Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 1.006 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
861 | Trao đổi tù binh | Việc các bên đối địch trong chiến tranh đổi những tù binh có giá trị đặc biệt đã thỏa thuận trước với nhau tại những địa điểm do các bên lựa chọn. | Từ điển Luật học trang 534 |
862 | Trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế | là việc trao đổi thư, công hàm hoặc văn kiện có tên gọi khác tạo thành điều ước quốc tế hai bên giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. | 41/2005/QH11 |
863 | Trao trả tù binh | Việc các bên xung đột trao trả hết cho nhau những tù binh bị bắt trong thời gian chiến tranh, kể cả việc cung cấp đầy đủ danh sách, nơi chôn, nguyên nhân chết trong thời gian bị giam giữ. Trao trả tù binh là một trong những điều kiện phải có khi ký kết hòa ước. | Từ điển Luật học trang 534 |
864 | Trật tự pháp luật | Một trong những biểu hiện của trạng thái, tình hình hợp thành trạng thái, tình hình trật tự an ninh, an toàn xã hội, thường được hiểu dưới hai dạng: 1. Trạng thái, tình hình tôn trọng kỷ cương xã hội, pháp luật nhà nước trong toàn quốc, toàn vùng, trong từng đơn vị cụ thể. 2. Hệ thống pháp luật được kết cấu chặt chẽ, hài hòa thống nhất với nhau hay ngược lại. Hiến pháp là đạo luật gốc, cơ bản có hiệu lực cao nhất và rộng nhất. Luật không được trái lại với hiến pháp. Các văn bản luật đều thống nhất, hài hòa với nhau, không chồng chéo mâu thuẫn nhau. Văn bản dưới luật của cấp dưới không được mâu thuẫn lại với văn bản dưới luật của cấp trên. Văn bản pháp luật ban hành sau nếu phủ định, trái với văn bản ban hành trước thì phải tuyên bố hủy bỏ văn bản trước. Trật tự pháp luật theo nghĩa này là sự thống nhất hài hòa của toàn bộ nền pháp luật của đất nước. | Từ điển Luật học trang 534 |
865 | Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt | là trẻ em có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng đồng | 25/2004/QH11 |
866 | Trẻ em lang thang | "là trẻ em rời bỏ gia đình, tự kiếm sống, nơi kiếm sống và nơi cư trú không ổn định; trẻ em cùng với gia đình đi lang thang" | 25/2004/QH11 |
867 | TREND | Dự báo thời tiết sân bay có hiệu lực dưới 2 giờ từ thời điểm quan trắc. | 12/2007/QĐ-BGTVT |
868 | Tri thức truyền thống về nguồn gen | là sự hiểu biết, kinh nghiệm, sáng kiến của người dân địa phương về bảo tồn và sử dụng nguồn gen. | 20/2008/QH12 |
869 | Trích lục bản án | Bản trích một số điều trong toàn văn của bản án theo yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ và người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự của vụ án. Những người này cũng có quyền yêu cầu tòa án cấp bản sao toàn văn bản án. Bị cáo, người bào chữa của bị cáo, viện kiểm sát cùng cấp được tòa án cấp bản sao toàn văn bản án. Chậm nhất 15 ngày sau khi tuyên án, tòa án phải cấp bản sao toàn văn hay trích lục toàn văn bản án cho những người đã nêu. | Từ điển Luật học trang 534 |
870 | Triển khai thực nghiệm | là hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để làm thực nghiệm nhằm tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới | 21/2000/QH10 |
871 | Triều đình | Là một tổ chức chính quyền cao nhất giúp vua cai trị đất nước. Ở Việt Nam triều đình tồn tại dưới các triều phong kiến từ nhà Lý (1010), nhà Nguyễn cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, triều đình gồm các vị thượng thư dưới sự lãnh đạo tối cao của hoàng đế, phụ trách 6 bộ (Lại, Lễ, Hình, Hộ, Công và Binh). Nhưng thành phần này có sự thay đổi khi Gia Long (Nhà Nguyễn) lên ngôi năm 1802 và nhất là từ năm 1884 khi bị thực dân Pháp đô hộ. Từ đời vua Minh mạng, có thêm Viện cơ mật gồm 4 vị đại thần phụ trách các viện quân quốc trọng sự (xt. Viện cơ mật). Từ năm 1933 trở đi, vua Bảo Đại về nước, bộ máy triều đình có sự thay đổi theo quan niệm mới. Chỉ còn 5 bộ là: Bộ lại, Bộ quốc gia giáo dục, Bộ tài chính, Bộ cứu tế xã hội, Bộ hình và Bộ công chính kiêm mỹ thuật và lễ nghi. Các vị thượng thư là do nhà vua lựa chọn trong số những người được lòng tin của chính phủ Pháp và triều đình, ở trong quan trường hay ngoài quan trường (vd. ở ngoài quan trường như ông Phạm Quỳnh chủ bút báo Nam Phong). Các vị thượng thư của triều đình hợp thành Hội đồng cơ mật do hoàng đế chủ tọa. Mọi chủ trương, hoạt động lớn của triều đình đều phải được sự phê duyệt của viên khâm sứ người Pháp. | Từ điển Luật học trang 535 |
872 | Triệu hồi | Hành vi pháp lý của nước cử đi áp dụng để gọi đại sứ của mình đang công tác tại nước ngoài trở về. Lý do của việc triệu hồi thường là do nảy sinh căng thẳng về quan hệ ngoại giao giữa hai nước nhưng chưa đến mức cắt đứt. Nguyên thủ quốc gia là người có thẩm quyền cử đại sứ ra nước ngoài nên cũng có quyền triệu hồi đại sứ về nước. Hình thức thực hiện quyền này được thể hiện dưới hình thức nguyên thủ quốc gia của nước cử đại sứ gửi thư cho nguyên thủ quốc gia nhận đại sứ chính thức thông báo việc triệu hồi. Bên triệu hồi đại sứ không có nhiệm vụ phải giải thích lý do của việc triệu hồi cho nước nhận đại sứ. | Từ điển Luật học trang 535 |
873 | Trình tự lập pháp | Thứ tự các công việc bắt buộc phải làm trong quá trình soạn thảo, thông qua ban hành luật, bộ luật, pháp lệnh để đảm bảo cho các văn bản ấy phù hợp với hiến pháp, đúng với đường lối, chính sách (xt. Ban hành văn bản pháp luật). | Từ điển Luật học trang 535 |
874 | Trình tự thực hiện đấu thầu | Bao gồm các bước chuẩn bị đấu thầu, tổ chức đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu, thông báo kết quả đấu thầu, thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng. | 61/2005/QH11 |
875 | Trợ cấp | là sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ hoặc cơ quan của Chính phủ dành cho tổ chức, cá nhân khi sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam và đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân đó. | 22/2004/PL-UBTVQH11 |
876 | Trợ cấp có tính riêng biệt | là trợ cấp chỉ áp dụng riêng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất nhất định hoặc trợ cấp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân hoặc ngành sản xuất trong khu vực địa lý nhất định của nước hoặc vùng lãnh thổ bị điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp. | 22/2004/PL-UBTVQH11 |
877 | Trợ cấp ốm đau | Một chế độ đảm bảo vật chất cho người lao động trong trường hợp nghỉ việc vì ốm đau hoặc bị tai nạn rủi ro. Thời gian tối đa người lao động được hưởng trợ cấp ốm đau là 30, 40, 50, 60 ngày trong một năm tùy thuộc vào điều kiện lao động và số năm đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người lao động bị mắc các bệnh cần điều trị dài ngày (theo quy định của Bộ y tế) thì thời gian được hưởng trợ cấp ốm đau tối đa là 180 ngày trong 1 năm (không phân biệt thời gian đóng bảo hiểm xã hội) nếu hết thời hạn 180 ngày mà vẫn phải tiếp tục điều trị thì thời gian điều trị thêm được hưởng trợ cấp bằng 70% hoặc 65% mức tiền lương, căn cứ vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Chế độ trợ cấp ốm đau được quy định trong Bộ luật lao động (chương XII) và các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động. | Từ điển Luật học trang 537 |
878 | Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp | "Là một chế độ bảo đảm vật chất cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động trả các khoản chi phí y tế và tiền lương từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi ổn định thương tật hoặc bệnh tật; được hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc một lần tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động và được tính theo mức tiền lương tối thiểu chung do Chính phủ công bố; được bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội trả; đối với một số trường hợp được phụ cấp phục vụ bằng 80% mức tiền lương tối thiểu hoặc được cấp phương tiện trợ giúp cho sinh hoạt phù hợp với tổn thất chức năng; được cơ quan bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định lại mức độ suy giảm khả năng lao động do thương tật; được hưởng chế độ hưu trí nếu đủ điều kiện; gia đình được trợ cấp một lần bằng 24 tháng tiền lương tối thiểu và được hưởng chế độ tử tuất nếu bị chết vì tai nạn lao động." | Từ điển Luật học trang 537 |
879 | Trợ cấp thai sản | "Chế độ bảo đảm vật chất cho người lao động nữ khi có thai và sinh đẻ. Người lao động nữ có thai, sinh con thứ nhất, thứ hai được nghỉ việc và hưởng trợ cấp thai sản như sau: được nghỉ việc để đi khám thai 3 lần, mỗi lần một ngày, trường hợp sẩy thai được nghỉ việc 20 ngày nếu thai dưới 3 tháng, hoặc 30 ngày nếu thai từ 3 tháng trở lên; được nghỉ việc trước và sau khi sinh con từ 4 đến 6 tháng tùy theo điều kiện lao động, nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai, cứ mỗi con thì người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Mức trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ được tính bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ. Ngoài ra khi sinh con được trợ cấp một lần bằng một tháng lương theo mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Chế độ trợ cấp thai sản được quy định trong Bộ luật lao động (chương XII) và các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động." | Từ điển Luật học trang 538 |
880 | Trợ cấp thôi việc | Trong phạm vi quan hệ lao động trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ 1 năm trở lên (Điều 42 - Bộ luật lao động). Chế độ trợ cấp thôi việc không áp dụng trong trường hợp hợp đồng lao động phải chấm dứt do người lao động bị sa thải theo các trường hợp nêu tại điểm a, điểm b trong Khoản 1 Điều 85 Bộ luật lao động. Mức trợ cấp thôi việc được tính bằng nửa tháng lương, kể cả phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm người lao động đã làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đó. | Từ điển Luật học trang 538 |