Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Hiển thị 1-20 trong 511 thuật ngữ
Stt | Thuật ngữ | Mô tả / Định nghĩa | Nguồn |
---|---|---|---|
141 | Người bị thiệt hại | Trong pháp luật dân sự là người hoặc pháp nhân bị tổn thất về vật chất trong các tranh chấp về hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế, hợp đồng lao động hoặc do các hành vi hành chính trái pháp luật của cán bộ, nhân viên nhà nước gây ra. Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện để yêu cầu xét xử về dân sự, xét xử về kinh tế, về tranh chấp lao động, xét xử về hành chính để đòi bên vi phạm phải đền bù thiệt hại vật chất cho mình, đòi khôi phục các quyền hợp pháp hoặc nguyên trạng trong các vụ kiện về hành chính. Người bị thiệt hại phải chứng minh được lỗi của bên vi phạm và những thiệt hại đã xảy ra. Người bị thiệt hại có các quyền trình bày chứng cứ, đòi bên vi phạm phải đền bù thiệt hại và chịu phạt theo cam kết của các bên đã kí trong hợp đồng, yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng nếu có căn cứ để khẳng định họ thiếu khách quan, hoặc thiên vị, có quyền chống án đối với án sơ thẩm, hòa giải với bên bị kiện hoặc rút đơn kiện. Về quyền khởi kiện, người bị thiệt hại có quyền tự mình tiến hành, đối với pháp nhân thì thông qua các đại diện hợp pháp đương nhiên của mình, hoặc nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Người bị thiệt hại trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là người bị gây thiệt hại do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là bồi thường thiệt hại gây nên không phải do vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng mà là do vi phạm pháp luật. Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phân biệt 16 trường hợp bồi thường thiệt hại dưới đây là phải bồi thường toàn bộ và kịp thời: 1. Bồi thường thiệt hại về sức khỏe. 2. Bồi thường thiệt hại về tính mạng. 3. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. 4. Bồi thường thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. 5. Bồi thường thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. 6. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra. 7. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. 8. Bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ. 9. Bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. 10. Bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lí. 11. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 12. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. 13. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. 14. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra. 15. Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. 16. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. | Từ điển Luật học trang 337 |
142 | Người bị tình nghi phạm pháp | Người mà tại chỗ ở, nơi làm việc hoặc trên thân thể, đồ vật, áo quần của họ tìm thấy dấu vết của tội phạm như vết máu, thương tích để lại sau cuộc vật lộn, ẩu đả hoặc có chứa giữ các đồ vật nghi là tang vật của vụ án như hung khí, dụng cụ phạm tội, hàng, tiền, không có tài liệu chứng minh xuất xứ hoặc không xuất trình được giấy tờ để chứng minh là người có căn cước lí lịch rõ ràng. Chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền bắt giữ người bị tình nghi phạm pháp và được quyền tạm giữ họ trong thời hạn không quá thời hạn do luật định. Khi hết thời hạn tạm giữ nếu không đủ căn cứ để khởi tố bị can thì phải trả lại tự do cho người bị tạm giữ. | Từ điển Luật học trang 339 |
143 | Người bị tố cáo | là người sử dụng lao động có quyết định, hành vi bị tố cáo. | 04/2005/NĐ-CP |
144 | Người biết thông tin nội bộ | "Là: a) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc của công ty đại chúng; thành viên Ban đại diện quỹ đại chúng; b) Cổ đông lớn của công ty đại chúng, quỹ đại chúng; c) Người kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng, quỹ đại chúng; d) Người khác tiếp cận được thông tin nội bộ trong công ty đại chúng, quỹ đại chúng; đ) Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề chứng khoán của công ty; e) Tổ chức, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ với công ty đại chúng, quỹ đại chúng và cá nhân làm việc trong tổ chức đó; g) Tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp có được thông tin nội bộ từ những đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này." | 70/2006/QH11 |
145 | Người cảnh giới | là người được chỉ định và thực hiện việc theo dõi và cảnh báo an toàn liên quan đến nơi làm việc đối với cộng đồng. | 12/2008/QĐ-BCT |
146 | người chỉ huy tầu bay | là người chịu trách nhiệm cao nhất về đảm bảo hoạt động, an toàn cho tầu bay, người và tài sản trên tầu bay trong suốt thời gian bay. | 63/2005/QĐ-BGTVT |
147 | Người chỉ huy trực tiếp | là người có trách nhiệm phân công công việc, chỉ huy và giám sát nhân viên đơn vị công tác trong suốt quá trình thực hiện công việc. | 12/2008/QĐ-BCT |
148 | Người cho phép | là người thực hiện thủ tục cho phép đơn vị công tác vào làm việc khi hiện trường công tác đã đảm bảo an toàn về điện. | 12/2008/QĐ-BCT |
149 | Người chủ trì cuộc họp | là người có thẩm quyền điều hành cuộc họp, đưa ra ý kiến kết luận cuộc họp. | 114/2006/QĐ-TTg |
150 | người chưa thành niên | Là người chưa đủ mười tám tuổi. | 33/2005/QH11 |
151 | Người chưa thành niên phạm tội | "Về mặt dân sự, tuổi thành niên là từ 18 tuổi trở lên, nhưng về mặt hình sự thì người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Bộ luật hình sự dành Chương 7 (phần chung) từ Điều 57 đến Điều 67 để quy định đối với người chưa thành niên phạm tội, thể hiện chính sách riêng, khác với việc xử lí người thành niên phạm tội. Đối với người chưa thành niên phạm tội, chủ yếu là áp dụng những biện pháp giáo dục phòng ngừa. Nếu người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng thì có thể xét tha miễn trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự căn cứ vào độ tuổi để xác định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên: chỉ áp dụng hình phạt đối với họ trong những trường hợp cần thiết khi họ phạm tội nghiêm trọng; người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý; chỉ khi đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Việc xử lí hành vi phạm tội của người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình người chưa thành niên phạm tội. Khi phạt tù có thời hạn, tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức áp dụng đối với người đã thành niên. Người chưa thành niên phạm tội phải được giam riêng. Không xử phạt tiền và không áp dụng các hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội." | Từ điển Luật học trang 340 |
152 | Người chứng kiến | "Người được mời tham dự hoạt động điều tra trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định: - Nhận dạng (Điều 114). - Khám chỗ ở, địa điểm (Điều 118). - Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện (Điều 119). - Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét (Điều 120). - Kê biên tài sản (Điều 121). - Khám nghiệm hiện trường (Điều 125). - Khám nghiệm tử thi (Điều 126). - Xem xét dấu vết trên thân thể (Điều 127). - Thực nghiệm điều tra (Điều 128). Trong đa số trường hợp chỉ cần một người chứng kiến; trong một số trường hợp theo quy định cần phải có hai người chứng kiến. Người chứng kiến có trách nhiệm xác nhận nội dung và kết quả công việc mà điều tra viên đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân; ý kiến này được ghi vào biên bản." | Từ điển Luật học trang 340 |
153 | Người có liên quan | "là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: a) Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con; b) Công ty con đối với công ty mẹ; c) Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp; d) Người quản lý doanh nghiệp; đ) Vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối; e) Cá nhân được uỷ quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này; g) Doanh nghiệp trong đó những người quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của các cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó; h) Nhóm người thoả thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty." | 60/2005/QH11 |
154 | Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự | là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. | 24/2004/QH11 |
155 | Người có quyền, nghĩa vụ có liên quan | 1. Trong vụ án dân sự, kinh tế, lao động, người có quyền, nghĩa vụ có liên quan là người do có vụ kiện giữa nguyên đơn và bị đơn mà quyền hoặc nghĩa vụ của họ cũng cần được giải quyết trong vụ án. Vd. di sản thừa kế chia cho 5 người nhưng chỉ có hai người tranh chấp, thì ba người kia tham gia tố tụng với tư cách người có quyền, nghĩa vụ có liên quan vì việc giải quyết vụ án có thể ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của ba người đó. 2. Người có quyền, nghĩa vụ có liên quan có thể tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn (vd. ủng hộ yêu cầu của nguyên đơn hoặc ủng hộ sự phản đối của bị đơn) nhưng họ có thể có yêu cầu độc lập (vd. trong vụ thừa kế nói trên, họ có thể đòi phần của họ nhiều hơn phần mà nguyên đơn hoặc bị đơn muốn dành cho họ). 3. Quyền và nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ có liên quan (x. Đương sự). | Từ điển Luật học trang 341 |
156 | Người có quyền, nghĩa vụ liên quan | là cá nhân, tổ chức có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự. | 173/2004/NĐ-CP |
157 | Người có tài sản bán đấu giá | là chủ sở hữu tài sản hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền bán tài sản hoặc cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật. | 05/2005/NĐ-CP |
158 | Người có tài sản trưng dụng | là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng trưng dụng. | 15/2008/QH12 |
159 | Người có tài sản trưng mua | là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu tài sản thuộc đối tượng trưng mua. | 15/2008/QH12 |
160 | Người có thẩm quyền | là người có quyền phê duyệt danh mục dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Người có thẩm quyền đối với dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ, đối với các dự án khác là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi được phân cấp, Hội đồng quản trị hoặc giám đốc doanh nghiệp nhà nước. | 03/2009/TT-BKH |