Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 210 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
101 | Quy hoạch xây dựng nghĩa trang | là thực hiện việc chỉnh trang, nâng cấp các công trình trong nghĩa trang hiện đang sử dụng và xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành đối với diện tích mở rộng nhằm bảo đảm về cảnh quan, môi trường. | 35/2008/NĐ-CP |
102 | Quy hoạch xây dựng vùng | là việc tổ chức hệ thống điểm dân cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong địa giới hành chính của một tỉnh hoặc liên tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ | 16/2003/QH11 |
103 | Quỹ liên kết đơn vị | là quỹ được hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị và là một phần của quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm. | 102/2007/QĐ-BTC |
104 | Quỹ mở | là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư. | 70/2006/QH11 |
105 | Quy mô dân số | là số người sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính tại thời điểm nhất định. | 06/2003/PL-UBTVQH11 |
106 | Quỹ ngân sách Nhà nước | là toàn bộ các khoản tiền của Nhà nước, kể cả tiền vay, có trên tài khoản của ngân sách Nhà nước các cấp | 47-L/CTN |
107 | Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) | Tổ chức của Liên hợp quốc chăm lo đến đời sống và sự phát triển của trẻ em toàn thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, vv. Với phạm vi và các lĩnh vực hợp tác ngày càng mở rộng. Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc thành lập ngày 11.12.1946 với mục tiêu ban đầu là cứu trợ khẩn cấp nhân đạo cho trẻ em các nước bị Chiến tranh thế giới II tàn phá, đặc biệt là khu Châu Á, với tên: Quỹ cứu trợ khẩn cấp trẻ em của Liên hợp quốc. Từ năm 1953, vì hoạt động của Quỹ nhi đồng liên hợp quốc ngày càng phát huy được nhiều tác dụng, nên Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định giữ lại tổ chức này và đổi tên thành Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc. Tham gia Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc có các nước đóng góp (Donor Countries) và các nước nhận viện trợ (Recipient Countries), không có quy chế thành viên. Hình thức viện trợ: không hoàn lại dưới hai hình thức: a. Theo chương trình cho nhiều lĩnh vực có liên quan đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ và phát triển trẻ em như: y tế, giáo dục, nước uống, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, vv. Đây là hình thức được áp dụng chủ yếu. b. Viện trợ khẩn cấp do thiên tai hoặc chiến tranh. Thể thức hợp tác: - Nước nhận viện trợ xây dựng chương trình quốc gia theo yêu cầu phát triển của trẻ em nước mình, phù hợp với mục tiêu, chính sách, ưu tiên của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc. Viện trợ khẩn cấp do thiên tai nhất thiết phải có yêu cầu chính thức của chính phủ, do bộ ngoại giao chuyển, kèm theo chi tiết về diễn biến và hình thức thiệt hại, nhu cầu thực tế... Việt Nam có quan hệ chính thức với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc từ năm 1975. Từ đó đến nay Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc đã giúp đỡ trẻ em Việt Nam khoảng 400 triệu đô la Mĩ tập trung chủ yếu vào việc viện trợ khẩn cấp sau chiến tranh như đường, bột, sữa, thuốc men, xây dựng trường học, nhà trẻ, trạm xá, bệnh viện và thực hiện các chương trình quốc gia mở rộng như chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng, giáo dục phổ cập, nước uống, vệ sinh môi trường. | Từ điển Luật học trang 394 |
108 | Quy phạm đạo đức | Những quy tắc xử sự truyền thống của một xã hội nhất định được hình thành trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Quy phạm đạo đức chi phối và bảo đảm cho nếp sống, tâm tư, tình cảm trong quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng ngày càng thêm tốt đẹp. Quy phạm đạo đức là kết quả của sự tích lũy, kế thừa kinh nghiệm nhiều đời không ngừng sáng tạo, đổi mới, phát triển trong những cộng đồng người có một ngôn ngữ chung, một nền văn hóa chung. Đạo đức cổ truyền của người Việt Nam từ xa xưa là yêu tổ quốc, yêu lao động, yêu đồng bào, nặng tình quê hương, quyến luyến gia đình, thờ kính tổ tiên, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, yêu chuộng hòa bình, công lý, cùng sống với nhau có thủy có chung, có nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Quy phạm đạo đức nói trên được bảo đảm tuân thủ trong cuộc sống bằng tinh thần tự giác của con người Việt Nam và bằng sức mạnh cưỡng chế của dư luận xã hội, sức mạnh cưỡng chế này có khi còn mạnh hơn cả sức mạnh cưỡng chế của nhà nước đối với các quy phạm pháp luật. | Từ điển Luật học trang 390 |
109 | Quy phạm pháp luật | "Quy tắc xử sự cụ thể của pháp luật được viết theo một cơ cấu chặt chẽ để mọi người đối chiếu mà có hành vi phù hợp trong đời sống. Vd. ""Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ trường hợp người bị thiệt hại có lỗi"" (Điều 628 - Bộ luật dân sự năm 1995). Về nguyên tắc, cơ cấu của một quy phạm pháp luật gồm ba bộ phận: a) Giả định: bộ phận dự kiến về chủ thể, điều kiện, tình tiết xảy ra trong thực tế thì phải theo xử sự ở phần quy định. b) Quy định: bộ phận xác định xử sự cụ thể phải theo (được một quyền, phải làm một nghĩa vụ, phải tránh các xử sự bị cấm) ... c) Chế tài: bộ phận nêu rõ hiện tượng, hình thức xử lý của nhà nước đối với người đã bị xử xự không đúng với quy định, hậu quả mà người xử sự không đúng phải chịu. Những quy phạm pháp luật phải ngắn gọn mà vẫn hiểu được một cách chính xác. Trong thực tiễn, có quy phạm pháp luật gồm 2 bộ phận giả định và quy định, vd. giả định ""Cá nhân ... gây thiệt hại"", quy định"" ""thì phải ... có lỗi"". Chế tài của quy phạm này phải xem ở luật bảo vệ môi trường. Chế tài thường được ghi ở cuối điều luật, văn bản luật, hay pháp quy đã áp dụng cho các quy phạm của văn bản ấy. ""Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Bộ luật này, thì tùy mức độ vi phạm mà bị xử phạt bằng các hình thức cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép, phải bồi thường buộc đóng cửa doanh nghiệp hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật"" (Điều 192 - Bộ luật lao động năm 1994). - Có quy phạm pháp luật gồm giả định và chế tài: ""Người nào trộm cắp tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm"" (Điều 155 - Bộ luật hình sự). Với cách biểu đạt này, có thể hiểu quy định là ""cấm lấy trộm cắp tài sản của người khác""." | Từ điển Luật học trang 391 |
110 | Quy phạm pháp luật đặc biệt | Quy phạm chỉ chứa đựng những nguyên tắc, nguyên lý, định nghĩa dùng làm cơ sở xuất phát và tư tưởng chỉ đạo việc đặt ra và thi hành những quy phạm, quy tắc khác. Khác với những quy phạm pháp luật phổ biến, kinh điển là những quy tắc xử sự chung với cơ cấu bắt buộc phải có 3 yếu tố: giả định, quy định, chế tài. Những quy phạm pháp luật đặc biệt về mặt cơ cấu bên trong thường không có giả định, chế tài, nhưng nội dung hợp thành phần của nó với với sức mạnh bảo đảm của nhà nước phải được công nhận và tôn trọng tuyệt đối, không điều kiện. Khi cần bảo đảm sự tôn trọng của quy định này bằng hình thức chế tài thì nhà làm luật phải đặt ra những quy phạm, quy tắc để trừng phạt, xử lý một loại hành vi vi phạm riêng nào đó. Với tính chất như vậy, những điều luật thể hiện những quy phạm này thường được sắp xếp ở chương đầu hoặc phần đầu của mỗi văn bản pháp luật. Có những quy phạm pháp luật cũng được xếp vào quy phạm pháp luật đặc biệt, đó là những quy phạm hướng dẫn hoặc giới thiệu. Những quy phạm này có giả định và quy định nhưng không có chế tài. Quy tắc xử sự không có tính chất bắt buộc mà chỉ có tính chất gợi ý hoặc giới thiệu. Sự tồn tại của những quy phạm pháp luật đặc biệt là đặc điểm của pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện sự lãnh đạo, quản lý dân chủ nhất là trong các lĩnh vực quản lý hành chính kinh tế của Đảng và Nhà nước. | Từ điển Luật học trang 392 |
