[Năm 2024] Tài sản nào bắt buộc phải đăng ký?

Tài sản là một phần không thể thiếu đối với mỗi chúng ta. Để được công nhận là chủ sở hữu của tài sản chúng ta phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy những tài sản nào bắt buộc phải đăng ký?


1. Tài sản là gì? Gồm những loại nào?

Tài sản là khái niệm gồm vật, tiền, quyền tài sản và giấy tờ có giá theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong đó, Bộ luật Dân sự phân tài sản thành hai loại là bất động sản và động sản. Hai loại này có thể là tài sản hiện có hoặc là tài sản sẽ được hình thành trong tương lai. Trong đó:

- Bất động sản là những loại tài sản gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; tài sản khác… Ví dụ như nhà ở, đất ở…

- Động sản là những loại tài sản không phải bất động sản. Ví dụ như ô tô, máy tính, điện thoại…

- Tài sản hiện có: Ô tô, xe máy, sổ tiết kiệm…

- Tài sản hình thành trong tương lai: Nhà chung cư trong khu dự án đang xây dựng hoặc chưa được bàn giao cho chủ sở hữu, nhà đang xây…

2. Tài sản nào bắt buộc phải đăng ký?

2.1 Tài sản là bất động sản

Về việc đăng ký tài sản, Điều 106 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, những tài sản phải đăng ký gồm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản.

Như vậy, đối với các tài sản là bất động sản, Nhà nước quy định bắt buộc phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Những tài sản đó bao gồm:

- Đất đai.

- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai.

- Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng.

- Tài sản khác.

Đồng thời, khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai nêu rõ, đăng ký đất đai là bắt buộc với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý. Việc đăng ký quyền sở hữu bất động sản thường được thể hiện thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Những tài sản nào bắt buộc phải đăng ký?
Những tài sản nào bắt buộc phải đăng ký? (Ảnh minh họa)

2.2 Tài sản là động sản

Ngược lại với việc bất động sản bắt buộc phải đăng ký thì những tài sản là động sản theo khoản 2 Điều 106 Bộ luật Dân sự, động sản là loại tài sản không phải đăng ký trừ một số trường hợp đặc biệt dưới đây:

Tàu biển: Có ba loại tàu biển dưới đây bắt buộc phải đăng ký vào sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam gồm:

- Tàu biển có động cơ tổng công suất máy chính từ 75KW trở lên.

- Tàu biển không có động cơ nhưng có tổng dung tích từ 50GT trở lên hoặc có tải trọng từ 100 tấn trở lên hoặc có chiều dài đường nước thiết kế từ 20m trở lên.

- Tàu biển nhỏ hơn các loại ở trên nhưng hoạt động ở tuyến nước ngoài.

(Căn cứ Điều 19 Bộ luật Hàng hải năm 2015)

Phương tiện nội thuỷ: Một trong những điều kiện để hoạt động của phương tiện nội thuỷ không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn hoặc có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa hoặc có sức chở trên 12 người hoạt động nội thuỷ là có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa.

(Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 sửa đổi bổ sung năm 2014)

Tàu cá: Căn cứ Điều 13 Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNTĐiều 67 Luật Thuỷ sản năm 2017, tàu cá bắt buộc phải đăng ký gồm:

- Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên. Nếu dưới 12 mét thì phải lắp đặt trang thiết bị an toàn khi hoạt động.

- Tàu công vụ thuỷ sản phải đăng kiểm.

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Ô tô, xe máy): Một trong những giấy tở cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra người đi đường là giấy đăng ký xe (theo điểm a khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA).

Do đó, khi tham gia giao thông, bắt buộc người lái xe phải có đăng ký xe. Như vậy, ô tô, xe máy nói riêng, các phương tiện giao thông đường bộ nói chung phải được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tàu bay: Để tàu bay được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam thì phải có giấy từo hợp pháp chứng minh về quyền sở hữu tàu bay.

Đồng thời, các quyền với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải được đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 68/2015/NĐ-CP).

Phương tiện giao thông đường sắt: Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 14/2023/TT-BGTVT, các phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước trước khi đưa vào chạy trên đường sắt thì phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.

- Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ: Khoản 6 Điều 4 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nêu rõ:

Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận.

Do đó, phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền khi muốn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Trên đây là giải đáp chi tiết về câu hỏi: Tài sản nào bắt buộc phải đăng ký? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục