Thuật ngữ pháp lý Thuật ngữ pháp lý

a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u v w x y z all
Hiển thị 1-20 trong 1.006 thuật ngữ
SttThuật ngữMô tả / Định nghĩaNguồn
701Tổ hợp tác"1. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn có từ 3 người trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ dân sự trong những hoạt động đó (Điều 120 - Bộ luật dân sự). 2. Tài sản chung của tổ hợp tác là tài sản do các tổ viên đóng góp, tài sản được tặng cho chung và tài sản do tổ tạo lập ra. 3. Tổ trưởng tổ hợp tác do các tổ viên cử ra. Tổ trưởng là người đại diện cho tổ hợp tác. 4. Các giao dịch do tổ trưởng tổ hợp tác tiến hành phải theo quyết định của đa số tổ viên. Nếu là việc định đoạt tài sản chung là tư liệu sản xuất thì việc đó phải được toàn thể tổ viên đồng ý. 5. Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện những nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập nhân danh tổ hợp tác. 6. Tổ hợp tác chịu trách nhiệm bằng tài sản chung của tổ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì các tổ viên chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình."Từ điển Luật học trang 520
702Tờ khai thuếlà văn bản theo mẫu do Bộ Tài chính quy định được người nộp thuế sử dụng để kê khai các thông tin nhằm xác định số thuế phải nộp. Tờ khai hải quan được sử dụng làm tờ khai thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu78/2006/QH11
703Tổ quản lý tài sản"Một tổ được thành lập để phục vụ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật, tổ quản lý tài sản do một cán bộ của tòa kinh tế tòa án nhân dân cấp tỉnh làm tổ trưởng bao gồm: chấp hành viên của phòng thi hành án thuộc sở tư pháp; đại diện chủ nợ; đại diện doanh nghiệp mắc nợ; đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động ở nơi chưa có tổ chức công đoàn, chuyên viên các cơ quan tài chính, ngân hàng cấp tỉnh và các ngành chuyên môn khác. Nhiệm vụ của tổ quản lý tài sản là lập bảng kê toàn bộ tài sản của doanh nghiệp mắc nợ, giám sát, kiểm tra việc quản lý tài sản của doanh nghiệp mắc nợ, tập hợp danh sách các chủ nợ và số nợ phải trả cho từng chủ nợ."Từ điển Luật học trang 520
704Tổ thanh toán tài sảnMột tổ chức được thành lập để phục vụ việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Thành phần tổ thanh toán tài sản bao gồm: chấp hành viên, cán bộ phòng thi hành án thuộc sở tư pháp, đại diện các cơ quan tài chính, ngân hàng cùng cấp, đại diện chủ nợ, đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn, đại diện doanh nghiệp bị phá sản. Tổ thanh toán tài sản do chấp hành viên làm tổ trưởng. Tổ thanh toán tài sản có thẩm quyền sau đây: nhận bàn giao tài sản và giấy tờ, tài liệu có liên quan từ tổ quản lý tài sản, thu hồi và quản lý tài sản, giấy tờ, sổ sách kế toán và con dấu của doanh nghiệp phá sản, phát hiện và yêu cầu chấp hành viên cho thu hồi lại những tài sản của doanh nghiệp đã bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp, tổ chức việc bán đấu giá các tài sản của doanh nghiệp theo quyết định của chấp hành viên, gửi các khoản tiền thu được của doanh nghiệp vào tài khoản mới tại ngân hàng, thực hiện việc thanh toán theo quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp của thẩm phán.Từ điển Luật học trang 520
705Tố tụng cạnh tranhlà hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của Luật canh tranh27/2004/QH11
706Tố tụng hình sựTrình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố xét xử và thi hành án hình sự được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng và của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân, nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Luật tố tụng hình sự chia hoạt động tố tụng hình sự thành các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Mỗi giai đoạn do cơ quan và người tiến hành tố tụng khác nhau thực hiện.Từ điển Luật học trang 521
707Tố tụng kinh tếVới tư cách là một chế định pháp luật, tố tụng kinh tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết một vụ án kinh tế giữa nhà nước với những người tham gia tố tụng kinh tế với nhau. Nội dung của tố tụng kinh tế bao gồm các quy định về nguyên tắc giải quyết các vụ án kinh tế, thẩm quyền giải quyết của vụ án kinh tế, thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tố tụng kinh tế.Từ điển Luật học trang 521
708Tổ viên tổ hợp táclà cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.33/2005/QH11
709Tòa án"Cơ quan thuộc hệ thống bộ máy nhà nước, đảm nhiệm chứng năng xét xử. Dưới chế độ phong kiến, vua là người đứng đầu nhà nước nắm trọn trong tay các quyền lập pháp, thi hành pháp luật và tư pháp. Quan cai trị cấp dưới vừa là người thi hành pháp luật đồng thời là người xét xử. Môngtexkiơ (Montesquieu) triết gia người Pháp, kiến trúc sư của học thuyết về nhà nước tư bản đã đề ra thuyết tam quyền phân lập. Môngtexkiơ cho rằng nhà lập pháp kiêm cả quyền tư pháp sẽ trở thành kẻ độc đoán. Nhà lập pháp kiêm cả quyền thi hành pháp luật sẽ trở thành kẻ lộng quyền và lạm quyền. Nếu cả ba quyền tập trung vào tay một người thì đó là chế độ độc tài vô hạn độ. Dưới chế độ tư bản, việc xét xử sẽ do một hệ thống cơ quan có chức năng riêng biệt và do các quan tòa là những công chức chỉ làm nhiệm vụ xét xử thực hiện. Sự ra đời của học thuyết Môngtexkiơ góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ phong kiến độc tài, chuyển quyền độc đoán. Ở Việt Nam, từ khi có chính quyền cách mạng, các tòa án là những cơ quan thuộc hệ thống bộ máy nhà nước được đảm nhiệm chức năng là xét xử. Điều 127 - Hiến pháp năm 1992 quy định: ""Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương, các tòa án quân sự và các tòa án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"". Hệ thống các tòa án nhân dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện có: tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân cấp tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, các tòa án nhân dân cấp quận, huyện và các tòa án quân sự. Tại các tòa nhân dân có các tòa chuyên trách: tòa hình sự; tòa kinh tế để xét xử những tranh chấp về kinh tế; tòa án dân sự để xét xử những vụ tranh chấp về dân sự; tòa lao động để xét xử các vụ tranh chấp về lao động và tòa hành chính để xét xử những khiếu kiện về quyết định và hành vi hành chính của cơ quan hành chính. Các tòa án quân sự có chức năng xét xử những quân nhân phạm tội và những quân nhân đã bị phạm tội trong thời gian tập trung huấn luyện. Tại các tòa án quân sự không tổ chức các tòa chuyên trách về dân sự, kinh tế, lao động, hành chính."Từ điển Luật học trang 495
710Tòa án Bectơrăng Rutxen"(Ph. Bertrand Roussel), tòa án lương tri nhân loại tiến bộ do huân tước Bectơrăng Rutxen, nhà triết học người Anh đề xướng và được nhiều luật gia, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị xã hội của nhiều nước trên thế giới hưởng ứng. Tòa mở phiên xử lần đầu từ ngày 2 đến ngày 10/5/1967 tại Xtôckhôm (Thụy Điển). Phiên thứ hai xử từ ngày 20/11 đến ngày 1/12/1967 tại Rôtkai (Đan Mạch). Trên cơ sở trực tiếp xem xét các chứng cứ do các đoàn điều tra quốc tế thu thập được ở cả hai miền Bắc, Nam Việt Nam; lời khai của các nhân chứng, trong số đó có 3 người là cựu quân nhân Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, 4 công dân Việt Nam là những nạn nhân của các loại vũ khí đã bị công pháp quốc tế cấm mà Mỹ đã đem sử dụng bao gồm; bom napan, bom bi, chất độc hóa học, bom có chứa chất lân tinh, đối chiếu với công pháp quốc tế về luật lệ và tập tục chiến tranh, tòa đã phán quyết: 1. Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác xâm lược, tội chống hòa bình, tội diệt chủng theo đúng quy định của điều ước Tòa án quân sự quốc tế và phán quyết của các tòa án quân sự quốc tế Nuyrămbe, Tôkyô. 2. Chính phủ Mỹ đã ra lệnh và quân đội Mỹ đã ném bom có chủ định, một cách có hệ thống và trên quy mô lớn vào các mục tiêu dân sự, đã dùng bom bi, bom lân tinh, bom napan, vũ khí hóa học, ném bom theo cách rải thảm với mục đích giết nhiều người, là loại vũ khí và cách sử dụng vũ khí đã bị Công pháp quốc tế về luật lệ và tập tục chiến tranh ngăn cấm. 3. Chính phủ Mỹ đã liên tiếp vi phạm chủ quyền, nền trung lập toàn vẹn lãnh thổ của Lào và Cămpuchia. 4. Các chính phủ: Úc, Niuzilân, Nam Triều Tiên, Philipin, Thái Lan là những kẻ đồng lõa với Mỹ trong tội ác xâm lược Việt Nam."Từ điển Luật học trang 496
711Tòa án binh"Các tòa án được tổ chức để đảm nhiệm công tác xét xử hình sự trong quân đội từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến 1946 đến 1960. Các tòa án binh có thẩm quyền xét xử những quân nhân phạm tội và bất cứ người nào có hành vi phạm tội làm thiệt hại đến quân đội. Tòa án binh được tổ chức ở các khu hay liên khu. Ngoài ra còn có tòa án binh khu trung ương để xét xử các nhân viên phạm tội thuộc các cơ quan trung ương của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy kể cả các cấp từ trung đoàn trưởng trở lên (Sắc lệnh ngày 5/7/1947). Hội đồng xét xử của tòa án binh gồm chánh án và các hội thẩm đều là quân nhân; làm nhiệm vụ công tố là một quân nhân khác với tên gọi là ủy viên Chính phủ. Sau khi ban hành Hiến pháp năm 1959, các tòa án binh được thay đổi tên gọi mới là Tòa án quân sự và nằm trong hệ thống thống nhất các tòa án của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."Từ điển Luật học trang 497
712Tòa án binh mặt trậnTòa án được tổ chức theo Thông lệnh liên Bộ Quốc phòng - Tư pháp số 60 ngày 28/5/1947, tại những địa điểm đang tác chiến theo quyết định của người chỉ huy từ cấp trung đoàn trở lên, để xét xử bất kỳ người nào nếu phạm quả tang vào một trong các tội: phản quốc, gián điệp, cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng tại khu vực có chiến sự thì Tòa án binh mặt trận được quyền tuyên phạt đến tử hình. Bản án được thi hành ngay nhưng phải gửi báo cáo và hồ sơ lên Bộ Quốc phòng. Tổ chức và hoạt động của Tòa án binh mặt trận chấm dứt theo Pháp lệnh về tòa án quân sự các cấp được ban hành sau Hiến pháp năm 1959.Từ điển Luật học trang 498
713Tòa án đồng chí"Loại tòa án tồn tại ở một số nước xã hội chủ nghĩa khu vực Đông Âu và Liên xô trước kia… Tòa án đồng chí là những cơ quan xã hội được bầu ra tại các xí nghiệp cơ quan, nông trang tập thể và ở các điểm dân cư. Tòa án đồng chí được bầu công khai, với nhiệm kỳ 2 năm tại hội nghị toàn tập thể lao động có từ 50 người trở lên (trường hợp cá biệt có thể dưới 50 người). Tòa án đồng chí hoạt động trên cơ sở Điều lệ về tòa án đồng chí do Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao nước Cộng hòa liên bang Xô viết phê chuẩn. Điều lệ quy định về trình tự tổ chức, thẩm quyền cũng như các biện pháp mà tòa án đồng chí có thể áp dụng. Trong tòa án đồng chí thường giải quyết các vụ vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm đạo đức, tranh chấp dân sự nhỏ, phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng. Số lượng thành viên của tòa án đồng chí do hội nghị toàn thể tập thể lao động quyết định. Chánh án, phó chánh án, thư ký được bầu công khai trong số các thành viên của tòa án được bầu ra. Tòa án đồng chí ở cơ quan, xí nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của ban chấp hành công đoàn; ở các nông trang tập thể thì hoạt động dưới sự lãnh đạo của cơ quan nhà đất; ở thị trấn, hoạt động dưới sự lãnh đạo của ban chấp hành Xô viết địa phương."Từ điển Luật học trang 498
714Tòa án hiến phápCơ quan đặc biệt ở một số quốc gia phương Tây, do Quốc hội thành lập, có chức năng chủ yếu là bảo vệ các nguyên tắc của hiến pháp, kiểm tra tính hợp hiến của các luật hay các văn bản quản lý. Ở mỗi nước, tòa án loại này được tổ chức dưới các hình thức khác nhau và về quyền hạn cũng có nhiều điểm đặc thù riêng. Ví dụ ở Pháp, tòa án hiến pháp được gọi là Hội đồng bảo hiến (Cour Constitutionelle). Nhiệm vụ của Hội đồng này là: - Phán quyết về tính cách hợp hiến của các đạo luật, sắc luật và quy tắc hành chính. - Tham gia ý kiến về các đề nghị sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban Quốc hội chuyển giao. Hội đồng bảo hiến giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bầu cử Quốc hội và tổng thống cũng như các cuộc trưng cầu dân ý, kiểm tra tính hợp pháp của sự kiêm nhiệm chức vụ của các nghị sĩ. Tòa án hiến pháp liên bang ở Cộng hòa liêng bang Đức thì có thêm quyền giải thích hiến pháp khi có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của liên bang và các địa phương.Từ điển Luật học trang 498
715Tòa án lao độngTòa chuyên trách thuộc các cấp tòa án nhân dân nước xã hội chủ nghĩa, có thẩm quyền xét xử các vụ án lao động và giải quyết các cuộc đình công. Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức, thẩm quyền của các tòa án lao động, thủ tục giải quyết các vụ án lao động, các cuộc đình công được quy định tại các Điều 166, 168, 177 - Bộ luật lao động và trong Luật tổ chức tòa án nhân dân do Quốc hội thông qua ngày 6/10/1992 và được sửa đổi bổ sung bằng các luật của Quốc hội ngày 28/12/1993 và ngày 28/10/1995 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động do Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11/4/1996.Từ điển Luật học trang 499
716Tòa án nhân dânTên gọi chung của hệ thống cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm Tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, tòa án nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh và các tòa án quân sự.Từ điển Luật học trang 499
717Tòa án nhân dân tối cao"Cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ cấu Tòa án nhân dân tối cao bao gồm: Hội đồng thẩm phán, Ủy ban thẩm phán, Tòa án quân sự trung ương, Tòa án hình sự, Tòa án dân sự, Tòa án kinh tế, Tòa án lao động, Tòa án hành chính và các tòa phúc thẩm; trong trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các tòa chuyên trách theo đề nghị của chánh án Tòa án nhân dân tối cao."Từ điển Luật học trang 499
718Tòa án quân sự"Trong pháp chế sử của Việt Nam có hai loại tòa án quân sự: một loại được thiết lập với tư cách là một tòa án đặc biệt trong những năm đầu sau kháng chiến chống Pháp và một loại là tòa án quân sự trong hệ thống tòa án nhân dân ngày nay. Từ ngày 13/9/1945 đến đầu năm 1950, tòa án quân sự là một tổ chức tòa án đặc biệt được thiết lập ở Hà Nội và ở một số nơi của Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ theo Sắc lệnh ngày 13/9/1945, trong tình hình hết sức phức tạp, khẩn trương ngay sau Tổng khởi nghĩa, do các lực lượng thù địch bên ngoài và phản động trong nước cấu kết với nhau nhằm bóp chết chính quyền nhân dân còn non trẻ. Nhiệm vụ của tòa án quân sự nói trên là xét xử tất cả những người nào phạm vào một việc gì sau hay trước ngày 19/8/1945 có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thực tiễn, những phần tử trước kia đã có tội ác chống Cách mạng, chống nhân dân nay lại hoạt động phá hoại; những phần tử lưu manh, côn đồ được các tổ chức phản động nuôi dưỡng, những hành vi tống tiền, bắt cóc, ám sát đều là những tội phạm thuộc quyền xét xử của tòa án quân sự theo Sắc lệnh số 27 ngày 28/2/1946. Tòa án quân sự hiện nay là những tòa án thuộc hệ thống tòa án nhân dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức và đảm nhiệm công tác xét xử hình sự trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Hệ thống các tòa án quân sự có 3 cấp: tòa án quân sự trung ương; các tòa án quân sự quân khu và tương đương; tòa án quân sự khu vực. Các tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là: 1. Quân nhân tại ngũ, công nhân, nhân viên quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu, dân quân tự vệ phối hợp chiến đấu với quân đội và những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý. 2. Những người không thuộc các đối tượng quy định ở điểm 1 nói trên, nhưng phạm các tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội. Hoạt động xét xử của các tòa án quân sự chịu sự giám đốc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."Từ điển Luật học trang 499
719Tòa án quân sự quốc tế"Tòa án được thành lập và hoạt động theo thỏa ước ký ngày 8/8/1945 tại Lơn Đơn giữa 4 nước đồng minh thắng trận phát xít Đức gồm: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp để điều tra, xét xử những kẻ phạm tội ác chiến tranh trong Chiến tranh thế giới II (1939 - 1945). Thẩm phán, công tố viên là đại diện quân pháp của 4 nước trên được cử ra theo số lượng bằng nhau. Cơ sở pháp lý để xét xử là ""Điều ước về tòa án quân sự quốc tế do bốn nước đồng minh thắng trận quy định trên cơ sở cùng nhau thỏa thuận theo nguyên tắc pháp lý của công pháp quốc tế"". Có hai tòa án quân sự quốc tế đã được thành lập và hoạt động là Tòa án Nuyrămbe và Tòa án Tôkyô (x. Tòa án quân sự quốc tế Nuyrămbe; Tòa án quân sự quốc tế Tôkyô). Tổ chức và hoạt động của tòa án quân sự quốc tế biểu thị tinh thần quyết tâm đấu tranh bảo vệ hòa bình và sự thành công lần đầu của nhân loại trong việc dùng vũ ký pháp luật để đấu tranh và bảo vệ nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các quốc gia, dân tộc trên trái đất. Điều ước về tòa án quân sự quốc tế và các bản án của Tòa án Nuyrămbe và Tòa án Tôkyô đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và chấp nhận trong phiên họp ngày 11/12/1946, được các Tòa án quân sự Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan, Pháp... áp dụng để xét xử những kẻ phạm tội ác chiến tranh bị phát hiện và bắt giữ. Tòa án quốc tế Bectơrăng Rutxen (x. Tòa án Bectơrăng Rutxen) đã áp dụng những phán quyết của Tòa án quân sự quốc tế Nuyrămbe để điều tra và xét xử những tội ác chiến tranh của Mỹ đã gây ra để chống lại nhân dân Việt Nam trong chiến tranh xâm lược Đông Dương (1961 - 1975)."Từ điển Luật học trang 500
720Tòa án quân sự quốc tế Nuyrămbe"Được lập ra để xét xử những viên chức, tướng lĩnh của phát xít Đức đã phạm tội ác chiến tranh trong Đại chiến thế giới II (1939 - 1945). Tòa tiến hành xét xử tại Nuyrămbe (Đức). Tòa làm việc liên tục trong 11 tháng với 403 buổi xử, bắt đầu từ ngày 20/11/1945, kết thúc ngày 01/10/1946. Thẩm phán, công tố ủy viên là đại diện của bốn nước đồng minh thắng trận: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp. Có 22 bị cáo trong số đó có G. Cơrup được công nhận là lâm bệnh không qua khỏi nên được tòa quyết định đình chỉ xét xử. Boocman - chủ tịch Đảng phát xít trốn biệt tăm bị Tòa xử vắng mặt. Có 116 nhân chứng được mời đến khai tại tòa. Các bị cáo đã bị tòa lên án là những kẻ phạm tội ác chiến tranh dưới các tội danh: phá hoại hòa bình, chống nhân loại, giết và đối xử tàn bạo đối với tù binh và dân thường, cướp phá tài sản công và tài sản riêng của công dân; thực hành chế độ lao động cưỡng bức nô lệ. Đảng quốc xã, Ghetapô - cơ quan mật vụ phát xít, SS - cảnh sát phát xít bị tòa lên án là những tổ chức phạm tội, bị cấm tồn tại. Mười hai bị cáo bị xử treo cổ, 3 bị tù chung thân, 2 bị phạt 20 năm tù, 1 bị phạt 15 năm tù, 1 bị phạt 10 năm tù, 3 được tuyên bố vô tội, án treo cổ được thi hành ngay trong đêm 16/10/1946. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những kẻ phạm tội ác chiến tranh bị đưa ra xét xử và trừng trị. Việc truy tìm để đưa ra xét xử và trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh còn lẩn trốn vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay."Từ điển Luật học trang 501