Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 1.006 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
961 | Tư vấn đầu tư chứng khoán | là việc công ty chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị liên quan đến chứng khoán. | 70/2006/QH11 |
962 | Tư vấn đầu tư và xây dựng | là các công việc có tính chuyên nghiệp trong hoạt động đầu tư và xây dựng bao gồm tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế kiến trúc, thiết kế kỹ thuật, quản lý dự án đầu tư xây dựng, giám sát thi công xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật khác đối với dự án đầu tư xây dựng. | 87/2004/QĐ-TTg |
963 | Tư vấn giám sát | là hoạt động dịch vụ tư vấn, thực hiện các công việc quản lý, giám sát quá trình thi công xây dựng công trình theo hợp đồng với chủ đầu tư. | 22/2008/QĐ-BGTVT |
964 | Tư vấn pháp lý | Người có chuyên môn về pháp luật và được hỏi ý kiến để tham khảo khi giải quyết, quyết định công việc. Việc tham gia ý kiến theo góc độ pháp luật với tư cách là cộng tác viên hoặc là làm dịch vụ. Vd. Văn phòng tư vấn pháp lý. Trung tâm tư vấn pháp lý (xt. Cố vấn pháp lý). | Từ điển Luật học trang 550 |
965 | Tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán | là dịch vụ mà công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp cho khách hàng trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, tái cơ cấu tài chính, chia, tách, sát nhập, hợp nhất doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành và niêm yết chứng khoán. | 144/2003/NĐ-CP |
966 | Tư vấn về HIV/AIDS | là quá trình đối thoại, cung cấp các kiến thức, thông tin cần thiết về phòng, chống HIV/AIDS giữa người tư vấn và người được tư vấn nhằm giúp người được tư vấn tự quyết định, giải quyết các vấn đề liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV. | 64/2006/QH11 |
967 | Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội | Là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản. Đây là trường hợp tự nguyện chấm dứt hẳn hành vi phạm tội đã bắt đầu thực hiện mặc dù có khả năng thực tế để tiếp tục phạm tội. Chỉ có thể tự nguyện chấm dứt việc phạm tội trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể cho là trường hợp tự nguyện chấm dứt việc phạm tội. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện. Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố của một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. | Từ điển Luật học trang 553 |
968 | Tuân thủ Điều ước quốc tế | "(L. Pacta sunt servanda) là thuật ngữ luật quốc tế được ghi trong Bộ luật La Mã, đòi hỏi các quốc gia phải nghiêm chỉnh thực hiện những nghĩa vụ quy định trong các điều ước quốc tế mà mình đã ký kết, nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong một số điều ước quốc tế khác, như trong Công ước Viên năm 1969; trong Tuyên ngôn về các nguyên tắc của luật quốc tế năm 1970, nguyên tắc tuân thủ điều ước quốc tế được thể hiện như sau: ""Các quốc gia nghiêm chỉnh chấp hành những nghĩa vụ mà họ đã chấp nhận thể theo Hiến chương Liên hợp quốc"". Không tuân thủ nguyên tắc này tức là vi phạm luật pháp quốc tế và quốc gia vi phạm phải chịu trách nhiệm về sự vi phạm đó cùng mọi hậu quả do sự vi phạm đó gây ra. Tuy nhiên, điều ước đã ký kết phải phù hợp với luật quốc tế tức là không trái với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, không phải là điều ước bất bình đẳng." | Từ điển Luật học trang 542 |
969 | Túi ngoại giao | (cg. Vali ngoại giao), một trong những dạng liên lạc quan trọng nhất và phổ biến nhất của cơ quan đại diện ngoại giao với nước cử đại diện hoặc với các cơ quan đại diện của nước mình ở nước ngoài. Túi ngoại giao không bị mở hoặc giữ lại. Túi ngoại giao có thể bao gồm một hoặc nhiều kiện. Những kiện tạo thành túi ngoại giao phải được niêm phong, mang dấu hiệu bên ngoài dễ nhận thấy, chỉ rõ đặc điểm của túi ngoại giao và chỉ được chứa đựng những tài liệu ngoại giao và những đồ vật sử dụng vào công việc chính thức. Túi ngoại giao được giao cho giao thông viên ngoại giao hoặc giao thông viên ngoại giao tạm thời chuyển hoặc có thể được ủy nhiệm cho người chỉ huy máy bay dân dụng chuyển. Người chuyển túi ngoại giao phải mang theo giấy tờ chính thức ghi rõ số kiện tạo thành túi ngoại giao. | Từ điển Luật học trang 542 |
970 | Túi tiền | Là túi tiền kim loại (tiền đã qua lưu thông) đóng gói theo quy định. | 60/2006/QĐ-NHNN |
971 | Tước một số quyền công dân | Một loại hình phạt do tòa án tuyên phạt khi xét xử những người phạm các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm các tội nghiêm trọng khác do bộ luật quy định. Một số quyền công dân bị tước gồm: - Quyền bầu cử và ứng cử. - Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong các lực lượng vũ trang. - Quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội. Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 1 - 5 năm kể từ ngày hết hạn tù. Nếu người bị kết án bị xử phạt bằng một hình phạt chính khác hoặc được hưởng án treo thì thời hạn tước một số quyền công dân bắt đầu từ khi bản án có hiệu lực. | Từ điển Luật học trang 553 |
972 | Tước quân hàm sĩ quan | là quyết định huỷ bỏ quân hàm sĩ quan của quân nhân | 16/1999/QH10 |
973 | Tước quốc tịch | Biện pháp của nhà nước buộc công dân có hành động vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của công dân không được mang quốc tịch của nước đó. Nhà nước chấm dứt sự bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tước quốc tịch và người bị tước quốc tịch cũng không được hưởng quyền cũng như không được thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước đó. Công dân Việt Nam cư trú ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị tước quốc tịch Việt Nam nếu có hành động gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đến lợi ích và uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc tước quốc tịch là do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định. | Từ điển Luật học trang 554 |
974 | Tuổi thành thục công nghệ | là tuổi của rừng, tại thời điểm đó rừng cho sản phẩm phù hợp với mục dích kinh doanh chính. | 40/2005/QĐ-BNN |
975 | Tương trợ tư pháp quốc tế | Việc giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp các nước về các vấn đề tư pháp và pháp luật trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo pháp luật và thực tiễn tư pháp quốc tế. Việt Nam đã ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình và hình sự. Các hiệp định đó quy định rõ phạm vi các vấn đề mà cơ quan tư pháp các nước hữu quan sẽ hợp tác, giúp đỡ nhau các nguyên tắc áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột về quyền tài phán trong các lĩnh vực cụ thể, cách thức hợp tác và thực hiện các ủy thác tư pháp quốc tế, các nguyên tắc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân các nước ký kết hiệp định, vv. Trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp sẽ giúp đỡ nhau trên cơ sở pháp luật mình phù hợp với thực tiễn tư pháp quốc tế về vấn đề này (chủ yếu là theo nguyên tắc có đi có lại). | Từ điển Luật học trang 554 |
976 | Tùy viên | "Theo pháp luật quốc tế là một trong những chức vụ ngoại giao thấp nhất, hàm cấp ngoại giao thấp nhất. Không nên nhầm lẫn giữa tùy viên (tùy viên ngoại giao) với tùy viên quân sự, tùy viên thương mại, tùy viên báo chí hoặc các loại tùy viên chuyên biệt khác không thuộc lĩnh vực pháp luật quốc tế. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hàm tùy viên là hàm ngoại giao sau hàm đại sứ, hàm công sứ, hàm đại diện, hàm tham tán, hàm bí thư thứ nhất, hàm bí thư thứ hai, hàm bí thư thứ ba; thuộc cấp ngoại giao sơ cấp của Việt Nam. Người mang hàm tùy viên được cử đi công tác tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm giữ chức vụ tùy viên hoặc chức vụ lãnh sự tương đương hàm tùy viên. Trong trường hợp vì nhu cầu công tác có thể bổ nhiệm giữ chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự cao hơn. Pháp lệnh năm 1995 về hàm, cấp ngoại giao Việt Nam có quy định cụ thể các tiêu chuẩn của hàm tùy viên, quy tắc phong, thăng, tước hàm tùy viên, các quyền lợi và nghĩa vụ của tùy viên." | Từ điển Luật học trang 543 |
977 | Tuyên án | Giai đoạn sau khi trình tự thủ tục tố tụng tại phiên tòa kết thúc, Hội đồng xét xử vào phòng nghị án để thảo luận và thông qua bản án, rồi trở lại phiên tòa công khai để tuyên án. Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Chủ tọa phiên tòa đọc bản án và sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo. Nếu bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải dịch lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết. | Từ điển Luật học trang 543 |
978 | Tuyên bố chung | Văn kiện ghi nhận về sự thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề quốc tế trong các cuộc đàm phán, gặp gỡ, viếng thăm giữa các đại diện của hai hoặc nhiều hơn quốc gia, thường là giữa những người đứng đầu quốc gia, những người đứng đầu chính phủ và được công bố rộng rãi trên thế giới. Tuyên bố chung được công bố tại nước ký kết hoặc được công bố cùng một thời điểm tại các nước tham gia đàm phán. Việc ra được tuyên bố chung chứng tỏ là các bên tham gia đàm phán đã có sự thống nhất về quan điểm, lập trường trong nhìn nhận và giải quyết các vấn đề có liên quan đến hai nước hoặc các vấn đề quốc tế, hoặc trước đây có sự khác biệt nay đã tìm được tiếng nói chung để đi đến hành động chung. Nó cũng chứng tỏ quan hệ của các quốc gia tham gia đàm phán là tốt đẹp hoặc đã được cải thiện. Ngược lại, các bên tham gia đàm phán không ra được tuyên bố chung là dấu hiệu chứng tỏ quan hệ của các bên tham gia đàm phán đã và đang nảy sinh những tranh chấp. | Từ điển Luật học trang 543 |
979 | Tuyên bố của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về các nguyên tắc của Luật quốc tế | Xuất phát từ vai trò quan trọng của các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại đối với quá trình phát triển tiến bộ của luật quốc tế và việc xây dựng trật tự quốc tế mới, năm 1962 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về việc soạn thảo một văn bản nhằm pháp điển hóa các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Song kết quả của công tác này mới chỉ đạt được ở mức soạn thảo một bản tuyên bố của Liên hợp quốc về những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 24/10/1970. Bản tuyên bố đã nêu 7 nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế như sau: 1. Cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập chính trị của các nước hoặc nhằm mục đích khác với Hiến chương Liên hợp quốc. 2. Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các phương pháp hòa bình. 3. Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. 4. Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau. 5. Các dân tộc có quyền bình đẳng và tự quyết. 6. Các quốc gia bình đẳng về chủ quyền. 7. Tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế. Theo quan điểm của Việt Nam thì bên cạnh những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế nêu trên cần phải bổ sung thêm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và nguyên tắc tôn trọng các quyền cơ bản của con người vào hệ thống nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại bởi vì quan hệ quốc tế chủ yếu là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền, không tôn trọng chủ quyền quốc gia khác thì không thể duy trì và phát triển quan hệ giữa các quốc gia, không thể hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia. Điều này được ghi nhận trong Điều 1 và Điều 50 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. | Từ điển Luật học trang 544 |
980 | Tuyên bố của đại Hội đồng Liên hợp quốc về thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới | Vào giữa những năm 1970 một vấn đề quan trọng trên thế giới cần được giải quyết và vấn đề dân chủ hóa quan hệ kinh tế và thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới. Quan điểm về trật tự kinh tế quốc tế mới cũng như chương trình tổng hợp về thiết lập trật tự này lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc đã được tập thể các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc trình ra Hội nghị đặc biệt lần thứ 6 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 4/1974. Kết quả là tại Hội nghị đặc biệt này, một trong những văn bản quan trọng là Tuyên bố về chương trình thực hiện việc thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Tiếp theo, một văn bản quan trọng khác trong lĩnh vực này do các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc đề xuất cũng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại Hội nghị thường kỳ lần thứ 29 vào tháng 12/1974 là Hiến chương các quyền và nghĩa vụ kinh tế của các quốc gia. Nội dung cơ bản của Tuyên bố về trật tự kinh tế quốc tế mới là chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ mỗi quốc gia đối với tài sản, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế của mình, thực hiện liên kết trao đổi các nguồn hàng hóa vật tư nguyên liệu, cho phép các hàng hóa công nghiệp của các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc được tự do tiêu thụ trên thị trường quốc tế, chuyển giao công nghệ, hạn chế các hoạt động tiêu cực của các công ty xuyên quốc gia, cho vay vốn để phát triển, cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế và củng cố sự hợp tác kinh tế quốc tế giữa các quốc gia trên toàn thế giới. | Từ điển Luật học trang 544 |