Bản án số 02/2021/LĐ-PT ngày 17/03/2021 của TAND tỉnh Bình Dương về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tải văn bản
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 02/2021/LĐ-PT

Tên Bản án: Bản án số 02/2021/LĐ-PT ngày 17/03/2021 của TAND tỉnh Bình Dương về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Quan hệ pháp luật: Tranh chấp về xử lý kỷ luật, sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Cấp xét xử: Phúc thẩm
Tòa án xét xử: TAND tỉnh Bình Dương
Số hiệu: 02/2021/LĐ-PT
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 17/03/2021
Lĩnh vực: Lao động
Áp dụng án lệ:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Đính chính:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Thông tin về vụ/việc: Chấp nhận 01 phần kháng cáo của bị đơn sửa bản án sơ thẩm
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 02/2021/LĐ-PT NGÀY 17/03/2021 VỀ TRANH CHẤP TRƯỜNG HỢP BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong ngày 17/3/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 22/2020/TLPT-LĐ ngày 21/12/2020 về việc “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 09/2020/LĐ-ST ngày 23/09/2020 của Tòa án nhân dân thành phố A, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2021/QĐ-PT ngày 12/01/2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2021/QĐ-PT ngày 02/02/2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông L.V.M, sinh năm 1992; địa chỉ: Thành phố A, tỉnh Bình Dương. Ông L.V.M có mặt.

- Bị đơn: Công ty T; địa chỉ: Thành phố A, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện hợp pháp: Ông L.V.N, sinh năm 1982; địa chỉ: Thành phố A, tỉnh Bình Dương (theo văn bản ủy quyền ngày 13/7/2020). Ông L.V.N có mặt.

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty T.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa nguyên đơn ông L.V.M trình bày:

Ông L.V.M vào Công ty T (gọi tắt là Công ty T) làm việc từ năm 2018. Đến ngày 01 tháng 10 năm 2018 giữa ông L.V.M và Công ty T ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm từ ngày 01 tháng 10 năm 2018 đến ngày 30 tháng 9 năm 2019, vị trí công việc là tài xế, mức lương 4.258.600 đồng/tháng. Đến ngày 01 tháng 10 năm 2019 ông L.V.M và Công ty T tiếp tục ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm từ ngày 01 tháng 10 năm 2019 đến ngày 30 tháng 9 năm 2020, vị trí công việc tài xế, mức lương là 4.472.600 đồng/tháng. Ngày 18 tháng 01 năm 2019, công ty cho rằng ông L.V.M lấy trộm 04 pallet nhựa của công ty ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của công ty. Ông L.V.M khẳng định không có hành vi lấy trộm tài sản của công ty, sau đó công ty có mời công an vào làm việc và xác định ông L.V.M không có lỗi trong vụ việc này.

Ngày 08 tháng 10 năm 2019, ông L.V.M điều khiển xe ô tô biển số 61D1- 035.03 của công ty thì va chạm với người phụ nữ lái xe phía trước. Trong vụ việc này Cảnh sát giao thông cũng xác định ông L.V.M không có lỗi trong vụ va chạm.

Ngày 13 tháng 5 năm 2020, công ty giao xe ô tô biển số 61LD-027.29 cho ông L.V.M đi kiểm tra, ông L.V.M báo xe bị hư 01 cuộn đánh lửa, ông L.V.M báo lại công ty nhưng công ty không thay mà vẫn cho xe lưu hành.

Ngày 19 tháng 5 năm 2020 Công ty T gọi ông L.V.M lên và giao cho ông L.V.M quyết định sa thải ngày 19 tháng 5 năm 2020, thông báo số 042/TB-2019 ngày 02 tháng 12 năm 2019 thông báo về việc tài xế đi công tác xảy ra sự cố giao thông; thông báo ../TB-2020 ngày 19 tháng 5 năm 2020 thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và sa thải; thông báo số 009/TB-2020 ngày 05 tháng 3 năm 2020 về việc điều động xe cộ. Ông L.V.M nhận tất cả các văn bản trên chỉ là bản photocopy mà không được nhận bản chính. Do không đồng ý với các văn bản mà công ty giao nên ông L.V.M không ký tên vào các biên bản nói trên.

Ngày 20 tháng 5 năm 2020, khi ông L.V.M đến làm việc thì bảo vệ Công ty T không cho ông L.V.M vào làm việc.

Nay, ông L.V.M khởi kiện yêu cầu công ty thanh toán các khoản sau:

- Thanh toán tiền lương trong những ngày không báo trước là 7.500.000 đồng.

- Thanh toán 02 tháng tiền lương theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động là 7.500.000 đồng x 02 tháng = 15.000.000 đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; bồi thường 04 tháng lương trong thời gian ông L.V.M không được làm việc (từ ngày 20 tháng 5 năm 2020 đến ngày 20 tháng 9 năm 2020) là 7.500.000 đồng x 4 =30.000.000 đồng.

Tổng cộng,ông L.V.M yêu cầu công ty thanh toán số tiền 52.500.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án ông L.V.M cung cấp quyết định số 1484/QĐTV-TCEM ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Công ty T về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

* Trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên toà, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Bị đơn thống nhất với nguyên đơn về thời gian ký kết hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng lao động, loại hợp đồng, mức lương và vị trí công việc. Công Công ty T đã tham gia và đóng bảo hiểm cho ông L.V.M đầy đủ theo quy định. Trong quá trình làm việc, ông L.V.M hoàn thành các công việc được giao, công ty không xử lý vi phạm nào đối với ông L.V.M cũng như công ty không ban hành Quyết định sa thải đối với ông L.V.M. Đến ngày 20 tháng 5 năm 2020, ông L.V.M không đến công ty làm việc, công ty không biết lý do vì sao. Do đó, Công ty T không đồng ý đối với các yêu cầu của nguyên đơn vì nguyên đơn đã tự ý nghỉ việc từ ngày 20 tháng 5 năm 2020. Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn cung cấp Quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn số 1484/QĐTV-TCEM ngày 19 tháng 5 năm 2020 và tờ giấy có nội dung “Qúa trình đóng bảo hiểm xã hội Họ và tên: L.V.M, ngày, tháng, năm sinh:

24/3/1992. Mã số 7410195275, tờ 1 và tờ 2” tất cả đều là bản photocopy. Ngoài ra, bị đơn thay đổi lời khai đối với việc Công ty T cho ông L.V.M nghỉ việc là theo nguyện vọng của ông L.V.M.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 09/2020/LĐ-ST ngày 23/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố A, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông L.V.M đối với bị đơn Công ty T về việc Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Buộc Công ty T có trách nhiệm trả cho ông L.V.M các khoản sau:

- Tiền lương trong những ngày không báo trước là 7.266.333 đồng;

- Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 7.266.333 đồng x 02 tháng = 14.532.666 đồng;

- Bồi thường 04 tháng tiền lương trong thời gian không được làm việc (từ ngày 20 tháng 5 năm 2020 đến ngày 20 tháng 9 năm 2020) là 7.266.333 đồng x 4 = 29.065.332 đồng;

Tổng cộng là 50.864.331đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên án phí, quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ngày 05/10/2020, bị đơn Công ty T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông L.V.M.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về thủ tục tố tụng, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã thực đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Viện Kiểm sát không có kiến nghị về thủ tục tố tụng. Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử Công ty T đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường các khoản cho ông L.V.M là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn và sửa một phần bản án sơ thẩm về mức lương làm căn cứ bồi thường cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; ý kiến tranh tụng của đương sự và quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc giải quyết vụ án;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1]. Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Công ty T không thực hiện thủ tục xử lý kỷ luật ông L.V.M và đã quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với ông L.V.M. Ông L.V.M khởi kiện tranh chấp về việc Công ty T đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý giải quyết vụ án lao động tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý, Tổ hành chính tư pháp ghi quan hệ tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải là không đúng nên Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh lại quan hệ tranh chấp theo bản án phúc thẩm là tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho phù hợp quy định của pháp luật.

[1.2]. Đơn kháng cáo của ông L.V.M nộp trong thời hạn luật định là hợp lệ, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Xét lời trình bày của người đại diện của bị đơn trong suốt quá trình tham gia tố tụng từ cấp sơ thẩm, bị đơn cho rằng nguyên đơn (ông L.V.M) tự ý nghỉ việc và Công ty T không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng với ông L.V.M. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm thu thập được thì trong cùng một ngày, Công ty T đã ban hành hai quyết định: Quyết định sa thải số /QĐ-2020 ngày 19/5/2020 chỉ do Chủ quản nhân sự Chen Li Fan ký tên, không đóng dấu (đây chỉ là bản sao chụp) và Quyết định số 1484/QĐTV- TCEM ngày 19/5/2020 về việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn do Tổng Giám đốc Chang Ching Huang ký tên và đóng dấu công ty (bản chính). Mặc dù hai văn bản này có những nội dung khác nhau, nhưng đều có điểm chung thể hiện ý chí của Công ty T đã quyết định cho ông L.V.M không được làm việc từ ngày 19/5/2020. Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động này không có căn cứ nên Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Công ty T đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và phải bồi thường là đúng. Bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh ông L.V.M tự ý nghỉ việc nên không có căn cứ chấp nhận.

[2.2]. Về tiền lương làm cơ sở tính các khoản bồi thường: Nguyên đơn cho rằng lương thực lĩnh hàng tháng 7.500.000 đồng bao gồm tiền lương cơ bản 4.472.600 đồng và khoản phụ cấp tiền cơm để làm căn cứ bồi thường, nhưng công ty không đồng ý. Xét chứng cứ do các bên cung cấp thì thấy rằng, tiền lương mà Công ty T chuyển khoản cho ông L.V.M hàng tháng không cố định và gồm nhiều khoản khác nhau. Căn cứ vào Phụ lục hợp đồng ngày 01/01/2020 (thỏa thuận gần nhất giữa hai bên), mức lương chính của ông L.V.M là 4.729.400 đồng và phụ cấp thâm niên 50.000 đồng. Ngoài mức lương chính và phụ cấp thâm niên, căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh và biểu hiện làm việc của người lao động sẽ có thêm các khoản tiền thưởng sau: tiền thưởng liên lạc: 150.000 đồng, tiền thưởng chuyên cần 200.000 đồng, hỗ trợ tiền xăng xe đi làm 827.400 đồng và hỗ trợ tiền nhà ở 1.000.000 đồng.

Điều 90 Bộ luật Lao động quy định: “Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định tiền lương của nguyên đơn được tính để bồi thường ngoài tiền lương chính còn bao gồm cả tiền thưởng liên lạc, tiền thưởng năng suất và tiền cơm là không phù hợp với thỏa thuận về tiền lương trong Hợp đồng lao động. Vì tiền lương hàng tháng mà ông L.V.M được trả thì chỉ có phần lương chính và phụ cấp thâm niên 50.000 đồng là khoản cố định, còn các khoản tiền thưởng có thể thay đổi khi người lao động trực tiếp tham gia lao động nếu đạt mới được hưởng nên không thể xem là tiền lương làm căn cứ bồi thường. Do vậy, mức tiền lương được xác định để tính bồi thường như sau: Mức lương chính 4.729.400 đồng + phụ cấp thâm niên 50.000 đồng = 4.779.400 đồng. Kháng cáo của bị đơn là có cơ sở chấp nhận một phần về mức tiền lương làm căn cứ bồi thường.

[2.3]. Các khoản bồi thường cho ông L.V.M được tính lại như sau:

- Bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày: 4.779.400 đồng;

- 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: 4.779.400 đồng x 02 tháng = 9.558.800 đồng;

- 04 tháng lương trong thời gian không được làm việc (từ ngày 20 tháng 5 năm 2020 đến ngày 20 tháng 9 năm 2020): 4.779.400 đồng x 4 = 19.117.600 đồng.

Tổng cộng: 33.455.800 đồng.

[2.4]. Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tại phiên tòa về việc sửa một phần bản án sơ thẩm là phù hợp.

[2.5]. Án phí:

- Án phí lao động sơ thẩm: Công ty T phải chịu theo quy định của pháp luật.

- Án phí lao động phúc thẩm: Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án phải sửa không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Áp dụng Điều 42, 44 và 90 Bộ luật Lao động 2012.

Áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 và 313 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Công ty T. Sửa một phần án Bản án lao động sơ thẩm số 09/2020/LĐ-ST ngày 23/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố A, tỉnh Bình Dương như sau:

1.1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông L.V.M đối với bị đơn Công ty T về việc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Buộc Công ty T có nghĩa vụ trả cho ông L.V.M các khoản sau:

- Bồi thường do vi phạm thời hạn báo trước 30 ngày: 4.779.400 đồng;

- 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật: 4.779.400 đồng x 02 tháng = 9.558.800 đồng;

- 04 tháng lương trong thời gian không được làm việc (từ ngày 20 tháng 5 năm 2020 đến ngày 20 tháng 9 năm 2020): 4.779.400 đồng x 4 = 19.117.600 đồng.

Tổng cộng: 33.455.800 đồng.

1.2. Kể từ ngày người được thi hành án có yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm trả số tiền trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải trả cho người được thi hành án khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

2. Về án phí:

2.1. Án phí sơ thẩm:

- Công ty T phải chịu án phí sơ thẩm: 1.000.000 đồng.

- Ông L.V.M không phải chịu án phí.

2.2. Án phí phúc thẩm: Công ty T không phải chịu và được nhận lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0053048 ngày 26/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố A.

3. Quyền và nghĩa vụ thi hành án: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Tải về
Bản án số 02/2021/LĐ-PT Bản án số 02/2021/LĐ-PT

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Bản án/ Quyết định cùng đối tượng

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất