Bản án số 118/2020/DS-PT ngày 03/09/2020 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tranh chấp di sản thừa kế

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • VB gốc
  • VB liên quan
  • Lược đồ
  • Đính chính
  • Án lệ
  • BA/QĐ cùng tội danh
  • Tải về
Mục lục
Báo lỗi
  • Gửi liên kết tới Email
  • Chia sẻ:
  • Chế độ xem: Sáng | Tối
  • Thay đổi cỡ chữ:
    17

Thuộc tính Bản án 118/2020/DS-PT

Tên Bản án: Bản án số 118/2020/DS-PT ngày 03/09/2020 của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tranh chấp di sản thừa kế
Quan hệ pháp luật:
Cấp xét xử: Phúc thẩm
Tòa án xét xử: TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu: 118/2020/DS-PT
Loại văn bản: Bản án
Ngày ban hành: 03/09/2020
Lĩnh vực: Dân sự
Áp dụng án lệ: Không
Đính chính: Không
Thông tin về vụ/việc:
Tóm tắt Bản án

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

Tải văn bản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

BẢN ÁN 118/2020/DS-PT NGÀY 03/09/2020 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Trong các ngày 29 tháng 6, 26 tháng 8 và 03 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 55/2020/TLPT-DS ngày 26 tháng 02 năm 2020 về “Tranh chấp di sản thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 102/2020/QĐPT-DS ngày 13 tháng 5 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 91/2020/QĐPT-DS ngày 02 tháng 6 năm 2020, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 89/2020/QĐPT-DS ngày 29 tháng 6 năm 2020 và Thông báo về việc tiếp tục phiên tòa số 111/TB-TTPT ngày 12 tháng 8 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Ngô Văn M, sinh năm 1962.

Cư trú tại: Khu phố T, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt).

- Bị đơn:

1. Bà Ngô Thị U, sinh năm 1969.

Cư trú tại: Khu phố V, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt).

2. Bà Ngô Thị L, sinh năm 1960.

Cư trú tại: Khu phố H, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt tại phiên tòa ngày 29-6-2020, vắng mặt tại phiên tòa ngày 26-8-2020 và ngày 03-9- 2020).

Đại diện theo ủy quyền của bà Ngô Thị L: Bà Ngô Thị U, sinh năm 1969.

Cư trú tại: Khu phố V, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (theo giấy ủy quyền ngày 21-8-2020) (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Ngô Thị U:

Ông Trần Tấn Trí N, Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Trần Tấn Trí N – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập:

1. Ông Ngô Văn B, sinh năm 1944.

Địa chỉ: Khu phố V, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (vắng mặt).

2. Bà Võ Thị Đ, sinh năm 1952.

Địa chỉ: Khu phố B, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông Ngô Văn B và bà Võ Thị Đ:

Ông Ngô Văn M, sinh năm 1962.

Địa chỉ: 158/Ô3 Khu phố T, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Theo giấy ủy quyền cùng ngày 21-11-2019) (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Ngô Thị V, sinh năm 1961 (có mặt).

2. Ông Ngô Tấn T, sinh năm 1982.

3. Ông Ngô Đức H, sinh năm 1987.

4. Bà Ngô Thị T, sinh năm 1990.

5. Bà Trần Thị H, sinh năm 1986.

Cùng địa chỉ: 158/Ô3 khu phố T, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

6. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1944.

7. Ông Ngô Văn T, sinh năm 1977.

8. Ông Ngô Văn T1, sinh năm 1985.

9. Bà Ngô Thị L, sinh năm 1967.

Cùng địa chỉ: 157/Ô3 khu phố T, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

- Người kháng cáo: Bà Ngô Thị U và bà Ngô Thị L – Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN:

- Nguyên đơn, ông Ngô Văn M trình bày:

Ông Ngô Văn N (sinh năm 1923, chết năm 1997) và bà Nguyễn Thị C (sinh năm 1926, chết năm 2012) có 3 người con chung gồm bà Ngô Thị L, ông Ngô Văn M và bà Ngô Thị U. Trước khi sống chung với bà C thì ông N có vợ là bà Võ Thị T (sinh năm 1923, chết năm 1997) và có 2 người con là ông Ngô Văn B và bà Võ Thị Đ. Bà L lập gia đình sống bên chồng từ năm 1977, bà U cũng lập gia đình về sống bên nhà chồng từ năm 1980, vợ chồng ông M sống cùng ông N và bà C tại căn nhà trên thửa đất số 73 với nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng ông bà. Bà U và bà L khi lập gia đình đã được cha mẹ tặng cho tài sản riêng gọi là của hồi môn, ông M là con trai được giao nhà tự, nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng ông bà. Năm 1995, vợ chồng ông M nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông D các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, vợ chồng ông M để cho cha là ông N đứng tên. Sau khi ông N chết, bà C kiện đòi vợ chồng ông M trả lại các thửa đất trên. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2015/DS-ST ngày 26-6-2015 của Tòa án nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bản án dân sự phúc thẩm số 38/2015/DS-PT ngày 24-6-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên xử: Các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ có tổng diện tích là 12.873,5 m2 cùng số tiền 12.666.000 đồng là di sản thừa kế của ông N, bà C; hàng thừa kế thứ nhất của ông N, bà C có quyền yêu cầu chia thừa kế.

Riêng đối với thửa đất số 73 tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ, vợ chồng ông M đã được cha mẹ tặng cho lúc còn sống với điều kiện phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng ông bà, trong đó có liệt sỹ là Trần Văn S (tự K). Nghĩ rằng tài sản đã được cha mẹ tặng cho, trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nên ông không quan tâm đến thủ tục sang tên. Vợ chồng ông M đã đầu tư xây dựng nhà và công trình vật kiến trúc trên đất. Thửa đất 73 có một phần mái nhà của ông B sử dụng lấn qua không gian, ông M không tranh chấp do căn nhà của ông B đã được xây dựng từ rất lâu, trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc lập bản đồ địa chính giữa 2 thửa không tính không gian sử dụng đất nên có sự cấp giấy chồng lấn.

Nay, ông M yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ, với tổng diện tích là 12.873,5 m2 cùng số tiền 12.666.000 đồng theo pháp luật. Ông M cũng đề nghị xem xét công sức đóng góp của ông vì thực tế quyền sử dụng đất là của vợ chồng ông nhận chuyển nhượng, tài sản phát sinh sau khi bà U và bà L lập gia đình. Đồng thời, ông M xin được hưởng luôn suất thừa kế của ông Bê và bà Đ đối với phần di sản của ông N, do ông M được ông B và bà Đ tặng cho. Đối với thửa đất số 73 tờ bản đồ số 152 cùng căn nhà trên đất, ông M đã được cha mẹ tặng cho có điều kiện trước khi chết, vợ chồng ông M đã hoàn thành nghĩa vụ được tặng cho là phụng dưỡng cha mẹ, đang thờ cúng ông bà và liệt sỹ. Tài sản của ông N và bà C đã định đoạt cho ông M trước khi chết, không phải là di sản của ông N, bà C nên không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của bà L và bà U. Về giá trị tài sản tranh chấp ông M thống nhất theo biên bản thỏa thuận giá trị tài sản, không có ý kiến gì.

- Bị đơn, bà Ngô Thị L trình bày:

Bà L thống nhất với lời trình bày của ông M về quan hệ gia đình giữa ông M, bà L với bà U. Riêng ông B và bà Đ, bà L không đồng ý đây là con của ông N vì khi ông N còn sống, ông B và bà Đ không đến thăm hỏi. Đối với quyền sử dụng đất và tiền theo 02 bản án của Tòa án gồm: Các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L có tổng diện tích là 12.873,5 m2 cùng số tiền 12.666.000 đồng, bà L chấp nhận chia làm 3 suất thừa kế, bà L, ông M và bà U mỗi người được hưởng một suất, không chấp nhận chia cho ông B và bà Đ. Đối với thửa đất số 73 tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ là di sản của ông N và bà C hiện ông M đang quản lý sử dụng, bà L yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật cho bà L, ông M và bà U. Căn nhà và công trình kiến trúc trên đất do ông M xây dựng nên bà L không tranh chấp. Đối với phần đất đo vẽ lấn ranh qua thửa 93, bà L không yêu cầu tranh chấp. Về giá trị quyền sử dụng đất, bà L thống nhất theo biên bản thỏa thuận giá trị tài sản, không yêu cầu định giá lại.

- Bị đơn bà Ngô Thị U trình bày:

Bà U thống nhất như lời trình bày của bà L, chấp nhận chia quyền sử dụng đất các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ có tổng diện tích là 12.873,5 m2 cùng số tiền 12.666.000 đồng làm 03 phần, không chấp nhận chia cho ông B và bà Đ. Đối với thửa đất số 73, tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ, bà yêu cầu chia làm 03 suất thừa kế, bà U xin được hưởng 1 suất thừa kế theo pháp luật. Đối với phần diện tích đất đo vẽ lấn ranh qua thửa 93, bà U không tranh chấp. Tờ giấy thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất do bà U với ông M ký, mục đích để ông M không được quyền chuyển nhượng thửa đất số 73 cho người khác, bà U không từ bỏ quyền thừa kế, nên bà U vẫn giữ nguyên yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất số 73 tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ. Riêng căn nhà và vật kiến trúc trên thửa đất này là do ông M xây dựng nên bà U không tranh chấp. Về giá tài sản, bà U thống nhất theo biên bản thỏa thuận giá trị tài sản, không yêu cầu định giá lại.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ngô Văn B và bà Võ Thị Đ trình bày:

Ông Ngô Văn B và bà Võ Thị Đ là con của ông Ngô Văn N và bà Võ Thị T. Ông B và bà Đ sống cùng ông N và bà T trên thửa đất số 121 giáp ranh với thửa đất số 73, trên đất đã có căn nhà mà hiện tại gia đình ông B đang quản lý sử dụng. Sau khi ông N, bà T ly hôn, ông Nờ ra ngoài sống chung với bà C, giao nhà và quyền sử dụng đất cho bà T cùng anh em ông B quản lý sử dụng. Sau đó, bà T cũng đi lấy chồng khác, bà Đ lập gia đình theo chồng, ông B cũng lập gia đình và được bà T giao quản lý nhà và đất sử dụng đến nay. Sau đó, ông N và bà C trở về xin ông B đất để xây dựng nhà ở (không nhớ rõ thời gian cụ thể). Vì tình nghĩa cha con nên ông B có cho ông N và bà C một phần đất xây dựng nhà ở nay là thửa đất số 73 mà các bên tranh chấp. Ông N và bà C có 3 người con là ông M, bà L và bà U. Bà L và bà U lập gia đình theo chồng, còn ông M ở trên thửa đất 73 cùng ông N, bà C. Theo ông B biết thì quyền sử dụng thửa đất số 73 ông N và bà C đã giao cho ông M vì đây là nhà tự, ông M có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng ông bà, nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Căn nhà tự hư hỏng do bão nên ông M đã xây dựng lại toàn bộ và xây dựng các công trình kiến trúc trên đất. Đất có nguồn gốc của ông N nhưng đã được giao cho ông My, nên ông B và bà Đ không yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất số 73 này. Riêng đối với các thửa đất ruộng 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ được mua sau khi bà L và bà U lập gia đình. Lúc này, chỉ còn ông M sống cùng bà C và ông N và ông N, bà C không còn sức lao động. Theo ông B và bà Đ, các thửa đất này là do ông M và bà V mua nhưng tiền mua đất là của ai thì ông B và bà Đ không biết. Tòa án đã quyết định đây là di sản của ông N, nên ông B và bà Đ yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông N trong khối tài sản chung của ông N và bà C theo pháp luật, gồm quyền sử dụng đất các thửa 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ có tổng diện tích là 12.873,5 m2 cùng số tiền 12.666.000 đồng. Ông B và bà Đ tự nguyện giao suất thừa kế của mình cho ông Ngô Văn M được hưởng vì ông M có công sức tạo lập và thờ cúng ông bà.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Ngô Thị V trình bày:

Bà là vợ của ông Ngô Văn M, bà thống nhất như lời trình bày của ông M, không bổ sung gì thêm.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ngô Tấn T, ông Ngô Đức H, bà Ngô Thị T, bà Trần Thị H trình bày:

Các ông bà là con của ông Ngô Văn M và hiện cùng sử dụng thửa đất số 73, tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ. Các ông, bà không có ý kiến gì, không yêu cầu độc lập và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị M, ông Ngô Văn T, ông Ngô Văn T1, bà Ngô Thị L trình bày:

Bà M là vợ của ông Ngô Văn B còn ông T, ông T1 và bà L là con của ông B. Các ông bà hiện ở cùng ông B trên căn nhà có phần mái lấn qua không gian của thửa đất số 73. Các ông bà không có ý kiến, không có yêu cầu độc lập và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS -ST ngày 08-01-2020 của Toà án nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã căn cứ các điều 26, 35, 147, 165, 228, 235, 266, 271 Bộ luật tố tụng dân sự; các điều 223, 649, 651 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ngô Văn M về việc chia thừa kế di sản của ông Ngô Văn N, bà Nguyễn Thị C quyền sử dụng đất các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L có tổng diện tích là 12.873,5m2, cùng số tiền 12.666.000 đồng.

1.1. Chia cho ông Ngô Văn M được hưởng phần thừa kế di sản của bà C và ông N diện tích đất là 3.423,93 m2 và số tiền là 3.377.600 đồng.

1.2. Chia cho bà Ngô Thị L được hưởng phần thừa kế di sản của bà C và ông N diện tích đất là 3.423,93 m2 và số tiền là 3.377.600 đồng.

1.3. Chia cho bà Ngô Thị U được hưởng phần thừa kế di sản của bà C và ông N diện tích đất là 3.423,93 m2 và số tiền là 3.377.600 đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập ông Ngô Văn B, bà Võ Thị Đ về việc chia thừa kế di sản của ông Ngô Văn N là 1/2 giá trị trong khối di sản chung của ông N và bà Chà gồm các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L có tổng diện tích là 12.873,5 m2, cùng số tiền 12.666.000 đồng.

2.1. Chia cho ông Ngô Văn B được hưởng phần thừa kế di sản của ông N diện tích đất là 1.287,35 m2 và số tiền là 1.266.600 đồng 2.2. Chia cho bà Võ Thị Đ được hưởng phần thừa kế di sản của ông N diện tích đất là 1.287,35 m2 và số tiền là 1.266.600 đồng.

3. Ông B và bà Đ giao phần thừa kế của mình cho ông M được hưởng nên ông M, bà L, bà U được hưởng tài sản cụ thể như sau:

3.1. Ông M được hưởng diện tích là 6.007,63 m2 gồm thửa đất số 594 có diện tích là 4.583 m2, một phần của thửa đất số 610 liền kề có diện tích là 1.424,63 m2 cùng số tiền mặt 5.910.000 đồng.

3.2. Bà L hưởng diện tích 3.423,93 m2 trong đó được giao sử dụng phần còn lại của thửa đất số 610 là 2.529,37 m2 diện tích chênh lệch là 912,57 m2 được quy ra thành tiền bà U phải giao lại cho bà L bằng giá trị là 136.885.500 đồng cùng số tiền mặt được hưởng là 3.377.600 đồng.

3.3. Bà U hưởng diện tích 3.423,93 m2, giao cho bà U được sử dụng hai thửa đất 595 và 587 có tổng diện tích là 4.336,5 m2, diện tích chênh lệch tăng so với diện tích được hưởng là 912,57 m2 được quy ra thành tiền bà U có nghĩa vụ phải giao lại cho bà L bằng giá trị là 136.885.500 đồng, số tiền mặt được hưởng là 3.377.600 đồng.

Buộc bà Ngô Thị L và bà Ngô Thị U phải giao cho ông M quyền sử dụng đất và số tiền được hưởng như trên.

Các bên có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan chuyên môn để đăng ký, chỉnh lý lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Cơ quan chuyên môn có nghĩa vụ thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Bản án, Quyết định của Tòa án.

4. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Ngô Thị , bà Ngô Thị U về việc chia thừa kế đối với thửa đất số 73 tờ bản đồ số 152, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ, chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 13-01-2020, bị đơn bà Ngô Thị U và bà Ngô Thị L có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị đơn, bà Ngô Thị U và bà Ngô Thị L thay đổi yêu cầu kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không chia cho ông B và bà Đ hưởng di sản thừa kế của ông N vì họ không phải là con ruột của ông N; chỉ chia cho ông M, bà L và bà U được hưởng di sản thừa kế của ông N và bà C để lại gồm quyền sử dụng đất 12.873,5 m2 thuộc thửa 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ; quyền sử dụng đất 329,6 m2 thuộc thửa số 73 tờ bản đồ số 152, thị trấn Đ, huyện Đ và số tiền 12.666.000 đồng, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Ngô Thị U đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án vì những lý do sau: Cấp sơ thẩm chấp nhận chia thừa kế cho ông Ngô Văn B và bà Võ Thị Đ là không có căn cứ; khi chia thừa kế di sản của ông Ngô Văn N, cấp sơ thẩm không chia cho bà Nguyễn Thị C một suất thừa kế là không đúng quy định pháp luật.

- Nguyên đơn ông Ngô Văn M, đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ngô Văn B, bà Võ Thị Đ, giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm; trường hợp cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn thì ông M yêu cầu xem xét công sức giữ gìn, bảo quản di sản thừa kế của ông theo quy định của pháp luật.

- Về giá trị tài sản tranh chấp: Các đương sự đồng ý với mức giá đã được các bên thỏa thuận tại Biên bản thỏa thuận ngày 14-11-2019, không ai yêu cầu định giá lại tài sản.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và không bổ sung thêm chứng cứ nào khác.

- Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử công khai, đúng trình tự thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, thời hạn tạm ngừng phiên tòa chưa đúng quy định tại Điều 259, Điều 304 Bộ luật tố tụng dân sự.

Các đương sự đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Phân chia cho bà Nguyễn Thị C được hưởng 01 suất thừa kế của ông Ngô Văn N và suất thừa kế này của bà C được gộp chung với phần di sản thừa kế của bà C để chia cho các đồng thừa kế của bà C là ông M, bà L và bà U; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, chia di sản thừa kế của ông N, bà C là quyền sử dụng đất diện tích 329,6 m2 tại thửa số 73, tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo quy định của pháp luật, trong đó, di sản của ông N và bà C mỗi người là ½ giá trị quyền sử dụng thửa đất trên. Phần di sản của ông N được chia làm 07 phần, 06 đồng thừa kế là bà C, ông M, ông B, bà Đ, bà L và bà U mỗi người được hưởng 01 phần, 01 phần còn lại giao cho ông M vì có công bảo quản, giữ gìn di sản; phần di sản của bà C được chia làm 04 phần, 03 đồng thừa kế là ông M, bà L và bà U mỗi người được hưởng 01 phần, 01 phần còn lại giao cho ông M vì có công bảo quản, giữ gìn di sản. Giao cho ông M được sở hữu toàn bộ quyền sử dụng thửa đất số 73 nêu trên và phải thanh toán lại giá trị phần di sản mà bà L, bà U được hưởng tính thành tiền là 565.221.427 đồng. Do ông B, bà Đ tự nguyện nhường quyền hưởng di sản thừa kế của mình cho ông M nên ông M được hưởng phần di sản mà ông B, bà Đ được chia.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bà Ngô Thị L và bà Ngô Thị U nộp trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Về việc vắng mặt đương sự tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn bà Ngô Thị L vắng mặt nhưng có người đại diện theo ủy quyền là bà Ngô Thị U có mặt tại phiên tòa; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (trừ bà Ngô Thị V) vắng mặt nhưng đều đã có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt. Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, xử vắng mặt các đương sự trên.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn và ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn về việc hủy bản án sơ thẩm:

[2.1] Trong đơn kháng cáo, bị đơn bà Ngô Thị L và bà Ngô Thị U yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm. Nhưng tại biên bản làm việc ngày 02-6-2020 và tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn thay đổi yêu cầu kháng cáo, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không chia cho ông B và bà Đ hưởng di sản thừa kế của ông N; chỉ chia cho ông M, bà L và bà U được hưởng di sản thừa kế của ông N và bà C để lại gồm quyền sử dụng đất 12.873,5 m2 thuộc thửa 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ; quyền sử dụng đất 338,6 m2 (đo đạc thực tế còn 329,6 m2) thuộc thửa số 73 tờ bản đồ số 152, thị trấn Đ, huyện Đ và số tiền 12.666.000 đồng, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau. Xét việc thay đổi yêu cầu kháng cáo này của bị đơn không vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu nên được chấp nhận xem xét. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn Ngô Thị U đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm vì: Lý do thứ nhất là cấp sơ thẩm chấp nhận chia thừa kế cho ông Ngô Văn B và bà Võ Thị Đ là không có căn cứ; lý do thứ hai là khi chia thừa kế di sản của ông Ngô Văn N, cấp sơ thẩm không chia cho bà Nguyễn Thị C một suất thừa kế là không đúng quy định pháp luật.

[2.2] Xét lý do thứ nhất mà bị đơn và luật sư của bị đơn đưa ra thì thấy: Theo nguyên đơn ông Ngô Văn M và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ngô Văn B, bà Võ Thị Đ, thì ông Ngô Văn N sống chung với bà Võ Thị T từ trước năm 1944, không đăng kết hôn nhưng có 02 người con chung là ông B (sinh năm 1944) và bà Đp (sinh năm 1952). Sau đó, ông N đã ly hôn với bà T và sống chung với bà Nguyễn Thị C, cũng không đăng ký kết hôn, có 03 người con chung là ông M, bà L và bà U. Tuy tại cấp phúc thẩm, bà L và bà U không thừa nhận ông B, bà Đ là con ruột của ông N nhưng xét lời khai trên của ông M, ông B, bà Đ là hoàn toàn phù hợp với chứng cứ Tòa án đã thu thập được, cụ thể: Tại Giấy xác nhận quan hệ ngày 18-3-2016, có xác nhận của Ủy ban nhân dân thị trấn Đ, huyện Đ (Bl 63); Trích lục khai sinh của ông B, bà Đ thực hiện đúng theo quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 16-11-2015 của Chính phủ và Điều 9 Thông tư 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015 của Bộ Tư pháp (Bl 65,66); Công văn số 1068/CAH-QLHC ngày 13-8-2018 của Công an huyện Đất Đỏ (Bl 297) đều ghi nhận ông B, bà Đ là con ruột của ông Ngô Văn N. Ngoài ra, tại phiên tòa sơ thẩm, chính bị đơn bà Ngô Thị L cũng thừa nhận ông B, bà Đ là anh em cùng cha, khác mẹ của mình (BL 385). Do vậy, có đủ căn cứ xác định ông B, bà Đ là con ruột của ông Ngô Văn N và bà Võ Thị T. Cấp sơ thẩm xác định ông B, bà Đ là người thừa kế hàng thứ nhất của ông N và chia cho ông B, bà Đ được hưởng một kỷ phần trong di sản thừa kế của ông Ngô Văn N là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự về người thừa kế theo pháp luật. Kháng cáo của bị đơn và ý kiến của luật sư bảo vệ bị đơn về nội dung này là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[2.3] Xét lý do thứ hai mà luật sư của bị đơn đưa ra thì thấy: Ông N và bà C chung sống vợ chồng từ trước ngày 03-01-1987, theo hướng dẫn tại điểm a mục 1 phần II Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp này, khi một người chết trước, người còn sống được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Căn cứ giấy chứng tử của ông N và bà C (Bl 09, 10), thì ông Ngô Văn N chết năm 1997, bà Nguyễn Thị C chết năm 2012. Do vậy, bà C là người thừa kế hàng thứ nhất của ông N và được hưởng 01 kỷ phần trong di sản mà ông N để lại. Cấp sơ thẩm không chia cho bà C được hưởng 01 suất thừa kế của ông N là có sai sót trong áp dụng pháp luật dân sự về thừa kế. Tuy nhiên, đây là sai sót về nội dung và cấp phúc thẩm có thể sửa chữa, khắc phục được nên không phải là căn cứ để hủy bản án sơ thẩm như đề nghị của luật sư bảo vệ bị đơn.

[2.4] Xét kháng cáo của bị đơn đối với việc chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất 12.873,5 m2 thuộc thửa 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ và số tiền 12.666.000 đồng:

[2.4.1] Về di sản thừa kế:

Quá trình giải quyết vụ án từ cấp sơ thẩm đến phiên tòa phúc thẩm, các đương sự đều khai: Căn cứ vào Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2015/DS-ST ngày 26-6-2015 của Tòa án nhân dân huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bản án dân sự phúc thẩm số 38/2015/DS-PT ngày 24-6-2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (đều đã có hiệu lực pháp luật), thì quyền sử dụng đất 12.873,5 m2 thuộc thửa 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ và số tiền 12.666.000 được xác định là di sản thừa kế chung của ông N và bà C để lại; ông N, bà C không lập di chúc để định đoạt những tài sản này. Căn cứ Công văn số 07 ngày 09-01-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thì toàn bộ di sản trên đã được Cơ quan này giao cho bà Ngô Thị U và bà Ngô Thị L đại diện quản lý. Vì vậy, bản án sơ thẩm tuyên xử phân chia những di sản thừa kế trên của ông N, bà C theo pháp luật là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp quy định của pháp luật.

[2.4.2] Về xác định người thừa kế hàng thứ nhất của ông N, bà C:

Như đã phân tích tại mục [2.2] và mục [2.3], người thừa kế hàng thứ nhất của ông N gồm có 06 người: Bà C, ông M, bà L, bà U, ông B và bà Đ; người thừa kế hàng thứ nhất của bà C gồm có 03 người: Ông M, bà L và bà U. Cấp sơ thẩm không đưa bà C vào hàng thừa kế thứ nhất của ông N là có sai sót nên cần bổ sung cho phù hợp quy định của pháp luật.

[2.4.3] Về công sức bảo quản, giữ gìn phần di sản này:

Quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, các đương sự không có yêu cầu về vấn đề này nên bản án sơ thẩm không đề cập. Các đương sự cũng không kháng cáo về nội dung này của bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông M mới yêu cầu Tòa án xem xét công sức bảo quản, giữ gìn của ông đối với phần đất 12.873,5 m2 trên nên về nguyên tắc Hội đồng xét xử không xem xét. Mặt khác, xét thấy phần đất này trước đây lúc ông N, bà C còn sống nguyên đơn ông M có sử dụng một thời gian sau đó cho thuê và chuyển nhượng cho người khác. Sau năm 2015, bị đơn là bà L và bà U trực tiếp quản lý, sử dụng phần đất này. Ông M cho rằng ông là người bỏ tiền ra nhận chuyển nhượng phần đất này nhưng để cho cha là ông N đứng tên mà không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh. Như vậy, nguyên đơn và bị đơn đều có quản lý, sử dụng di sản một thời gian và được hưởng hoa lợi trong thời gian quản lý. Đối với số tiền cho thuê phần đất này là 12.666.000 đồng, đã được xác định là di sản thừa kế và phân chia trong vụ án này.

Do vậy, không có căn cứ để trích cho nguyên đơn hoặc bị đơn phần công sức bảo quản, giữ gìn phần di sản này.

[2.4.4] Do cấp sơ thẩm xác định người thừa kế của ông N không chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm có căn cứ để sửa bản án sơ thẩm về phần chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất 12.873,5 m2 thuộc thửa 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ và số tiền 12.666.000 đồng, như sau:

- Về diện tích đất 12.873,5 m2: Đây là di sản chung của ông N, bà C. Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình và Điều 213 Bộ luật Dân sự thì đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, vợ và chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về tài sản. Do vậy, di sản thừa kế riêng của ông N và bà C là ½ di sản chung trên, cụ thể của mỗi người là 12.873,5 m2 : 2 = 6.436,75 m2.

Phần di sản của ông N là 6.436,75 m2 được chia cho 06 người thừa kế hàng thứ nhất là bà C, ông M, bà L, bà U, ông B và bà Đ, mỗi người được hưởng 01 phần bằng nhau là: 6.436,75 m2 : 6 = 1.072,79 m2. Do ông B, bà Đp tặng cho ông M phần di sản của mình nên ông M được hưởng 03 suất thừa kế của ông N là:

1.072,79 m2 x 3 = 3.218,37 m2.

Phần di sản của bà C là 6.436,75 m2 + 1.072,79 m2 = 7.509,54 m2, được chia cho 03 người thừa kế hàng thứ nhất là ông M, bà L và bà U, mỗi người được hưởng 01 phần bằng nhau là: 7.509,54 m2 : 3 = 2.503,18 m2.

Tổng cộng, ông M được hưởng thừa kế của cả ông N và bà C là 3.218,37 m2 + 2.503,18 m2 = 5.721,55 m2, làm tròn số là 5.721,5 m2.

Bà L và bà U mỗi người được hưởng thừa kế của cả ông N và bà C là 1.072,79 m2 + 2.503,18 m2 = 3.575,97 m2, làm tròn số là 3.576 m2.

- Về số tiền 12.666.000 đồng: Đây là khoản tiền cho thuê 12.873,5 m2 đất nêu trên, nên cũng là di sản chung của ông N, bà C; ông bà có quyền và nghĩa vụ ngang nhau về tài sản. Do vậy, di sản thừa kế riêng của ông N và của bà C là ½ di sản chung, cụ thể là 12.666.000 đồng : 2 = 6.333.000 đồng.

Phần di sản của ông N là 6.333.000 đồng được chia cho 06 người thừa kế hàng thứ nhất là bà C, ông M, bà L, bà U, ông B và bà Đ, mỗi người được hưởng 01 phần bằng nhau là: 6.333.000 đồng : 6 = 1.055.500 đồng. Do ông B, bà Đ tặng cho ông M phần di sản của mình nên ông M được hưởng 03 suất thừa kế của ông N là: 1.055.500 đồng x 3 = 3.166.500 đồng.

Phần di sản của bà C là 6.333.000 đồng + 1.055.500 đồng = 7.388.500 đồng, được chia cho 03 người thừa kế hàng thứ nhất là ông M, bà L và bà U, mỗi người được hưởng 01 phần bằng nhau là: 7.388.500 đồng : 3 = 2.462.833 đồng.

Tổng cộng, ông M được hưởng thừa kế của cả ông N và bà C là 3.166.500 đồng + 2.462.833 đồng = 5.629.333 đồng.

Bà L và bà U mỗi người được hưởng thừa kế của cả ông N và bà C là 1.055.500 đồng + 2.462.833 đồng = 3.518.333 đồng.

[2.4.5] Về việc chia phần di sản này bằng hiện vật.

Toàn bộ diện tích đất 12.873,5 m2 nêu trên là đất trồng lúa và hiện nay, cả nguyên đơn và bị đơn đều sinh sống tại địa phương, có nhu cầu và có khả năng trực tiếp sử dụng đất trồng lúa nên cấp sơ thẩm phân chia quyền sử dụng đất trên cho nguyên đơn và bị đơn theo tỷ lệ phần di sản được hưởng là phù hợp. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chia cho bà Ngô Thị L phần đất ít phần bà được hưởng, chia cho bà Ngô Thị U phần đất nhiều phần bà được hưởng và buộc bà U thanh toán cho bà L giá trị phần chênh lệch là không phù hợp. Bởi lẽ, căn cứ vào vị trí, diện tích và hiện trạng các thửa đất tranh chấp thì hoàn toàn có thể chia cho các đương sự đủ diện tích đất họ được hưởng bằng hiện vật, không phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch. Việc chia toàn bộ di sản bằng hiện vật cho các đồng thừa kế vừa đảm bảo sự công bằng về quyền lợi cho các đương sự, vừa đảm bảo điều kiện tách thửa đất nông nghiệp theo quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 22-7-2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng như tạo thuận lợi cho các bên khi sử dụng đất trên thực tế. Do vậy, cần sửa về cách chia di sản bằng hiện vật của bản án sơ thẩm.

[2.4.6] Cụ thể, chia bằng hiện vật cho các đương sự như sau:

- Bà Ngô Thị L được chia phần đất ký hiệu Lô 1, diện tích 3.576 m2 thuộc thửa 594, tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trị giá tài sản là 3.576 m2 x 70.000 đồng/m2 = 250.320.000 đồng.

- Bà Ngô Thị U được chia phần đất ký hiệu Lô 2, diện tích 3.576 m2, gồm:

1007 m2 thuộc thửa 594 và 2569 m2 thuộc thửa 610, tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trị giá tài sản là 3.576 m2 x 70.000 đồng/m2 = 250.320.000 đồng.

- Ông Ngô Văn M được chia các phần đất ký hiệu Lô 3, Lô 4 và Lô 5, tổng diện tích 5.721,5 m2, gồm: 1385 m2 thuộc thửa 610, 1702,4 m2 thửa 595 và 2634,1 m2 thửa 587, tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trị giá tài sản là 5.721,5 m2 x 70.000 đồng/m2 = 400.505.000 đồng.

[2.5] Xét kháng cáo của bị đơn đối với việc chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất diện tích 329,6 m2 thuộc thửa 73, tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là thửa đất số 73):

Bị đơn bà L và bà U phản tố cho rằng quyền sử dụng đất nêu trên là di sản thừa kế của bà Nguyễn Thị C để lại nên yêu cầu chia cho những người đồng thừa kế của bà C là ông M, bà L và bà U, không đồng ý chia cho ông B và bà Đ. Còn nguyên đơn ông M lại cho rằng nguồn gốc thửa đất này là do cha mẹ là ông N, bà C tặng cho ông lúc cha mẹ còn sống, với điều kiện là ông phải phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng ông bà, vì vậy nên ông M không đồng ý chia thừa kế đối với quyền sử dụng thửa đất này.

[2.5.1] Xét nguồn gốc của thửa đất này theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do bà Nguyễn Thị C và ông Ngô Văn N mua lại của bà Lương Thị N từ trước năm 1975 và bà C làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1996, lúc ông N còn sống (Bl 261). Đến ngày 14-6-2011, bà C làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thửa đất này và được điều chỉnh số thửa mới là thửa 73/338,6 m2 do trước đó đã bị Nhà nước thu hồi một phần để mở rộng Quốc lộ 55. Như vậy, thửa đất này được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân của ông N và bà C. Lúc vợ chồng ông N, bà C còn sống cũng đã làm nhà và sinh sống ổn định tại thửa đất này. Bản thân nguyên đơn và bị đơn trong các lời khai tại cấp sơ thẩm cũng đều thừa nhận đây là tài sản chung của cha mẹ. Ông M khai đã được cha mẹ tặng cho thửa đất này nhưng không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh cho lời khai này. Mặt khác, bản thân ông M cũng thừa nhận khi Nhà nước thu hồi một phần thửa đất trên thì có bồi thường cho bà C một khoản tiền, còn ông không được nhận phần tiền này. Vì vậy, mặc dù ông M có được cha mẹ cho làm nhà ở trên thửa đất này nhưng chưa được cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất. Do vậy, đây vẫn là di sản thừa kế của ông N, bà C để lại. Việc các bị đơn phản tố yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thửa 73 này là hoàn toàn có căn cứ nên được chấp nhận.

[2.5.2] Do các bị đơn chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với quyền sử dụng đất mà không yêu cầu chia đối với căn nhà, tài sản gắn liền trên đất nên Tòa án không xem xét đối với những tài sản trên đất. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị đơn đồng ý giao toàn bộ quyền sử dụng thửa đất trên cho ông M sở hữu, sử dụng và thanh toán giá trị phần di sản mà các bị đơn được hưởng bằng tiền. Xét, hiện nay, gia đình ông M đang thực tế sử dụng nhà đất này nên việc giao tài sản cho ông M tiếp tục sử dụng là phù hợp.

[2.5.3] Xét quyền hưởng di sản của ông B, bà Đ đối với quyền sử dụng đất thửa 73:

Tuy trong đơn yêu cầu độc lập, ông B, bà Đ không yêu cầu chia đối với phần di sản này, trong các lời khai của mình, ông B, bà Đ cũng xác nhận thửa đất này đã được ông N, bà C tặng cho ông B lúc còn sống, nhưng ông B, bà Đ cũng không từ chối hưởng phần di sản này. Do Hội đồng xét xử xác định đây là di sản thừa kế của ông N, bà C nên về nguyên tắc ông B, bà Đ vẫn được hưởng một phần thừa kế của ông N đối với di sản này. Do ông B, bà Đ tự nguyện tặng cho phần di sản mà mình được hưởng cho ông M nên ông M được nhận suất thừa kế chia cho ông B và bà Đ.

[2.5.3] Xét công sức bảo quản, giữ gìn di sản của ông M: Các đương sự đều thừa nhận ông M là người trực tiếp ở trên thửa đất số 73 từ khi ông N, bà C còn sống đến nay, có công sửa chữa, tu bổ căn nhà thờ của cha mẹ để lại và bảo quản, giữ gìn di sản thừa kế đến nay. Mặc dù phía bị đơn không đồng ý nhưng căn cứ quy định tại Điều 618 Bộ luật Dân sự, Hội đồng xét xử thống nhất quan điểm đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát, tính công sức bảo quản, giữ gìn di sản cho ông M bằng một kỷ phần thừa kế của ông N và bà C.

[2.5.4] Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, chia di sản thừa kế là quyền sử dụng thửa đất số 73 như sau:

Tổng giá trị thửa đất theo biên bản thỏa thuận giá trị tài sản tranh chấp ngày 14-11-2019 (Bl 374) là 2.637.700.000 đồng.

Di sản thừa kế của ông N là 2.637.700.000 đồng : 2 = 1.318.850.000 đồng, được chia làm 07 phần, trong đó mỗi đồng thừa kế là bà C, ông M, bà L, bà U, ông B và bà Đ được hưởng một kỷ phần bằng nhau, kỷ phần còn lại giao cho ông M vì có công bảo quản, giữ gìn di sản. Cụ thể, mỗi kỷ phần có giá trị là 1.318.850.000 đồng : 7 = 188.407.142 đồng.

Ông M được hưởng 4/7 kỷ phần thừa kế của ông N (gồm cả suất của ông B, bà Đ) là 188.407.142 đồng x 4 = 753.628.568 đồng.

Di sản thừa kế của bà C là 1.318.850.000 đồng + 188.407.142 đồng = 1.507.257.142 đồng, được chia làm 04 phần, trong đó mỗi đồng thừa kế là ông M, bà L và bà U được hưởng một kỷ phần bằng nhau, kỷ phần còn lại giao cho ông M vì có công bảo quản, giữ gìn di sản. Cụ thể, mỗi kỷ phần có giá trị là 1.507.257.142 đồng : 4 = 376.814.258 đồng.

Ông M được hưởng 2/4 kỷ phần thừa kế của bà C là 376.814.258 đồng x 2 = 753.628.516 đồng.

Tổng cộng, ông M được hưởng thừa kế của cả ông N và bà C là 753.628.568 đồng + 753.628.516 đồng = 1.507.257.084 đồng.

Bà L và bà U mỗi người được hưởng thừa kế của cả ông N và bà C là 188.407.142 đồng + 376.814.258 đồng = 565.221.427 đồng.

Do ông M được giao toàn quyền sở hữu, sử dụng diện tích đất 329,6 m2 thuộc thửa 73, tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nên phải thanh toán cho bà L và bà U mỗi người 565.221.427 đồng.

[2.6] Đối với phần mái hiên nhà ông Ngô Văn B sử dụng chồng lấn lên một phần đất thuộc thửa 73: Do tại cấp sơ thẩm, các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết nên cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.

[2.7] Về chi phí tố tụng:

Chi phí đo vẽ, định giá đối với các thửa đất 594, 610, 587, 595 là 4.197.416 đồng. Mỗi bên phải chịu tương ứng với phần tài sản mà mình được chia, cụ thể: Ông M được chia 44,4% tài sản nên phải chịu 44,4% chi phí tố tụng là: 1.863.653 đồng. Bà L và bà U mỗi người được chia 27,8% tài sản nên phải chịu 27,8% chi phí tố tụng là: 1.166.881 đồng.

Chi phí đo vẽ, định giá đối với thửa đất 73 là 3.394.839 đồng. Mỗi bên phải chịu tương ứng với phần tài sản mà mình được chia, cụ thể: Ông M được chia 57,14% tài sản nên phải chịu 57,14% chi phí tố tụng là: 1.939.811 đồng. Bà L và bà U mỗi người được chia 21,4% tài sản nên phải chịu 21,4% chi phí tố tụng là:

726.495 đồng.

Tổng cộng: Ông M phải chịu chi phí tố tụng là 1.863.653 đồng + 1.939.811 đồng = 3.803.464 đồng (làm tròn thành 3.803.000 đồng). Bà L và bà U mỗi người phải chịu chi phí tố tụng là 1.893.376 đồng (làm tròn thành 1.893.000 đồng).

Ông M đã nộp tạm ứng 4.197.416 đồng, dư 393.952 đồng; bà U và bà L mới nộp tạm ứng mỗi người 1.697.419 đồng, còn thiếu mỗi người 196.976 đồng. Do vậy, bà L và bà U mỗi người phải hoàn trả cho ông M 196.976 đồng (làm tròn thành 197.000 đồng).

[2.8] Về án phí sơ thẩm:

Mỗi đương sự phải chịu án phí trên giá trị tài sản mà mình được chia cụ thể:

Ông M phải chịu án phí trên tổng giá trị tài sản được chia là 400.505.000 đồng + 5.629.333 đồng + 1.507.257.084 đồng = 1.913.391.417 đồng, tính thành tiền là 69.402.000 đồng, được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Bà L và bà U mỗi người phải chịu án phí trên tổng giá trị tài sản được chia là 250.320.000 đồng + 3.518.333 đồng + 565.221.427 đồng = 819.059.760 đồng, tính thành tiền là 36.572.000 đồng, được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

[2.9] Về án phí phúc thẩm:

Do yêu cầu kháng cáo của các bị đơn được chấp nhận một phần nên bà L và bà U không phải chịu án phí phúc thẩm, được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Ngô Thị L và bà Ngô Thị U, sửa bản án sơ thẩm:

Căn cứ vào các Điều 26, 35, 147, 165, 228, 235, 266, 271, 296 Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 612, 613, 618, 649, 651, 660 của Bộ luật Dân sự; Điều 26, Điều 27, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Ngô Văn M và yêu cầu độc lập của ông Ngô Văn B, bà Võ Thị Đ về việc chia thừa kế di sản của ông Ngô Văn N, bà Nguyễn Thị C là quyền sử dụng đất các thửa đất số 594, 610, 587, 595 tờ bản đồ số 24 xã L có tổng diện tích là 12.873,5 m2 và số tiền 12.666.000 đồng.

1.1. Bà Ngô Thị L được chia di sản thừa kế của ông Ngô Văn N, bà Nguyễn Thị C để lại là phần đất ký hiệu Lô 1, diện tích 3.576 m2 thuộc thửa 594, tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và số tiền 3.518.333 (ba triệu, năm trăm mười tám ngàn, ba trăm ba mươi ba) đồng. Diện tích đất Lô 1 được xác định theo các điểm tọa độ 1, 2, 3, 4, 5, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 1 (theo Mảnh trích đo địa chính số 202-2020 do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đ lập, đính kèm bản án).

1.2. Bà Ngô Thị U được chia di sản thừa kế của ông Ngô Văn N, bà Nguyễn Thị C để lại là phần đất ký hiệu Lô 2, diện tích 3.576 m2 gồm: 1007 m2 thuộc thửa 594 và 2569 m2 thuộc thửa 610, tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và số tiền 3.518.333 (ba triệu, năm trăm mười tám ngàn, ba trăm ba mươi ba) đồng. Diện tích đất Lô 2 được xác định theo các điểm tọa độ 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 5 (theo Mảnh trích đo địa chính số 202-2020 do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đ lập, đính kèm bản án).

1.3. Ông Ngô Văn M được chia di sản thừa kế của ông Ngô Văn N, bà Nguyễn Thị C để lại là phần đất ký hiệu Lô 3, Lô 4 và Lô 5, tổng diện tích 5.721,5 m2, gồm: 1385 m2 thuộc thửa 610, 1702,4 m2 thửa 595 và 2634,1 m2 thửa 587, tờ bản đồ số 24 xã L, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và số tiền 5.629.333 (năm triệu, sáu trăm hai mươi chín ngàn, ba trăm ba mươi ba) đồng. Diện tích đất Lô 3 được xác định theo các điểm tọa độ 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 11; diện tích đất Lô 4 được xác định theo các điểm tọa độ 1, 2, 3, 4, ,5 ,6 ,7, 8, 1; diện tích đất Lô 5 được xác định theo các điểm tọa độ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 1 (theo Mảnh trích đo địa chính số 202-2020 do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đ lập, đính kèm bản án).

1.4. Buộc bà Ngô Thị L và bà Ngô Thị U phải giao cho ông Ngô Văn M quyền sử dụng đất và số tiền được hưởng như trên.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Ngô Thị L, bà Ngô Thị U về việc chia thừa kế đối với thửa đất số 73, tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Giao cho ông Ngô Văn M được toàn quyền sử dụng thửa đất số 73, diện tích 329,6 m2, tờ bản đồ số 152 thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (theo sơ đồ vị trí thửa đất do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đ lập ngày 23-8- 2018, kèm theo bản án), nhưng phải thanh toán lại cho bà Ngô Thị L số tiền 565.221.427 (năm trăm sáu mươi lăm triệu, hai trăm hai mươi mốt ngàn, bốn trăm hai mươi bảy) đồng; thanh toán cho bà Ngô Thị U số tiền 565.221.427 (năm trăm sáu mươi lăm triệu, hai trăm hai mươi mốt ngàn, bốn trăm hai mươi bảy) đồng.

3. Các đương sự có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký, chỉnh lý quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Về chi phí tố tụng:

Tổng chi phí đo đạc, định giá ông Ngô Văn M phải chịu là 3.803.000 (ba triệu, tám trăm lẻ ba ngàn) đồng và đã nộp xong.

Bà Ngô Thị L và bà Ngô Thị U mỗi người phải chịu tổng chi phí đo đạc, định giá là 1.893.000 (một triệu, tám trăm chín mươi ba ngàn) đồng, nhưng mới nộp tạm ứng mỗi người 1.697.419 đồng. Do vậy, bà L và bà U mỗi người phải hoàn trả cho ông M 197.000 (một trăm chín mươi bảy ngàn) đồng.

5. Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (Đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (Đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

6. Về án phí sơ thẩm:

6.1. Ông Ngô Văn M phải nộp 69.402.000 (sáu mươi chín triệu, bốn trăm lẻ hai ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, được khấu trừ vào số tiền 5.746.000 (năm triệu, bảy trăm bốn mươi sáu ngàn) đồng tạm ứng án phí ông M đã nộp theo biên lai thu tiền số 0000015 ngày 08-10-2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông M còn phải nộp 63.656.000 (sáu mươi ba triệu, sáu trăm năm mươi sáu ngàn) đồng án phí sơ thẩm.

6.2. Bà Ngô Thị L phải nộp 36.572.000 (ba mươi sáu triệu, năm trăm bảy mươi hai ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, được khấu trừ vào số tiền 7.000.000 (bảy triệu) đồng tạm ứng án phí bà L đã nộp theo biên lai thu tiền số 0004505 ngày 16-10-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà L còn phải nộp 29.572.000 (hai mươi chín triệu, năm trăm bảy mươi hai ngàn) đồng án phí sơ thẩm.

6.3. Bà Ngô Thị U phải phải nộp 36.572.000 (ba mươi sáu triệu, năm trăm bảy mươi hai ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, được khấu trừ vào số tiền 6.000.000 (sáu triệu) đồng tạm ứng án phí bà U đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009628 ngày 16-5-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà U còn phải nộp 30.572.000 (ba mươi triệu, năm trăm bảy mươi hai ngàn) đồng án phí sơ thẩm.

6.4. Ông Ngô Văn B và bà Võ Thị Đ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho ông Ngô Văn B số tiền 690.000 (sáu trăm chín mươi ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0000511 ngày 29-4-2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hoàn trả cho bà Võ Thị Đ số tiền 690.000 (sáu trăm chín mươi ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0000510 ngày 29-4-2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

7. Về án phí phúc thẩm: Bà Ngô Thị L và bà Ngô Thị U không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm.

Hoàn trả cho bà Ngô Thị L 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0002418 ngày 14-01-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hoàn trả cho bà Ngô Thị U 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0002419 ngày 14-01-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

8. Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (03-9- 2020).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án cùng lĩnh vực

Bản án mới nhất