Bản án số 81/2019/HS-ST ngày 10/09/2019 của TAND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận về tội cố ý gây thương tích
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- VB liên quan
- Lược đồ
- Đính chính
- Án lệ
- BA/QĐ cùng tội danh
- Tải về
-
Bản án số 81/2019/HS-ST
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!
Thuộc tính Bản án 81/2019/HS-ST
Tên Bản án: | Bản án số 81/2019/HS-ST ngày 10/09/2019 của TAND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận về tội cố ý gây thương tích |
---|---|
Tội danh: | 104.Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật hình sự năm 1999) |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Tòa án xét xử: | TAND huyện Tuy Phong (TAND tỉnh Bình Thuận) |
Số hiệu: | 81/2019/HS-ST |
Loại văn bản: | Bản án |
Ngày ban hành: | 10/09/2019 |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Áp dụng án lệ: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Đính chính: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Thông tin về vụ án: |
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
Tải văn bản
TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUY PHONG - TỈNH BÌNH THUẬN
BẢN ÁN 81/2019/HS-ST NGÀY 10/09/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 10 tháng 9 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 65/2019/HSST, ngày 31/7/2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 71/2019/QĐXXST-HS ngày 27 tháng 8 năm 2019 đối với bị cáo:
Họ và tên: Đặng Thị Đ; Giới tính: Nữ; sinh năm 1976, tại tỉnh Bình Thuận. Hộ khẩu thường trú và chỗ ở: thôn L1, xã L, huyện W, tỉnh Bình Thuận. Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 06/12; Nghề nghiệp: buôn bán; Tiền án, tiền sự: Không; Cha: Đặng Thanh A, sinh năm 1949; mẹ: Trần Thị B, sinh năm 1960; Anh, chị, em ruột: có 05 người, lớn nhất sinh năm 1976, nhỏ nhất sinh năm 1988; bị cáo là con thứ 1 trong gia đình. Chồng: Trần Văn C, sinh năm 1975 (đã ly hôn); Con: có 02 người, lớn sinh năm 2004, nhỏ sinh năm 2014; Bị can tại ngoại tại xã L, huyện W, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
- Người bị hại: bà Lê Thị G, sinh năm 1964; Nơi cư trú: thôn L2, xã L, huyện W, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
- Người làm chứng:
+ Bà: Lê Thị Kim F1, sinh năm 1981; Nơi cư trú: thôn L2, xã L, huyện W, tỉnh Bình Thuận (có mặt).
+ Bà: Nguyễn Thị Hồng F2, sinh năm 1994; Nơi cư trú: thôn L1, xã L, huyện W, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 27 tháng 3 năm 2019, Lê Thị G sinh năm 1964 đi đến nhà Đặng Thị Đ sinh năm 1976 tại thôn L1, xã L, huyện W để đòi nợ vì trước đó Đ có nợ của G tiền do chơi huê hụi. Trong lúc nói chuyện thì giữa G và Đ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. G nói “Mày khôn hồn thì trả tiền cho tao chứ không ra đường có người cũng rạch mặt mày”, Đ nói lại với G: “Tôi có giành giật gì chồng bà mà bà đòi rạch mặt tôi”. Đ dùng 01 cây chổi quét nhà đánh 01 cái trúng vào người của G thì G giật lấy cây chổi đánh lại 01 cái trúng vào người của Đ nhưng không gây thương tích gì. Đ chạy đến vị trí cửa chính của nhà Đ cầm lấy 01 cây tuýp ống tròn bằng kim loại dài khoảng 1,2m, Đ cầm bằng hai tay giơ lên cao đánh từ trên xuống dưới 01 cái vào người của G, G sợ trúng đầu nên giơ tay phải lên đỡ thì cây sắt trúng vào bàn tay của G gây thương tích. G và Đ tiếp tục giằng co cây sắt sau đó được Lê Thị Kim F1 là hàng xóm cùng 02 người phụ nữ (không rõ lai lịch) đến can ngăn. Nguyễn Thị Hồng F2 thấy G bị thương tích nên chở G đến Công an xã Vĩnh Hảo để trình báo sự việc và chở G đến Trạm xá điều trị thương tích.
- Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 197/2019/TgT ngày 25/4/2019 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bình Thuận, kết luận đối với đối tượng được giám định là bà Lê Thị G như sau:
. Chấn thương bàn tay phải gãy kín đầu gần xương bàn I bàn tay phải đã được điều trị hiện Cal xương chưa ổn định. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là 6%.
. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 6%.
. Chấn thương bàn tay phải do vật tày gây ra.
. Chấn thương bàn tay phải có chiều hướng tác động theo tư thế cơ năng của cơ thể với vật gây thương.
. Hiện tại không để lại cố tật.
- Tại bản Cáo trạng số 71/CT/VKSTP-HS ngày 31/7/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong đã truy tố bị cáo Đặng Thị Đ về tội: Cố ý gây thương tích, tội phạm và hình phạt quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017).
* Tại phiên tòa:
- Kiểm sát viên vẫn giữa nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Đặng Thị Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đề nghị áp dụng: điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Đề nghị xử phạt bị cáo Đặng Thị Đ mức án từ 09 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về xử lý vật chứng: đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 ống tuýp tròn bằng kim loại dài khoảng 1,2m, đường kính 32mm, loại rỗng, màu xám.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Ghi nhận tự nguyện bồi thường thiệt hại của bị cáo cho bị hại bao gồm chi phí cho việc khám, điều trị vết thương (tiền thuốc theo hóa đơn và không có hóa đơn) và tiền xe đi lại trong thời gian điều trị. Riêng khoản yêu cầu bồi thường tiền mất thu nhập thực tế ngày công lao động của bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận cáo trạng truy tố bị cáo là đúng tội. Bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo hưởng án treo vì bị cáo đã nhận thức được lỗi lầm của bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tuy Phong, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến, cũng như không có khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về chứng cứ buộc tội bị cáo: Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Thị Đ đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng số 71/CT-VKS-TP ngày 31.7.2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong đã truy tố. Bị cáo khẳng định những lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra là hoàn toàn tự nguyện, đúng sự thật, bị cáo không bị bức cung và Cáo trạng truy tố là đúng, không oan cho bị cáo. Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại cũng như các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Như vậy, có đủ cơ sở kết luận: vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 27 tháng 3 năm 2019, bà Lê Thị G đi đến nhà bị cáo tại thôn L1, xã L, huyện W để đòi nợ vì trước đó bị cáo có nợ của bà G số tiền huê hụi. Trong lúc nói chuyện thì giữa bà G và bị cáo xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Bị cáo dùng 01 cây chổi quét nhà đánh 01 cái trúng vào người của bà G thì bà G giật lấy cây chổi đánh lại 01 cái trúng vào người của bị cáo nhưng không gây thương tích gì. Bị cáo chạy đến vị trí cửa chính của nhà bị cáo cầm lấy 01 tuýp ống tròn bằng kim loại dài khoảng 1,2m, giơ lên cao đánh từ trên xuống dưới, từ phải qua trái 01 cái trúng vào bàn tay phải của bà Lê Thị G gây tổn thương cơ thể của bị hại 6%. Bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Vì vậy, Cáo trạng số 71/CT-VKS-TP ngày 31.7.2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong đã truy tố bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.
[3] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo:
Bị cáo Đ là công dân có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được sức khỏe con người được pháp luật bảo vệ. Nhưng chỉ vì mâu thuẫn nợ nần tiền huê hụi, bị cáo không kiềm chế được nên đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bị hại G. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của người khác, gây mất trị an tại địa phương nên cần phải xử phạt bị cáo bằng một mức án tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để răn đe, giáo dục và tuyên truyền phòng ngừa tội phạm chung.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét cho bị cáo các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Đ thành khẩn khai báo, biết ăn năn hối cải; Khi sự việc xảy ra bị cáo tự nguyện nộp số tiền 2.500.000 đồng (hai triệu năm trăm nghìn đồng) tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phong bồi thường thiệt hại nhằm khắc phục hậu quả; Bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Với tính chất mức độ phạm tội của bị cáo, trên cơ sở cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo xét thấy rằng: bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, mức án Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong đề nghị không quá 03 năm, bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự, bị cáo có khả năng cải tạo bản thân. Các điều kiện trên đã thỏa mãn theo quy định tại Nghị Quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra đời sống xã hội mà để bị cáo cải tạo bên ngoài dưới sự giám sát của địa phương cũng đủ răn đe và giáo dục bị cáo. Từ những căn cứ nêu trên Hội đồng xét xử thấy có cơ sở chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự cho bị cáo Đặng Thị Đ được hưởng án treo là phù hợp với chính sách trừng trị và khoan hồng của Nhà nước ta.
[4] Ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân tại phiên tòa về tội danh, điều luật áp dụng, mức hình phạt là tương xứng với mức độ hành vi phạm tôi của bị cáo, phù hợp với quy định pháp luật.
[5] Về xử lý vật chứng: Cơ quan điều tra đã chuyển vào kho vật chứng của Chi cục thi hành án dân sự 01 ống tuýp tròn bằng kim loại dài 1,2m, đường kính 32mm, loại rỗng, màu xám. Đây là công cụ bị cáo dùng vào việc phạm tội nên cần tịch thu, tiêu hủy.
[6] Về trách nhiệm bồi thường dân sự:
[6.1] Tại phiên tòa bà G yêu cầu bị cáo bồi thường tổng số tiền 8.486.930 đồng, gồm các khoản như sau:
+ Chi phí cho việc khám, điều trị vết thương do bị cáo gây ra là: 1.526.930 đồng. Trong đó:
Tiền thuốc có hóa đơn chứng từ: 1.226.930 đồng.
Tiền băng tay (không có hóa đơn): 300.000 đồng.
+ Tiền xe đi lại trong thời gian điều trị: 960.000đồng.
+ Tiền mất thu nhập ngày công lao động của bị hại là: 30 ngày x 200.000đồng/ngày = số tiền 6.000.000 đồng. Ngoài ra không yêu cầu gì khác.
[6.2] Bị cáo chỉ đồng ý bồi thường chi phí cho việc khám, điều trị vết thương (tiền thuốc có hóa đơn + tiền băng tay không có hóa đơn) và tiền xe đi lại trong thời gian bị hại điều trị với số tiền là 2.486.930đồng. Không đồng ý bồi thường tiền mất thu nhập ngày công lao động của bị hại.
[6.3] Sau khi nghe các bên trình bày, đối chiếu vào các quy định của pháp luật. Xét thấy:
Về chi phí cho việc khám, điều trị vết thương (tiền thuốc theo hóa đơn và không có hóa đơn) và tiền xe đi lại trong thời gian điều trị: tại phiên tòa bị cáo đồng ý bồi thường cho bị hại số tiền 2.486.930đồng nên Hội đồng xét xử ghi nhận.
Về tiền mất thu nhập ngày công lao động của bị hại: là 30 ngày x 200.000đồng/ngày = số tiền 6.000.000đồng. Xét thấy số tiền thu nhập 200.000đồng/ngày công lao động bị hại đưa ra là không hợp lý, chỉ chấp nhận với mức thu nhập trung bình ngày công của lao động nữ tại địa phương là 150.000đồng/ngày, nên chấp nhận tiền mất thu nhập ngày công lao động của bị hại là: 30 ngày x 150.000đồng/ngày = 4.500.000 đồng là phù hợp.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại. Buộc bị cáo Đ phải bồi thường cho bị hại tổng số tiền là 6.986.930đồng, bao gồm tiền chi phí cho việc khám, điều trị vết thương (tiền thuốc có hóa đơn và không có hóa đơn) là 1.526.930đồng, tiền xe đi lại trong thời gian điều trị là 960.000đồng, tiền mất thu nhập ngày công lao động là 4.500.000đồng. Tiếp tục quản lý số tiền 2.500.000đồng bị cáo tạm nộp nhằm bồi thường thiệt hại, hiện Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phong đang quản lý theo biên lai thu số 0002338 ngày 22/7/2019 và biên lai thu số 0002353 ngày 08/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phong để đảm bảo cho việc thi hành án.
[7] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Đ phải chịu 200.000đồng án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm là (6.986.930 đồng x 5%) = 349.346 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
[1] Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 134; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017;
Tuyên bố: Bị cáo Đặng Thị Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Xử phạt bị cáo Đặng Thị Đ 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng.
Giao bị cáo Đặng Thị Đ cho Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp bị cáo Đặng Thị Đ có thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
[2] Về trách nhiệm dân sự:
Căn cứ vào Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 357; Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015. Chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị hại Lê Thị G. Buộc bị cáo Đặng Thị Đ phải bồi thường cho bị hại Lê Thị G số tiền 6.986.930đồng (Sáu triệu chín trăm tám mươi sáu nghìn chín trăm ba mươi đồng).
Tiếp tục quản lý số tiền 2.500.000đồng (hai triệu năm trăm nghìn đồng) mà bị cáo tạm nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phong theo biên lai thu số 0002338 ngày 22/7/2019 và biên lai thu số 0002353 ngày 08/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phong để đảm bảo cho việc thi hành án.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của bên được thi hành án, nếu bên phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành thì phải chịu thêm khoản tiền lãi chậm trả theo quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
[3] Biện pháp tư pháp: Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; điểm a khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tuyên: tịch thu, tiêu hủy 01 (một) ống tuýp tròn bằng kim loại dài 1,2m, đường kính 32mm, loại rỗng, màu xám (theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 05 tháng 8 năm 2019 giữa cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong và Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
[4] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức, thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Đặng Thị Đ phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 349.346 đồng (ba trăm bốn mươi chín nghìn ba trăm bốn mươi sáu đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
[5] Về quyền kháng cáo: bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án (10.9.2019).
(Đã giải thích chế độ án treo cho bị cáo).
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7A và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!