là 144.000.000 đồng của nguyên đơn nhận thấy: Khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc không trả đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. ”. Như vậy, có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Trần Thị Tuyết H về việc buộc bị đơn ông Nguyễn Văn T phải trả lãi chậm trả.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mức lãi suất áp dụng là 10%/năm. Do đôi bên không thỏa thuận thời gian trả nên xác định thời gian chậm trả từ ngày 08/9/2020 (ngày Tòa án thụ lý vụ án) đến ngày xét xử là ngày 05/7/2022 (tính tròn 27 tháng = 2,25 năm). Như vậy, tổng số tiền lãi bị đơn phải trả tính đến thời điểm xét xử là: 10% x 2,25 x 800.000.000 = 180.000.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn phải trả 144.000.000 đồng và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn phải trả 100.000.000 đồng – thấp hơn số tiền lãi thực tế phải trả nên cần chấp nhận.
Từ những phân tích trên, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét thấy kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện M là có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử:
+ Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện M. Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, sửa một phần Bản án sơ thẩm số 419/2022/DS-ST ngày 05/07/2022 của Tòa án nhân dân huyện M, TP. Hồ Chí Minh theo hướng phân tích trên.
+ Về án phí dân sự sơ thẩm: Do phải sửa một phần bản án sơ thẩm về nội dung nên án phí dân sự sơ thẩm cũng phải sửa cho phù hợp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04/QĐ-VKS-DS ngày 18/7/2022 nằm trong hạn luật định phù hợp khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên được chấp nhận.
[1.2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là tranh chấp về hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là đúng quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Xác định do bị đơn là ông Nguyễn Văn T có nơi cư trú tại huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh nên Tòa án nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Theo Thông báo về việc thụ lý vụ án số 458/TB-TLVA ngày 08/9/2020 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn xác định là nguyên đơn cho bị đơn vay không lãi suất, bị đơn xác định vay có trả lãi nhưng không cung cấp được chứng cứ về việc trả lãi. Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp ban đầu là “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” là có căn cứ.
[1.3] Về thủ tục xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của đương sự tại phiên tòa:
Căn cứ quy định tại các Điều 243, Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, việc hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu và việc xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu được Chủ tọa, Hội đồng xét xử thực hiện tại phần “Thủ tục bắt đầu phiên tòa” theo quy định tại Mục 2 Chương XIV Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về phiên tòa sơ thẩm.
Xét Biên bản phiên tòa ngày 05/7/2022, chủ tọa hỏi đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn về việc “nguyên đơn có thay đổi yêu cầu, rút một phần hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không?” tại Phần thủ tục hỏi tại phiên tòa có trong phần “Tranh tụng tại phiên tòa” quy định tại Mục 3 Chương XIV Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Hội đồng xét xử đã không xem xét việc bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ngay tại phần “Thủ tục bắt đầu phiên tòa” theo quy định tại Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự là có thiếu sót. Viện kiểm sát nhân dân huyện M không có ý kiến về phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và không kháng nghị về vấn đề này. Đề nghị Tòa án nhân dân huyện M rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các vụ án tại Cấp sơ thẩm.
[2] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy:
Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các bên đương sự tại phiên toà, xác định:
[2.1] Theo Đơn khởi kiện đề ngày 24/7/2020, nguyên đơn trình bày: “Nguyên vào ngày 27/02/2019 vì có sự quen biết từ trước nên tôi có cho ông Nguyễn Văn T có lập vi bằng giao nhận tiền tại Văn phòng Thừa phát lại huyện M số tiền 400.000.000 đồng. Đến ngày 14/3/2019, ông T lại tìm đến nhà tôi vay 100.000.000 đồng, tổng cộng 2 lần là 500.000.000 đồng. Ngày 09/5/2019, ông T qua nhà tôi mượn thêm 100.000.000 đồng để đi giải quyết việc gia đình tôi cũng đồng ý cho mượn. Xong đến ngày 01/4/2020, ông T qua nhà tôi hỏi mượn tiếp 200.000.000 đồng tôi cũng đồng ý cho mượn luôn. Tổng cộng cả bốn lần mượn với số tiền là 800.000.000 đồng. Ông T hứa mấy tháng sau sẽ hoàn trả tiền cho tôi. Tuy nhiên đã quá thời hạn trả nợ đã lâu nhưng ông T vẫn không thực hiện trả tiền cho tôi. Thời gian qua, tôi đã nhiều lần liên hệ yêu cầu ông T trả tiền nhưng ông vẫn không thực hiện. Xét thấy việc vay mượn nợ đã kéo dài quá lâu. Ông T cứ hứa hẹn nhưng không thực hiện. và trong thời gian gần đây, ông T luôn tránh mặt tôi. Vì thế tôi làm đơn này khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải hoàn trả cho tôi số tiền là 800.000.000 đồng”. Nhận thấy nguyên đơn trình bày đơn không rõ ràng khi xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “hợp đồng vay tài sản” hay là “hợp đồng mượn tài sản”.
Vi bằng số 1802/2019/VB-TPL lập ngày 27/02/2019 của Văn phòng Thừa phát lại huyện M chỉ ghi nhận việc giao nhận số tiền 400.000.000 đồng giữa hai bên. Tài liệu “Biên bản giao nhận tiền” đề ngày 27/02/2019 được đính kèm theo Vi bằng thể hiện việc hai bên giao nhận số tiền “để thực hiện điều khoản thanh toán theo nội dung thỏa thuận được hai bên giao kết ngày 27/02/2019”.
Văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng đất và nhà ở ngày 27/02/2019 có trong bộ hồ sơ Vi bằng ngày 27/02/2019 thể hiện nội dung ông Nguyễn Văn T chuyển nhượng cho bà Trần Thị Tuyết H nhà đất tại địa chỉ 42/4A Xuân Thới Đông H, xã Đ, huyện M (nhà đất này ông T của bà Nguyễn Thị C bằng giấy tay). Hai bên đương sự đều thừa nhận Văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng đất và nhà ở ngày 27/02/2019 là giả tạo, không có thật và thống nhất hủy Văn bản thỏa thuận này. Hội đồng xét xử ghi nhận việc hai bên xác định không có bất kỳ quyền lợi và nghĩa vụ gì liên quan đến Văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng đất và nhà ở ngày 27/02/2019 mà hai bên đã xác lập.
Căn cứ vào các nội dung được ghi nhận tại tài liệu “Giấy giao nhận tiền” lập ngày 14/3/2019 và các ngày 09/5/2019, ngày 01/4/2020, không thể hiện quan hệ “vay tiền” giữa hai bên, nội dung chỉ thể hiện ông T “mượn tiền” của bà Hồng. Tuy nhiên, do quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn xác định là nguyên đơn cho bị đơn vay không lãi suất, bị đơn xác định vay có trả lãi nhưng không cung cấp được chứng cứ về việc trả lãi. Cấp sơ thẩm xác định đây là hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn và không có lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 và áp dụng các quy định về “hợp đồng vay tài sản” để giải quyết vụ án là phù hợp.
[2.2] Cấp sơ thẩm căn cứ Điều 463; Điều 466; khoản 1 Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn “Buộc ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả cho bà Trần Thị Tuyết H số tiền nợ gốc tổng cộng là 800.000.000 đồng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật” là đúng quy định.
[2.3] Về nội dung bị kháng nghị:
Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M căn cứ khoản 1 Điều 188, Điều 243, khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và cho rằng việc bổ sung yêu cầu buộc bị đơn trả lãi suất chậm trả đối với số tiền nợ gốc 800.000.000 đồng tại phiên tòa của nguyên đơn không phát sinh thêm quan hệ tranh chấp mới, cũng không làm thay đổi quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” đã khởi kiện và Tòa án sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết vì tiền lãi là một thành tố của hợp đồng vay tài sản nên không vượt quá yêu cầu khởi kiện nên cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy nội dung kháng nghị này áp dụng chưa chính xác các quy định của pháp luật. Bởi:
- Theo phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện M tại phiên tòa sơ thẩm thì căn cứ khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác” xác định nguyên đơn cho rằng đã yêu cầu bị đơn trả nợ nhưng bị đơn cố tình né tránh, tuy nhiên không có gì chứng minh đã thông báo cho bị đơn về việc trả nợ. Tuy nhiên lại cho rằng “Vào ngày 08/9/2020, Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của bà Hvề việc yêu cầu ông T trả nợ và đã thông báo cho ông T biết yêu cầu của bà Hồng, nên được xem là đã thông báo về nghĩa vụ trả nợ” để áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ …thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả…” để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả tiền lãi đối với số tiền đã vay kể từ ngày Cấp sơ thẩm thụ lý vụ án. Quan điểm này là không đúng quy định tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về quyền khởi kiện vụ án có nội dung “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”. Bởi quy định này không công nhận đây là việc “bên cho vay có quyền đòi lại tài sản … nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý” theo quy định tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Cấp sơ thẩm xác định đây là hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn và không có lãi theo quy định tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015; trước khi khởi kiện vụ án, nguyên đơn không có báo cho bị đơn biết trước thời gian hợp lý để thực hiện việc trả nợ đã vay nên không xác định được thời hạn trả nợ vay, do đó bên cho vay không có quyền yêu cầu trả tiền lãi theo quy định tại khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.” Cấp sơ thẩm căn cứ khoản 3 Điều 235, khoản 1 Điều 236, khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 xác định trường hợp thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn tại phiên tòa đã vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu tại đơn khởi kiện đề ngày 24/7/2020 nên không chấp nhận xem xét giải quyết và không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện M về việc đề nghị chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi là 144.000.000 đồng là đúng quy định.
[2.4] Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04/QĐ-VKS-DS ngày 18/7/2022 về việc kháng nghị một phần bản án sơ thẩm số 419/2022/DS-ST ngày 05/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện M đối với phần giải quyết yêu cầu tính lãi suất của nguyên đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do không chấp nhận nội dung kháng nghị nên không xem xét lại về án phí dân sự sơ thẩm.
[4] Án phí dân sự phúc thẩm: Không có.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
- Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:
Không chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện M, Thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04/QĐ-VKS-DS ngày 18/7/2022 về việc kháng nghị một phần bản án sơ thẩm số 419/2022/DS-ST ngày 05/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện M đối với phần giải quyết yêu cầu tính lãi suất của nguyên đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Căn cứ Điều 463, Điều 466, khoản 1 Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 3 Điều 235, khoản 1 Điều 236, khoản 1 Điều 244, Điều 266; Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà Trần Thị Tuyết H đối với bị đơn ông Nguyễn Văn T về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.
Buộc ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả cho bà Trần Thị Tuyết H số tiền nợ gốc tổng cộng là 800.000.000 (tám trăm triệu) đồng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
[2] Về án phí dân sự sơ thẩm:
Buộc ông Nguyễn Văn T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 36.000.000 đồng (ba mươi sáu triệu đồng).
Hoàn trả cho bà Trần Thị Tuyết H số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp là 18.000.000 đồng (mười tám triệu đồng) theo biên lai thu tiền số 0076227 ngày 08/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện M.
[3] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!