Bản án số 19/2023/DS-ST ngày 18/09/2023 của TAND TX. Kinh Môn, tỉnh Hải Dương về tranh chấp thừa kế tài sản

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng nội dung
  • Tải về
Mục lục
Tải văn bản
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 19/2023/DS-ST

Tên Bản án: Bản án số 19/2023/DS-ST ngày 18/09/2023 của TAND TX. Kinh Môn, tỉnh Hải Dương về tranh chấp thừa kế tài sản
Quan hệ pháp luật:
Cấp xét xử: Sơ thẩm
Tòa án xét xử: TAND TX. Kinh Môn (TAND tỉnh Hải Dương)
Số hiệu: 19/2023/DS-ST
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 18/09/2023
Lĩnh vực: Dân sự
Áp dụng án lệ:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Đính chính:
Đã biết

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Thông tin về vụ/việc:
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ KINH MÔN, TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 19/2023/DS-ST NGÀY 18/09/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 18/9/2023 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 61/2022/TLST-DS ngày 22/12/2022 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 25/2023/QĐXXST-DS ngày 01/8/2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 16a ngày 22/8/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Mạc Văn T, sinh năm 1963; địa chỉ: Khu dân cư L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

2. Bị đơn: Ông Mạc Duy H, sinh năm 1957; địa chỉ: Khu dân cư L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Mạc Thị M, sinh năm 1949; địa chỉ: Khu dân cư L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo ủy quyền của bà M: Ông Mạc Văn T. Giấy ủy quyền chứng thực ngày 20/3/2023.

3.2. Bà Mạc Thị Th, sinh năm 1953; địa chỉ: Khu dân cư H3, phường HS, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo ủy quyền của bà Th: Ông Mạc Văn T. Giấy ủy quyền ngày 20/3/2023.

3.3. Bà Mạc Thị K, sinh năm 1960; địa chỉ: Khu dân cư HT, phường H4, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

3.4. Bà Mạc Thị Th1, sinh năm 1968; địa chỉ: Ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Người đại diện theo ủy quyền của bà Th1: Ông Mạc Văn T. Giấy ủy quyền chứng thực ngày 03/4/2023.

3.5. Ông Mạc Văn B, sinh năm 1971; địa chỉ: Làng K, xã HB, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

Ông T, ông H, bà K có mặt tại phiên tòa. Bà M, bà Th, bà Th1, ông B vắng mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo đơn khởi kiện đề ngày 15/9/2022, bản tự khai, biên bản lấy lời khai và các tài liệu có trong hồ sơ, nguyên đơn – ông Mạc Văn T trình bày:

Bố mẹ ông là cụ Mạc Văn R, sinh năm 1924 và cụ Nguyễn Thị T2, sinh năm 1928. Bố mẹ ông sinh được 8 người con gồm: Bà Mạc Thị M, sinh năm 1949; bà Mạc Thị Th, sinh năm 1953; ông Mạc Duy H, sinh năm 1957; bà Mạc Thị K, sinh năm 1960; ông là Mạc Văn T, sinh năm 1963; bà Mạc Thị Th2 (sinh năm 1965, chết năm 2006, không có chồng, con); bà Mạc Thị Th1, sinh năm 1968 và ông Mạc Văn B, sinh năm 1971. Ngoài ra bố mẹ ông không còn người con nào khác. Cụ R chết năm 2008, cụ T2 chết năm 2018. Di sản các cụ để lại là thửa đất số 207, tờ bản đồ số 02, diện tích 316m2 (trong đó 300m2 đất ở, 16m2 đất vườn), đã được UBND thị xã Kinh Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 22/4/2002, địa chỉ thửa đất tại KDC L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là nơi trước đây các cụ sinh sống ở đó. Trước khi chết bố mẹ ông chỉ có Giấy nhượng quyền sử dụng đất ghi ngày 18/10/2006, mà không có di chúc, theo đó cho ông sử dụng 200m2, cho ông H 116m2 (chỉ có bản phô tô nộp cho Tòa án, không có bản gốc). Tuy nhiên, khi ông muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phần ông được hưởng thì ông H không hợp tác, dẫn đến giữa ông và ông H mâu thuẫn, ông đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ R và cụ T2 để lại là 316m2 đất (diện tích đất này hiện không ai quản lý, sử dụng), chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật. Kỷ phần của bà M, bà Th, bà Th1 tự nguyện cho ông, ông nhất trí nhận và tự nguyện chịu cả tiền án phí theo kỷ phần của những người cho ông kỷ phần theo quy định của pháp luật. Ông yêu cầu được chia bằng hiện vật. Căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ ông, trong đó có ghi diện tích là 316m2, sau khi đo đạc thực tế là 341,8m2, chênh lên 25,8m2 là do sai số đo đạc qua các thời kỳ, còn đất của bố mẹ ông và các hộ giáp ranh không có tranh chấp, sử dụng đúng ranh giới. Do đó ông đề nghị Tòa án xác định di sản thừa kế là 341,8m2 và chia theo diện tích hiện trạng.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 08/2/2023, ông Mạc Duy H trình bày: (Về thành viên trong gia đình, di dản thừa kế như ông T trình bày trên). Ông cũng đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ R và cụ T2 để lại là 316m2 đất ở (diện tích đất này hiện không ai quản lý, sử dụng), chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của luật. Còn 756m2 đất nông nghiệp, ông chưa yêu cầu chia trong vụ án này, ông vẫn để cho gia đình ông T sử dụng, trường hợp Nhà nước thu hồi được đền bù thì gia đình ông T phải chia số tiền được đền bù cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định pháp luật. Tại biên bản hòa giải ngày 20/7/2023, quan điểm của ông không nhất trí chia di sản của cụ R và cụ T2 để lại là 316m2 đất tại KDC L1, H1, Kinh Môn, Hải Dương mà để xây nhà thờ, để con cháu đến ngày giỗ tết có nơi thắp hương các cụ và bố mẹ ông. Ngoài ra, diện tích đất nông nghiệp của cụ R = 378m2, cụ T2 = 378m2, bà T (đã mất năm 2006)=378m2, tổng là 1.134m2 ông T đang sử dụng. Các giấy tờ liên quan tài sản trên, ông T đang quản lý. Từ trước đến nay anh em ông chưa có cuộc họp gia đình nhưng ông T đã khởi kiện tranh chấp chia di sản thừa kế, mặc dù bản thân ông không có tranh chấp, khi Tòa án về xem xét thẩm định 316m2 đất vẫn còn nguyên thổ. Khi nào nhà nước thu hồi diện tích đất nông nghiệp của các cụ để lại, có đền bù thì sử dụng số tiền đó xây nhà thờ. Trước khi các cụ chết, các cụ có để lại di chúc để chia di sản hay không thì ông không biết. đối với Giấy nhượng quyền sử dụng đất Tòa án cho ông xem, ông không xác định được đó có phải chữ viết của bố mẹ ông hay không, ông cũng chưa từng thấy có bản di chúc này.

Ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Tại biên bản ghi lời khai, bà Mạc Thị K trình bày: (Về thành viên trong gia đình, di dản thừa kế như ông T, ông H trình bày trên). Quyền sử dụng đất 316m2 đất, ở Khu dân cư L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Mạc Văn R và cụ Nguyễn Thị T2. Trên đất còn nhà cấp 4 xây bằng gạch pa banh đã quá cũ, không còn giá trị sử dụng. Theo bà là để lại toàn bộ diện tích đất này để xây nhà thờ cho ông bà, bố mẹ. Đối với diện tích đất nông nghiệp của các cụ, ông T đang quản lý, sử dụng đất này, bà cũng không yêu cầu chia, chỉ khi nào nhà nước thu hồi thì sử dụng số tiền đền bù để xây nhà thờ. Bà không từ chối việc hưởng di sản thừa kế, nhưng kỷ phần mà bà được hưởng, bà muốn để lại góp vào làm nhà thờ.

- Bà Mạc Thị M, bà Mạc Thị Th và bà Mạc Thị Th1: Thống nhất đề nghị Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế theo pháp luật, kỷ phần được hưởng các bà tự nguyện tặng cho ông Mạc Văn T toàn quyền sử dụng và định đọat.

- Ông Mạc Văn B không nhất trí chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại là quyền sử dụng đất 316m2 tại H1 mà để làm nhà thờ.

Ý kiến các hộ giáp ranh thửa đất của cụ R, cụ T2:

- Chị Mạc Thị M1, sinh năm 1976, trú tại L1, H1, Kinh Môn, Hải Dương cho biết: Chị và chồng chị là anh Hoàng Văn Xá mua của ông Mạc Văn B diện tích 216m2 đất, địa chỉ L1, H1, Kinh Môn, Hải Dương và sinh sống trên mảnh đất này từ năm 2003 đến nay (ông B là em của ông T và ông H). Diện tích 216m2 đất này của nhà chị giáp ranh với đất của cụ Mạc Văn R và cụ Nguyễn Thị T2. Chị đã được xem mốc giới đoàn đo vẽ hiện trạng khi Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ, chị xác định đúng ranh giới, không có tranh chấp gì về mốc giới giữa đất nhà chị và đất nhà cụ R, cụ T2.

- Ông Mạc Văn M2, sinh năm 1959, trú tại L1, H1, Kinh Môn, Hải Dương cho biết: Đất nhà ông giáp đất nhà cụ R và cụ T2, có phần cạnh phía Đông nhà ông giáp ranh với cạnh phía Tây của nhà cụ R và cụ T2. Khi đoàn đo đạc tiến hành công việc đo, ông có tham gia chỉ mốc giới giáp ranh với nhà ông. Ông xác định đã đo đúng, không có tranh chấp gì về mốc giới giữa hai bên.

* Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 04/4/2023: Xem xét thẩm định tại chỗ đối với diện tích đất 316m2 tại thửa đất số 207, tờ bản đồ số 02. Tổng diện tích hiện trạng 341,8m2. Cạnh phía Đông Bắc giáp phần đất ông H, bà M1, có chiều dài các cạnh lần lượt là 2,35+2,36+8,68+1,2+13,6 (m). Cạnh phía Tây Bắc giáp phần đất nhà ông M2, nhà thờ họ Mạc do ông Mạc Văn M2 quản lý, có các cạnh lần lượt là: 11,61+7,8+0,86+0,55. Cạnh phía Tây Nam giáp với đất nhà ông H và nhà bà M1, có chiều dài: 5,44+12,76+17,16 (m). Cạnh phía Đông Nam giáp đường ngõ Đô Lương, có chiều dài 12m. Trên đất gồm có những tài sản sau: 01 nhà cấp 4 được xây dựng đã lâu, có diện tích là 49,5m2; 01 chuồng lợn có diện tích 19,6m2; 01 bể nước + nhà tắm có diện tích 4,4m2; 01 nhà vệ sinh có diện tích 3,6m2. Các bên đương sự thống nhất các công trình trên đất kể trên xây dựng đã lâu, đã mục nên không yêu cầu xem xét, giải quyết. Trên đất có 01 cây na, 01 cây nhãn, có 02 cánh cổng làm bằng tuýp sắt có độ rộng 1,3m, cao 1,7m; 01 đoạn tường xây bằng gạch ba banh dài 10,7m2, cao 1,7m. Ngoài ra, trên đất không còn tài sản gì khác.

* Theo kết quả định giá tài sản ngày 01/6/2023: Hội đồng định giá UBND thị xã Kinh Môn xác định đất tại thửa đất số 207 tờ bản đồ số 02 thuộc bộ bản đồ địa chính phường H1 thị xã Kinh Môn tỉnh Hải Dương (gồm đất ở và đất vườn) đều có giá là: 7.000.000 đồng/m2. Các tài sản khác không còn giá trị hoặc giá trị không lớn nên các đương sự không đề nghị định giá và không đề nghị giải quyết.

* Biên bản xác minh ngày 08/5/2023 tại UBND phường H1, ông Nguyễn Hồng Sơn - cán bộ địa chính cung cấp: Theo sổ mục kê ruộng đất năm 1968, Sổ đăng ký ruộng đất năm 1987, Sổ mục kê ruộng đất năm 1992, số thửa 207, tờ bản đồ số 02, mang tên ông R. Năm 2000, UBND xã H1 ra thông báo về việc tự kiểm tra đất dân cư theo thông báo số 02 thì ông R có diện tích đất 316m2 (có sơ họa hình thể thửa đất được xét cấp). Đến năm 2001 ông R có đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 207, diện tích 316m2 trong đó đất ở 300m2, đất vườn 16m2. Đến 22/4/2002 ông Mạc Văn R và bà Nguyễn Thị T2 được UBND huyện Kinh Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số U693146, số vào sổ cấp giấy 758 tại thửa đất số 207, tờ bản đồ 02 diện tích 316m2, trong đó 300m2 đất ở và 16m2 đất vườn, thời hạn sử dụng lâu dài. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 2002 và hiện trạng đo vẽ có sự khác nhau về hình thể là do sai sót trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002. Tuy nhiên diện tích đất ông R được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 316m2 là đúng. Đến thời điểm hiện tại không có tranh chấp giữa các hộ giáp ranh. Đối với phần diện tích hiện trạng có sai khác so với giấy chứng nhận được cấp. Theo bản đồ đo vẽ hiện trạng năm 2010, tại thửa đất số 242, diện tích 348m2, tờ bản đồ số 34 mang tên ông Mạc Văn R, ký hiệu mã đất là ONT (đất ở nông thôn và đất vườn). Khi xem xét thẩm định tại chỗ, kết quả đo vẽ, diện tích thực tế thửa đất số 242 là 341,8m2. Diện tích đất hiện trạng có sự chênh lệch, nhiều hơn trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 25,8m2 là do sai sót trong quá trình đo đạc tính toán. Như vậy, xác định diện tích đất ở của cụ R, cụ T2 là 300m2, đất vườn hợp pháp là 41,8m2. Trong tổng số diện tích 341,8m2 này không có diện tích nào bị trừ vào đất nông nghiệp.

* Về chi phí tố tụng: Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: 3.000.000 đồng, chi phí định giá tài sản 1.000.000 đồng. Tổng là 4.000.000 đồng. Ông Mạc Văn T đã nộp tạm ứng chi phí.

Tại phiên tòa:

- Ý kiến của nguyên đơn - ông Mạc Văn T giữ nguyên yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

- Ý kiến của bị đơn - ông Mạc Văn H: Ông T cương quyết yêu cầu chia di sản nên ông cũng chấp nhận. Kỷ phần ông được hưởng, ông tặng cho hết bà K để làm nhà thờ.

- Ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - bà K: Bà đồng ý với ý kiến của ông H.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như sau: Căn cứ các điều 609, 610, 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 167 Luật đất đai; Khoản 5 Điều 26; Điều 147, khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mạc Văn T về việc chia di sản thừa kế là quyền sử dụng diện tích đất tại thửa số 207, tờ bản đồ số 02, địa chỉ: phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương của cụ Mạc Văn R và cụ Nguyễn Thị T2.

- Chấp nhận sự tự nguyện tặng cho kỷ phần thừa kế của bà Mạc Thị M, Mạc Thị Th, Mạc Thị Th1 cho ông Mạc Văn T. Chấp nhận sự tự nguyện tặng cho kỷ phần thừa kế của ông Mạc Duy H cho bà Mạc Thị K.

+ Giao ông T được hưởng kỷ phần thừa kế là 195m2 diện tích đất.

+ Giao bà K được hưởng kỷ phần thừa kế là 146,8m2. Bà K có trách nhiệm trả giá trị tài sản cho ông Mạc Văn B là: 341.800.000 đồng.

Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã Kinh Môn còn đề nghị xem xét về phần chi phí tố tụng và án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích đất 316m2 thuộc thửa 207, tờ bản đồ 02 đã được UBND huyện Kinh Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 22/4/2002, địa chỉ thửa đất: Khu dân cư L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Do đó, đây là vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thị xã Kinh Môn theo quy định tại Điều 26, điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.2] Sự vắng mặt của các đương sự: Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà M, bà Th, bà Th1 vắng mặt, đã ủy quyền cho ông T, ông T có mặt; ông B vắng mặt lần thứ 2, Hội đồng xét xử giải quyết vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo qui định tại Điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự.

[1.3] Về thời hiệu khởi kiện: Cụ Mạc Văn R chết ngày 30/4/2008, cụ Nguyễn Thị T2 chết ngày 24/4/2018, ngày 15/9/2022 ông Mạc Văn T có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế là diện tích đất 316m2 của cụ R và cụ T2 để lại. Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì yêu cầu chia di sản của ông T còn thời hiệu.

[2]. Về nội dung:

[2.1] Xác định hình thức phân chia di sản và hàng thừa kế: Cụ Mạc Văn R và cụ Nguyễn Thị T2 là vợ chồng, sinh được 8 người con gồm: Bà Mạc Thị M; bà Mạc Thị Th; ông Mạc Duy H; bà Mạc Thị K; ông Mạc Văn T; bà Mạc Thị Th2; bà Mạc Thị Th1 và ông Mạc Văn B. Ngoài ra các cụ không còn người con nào khác. Bà Mạc Thị Th2, sinh năm 1965 (chết năm 2006 - chết trước cụ R, cụ T2, không có chồng, con). Bố mẹ đẻ của cụ R, cụ T2 đều đã chết. Ông T xuất trình bản phô tô Giấy nhượng quyền sử dụng đất của cụ R ghi ngày 18/10/2006. Tuy nhiên, nếu coi đây là di chúc, căn cứ Điều 655, 656 BLDS 2005 là di chúc không hợp pháp bởi cụ R, cụ T2 không trực tiếp viết di chúc, không có chữ ký của cụ T2, không có người làm chứng. Mặt khác, ông T không có bản chính để giao nộp và ông yêu cầu chia di sản theo quy định của pháp luật, các đương sự còn lại đều không thừa nhận đây là di chúc. Do đó, di sản được chia theo quy định của pháp luật. Người thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ R và cụ T2 gồm 07 người con: Bà Mạc Thị M; bà Mạc Thị Th; ông Mạc Duy H; bà Mạc Thị K; ông Mạc Văn T; bà Mạc Thị Th1 và ông Mạc Văn B.

[2.2] Về di sản thừa kế: Các đương sự thống nhất di sản cụ R, cụ T2 để lại trong đó có diện tích đất 316m2 ở KDC L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 22/4/2002, số U693146, số vào sổ cấp giấy 758 tại thửa đất số 207, tờ bản đồ 02, trong đó 300m2 đất ở và 16m2 đất vườn thời hạn sử dụng lâu dài, đo vẽ hiện trạng là 341,8m2. Tứ cận thửa đất đã được xây tường cố định, các hộ giáp ranh không có tranh chấp, địa phương cung cấp sự chênh lệnh diện tích là do sai số quá trình đo đạc, cụ thể diện tích thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ R, cụ T2 là 341,8m2 (trong đó 300m2 là đất ở, 41,8m2 là đất vườn). Các đương sự thống nhất xác định diện tích đất cụ R, cụ T2 để lại đúng như hiện trạng. Do đó, xác định diện tích thực tế 341,8m2 là di sản thừa kế. Ngoài ra các đương sự không còn yêu cầu chia di sản khác. Các cụ chết không để lại di chúc, các đương sự không thống nhất được việc phân chia di sản. Do đó, ông T yêu cầu chia di sản trên là có căn cứ, cần chấp nhận yêu cầu của ông T.

[2.3] Phân chia di sản:

[2.3.1] Diện tích đất 341,8m2 được chia đều cho 7 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mỗi người được 48,8m2. Do thửa đất có duy nhất 1 cạnh tiếp giáp ngõ đi với chiều dài 12m; Theo quy định tại Quyết định số 12 ngày 04/10/2022 của UBND tỉnh Hải Dương thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất ở thuộc khu vực đô thị là 30m2 và có kích thước cạnh tiếp giáp mặt đường chính tối thiểu là 03m; chiều sâu vào phía trong của thửa đất vuông góc với đường chính tối thiểu là 05m. Do đó, đối với kỷ phần của từng người sẽ không đủ điều kiện để tách thửa, không thể chia theo hiện vật cho tất cả các đồng thừa kế. Thửa đất ông H hiện đang sinh sống, có cạnh giáp thửa đất là di sản. Bà M, bà Th, bà Th1 đều nhận di sản và tặng cho lại ông T. Như vậy ông T được 4 phần; bà K, ông B, ông H có quan điểm để đất làm nhà thờ nên ông H tự nguyện tặng kỷ phần cho bà K, bà K nhất trí. Việc tặng cho quyền hưởng di sản này là tự nguyện nên cần chấp nhận. Ông B cũng đề nghị để kỷ phần được hưởng để làm nhà thờ, do đó cần giao kỷ phần ông B được hưởng cho bà K quản lý, sử dụng, bà K có tránh nhiệm thanh toán lại giá trị cho ông B.

[2.3.2] Theo kết luận định giá tài sản, xác định đất tại thửa đất số 207 (gồm đất ở và đất vườn), tờ bản đồ số 02 thuộc bộ bản đồ địa chính phường H1 thị xã Kinh Môn tỉnh Hải Dương đều có giá là: 7.000.000 đồng/m2 x 341,8m2 = 2.392.600.000 đồng. Mỗi kỷ phần được hưởng 48,8m2, tương đương 341.800.000 đồng. Chia bằng hiện vật cho ông T hưởng 4 kỷ phần = 195m2 (trong đó có 24m2 đất vườn), giao cho bà K quản lý, sử dụng cả kỷ phần của ông B, ông H = 146,8m2 (trong đó có 17,8m2 đất vườn). Bà K có nghĩa vụ thanh toán lại giá trị cho ông B là 341.800.000 đồng.

[3]. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 3.000.000 đồng và chi phí định giá tài sản là 1.000.000 đồng, ông T đã nộp. Ông T tự nguyện chịu cả nên cần chấp nhận.

[4]. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà là phù hợp với nhận định của Tòa án.

[5]. Về án phí: Căn cứ điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu nộp án phí thì mỗi đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng trong khối di sản thừa kế. Ông T, ông H, bà M, bà Th, bà K là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí theo điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Ông T nhận kỷ phần của bà Th1, tự nguyện chịu án phí đối với kỷ phần nhận thay này. Ông B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần mình được nhận.

[7]. Về quyền kháng cáo: Đương sự có quyền kháng cáo theo quy định tại các điều 271, 273 BLTTDS.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ các điều 609, 610, 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 167 Luật đất đai; Khoản 5 Điều 26; Điều 147, Điều 157, Điều 165; Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Mạc Văn T về việc chia di sản thừa kế của cụ Mạc Văn R và cụ Nguyễn Thị T2 để lại là quyền sử dụng diện tích đất tại thửa số 207, tờ bản đồ số 02, địa chỉ: KDC L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

2. Xác định diện tích đất đo đạc thực tế là 341,8m2 tại thửa số 207, tờ bản đồ số 02, đã được UBND thị xã Kinh Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số U693146, số vào sổ cấp giấy số 758 ngày 22/4/2002 (diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 316m2); địa chỉ thửa đất: KDC L1, phường H1, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Trị giá di sản là 2.392.600.000 đồng.

3. Phân chia di sản:

+ Chấp nhận sự tự nguyện của bà Mạc Thị M, Mạc Thị Th, Mạc Thị Th1 tặng kỷ phần được hưởng cho ông Mạc Văn T. Ông T được quản lý, sử dụng 195m2 đất (Trong đó có 171m2 đất ở và 24m2 đất vườn, tương ứng giá trị = 1.365.000.000 đồng), đất được giới hạn bởi các điểm B1, B2, B3, B4, A7, A6, A5, A4, A3, A2, A1 đến B1; chiều dài các cạnh B1B2 = 19,09m, B2B3 = 8m, B3B4 = 5,57m, B4A7 = 2,32m, A7A6 = 7,28m, A6A5 = 0,86m, A5A4 = 0,55m, A4A3= 5,44m, A3A2 = 12,76m, A2A1= 17,16m, A1B1 = 6,8m; có tứ cận phía Đông Bắc giáp đất ông H được giao; phía Tây Bắc giáp nhà ông M2; phía Tây Nam giáp đất của ông H và nhà chị M1; phía Đông Nam giáp đường ngõ Đô Lương.

+ Chấp nhận sự tự nguyện của ông Mạc Duy H tặng kỷ phần được hưởng cho bà Mạc Thị K. Giao cho bà K quản lý, sử dụng 146,8m2 đất (Trong đó có 129m2 đất ở và 17,8m2 đất vườn, tương ứng giá trị = 1.027.600.000 đồng, gồm cả kỷ phần của ông B), đất được giới hạn bởi các điểm B1, B2, B3, B4, A8, A9, A10, A11, A12, A13 đến B1; chiều dài các cạnh B1B2= 19,09m, B2B3=8m, B3B4 = 5,57m, B4A8 = 9,29m; A8A9 = 2,35m, A9A10=2,36m, A10A11= 8,68m, A11A12=1,2m; A12A13=13,6m, A13B1=5,2m; có tứ cận phía Đông Bắc giáp nhà bà M1 và giáp đất ông H đang ở; phía Tây Bắc giáp nhà thờ họ Mạc; phía Tây Nam giáp đất ông T được giao; phía Đông Nam giáp đường Đô Lương.

(Số diện tích, số tiền nêu trên đã được làm tròn) + Bà Mạc Thị K có trách nhiệm thanh toán lại giá trị cho ông Mạc Văn B số tiền 341.800.000 đồng.

(Có sơ đồ vẽ phân chia kèm theo).

Ông T, bà K tự liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo quy định.

Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền: Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Chi phí tố tụng: Chấp nhận sự tự nguyện của ông T về việc chịu cả chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 4.000.000 đồng (ông T đã nộp đủ).

5. Về án phí:

+ Ông T, ông H, bà M, bà Th và bà K được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

+ Ông B phải chịu 17.090.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Ông T tự nguyện chịu án phí thay bà Th1 nên phải nộp 17.090.000 đồng.

6. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Tải về
Bản án số 19/2023/DS-ST Bản án số 19/2023/DS-ST

Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!

Bản án/ Quyết định cùng đối tượng

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất