Cảnh sát giao thông được quyền dừng xe khi nào?

Được biết công an có quyền dừng xe người tham gia giao thông nhưng cụ thể Cảnh sát giao thông dừng xe khi nào thì không phải ai cũng rõ. Nếu chưa biết thông tin này, cùng theo dõi bài viết ngay say đây.


1. Pháp luật cho phép Cảnh sát giao thông dừng xe khi nào?

Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, Cảnh sát giao thông có quyền dừng xe khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch với một trong các căn cứ để yêu cầu dừng xe kiểm soát giao thông sau đây:

- Cảnh sát giao thông trực tiếp Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phát hiện, thu thập được vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

- Thực hiện dừng xe kiểm soát theo mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

- Thực hiện theo văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng phương tiện để kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các vi phạm khác.

- Cảnh sát giao thông nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm của người và xe tham gia giao thông.

Lưu ý, khi dừng xe người đi đường, Cảnh sát giao thông (CSGT) phải đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Sau khi đã dừng phương tiện thì phải thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có).

Cảnh sát giao thông dừng xe khi nào?
Cảnh sát giao thông dừng xe khi nào? (Ảnh minh họa)

2. Khi bị CSGT dừng xe nên làm gì để không bị phạt?

Khi bị Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, để tránh việc bị xử phạt “lỗi chồng lỗi”, người tham gia giao thông cần thực hiện những điều sau đây:

(1) Chấp hành hiệu lệnh dừng xe, cho xe vào vị trí dừng mà CSGT hướng dẫn.

Ngay cả khi chưa rõ đúng sai thế nào người dân cũng cần tuân thủ hiệu lệnh dừng của Cảnh sát giao thông.

Theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, kể cả khi người tham gia giao thông không vi phạm, CSGT vẫn có quyền dừng xe nếu đang thực hiện chuyên đề, mệnh lệnh của cơ quan chức năng hoặc nhận được tin báo của cá nhân, tổ chức.

(2) Không vội xuất trình giấy tờ mà chờ CSGT chào và yêu cầu gì thì thực hiện.

Khi bị CSGT dừng xe chưa hẳn người tham gia giao thông đi sai luật nên bạn cần bình tĩnh để xử lý tình huống.

Theo quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông, khi dừng xe của bạn, CSGT phải chào bằng điều lệnh Công an nhân dân. Sau đó, CSGT mới yêu cầu người tham gia giao thông xuất trình giấy tờ.

Lúc này, người tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành yêu cầu, đưa các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện cho CSGT kiểm tra.

(3) Nếu cần thiết có thể sử dụng điện thoại để quay phim, ghi hình lại toàn bộ quá trình làm việc với CSGT.

Theo Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA, người dân có quyền giám sát CSGT thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.

Do đó, nếu tự tin là mình đi đúng luật và tránh tình trạng bị “bắt láo”, người tham gia giao thông nên quay phim hoặc ghi âm lại có bằng chứng khiếu nại sau này.

(4) Yêu cầu CSGT thông báo lỗi vi phạm

Theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, CSGT có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Do đó, khi CSGT lập biên bản, người tham gia giao thông có thể yêu cầu CSGT giải  thích rõ về lỗi vi phạm và chứng minh lỗi vi phạm.

Trường hợp người tham gia giao thông cho rằng mình đi đúng luật nhưng CSGT vẫn khẳng định đi sai và lập biên bản, bạn nên ghi thêm ý kiến của mình vào biên bản.

Trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của CSGT, người tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm về lỗi chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ. Mức phạt đặt ra với hành vi này là từ 04 đến 06 triệu đồng (theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Cần làm gì khi bị CSGT dừng xe?
Cần làm gì khi bị CSGT dừng xe? (Ảnh minh họa)

3. Cảnh sát giao thông dừng xe sai quy định, khiếu nại thế nào?

CSGT có quyền dừng xe người đi đường trong các trường luật định nhưng nếu vi phạm, người dân hoàn toàn có quyền khiếu nại.

Hiện Cục Cảnh sát giao thông đã công bố đường dây nóng tiếp nhận tin phản ánh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng CSGT đó là số hotline: 06923.42593.

Nếu cho rằng CSGT dừng xe sai quy định, người dân có thể gọi điện đến hotline 06923.42593 để phản ánh ngay hoặc thực hiện thủ tục khiếu nại theo quy định.

Lưu ý, trước khi vụ việc khiếu nại được xử lý thì người vi phạm vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt theo thời hạn đã quy định (căn cứ khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Nếu có quyết định giải quyết khiếu nại hoặc khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền xác định việc xử phạt giao thông là sai quy định, người tham gia giao thông sẽ được hoàn trả lại số tiền phạt đã nộp (theo Điều 7 Thông tư 18/2023/TT-BTC). Thời hạn hoàn tiền là 15 ngày.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Cảnh sát giao thông dừng xe khi nào?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục