Bản án số 374/2020/DS-PT ngày 21/05/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng tín dụng và tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
- Thuộc tính
- Nội dung
- VB gốc
- VB liên quan
- Lược đồ
- Đính chính
- Án lệ
- BA/QĐ cùng nội dung
- Tải về
-
Bản án số 374/2020/DS-PT
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!
Thuộc tính Bản án 374/2020/DS-PT
Tên Bản án: | Bản án số 374/2020/DS-PT ngày 21/05/2020 của TAND TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng tín dụng và tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng |
---|---|
Quan hệ pháp luật: | Tranh chấp hợp đồng tín dụng |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Tòa án xét xử: | TAND TP. Hồ Chí Minh |
Số hiệu: | 374/2020/DS-PT |
Loại văn bản: | Bản án |
Ngày ban hành: | 21/05/2020 |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Áp dụng án lệ: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem áp dụng án lệ. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Đính chính: |
Đã biết
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để xem đính chính. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây! |
Thông tin về vụ/việc: | Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện |
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
Tải văn bản
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 374/2020/DS-PT NGÀY 21/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 21 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 566/2019/TLPT-DS ngày 05 tháng 12 năm 2019 về việc: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 342/2019/DS-ST ngày 10/09/2019 của Tòa án nhân dân Quận A bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2323/2020/QĐ-PT ngày 07 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Hoàng H1, sinh năm 1968 Địa chỉ: chung cư b, Phường c, quận x, Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt)
2. Bị đơn: Ngân hàng Z Địa chỉ: đường L, quận y, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Huỳnh Thị Ngọc H2 (Theo Giấy ủy quyền số LOA/02/168 ngày 21/01/2020 của Ngân hàng Z và Giấy ủy quyền số 2402/2020/GUQ-TONA ngày 24/02/2020 của Công ty luật TNHH Tonalegal) (có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Z: Luật sư Nguyễn Trọng T - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (có mặt) Cùng địa chỉ: phường N1, Quận a, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ngân hàng S.
Địa chỉ: đường T1, phường Đ, Quận a, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện hợp pháp:
- Bà Phạm Ngọc T1 (xin vắng mặt) - Bà Nguyễn Thị Ngọc T2 (xin vắng mặt) Án sơ thẩm do nguyên đơn kháng cáo.
NỘI DUNG VỤ ÁN:
Tại đơn khởi kiện và trong quá trình tham gia tố tụng nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1 trình bày:
Ngày 10/3/2015 ông có ký Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z kiêm Hợp đồng với Ngân hàng Z (sau đây gọi là Ngân hàng Z) vay tiêu dùng tín chấp trả góp hàng tháng, số tiền đề nghị vay 40.000.000 đồng, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 22%/ năm, mỗi tháng thanh toán 1.112.218 đồng, trả nợ định kỳ vào ngày 17 hàng tháng. Tuy nhiên, ngày 18/3/2015 Ngân hàng Z chỉ giải ngân cho ông H1 số tiền trên 39.400.000 đồng.
Ông nhận thấy Ngân hàng Z giải ngân cho ông thiếu, nhưng tại thời điểm đó ông không hỏi lại vì nghĩ Ngân hàng Z giữ lại số tiền này trong tài khoản. Đến khi ông khởi kiện thì Ngân hàng Z mới lý giải là phí xử lý giao dịch, lý giải này là không phù hợp vì trong Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z kiêm hợp đồng tín dụng không ghi phí xử lý giao dịch.
Ông nhận thấy “Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z kiêm hợp đồng” là bản mẫu in sẵn của Ngân hàng Z, tài liệu này chưa đủ là một hợp đồng tín dụng vì không có những nội dung cơ bản của hợp đồng tín dụng như: tên, chữ ký, con dấu, không rõ số tiền cho vay, thời hạn vay, lãi suất, phí. Ngân hàng Z cũng không cung cấp cho ông một bản hợp đồng sau khi ký vay, bản “Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z kiêm hợp đồng” mà ông nộp cho Tòa án là bản do Ngân hàng Z gửi qua email sau khi ông nhiều lần yêu cầu. Hợp đồng này có font chữ nhỏ, nhiều chi tiết, không thể đọc hết vào thời điểm ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, ông xác nhận bản hợp đồng ông đã ký với Ngân hàng Z và giao nộp cho Tòa án có nội dung với hợp đồng tín dụng do Ngân hàng Z giao nộp cho Tòa án.
Vào thời gian từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2016, ông bị khó khăn về tài chính nên không thể thanh toán số nợ đúng hạn. Nhân viên Ngân hàng Z liên tục gọi điện yêu cầu ông thanh toán, mang tính chất khủng bố qua điện thoại, tin nhắn, email… Điều đó khiến tâm lý ông không tốt, không dám nghe điện thoại.
Bản thân ông là Đảng viên giữ chức vụ Trưởng ban kiểm soát tại Công ty Giám định N, ông cũng là cán bộ được quy hoạch vào vị trí cao hơn như Chủ tịch Hội đồng quản trị và có chiều hướng bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Tổng Công ty. Công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo ở Công ty theo chế độ bầu cử, ngoài tiêu chuẩn về trình độ năng lực còn xét đến tiêu chuẩn về uy tín, dư luận, lấy ý kiến thăm dò của tập thể lãnh đạo, của Ban chấp hành Đảng ủy… Đây là công việc nội bộ, không công bố công khai rộng rãi. Do vậy, việc Ngân hàng Z gửi Công văn số 642/2015/CV-ANZVietnam ngày 23/6/2016 đến Công ty Cổ phần thông báo các khoản vay tiêu dùng của ông và đề nghị Công ty hỗ trợ trích tiền lương của ông để trừ nợ. Mặc dù, Công ty không thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Z nhưng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ông, tạo dư luận không tốt về ông nhất là trong thời điểm nhạy cảm về bổ nhiệm cán bộ. Đây là thủ đoạn ác ý làm ông mất uy tín với Công ty, gây sức ép tinh thần để ông phải thanh toán tiền cho Ngân hàng, cũng là nguyên nhân chính làm ông không được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị vào thời điểm cuối năm 2016, khiến ông mất danh dự, uy tín, mất cơ hội thăng tiến, dẫn đến việc mất thu nhập. Ngân hàng Z đã vi phạm khoản Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng về việc bảo mật thông tin.
Hiện nay mức lương của ông từ 19.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng/tháng, lương Chủ tịch hội đồng Quản trị từ 33.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng/tháng. Như vậy, tính chênh lệch lương ở vị trí ông so với vị trí được bổ nhiệm sẽ là 10.000.000 đến 15.000.000 đồng/tháng với nhiệm kỳ là 5 năm thì số tiền thiệt hại là: 5 năm x 12 tháng x (10.000.000 đến 15.000.000 đồng/tháng) = 600.000.000 đến 900.000.000 đồng. Ông chỉ yêu cầu Ngân hàng Z bồi thường 200.000.000 đồng là hợp lý vì nó chỉ bằng 25-30% số tiền thiệt hại.
Ngoài ra, trong hợp đồng tín dụng giữa ông với Ngân hàng Z, Ngân hàng Z đã áp dụng mức lãi suất 22%/năm. Mức lãi này vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo quy định của pháp luật. Do đó, lãi suất khoản vay của ông chỉ được áp dụng tối đa là 13,5%/ năm.
Nay ông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Ngân hàng Z có trách nhiệm:
- Hoàn trả số tiền 600.000 đồng (sáu trăm nghìn) đồng.
- Bồi thường thiệt hại số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng.
- Tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng ngày 10/3/2015 giữa ông với Ngân hàng Z.
Bị đơn Ngân hàng Z có bà Trương Cẩm Hà đại diện hợp pháp trình bày: Khoản tiền 600.000 đồng ông H1 cho rằng Ngân hàng giải ngân cho ông thiếu là phí xử lý giao dịch. Ngân hàng Z đã khấu trừ khoản phí xử lý giao dịch vào số tiền trong tài khoản của ông H1 được quy định tại mục 8 Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z kiêm hợp đồng ký ngày 10/3/2015 và khoản 3.4 Điều 3, Điều 6 của các điều khoản và điều kiện cho vay cá nhân đính kèm Giấy đề nghị ngày 10/3/2015. Tại thời điểm Ngân hàng Z giải ngân tiền vay và trừ phí xử lý giao dịch, ông H1 không thắc mắc, khiếu nại gì.
Do ông H1 vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng Z. Từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2016, Ngân hàng đã liên tục liên lạc với ông H1 nhưng ông H1 không trả lời. Ngày 10/5/2016, Ngân hàng Z đã gửi thư cảnh báo tình trạng quá hạn, nhưng ông H1 không phản hồi. Ngày 21/6/2016, Ngân hàng Z gọi điện cho ông H1 để yêu cầu thanh toán nợ quá hạn, nhưng ông H1 không trả lời điện thoại. Do đó, ngày 11/7/2016, Ngân hàng Z đã gửi Công văn số 642/2015/CV- ANZVietnam ngày 23/6/2016 đến Công ty Cổ phần Giám định N (sau đây gọi là Công ty) yêu cầu hỗ trợ thu hồi nợ của ông H1.
Việc Ngân hàng Z gửi công văn đề nghị Công ty hỗ trợ, đôn đốc ông H1 thanh toán là phù hợp với thỏa thuận tại khoản a Điều 4 của Hợp đồng. Ông H1 đã trễ hạn thanh toán từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016, vì vậy Ngân hàng Z có quyền thực hiện hành động và công việc để thu hồi khoản nợ theo quy định trong hợp đồng. Ngoài ra khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng cho phép Ngân hàng Z được quyền cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch khi được khách hàng chấp nhận. Thực tế ông H1 đã chấp thuận cho Ngân hàng Z tiết lộ khoản vay cho bên thứ 3 theo Điều 11 của Hợp đồng.
Do đó, Ngân hàng không có hành vi vi phạm hợp đồng. Ông H1 không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc Ngân hàng gửi công văn đến Công ty ông H1 làm ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến và thu nhập của ông H1. Không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Thời điểm ông H1 vay, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận theo Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010, sau đó thay thế bằng Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 cho phép các tổ chức tín dụng được thỏa thuận về lãi suất với khách hàng.
Từ ngày 15/12/2017, Ngân hàng Z đã chuyển mảng kinh doanh bán lẻ cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam trong đó có khoản vay của ông H1, với dư nợ gốc là 13.086.575 đồng. Sau khi khoản vay được chuyển giao, ông H1 đã thanh toán cho Ngân hàng Shinhan toàn bộ dư nợ gốc và tất toán vào ngày 15/11/2018. Ngân hàng Shinhan chỉ thu hồi nợ gốc đối với ông H1 mà không tính thêm bất kỳ lãi và phí nào khác.
Do đó, Ngân hàng Z không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 342/2019/DS-ST ngày 10/9/2019, Tòa án nhân dân Quận a, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1 về việc buộc bị đơn Ngân hàng Z có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 600.000 (sáu trăm ngàn) đồng; Bồi thường thiệt hại số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng. Yêu cầu Tòa tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng vay tiêu dùng giữa ông Nguyễn Hoàng H1 và Ngân hàng Z áp dụng lãi suất khoản vay là 13.5%/năm.
2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1 về việc buộc bị đơn Ngân hàng Z có trách nhiệm: Có công văn (hoặc thư xin lỗi) gửi tới địa chỉ nhà ông Nguyễn Hoàng H1 vì đã tiết lộ thông tin khoản vay tiêu dùng cá nhân với người thân của ông Nguyễn Hoàng H1; Yêu cầu thực hiện việc bù trừ mức chênh lệch dư nợ tính đến ngày 16/6/2017 do cách tính lãi suất 22%/năm và cách tính lãi suất 13.5%/năm là 11.003.647 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo.
Án sơ thẩm do nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1 kháng cáo. Nội dung đơn kháng cáo: Ông H1 kháng cáo Bản án sơ thẩm số 342/2019/DS-ST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận a yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung Bản án số 342/2019/DS-ST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận a.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự có ý kiến:
Nguyên đơn ông H1 trình bày: Ông H1 vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo. Ông H1 yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung bản án vì cấp sơ thẩm chưa xem xét toàn diện nội dung, các tình tiết cũng như tính chất của vụ án.
Bà Huỳnh Thị Ngọc H2 đại diện hợp pháp của bị đơn Ngân hàng Z: Đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phần tranh luận của phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn kháng cáo - ông Nguyễn Hoàng H1 trình bày:
Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa xem xét rõ điều kiện ông có thuộc đối tượng phải nộp phí giao dịch hay không và chứng từ thể hiện Ngân hàng Z đã thu 600.000 đồng của ông.
Công văn số 642/2015/CV-ANZVietnam ngày 23/6/2016 của Ngân hàng Z đến Công ty ông rõ ràng đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và thiệt hại về vật chất của ông.
Ông vẫn giữ yêu cầu Tòa tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng vay tiêu dùng giữa ông và Ngân hàng TNHH Z nhưng ông không có ý kiến tranh luận.
Tại phần tranh luận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Ngân hàng Z trình bày:
- Đối với yêu cầu buộc Ngân hàng Z hoàn trả số tiền 600.000 đồng (sáu trăm nghìn) đồng:
Ngày 18/3/2015, ngân hàng giải ngân đầy đủ 40.000.000 đồng vào tài khoản của ông H1 và sau đó mới khấu trừ 600.000 đồng phí xử lý giao dịch nên số tiền ông H1 nhận được là 39.400.000 đồng hoàn toàn phù hợp với quy định và sự đồng ý của ông H1 khi ký kết hợp đồng tín dụng với Z. Đồng thời, tại thời điểm đó ông H1 không có bất kỳ khiếu nại gì về số tiền 600.000 đồng này. Do đó, Z không đồng ý trả lại cho ông H1 số tiền là 600.000 đồng theo yêu cầu của ông H1.
- Yêu cầu buộc Ngân hàng Z bồi thường thiệt hại số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng:
Ông H1 đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng từ tháng 10/2015 cho đến tháng 5/2016 là 09 lần. Do đó, căn cứ Điều 11 của hợp đồng tín dụng, việc Z gửi Công văn số 642/2015/CV-Z ngày 23/6/2016 đến Công ty N để yêu cầu hỗ trợ, đôn đốc ông H1 thanh toán nợ gốc và nợ lãi cho Z là hoàn toàn phù hợp với tinh thần tại khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Đồng thời, tại Công văn số 178/EIC-HAD ngày 05/10/2017 và Công văn số 200/CV-EIC ngày 23/7/2018 của N không có trả lời nào rõ ràng, cụ thể việc ông H1 không được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị do ảnh hưởng của công văn 642/2015/CV-Z và chính ông H1 cũng xác nhận không có tài liệu, văn bản nào của N nói rõ việc này. Công văn số 200/CV-EIC ngày 23/7/2018 của N cũng thể hiện thời điểm bổ nhiệm và có nghị quyết thông qua việc thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị của N diễn ra trước thời điểm Z gửi công văn 642/2015/CV-Z ngày 23/6/2016 đến N.
Do đó, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gửi công văn 642/2015/CV-Z ngày 23/6/2016 của Z và việc ông H1 không được bầu vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Chính vì thế, Z không đồng ý bồi thường thiệt hại khoản tiền 200 triệu đồng theo yêu cầu của ông H1.
- Về yêu cầu Tòa tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng ngày 10/3/2015 giữa ông với Ngân hàng Z:
Tại Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z kiêm hợp đồng giữa Z và ông H1 có thỏa thuận lãi suất vay là 22%/năm. Mức lãi suất này là do hai bên tự thỏa thuận và tự nguyện ký kết vào hợp đồng tín dụng, mức lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm hai bên ký kết hợp đồng, không vi phạm điều cấm của luật. Do đó, nội dung về lãi suất 22%/năm trong hợp đồng tín dụng giữa Z và ông H1 có hiệu lực pháp luật và ông H1 phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng thỏa thuận này.
Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của nguyên đơn trong đơn kháng cáo vì hoàn toàn không có căn cứ pháp lý, y án toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm số 342/2019/DS-ST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận a, thành phố Hồ Chí Minh.
- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
* Về việc tuân theo pháp luật:
Thẩm phán, Hội đồng xét xử, đương sự và người tham gia tố tụng khác đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình thụ lý phúc thẩm và xét xử. Về phía các đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền của mình theo Bộ luật Tố tụng dân sự quy định.
* Về tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo:
Ngày 10/9/2019, Tòa án nhân dân Quận a xét xử và tuyên Bản án số 342/2019/DS-ST, ngày 23/9/2019, ông H1 có đơn kháng cáo. Căn cứ Điều 272, khoản 1 Điều 273, Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, kháng cáo của ông H1 còn trong hạn luật định.
* Về nội dung:
Về quan hệ tranh chấp: Ngoài những yêu cầu liên quan đến Hợp đồng tín dụng ngày 10/3/2015, nguyên đơn còn có yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại số tiền 200.000.000 đồng vì đã gửi Công văn số 642/2015/CV-ANZVietnam ngày 23/6/2016 đến nơi nguyên đơn đang làm việc gây thiệt hại đến thu nhập của nguyên đơn và đã nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu này. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” là chưa đầy đủ nên tại cấp phúc thẩm cần bổ sung cho phù hợp.
* Về yêu cầu của người khởi kiện:
- Về yêu cầu bị đơn hoàn trả lại số tiền 600.000 đồng:
Đối chiếu thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng tín dụng tại mục 8 Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z, khoản 3.4 Điều 3, khoản 6.2 Điều 6 Các điều khoản và điều kiện cho vay cá nhân của Z với quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, việc bị đơn thu phí xử lý giao dịch 600.000 đồng đối với khoản vay của nguyên đơn là phù hợp với thỏa thuận tự nguyện giữa nguyên đơn và Ngân hàng Z và không trái quy định của pháp luật. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn hoàn trả lại số tiền 600.000 đồng là không có cơ sở chấp nhận.
- Về yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại số tiền 200.000.000 đồng:
Nguyên đơn thừa nhận từ tháng 3 đến tháng 10/2016 ông gặp khó khăn về tài chính nên không thể thanh toán số tiền nợ đúng hạn. Do đó, căn cứ điều 11 của hợp đồng tín dụng và khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 việc nguyên đơn cho rằng bị đơn gửi Công văn 642/2015/CV-ANZVietnam đến nơi nguyên đơn đang làm việc đã vi phạm việc bảo mật thông tin, trái đạo đức xã hội và làm tổn hại uy tín khách hàng là không có cơ sở.
Nguyên đơn cũng xác định công tác quy hoạch, bổ nhiệm là vấn đề nhạy cảm nên không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh việc bị đơn gửi Công văn 642/2015/CV-ANZVietnam đến nơi nguyên đơn đang làm việc làm nguyên đơn không được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, dẫn đến bị thiệt hại thu nhập hàng tháng của nguyên đơn.
Việc bị đơn gửi Công văn 642/2015/CV-ANZVietnam đến nơi nguyên đơn đang làm việc không vi phạm pháp luật; nguyên đơn không chứng minh được đã bị thiệt hại 200.000.000 đồng từ việc bị đơn gửi Công văn 642/2015/CV-ANZVietnam; không có mối quan hệ nhân quả giữa việc bị đơn gửi Công văn 642/2015/CV-ANZVietnam với việc nguyên đơn không được bầu vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại là không có cơ sở chấp nhận.
- Về yêu cầu Tòa tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng ngày 10/3/2015 giữa ông với Ngân hàng Z:
Đối chiếu thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng tín dụng với quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt; Điều 1 Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 14/4/2010 thì vào thời điểm xác lập hợp đồng tín dụng lãi suất 22%/năm là hoàn toàn phù hợp. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu là không có cơ sở chấp nhận.
Bởi các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử:
- Bổ sung quan hệ pháp luật “Tranh chấp bồi thường thiệt hại” vào vụ án.
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1.
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 342/2019/DS-ST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận a, Thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Xét tính hình thức của kháng cáo: Người kháng cáo có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Hình thức và nội dung đơn kháng cáo đúng quy đinh tại Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Kháng cáo trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về quan hệ tranh chấp: Cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận thấy Tòa cấp sơ thẩm đã thụ lý và giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn. Do đó, cần bổ sung quan hệ tranh chấp của vụ án là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
[3] Về tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam có đơn xin xét xử vắng mặt. Cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp với quy định tại Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[4] Về nội dung kháng cáo:
[4.1] Xét yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu bị đơn hoàn trả 600.000 (sáu trăm ngàn) đồng:
Tại mục 8 Giấy đề nghị cấp vay tiêu dùng Z kiêm hợp đồng ký ngày 10/3/2015 có nội dung: “Bằng việc ký vào đơn này tôi xác nhận rằng tôi đã đọc, hiểu và chấp nhận bị ràng huộc bởi Các điều kiện và khoản điều chỉnh khoản vay tiêu dùng của Z”.
Tại khoản 3.4 Điều 3 của các điều khoản và điều kiện cho vay cá nhân đính kèm cũng thể hiện: “Ngân hàng cho phép toàn quyền áp dụng khoản thanh toán bất kỳ của bên vay đối với việc thanh toán các loại phí, chi phí nợ lãi, nợ gốc đến hạn theo bất kỳ thứ tự nào mà Ngân hàng thấy thích hợp” Tại khoản 6.2 Điều 6 của các điều khoản và điều kiện cho vay cá nhân của Z cũng quy định: “ Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng, Z có thể thu phí xử lý giao dịch là 600.000 đồng đối với từng khoản vay được chấp thuận theo toàn quyền quyết định của Z. Phí này sẽ được khấu trừ từ tài khoản sau khi khoản vay được giải ngân vào tài khoản”.
Căn cứ khoản 2 Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Đối chiếu với các thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng tín dụng và quy định của pháp luật thì việc Ngân hàng Z thu phí xử lý giao dịch 600.000 đồng đối với khoản vay của ông H1 là phù hợp. Do đó, không có cơ sở xác định Ngân hàng Z đã giải ngân thiếu số tiền 600.000 đồng.
Từ những nhận định trên, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông H1 buộc bị đơn phải trả lại số tiền 600.000 đồng là có cơ sở.
[4.2] Xét yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng:
Tại Điều 11 của Hợp đồng tín dụng thể hiện “(vii) trong trường hợp xảy ra một sự kiện vi phạm như được xác định tại hợp đồng vay, bất kỳ chủ nợ, bên thứ ba nào khác của bên vay mà Z có thể thảo luận với họ về việc cơ cấu lại nợ chưa thanh toán hoặc để xử lý khoản vay mà bên vay còn nợ Z”.
Công văn số 178/EIC-HAD ngày 05/10/2017 của Công ty thể hiện:
- Thời điểm Công ty N nhận được công văn từ ZVietnam, công văn được xử lý theo quy trình văn bản đến Công ty N và có gửi cho ông H1, xét thấy đây là việc mang tính chất cá nhân nên để ông H1 tự xử lý.
- Chủ tịch đương nhiệm của Công ty N được bổ nhiệm đầu năm 2016, nhiệm kỳ 5 năm và đã được Tập đoàn Dầu khí thông qua.
- Ông Nguyễn Hoàng H1 được quy hoạch chức danh thành viên Hội đồng quản trị của Công ty N giai đoạn 2021 tại Quyết định số 567/QĐ-PVEIC ngày 19/9/2017.
Tại Công văn số 200/CV-EIC ngày 23/7/2018 của Công ty có nội dung thể hiện:
- Ngày 30/11/2015 Đại Hội cổ đông Công ty N có Nghị quyết thông qua việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty N do thành viên cũ xin từ nhiệm.
- Việc đề cử thành viên Hội đồng quản trị của Công ty N là do các cổ đông Hội đồng quản trị Công ty N đề cử và tiến hành bầu. Việc bổ nhiệm không thuộc thẩm quyền của giám đốc. Ông H1 không được bổ nhiệm vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị có phải do ảnh hưởng của công văn 642/2015/CV- ANZVietnam hay không giám đốc Công ty không xác định được.
Nguyên đơn ông H1 thừa nhận ông gặp khó khăn về tài chính, thể hiện ông H1 đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với Ngân hàng Z. Do đó, Ngân hàng đã gửi công văn 642/2015/CV-ANZVietnam ngày 23/6/2016 đến Công ty với nội dung đề nghị hỗ trợ trích thu nhập từ lương của ông Nguyễn Hoàng H1 là không vi phạm thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Việc bầu cử Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty N và Chủ tịch đương nhiệm của Công ty được thực hiện đầu năm 2016, tức là trước thời điểm Ngân hàng Z gửi công văn 642/2015/CV-ANZVietnam. Ngoài ra, ông H1 cũng không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh việc ông không được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty N là do ảnh hưởng của công văn 642/2015/CV- ANZVietnam. Do đó, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gửi công văn 642/2015/CV-ANZVietnam của Ngân hàng Z với việc ông H1 không được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty N. Vì vậy, không có cơ sở xác định ông H1 bị thiệt hại số tiền 200.000 000 (hai trăm triệu) đồng dựa trên cơ sở chênh lệch mức lương của ông H1 và mức lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Từ những nhận trên, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông H1 là có căn cứ.
[4.3] Xét yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu Tòa tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng ngày 10/3/2015 giữa ông với Ngân hàng Z:
Giấy đề nghị vay tiêu dùng Z kiêm hợp đồng giữa ông H1 và Ngân hàng Z có mức lãi suất thỏa thuận là 22%/năm. Mức lãi suất này do hai bên thỏa thuận và tự nguyện ký hợp đồng.
Theo Điều 7 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm hợp đồng:
“1. Lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất.
2. Khi giải quyết Tranh chấp hợp đồng tín dụng, Tòa án áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Dân sự 2015 để xác định lãi, lãi suất”.
Tại khoản 2 Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:
“Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cáp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ Điều 1 Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 14/4/2010: “Tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đấu tư phát triển và đời sống có hiệu quả”.
Giữa ông H1 và Ngân hàng Z cũng không có thỏa thuận nào khác về mức lãi suất áp dụng đối với khoản vay.
Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu Tòa tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng ngày 10/3/2015 giữa ông với Ngân hàng Z là có căn cứ.
[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bác yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Hoàng H1 và giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm. Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TNHH MTV Z Việt Nam đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của ông H1, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Xét lời đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TNHH MTV Z Việt Nam là có cơ sở nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
Đối với quan hệ tranh chấp, cấp sơ thẩm có thiếu sót trong phần xác định quan hệ tranh chấp. Tuy nhiên, không làm ảnh hưởng đến tính chất, nội dung vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy chỉ cần bổ sung quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Từ những nhận định trên, nhận thấy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Hoàng H1, nghĩ cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Những nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật.
Về án phí phúc thẩm: do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên đương sự kháng cáo phải nộp án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH:
- Căn cứ Khoản 1 Điều 148, Khoản 1 Điều 308 Bô luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung 2017);
- Luật Thi hành án dân sự;
- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;
- Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 14/4/2010
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1 2. Giữ nguyên bản án sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1 về việc buộc bị đơn Ngân hàng Z có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 600.000 (sáu trăm ngàn) đồng; Bồi thường thiệt hại số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng. Yêu cầu Tòa tuyên bố vô hiệu đối với điều khoản về lãi suất cho vay 22%/năm trong hợp đồng tín dụng vay tiêu dùng giữa ông Nguyễn Hoàng H1 và Ngân hàng Z áp dụng lãi suất khoản vay là 13.5%/ năm.
3. Về án phí:
Án phí dân sự sơ thẩm: 10.600.000 (mười triệu sáu trăm ngàn) đồng ông Nguyễn Hoàng H1 phải chịu, nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 875.091 (tám trăm bảy mươi lăm ngàn không trăm chín mươi mốt) đồng bao gồm: số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai số 0019332 ngày 03/4/2017; số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai số 0019334 ngày 03/4/2017 và số tiền 275.091 (hai trăm bảy mươi lăm ngàn không trăm chín mươi mốt) đồng theo biên lai số 0019851 ngày 13/7/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận a. Ông Nguyễn Hoàng H1 phải nộp thêm số tiền 9.724.909 (chín triệu, bảy trăm hai mươi bốn ngàn, chín trăm lẻ chín) đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn ông Nguyễn Hoàng H1 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được cấn trừ vào số tiền 300.000 ( ba trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0005116 ngày 23/9/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận a. Ông Nguyễn Hoàng H1 đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự
Quý khách vui lòng Đăng nhập tài khoản để tải file. Nếu chưa có tài khoản, Quý khách vui lòng đăng ký tại đây!