'Chặt chém' du khách dịp Tết bị phạt như thế nào?

Nạn “chặt chém” hàng hóa, dịch vụ diễn ra phổ biến, đặc biệt vào những dịp Tết, lễ hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, lượng du khách đổ về các điểm thăm quan, du lịch lại càng tăng cao. Đây cũng là “mùa làm ăn” của nhiều dịch vụ kinh doanh như: trông giữ xe, ăn uống, mua bán hàng hóa, cho thuê phương tiện…

chặt chém du khách dịp tết

Mùa lễ hội cũng là mùa chặt chém du khách (Hình ảnh minh họa)

Trên thực tế, vào thời điểm này, giá của các loại hàng hóa, dịch vụ thường có xu hướng tăng gấp 2, gấp 3 thậm chí gấp 5 so với thời điểm ngày thường. Những bát phở trị giá hàng trăm nghìn đồng không phải là chuyện hiếm trong mùa lễ hội. Xét ở khía cạnh pháp luật, đây là hành vi vi phạm quy định về giá.

Theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP), các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Cũng theo Nghị định trên, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.

Về xử lý vi phạm đối với những vi phạm về giá, Nghị định 109/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP) có quy định cụ thể như sau:

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ:

1. Phạt tiền từ 500.000  - 01 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

- Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

- Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;

- Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

3. Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

chặt chém du khách

Trông giữ xe là dịch vụ thường xuyên bị chặt chém (Hình ảnh minh họa)

Trong khi đó, theo Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tăng giá hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau:

- Phạt tiền từ 01 - 60 triệu đồng đối với hành vi: Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá. Mức tiền phạt phụ thuộc vào giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

- Phạt tiền từ 25 - 55 triệu đồng đối với hành vi: Tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Với những lỗi vi phạm trên, ngoài bị phạt hành chính, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

                                                                                                                      

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục