Bản án số 1242/2019/KDTM-ST ngày 29/07/2019 của TAND Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- VB liên quan
- Lược đồ
- Đính chính
- Án lệ
- BA/QĐ cùng nội dung
- Tải về
-
Bản án số 1242/2019/KDTM-ST
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!
Thuộc tính Bản án 1242/2019/KDTM-ST
Tên Bản án: | Bản án số 1242/2019/KDTM-ST ngày 29/07/2019 của TAND Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng thi công |
---|---|
Quan hệ pháp luật: | Tranh chấp về xây dựng |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Tòa án xét xử: | TAND Q. Bình Thạnh (TAND TP. Hồ Chí Minh) |
Số hiệu: | 1242/2019/KDTM-ST |
Loại văn bản: | Bản án |
Ngày ban hành: | 29/07/2019 |
Lĩnh vực: | Kinh doanh thương mại |
Áp dụng án lệ: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Đính chính: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Thông tin về vụ/việc: | Công ty K yêu cầu công ty S thanh toán tiền thi công. Công ty S phản tố yêu cầu công ty K phải chịu phạt vi phạm hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng. |
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
Tải văn bản
TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN BÌNH THẠNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 1242/2019/KDTM-ST NGÀY 29/07/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG
Trong các ngày từ ngày 23 tháng 7 năm 2019 đến ngày 29 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 0705/2016/TLST-KDTM ngày 26 tháng 04 năm 2016 về việc “tranh chấp hợp đồng thi công” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 207/2019/QĐXXST-KDTM ngày 01/07/2019 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty K; địa chỉ: Số nhà 491/5A Đường L, Phường A, quận G, Thành phố H.
Đại diện hợp pháp: Ông Vũ H; địa chỉ: Số nhà 137/1 Đường H, Phường B, Quận C, Thành phố H.
Bị đơn: Công ty S; địa chỉ: Số nhà 135/37/34 Đường C, Phường X, quận B, Thành phố H.
Đại diện hợp pháp: Ông Hoàng M; địa chỉ: Số nhà 135/37/34 Đường H, Phường X, quận B, Thành phố H.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo đơn khởi kiện ngày 11/4/2016, bản tự khai và các biên bản tại Tòa án, đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Công ty K và Công ty S ký hợp đồng kinh tế số SPN18/CATPHCM ngày 23/01/2014 (sau đây viết tắt là Hợp đồng kinh tế). Theo hợp đồng, Công ty K sẽ cung cấp và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí cho nhà D & C tại công trình Công an Tp.Hồ Chí Minh theo bản vẽ và bản tiên lượng do Công ty S cung cấp. Tổng giá trị hợp đồng bao gồm cả thuế VAT là 1.550.000.000 đồng. Việc thanh toán sẽ được chia làm 4 đợt. Thời gian thi công là 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng nhưng đến tháng 11/2014 Công ty S mới cung cấp cho Công ty K khi bản vẽ thiết kế được chủ đầu tư phê duyệt nên việc thi công bị chậm tiến độ. Ngày 19/12/2014 việc cung cấp và lắp đặt điều hòa không khí cho khu nhà D đã tiến hành nghiệm thu. Ngày 22/07/2015 công trình được đưa vào sử dụng.
Công ty K xác định hai bên chỉ ký 01 Hợp đồng kinh tế ngày 23/01/2014, ngoài ra không ký hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng nào khác. Ngày 25/10/2014, đại diện của 2 công ty đã có buổi làm việc về việc Công ty S hỗ trợ Công ty K thi công nhà D cho kịp tiến độ. Do khu nhà C của công trình chưa được phê duyệt bản vẽ kỹ thuật nên Công ty K đã đề xuất với Công ty S về việc giao việc lắp đặt hệ thống điều hòa không khí khu nhà C cho một đội thi công mới để đảm bảo việc thi công được nhanh chóng. Cũng trong buổi làm việc này, các bên đã thỏa thuận về việc Công ty K không tiếp tục thi công nhà C nữa và Công ty S sẽ tự thực hiện việc thi công nhà C. Tuy nhiên, nội dung này không lập thành văn bản, không ghi vào biên bản làm việc ngày 25/10/2014.
Tổng giá trị các công việc nguyên đơn đã làm khi thi công nhà D là 1.061.296.773 đồng. Sau khi trừ đi các khoản do Công ty S đã thực hiện hỗ trợ thi công như tiền tole 58.893.168 đồng, tiền nhân công 62.100.500 đồng, tiền vật tư phụ 22.353.000 đồng và phần tiền giữ lại do hư hỏng tấm trần, van, bông… là 10.000.000 đồng thì giá trị hợp đồng là 907.950.105 đồng. Công ty S đã thanh toán 03 đợt với tổng số tiền là 710.000.000 đồng nên còn nợ Công ty K 197.950.105 đồng.
Công ty K không đồng ý với yêu cầu phản tố của Công ty S về việc phạt vi phạm do chậm thi công và đơn phương hủy hợp đồng. Việc thi công kéo dài quá thời hạn hợp đồng là do phía chủ đầu tư thay đổi bản vẽ thiết kế nên Công ty S yêu cầu Công ty K phải chờ. Việc thay đổi thiết kế, yêu cầu chờ này chỉ thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản nên Công ty S không có chứng cứ để cung cấp cho Tòa án. Tuy nhiên, căn cứ các hóa đơn thanh toán của Công ty S thể hiện các đợt Công ty S thanh toán cho nguyên đơn đều quá thời hạn của hợp đồng. Nếu Công ty K không thực hiện hợp đồng và việc chậm thi công là lỗi của nguyên đơn thì Công ty S đã không thanh toán tiền cho Công ty K. Hơn nữa, Công ty S không bị chủ đầu tư phạt chậm tiến độ thi công nên Công ty S cũng không có cơ sở để phạt vi phạm tiến độ thi công. Công ty K không đơn phương hủy hợp đồng mà việc không tiếp tục thi công nhà C là do có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng giữa các bên.
Tại đơn phản tố ngày 06/11/2018, bản tự khai và các biên bản của Tòa án, đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày: Công ty S xác nhận ý kiến trình bày của Công ty K về hợp đồng kinh tế, khối lượng thi công, số tiền tạm ứng là đúng. Theo hợp đồng, Công ty K phải thi công cả nhà C và tiền tạm ứng là cho cả hai công trình nhà C, D. Việc Công ty K không tiếp tục thực hiện việc bảo hành nhà D, thi công nhà C là đơn phương hủy hợp đồng nên phải chịu phạt vi phạm theo thỏa thuận tại Điều 6 của Hợp đồng kinh tế.
Công ty S không thay đổi thiết kế trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Việc thanh toán tiền cho Công ty K được thực hiện theo tiến độ công việc chứ không thỏa thuận cụ thể ngày nào phải thanh toán. Do Công ty K thi công chậm nên Công ty S đã thanh toán đợt 2, 3 quá thời hạn 90 ngày theo hợp đồng.
Ngày 25/10/2014, đại diện của hai bên đã có buổi làm việc về việc Công ty S hỗ trợ Công ty K thi công nhà D cho kịp tiến độ. Thời hạn cuối cùng để thi công nhà D là 12 giờ ngày 30/10/2014. Ngoài nội dung này, các bên không có thỏa thuận nào về việc chấm dứt hợp đồng và Công ty K không thi công nhà C. Đến ngày 19/12/2014, Công ty K mới có phiếu yêu cầu nghiệm thu. Tại biên bản nghiệm thu ngày 19/12/2014 thể hiện Công ty K thực hiện được 95% khối lượng công việc nhà D, vẫn còn một số chi tiết chưa sửa chữa. Sau đó, Công ty K không tiếp tục hoàn tất nhà D và cũng không tiến hành thi công nhà C. Công ty S phải thuê nhân công để thi công tiếp phần còn lại của nhà D và thi công nhà C. Ngày 28/7/2015 toàn bộ công trình đã được bàn giao cho chủ đầu tư trong đó có hạng mục cung cấp và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí cho nhà D và C Do Công ty K không thực hiện hết công việc nên Công ty S không tiến ký nghiệm thu và thanh toán đợt 4 cho Công ty K.
Theo hợp đồng, các bên đã thỏa thuận về việc phạt vi phạm do chậm thi công và phạt vi phạm do đơn phương hủy hợp đồng. Do đó, Công ty S phản tố yêu cầu Công ty K phải chịu phạt vi phạm hợp đồng do chậm thi công là 10% tổng giá trị nhà D là 106.129.677 đồng, phạt do hủy hợp đồng là là 10% tổng giá trị hợp đồng là 155.002.432 đồng. Tổng số tiền Công ty K phải trả là 261.132.109 đồng. Khấu trừ số tiền thi công nhà D, Công Công ty K còn phải trả Công ty S số tiền 63.182.004 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn trình bày: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Nguyên đơn xác định phương thức thi công của nguyên đơn là thi công nhà D xong sẽ làm đến nhà C. Ngày 26/10/2014 nguyên đơn đã thi công xong phần việc theo biên bàn làm việc ngày 25/10/2014. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn nghiệm thu nhưng bị đơn không đồng ý. Việc yêu cầu này không lập thành văn bản và nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh. Vì nguyên đơn không đủ nhân lực để tiếp tục làm nhà C nên để đảm bảo tiến độ thi công, các bên đã thống nhất chấm dứt hợp đồng, nguyên đơn không thi công nhà C và bị đơn thuê đội thi công của ông Dương – giám sát công trình thi công. Thỏa thuận này không được lập thành văn bản, chỉ thỏa thuận miệng, không có tài liệu chứng cứ chứng minh. Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, bị đơn không có văn bản nào nhắc nhở hay khiếu nại về việc chậm tiến độ thi công, hủy hợp đồng nên yêu cầu phạt vi phạm của bị đơn không có căn cứ. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền 197.950.105 đồng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Đại diện bị đơn trình bày: Bị đơn khẳng định các bên không thỏa về việc chấm dứt hợp đồng đồng. Việc bị đơn không tiếp tục thi công nhà C là đơn phương chấm dứt Hợp đồng kinh tế. Bị đơn thay đổi yêu cầu phản tố, yêu cầu mức phạt vi phạm do chậm tiến độ thi công là 8% giá trị hợp đồng nhà D, phạt do hủy hợp đồng là 8% tổng giá trị của Hợp đồng kinh tế. Bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải trả ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận B tham gia phiên tòa phát biểu:
- Về tố tụng: Ngoại trừ việc vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn giao thông báo thụ lý cho bị đơn thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong thời gian chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên tòa. Các đương sự đã thực hiện đúng các quy định tại các Điều 70, 71 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về nội dung:
+ Về yêu cầu của nguyên đơn: Các bên đã thống nhất được về giá trị công trình thi công nhà D và giá trị công việc nguyên đơn đã thực hiện. Bị đơn chưa thanh toán tiền cho nguyên đơn nên yêu cầu của nguyên đơn có cơ sở.
+ Về yêu cầu phản tố của bị đơn: Căn cứ hợp đồng kinh tế ngày 23/01/2014, biên bản làm việc ngày 25/10/2014, phiếu yêu cầu nghiệm thu ngày 19/12/2014 thì nguyên đơn đã thi công chậm tiến độ. Các bên có thỏa thuận về việc phạt vi phạm do chậm tiến độ nên yêu cầu của bị đơn là có cơ sở. Nguyên đơn không chứng minh được việc chấm dứt hợp đồng là thỏa thuận giữa các bên nên việc nguyên đơn không thực hiện nghĩa vụ thi công nhà C là đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng. Tại Điều 6 của Hợp đồng kinh tế chỉ có thỏa thuận về phạt vi phạm do đơn phương hủy hợp đồng, không thỏa thuận về phạt vi phạm do đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng nên yêu cầu phản tố về việc phạt do đơn phương hủy hợp đồng không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đây là tranh chấp về việc tranh chấp hợp đồng thi công thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận B, Thành phố H.
[2] Về việc thay đổi yêu cầu phản tố của bị đơn: Tại đơn phản tố, bị đơn yêu cầu mức phạt vi phạm đối với nguyên đơn do chậm thi công là 10% giá trị thi công nhà D và phạt do đơn phương hủy hợp đồng là 10% tổng giá trị hợp đồng. Tại phiên tòa, bị đơn thay đổi yêu cầu phản tố, yêu cầu mức phạt vi phạm chậm thi công là 8% giá trị thi công nhà D và phạt do đơn phương hủy hợp đồng là 8% tổng giá trị hợp đồng. Xét việc thay đổi yêu cầu của bị đơn không vượt quá yêu cầu phản tố ban đầu nên căn cứ khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi yêu cầu phản tố của bị đơn.
[3] Về các yêu cầu của đương sự:
[3.1] Xét hợp đồng kinh tế số SPN18/CATPHCM ngày 23/01/2014 về việc cung cấp và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí cho nhà D và C tại Công trình công an Thành phố H được ký giữa nguyên đơn và bị đơn, thấy: Hợp đồng này đảm bảo các điều kiện có hiệu lực theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 24 Luật Thương mại năm 2005. Do đó, đây là hợp đồng có hiệu lực và các bên có nghĩa vụ thực hiện các thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
[3.2] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn trả số tiền nguyên đơn đã cung cấp và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí cho nhà D là 197.950.105 đồng.
Căn cứ phiếu đề nghị thanh toán đợt 4 ngày 15/9/2015, lời trình bày của các đương sự tại các biên bản của Tòa án và tại phiên tòa thể hiện nguyên đơn và bị đơn đã thống nhất được tổng giá trị thi công đã có thuế giá trị gia tăng của nhà D là 1.061.296.773 đồng. Sau khi trừ tiền nguyên đơn đã tạm ứng và các khoản tiền do nguyên đơn hỗ trợ bị đơn thi công, sửa chữa thì số tiền thi công nhà D còn lại là 197.950.105 đồng. Bị đơn cũng xác nhận số tiền này chưa thanh toán cho nguyên đơn nên yêu cầu của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.
[3.3] Xét yêu cầu phản tố của bị đơn về việc phạt vi phạm đối với nguyên đơn do chậm tiến độ thi công là 8% giá trị thi công nhà D, cụ thể số tiền là 8% x 1.061.296.773 đồng = 84.903.741 đồng:
Theo Điều 3 của Hợp đồng kinh tế, thời hạn thi công là 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Nguyên đơn cho rằng bị đơn thay đổi bản vẽ thiết kế nên việc thi công bị chậm trễ nhưng không được bị đơn thừa nhận và không cung cấp được chứng cứ nên lời khai của nguyên đơn là không có căn cứ. Tuy nhiên, bị đơn cũng xác nhận trong quá trình thi công có những sự cố xảy ra nên thời hạn cuối thi công nhà D các bên thỏa thuận là 12 giờ ngày 30/10/2014. Căn cứ Biên bản làm việc ngày 25/10/2014 thể hiện bị đơn cam kết “nhận trách nhiệm hoàn thiện các tầng 2,6,7,8 đến 12h ngày 30/10/2014” và “nếu đơn vị thi công không hoàn thành theo thời hạn sẽ không được thanh toán theo hợp đồng”. Sau biên bản này, các bên không còn thỏa thuận nào khác về thời hạn thi công nên có cơ sở để xác định thời hạn thi công nhà D là 12 giờ ngày 30/10/2014.
Nguyên đơn trình bày đã thi công xong nhà D ngày 26/10/2014 và cùng ngày đã yêu cầu bị đơn nghiệm thu nhưng không có chứng cứ chứng minh. Trong khi đó, căn cứ phiếu yêu cầu nghiệm thu của nguyên đơn đề ngày 19/12/2014 và biên bản nghiệm thu ngày 19/12/2014 thể hiện nguyên đơn thi công xong 95% công trình nhà D ngày 19/12/2014. Như vậy, nguyên đơn đã chậm thi công so với cam kết tại Biên bản làm việc ngày 25/10/2014 là 01 tháng 19 ngày. Nguyên đơn không cung cấp được tài liệu chứng cứ cho thấy bị đơn có lỗi dẫn đến nguyên đơn chậm thi công trong khoảng thời gian này nên căn cứ khoản 6.1 Điều 6 của Hợp đồng kinh tế; Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 nguyên đơn phải chịu phạt vi phạm do thi công chậm.
Căn cứ Điều 3 của Hợp đồng kinh tế, Điều 301 của Luật Thương mại năm 2005, mức phạt vi phạm bị đơn yêu cầu là có cơ sở chấp nhận.
[3.4] Xét yêu cầu phản tố của bị đơn về việc phạt vi phạm do nguyên đơn đơn phương hủy hợp đồng là 8% tổng giá trị hợp đồng, cụ thể số tiền là 8% x 1.550.000.000 đồng = 124.000.000 đồng.
Các đương sự cũng thống nhất xác định nguyên đơn đã thi công phần nhà D và không tiến hành thi công nhà C. Sau thời điểm ngày 19/12/2014, nguyên đơn chấm dứt thực hiện hợp đồng. Nguyên đơn cho rằng ngày 25/10/2014, các bên có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng nhưng không được bị đơn thừa nhận và không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận. Như vậy, Hợp đồng kinh tế đã thực hiện được một phần và việc nguyên đơn không tiếp tục thực hiện hợp đồng thuộc trường hợp đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 310 của Luật Thương mại năm 2005, không phải trường hợp hủy bỏ hợp đồng quy định tại Điều 312 Luật Thương mại năm 2005. Căn cứ Điều 300 Luật Thương mại năm 2005 “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận” và tại khoản 6.2 Điều 6 của Hợp đồng kinh tế 23/01/2014, các bên chỉ thỏa thuận về phạt vi phạm do đơn phương hủy hợp đồng, không thỏa thuận về việc phạt vi phạm do đơn phương chấm dứt hợp đồng, đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng nên yêu cầu phản tố của bị đơn là không có cơ sở chấp nhận.
[3.5]. Sau khi bù trừ nghĩa vụ giữa yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu phản tố của bị đơn, số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn là: 197.950.105 đồng - 84.903.741 đồng = 113.046.364 đồng.
Bị đơn phải trả nguyên đơn số tiền này ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
[4]. Đối với phần phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh,Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa về việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử thấy: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định đúng về thủ tục tố tụng, phân tích đúng nội dung của vụ án và đưa ra ý kiến giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật.
[5]. Về án phí: Do vụ án được thụ lý ngày 26/4/2016 nên việc tính án phí được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án năm 2009.
[5.1] Nguyên đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận là 4.195.187 đồng.
[5.2] Bị đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận là 9.897.505 đồng.
Bị đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận là 6.000.000 đồng.
Tổng số tiền án phí bị đơn phải chịu là: 15.897.505 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 244, Điều 266, Điều 271, Điều 273; Điều 280, Điều 482 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự; các điều 300, 301, 310, 312 Luật Thương mại; Điều 26 của Luật Thi hành án dân sự; Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một só quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạm vi phạm; Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án năm 2009;
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn – Công ty K về việc yêu cầu Công ty S thanh toán tiền cung cấp và thi công lắp đặt hệ thống điều hòa không khí theo Hợp đồng kinh tế số SPN18/CATPHCM ngày 23/01/2014 là 197.950.105 đồng (Một trăm chín mươi bảy triệu chín trăm năm mươi nghìn một trăm linh năm đồng) 2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn - Công ty S về việc phạt vi phạm do thi công chậm tiến độ đối với Công ty K là 84.903.741 đồng (tám mươi bốn triệu chín trăm linh ba nghìn bảy trăm bốn mươi mốt đồng).
3. Bù trừ nghĩa vụ giữa yêu cầu khởi kiện của Công ty K và yêu cầu phản tố của Công ty S, số tiền Công ty S phải trả cho Công ty K là 113.046.364 đồng (Một trăm mười ba triệu không trăm bốn mươi sáu nghìn ba trăm sáu mươi bốn đồng). Thi hành ngay sau khi có hiệu lực pháp luật tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
4. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty S về việc phạt vi phạm do đơn phương hủy hợp đồng đối với Công ty K số tiền là 124.000.000 đồng.
5. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
5.1. Công ty K phải chịu án phí là 4.195.187 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.000.000 đồng theo biên lai thu số 0007687 ngày 22/4/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, Thành phố H. Công ty K còn phải nộp 3.195.187 đồng.
5.2. Công ty S phải chịu án phí là 15.897.505 đồng nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.589.550 đồng theo biên lai thu số 0005831 ngày 03/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, Thành phố H. Công ty S còn phải nộp 14.307.955 đồng.
3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.
4. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng được kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!