111 | Quy phạm phong tục | "Trong thực tiễn thường được gọi là quy phạm phong tục tập quán, hoặc quy phạm tập quán pháp, tục lệ pháp. Trên cơ sở một truyền thống lâu đời của nhân dân mà quá trình thực tiễn đã tạo thành một tính chất pháp lý bắt buộc phải tuân thủ. Trên thực tế quy phạm phong tục cũng thật sự là một quy tắc pháp luật không do quyền lực nhà nước đặt ra, không thành văn bản nhưng cộng đồng vẫn quen áp dụng với một niềm tin nội tâm về tính bắt buộc của nó, tuân thủ nghiêm chỉnh với một tinh thần tự giác cao độ. Trong lịch sử Việt Nam dưới các chỉnh thể quân chủ phong kiến xưa kia, triều đại nào cũng cố gắng mở mang bờ cõi quốc gia, cải tiến và tăng cường bộ máy chính quyền, nâng cao đời sống của nhân dân; thiện chí đó được thể hiện qua các định chế pháp lý, các quy phạm phong tục thành văn hoặc bất thành văn đã được ban hành hoặc đã được công nhận, nội dung các định chế đó thường được ghi chú trong các văn bản do nhà vua ban bố như các bộ luật, các đạo dụ, chiếu, lệnh, lệ, nhưng cũng có khi các định chế này không được thể hiện trên văn bản giấy tờ, mà chỉ có tính cách truyền khẩu mà thôi." | Từ điển Luật học trang 392 |
112 | Quy phạm xung đột | "Phạm trù khái niệm thuộc ngành luật tư pháp quốc tế, được hình thành khi có hiện tượng pháp luật của hai hay nhiều nước khác nhau cùng có thể áp dụng để điều chỉnh một quan hệ xã hội có yếu tố nước ngoài. Quy phạm xung đột là loại quy phạm pháp luật đặc biệt, không trực tiếp quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ xã hội cũng như các hình thức và biện pháp chế tài có thể được áp dụng đối với bên đương sự vi phạm pháp luật. Quy phạm xung đột chỉ quy định việc chọn pháp luật nước này hoặc pháp luật nước kia để điều chỉnh các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. So với các quy phạm pháp luật bình thường khác có ba bộ phận (giả định, quy định và chế tài), quy phạm xung đột chỉ có hai bộ phận cấu thành (phần phạm vi và phần hệ thuộc). Phần phạm vi là phần quy định quy phạm xung đột được áp dụng đối với loại quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài cụ thể (quan hệ sở hữu, thừa kế, quan hệ trái vụ hợp đồng hay quan hệ trái vụ ngoài hợp đồng, quan hệ vợ chồng hay quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vv.). Phần hệ thuộc là phần quy định pháp luật nước nào phải được áp dụng để điều chỉnh loại quan hệ xã hội nêu trong phần phạm vi, pháp luật của nước đương sự mang quốc tịch hay pháp luật của các nước nơi đương sự cư trú, pháp luật của nước nơi tồn tại tài sản hay pháp luật của nước nơi hợp đồng được ký kết, vv. Ở Việt Nam cũng có hệ thống quy phạm pháp luật xung đột của mình, nhưng còn thiếu quá nhiều và chưa đồng bộ. Các quy phạm xung đột của Việt Nam phần lớn đều nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp quy của các ngành luật, như: Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 (Điều 52); Pháp lệnh hợp đồng dân sự năm 1991 (Điều 57); Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 1991 (Điều 4,5). Bộ luật dân sự của Việt Nam do Quốc hội khóa IX, Kì họp thứ 8 thông qua ngày 28.10.1995 có cả một phần (phần thứ bảy) quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng pháp luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và pháp luật nước ngoài; các nguyên tắc áp dụng luật nước ngoài và tập quán quốc tế; căn cứ chọn pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch hoặc người có nhiều quốc tịch nước ngoài,vv." | Từ điển Luật học trang 393 |
113 | Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) | "Là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, thành lập năm 1977, có khoảng 140 quốc gia thành viên. Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của IFAD từ năm 1977. Mục đích của IFAD là huy động các nguồn vốn bổ sung để phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển bằng việc thực hiện các dự án và chương trình giành cho nông dân nghèo. Trong bộ máy tổ chức của IFAD, Hội đồng quản trị là cơ quan cao nhất; cơ quan chấp hành là Hội đồng chấp hành do chủ tịch hội đồng đứng đầu. Trụ sở chính đặt tại Rôma (Italia)." | Từ điển Luật học trang 395 |
114 | Quy tắc xuất xứ không ưu đãi | là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa ngoài quy định tại khoản 2 Điều này và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại. | 19/2006/NĐ-CP |
115 | Quy tắc xuất xứ ưu đãi | là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thoả thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan. | 19/2006/NĐ-CP |
116 | Quỹ thành viên | là quỹ đầu tư chứng khoán có số thành viên tham gia góp vốn không vượt quá ba mươi thành viên và chỉ bao gồm thành viên là pháp nhân. | 70/2006/QH11 |
117 | Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) | Là một tổ chức liên chính phủ, thành lập năm 1945, chính thức bước vào hoạt động và trở thành cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc năm 1947, đến nay có khoảng 150 quốc gia là thành viên của IMF, trong đó có Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của IMF là: 1. Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về các vấn đề liên quan đến tiền tệ và thương mại quốc tế. 2. Góp phần thiết lập hệ thống thanh toán nhiều bên căn cứ theo các giao dịch đang tiến hành giữa các thành viên. 3. Khắc phục các sự hạn chế trong việc chuyển đổi tiền tệ gây trở ngại trong thương mại thế giới. 4. Theo dõi việc chấp hành các hiệp định về tiền tệ, thúc đẩy sự ổn định về tiền tệ của các nước thành viên cho các nước thành viên vay tín dụng ngắn hạn nhằm làm cân bằng cán cân thanh toán của họ,vv. Việc góp vốn vào IMF căn cứ vào tiềm năng kinh tế tài chính của từng nước. Các nước phương Tây thường có tiếng nói quyết định trong IMF. Trong bộ máy tổ chức IMF, Hội đồng quản trị là cơ quan cao nhất. Ban giám đốc gồm các giám đốc điều hành là cơ quan chỉ đạo hoạt động của quỹ. Tổng giám đốc do các giám đốc điều hành bầu ra, là người đứng đầu Ban giám đốc. Ban thư ký là cơ quan hành chính của IMF. Trụ sở IMF đặt tại Oasinhtơn (Hoa Kỳ). | Từ điển Luật học trang 395 |
118 | Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí | là một trong những quỹ tài chính của Công ty mẹ được hình thành từ lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ, một phần lãi dầu khí nước chủ nhà để bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và thẩm lượng dầu khí. | 142/2007/NĐ-CP |
119 | Quy trình kiểm tra an toàn | là quy trình được sử dụng để kiểm chứng nguồn gốc của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, phát hiện các thay đổi hoặc lỗi xuất hiện trong nội dung của một thông điệp dữ liệu trong quá trình truyền, nhận và lưu trữ. | 51/2005/QH11 |
120 | Quy trình quản lý rủi ro | là việc áp dụng có hệ thống các chính sách, thủ tục và kinh nghiệm thực tế vào việc thiết lập bối cảnh, xác định, phân tích, đánh giá, xử lý, theo dõi và phản hồi kết quả xử lý rủi ro. | 1700/QĐ-TCHQ |