Bản án số 07/2019/HS-ST ngày 26/07/2019 của TAND huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang về tội vô ý gây thương tích
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- VB liên quan
- Lược đồ
- Đính chính
- Án lệ
- BA/QĐ cùng tội danh
- Tải về
-
Bản án số 07/2019/HS-ST
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!
Thuộc tính Bản án 07/2019/HS-ST
Tên Bản án: | Bản án số 07/2019/HS-ST ngày 26/07/2019 của TAND huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang về tội vô ý gây thương tích |
---|---|
Tội danh: | 108.Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hai sức khoẻ của người khác (Bộ luật hình sự năm 1999) |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Tòa án xét xử: | TAND huyện Gò Quao (TAND tỉnh Kiên Giang) |
Số hiệu: | 07/2019/HS-ST |
Loại văn bản: | Bản án |
Ngày ban hành: | 26/07/2019 |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Áp dụng án lệ: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Đính chính: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Thông tin về vụ án: |
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
Tải văn bản
TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN G, TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 07/2019/HS-ST NGÀY 26/07/2019 VỀ TỘI VÔ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 26 tháng 7 năm 2019, tại Phòng xử án Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 06/2019/TLST-HS, ngày 13 tháng 6 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 08/2019/QĐXXST-HS, ngày 11 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo:
Nguyễn Văn N1. Sinh năm: 1982 tại G - Kiên Giang. Nơi cư trú: Ấp T, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 1/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn V và bà Lê Thị N; có vợ tên Nguyễn Thị Ng và 02 con, lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2008; tiền án: không, tiền sự: không; nhân thân: tốt; bị cáo được cho tại ngoại, (có mặt)
- Bị hại: Ông Võ Văn N2, sinh năm 1971. Nơi cư trú: Ấp T, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang, (có mặt)
- Người đại diện hợp pháp của bị hại: Bà Tô Thị Kim T, sinh năm 1980. Nơi cư trú: Ấp T, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang, (có mặt)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Bà Nguyễn Thị Ng, sinh năm 1983. Nơi cư trú: Ấp T, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang, (có mặt)
- Người làm chứng:
1. Ông Tô Văn Đ (có mặt).
2. Bà Trần Thị N (vắng mặt).
3. Ông Cao Văn H (vắng mặt).
4. Bà Trần Thị T (vắng mặt).
5. Ông Ngô Văn B (vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Theo nội dung bản Cáo trạng số: 06/CT-VKS-TA ngày 12 tháng 6 năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang đã truy tố Nguyễn Văn N1 về hành vi vô ý gây thương tích như sau:
Khoảng 16 giờ ngày 23/10/2018, Nguyễn Văn N1 đến nhà ông Tô Văn Đ (Ba T) ngụ cùng ấp T, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang để uống rượu, ngoài ra có ông Bùi Văn D và ông Ngô Văn B cùng uống rượu, trong lúc uống rượu thì Nguyễn Văn N1 nghe nói việc anh Võ Văn N2, là con rể ông Đ có lời nói thiếu tôn trọng ông Đ, nên N1 có lớn tiếng chửi Võ Văn N2. Một lát sau, Võ Văn N2 có đến chỗ mọi người đang uống rượu và kêu ông Đ đi tìm cây dao (vì trước đó ông Đ lấy cây dao của Võ Văn N2 ném bỏ xuống sông). Lúc này, Nguyễn Văn N1 mới nói tao ném đó mày làm gì tao (thực tế Nguyễn Văn N1 không có ném) và có lời nói thách thức nên hai bên đã xảy ra cự cãi, xô đẩy ra đến lộ bê tông nông thôn. Hai bên có đẩy qua đẩy lại thì được mọi người can ngăn. Lúc này, Nguyễn Văn N1 đi đến cây còng ngay lộ bê tông nông thôn để lấy xe đi về thì anh Võ Văn N2 có đi theo, hai người đứng đối diện nhau đẩy qua, đẩy lại, Nguyễn Văn N1 đã dùng hai tay nắm vào hai tay Võ Văn N2 đẩy mạnh làm Võ Văn N2 té ngửa ra phía sau đập đầu xuống lộ bê tông phát ra tiếng động làm Võ Văn N2 nằm bất động. Thấy vậy, Nguyễn Văn N1 định bỏ về nhưng được bà Trần Thị N nói: “Xô người ta té rồi định bỏ đi hả?”, nên Nguyễn Văn N1 có quay lại cùng ông D đưa anh Võ Văn N2 vào nhà. Lập tức ông D dùng tay sờ vào phía sau đầu anh Võ Văn N2 thì thấy phía sau đầu sưng lên và có máu chảy ra. Đến khoảng 02 giờ ngày 24/10/2018, anh Võ Văn N2 được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, đến ngày 30/11/2018 thì ra viện.
Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 92/KL-PY, ngày 17/01/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận đối với anh Võ Văn N2 thì dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo mềm vùng đỉnh trái và sẹo phẫu thuật. Dập não xuất huyết thùy trán đỉnh hai bên, thái dương phải; Xuất huyết trong não thất bên; Xuất huyết khoang dưới nhện, tụ máu dưới màng cứng trán phải, được phẫu thuật gặm sọ lấy não dập và máu tụ. Hiện tại chưa lắp nắp sọ, chỗ khuyết sọ đáy phập phồng và còn ổ tổn thương nhu mô não vùng trán - thái dương hai bên. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 83% (Tám mươi ba phần trăm). Vật gây thương tích: Vật tày có cạnh. (BL 69-72).
Tại kết luận giám định pháp y tâm thần số 60/2019/KLGĐTC, ngày 16/4/2019 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ kết luận anh Võ Văn N2 về y học hiện tại: Đương sự có bệnh lý tâm thần: Hội chứng sau chấn động não, mức độ suy não chấn thương (F07.2 - ICD10). Về năng lực hiện tại: Đương sự hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bệnh lý tâm thần (BL 110-112).
Trong quá trình điều tra Nguyễn Văn N1 đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Đến ngày 22/01/2019, Năm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện G khởi tố và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:
- Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn N1 phạm Tội vô ý gây thương tích.
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 138, điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 36 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo mức án cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo do bị cáo có hoàn cảnh khó khăn.
- Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị áp dụng các điều 364, 584, 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015, buộc bị cáo bồi thường thiệt hại số tiền còn lại theo yêu cầu của đại diện bị hại.
- Về án phí: Buộc bị cáo chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa:
- Bị cáo thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát, chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt, xin lỗi bị hại.
- Người đại diện của bị hại yêu cầu bị cáo tiếp tục bồi thường thiệt hại số tiền còn lại bao gồm chi phí điều trị là 33.899.541 đồng, chi phí chuyển bệnh là 12.700.000 đồng, thu nhập thực tế bị mất của bị hại từ ngày 24/10/2018 - 11/6/2019 là 55.000.000 đồng, thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc (bà Trang) từ ngày 24/10/2018 - 11/6/2019 là 51.188.500 đồng, tổn thất tinh thần tương ứng với tỷ lệ thương tích 83% là 60.345.000 đồng. Tổng cộng các khoản là 213.133.055 đồng - 19.000.000 đồng (đã nhận bồi thường) = 194.133.055 đồng.
- Bị cáo đồng ý bồi thường theo yêu cầu của đại diện bị hại nêu trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa, bị cáo đã hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng đã nêu, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và còn được chứng minh qua các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và chứng minh tại phiên tòa, nên Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Khoảng 16 giờ ngày 23/10/2018, tại ấp T, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Văn N1 đã thực hiện hành vi dùng tay xô đẩy, vô ý gây thương tích cho anh Võ Văn N2. Theo Kết luận giám định pháp y về thương tích số 92/KL-PY, ngày 17/01/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Kiên Giang Kết luận đối với anh Võ Văn N2: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 83% (Tám mươi ba phần trăm). Hành vi của bị cáo Nguyễn Văn N1 đã cấu thành Tội vô ý gây thương tích được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 138 của Bộ luật Hình sự, cụ thể:
“1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%) trở lên”.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện G truy tố bị cáo về tội danh và điều khoản nêu trên là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
[2] Xét tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo: Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Bị cáo có đầy đủ năng lực nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Giữa bị cáo và bị hại hoàn toàn không có mâu thuẫn gì với nhau, nhưng bị cáo tự xen vào sự mâu thuẫn giữa bị hại và cha vợ bị hại, sau đó có lời lẽ thách thức và xô đẩy bị hại té ngã, gây ra thương tích cho bị hại đến 83%. Hành vi của bị cáo rất xem thường pháp luật và xem thường sức khỏe của người khác. Bị cáo phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 138 của Bộ luật Hình sự. Hành vi của bị cáo không những làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, mà còn gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
[3] Xét về nhân thân: Tài liệu về lý lịch thể hiện bị cáo có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự.
[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng nào. về các tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra, bị cáo đã bồi thường cho bị hại được một phần thiệt hại, số tiền là 19.000.000 đồng; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo đã thành khẩn khai báo hành vi vi phạm, tỏ ra biết ăn năn hối cải. Vì vậy, cần xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo được quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
[5] Về áp dụng hình phạt: Xét thấy cần áp dụng một mức hình phạt tương xứng với hành vi của bị cáo sao cho vừa đảm bảo tính giáo dục, vừa răn đe phòng ngừa chung, đảm bảo quyền được hưởng các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm là hoàn toàn có cơ sở chấp nhận và phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, xét thấy không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cũng đủ để cải tạo bị cáo thành công dân tốt, biết tôn trọng pháp luật, sống có ích cho gia đình và xã hội. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án. Qua xác minh thể hiện bị cáo làm nghề chăn bò, thu nhập thấp và không ổn định, nên Hội đồng xét xử miễn việc khấu trừ thu nhập cho bị cáo.
[6] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho bị hại được số tiền 19.000.000 đồng. Tại phiên tòa, đại diện bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bị hại các khoản tiền như: Chi phí điều trị theo hóa đơn chứng từ hợp lệ là 33.899.541 đồng; Chi phí các lần chuyển bệnh là 12.700.000 đồng; Thu nhập thực tế bị mất của bị hại (từ ngày 24/10/2018 - 11/6/2019): 220 ngày x 250.000 đồng/ngày = 55.000.000 đồng; Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bị hại là bà T (từ ngày 24/10/2018 - 11/6/2019): 220 ngày x 232.675 đồng/ngày = 51.188.500 đồng; Tiền tổn thất tinh thần theo mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng tương ứng tỷ lệ thương tích 83% quy định tại khoản 2 Điều 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (khoảng 40,5 lần mức lương cơ sở) là: 60.345.000 đồng. Tổng cộng các khoản là 213.133.041 đồng - 19.000.000 đồng (đã bồi thường) = 194.133.041 đồng. Đây đều là những khoản thiệt hại hợp lý cho việc cứu chữa, điều trị bệnh cho bị hại. Theo đại diện của bị hại, hiện nay bị hại vẫn phải tiếp tục điều trị và sắp tới phải thực hiện tiếp ca phẫu thuật liên quan hộp sọ. Qua động viên, phân tích của Hội đồng xét xử, bị cáo đồng ý bồi thường cho bị hại tổng số tiền còn lại là 194.133.041 đồng nên Hội đồng xét xử ghi nhận.
[7] Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 9.706.652 đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch trên số tiền phải bồi thường cho bị hại (194.133.041 đồng x 5%).
[8] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ vào:
- Điểm b khoản 2 Điều 138, điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 48, Điều 36 của Bộ luật Hình sự;
- Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Các điều 584, 585, 586, 590 của Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
1. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Văn N1 phạm “Tội vô ý gây thương tích”.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn N1 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Điều, huyện G, tỉnh Kiên Giang để giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án.
Trong thời gian chấp hành án, bị cáo phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ. Bị cáo được miễn việc khấu trừ thu nhập.
Trường hợp bị cáo không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.
2. Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận việc bị cáo đồng ý bồi thường thiệt hại cho bị hại số tiền còn lại là 194.133.041 đ (Một trăm chín mươi bốn triệu một trăm ba mươi ba nghìn không trăm bốn mươi mốt đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Về án phí: Buộc bị cáo nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 9.706.652đ (Chín triệu bảy trăm lẻ sáu nghìn sáu trăm năm mươi hai đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
4. Quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thi người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!