Bản án số 03/2022/KDTM-PT ngày 27/01/2022 của TAND TP. Hải Phòng về tranh chấp hợp đồng cho thuê tàu trần
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- VB liên quan
- Lược đồ
- Đính chính
- Án lệ
- BA/QĐ cùng nội dung
- Tải về
-
Bản án số 03/2022/KDTM-PT
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!
Thuộc tính Bản án 03/2022/KDTM-PT
Tên Bản án: | Bản án số 03/2022/KDTM-PT ngày 27/01/2022 của TAND TP. Hải Phòng về tranh chấp hợp đồng cho thuê tàu trần |
---|---|
Quan hệ pháp luật: | Tranh chấp về thuê, cho thuê, thuê mua |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Tòa án xét xử: | TAND TP. Hải Phòng |
Số hiệu: | 03/2022/KDTM-PT |
Loại văn bản: | Bản án |
Ngày ban hành: | 27/01/2022 |
Lĩnh vực: | Kinh doanh thương mại |
Áp dụng án lệ: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Đính chính: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Thông tin về vụ/việc: | Công ty CTN khởi kiện công ty TP về tranh chấp hợp đồng thuê tàu trần |
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
Tải văn bản
TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 03/2022/KDTM-PT NGÀY 27/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHO THUÊ TÀU TRẦN
Ngày 27 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 22/2021/TLPT-KDTM ngày 18 tháng 10 năm 2021 về việc tranh chấp hợp đồng cho thuê tàu trần.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2021/KDTM-ST ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Tòa án nhân dân quận HA, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 160/2021/QĐ-PT ngày 17 tháng 12 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2022/QĐ-PT ngày 17 tháng 01 năm 2022; giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần CTN; địa chỉ trụ sở: Tầng 12 tòa nhà T, 180 - 192 NCT, phường NTB, quận M, thành phố Hồ Chí Minh;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lưu Khang A; cư trú tại: Số 86/29/124 LT, phường ĐH, quận LC, thành phố Hải Phòng. (Giấy ủy quyền số 448/2020/UQ-V ngày 04/11/2020); có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP; địa chỉ trụ sở: Số 27/14/162 đường TL, phường ĐL, quận HA, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Văn T, chức vụ: Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật; có mặt - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng TMCP H; địa chỉ trụ sở: Số 54A NCT, phường LT, quận ĐĐ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan : Ông Hoàng Mạnh L; chức vụ: Cán bộ Ngân hàng (là đại diện theo ủy quyền theo văn bản ủy quyền ngày 22/3/2021); vắng mặt
- Người kháng cáo: Nguyên đơn là Công ty Cổ phần CTN; bị đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo:
Tại đơn khởi kiện, bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ngân hàng TMCP H (viết tắt là M) là đơn vị sở hữu tàu biển HP 102 theo Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển số VN-3910-VT do Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Hải Phòng cấp ngày 05/11/2015 và tàu HP 107 theo Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển số VN-3911-VT do Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Hải Phòng cấp ngày 05/11/2015. Ngày 09/7/2018, M và Công ty Cổ phần CTN (viết tắt là V) ký hợp đồng thuê tàu trân, theo đó M cho V thuê cả đội tàu gồm 35 con tàu trong đó có tàu HP 102 và tàu HP 107. Căn cứ vào Hợp đồng thuê tàu trần hai bên đã ký thì V có quyền cho bên thứ 3 thuê lại tàu.
Ngày 18/8/2018, V và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP (viết tắt là Công ty TP) đã ký Hợp đồng thuê tàu trần số 01/2015/V-TP (viết tắt là Hợp đồng 01); nội dung: V cho Công ty TP thuê tàu HP 107, cụ thể: Tên tàu: HP 107, loại tàu: Tàu chở hàng tổng hợp, quốc tịch: Việt Nam, hô hiệu/số IMO: 3WGM9/9560742, giá thuê: 160.000.000 đồng/tháng, thời hạn thuê: 36 tháng kể từ ngày 18/8/2018, kỳ thanh toán và hình thức thanh toán: Từ ngày mùng 10 đến ngày 15 hàng tháng, đặt cọc: 320.000.000 đồng (chia làm 2 đợt: Đợt 1 đặt cọc 160.000.000 đồng trong vòng 5 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; đợt 2 đặt cọc 160.000.000 đồng trong vòng 30 ngày sau lần đặt cọc đầu tiên). Thực hiện hợp đồng, Công ty TP đã đặt cọc đợt 1 số tiền 160.000.000 đồng cho V và V đã bàn giao tàu HP 107 và đầy đủ hồ sơ pháp lý của tàu cho Công ty TP. V đã thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong Hợp đồng 01.
Ngày 30/10/2018, V và Công ty TP đã ký Hợp đồng thuê tàu trần số 02/2018/V-TP (viết tắt là Hợp đồng 02). Nội dung: V cho Công ty TP thuê tàu HP 102, cụ thể: Tên tàu: HP 102, loại tàu: Tàu chở hàng tổng hợp, quốc tịch: Việt Nam, hô hiệu/số IMO: WNF8/9368807; thời hạn thuê: 36 tháng kể từ ngày 28/11/2018 (dự kiến ngày bàn giao tàu). Đồng thời thỏa thuận về kỳ thanh toán và phương thức thanh toán, đặt cọc giống như Hợp đồng số 01. Thực hiện hợp đồng, Công ty TP đã đặt cọc đợt 1 số tiền 160.000.000 đồng cho V và V đã bàn giao tàu HP 102 và đầy đủ hồ sơ pháp lý của tàu cho Công ty TP. V đã thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong Hợp đồng số 02.
Tính đến nay, Công ty TP không thực hiện việc đặt cọc lần 2 đối với thỏa thuận trong 2 hợp đồng hai bên đã ký kết. Công ty TP đã liên tục chậm/không thanh toán tiền thuê tàu cho Công ty CTN. Đặc biệt, từ tháng 7, 8/2019 đến nay, Công ty TP đã đưa ra nhiều lý do để thanh toán thiếu hoặc không thanh toán tiền thuê tàu cho V. Tại Biên bản làm việc ngày 06/3/2020, Công ty CTN yêu cầu Công ty TP phải thanh toán tiền công nợ. Biên bản làm việc ngày 29/4/2020, V yêu cầu Công ty TP phải thực hiện cam kết trả nợ ngày 06/3/2020, đồng thời thanh toán tiền công nợ phát sinh. Tại Công văn số 298/CV/2020/TCKT ngày 25/8/2020, V yêu cầu Công ty TP phải thanh toán công nợ chậm nhất trước ngày 31/8/2020. Sau đó, V nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty TP thanh toán tiền công nợ nhưng Công ty TP không thực hiện nghĩa vụ thanh toán quy định tại Điều 5 Hợp đồng.
Ngày 22/9/2020, V đã gửi Công văn số 340A/2020/CV-V gửi Công ty TP yêu cầu thanh toán công nợ và hoàn trả tàu HP 107, tàu HP 102 trong vòng 15 ngày kể từ ngày 03/10/2020 (tức là chậm nhất là ngày 18/10/2020), tuy nhiên Công ty TP không thanh toán công nợ và không hoàn trả tàu cho V.
Tính đến ngày 29/10/2020, Công ty TP phải thanh toán cho V các khoản tiền: Đối với tàu HP 107 là 2.647.429.911 đồng, cụ thể: Tiền thuê tàu 2.327.207.372 đồng, tiền lãi do chậm thanh toán tiền thuê tàu 342.868.018 đồng, tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc 49.354.521 đồng, tiền phạt do chậm trả tàu 88.000.000 đồng; đối với tàu HP 102 là 2.783.155.069 đồng, tiền lãi do chậm thanh toán tiền thuê tàu 290.830.685 đồng, tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc 44.324.384 đồng, tiền phạt do chậm trả tàu 88.000.000 đồng; tổng số tiền là 5.750.548.980 đồng. V xác nhận Công ty TP đã đặt cọc hai con tàu là 320.000.000 đồng, số tiền này V đồng ý trừ vào công nợ của Công ty TP. Cụ thể: 5.750.548.980 - 320.000.000 = 5.430.5784.980 đồng.
Theo yêu cầu khởi kiện, Công ty CTN yêu cầu Công ty TP:
1. Ngay lập tức hoàn trả tàu HP 107 và HP 102 cho Công ty CTN;
2. Thanh toán công nợ cho V các khoản tiền: Tổng công nợ đối với Hợp đồng số 01/2018/V-TP ngày 18/8/2018 và Hợp đồng số 02/2018/V-TP ngày 30/10/2018, tạm tính đến ngày 29/10/2020 là 5.430.584.980 đồng;
3. Yêu cầu Công ty TP phải tiếp tục trả tiền thuê tàu, tiền lãi do chậm thực hiện việc thanh toán tiền thuê tàu, tiền phạt cho những ngày chậm hoàn trả tàu, bồi thường thiệt hại phát sinh kể từ ngày 29/10/2020 cho đến khi Công ty TP thực hiện xong việc thanh toán công nợ và bàn giao tàu HP 102 và HP 107 cho V.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Rút yêu cầu khởi kiện về yêu cầu bị đơn phải hoàn trả tàu HP 102 và HP 107. Nguyên đơn thay đổi yêu cầu về mức lãi phạt chậm trả tàu là 8% tiền thuê tàu cho mỗi ngày chậm hoàn trả tàu nên số tiền phạt chậm hoàn trả tàu tính đến ngày 14/6/2021: Đối với tàu HP 107, HP 102 mỗi tàu là 240 ngày là 102.400.000 đồng, tổng là 204.800.000 đồng. Về số tiền đặt cọc 320.000.000 đồng nguyên đơn đồng ý khấu trừ vào công nợ cho bị đơn. Tính đến ngày 20/7/2021, bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 8.477.717.044, cụ thể như sau:
Đối với tàu HP 102: Tiền thuê tàu là 3.713.333.333 đồng, tiền lãi chậm thanh toán tiền thuê tàu là 602.583.288 đồng, tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc là 57.816.986 đồng, tiền phạt do chậm hoàn trả tàu là 102.400.000 đồng. Trừ đi 160.000.000 đồng (tiền đã đặt cọc) còn lại là 4.316.133.607 đồng.
Đối với tàu HP 107: Tiền thuê tàu là 3.520.540.705 đồng, tiền lãi chậm thanh toán tiền thuê tàu là 635.795.609 đồng, tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc là 62.847.123 đồng; tiền phạt do chậm hoàn trả tàu là 102.400.000 đồng. Trừ đi 160.000.000 đồng (tiền đã đặt cọc), còn lại là 4.161.583.437 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:
Năm 2016, Công ty TP thuê tàu HP 102 và HP 107 của MSB, khi nhận tàu hầu như hư hỏng toàn bộ và Công ty phải bỏ tiền ra sửa chữa. Tháng 2/2018, MSB lấy lại tàu và cho Công ty CTN thuê. Do vẫn có nhu cầu sử dụng nên Công ty TP ký tiếp hợp đồng thuê lại 02 con tàu trên với V. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng thuê tàu như nguyên đơn trình bày là đúng. Năm 2018, Công ty TP vẫn thanh toán đầy đủ tiền thuê tàu. Tháng 7/2019, tàu HP 107 lên đà sửa chữa, tháng 4/2020, tàu HP 102 lên đà sửa chữa. Do phải bỏ chi phí sửa chữa tàu nên Công ty TP đã chủ động đề nghị được chậm tiền thuê tàu và V không hỗ trợ tiền sửa chữa tàu, vẫn tính tiền thuê tàu với Công ty TP. Đồng thời, V lấy toàn bộ khoản tiền bảo hiểm khi sửa chữa tàu HP 107 mà không hỗ trợ cho Công ty TP. Sau đó, khoản tiền bảo hiểm này đã được hai bên thống nhất khấu trừ vào tiền thuê. Tổng chi phí sửa chữa hai con tàu hơn 4 tỷ đồng. Do tàu không hoạt động được thời gian dài, gặp tình trạng dịch bên nên tình hình kinh tế của CÔng ty TP rơi vào khó khăn, không có khả năng chi trả nên tháng 11/2020, Công ty TP làm công văn xin trả tàu nhưng V không nhận vì bắt TP phải thuê ban giám định thứ ba giám định tàu sau đó mới nhận. Về vấn đề này, Công ty TP không đồng ý vì khi nhận tàu từ V thì không có bất kỳ biên bản bàn giao chi tiết từng hạng mục cũng như giám định của bên thứ 3, chính vì vậy hai bên không thống nhất được nên đã không tiến hành bàn giao tàu như dự kiến được. Ngày 09/12/2020, Công ty TP có Thông báo số 912/TP về việc trả tàu HP 107 dự kiến thời gian giao tàu là 09/01/2021 tại khu neo đậu Cần Thơ.
Ngày 28/12/2020, Công ty TP gửi Thông báo số 913/TP về việc thông báo trả tàu HP 102 và tàu HP 107 với kế hoạch trả tàu dự kiến ngày 09/01/2021 nhưng do thời tiết không thuận lợi thay đổi thời gian trả tàu dự kiến ngày 30/01/2021 tại Khu neo đậu Cần Thơ. Ngày 26/01/2021, Công ty TP có gửi Mail cho V thông báo trả tàu như sau: HP 102 trả tại Cần Thơ vào ngày 05/02/2021; HP 107 trả ngày 07/02/2021 tại Hải Phòng. Ngày 20/3/2021, Công ty TP có Thông báo số 915/TP gửi V đề nghị V nhận bàn giao 2 tàu HP 102 và HP 107 như đã thỏa thuận và mọi chi phí phát sinh liên quan, tiền thuê tàu kể từ ngày 05/02/2021 đối với tàu HP 102 và ngày 07/02/2021 đối với tàu HP 107, V phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau nhiều lần đàm phán hai bên đã thống nhất được phương thức, thời gian và địa điểm bàn giao tàu. Đến ngày 14/6/2021, TP đã bàn giao trả V tàu HP 102 và HP 107.
Bị đơn chấp nhận thanh toán tiền thuê tàu còn thiếu tính đến ngày 05/02/2021 đối với tàu HP 102 và ngày 07/02/2021 đối với tàu HP 107 vì thời điểm này, bị đơn đã có thông báo trả tàu. Tuy nhiên, V không nhận tàu nên bị đơn vẫn đưa tàu vào khai thác sử dụng. Đồng thời V đã có công văn gửi cho Cục Đăng kiểm Việt Nam không cấp đăng kiểm cho tàu HP 102 để lưu hành. V đã lấy giấy đăng kiểm mà không đưa cho Công ty TP để khai thác tàu. Việc tàu vẫn khai thác là do đăng kiểm cũ của tàu vẫn được cộng trừ 3 tháng là đến tháng 8/2020. Sau đó, Công ty TP có điện thoại cho V xin lại giấy tờ cho tàu lưu hành nhưng V không đưa. Quan điểm của bị đơn:
- Đối với tàu HP 102: Tiền thuê tàu tính từ ngày 28/11/2018 đến ngày 05/02/2021 là 4.204.571.429 đồng; Công ty TP đã thanh toán đến tháng 7/2019 là 1.336.000.000 đồng, số nợ còn thiếu là 2.868.571.249 đồng.
- Đối với HP 107: Tiền thuê tàu tính từ ngày 19/8/2018 đến ngày 07/02/2021 là 4.747.096.775 đồng; Công ty TP đã thanh toán đến tháng 8/2019 là 2.059.889.403 đồng, số nợ còn thiếu là 2.687.207.372 đồng.
Đề nghị nguyên đơn xem xét lại toàn bộ các khoản tiền lãi và đề nghị miễn toàn bộ tiền lãi cho Công ty TP.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết vụ án trình bày:
M đã cho V thuê hai con tàu HP 102 và HP 107 theo quy định của pháp luật. Việc V cho Công ty TP thuê lại tàu phía Ngân hàng không có ý kiến gì. Đối với yêu cầu khởi kiện của V, M đồng ý với nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án xem xét, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngân hàng TMCP H đề nghị được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án và phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2021/KDTM-ST ngày 20/7/2021 của Tòa án nhân dân quận HA, thành phố Hải Phòng đã: Căn cứ vào Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 4, Điều 271, khoản 1 Điều 281, các Điều 300, 301, 306 Luật Thương mại; các Điều 117, 119, 428 Bộ luật Dân sự; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP phải trả cho Công ty Cổ phần CTN 02 con tàu: HP 107, Hô hiệu/Số IMO: 3WGM9/9560742 và tàu HP 102, Hô hiệu/Số IMO: WNF8/9368807 cùng toàn bộ vật tư, giấy tờ kèm theo (theo Biên bản bàn giao tàu: “HP 107” ngày 19/8/2018; HP 102 ngày 28/11/2018) 2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP phải trả cho Công ty Cổ phần CTN tổng số tiền là 7.566.351.268 đồng; trong đó: Tiền thuê tàu là 6.234.236.556 đồng; tiền lãi chậm trả tiền thuê tàu là 1.211.450.603 đồng; tiền lãi đối với chậm thực hiện nghĩa vụ đặt cọc là 120.664.109 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán tiền phạt do chậm hoàn trả tàu là 204.800.000 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền thuê tàu còn phải thi hành theo mức lãi suất các bên thỏa thuận trong Hợp đồng thuê tàu trần số 01/2018/V-TP ngày 18/8/2018 và Hợp đồng thuê tàu trần số 02/2018/V-TP ngày 30/8/2018.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi suất đối với khoản tiền chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Nội dung kháng cáo của đương sự:
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/8/2021, Tòa án nhân dân quận HA đã nhận được đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn:
- Đơn kháng cáo của nguyên đơn là Công ty Cổ phần CTN đề ngày 08/2/2021 với nội dung: Bản án sơ thẩm có nội dung không phù hợp quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; cụ thể: Yêu cầu Công ty TP phải thanh toán công nợ cho V tổng số tiền tạm tính đến ngày 20/7/2021 là 8.477.717.044 đồng (tổng công nợ đối với Hợp đồng số 01/2018/V- TP ngày 18/8/2018 là 4.161.583.437 đồng; tổng công nợ đối với Hợp đồng số 02/2018/V-TP ngày 30/10/2018 là 4.316.133.607 đồng) và yêu cầu Công ty TP phải tiếp tục trả tiền lãi do chậm thực hiện việc thanh toán tiền thuê tàu theo các Hợp đồng trên, bồi thường những thiệt hại phát sinh kể từ ngày 20/7/2021 cho đến khi Công ty TP thực hiện xong việc thanh toán công nợ cho V.
- Đơn kháng cáo của bị đơn là Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ TP đề ngày 08/2/2021 với nội dung: Về khoản tiền thuê tàu còn thiếu, Công ty TP chỉ chấp nhận thanh toán tiền thuê tàu HP 102 đến ngày 05/02/2021 và tàu HP 107 đến ngày 07/02/2021. Về khoản tiền lãi phạt chậm thanh toán, Công ty TP đã bỏ chi phí lên đà của 02 con tàu là 4 tỷ đồng nhưng không nhận được sự hỗ trợ từ V đồng thời do tình hình dịch bệnh kéo dài, chi phí khai thác tàu tăng, V đã có Công văn gửi Chi cục đăng kiểm đề nghị tạm dừng cấp giấy đăng kiểm cho tàu HP và không cung cấp giấy chứng nhận nộp phí IMO làm ảnh hưởng đến việc khai thác tàu nên đề nghị xem xét, tính toán lại chi phí lãi phạt chậm trả. Về các khoản chi phí trong thời gian tàu năm neo chờ ngày bàn giao tàu, Công ty TP đã có Công văn gửi V về thời gian, địa điểm bàn giao tàu nhưng không được V nhận bàn giao nên Công ty TP phải thuê cầu cảng để tàu neo đậu và phải bỏ chi phí thuyền viên trông coi tàu…với tổng số tiền là 3,6 tỷ đồng, đề nghị V phải thanh toán các khoản chi phí trên cho Công ty TP.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn rút một phần yêu cầu kháng cáo về yêu cầu trả tiền lãi do chậm thực hiện việc thanh toán tiền thuê tàu và bồi thường thiệt hại phát sinh. Nguyên đơn chỉ còn yêu cầu kháng cáo đề nghị Tòa án xem xét về số tiền Công ty TP phải thanh toán công nợ cho V tổng số tiền tạm tính đến ngày 20/7/2021 là 8.477.717.044 đồng.
Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và các căn cứ tại đơn kháng cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về kháng cáo:
- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.
- Về quan điểm giải quyết vụ án:
Hợp đồng 01 và hợp đồng 02 được ký kết giữa V và Công ty TP bởi những người có thẩm quyền, đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự, các bên tự nguyện, hình thức và nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm, không trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. Do đó Hợp đồng thuê tàu trần số 01, 02 phát sinh hiệu lực. Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty TP vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê tàu nên V đã khởi kiện yêu cầu buộc bị đơn phải thanh toán tiền thuê tàu còn thiếu là có cơ sở chấp nhận.
Xét yêu cầu trả tiền thuê tàu của nguyên đơn: Sau khi nguyên đơn yêu cầu trả tàu, bị đơn đã có rất nhiều văn bản thông báo trả tàu, bị đơn đã cho tàu cập cảng, đề nghị nguyên đơn nhận lại tàu HP 102 vào ngày 05/02/2021, tàu HP 107 vào ngày 07/02/2021. Do vậy bị đơn phải trả toàn bộ số tiền thuê tàu cho nguyên đơn tính đến ngày 05/02/2021 đối với tàu HP 102, ngày 07/02/2021 đối với tàu HP 107. Sau đó, do nguyên đơn trì hoãn không nhận tàu, bị đơn vẫn tiếp tục đưa tàu vào khai thác sử dụng để thu lợi nên bị đơn vẫn phải tiếp tục trả tiền thuê tàu cho nguyên đơn. Tuy nhiên, do nguyên đơn cũng có lỗi đã trì hoãn không nhận lại tàu, có công văn gửi cho Cục đăng kiểm Việt Nam không cấp đăng kiểm cho tàu HP 102 để lưu hành, nhận giấy đăng kiểm mà không chuyển cho bị đơn, dẫn đến bị đơn khó khăn trong việc khai thác tàu. Ngày 14/6/2021, bị đơn đã hoàn trả 02 tàu cho nguyên đơn. Do vậy, cần xác định tiền thuê tàu đến ngày 05/02/2021 đối với tàu HP 102 và đến ngày 07/02/2021 đối với tàu HP 107 theo đúng số tiền thuê tàu phải trả mỗi tháng là 160.000.000 đồng. Kể từ ngày 05/02/2021 và 07/02/2021 đến ngày 14/6/2021 tính bằng ½ giá thuê tàu (80.000.000 đồng/tháng) do cả hai bên đều có lỗi. Theo phương pháp tính như trên, bị đơn phải trả số tiền thuê tàu tính đến ngày 14/6/2021 đối với tàu HP 102 là 3.210.666.667 đồng; tàu HP 107 là 3.025.874.038 đồng. Tổng cộng số tiền thuê tàu là 6.236.540.705 đồng.
Về chậm trả tiền thuê tàu: Các bên có thỏa thuận tính lãi chậm thanh toán tiền thuê tàu tại Hợp đồng, tuy nhiên không áp dụng quy định tại Điều 306 Luật thương mại, mà thỏa thuận theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường (lãi suất của 3 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank tại thời điểm hiện tại) thì lãi suất nợ quá hạn trung bình là 9,6%/năm (0,0263%/ngày). Xét thấy, việc tính lãi suất chậm thanh toán theo lãi suất cơ bản có lợi hơn cho bị đơn như bản án sơ thẩm tính là có căn cứ chấp nhận. Đối với tàu HP 102, tiền thuê tàu tính từ 06/02/2021 đến 14/6/2021 là: 04 tháng 08 ngày theo số tiền thuê là 80.000.000 đồng/tháng; Đối với tàu HP 107, tiền thuê tàu tính từ 08/02/2021 đến 14/6/2021 là:
04 tháng 06 ngày với số tiền thuê là 80.000.000 đồng. Từ đó, bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi chậm trả tiền thuê tàu HP 102 là 589.744.109 đồng; tàu HP 107 là 623.415.061 đồng. Tổng cộng là 1.213.159.171 đồng.
Về việc buộc bị đơn phải chịu lãi chậm trả tiền cọc: Điều 21 Hợp đồng quy định chậm chuyển tiền đặt cọc thì tính lãi theo lãi suất 150% lãi suất cơ bản của NHNN nên chấp nhận tính theo lãi suất cơ bản do thấp hơn theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại và có lợi cho bị đơn. Tuy nhiên chỉ tính đến ngày giao tàu là 14/6/2021, chứ không tính đến ngày xét xử sơ thẩm như bản án sơ thẩm đã tính. Như vậy, tiền lãi chậm trả tiền cọc của tàu HP 102 là 57.816.986 đồng; tàu HP 107 là 62.847.123 đồng. Tổng số tiền lãi chậm trả tiền cọc là 120.664.109 đồng.
Về yêu cầu trả tiền phạt do chậm hoàn trả tàu của nguyên đơn: Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có cơ sở. Tổng cộng số tiền bị đơn phải trả nguyên đơn là: 7.570.363.985 đồng, trong đó: Số tiền thuê tàu là 6.236.540.705 đồng; số tiền lãi chậm trả tiền thuê 2 tàu 1.213.159.171 đồng; số tiền lãi chậm trả tiền cọc là 120.664.109 đồng.
- Đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn về các khoản chi phí trong thời gian tàu nằm neo chờ ngày bàn giao: Tại giai đoạn sơ thẩm bị đơn không có yêu cầu phản tố nên yêu cầu kháng cáo của bị đơn là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên không xem xét.
Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa một phần bản án sơ thẩm, theo hướng:
1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP phải trả cho Công ty CTN 02 con tàu: HP 107 và tàu HP 102 cùng toàn bộ vật tư, giấy tờ kèm theo (theo Biên bản bàn giao tàu: “HP 107 ngày 19/8/2018; HP 102 ngày 28/11/2018).
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP phải trả cho Công ty CTN tổng số tiền là 7.570.363.985 đồng, trong đó: tiền thuê tàu là 6.236.540.705 đồng, tiền lãi chậm trả tiền thuê tàu là 1.213.159.171 đồng, tiền lãi đối với chậm thực hiện nghĩa vụ đặt cọc là 120.664.109 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán tiền phạt do chậm hoàn trả tàu là 204.800.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
- Về tố tụng:
[1] Về thẩm quyền và quan hệ pháp luật: Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp về hợp đồng thuê tàu trần và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận HA, thành phố Hải Phòng theo khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
- Xét kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn về số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn:
[2] Về việc ký kết Hợp đồng thuê tàu trần số 01/2015/V-TP và Hợp đồng thuê tàu trần số 02/2018/V-TP: Hợp đồng 01 và hợp đồng 02 được ký kết giữa V và Công ty TP bởi những người có thẩm quyền, đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự, các bên tự nguyện, hình thức và nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm, không trái pháp luật và trái đạo đức xã hội. Do đó Hợp đồng thuê tàu trần số 01, 02 phát sinh hiệu lực.
[3] Về số tiền thuê tàu: Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty TP vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê tàu nên V đã khởi kiện yêu cầu buộc bị đơn phải thanh toán tiền thuê tàu còn thiếu là có cơ sở chấp nhận. Về giá thuê tàu, các bên đều thống nhất giá thuê theo Hợp đồng là 160.000.000 đồng/tàu/tháng. Đối với số tiền thuê tàu còn thiếu, nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận, Công ty TP đã liên tục chậm thanh toán tiền thuê tàu đối với 02 tàu, cụ thể: Chậm thanh toán tiền thuê tàu HP 102 từ tháng 7/2019, chậm thanh toán tiền thuê tàu HP 107 từ tháng 8/2019. Công ty V yêu cầu Công ty TP phải thanh toán tiền thuê còn thiếu đến ngày bàn giao tàu, tuy nhiên Công ty TP chỉ đồng ý thanh toán tiền thuê đến ngày 05/2/2021 (đối với tàu HP 102) và ngày 07/2/2021 (đối với tàu HP 107) do Công ty TP đã có yêu cầu bàn giao tàu nhưng Công ty V không tiếp nhận tàu.
[4] Xét thấy, bị đơn và nguyên đơn đã thống nhất việc Công ty TP phải thanh toán tiền thuê tàu HP 102 từ tháng 7/2019 đến ngày 05/02/2021 (số tiền:
120.000.000 + 18 tháng 5 ngày x 160.000.000 đồng/tháng = 3.026.666.667 đồng) và tiền thuê tàu HP 107 từ tháng 8/2019 đến ngày 07/2/2021 (số tiền: 87.207.372 + 17 tháng 7 ngày x 160.000.000 đồng/tháng = 2.847.207.372 đồng). Số tiền Công ty TP còn thiếu tính đến ngày Công ty TP yêu cầu V nhận tàu như Tòa án cấp sơ thẩm xác định là có căn cứ, phù hợp với thỏa thuận của các bên.
[5] Sau khi có yêu cầu bàn giao tàu đến thời điểm bàn giao tàu (ngày 14/6/2021), Công ty TP mặc dù đã yêu cầu V nhận bàn giao tàu nhưng Công ty TP vẫn khai thác, sử dụng 02 con tàu để vận chuyển hàng hóa trong quá trình đợi bàn giao, thể hiện tại các Giấy phép rời cảng của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng từ ngày 02/12/2020 đến ngày 13/5/2021. Do đó, Công ty TP vẫn khai thác, sử dụng tài sản thuê nên vẫn phải chịu tiền thuê tàu. Tuy nhiên, việc chậm bàn giao tàu cũng có lỗi một phần của V, V yêu cầu Công ty TP phải bàn giao tàu nhưng khi Công ty TP yêu cầu V nhận tàu thì V không nhận tàu và không có lý do chính đáng từ chối nhận tàu. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định cả 02 Công ty đều có lỗi nên đều phải chịu tiền thuê tàu từ thời điểm Công ty TP có yêu cầu bàn giao tàu đến thời điểm bàn giao tàu, số tiền Công ty TP phải trả là 80.000.000 đồng/tháng (một nửa giá thuê đã thỏa thuận) là phù hợp. Như vậy, đối với tàu HP 102, số tiền thuê tàu từ ngày 06/02/2021 đến ngày 14/6/2021 là 80.000.000 đồng/tháng x 4 tháng 9 ngày = 344.000.000 đồng; đối với tàu HP 107, số tiền thuê tàu từ ngày 08/02/2021 đến ngày 14/6/2021 là 80.000.000 đồng/tháng x 4 tháng 7 ngày = 338.666.667 đồng.
[6] Do các bên đã thống nhất trừ số tiền Công ty TP đặt cọc đợt 1 vào tiền thuê tàu nên tiền thuê mỗi tàu được đối trừ 160.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền thuê tàu Công ty TP chưa thanh toán cho V đến ngày bàn giao tàu là 3.026.666.667 + 344.000.000 + 2.847.207.372 + 338.666.667 – 160.000.000 – 160.000.000 = 6.236.540.706 đồng (1) [7] Về số tiền lãi chậm thanh toán tiền thuê tàu và tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc: Theo điểm a khoản 1 Điều 21 Hợp đồng thuê tàu về phạt do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, chuyển tiền đều quy định: “Nếu bên thuê tàu chậm thanh toán đối với bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào đối với Bên cho thuê tàu phát sinh theo Hợp đồng này bao gồm cả tiền thuê tàu, chậm chuyển tiền đặt cọc, tiền phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại…thì Bên cho thuê tàu có quyền tính tiền lãi đối với số tiền chậm thanh toán theo mức lãi suất bắng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm chậm thanh toán tính trên số tiền chậm thanh toán và thời gian thực tế chậm thanh toán”. Theo đó, việc V yêu cầu Công ty TP phải chịu số tiền lãi do chậm thanh toán tiền thuê tàu và chuyển tiền đặt cọc là phù hợp với thỏa thuận của các bên. Lãi suất V yêu cầu tính là 9% (thấp hơn lãi suất trung bình của 3 Ngân hàng) và có lợi cho bị đơn nên chấp nhận yêu cầu tính lãi suất cơ bản của V là 9%/năm. Cụ thể:
[7.1] Đối với tàu HP 102: Số tiền lãi phát sinh tính đến ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2021) do Công ty TP chậm thanh toán tiền thuê tàu từ ngày 25/12/2018 đến ngày 05/2/2021 là: 576.887.671 đồng. Số tiền lãi phát sinh tính đến ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2021) do Công ty TP chậm thanh toán tiền thuê tàu từ ngày 05/02/2021 đến ngày 14/6/2021 là 12.856.438 đồng. Số tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc đợt 1 là 3.195.616; số tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc đợt 2 là 54.621.370 đồng. Tổng cộng, số tiền lãi phát sinh là 647.561.096 đồng.
[7.2] Đối với tàu HP 107: Số tiền lãi phát sinh tính đến ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2021) do Công ty TP chậm thanh toán tiền thuê tàu từ ngày 15/10/2018 đến ngày 07/2/2021 là: 610.864.376 đồng. Số tiền lãi phát sinh tính đến ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2021) do Công ty TP chậm thanh toán tiền thuê tàu từ ngày 07/02/2021 đến ngày 14/6/2021 là 12.550.685 đồng. Số tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc đợt 1 là 4.024.110 đồng; số tiền lãi do chậm chuyển tiền đặt cọc đợt 2 là 58.823.014 đồng. Tổng cộng, số tiền lãi phát sinh là 686.262.184 đồng.
[7] Như vậy, tổng số tiền lãi phát sinh của cả 02 tàu là: 647.561.096 + 686.262.184 = 1.333.823.280 đồng (2).
[9] Về kháng cáo xin miễn số tiền lãi, bị đơn trình bày do lỗi của nguyên đơn đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam và Chi Cục đăng kiểm số 10 không cấp giấy chứng nhận cho tàu HP 102 khiến cho việc kinh doanh, khai thác tàu của bị đơn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Công ty TP vẫn khai thác sử dụng tàu và Chi Cục đăng kiểm số 10 vẫn cấp giấy chứng nhận cho tàu HP 102, đồng thời, V cũng không đồng ý thỏa thuận miễn lãi cho Công ty TP nên không có căn cứ để miễn lãi cho Công ty TP.
[10] Về tiền phạt do chậm hoàn trả tàu: Mặc dù, ngày 22/9/2020, V đã có Công văn yêu cầu Công ty TP phải bàn giao 02 tàu HP 102, HP 107, tuy nhiên việc chậm nhận tàu cũng có lỗi một phần của nguyên đơn , nguyên đơn cũng thừa nhận việc chậm nhận tàu do các bên chưa thống nhất được với nhau về thời gian, địa điểm hoàn trả tàu. Công ty TP đã có nhiều văn bản đề nghị V nhận tàu nhưng V cũng chưa thực hiện việc nhận tàu. Do đó, không có căn cứ để buộc Công ty TP phải chịu tiền phạt do chậm hoàn trả tàu.
[11] Như vậy, tổng số tiền Công ty TP phải thanh toán cho V là (1) + (2) = 6.236.540.705 + 1.333.823.280 = 7.570.363.985 đồng. Do Tòa án cấp sơ thẩm làm tròn số và quy đổi lãi theo ngày nên có sai số so với Tòa án cấp phúc thẩm, tuy nhiên, số liệu, phương pháp tính của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp và đúng quy định, số liệu sai lệch không đáng kể nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn sửa Bản án sơ thẩm về số liệu cho chính xác. Do nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo liên quan đến số tiền thuê tàu phải thanh toán, Hội đồng xét xử sửa một phần Bản án sơ thẩm về số tiền này nên cần chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn.
[12] Về yêu cầu Công ty TP phải tiếp tục trả tiền lãi do chậm thực hiện việc thanh toán tiền thuê tàu theo các Hợp đồng trên, bồi thường những thiệt hại phát sinh kể từ ngày 20/7/2021 cho đến khi Công ty TP thực hiện xong việc thanh toán công nợ cho V: Tại phần Quyết định của Bản án sơ thẩm đã tuyên nghĩa vụ phải chịu khoản tiền lãi của số tiền thuê tàu còn lại mà Công ty TP phải thi hành, do đó nội dung Bản án sơ thẩm đã tuyên phù hợp với kháng cáo của nguyên đơn. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh kể từ ngày xét xử sơ thẩm (20/7/2021), tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, nguyên đơn không yêu cầu cụ thể số tiền bồi thường thiệt hại và các yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm nên Tòa án cấp phúc thẩm theo Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn đã rút một phần kháng cáo về nội dung này nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét, giải quyết.
[13] - Xét kháng cáo của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán các khoản chi phí về thuê cầu cảng để neo đậu và chi phí thuyền viên trông coi tàu trong quá trình đợi bàn giao tàu: Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị đơn không có yêu cầu phản tố về việc buộc nguyên đơn phải thanh toán các chi phí trên nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết. Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị đơn kháng cáo mới có yêu cầu này, do đó theo Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu của bị đơn vượt quá phạm vi xét xử của cấp phúc thẩm nên không được chấp nhận. Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu thanh toán của bị đơn bằng một vụ kiện khác nếu đương sự có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Về án phí kinh doanh thương mại: Căn cứ Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/10/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[14] Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận, vì vậy Công ty TP phải chịu số tiền 115.570.364 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Công ty CTN phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, số tiền không được chấp nhận là 8.797.717.044 - 7.570.363.985 đồng = 1.227.353.059 đồng nên số tiền án phí phải chịu là 48.820.592 đồng.
[15] Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Kháng cáo của bị đơn, nguyên đơn đều được chấp nhận một phần nên nguyên đơn và bị đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ vào Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 148, khoản 1 Điều 244, Điều 298, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Điều 4, Điều 271, khoản 1 Điều 281, các Điều 300, 301, 306 Luật Thương mại; Căn cứ Điều 117, Điều 119, Điều 428 Bộ luật Dân sự; Căn cứ các điều 215, 216, 229, 230, 231, 232, 233 Bộ luật hàng hải;
Căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn là Công ty Cổ phần CTN và chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP, sửa Bản án sơ thẩm; cụ thể:
1. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP phải trả cho Công ty Cổ phần CTN 02 con tàu: HP 107, Hô hiệu/Số IMO: 3WGM9/9560742 và tàu HP 102, Hô hiệu/Số IMO: WNF8/9368807 cùng toàn bộ vật tư, giấy tờ kèm theo (theo Biên bản bàn giao tàu: “HP 107” ngày 19/8/2018; HP 102 ngày 28/11/2018).
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Buộc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP phải trả cho Công ty Cổ phần CTN tổng số tiền là 7.570.363.985 (Bẩy tỷ, năm trăm bảy mươi triệu, ba trăm sáu mươi ba nghìn, chín trăm tám mươi lăm) đồng; trong đó: Tiền thuê tàu là 6.236.540.705 đồng; tiền lãi chậm trả tiền thuê tàu là 1.213.159.171 đồng; tiền lãi đối với chậm thực hiện nghĩa vụ đặt cọc là 120.664.109 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán tiền phạt do chậm hoàn trả tàu là 204.800.000 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền thuê tàu còn phải thi hành theo mức lãi suất (150% lãi suất cơ bản theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm chậm thanh toán tính trên số tiền chậm thanh toán và thời gian thực tế chậm thanh toán) các bên thỏa thuận trong Hợp đồng thuê tàu trần số 01/2018/V- TP ngày 18/8/2018 và Hợp đồng thuê tàu trần số 02/2018/V-TP ngày 30/8/2018.
4. Về án phí:
- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP phải chịu số tiền 115.570.364 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Công ty Cổ phần CTN phải chịu số tiền 48.820.592 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 56.715.292 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0017775ngày 24/12/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận HA, thành phố Hải Phòng. Trả lại Công ty CTN số tiền 7.894.700 đồng - Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:
Công ty Cổ phần CTN không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, trả lại Công ty số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0018147 ngày 07/9/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận HA, thành phố Hải Phòng.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ TP không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, trả lại Công ty số tiền tạm ứng án phí đã nộp 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0018145 ngày 27/8/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận HA, thành phố Hải Phòng nhưng được tạm giữ để đảm bảo thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!