Bản án số 22/2020/HS-ST ngày 30/07/2020 của TAND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng về tội trốn thuế
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- VB liên quan
- Lược đồ
- Đính chính
- Án lệ
- BA/QĐ cùng tội danh
- Tải về
-
Bản án số 22/2020/HS-ST
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!
Thuộc tính Bản án 22/2020/HS-ST
Tên Bản án: | Bản án số 22/2020/HS-ST ngày 30/07/2020 của TAND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng về tội trốn thuế |
---|---|
Tội danh: | 161.Tội trốn thuế (Bộ luật hình sự năm 1999) |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Tòa án xét xử: | TAND huyện Đơn Dương (TAND tỉnh Lâm Đồng) |
Số hiệu: | 22/2020/HS-ST |
Loại văn bản: | Bản án |
Ngày ban hành: | 30/07/2020 |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Áp dụng án lệ: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Đính chính: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Thông tin về vụ án: |
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
Tải văn bản
TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Đ, TỈNH LÂM ĐỒNG
BẢN ÁN 22/2020/HS-ST NGÀY 30/07/2020 VỀ TỘI TRỐN THUẾ
Ngày 30 tháng 7 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 15/2020/TLST-HS, ngày 15 tháng 5 năm 2020; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 21/2020/QĐXXST- HS ngày 15 tháng 7 năm 2020 đối với:
1/ Bị cáo Huỳnh Thị N, sinh ngày: 29/6/1963. Tại: Bình Định. Nơi cư trú: Tổ dân phố 3C, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.
Nghề nghiệp: Kinh doanh; Trình độ học vấn: 5/10; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo:
Không; Quốc tịch: Việt Nam.
Con ông: Huỳnh C, con bà: Lê Thị L (cả hai đã chết).
Chồng: Huỳnh Ngọc K, sinh năm 1960 (đã ly hôn).
Con: có 04 người con, lớn nhất sinh năm 1988, nhỏ nhất sinh năm 1995. Hiện trú tại TDP 3C, TT.Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.
Tiền án, tiền sự: Không.
Nhân thân: Ngày 12/12/1998, bị TAND huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng xử phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng về tội “Buôn bán hàng cấm” theo quy định tại khoản 1 Điều 166 BLHS năm 1985. Bị cáo đã chấp hành xong bản án. Hiện bị cáo đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú tại TDP 3C, TT.Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
2/ Bị cáo Huỳnh Thị N1, sinh ngày 02 tháng 08 năm 1993. Tại Lâm Đồng Nơi cư trú: Tổ dân phố 3C, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.
Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam.
Con ông: Huỳnh Ngọc K, sinh năm 1960 và Huỳnh Thị N, sinh năm: 1963. Chồng, con: Chưa có.
Tiền án, tiền sự: Không.
Hiện bị cáo đang bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú tại TDP 3C, TT.Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
* Nguyên đơn dân sự: Chi cục thuế khu vực Đạ Huoai – Đ – Cát Tiên.
Địa chỉ: Tổ dân phố 5B, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T; Chức vụ: Chi cục Trưởng.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn D; Chức vụ: Phó Chi cục Trưởng.
“ Có mặt”.
* Ngƣời làm chứng:
1/ Ông Nguyễn Quốc T1, sinh năm: 1958.
Địa chỉ: Thôn 4, xã Đ1, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “ Vắng mặt không có lý do”.
2/ Bà Hoàng Thị Bích L1, sinh năm: 1974.
Địa chỉ: Tổ dân phố 3C, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
3/ Ông Khổng Văn H, sinh năm: 1970.
Địa chỉ: Tổ dân phố 5C, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
4/ Ông Phan Văn T2, sinh năm: 1969.
Địa chỉ: Thôn 2, xã Q, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
5/ Ông Trịnh Xuân L2, sinh năm: 1964.
Địa chỉ: Thôn 1, xã M, huyện Đ2, tỉnh Lâm Đồng. “Có mặt”.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Công ty TNHH A (trước đây là công ty Kỷ N) hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 5800975290 do Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp lần đầu ngày 29/01/2011, thay đổi lần thứ ba ngày 11/11/2015; có trụ sở tại đường P, TDP 3, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là vận tải hàng hóa bằng đường bộ, kinh doanh mua bán nông sản do Huỳnh Thị N làm Giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty. Sau khi thành lập, Huỳnh Thị N bổ nhiệm con gái là Huỳnh Thị N1 làm kế toán của công ty. Quá trình hoạt động, Công ty A áp dụng hóa đơn tự in để khai thuế, nộp thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) theo phương pháp khấu trừ với hàng hóa, dịch vụ cung ứng trong nội địa. Hình thức hạch toán Nhật ký chung và niên độ kế toán bắt đầu từ 01/01 đến 31/12, kê khai nộp thuế tại Chi cục thuế huyện Đ.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ tháng 4/2013 công ty A giao kết hợp đồng với nội dung xuất bán Dăm tràm (mua cây tràm tươi về băm nhỏ thành dăm tràm khô) cho Công ty Cổ phần SX-TM-DV M1, mã số DN: 3500889897, có trụ sở tại Đường số 11, KCN Phú M2, TT.Phú M2, huyện T, tỉnh B (gọi tắt là Công ty M1) và đến tháng 6/2015 tiếp tục giao kết hợp đồng xuất bán Dăm tràm với Công ty TNHH C1 (gọi tắt là Công ty C1), mã số DN: 3600796519, có trụ sở tại cảng B1, xã P1, huyện T3, tỉnh Đồng Nai.
Từ khi đăng ký và đi vào hoạt động kinh doanh đến năm 2014-2015, Công ty TNHH A thường xuyên kinh doanh thua lỗ và thấy số tiền thuế phải nộp cho Nhà nước nhiều nên muốn tìm cách giảm số tiền thuế phải nộp. Sau đó, N nói với N1 “Con làm cách để sao có lợi cho công ty thì con cứ làm”. N1 nghe bà N nói và trong quá trình thực hiện công việc quyết toán thuế cho công ty, N1 biết Cơ quan thuế ít kiểm tra nên N1 đã thực hiện hành vi khai giá trị hàng hóa trên Liên 01 hóa đơn VAT (liên lưu) thấp hơn giá trị thực hàng hóa trên Liên 02 hóa đơn VAT (liên giao khách hàng) bằng cách sử dụng phần mềm kế toán MISA SME.NET.2012 để tạo hóa đơn VAT (cả liên 1 và liên 2) phản ánh giá trị thật hàng hóa rồi in hóa đơn Liên 2 xuất cho khách hàng. Sau đó, N1 chỉnh sửa hóa đơn Liên 1 bằng cách in Liên 1 hóa đơn rồi đưa vào máy Scan để tạo thành 01 mẫu Liên 1 hóa đơn VAT dưới dạng file “.pdf”. Sau đó, N1 sử dụng công cụ Google trên máy tính mở 01 trang Internet có công cụ đổi file “.pdf” thành file “.doc” để đổi mẫu file mẫu Liên 1 hóa đơn (lúc này đã chuyển đổi sang file có đuôi “.pdf” ) sang file có đuôi “.doc” để chỉnh sửa các dữ liệu (số lượng hàng hóa, giá,…) trên phần mềm Microsoft Word để làm giảm số tiền trên hóa đơn VAT và in hóa đơn Liên 1 để kê khai thuế nhằm giảm số tiền thuế VAT phải nộp cho Nhà nước trong mỗi kỳ khai thuế.
Đồng thời, quá trình thực hiện việc kê khai thuế, N và N1 thấy Chi cục thuế huyện Đ (nay là chi cục thuế khu vực Đ2 – Đ – C) không kiểm tra thực tế tại cơ sở kinh doanh và việc khai thuế qua mạng, nên khi kê khai thuế VAT, N1 và N khai báo hủy một số hóa đơn nhưng thực tế vẫn xuất hóa đơn cho khách hàng; cùng 01 số hóa đơn nhưng xuất cho 02 đơn vị khác nhau để làm giảm số tiền thuế VAT phải nộp cho Nhà nước nhằm trục lợi. Cụ thể:
Năm 2014: Trong quá trình kê khai, quyết toán thuế của Công ty, N và N1 đã báo cáo với Chi cục thuế huyện Đ hủy 31 hóa đơn nhưng thực tế vẫn xuất hàng hóa làm chênh lệch giảm số tiền 851.310.414 đồng, sửa 01 hóa đơn làm chênh lệch giảm số thuế phải nộp 19.923.850 đồng. Tổng số tiền trốn thuế năm 2014 là 871.234.264 đồng.
Năm 2015: N1 tiếp tục thực hiện việc sửa, thay đổi số liệu xuất hàng hóa trên 40 hóa đơn làm chênh lệch giảm số tiền thuế phải nộp là 442.488.143 đồng; không khai báo 01 hóa đơn làm chênh lệch giảm số tiền thuế phải nộp là 7.008.390 đồng; báo hủy 04 hóa đơn nhưng thực tế vẫn xuất Liên 2 hóa đơn cho khách hàng làm chênh lệch giảm số tiền thuế phải nộp là 338.373.310 đồng. Ngoài ra, N và N1 còn nhầm lẫn kê khai giá trị hàng hóa trên 01 hóa đơn Liên 1 có giá trị hàng hóa cao hơn giá trị hàng hóa thực tế của Liên 2 hóa đơn làm chênh lệch tăng số thuế phải nộp là 1.045.940 đồng và có 05 hóa đơn kê khai Liên 1 nhưng không xuất Liên 2 cho khách hàng làm chênh lệch tăng số tiền thuế phải nộp là 30.622.530 đồng. Tổng số tiền trốn thuế, không nộp vào ngân sách Nhà nước năm 2015 là: 451.665.372 đồng.
Trong quá trình quản lý thu thuế đối với Công ty A, Chi cục thuế huyện Đ xác định có 51 hoá đơn “VAT” do Công ty TNHH A xuất bán hàng cho Công ty M1 có sự sai lệch nội dung giữa Liên 01 và Liên 02 với tổng số tiền thuế VAT chênh lệch là 587.556.100 đồng đã vi phạm khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính đối với việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Chi cục thuế huyện Đ đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 962/QĐ-CCT ngày 10/10/2017 truy thu số tiền trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) là: 587.556.100 đồng, phạt 01 lần số tiền trốn thuế là 587.556.100 đồng đối với Công ty A.
Đến ngày 11/12/2017, đoàn kiểm tra liên ngành của Cục thuế tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại Công ty A, xác định trong 02 năm (2014-2015) công ty A đã có hành vi trốn thuế giá trị gia tăng với số tiền 8.549.500 đồng; trốn thuế thu nhập doanh nghiệp 1.227.645.714 đồng nên đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng tiến hành xác minh, điều tra theo thẩm quyền.
Tại Kết luận giám định tư pháp ngày 13/08/2018, 13/12/2018 và ngày 27/07/2019 của ông Ngô Trọng N2 – Giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực Tài chính–kế toán được cử theo Quyết định số 1503/STC-VP ngày 06/07/2018 của Sở tài chính trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng, xác định: trong 02 năm 2014 và 2015, Công ty TNHH A đã ghi giá trị hàng hóa trên Liên 1 hóa đơn GTGT (liên lưu để kê khai thuế) thấp hơn giá trị hàng hóa trên Liên 2 hóa đơn GTGT (liên giao cho khách hàng), báo hủy hóa đơn nhưng thực tế vẫn xuất hóa đơn và hàng hóa, xuất hóa đơn nhưng thực tế không xuất hàng hóa, cùng một số hóa đơn nhưng thực tế xuất hàng hóa cho 02 đơn vị khác nhau để trốn thuế VAT là hành vi trốn thuế quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Cụ thể: năm 2014 trốn thuế VAT với số tiền là 871.234.264 (Tám trăm bảy mươi mốt triệu, hai trăm ba mươi tư nghìn, hai trăm sáu mươi bốn đồng); năm 2015 trốn thuế VAT với số tiền là 451.665.372 đồng (Bốn trăm năm mươi mốt triệu, sáu trăm sáu mươi lăm nghìn, ba trăm bảy mươi hai đồng). Tổng 02 năm đã trốn số thuế VAT với số tiền 1.322.899.636 đồng (Một tỷ, ba trăm hai mươi hai triệu, tám trăm chín mươi chín nghìn, sáu trăm ba mươi sáu đồng); Còn thuế thu nhập doanh nghiệp không có cơ sở xác định.
Tại bản Cáo trạng số 17/CT-VKSĐT ngày 15 tháng 5 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng đã truy tố các bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 về tội “ Trốn thuế” theo quy định tại khoản 3 Điều 200 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 35 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Huỳnh Thị N và bị cáo Huỳnh Thị N1 mỗi bị cáo từ 1.500.000.000 đồng đến 1.800.000.000 đồng.
Về hình phạt bổ sung: Xét các bị cáo lo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương nếu áp dụng hình phạt bổ sung (là phạt tiền) ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Công ty TNHH A.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc các bị cáo phải nộp số tiền 1.322.899.636 đồng (Một tỷ, ba trăm hai mươi hai triệu, tám trăm chín mươi chín nghìn, sáu trăm ba mươi sáu đồng) để nộp ngân sách nhà nước. Đến ngày 12/05/2020 các bị cáo đã nộp đã nộp vào Ngân sách Nhà nước số tiền 1.265.547.229 đồng (Một tỷ hai trăm sáu mươi lăm triệu, năm trăm bốn mươi bảy nghìn, hai trăm hai mươi chín đồng ) gồm các khoản truy thu thuế số tiền 587.556.100 đồng, tiền phạt vi phạm hành chính số tiền 578.756.100 đồng và tiền chậm nộp 99.235.029 đồng. Số tiền trốn thuế còn lại 57.352.407 đồng (Năm mươi bảy triệu, ba trăm năm mươi hai nghìn, bốn trăm lẻ bảy đồng) cần buộc các bị cáo phải nộp vào ngân sách nhà nước, các bị cáo phải nộp đầy đủ vào Ngân sách Nhà nước để khắc phục hậu quả số tiền này hiện đang tạm giữ tại tài khoản tạm giữ của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ.
Về biện pháp tư pháp: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015. Tịch thu số tiền 57.352.407 đồng (Năm mươi bảy triệu, ba trăm năm mươi hai nghìn, bốn trăm lẻ bảy đồng) mà các bị cáo đã nộp để sung quỹ Nhà nước.
Về vật chứng: Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 106 của BLTTHS, tịch thu lưu giữ theo hồ sơ vụ án: Liên 02 (giao cho người mua) các hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH A (trước đó là công ty Kỷ N) xuất bán hàng, các chứng từ kế toán, hợp đồng kinh tế và bản sao các hóa đơn chứng từ xuất khẩu của Công ty M1 và Công ty C1 trong các năm từ 2014 đến năm 2016 do ông Nguyễn Văn T là giám đốc công ty CP-SX-TM-DV M1 và ông Nguyễn Đình C2 là kế toán công ty TNHH C1 giao nộp. Toàn bộ sổ sách kế toán của Công ty TNHH A trong năm 2014 và năm 2015. Các chứng từ rút tiền trong tài khoản của Công ty TNHH A tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh B và các báo cáo thuế của Công ty TNHH A trong các năm 2014, 2015 và hồ sơ xác minh hóa đơn, xử lý vi phạm của Chi cục thuế huyện Đ đối với Công ty A.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thống nhất với quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ. Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 nói lời sau cùng nhận thấy hành vi của các bị cáo thực hiện là sai trái, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng: Hành vi, quyết định của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, quyết định tố tụng trong vụ án này là hợp pháp. Bị cáo không có ý kiến gì thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Về căn cứ kết tội đối với các bị cáo: Xét lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và tài liệu có trong hồ sơ. Xác định được: Trong hai năm 2014, 2015, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý thu thuế của Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng, Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 đã có thủ đoạn khai giá trị hàng hóa trên Liên 01 hóa đơn giá trị gia tăng thấp hơn giá trị hàng hóa trên Liên 02 hóa đơn giá trị gia tăng; khai báo hủy hóa đơn nhưng thực tế vẫn xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng; xuất hóa đơn giá trị gia tăng nhưng thực tế không xuất hàng hóa; cùng một số hóa đơn giá trị gia tăng nhưng xuất cho 02 đơn vị khác nhau nhằm mục đích trốn nộp thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước với tổng số tiền: 1.322.899.636 đồng (Một tỷ, ba trăm hai mươi hai triệu, tám trăm chín mươi chín nghìn, sáu trăm ba mươi sáu đồng); Trong đó, năm 2014 làm sai lệch 32 hóa đơn để không nộp thuế giá trị gia tăng với số tiền là 871.234.264 (Tám trăm bảy mươi mốt triệu, hai trăm ba mươi tư nghìn, hai trăm sáu mươi bốn đồng); Năm 2015 làm sai lệch 51 hóa đơn để không nộp thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước với số tiền là 451.665.372 đồng (Bốn trăm năm mươi mốt triệu, sáu trăm sáu mươi lăm nghìn, ba trăm bảy mươi hai đồng). Hành vi của Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 đã vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 108 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
Đây là vụ án trốn thuế có đồng phạm nhưng ở mức độ giản đơn không có sự phân công trách nhiệm mà do giữa hai bị cáo có quan hệ mẹ con nên bị cáo N chỉ nói “Con làm cách để sao có lợi cho công ty thì con cứ làm”, bị cáo Huỳnh Thị N1 đã trực tiếp thực hiện hành vi khai giá trị hàng hóa trên Liên 01 hóa đơn VAT (liên lưu) thấp hơn giá trị thực hàng hóa trên Liên 02 hóa đơn VAT (liên giao khách hàng). Về nhân thân bị cáo Huỳnh Thị N ngày 12/12/1998, bị TAND huyện Đ, tỉnh Lâm Đồng xử phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng về tội “Buôn bán hàng cấm” theo quy định tại khoản 1 Điều 166 BLHS năm 1985 bị cáo đã chấp hành xong bản án. Do vậy hành vi của bị cáo N với vai trò là Giám đốc phải chịu trách nhiệm cao hơn bị cáo N1. Hành vi của bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 đã xâm phạm nghiêm trọng chính sách quản lý Nhà nước về kinh tế và gây thất thoát tiền thuế giá trị gia tăng của Nhà nước. Các bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi, năng lực pháp luật. Như vậy, Hội đồng xét xử có đầy đủ căn cứ kết tội các bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 phạm tội “Trốn thuế” quy định tại khoản 3 Điều 161 Bộ luật hình sự năm 1999: “Phạm tội trốn thuế với số tiền từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Tuy nhiên, tội trốn thuế theo quy định khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 có mức hình phạt nhẹ hơn: “Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Căn cứ khoản 3 Điều 7, Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 về áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội. Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; tính chất; mức độ; hậu quả từ hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy: cần xử phạt bị cáo mức án nghiêm minh để đảm bảo việc răn đe và giáo dục đối với bị cáo và các doanh nghiệp khác trên địa bàn về tuân thủ, thực hiện các nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh của mình mà Nhà nước quy định. Tuy nhiên để xảy ra hành vi của các phạm tội của các bị cáo có một phần lỗi của cơ quan Chi cục Thuế Đ trong các năm 2014 và 2015 thiếu thanh kiểm tra nên đã xảy ra hành vi trốn thuế của các bị cáo. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hoạt động của Công ty TNHH A do bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 làm chủ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn nên không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả từ hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bằng hình thức phạt tiền đối với các bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa thành khẩn khai báo; các bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả nên cần cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Về hình phạt bổ sung: Xét các bị cáo tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương nếu áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền làm anh hưởng đến kinh tế của Công ty A nên không áp dụng.
Về trách nhiệm dân sự: Đại diện nguyên đơn dân sự yêu cầu các bị cáo nộp số tiền còn thiếu 57.352.407 đồng (Năm mươi bảy triệu, ba trăm năm mươi hai nghìn, bốn trăm lẻ bảy đồng) để nộp ngân sách Nhà nước. Hội đồng xét xử thấy vậy là phù hợp đúng quy định cần chấp nhận.
Về biện pháp tƣ pháp: Cần tịch thu số tiền 57.352.407 đồng (Năm mươi bảy triệu, ba trăm năm mươi hai nghìn, bốn trăm lẻ bảy đồng) để nộp ngân sách Nhà nước, các bị cáo đã nộp theo quyết định chuyển vật chứng số 17/QĐ-VKS ngày 15/5/2020 mà các bị cáo đã khắc phục hậu quả hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ là phù hợp điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự.
Trong vụ án này, còn có anh Nguyễn Đình T4, sinh năm 1976, trú tại TDP 5C, TT.Đ là người được bị can N1 thuê thực hiện các nghiệp vụ kế toán khi khai báo thuế với Chi cục thuế huyện Đ trong năm 2014-2015. Nhưng kết quả điều tra xác định anh T4 không biết và không liên quan đến hành vi gian lận hóa đơn VAT để trốn thuế của bị can N và N1.
Quá trình điều tra còn có căn cứ xác định cán bộ thuế thuộc Chi cục thuế huyện Đ (nay là Chi cục thuế khu vực Đ2 – Đ – C) được phân công quản lý, kiểm tra, thu thuế đối với Công ty A trong các năm 2014-2015 đã thiếu kiểm tra, thực hiện không đúng quy trình công tác đã vi phạm các quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/05/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Đây là một trong những nguyên nhân để các bị cáo lợi dụng thực hiện hành vi trốn thuế trong 02 năm 2014-2015 hành vi trên có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tuy nhiên đến năm 2016, sau khi phát hiện hành vi sai phạm về lĩnh vực thuế của Công ty A đã kịp thời tham mưu ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, truy thu số tiền trốn thuế và phạt tiền theo quy định nên chưa gây thiệt hại. Đồng thời, kết quả điều tra còn xác định: ngày 20/10/2016, Chi cục thuế huyện Đ đã có các tài liệu xác định Công ty TNHH A có hành vi trốn thuế VAT với số tiền 587.556.100 đồng, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nên đã chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.
Về xử lý vật chứng: Cần áp dụng khoản 1 Điều 106 của BLTTHS, tịch thu lưu giữ theo hồ sơ vụ án: Liên 02 (giao cho người mua) các hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH A (trước đó là công ty Kỷ N) xuất bán hàng, các chứng từ kế toán, hợp đồng kinh tế và bản sao các hóa đơn chứng từ xuất khẩu của Công ty M1 và Công ty C1 trong các năm từ 2014 đến năm 2016 do ông Nguyễn Văn T là giám đốc công ty CP-SX-TM-DV M1 và ông Nguyễn Đình C1 là kế toán công ty TNHH C2 giao nộp. Toàn bộ sổ sách kế toán của Công ty TNHH A trong năm 2014 và năm 2015. Các chứng từ rút tiền trong tài khoản của Công ty TNHH A tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh B và các báo cáo thuế của Công ty TNHH A trong các năm 2014, 2015 và hồ sơ xác minh hóa đơn, xử lý vi phạm của Chi cục thuế huyện Đ đối với Công ty A.
Hội đồng xét xử kiến nghị Chi cục thuế khu vực Đ2– Đ – C cần tăng cường việc tuyên truyền luật Thuế tại các doanh nghiệp đảm bảo cho việc thực hiện đúng các chính sách quản lý Nhà nước về kinh tế của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, ngay khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội, Chi cục thuế khu vực Đ2– Đ – C phải chuyển ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý kịp thời theo quy định.
Về án phí: Áp dụng các điều 135 và điều 136 của BLTTHS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án. Buộc mỗi bị cáo phải nộp 200.0000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
[1] Tuyên bố các bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 phạm tội “ Trốn thuế”.
Áp dụng khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 58 và Điều 35 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Huỳnh Thị N số tiền 1.600.000.000 (một tỷ sáu trăm triệu đồng) để sung quỹ Nhà nước. Xử phạt bị cáo Huỳnh Thị N1 số tiền 1.500.000.000 (một tỷ năm trăm triệu đồng) để sung quỹ Nhà nước.
[2] Về biện pháp tư pháp: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự. Tịch thu số tiền 57.352.407 đồng (Năm mươi bảy triệu, ba trăm năm mươi hai nghìn, bốn trăm lẻ bảy đồng) để sung quỹ Ngân sách Nhà nước. Các bị cáo đã nộp đủ số tiền 57.352.407 đồng (Năm mươi bảy triệu, ba trăm năm mươi hai nghìn, bốn trăm lẻ bảy đồng) đang được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ tạm giữ tại tài khoản số 3949.0.1098084.00000 mở tại Kho bạc Nhà nước huyện Đ, theo Ủy nhiệm chi ngày 18/5/2020 của Cơ quan Công an huyện Đ.
[3] Về vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 106 của BLTTHS, tịch thu lưu giữ theo hồ sơ vụ án: Liên 02 (giao cho người mua) các hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH A (trước đó là công ty Kỷ N) xuất bán hàng, các chứng từ kế toán, hợp đồng kinh tế và bản sao các hóa đơn chứng từ xuất khẩu của Công ty M1 và Công ty C1 trong các năm từ 2014 đến năm 2016 do ông Nguyễn Văn Tiến là giám đốc công ty CP-SX-TM-DV M1 và ông Nguyễn Đình C2 là kế toán công ty TNHH C3 giao nộp. Toàn bộ sổ sách kế toán của Công ty TNHH A trong năm 2014 và năm 2015. Các chứng từ rút tiền trong tài khoản của Công ty TNHH A tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh B và các báo cáo thuế của Công ty TNHH A trong các năm 2014, 2015 và hồ sơ xác minh hóa đơn, xử lý vi phạm của Chi cục thuế huyện Đ đối với Công ty A.
[4] Về án phí: Áp dụng các điều 135 và điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/ 2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Huỳnh Thị N và Huỳnh Thị N1 mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.
[5] Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331, Điều 333 của BLTTHS. Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến việc việc bồi thường thiệt hại.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!