Bản án số 15/2017/KDTM-PT ngày 21/07/2017 của TAND TP. Hải Phòng về tranh chấp hợp đồng giao nhận thầu xây lắp-hợp đồng xây dựng

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng tội danh
  • Tải về
Mục lục
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 15/2017/KDTM-PT

Tên Bản án: Bản án số 15/2017/KDTM-PT ngày 21/07/2017 của TAND TP. Hải Phòng về tranh chấp hợp đồng giao nhận thầu xây lắp-hợp đồng xây dựng
Quan hệ pháp luật:
Cấp xét xử: Phúc thẩm
Tòa án xét xử: TAND TP. Hải Phòng
Số hiệu: 15/2017/KDTM-PT
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 21/07/2017
Lĩnh vực: Kinh doanh thương mại
Áp dụng án lệ: Không
Đính chính: Không
Thông tin về vụ/việc:
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 15/2017/KDTM-PT NGÀY 21/07/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIAO NHẬN THẦU XÂY LẮP-HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Ngày 21 tháng 7 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 33/2016/TLPT-KDTM ngày 21 tháng 11 năm 2016 về việc “Tranh chấp về Hợp đồng giao nhận thầu xây lắp (Hợp đồng xây dựng)”.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2015/KDTM-ST ngày 27/3/2015 của Toà án nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo và kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 196/2017/QĐ-PT ngày 05 tháng 4 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần T;

Trụ sở cũ tại: Số 155-T8 tập thể 361, phường Y, quận C, Hà Nội; trụ sở mới tại: Số 27 M2, khu đô thị Y, quận C, Hà Nội.Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Thị H – Tổng giám đốc. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị N là luật sư của Công ty Luật TNHH MTV Nguyễn Thị N thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng. Có mặt.

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần D;

Trụ sở: Km 16 + 500, đường P, phường M, quận Đ, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Hoàng Văn K – Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Duy K – Giám đốc tài chính. Vắng

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần tập đoàn H;Trụ sở: Số 18 T, thành phố B, tỉnh Thái Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn S – Chủ tịch HĐQT – kiêm Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Đình D – Chức vụ: TP.TCHC. Có mặt.

4. Người kháng cáo: Công ty Cổ phần D, Công ty Cổ phần tập đoàn H.

5. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo tài liệu có trong hồ sơ và bản án dân sự sơ thẩm nội dung vụ án như

Theo Đơn khởi kiện đề ngày 05/12/2011, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 16/4/2012, ngày 30/5/2012 và trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là Công ty Cổ phần T (gọi tắt là Công ty T) trình bày

Công ty Cổ phần D (gọi tắt là Công ty D) được UBND tỉnh Thái Bình cho thuê 51.101m2   đất tại Cụm Công nghiệp Tam Hưng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để  xây  dựng Nhà  máy may áo sơ mi Jacket. Thực hiện dự án, ngày18/11/2006, Công ty D và Công ty T đã giao kết Hợp đồng số 294/HĐKT giao nhận thầu xây lắp bao gồm các hạng mục: San lấp mặt bằng + hàng rào + kè, thi công đường giao thông nội bộ + đường cấp nước + đường thoát nước + trạm điện nội bộ + cây xanh, với yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng lại, quy cách kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo đúng yêu cầu thiết kế đã được phê duyệt của Chủ đầu tư; giá trị Hợp đồng là 40 tỷ đồng; thời gian thi công là 480 ngày kể từ ngày bàn giao mặt bằng đến khi nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng…Sau đó, hai bên ký tiếp Phụ lục số 01 – Hợp đồng 294/HĐKT ngày 01/01/2007 về hạng mục san lấp mặt bằng, tường rào với giá trị 6.984.637.000 đồng (đã bao gồm thuế VAT) và Phụ lục số 02 – Hợp đồng 294/HĐKT ngày 21/6/2007 về hạng mục hàng rào (phần bổ sung phía ngoài) với giá trị 194.459.000 đồng. Công ty T đã cho Công ty D vay 02 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng.

Quá trình thực hiện Hợp đồng, theo Biên bản nghiệm thu ngày 31/8/2007 và ngày 15/01/2008, Công ty T đã làm xong phần san lấp mặt bằng và xây dựng hàng rào. Tại Biên bản đối chiếu công nợ số 02/BBĐCCN ngày 12/10/2007 xác định đến ngày 12/10/2007, Công ty D còn nợ Công ty T 7.824.023.000 đồng. Tại Biên bản đối chiếu công nợ số 04/BBĐCCN ngày 15/5/2008 (thay thế Biên bản đối chiếu công nợ số 02) xác định tính đến ngày 15/5/2008, Công ty D mới thanh toán được số tiền vay 02 tỷ đồng, còn toàn bộ giá trị công trình và tiền lãi Công ty D chưa thanh toán là 7.998.655.133 đồng. Tại Biên bản đối chiếu công nợ số18/BBĐCCN ngày 27/10/2009 (thay thế Biên bản đối chiếu công nợ trước) xác định đến hết ngày 27/10/2009, Công ty D còn nợ Công ty T 10.786.519.770 đồng.

Tại Biên bản đối chiếu công nợ số 19/BBĐCCN ngày 12/02/2010, đến hết ngày 28/02/2010 Công ty D còn nợ Công ty T 11.433.710.956 đồng và Công ty D cam kết trong vòng 30 ngày (kể từ ngày 28/02/2010) sẽ thanh toán hết số tiền trên cho Công ty T. Quá thời hạn trên sẽ tính theo lãi suất quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Do việc  thực  hiện  tiếp dự  án  của  Công  ty D  gặp  khó  khăn  nên  ngày 29/8/2008 UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 2414/QĐ-UBND thu hồi 51.101m2 đất, sau đó giao diện tích đất nêu trên cho Công ty sản xuất kinh doanh xuất khẩu H (gọi tắt là Công ty H) thực hiện dự án khác theo đề nghị của Công tyH. Vì vậy, ngày 08/6/2010 Công ty D đã ký Hợp đồng số 657/HĐCNT/HS-PLA chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê cho Công ty H, với nội dung: Tài sản chuyển nhượng gắn liền với đất thuê là tài sản Công ty D đã đầu tư, giá chuyển nhượng là 14.100.000.000 đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (với phương thức thanh toán là 3 đợt: đợt 1 là 05 tỷ đồng, đợt 2 là 4.600.000.000 đồng, đợt 3 là 4.500.000.000 đồng). Công ty D phải bàn giao tài sản cùng các giấy tờ liên quan đến tài sản trên đất cho Công ty H và Công ty D bằng chi phí của mình có tráchnhiệm giải quyết mọi vướng mắc, tranh chấp, nợ nần đối với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến dự án trước khi bàn giao đất cho Công ty H. Công ty H nộp các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc chuyển nhượng các tài sản trên đất và thuế giá trị gia tăng do Công ty D chịu trách nhiệm chi trả.

Công ty D và Công ty H đều thống nhất việc Công ty H đã thanh toán 7,1 tỷ đồng cho Công ty D, còn nợ 7 tỷ đồng.

Ngày 02/10/2010 Công ty D có Công văn số 125/CV-PLAHS gửi Công ty H, theo đó Công ty D xác định còn nợ Công ty T tiền san lấp mặt bằng, xây tường bao, kè, làm rãnh thoát nước và đề nghị Công ty H thanh toán số tiền còn lại của Hợp đồng 657 (7 tỷ đồng/14,1 tỷ đồng) cho Công ty T, mọi điều kiện thanh toán được căn cứ theo quy định tại các điều khoản của Hợp đồng số 657 đã được ký kết ngày 08/6/2010 giữa Công ty D với Công ty H. Văn bản này của Công ty D được Phó Tổng Giám đốc Công ty H đồng ý theo nội dung đề nghị của Công ty D. Tuy nhiên, tại Văn bản số 02 ngày 09/01/2011, Công ty D lại đề nghị Công ty H thực hiện việc nộp lệ phí, tiền thuê đất theo thông báo của Cục thuế tỉnh Thái Bình, số tiền này Công ty H khấu trừ vào số tiền còn lại chưa thanh toán tại Hợp đồng số 657 ngày 08/6/2010.Tại Công văn số 03/ĐĐN-CTLL ngày 02/10/2010, Công ty T đồng ý với đề nghị của Công ty D, chấp nhận để Công ty H thanh toán 07 tỷ đồng trực tiếp cho Công ty T.

Ngày 18/4/2011 Công ty H đã trả 02 tỷ đồng cho Công ty T. Tuy nhiên, Công ty H cho rằng trong quá trình thực hiện Hợp đồng số 657 và Công văn số 125, do Công ty D không thực hiện việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công tyH nên Công ty H đã dừng việc trả số tiền còn lại cho Công ty T.

Ngày 19/11/2012 Công ty H và Công ty D đã tự lập Biên bản thanh lý hợp đồng số 657 theo đó hai bên thỏa thuận Công ty H thanh toán 4.663.958.000 đồng cho Công ty D và Công ty H không thực hiện theo nội dung của Công văn số 125 nữa. Thực hiện Biên bản thanh lý hợp đồng số 657 nêu trên, ngày 28/11/2012 Công ty H đã chi trả Công ty D số tiền 01 tỷ đồng, ngày 10/12/2012 Công ty H đã chi trả cho Công ty D số tiền 942.720.731 đồng. Ngày 20/3/2014 Công ty D và Công ty H đã lập biên bản đối chiếu công nợ, theo đó tính đến ngày 20/3/2014 Công ty H đã trả cho Công ty D 11.378.767.773  đồng, Công ty H giữ  lại 2.721.232.278 đồng để hoàn thành việc nộp thuế tại Cục thuế tỉnh Thái Bình. Do Công ty D vi phạm nghĩa vụ thanh toán, nên Công ty T khởi kiện yêu cầu Công ty D trả số tiền gốc còn lại 9.433.710.956 đồng, tiền lãi từ ngày 02/10/2010 đến ngày 14/9/2012 là 4.881.428.427 đồng. Tổng số nợ là 14.315.139.000 đồng.Sau đó, Công ty T khởi kiện bổ sung yêu cầu đưa Công ty H vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, yêu cầu Công ty H trả 4.663.958.000 đồng và yêu cầu Công ty D trả 9.651.181.000 đồng.

Bị đơn là CTCP D trình bày:

Năm 2007 Công ty D được UBND tỉnh Thái Bình cho thuê 51.101m2 đất tại huyện Vũ Thư để xây dựng Nhà máy may áo sơ mi Jacket. Trong quá trình thi công, Công ty D có ký Hợp đồng số 294 và hai phụ lục hợp đồng với Công ty T để thực hiện các hạng mục san lấp mặt bằng, xây dựng tường rào. Theo Hợp đồng số 294 thì ngày 12/12/2006 Công ty T đã ứng trước cho Công ty D 02 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng, số tiền này ngày 15/01/2008 Công ty D đã trả cho Côngty T. Đến ngày 12/4/2011 Công ty H đã thay mặt Công ty D chuyển trả cho Công ty T 02 tỷ đồng theo nội dung Văn bản số 125 ngày 02/10/2010 của Công ty D gửi Công ty H.

Trong quá trình thực hiện dự án bị gián đoạn do Công ty D gặp nhiều khó khăn nên UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định thu hồi dự án và giao cho Công ty H. Ngày 08/6/2010 Công ty D đã ký Hợp đồng số 657 chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất cho Công ty H với tổng giá trị là 14.100.000.000 đồng. Công ty H đã trả Công ty D 7,1 tỷ đồng. Số tiền còn lại Công ty D đã có Văn bản số 125 ngày 02/10/2010 nhờ Công ty H thanh toán cho Công ty T. Công ty H đã chuyển trả cho Công ty T 02 tỷ đồng. Sau đó do phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của Công ty D nên Công an tỉnh Thái Bình đã thông báo đình chỉ và phong tỏa toàn bộ số tiền mà Công ty H còn nợ Công ty D. Số tiền còn lại theo Hợp đồng và các phụ lục Hợp đồng do Công ty T chưa hoàn tất các thủ tục và hồ sơ hoàn thành công xây dựng, quyết toán theo quy định nên Công ty D không có căn cứ để thanh toán cho Công ty T. Mặc dù Công ty D đã nhiều lần đề nghị nhưng Công ty T không cung cấp hồ sơ quyết toán thể hiện khối lượng công việc đã làm trên thực tế theo đúng quy định của Luật Xây dựng. Vì vậy, hai bên chưa thực hiện việc nghiệm thu công trình nên chưa có cơ sở xác định khoản nợ cụ thể. Nay Công ty T yêu cầu Công ty D phải trả số tiền 9.433.710.956 đồng theo Biên bản đối chiếu công nợ số 19/BBĐCCN ngày12/02/2010 là chưa có cơ sở. Công ty D và Công ty T cùng nhau ký kết hai phụ lục Hợp đồng giao nhận thầu với các hạng mục thi công san lấp mặt bằng, tường rào thì các bên phải tuân theo các quy định của pháp luật về việc thanh quyết toán công trình xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay hai bên chưa thực hiện nghĩa vụ này. Nên không có cơ sở xác định cụ thể khoản tiền mà Công ty D còn nợ Công ty T là bao nhiêu. Mặt khác, mức lãi suất mà Công ty T tính toán là không phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, Công ty D không chấp nhận số tiền lãi phát sinh từ ngày 12/02/2010 đến nay mà Công ty T tính toán.

Tại Văn bản số 146/CV-DM ngày 03/12/2012 của Công ty D gửi TAND thành phố Hải Phòng có nội dung hiện tại Công ty H không còn quyền và nghĩa vụ gì liên quan tới Công văn 125 ngày 02/10/2010. Mọi vấn đề phát sinh từ quan hệ Hợp đồng số 294/HĐKT ngày 18/11/2006, các Phụ lục Hợp đồng số 01, 02 do Công ty D chịu trách nhiệm trước pháp luật vì Công ty D và Công ty H đã thanh lý Hợp đồng số 657 ngày 08/6/2010, Phụ lục Hợp đồng số 01 ngày 20/10/2010 và các nghĩa vụ liên quan đến Công văn số 125 ngày 02/10/2010.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là CTCP tập toàn Hương Sen trình bày:

Công ty H không liên quan gì đến Hợp đồng giao nhận thầu xây lắp số 294/HĐKT giữa Công ty T với Công ty D. Tại Đơn khởi kiện của Công ty T và Thông báo thụ lý vụ án của TAND quận Đồ Sơn thì Công ty T chỉ khởi kiện Công ty D. Tòa án đưa Công ty H vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng.

Ngày 08/6/2010 Công ty H và Công ty D đã ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê số 657 với giá chuyển nhượng là 14,1 tỷ đồng. Thực hiện hợp đồng nêu trên, Công ty H đã thanh toán cho Công ty D 7,1 tỷ đồng. Tại Điểm 4.2 Điều 4 Hợp đồng chuyển nhượng số 657 quy định: Thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc chuyển nhượng các tài sản trên đất và thuế GTGT do Công ty D chịu trách nhiệm chi trả. Công ty H đã nộp thuế trước bạ và tiền thuế đất thay Công ty D 336.047.042 đồng.

Ngày 02/10/2010 Công ty D có Văn bản số 125 đề nghị Công ty H trả giúp 7 tỷ đồng còn lại cho Công ty T. Văn bản đó đã được Phó Tổng Giám đốc Công ty H ký xác nhận: “Tôi đồng ý theo nội dung đề nghị tại Công văn này” nên ngày 12/4/2011 Công ty H đã thanh toán trả giúp Công ty D cho Công ty T 02 tỷ đồng. Tổng cộng Công ty H đã trả cho Công ty D được 9.436.047.000 đồng.

Tuy nhiên ngày 02/10/2010 Công ty D có Văn bản số 125/CV-PLA/HS đề nghị Công ty H trả giúp 7 tỷ đồng và Công ty H chuyển trả cho Công ty T 02 tỷ đồng nhưng Hợp đồng chuyển nhượng số 657 giữa Công ty D và Công ty H chưa được thanh lý nên không xác định rõ Công ty H còn nợ Công ty D bao nhiêu. Hơn nữa, Phó Tổng Giám đốc Công ty H không được ủy quyền của Tổng Giám đốc mà lại ghi ý kiến đồng ý với vào Văn bản số 125 ngày 02/10/2010 của Công ty D và thực hiện chuyển cho Công ty T 02 tỷ đồng là vi phạm Luật Doanh nghiệp. Văn bản số 125 ngày 02/10/2010 của Công ty D không có giá trị để Công ty H thực hiện. Công ty T yêu cầu Công ty H tiếp tục thực hiện Văn bản số 125 của Công ty D là không có căn cứ.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2012/KDTM-ST ngày 29/9/2012 TAND quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng quyết định:

“Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của CTCPT. Buộc CTCP D phải trả cho CTCPT số tiền 14.315.139.000 đồng. Trong đó, CTCP D phải trả cho CTCP T số tiền 9.651.181.000 đồng, CTCP tập đoàn Hphải trả cho CTCP  T  số  tiền 4.663.958.000 đồng.”

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về lãi suất chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/10/2012 Công ty H kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 17/10/2012 Công ty D kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại Quyết định số 67/QĐKNPTKDTM-P12 ngày 06/11/2012 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng kháng nghị toàn bộ bản án. Bản án sơ thẩm xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty H trong vụ án là không đúng. Tòa án sơ thẩm tiến hành thu thập chứng cứ nhưng không mời VKS tham gia phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Công ty H không có liên quan đến Hợp đồng kinh tế số 294, việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty T và Công ty D không có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công ty H dẫn tới vi phạm trong việc buộc Công ty H phải trả cho Công ty T số tiền 4.663.958.000 đồng. Vì vậy đề nghị hủy bản án sơ thẩm giao cho TAND quận Đồ Sơn xét xử lại.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2013/KDTM-PT ngày 29/3/2013 TAND thành phố Hải Phòng quyết định “Giữ nguyên bản án sơ thẩm”.

Tại Quyết định số 29/QĐ-KNGĐT-V12 ngày 26/11/2013 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2013/KDTM-PT ngày 29/3/2013 của TAND thành phố Hải Phòng. Giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm lại theo quy định pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 19/2014/KDTM-GĐT ngày 04/6/2014 của Tòa Kinh tế TAND tối cao nhận định TAND quận Đồ Sơn xác định Công ty H tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ.Việc TAND quận Đồ Sơn tuyên xử buộc Công ty H phải trả 4.663.958.000 đồng cho Công ty T là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty D và Công ty H đã lập biên bản thanh lý Hợp đồng số 657 đây là tài liệu mới phát sinh ở cấp phúc thẩm nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không đánh giá, làm rõ với tình tiết phát sinh này. Tòa án cấp phúc thẩm và TAND quận Đồ Sơn đều có thiếu sót khi không quyết định về nghĩa vụ xuất hóa đơn giá trị gia tăng của các Công ty nhưng Tòa án cấp phúc thẩm có khể khắc phục thiếu sót này nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm. Vì vậy hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 04/2013/KDTM-PT ngày 29/3/2013 của TAND thành phố Hải Phòng, giao hồ sơ vụ án để xét xử phúc thẩm lại.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 32/2014/KDTM-PT ngày 20/11/2014 TAND thành phố Hải Phòng quyết định:

“- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của CTCP D.

- Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng đối với nội dung: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét việc Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thu thập chứng cứ nhưng không mời VKS cùng cấp tham gia phiên tòa và tư cách tham gia tố tụng của CTCP tập đoàn H.

- Không chấp nhận kháng cáo của CTCP tập đoàn H; không chấp nhận phần kháng nghị còn lại của Quyết định kháng nghị số 67/QĐKNPTKTM-P12 ngày 06/11/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng. Sửa bản án sơ thẩm:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của CTCP T:

1.Buộc CTCPD và  CTCP  tập  đoàn  Hphải  trả  cho  CTCP  T  số  tiền 14.315.139.000 đồng. Trong đó:

+ CTCP D phải trả cho CTCP T số tiền 9.651.181.000 đồng.

+ CTCP tập đoàn H phải trả cho CTCP T 4.663.958.000 đồng.

2. Buộc CTCP D phải xuất đủ hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho CTCP tập đoàn Htrên số tiền mà CTCP tập đoàn H trả cho CTCP D và số tiền mà CTCP tập đoàn H đã trả và phải trả cho CTCP T hộ CTCP D (Ngày 24/11/2012 CTCP Dđã xuất hóa đơn giá trị gia tăng mà CTCP tập đoàn Hxác nhận là đã nhận đủ và không thắc mắc gì).

3. Buộc CTCP T phải xuất đủ hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho CTCP Dtrên số tiền mà CTCP Dphải trả cho CTCP tập đoàn H đã trả và phải trả khi CTCP T thay CTCP D.”

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, về trách nhiệm chịu lãi suất chậm thi hành án theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty H có đơn đề nghị xét lại Bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số 62/2015/KN-KDTM ngày 03/11/2015, Chánh án TAND tối cao đã kháng nghị đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 32/2014/KDTM-PT ngày 20/11/2014 của TAND thành phố Hải Phòng, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theohướng hủy Bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố HảiPhòng xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 21/2016/KDTM-GĐT ngày 29/9/2016 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 32/2014/KDTM-PT ngày 20/11/2014 của TAND thành phố Hải Phòng. Do bản án phúc thẩm chưa làm rõ các tình tiết phát sinh là sau khi xét xử sơ thẩm, Công ty D và Công ty H ký Biên bản thanh lý Hợp đồng số 657. Công ty H tiếp tục thanh toán thêm cho Công ty D số tiền 01 tỷ đồng ngày 29/11/2012, số tiền 942.720.731 đồng vào ngày 10/12/2012, Công ty H còn giữ lại số tiền 2.721.232.287 đồng để nộp thuế thay cho Công ty D theo quy định tại Điểm

4.2 Điều 4 của Hợp đồng số 657. Bản án phúc thẩm chưa làm rõ ý kiến của ba bên về vấn đề này như thế nào. Tòa án cấp phúc thẩm cần xác định giá trị pháp lý của Biên bản thanh lý Hợp đồng nêu trên, đồng thời làm rõ việc Công ty H đã thực hiện thỏa thuận tại Biên bản thanh lý như thế nào, nhất là việc nộp các loại thuế thay cho Công ty D? Thực chất Công ty H hiện nay còn nợ Công ty D bao nhiêu sau khi đã thực hiện các nội dung như Biên bản thanh lý Hợp đồng.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Nguyên đơn cung cấp biên bản thỏa thuận, cụ thể: Người đại diện theo pháp luật của Công ty T là bà Lê Thị H – Giám đốc Công ty và người đại diện theo pháp luật của Công ty H là ông Trần Văn Sen đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết phần vụ án liên quan đến 02 Công ty theo  Biên  bản thỏa thuận ngày 29/6/2017 tại trụ sở TAND thành phố Hải Phòng giữa 02 Công ty. Nội dung thỏa thuận:

1. Công ty H sẽ trả nợ thay cho  Công ty D bằng việc chuyển số tiền

2.721.232.278 đồng cho Công ty T (Theo yêu cầu của Công ty T chuyển số tiền trên vào tài khoản của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng thương mại Thăng Long số tài khoản là 526827 Ngân hàng VPBank – Chi nhánh Trung Hòa Nhân Chính Hà Nội).

2. Số tiền còn lại là 2.278.767.722 đồng (5.000.000.000-2.721.232.278) do Công ty H đã nộp lệ phí trước bạ, thuế đất thay cho Công ty D là 336.047.042 đồng và trả cho Công ty D là 1.942.720.731 đồng nên Công ty T sẽ yêu cầu Công ty D phải có trách nhiệm trả cho Công ty T. Công ty T cam kết trong bất cứ trường hợp nào và bất cứ lý do gì cũng sẽ không kiện yêu cầu Công ty H phải trả số tiền này nữa. Công ty H không có bất cứ nghĩa vụ gì với Công ty T. Do vậy Công ty T sẽ rút yêu cầu khởi kiện đối với Công ty H. Cam kết này có hiệu lực vào thời điểm Công ty T nhận được số tiền 2.721.232.278 đồng vào tài khoản của Công ty nói trên.

3. Về tiền án phí tranh chấp số tiền 4.663.958.000 đồng nếu tòa phúc thẩm Hải Phòng tuyên Công ty H phải nộp thì Công ty T sẽ nhận nộp khoản tiền án phí này bởi Công ty T là bên khởi kiện Công ty H chứ Công ty H không phải là bên khởi kiện.

Văn bản này có hiệu lực tại thời điểm Công ty Cổ phần T nhận được số tiền 2.721.232.278đ mà Công ty Cổ phần tập đoàn H chuyển vào tài khoản trên.

Thỏa thuận này thay thế thỏa thuận lập ngày 28 tháng 4 năm 2017 giữa Công ty Cổ phần tập đoàn H và Công ty Cổ phần T.

Kèm theo Biên bản thỏa thuận nêu trên, Công ty T có Đơn đề nghị rút yêu cầu khởi kiện đối với Công ty H đề ngày 29/6/2017. Theo đó Công ty T xin rút yêu cầu khởi kiện “Buộc Công ty H phải trả cho Công ty T số tiền 5.000.000.000 đồng (năm tỷ đồng)”. Đơn đề nghị chỉ có hiệu lực pháp lý khi Công ty T đã nhận được số tiền 2.721.232.278 đồng mà Công ty H chuyển trả theo thỏa thuận.

Bà Lê Thị H và ông Vũ Đình D thống nhất trình bày: Ngày 20/7/2017 Công ty H cũng đã chuyển số tiền 2.721.232.278 đồng vào tài khoản của Công ty T nên Biên bản thỏa thuận ngày 29/6/2017 giữa Công ty T và Công ty H có giá trị pháp lý. Tại phiên tòa hôm nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm thống nhất thỏa thuận với nhau như nội dung trong Biên bản thỏa thuận ngày 29/6/2017 nêu trên.

Cũng tại phiên tòa hôm nay Công ty H đề nghị sửa đổi kháng cáo của mình từ yêu cầu hủy án sơ thẩm thành sửa án sơ thẩm theo hướng công nhận thỏa thuận giữa Công ty H và Công ty T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng trình bày:

- Về tố tụng:

+ Thẩm phán từ khi thụ lý đến khi xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự

+ Đối với những người tham gia tố tụng: Các đương sự có mặt từ khi thụ lý đến thời điểm hiện nay đều đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đương sự vắng mặt không có lý do đã không chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, coi như là từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về nội dung:

+ Đối với kháng cáo của Công ty D, phiên tòa hôm nay được mở lần thứ ba sau hai lần hoãn, đại diện Công ty D đều vắng mặt không có lý do. Theo Điều 296 BLTTDS thì coi như từ bỏ việc kháng cáo.

+ Đối với kháng cáo của Công ty H, tại phiên tòa hôm nay Công ty H sửa đổi kháng cáo của mình, đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận sự thỏa thuận giữa Công ty H và Công ty T. Thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội và hoàn toàn tự nguyện không bị ép buộc nên theo Điều 300 BLTTDS phải được công nhận trong bản án phúc thẩm.

Cụ thể công nhận Công ty H chuyển trả nợ thay Công tyD choCông ty T số tiền 2.721.232.278 đồng (số tiền này đã được chuyển trả vào tài khoản củaCông ty T ngày 20/7/2017). Số tiền còn lại theo đơn khởi kiện là 2.278.767.722 đồng, trong đó: 336.047.042 đồng Công ty H đã nộp thuế thay cho Công ty D nên Tòa án sơ thẩm đã buộc Công ty D phải trả cho Công ty T rồi. Do đó không phải xét lại số tiền này nữa, số tiền 1.942.720.731 đồng Công ty H đã chuyển trả cho Công ty D theo Biên bản thanh lý Hợp đồng số 657 phải buộc Công ty D chuyển trả lại cho Công ty T.

+ Đối với kháng nghị của Viển trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, tại phiên tòa hôm nay do Công ty T và Công ty H đã có bản thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, Công ty T không còn khởi kiện Công ty H nữa nên đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng rút toàn bộ kháng nghị số 67/QĐKNNPTKDTM-P12 ngày 06/11/2012.

Từ phân tích trên, căn cứ khoản 3 Điều 296 BLTTDS đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử đối với kháng cáo của Công ty D, căn cứ Điều 289 BLTTDS đình chỉ xét xử đối với kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng. Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 300 BLTTDS đề nghị HĐXX công nhận thỏa thuận giữa Công ty H và Công ty T, sửa một phần bản án số 11/2012/KDTM- ST ngày 29/9/2012 của TAND quận Đồ Sơn.

Sau khi xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cũng như lời trình bày của các đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tại phiên toà;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Về tố tụng:

- Quan hệ pháp luật trong vụ án cần xác định là “Tranh chấp về hợp đồng giao nhận thầu xây lắp (Hợp đồng xây dựng)”theo Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

- Tư cách tham gia tố tụng trong vụ án: Qua phần nhận định tại các Quyết định giám đốc thẩm, việc xác định Công ty H tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ, đúng pháp luật.

- Đối với kháng cáo của Công ty D, TAND thành phố Hải Phòng đã nhiều lần triệu tập Công ty D đến phiên tòa tuy nhiên Công ty D đều vắng mặt không có lý do. Căn cứ khoản 3 Điều 296 BLTTDS 2015 đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của Công ty D.

- Tại phiên tòa hôm nay, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng rút toàn bộ kháng nghị, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 289 BLTTDS 2015 đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

[2]. Về nội dung:

Căn cứ Hợp đồng số 294 và các Phụ lục Hợp đồng đã ký giữa Công ty T và Công ty D, căn cứ các Biên bản đối chiếu công nợ đều được đại diện hợp pháp của các bên ký kết, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật

Theo Biên bản đối chiếu công nợ19/BBĐCCN ngày 12/02/2010 thì tính đến ngày 28/02/2010 Công ty D còn nợ Công ty T số tiền 11.433.710.956 đồng là cả gốc và lãi. Công ty D cũng đã cam kết trong vòng 30 ngày kể từ ngày 28/02/2010 sẽ thanh toán hết số tiền trên cho Công ty T. Quá thời hạn nêu trên sẽ tính lãi theo lãi suất quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. TAND quận ĐồSơn xác định tính đến ngày 15/9/2012 Công ty D còn nợ Công ty T số tiền 14.315.139.000 đồng (trong đó nợ gốc 9.433.710.956 đồng và nợ lãi là 4.881.428.427 đồng) là có căn cứ.

Vậy, vấn đề cần xác định trong vụ án là phần trách nhiệm trả nợ số tiền 14.315.139.383 đồng nêu trên cho Công ty T thuộc về Công ty H hay Công ty D? Số tiền cụ thể mỗi Công ty phải trả là bao nhiêu?

Ngày  08/6/2010  Công  ty  H  và  Công  ty  D  giao  kết  Hợp  đồng  số 657/HĐCNTS/HS-PLA chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê cho Công ty H giá 14,1 tỷ đồng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty D và Công ty H đều thống nhất việc Công ty H đã thanh toán 7,1 tỷ đồng cho Công ty D, còn nợ 7 tỷ đồng.

Ngày 02/10/2010 Công ty D có Công văn số 125/CV-PLAHS gửi Công ty H theo đó Công ty D xác định còn nợ Công ty T tiền san lấp mặt bằng, xây tường bao, kè, làm rãnh thoát nước và đề nghị Công ty H thanh toán số tiền còn lại của Hợp đồng 657 là 7 tỷ đồng cho Công ty T. Văn bản này của Công ty D được Phó Tổng giám đốc Công ty H đồng ý theo nội dung đề nghị của Công ty D.

Ngày 02/10/2010 Công ty T cũng có Công văn số 03/DDN-CTTL nội dung đồng ý với đề nghị của Công ty D chấp nhận để Công ty H thanh toán 07 tỷ đồng trực tiếp cho Công ty T.

Ngày 18/4/2011 Công ty H chuyển trả cho Công ty T số tiền 02 tỷ đồng. Công văn số 125 tuy chỉ do Phó Tổng giám đốc của Công ty H phê duyệt không có ủy quyền của Tổng Giám đốc Công ty H nhưng chính Tổng Giám đốc Công ty H đã trực tiếp ký séc chuyển trả cho Công ty T 02 tỷ đồng. Như vậy, Tổng Giám đốc của Công ty H cũng biết và đã thực hiện một phần Công văn số 125. Công văn số 03/DDN-CTTL ngày 02/10/2010 của Công ty T cũng đã thể hiện Công ty T là bên có quyền đồng ý với nội dung thỏa thuận của Công ty H và Công ty D tại Công văn số 125. Căn cứ Phần 2 Mục I của Nghị quyết số 04/2003/NĐ- HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Điều 315 BLDS 2005 nay là Điều 370 BLDS 2015 thì Công văn 125 được coi là văn bản thỏa thuận việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự.

Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19/11/2012 Công ty H và Công ty D đã tự lập Biên bản thanh lý hợp đồng số 657 theo đó hai bên thỏa thuận Công ty H thanh toán 4.663.958.000 đồng cho Công ty D và Công ty H không thực hiện theo nội dung của Công văn số 125 nữa. Thực hiện Biên bản thanh lý hợp đồng số657 nêu trên, ngày 28/11/2012 Công ty H đã chi trả Công ty D số tiền 01 tỷ đồng, ngày 10/12/2012 Công ty H đã chi trả cho Công ty D số tiền 942.720.731 đồng. Ngày 20/3/2014 Công ty D và Công ty H đã lập biên bản đối chiếu công nợ, theo đó tính đến ngày 20/3/2014 Công ty H đã trả cho Công ty D 11.378.767.773 đồng, Công ty H giữ lại 2.721.232.287đồng để hoàn thành việc nộp thuế tại Cục thuế tỉnh Thái Bình. Công ty D chấp nhận việc Công ty H đã trả cho Công ty T 02 tỷ đồng, Công ty T không phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty H. Công ty D đã xuất trả đủ hóa đơn giá trị gia tăng cho Công ty H theo Hợp đồng 657.

Như vậy, theo Biên bản thanh lý Hợp đồng số 657 ngày 19/11/2012 Công ty D nhận trách nhiệm thanh toán trực tiếp cho Công ty T và không thực hiện theo Công văn số 125 nữa. Công ty D đã tự thỏa thuận việc Công ty H chấm dứt nghĩa vụ đối với Công ty T. Việc lập Biên bản thanh lý Hợp đồng số 657 này không được sự đồng ý của Công ty T là không đảm bảo quyền lợi cho Công ty T nên không có giá trị pháp lý.

Ngày 29/6/2017 Công ty H và Công ty T thỏa thuận được với nhau về vấn đề giải quyết vụ án liên quan đến phần của 02 Công ty.

- Đối với số tiền 2.721.232.287 đồng Công ty H còn giữ lại để nộp thuế thay cho Công ty D nhưng Công ty H chưa nộp thì Công ty H sử dụng để thanh toán cho Công ty T.

- Đối với số tiền là 2.278.767.722 đồng (5.000.000.000 đồng – 2.721.232.278 đồng) do Công ty H đã nộp lệ phí trước bạ, thuế đất thay cho Công ty D là 336.047.042 đồng và trả cho Công ty D số tiền là 1.942.720.731 đồng nên Công ty T sẽ yêu cầu Công ty D phải có trách nhiệm trả cho Công ty T và không yêu cầu Công ty H phải trả số tiền này nữa. Công ty T rút yêu cầu thanh toán nợ đối với Công ty H, Công ty H không còn bất cứ nghĩa vụ gì với Công ty T nữa.

- Thỏa thuận này có hiệu lực vào thời điểm Công ty T nhận được số tiền 2.721.232.278 đồng vào tài khoản của Công ty T.

Xét thấy việc thỏa thuận nêu trên của Công ty T và Công ty H là việc thỏa thuận về phần nghĩa vụ của Công ty H phải thực hiện đối với Công ty T. Công ty T rút yêu cầu Công ty H phải thanh toán số tiền 2.278.767.722 đồng là hoàn toàn tự nguyện. Biên bản thanh lý Hợp đồng số 657 không có giá trị pháp lý theo như nhận định ở trên nên Công ty H không có trách nhiệm thực hiện nộp số tiền thuế là 2.721.232.287 đồng thay cho Công ty D theo thỏa thuận trong Biên bản thanh lýHợp đồng số 657. Do đó việc Công ty T thỏa thuận Công ty H thanh toán số tiền 2.721.232.278 đồng là phù hợp với nội dung của Công văn số 125.

Đối với số tiền 2.278.767.722 đồng, do Công ty H đã nộp lệ phí trước bạ, thuế đất thay cho Công ty D 336.047.042 đồng; còn lại 1.942.720.731 đồng Công ty H đã trả cho Công ty D theo Biên bản thanh lý Hợp đồng số 657, do vậy Công ty T yêu cầu Công ty D thanh toán là phù hợp với nghĩa vụ thanh toán của Công ty D với Công ty T theo Hợp đồng số 294/HĐKT và các Phụ lục kèm theo Hợp đồng 294.

Ngày 20/7/2017 Công ty H cũng đã chuyển số tiền 2.721.232.278 đồng vào tài khoản của Công ty T nên Biên bản thỏa thuận ngày 29/6/2017 giữa Công ty T và Công ty H có giá trị pháp lý.

Như vậy số tiền Công ty T yêu cầu Công ty D phải trả là 14.315.139.000 đồng, đến nay Công ty H đã thanh toán thay cho Công ty D là 2.721.232.278 đồng, số tiền còn lại 11.593.906.722 đồng Công ty D phải có trách nhiệm thanh toán cho Công ty T.

Về việc xuất hóa đơn, Công ty D đã xuất đủ hóa đơn cho Công ty H theo Hợp đồng số 657 được ký kết giữa hai Công ty. Nay Công ty T và Công ty H đều thống nhất Công ty T không phải xuất trả hóa đơn cho Công ty H. Vì vậy, để tránh việc xuất hóa đơn hai lần trên cùng một số tiền, Công ty T sẽ có trách nhiệm xuất đủ hóa đơn trên khi Công ty D thanh toán khoản nợ còn lại của Hợp đồng số 294 cho Công ty T.

Từ những phân tích trên, HĐXX đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty D, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và căn cứ Điều 300 BLTTDS sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận thỏa thuận của Công ty T và Công ty H như nêu trên. Đối với số nợ còn lại là 11.593.906.722 đồng thì Công ty D có trách nhiệm thanh toán cho Công ty T và Công ty T có trách nhiệm xuất trả hóa đơn trên số tiền Công ty D thanh toán khoản nợ còn lại theo Hợp đồng số 294.

Trong giai đoạn xét xử tại các cấp, Bộ luật Tố tung dân sự 2004 và Bộ luật dân sự 2005 đang có hiệu lực pháp luật. Khi xét xử phúc thẩm lại thì Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực pháp luật nên HĐXX phúc thẩm sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết.

[3] Về án phí.

- Về án phí sơ thẩm: Do Công ty T rút yêu cầu kiện đòi khoản nợ đối với Công ty H nên Công ty H không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, Công ty D phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm trên số tiền 11.593.906.722 đồng là 119.593.906 đồng.

- Về án phí phúc thẩm: Đương sự kháng cáo phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ Điều 289, Điều 300, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Áp dụng Điều 4, Điều 297, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005; Áp dụng Điều 370 Bộ luật dân sự 2015;

Căn cứ Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty Cổ phần D, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng.

2. Sửa bản án sơ thẩm, công nhận thỏa thuận của Công ty Cổ phần T và Công ty Cổ phần tập đoàn H, cụ thể:

- Đối với số tiền Công ty H còn giữ lại để nộp thuế thay cho Công ty D nhưng Công ty H chưa nộp thì nay Công ty H đã thanh toán cho Công ty T 2.721.232.278 đồng. Công ty H không phải nộp thuế thay cho Công ty D theo Biênbản thanh lý hợp đồng số 657 nữa, Công ty D phải tự nộp thuế của mình theo quy định của pháp luật.

Đối với số tiền là 2.278.767.722 đồng (5.000.000.000 đồng – 2.721.232.278 đồng), Công ty T không yêu cầu Công ty H phải trả số tiền này nữa.Công ty T rút yêu cầu thanh toán nợ đối với Công ty H, Công ty H không còn bất cứ nghĩa vụ gì với Công ty T nữa.

3. Buộc Công ty Cổ phần D có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Cổ phần T số tiền là 11.593.906.722 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và Công ty Cổ phần T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty Cổ phần D không thanh toán khoản tiền phải thi hành thì phải chịu thêm tiền lãi đối với số tiền chậm thanh toán theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án tại thời điểm thanh toán.

4. Công ty Cổ phần T phải có trách nhiệm xuất đủ hóa đơn thuế giá trị gia tăng cho Công ty Cổ phần D trên số tiền mà Công ty Cổ phần D phải trả cho Công ty Cổ phần T theo Hợp đồng số 294/HĐKT ngày 18/11/2006 và các phụ lục kèm theo Hợp đồng được giao kết giữa Công ty Cổ phần T và Công ty Cổ phần D.

5. Về án phí.

- Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

+ Hoàn trả Công ty T số tiền 55.800.000 đồng là tiền tạm ứng án phí Công ty T đã nộp theo biên lai số AA/2010/5479 ngày 09/12/2011 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Dương Kinh.

+ Công ty Cổ phần D phải chịu 119.593.906 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

+ Công ty Cổ phần D phải chịu 200.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền 200.000 đồng là tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm Công ty Cổ phần D đã nộp theo biên lai số 1839 ngày 23/10/2012 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Công ty Cổ phần D đã nộp đủ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

+ Công ty Cổ phần tập đoàn H phải chịu 200.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền 200.000 đồng là tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm Công ty Cổ phần tập đoàn H đã nộp theo biên lai số 1842 ngày 25/10/2012 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Công ty Cổ phần tập đoàn H đã nộp đủ án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất