Bản án số 40/2023/HS-ST ngày 21/11/2023 của TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng tội danh
  • Tải về
Mục lục
Tải văn bản
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 40/2023/HS-ST

Tên Bản án: Bản án số 40/2023/HS-ST ngày 21/11/2023 của TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm
Tội danh:
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Tòa án xét xử: TAND huyện Buôn Đôn (TAND tỉnh Đắk Lắk)
Số hiệu: 40/2023/HS-ST
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 21/11/2023
Lĩnh vực: Hình sự
Áp dụng án lệ:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Đính chính:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Thông tin về vụ án: Nguyễn Tấn T phạm tội sản suất, buôn bán hàng giả là thực phẩm
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BUÔN ĐÔN, TỈNH ĐĂK LĂK

BẢN ÁN 40/2023/HS-ST NGÀY 21/11/2023 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM

Trong các ngày 20, 21 tháng 11 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 44/2023/TLST-HS ngày 27 tháng 10 năm 2023, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 46/2023/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 11 năm 2023 đối với bị cáo: Nguyễn Tấn T, sinh năm 1988 tại tỉnh Đắk Lắk.

Nơi cư trú: Số 153, đường Nguyễn Văn C, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Kinh doanh; Con ông Nguyễn Tấn B, sinh năm 1957 và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1966. Bị cáo có vợ là Lê Thanh Tiểu L, sinh năm 1993 và có 01 con sinh năm 2022.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Thái Kim T, sinh năm 1979. Nơi cư trú: 159/1 Nguyễn Văn C, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

+ Ông Nguyễn T, sinh năm 1977. Nơi cư trú: 128/11 Võ Thị S, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

+ Ông Phạm Ngọc N, sinh năm 1987. Nơi cư trú: Tổ dân phố 7, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

+ Bà Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1971. Nơi cư trú: 383/63/31 Nguyễn Văn C, tổ dân phố 9, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

+ Bà Đỗ Thị Lệ T, sinh năm 1971. Nơi cư trú: Hẻm 219, Nguyễn Văn C, tổ dân phố 9, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

+ Bà Bùi Thị H, sinh năm 1973. Nơi cư trú: 383/63/33 Nguyễn Văn C, tổ dân phố 9, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có đơn xin xét xử vắng mặt).

+ Bà Lê Thị Diệu H, sinh năm 1986, Nơi cư trú: Tổ dân phố 1, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hộ kinh doanh MêHyCô do Nguyễn Tấn T làm đại diện, địa chỉ cơ sở: Buôn K, xã E, huyện B, tỉnh Đắk Lắk được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện B cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 40F8002X ngày 30/12/2019 (đăng ký thay đổi lần 01 ngày 17/3/2020); Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 30/2020/NNPTNT-ĐL, có hiệu lực đến ngày 08/01/2023. Hộ kinh doanh MêHyCô sản suất nhiều mặt hàng liên quan đến cà phê bột, trong đó có 02 loại sản phẩm là Cà phê bột MêHyCô nhãn vàng (theo bản tự công bố sản phẩm số 01/HKD MÊHYCÔ/2020 ngày 17/6/2020) và Cà phê bột MêHyCô nhãn cam (theo bản tự công bố sản phẩm số 02/HKD MÊHYCÔ/2020 ngày 17/6/2020).

Để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, Nguyễn Tấn T thuê một số nhân viên tiến hành các công đoạn rang, xay, cân, đóng gói, cụ thể:

- Đối với nhân viên rang, xay gồm: Ông Thái Kim T, ông Nguyễn T và anh Phạm Ngọc N được trả mức lương từ 5.800.000 đồng đến 7.000.000 đồng/tháng.

- Đối với nhân viên đóng gói bao bì gồm: Bà Nguyễn Thị Kim H, bà Đỗ Thị Lệ T và bà Bùi Thị H được trả mức lương 6.500.000 đồng/tháng.

Nguyên liệu sản xuất được T mua tại các đại lý, tạp hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và thành phố H, cụ thể:

- Hạt cà phê, đậu nành, bắp mua tại cơ sở nông sản D, địa chỉ số 12, thôn 18, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk với giá: Hạt cà phê R7 47.000 đồng/kg; hạt đậu nành 25.000 đồng/kg; hạt bắp 11.500 đồng/kg;

- Đường mua tại Hộ kinh doanh Nguyễn Thị T, địa chỉ 105 Hoàng D, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk;

- Rượu, muối mua tại tiệm tạp hóa ở xã E, huyện B;

- Tinh dầu cà phê, bơ thực vật mua tại cơ sở B, địa chỉ 298 H, phường 12, Quận X, thành phố H với giá: Tinh dầu cà phê 265.000 đồng/kg; bơ thực vật 40.000 đồng/kg.

Để đóng gói và xuất bán sản phẩm cà phê bột ra thị trường, T đặt Công ty TNHH bao bì S, địa chỉ số 139/33 D, phường T, quận T, thành phố H in ấn 02 loại bao bì màu vàng và màu cam, bên ngoài có hình ảnh và một số thông tin như: “Cà phê nổi tiếng B”; “MÊHYCÔ Coffee”; “Thành phần: Robusta, Arabica, Culi: 93%, Bơ, Caramen, Hương Cà phê: 7%”; “Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu: Độ ẩm ≤ 5%, Hàm lượng Cafein ≥ 1.0%"; trọng lượng mỗi bao đựng được là 500gr.

Tại cơ sở sản xuất của Hộ kinh doanh MêHyCô có 02 khu vực kho riêng biệt, trong đó có 01 kho để nguyên liệu và đặt các loại máy móc để thực hiện việc rang xay, do các nhân viên Thái Kim T, Nguyễn T, Phạm Ngọc N trực tiếp thực hiện; 01 kho để cân và đóng gói bao bì thành phẩm trước khi xuất bán ra thị trường, do các nhân viên Nguyễn Thị Kim H, Đỗ Thị Lệ T, Bùi Thị H trực tiếp thực hiện.

Quy trình sản xuất cà phê bột được thực hiện như sau: Sau khi Nguyễn Tấn T mua các loại nguyên liệu, phụ gia như trên nhập về kho của Hộ kinh doanh MêHyCô thì tuỳ vào số lượng hàng hoá do khách hàng đặt mua, T chỉ đạo nhân viên tiến hành rang các loại hạt cà phê, bắp, đậu nành rồi bỏ từng loại vào các thùng nhựa riêng biệt để bảo quản; sau đó T trực tiếp chỉ đạo trộn các loại hạt đã rang này cùng với một số nguyên liệu khác như bơ, đường, muối, rượu, hương vị cà phê loại dung dịch lỏng theo tỷ lệ nhất định để tiếp tục ủ trong các thùng nhựa; thời gian ủ từ 1 – 2 ngày, sau đó tiến hành xay số nguyên liệu đã ủ này thành bột rồi chuyển cho bộ phận đóng gói để tiến hành cân, đóng gói sản phẩm vào bao bì loại 500gr trước khi xuất bán ra thị trường. Ngoài ra, Hộ kinh doanh MêHyCô còn sản xuất loại cà phê bột nguyên chất, không pha trộn các loại nguyên liệu hạt khác nên T còn cho ủ hạt cà phê đã rang riêng trong các thùng nhựa và trộn hạt bắp với đậu nành đã rang để ủ chung trong các thùng nhựa để T tiến hành pha trộn theo công thức riêng mà không cho nhân viên biết.

Về trang thiết bị phục vụ việc sản xuất cà phê của Hộ kinh doanh MêHyCô hiện có 02 máy rang, 01 máy trộn, 02 máy xay và 01 máy đánh tơi; công suất của mỗi máy rang là 50kg/1 lần rang, sau khi rang thì hao hụt khoảng từ 30% đến 35%; trung bình mỗi ngày ông T chỉ đạo cho rang 04 lần/1 máy; trung bình mỗi ngày nếu cả 02 máy rang cùng hoạt động thì cơ sở rang xay, sản xuất được từ 260 kg đến 280 kg cà phê bột thành phẩm. Tuy nhiên do nhu cầu đặt mua của khách hàng không cố định nên trung bình mỗi ngày, các nhân viên đóng gói được khoảng 100 kg nguyên liệu đã xay thành bột, tương ứng với khoảng 200 gói cà phê với trọng lượng 500gr/1 gói.

Vào khoảng giữa tháng 12/2022, thời điểm này do cần lượng hàng để xuất bán ra thị trường trong dịp tết và do ham lợi nhuận nên Nguyễn Tấn T đã sản xuất một số loại sản phẩm nhưng không trộn thành phần bột cà phê vào để xuất bán ra thị trường. Để thực hiện việc này, sau khi nhân viên tiến hành rang các loại hạt để tiến hành ủ rồi xay thành bột thì T không trộn bột cà phê vào hết trong mọi lô hàng, mà một số lô hàng T chỉ dùng bột đậu nành với bắp để cho nhân viên đóng gói vào bao bì. Sau khi sản xuất, đóng gói số sản phẩm không có thành phần cà phê này thì T xuất bán ra thị trường cùng với số sản phẩm có thành phần cà phê để hưởng lợi nhuận. Việc sản xuất các loại sản phẩm không trộn thành phần cà phê này thì T không cho nhân viên nào biết, bởi vì các nhân viên được T chỉ đạo tiến hành rang, xay, còn thành phần pha trộn trước khi xay và chuyển đóng gói thì T trực tiếp thực hiện.

Quá trình sản xuất cà phê bột giả tại Hộ kinh doanh MêHyCô thì T đã sử dụng những loại máy móc, thiết bị đặt tại các kho rang xay, đóng gói gồm: 01 (một) máy rang tự động loại đốt bằng củi; 01 (một) máng kim loại dùng để đựng nguyên liệu hạt bắp, đậu nành sau khi rang; 01 (một) máy trộn; 01 (một) cối xay bằng điện; 01 (một) máy in thời hạn sử dụng; 01 (một) máy ép nhiệt; 01 (một) cân đồng hồ; ngoài ra T còn sử dụng khoảng 10 (mười) thùng nhựa loại 160 lít màu xanh, đỏ; thau và muỗng kim loại dùng để đựng và múc nguyên liệu bột bắp, đậu nành đổ vào các bao bì in nhãn hiệu cà phê bột MêHyCô để đóng gói.

Đối với các phụ liệu như bơ, đường, muối, tinh dầu (hương) cà phê tổng hợp, rượu, bao bì…. thì T đặt mua về dùng chung cho việc sản xuất cà phê thật và cà phê giả, khi hết thì T mua tiếp, không phân chia ra loại nào dùng để sản xuất cà phê thật, loại nào dùng để sản xuất cà phê giả.

Một số sản phẩm cà phê bột giả sau khi đóng gói được T trực tiếp liên hệ bán cho chị Lê Thị Diệu H, sinh năm 1986, trú tại: tổ dân phố 1, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk với giá từ 72.000 đồng/1kg đến 74.000 đồng/1kg và một số cá nhân, tổ chức khác nhưng hiện T không biết rõ nhân thân, lai lịch.

Ngày 30/12/2022, Tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê bột thuộc Hộ kinh doanh MêHyCô và phát hiện hành vi sản xuất cà phê bột giả nên tiến hành lập biên bản kiểm tra, khám nghiệm hiện trường, thu giữ 960kg cà phê bột giả cùng một số tang vật, phương tiện có liên quan đến hành vi sản xuất cà phê bột giả. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra tiếp tục thu giữ thêm 24 gói cà phê bột (tương ứng với 12kg), nhãn hiệu Mêhycô, loại giả, không có thành phần cà phê mà Nguyễn Tấn T đã bán ra thị trường để hưởng lợi.

Tại Bản kết luận giám định số: 131/KL-KTHS ngày 19/01/2023 và số 515/KL-KTHS ngày 24/4/2023 của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại thành phố Đà Nẵng, kết luận: Không tìm thấy thành phần Cafein trong các sản phẩm đóng gói trong bao bì nhãn hiệu MêHyCô màu vàng và màu cam gửi giám định, có tổng trọng lượng 972kg.

Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 1378/KL-HĐĐG ngày 19/5/2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đắk Lắk, kết luận: 972kg cà phê bột nhãn hiệu MêHyCô màu vàng và màu cam có tổng giá trị là 126.360.000 đồng.

Thu giữ, xử lý vật chứng:

- 1.184 gói sản phẩm tương ứng với 580kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu cam nhãn hiệu MêHyCô (quá trình giám định đã sử dụng hết 12kg, tương ứng với 24 gói sản phẩm);

- 760 gói sản phẩm tương ứng với 380kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu vàng nhãn hiệu MêHyCô;

- 30 thùng nhựa chứa loại hạt màu đen đã rang;

- 13 thùng nhựa chứa bột màu nâu;

- 149 bao hạt đậu nành; 85 bao hạt bắp; 10 bao cà phê hạt;

- 95 thùng bơ thực vật nhãn hiệu Bos 101; 05 thùng hương liệu cà phê hiệu Essence of coffee; 06 bao muối iot; 08 can nhựa đựng rượu;

- 19 can nhựa chứa chất lỏng màu đen; 16 bao đường trắng hiệu DASUCO;

- Máy móc thiết bị gồm: 03 máy ép nhiệt; 02 máy in thời hạn sử dụng trên bao bì; 02 máy rang tự động (gồm loại đốt bằng điện và bằng củi); 02 cối xay bằng điện; 01 máy trộn; 01 cân hiệu Nhơn Hoà; 03 máng bằng kim loại.

- 36 thùng bao bì sản phẩm;

- 01 CPU máy tính; 01 đầu thu camera.

Bản cáo trạng số 155/CT-VKS ngày 25/10/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo Nguyễn Tấn T phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩmtheo quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.

Tại Quyết định số 49/QĐ-VKS-P3 ngày 25/10/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phân công Viện kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án Nguyễn Tấn T về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩmquy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Tấn T thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện, lời khai của bị cáo phù hợp với nội dung bản cáo trạng, phù hợp các tài liệu đã thu thập được thẩm tra tại phiên tòa.

Kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi đánh giá, phân tích chứng cứ buộc tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của bị cáo. Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Tấn T phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Áp dụng khoản 1 Điều 193 và điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn T từ 02 (hai) năm 06 tháng đến 03 (ba) năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Hình phạt bổ sung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 5 Điều 193 Bộ luật hình sự: Phạt bị cáo Nguyễn Tấn T từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng để sung ngân sách Nhà nước.

- Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a, c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

Đối với 24 vỏ túi ni lông màu nâu và màu cam, trên đều có in chữ “MÊHYCÔ Coffee cho bạn cảm giác sảng khoái mới! CÀ PHÊ RANG XAY KL.Tịnh: 500g/17.6 oz và toàn bộ vỏ bao gói hoàn lại sau giám định, được niêm phong trong niêm phong số: 515/KL-KTHS, là vật chứng của vụ án không có giá trị sử dụng nên đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu huỷ.

Đối với 1.160 gói sản phẩm tương ứng với 580kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu cam nhãn hiệu MêHyCô; 760 gói sản phẩm tương ứng với 380kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu vàng nhãn hiệu MêHyCô, là vật chứng của vụ án (hàng giả) nên đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu huỷ.

Đối với các loại máy móc, gồm: 01 máy rang tự động loại đốt bằng củi; 01 máng bằng kim loại; 01 máy trộn; 01 cối xay bằng điện; 01 máy in thời hạn sử dụng; 01 máy ép nhiệt; 01 cân đồng hồ hiệu Nhơn Hoà, đây là các công cụ, phương tiện dùng để sản xuất hàng giả còn giá trị sử dụng nên đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu sung Ngân sách Nhà nước.

Đối với 30 thùng nhựa chứa loại hạt màu đen đã rang; 13 thùng nhựa chứa bột màu nâu; 19 can nhựa chứa chất lỏng màu đen; đây là các loại nguyên vật liệu bị can Nguyễn Tấn T sử dụng để vừa sản xuất hàng giả, vừa sản xuất hàng thật, không còn giá trị sử dụng, đồng thời bị cáo Tùng cũng không có nhu cầu nhận lại nên đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu huỷ.

Đối với 149 bao hạt đậu nành; 85 bao hạt bắp; 10 bao cà phê hạt; 95 thùng bơ thực vật nhãn hiệu Bos 101; 05 thùng hương liệu cà phê hiệu Essence of coffee; 06 bao muối iot; 08 can nhựa đựng rượu; 16 bao đường trắng hiệu DASUCO; 36 thùng bao bì sản phẩm, đây là các loại nguyên liệu bị cáo Nguyễn Tấn T sử dụng để sản xuất cà phê, tuy nhiên bị cáo Nguyễn Tấn T chưa xác định được sẽ dùng số nguyên liệu này để sản xuất ra sản phẩm cà phê bột giả hay không nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu trả lại cho bị cáo Nguyễn Tấn T.

Đối với các loại máy móc còn lại gồm: 01 máy rang tự động loại đốt bằng điện; 02 máng bằng kim loại; 01 cối xay bằng điện; 01 máy in thời hạn sử dụng; 02 máy ép nhiệt; 01 CPU máy tính; 01 đầu thu camera, không liên quan đến hành vi phạm tội nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu trả lại cho bị cáo Nguyễn Tấn T là phù hợp.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Tấn T không có ý kiến tranh luận gì chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và không bị ai khiếu nại gì về việc tiến hành các hoạt động tố tụng đối với vụ án nên toàn bộ hoạt động tố tụng, thu thập chứng cứ đều hợp pháp.

[2] Về tội danh: Xét lời khai của bị cáo Nguyễn Tấn T tại phiên tòa sơ thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Như vậy có đủ cơ sở xác định: Vào tháng 12/2022, tại buôn K, xã E, huyện B, tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tấn T đã tiến hành sản xuất các loại sản phẩm cà phê bột giả, không có thành phần cà phê (hàm lượng Cafein 0%) theo như bản tự công bố sản phẩm số 01/HKD MÊHYCÔ/2020, 02/HKD MÊHYCÔ/2020 ngày 17/6/2020 của Hộ kinh doanh MêHyCô do Nguyễn Tấn T làm chủ, trong đó số lượng hàng giả đã thu giữ được là 972kg, có giá trị tương đương là 126.360.000 đồng, gồm 960kg thu giữ tại cơ sở sản xuất và 12kg thu giữ được trên thị trường do Nguyễn Tấn T đã xuất bán ra để hưởng lợi nhuận.

Hành vi do bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, không những xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế, xâm hại đến các quy định của nhà nước về quản lý thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.

Bị cáo hoàn toàn có đủ khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện cũng như hậu quả xảy ra nhưng vẫn cố ý thực hiện.

Xét phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn tại phiên tòa là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, cần chấp nhận.

Như vậy, Hội đồng xét xử đã có đủ cơ sở kết luận: Bị cáo Nguyễn Tấn T đã phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự quy định:

“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.” [3] Về tính chất, mức độ cũng như hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế, xâm hại đến các quy định của nhà nước về quản lý thị trường, đồng thời gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần phải xét xử và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra thì mới có tác dụng giáo dục riêng và răn đe phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

[4.1] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Nguyễn Tấn T không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[4.2] Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo đối với hành vi phạm tội của mình; bị cáo có thành tích chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2021 (được Cục trưởng Cục thuế Đắk Lắk tặng giấy khen) và được tri ân về việc ủng hộ nhu yếu phẩm cho các trẻ cô nhi. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nêu trên, để giảm cho bị cáo một phần trách nhiệm hình sự nhằm thể hiện chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta.

[5] Về áp dụng hình phạt: Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc áp dụng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ pháp luật và thỏa đáng.

Xét thấy bị cáo Nguyễn Tấn T có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáp phạm tội lần đầu và có nơi cư trú rõ ràng nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà để bị cáo tự cải tạo dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe phòng ngừa chung trong xã hội.

[6] Hình phạt bổ sung: Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo Nguyễn Tấn T phạm tội có tính chất vụ lợi nên cần áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền theo quy định tại khoản 5 Điều 193 Bộ luật hình sự.

[7] Đối với ông Thái Kim T, ông Nguyễn T, ông Phạm Ngọc N, bà Nguyễn Thị Kim H, bà Đỗ Thị Lệ T và bà Bùi Thị H, là người được bị cáo Nguyễn Tấn T thuê để thực hiện các quy trình sản xuất ra cà phê bột, tuy nhiên việc sản xuất cà phê bột giả thì chỉ có bị cáo Nguyễn Tấn T biết và trực tiếp thực hiện mà không cho những người nêu trên biết nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk không đề cập xử lý là phù hợp.

Đối với bà Lê Thị Diệu H, là người mua cà phê bột của bị cáo Nguyễn Tấn T để bán lại kiếm lời, tuy nhiên bà Lê Thị Diệu H không biết cà phê bột mà bị cáo Nguyễn Tấn T bán là hàng giả nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk không đề cập xử lý là phù hợp.

[8] Về xử lý vật chứng: Xét thấy việc xử lý vật chứng như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp với quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; các điểm a, c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự nên Hội đồng xét xử cần chấp nhận.

- Tịch thu để tiêu hủy: 24 vỏ túi ni lông màu nâu và màu cam, trên đều có in chữ “MÊHYCÔ Coffee cho bạn cảm giác sảng khoái mới! CÀ PHÊ RANG XAY KL.Tịnh: 500g/17.6 oz và toàn bộ vỏ bao gói hoàn lại sau giám định, được niêm phong trong niêm phong số: 515/KL-KTHS, là vật chứng của vụ án.

- Tịch thu để tiêu hủy: 1.160 gói sản phẩm tương ứng với 580kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu cam nhãn hiệu MêHyCô; 760 gói sản phẩm tương ứng với 380kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu vàng nhãn hiệu MêHyCô, là vật chứng của vụ án (hàng giả).

- Tịch thu để tiêu hủy: 30 thùng nhựa chứa loại hạt màu đen đã rang; 13 thùng nhựa chứa bột màu nâu; 19 can nhựa chứa chất lỏng màu đen; đây là các loại nguyên vật liệu bị cáo Nguyễn Tấn T sử dụng để vừa sản xuất hàng giả, vừa sản xuất hàng thật, (không còn giá trị sử dụng).

- Tịch thu sung ngân sách Nhà nước các loại máy gồm: 01 máy rang tự động loại đốt bằng củi; 01 máng bằng kim loại; 01 máy trộn; 01 cối xay bằng điện; 01 máy in thời hạn sử dụng; 01 máy ép nhiệt; 01 cân đồng hồ hiệu Nhơn Hoà (đây là các công cụ, phương tiện dùng để sản xuất hàng giả còn giá trị sử dụng).

- Chấp nhận việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã trả lại cho bị cáo Nguyễn Tấn T, gồm: 149 bao hạt đậu nành; 85 bao hạt bắp; 10 bao cà phê hạt; 95 thùng bơ thực vật nhãn hiệu Bos 101; 05 thùng hương liệu cà phê hiệu Essence of coffee; 06 bao muối iot; 08 can nhựa đựng rượu; 16 bao đường trắng hiệu DASUCO; 36 thùng bao bì sản phẩm; 01 máy rang tự động loại đốt bằng điện;

02 máng bằng kim loại; 01 cối xay bằng điện; 01 máy in thời hạn sử dụng; 02 máy ép nhiệt; 01 CPU máy tính; 01 đầu thu camera.

[9] Về án phí: Bị cáo Nguyễn Tấn T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Tấn T phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

2. Điều luật và mức hình phạt: Áp dụng khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Tấn T 02 (hai) năm 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Nguyễn Tấn T cho Ủy ban nhân dân phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện giải quyết theo quy định tại Điều 92 của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật hình sự.

3. Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 5 Điều 193 Bộ luật hình sự: Phạt bổ sung bị cáo Nguyễn Tấn T số tiền 25.000.000 đồng (Hai mươi lăm triệu đồng) để sung ngân sách Nhà nước.

4. Về xử lý vật chứng: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự;

các điểm a, c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tịch thu để tiêu hủy: 24 vỏ túi ni lông màu nâu và màu cam, trên đều có in chữ “MÊHYCÔ Coffee cho bạn cảm giác sảng khoái mới! CÀ PHÊ RANG XAY KL.Tịnh: 500g/17.6 oz và toàn bộ vỏ bao gói hoàn lại sau giám định, được niêm phong trong niêm phong số: 515/KL-KTHS, là vật chứng của vụ án.

- Tịch thu để tiêu hủy: 1.160 gói sản phẩm tương ứng với 580kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu cam nhãn hiệu MêHyCô; 760 gói sản phẩm tương ứng với 380kg cà phê bột thành phẩm đóng trong bao bì màu vàng nhãn hiệu MêHyCô, là vật chứng của vụ án (hàng giả).

- Tịch thu để tiêu hủy: 30 thùng nhựa chứa loại hạt màu đen đã rang; 13 thùng nhựa chứa bột màu nâu; 19 can nhựa chứa chất lỏng màu đen; đây là các loại nguyên vật liệu bị cáo Nguyễn Tấn T sử dụng để vừa sản xuất hàng giả, vừa sản xuất hàng thật (không còn giá trị sử dụng).

- Tịch thu sung ngân sách Nhà nước các loại máy gồm: 01 máy rang tự động loại đốt bằng củi; 01 máng bằng kim loại; 01 máy trộn; 01 cối xay bằng điện; 01 máy in thời hạn sử dụng; 01 máy ép nhiệt; 01 cân đồng hồ hiệu Nhơn Hoà (đây là các công cụ, phương tiện dùng để sản xuất hàng giả còn giá trị sử dụng).

- Chấp nhận việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã trả lại cho bị cáo Nguyễn Tấn T, gồm: 149 bao hạt đậu nành; 85 bao hạt bắp; 10 bao cà phê hạt; 95 thùng bơ thực vật nhãn hiệu Bos 101; 05 thùng hương liệu cà phê hiệu Essence of coffee; 06 bao muối iot; 08 can nhựa đựng rượu; 16 bao đường trắng hiệu DASUCO; 36 thùng bao bì sản phẩm; 01 máy rang tự động loại đốt bằng điện;

02 máng bằng kim loại; 01 cối xay bằng điện; 01 máy in thời hạn sử dụng; 02 máy ép nhiệt; 01 CPU máy tính; 01 đầu thu camera.

5. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Căn cứ khoản 1 Điều 21 và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Buộc bị cáo Nguyễn Tấn T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

6. Về quyền kháng cáo:

- Bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Tải về
Bản án số 40/2023/HS-ST Bản án số 40/2023/HS-ST

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Bản án/ Quyết định cùng đối tượng

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất