Quá hạn đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh, bị phạt không?

Bên cạnh việc đăng ký khai sinh thì chuyện đăng ký thường trú cho con cũng là vấn đề được rất nhiều cha, mẹ quan tâm. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp vì lý do nào đó, cha mẹ đăng ký thường trú muộn cho con. Vậy trường hợp này có bị phạt không? Thủ tục đăng ký thường trú cho con được thực hiện thế nào?


1. Đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh muộn, có bị phạt?

Trước đây, theo quy định tại Luật Cư trú cũ và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 31/2014/NĐ-CP (từ ngày 01/7/2021 đã hết hiệu lực) có quy định về thời hạn đăng ký thường trú của trẻ em là 60 ngày kể từ ngày trẻ được đăng ký khai sinh.

Trong đó, thời hạn đăng ký khai sinh là trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh con theo khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014.

Như vậy, theo quy định trên, sau khi sinh con, trong thời gian 120 ngày, cha mẹ hoặc người có trách nhiệm phải thực hiện đăng ký thường trú cho trẻ em mới sinh.

Sau khi Nghị định này hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 62/2021/NĐ-CP thì thời hạn đăng ký thường trú không còn được quy định. Không chỉ vậy, theo Luật Cư trú 2020 và các văn bản hướng dẫn cũng không còn quy định về thời hạn đăng ký thường trú của trẻ mới sinh.

Tuy nhiên, mặc dù không quy định thời hạn cho trẻ nhưng theo khoản 6 Điều 19 Luật Cư trú, khi có đủ điều kiện, người dân phải làm thủ tục đăng ký thường trú. Do đó, mặc dù không còn quy định thời hạn bắt buộc trẻ phải đăng ký thường trú sau khi sinh ra nhưng khi có đủ điều kiện đăng ký thường trú mà không thực hiện thì cha, mẹ có thể sẽ bị phạt.

Theo đó, mức phạt được quy định cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức tiền phạt là 500.000 - 01 triệu đồng.

Đồng thời, do đăng ký thường trú vừa là quyền vừa là trách nhiệm của mỗi công dân, nên khi trẻ em được sinh ra, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho trẻ, người có trách nhiệm nên thực hiện đăng ký thường trú sớm cho trẻ.

dang ky thuong tru cho tre moi sinh the nao


2. Thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh

Trẻ em mới sinh là đối tượng đặc biệt nên có thể đăng ký thường trú theo cách thông thường đang áp dụng cho mọi công dân đủ điều kiện đăng ký thường trú hoặc đăng ký thường trú kết hợp với đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc đăng ký online. Dưới đây là chi tiết các loại thủ tục này.

2.1 Đăng ký thông thường

Thủ tục đăng ký khai sinh cho công dân được thực hiện theo Điều 21, Điều 22 Luật Cư trú năm 2020 như sau:

2.1.1 Hồ sơ

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú có đầy đủ chữ ký của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp.

- Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ con: Giấy khai sinh, chứng nhận/quyết định nuôi con, quyết định nhận cha mẹ con…

2.1.2 Cơ quan giải quyết

Công an cấp xã nơi trẻ cư trú (thường trú + tạm trú).

2.1.3 Thời gian giải quyết

07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Cơ quan công an sẽ tiến hành các công việc:

- Thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú của trẻ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

- Thông báo về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú cho cha, mẹ của trẻ.

Nếu từ chối, cơ quan công an cũng sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao.

2.2 Đăng ký liên thông với khai sinh, cấp BHYT

Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT

2.2.1 Hồ sơ

- Tờ khai đăng ký khai sinh

- Giấy chứng sinh

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu có sự đồng ý của chủ hộ, người sở hữu nhà ở

- Sổ hộ khẩu của cha, mẹ (nếu có)

- Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế

2.2.2 Cơ quan nhận hồ sơ

Cha, mẹ sẽ nộp hồ sơ cho con tại Uỷ ban nhân dân cấp xã. Sau đó, cơ quan này sẽ chuyển cho cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện và cơ quan công an để đăng ký cả ba thủ tục này cho trẻ.

2.2.3 Thời gian giải quyết

- Cấp giấy khai sinh trong ngày cho trẻ.

- Đăng ký thường trú trong thời hạn 07 ngày.

- Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ trong thời hạn 10 ngày.

Trên đây là quy định về việc đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh thế nào theo quy định mới nhất. Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục