Cảnh sát giao thông là ai? CSGT được dừng xe khi nào? Phạt bao nhiêu tiền?

Không chỉ hướng dẫn giao thông tại nơi ùn tắc, các nút giao thông quan trọng, Cảnh sát giao thông còn có nhiệm vụ quan trọng là tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Dưới đây là tổng hợp những quy định đáng chú ý liên quan đến Cảnh sát giao thông (CSGT).

Mục lục bài viết [Ẩn]


1. Cảnh sát giao thông là gì?

Pháp luật hiện không đưa ra khái niệm cụ thể về Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, thông qua các quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Cảnh sát giao thông có thể khái quát về CSGT như sau:

Cảnh sát giao thông là một lực lượng thuộc công an nhân dân thực hiện công tác bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Chiến sĩ CSGT ngoài trách nhiệm điều khiển giao thông, còn được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông.

Trong đó, trách nhiệm điều khiển giao thông bao gồm việc chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người đi đường chấp hành quy tắc giao thông và khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, CSGT được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường cụ thể, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe.

Còn khi thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, CSGT được kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông; xử lý vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, đồng thời phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn vi phạm về bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường bộ.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT khi tuần tra, kiểm soát

2.1. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát

Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BCA đã quy định cụ thể các nhiệm vụ của CSGT khi tuần tra, kiểm soát giao thông như sau:

1. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp trên phê duyệt.

2. Tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi được phân công.

3. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và các hành vi vi phạm khác; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm về bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường bộ.

4. Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

5. Chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị khác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm khác và tham gia phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác:

- Phát hiện bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền, kiến nghị với cơ quan chức năng biện pháp khắc phục kịp thời;

- Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chấp hành pháp luật về giao thông.

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng công an.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông (Ảnh minh họa)

2.2. Quyền hạn của Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát

Căn cứ Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA, quyền hạn của CSGT khi tuần tra kiểm soát được ghi nhận bao gồm:

1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông và kiểm soát người và phương tiện tham gia giao, kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải.

2. Được áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm giao thông, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác.

3. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông. Được huy động xe, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện trong trường hợp cấp bách.

4. Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác.

5. Được tạm đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện khi có ách tắc, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

6. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng công an.

3. Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát được trang bị những gì?

3.1. Trang phục Cảnh sát giao thông

Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA, trang phục CSGT mặc khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm là trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định.

Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn thì CSGT phải mặc thêm áo phản quang.

Riêng các trường hợp sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp thì một bộ phận CSGT có thể mặc thường phục để thực hiện nhiệm vụ (theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA).

3.2. Xe Cảnh sát giao thông

Xe Cảnh sát giao thông được trang bị để thực hiện nhiệm vụ bao gồm: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát; xe chuyên dùng (theo khoản 2 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA).

Đặc điểm nhận diện của các xe này như sau:

- Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát (màu sơn trắng); xe chuyên dùng: Có dòng chữ Cảnh sát giao thông song ngữ, lắp đặt đèn, cờ hiệu Công an, còi phát tín hiệu ưu tiên.

- Xe ô tô tuần tra, kiểm soát: Hai bên thành xe có vạch sơn phản quang xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” màu trắng; hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh phản quang.

- Xe mô tô tuần tra, kiểm soát: Hai bên bình xăng hoặc hai bên sườn hoặc ở hai bên cốp xe, bên trên có dòng chữ “C.S.G.T”, bên dưới có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh phản quang.

- Xe chuyên dùng: Hai bên thành thùng hoặc sườn xe có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” phản quang; hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” phản quang và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”.
Xe Cảnh sát giao thông nhận diện thế nào?
Xe Cảnh sát giao thông nhận diện thế nào? (Ảnh minh họa)

3.3. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA và Danh mục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP, để hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn, trật tự giao thông, lực lượng CSGT được trang bị thêm các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm:

1. Phương tiện đo độ dài.

2. Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới.

3. Phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh.

4. Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở.

5. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

6. Phương tiện đo khoảng cách giữa hai phương tiện giao thông đang chạy.

7. Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

8. Thiết bị đo, thử chất ma túy.

9. Thiết bị ghi đo bức xạ.

10. Thiết bị đánh dấu hóa chất.

11. Phương tiện đo áp suất khí nén.

12. Thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới.

13. Phương tiện đo độ ồn.

14. Thiết bị đo âm lượng.

15. Phương tiện đo nồng độ khí thải.

16. Phương tiện đo độ khói.

17. Thiết bị đo cường độ ánh sáng.

18. Thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

19. Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả.

20. Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình.

21. Thiết bị trích xuất dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.

22. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, điều hành giao thông.

23. Bộ máy quét hiện trường.

24. Máy vi tính, máy tính bảng lưu trữ kết quả thu thập được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ kể trên được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm CSGT, trên phương tiện giao thông, trang bị cho Tổ CGST, do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm giao thông và vi phạm pháp luật khác.

3.4. Vũ khí, công cụ hỗ trợ

Theo khoản 3 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA, Cảnh sát giao thông được trang bị các vũ khí, công cụ hỗ trợ bao gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn điện, súng bắn lưới, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn cay, súng bắn đạn đánh dấu, bình xịt cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8, gậy chỉ huy giao thông.

Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Xem thêm bài viết để biết các trường hợp Cảnh sát giao thông được quyền nổ súng.

3.5. Phương tiện liên lạc

Nhằm đảm bảo liên lạc, truyên thông tin nhanh chóng, CSGT được trang bị hệ thống liên lạc bao gồm: Bộ đàm, điện thoại, máy fax, máy tính lưu trữ, truyền nhận dữ liệu, máy in (căn cứ khoản 5 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA).

3.6. Các vật dụng khác

Ngoài các vật phương tiện, thiết bị nghiệp vụ, CSGT còn được trang bị thêm một số vật dụng khác phục vụ cho việc hướng dẫn giao thông cũng như phát hiện, xử lý vi phạm: Còi, loa, rào chắn, cọc tiêu hình chóp nón, biển báo hiệu, dây căng, đèn chiếu sáng.

4. Cảnh sát giao thông được dừng xe khi nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA, Cảnh sát giao thông được dừng xe để kiểm soát giao thông nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các vi phạm về giao thông và các vi phạm pháp luật khác.

(2) Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được ban hành.

(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng xe để kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các vi phạm khác.

(4) Khi nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và xe tham gia giao thông.

>> Gọi ngay tổng đài 19006192 để được hướng dẫn xử lý khi CSGT dừng xe không đúng quy định.

5. Quy trình dừng xe xử phạt của Cảnh sát giao thông

Quy trình dừng xe của Cảnh sát giao thông được hướng dẫn chi tiết tại Mục 2 Chương III Thông tư 32/2023/TT-BCA như sau:

Bước 1. CSGT ra hiệu lệnh dừng phương tiện

Hiệu lệnh dừng được thực hiện thông qua các tín hiệu như: Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.

Bước 2. CSGT đề nghị tài xế xuống xe

Bước 3. CSGT Chào người tham gia giao thông theo Điều lệnh

Bước 4. Thông báo lý do dừng xe và yêu cầu xuất trình giấy tờ

CSGT thông báo cho lái xe và những người trên xe biết lý do kiểm soát; đề nghị lái xe xuất trình các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện hoặc thông tin các giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử VNeID để kiểm soát.

Bước 5. CSGT tiến hành kiểm soát người và phương tiện

- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện.

- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện.

- Kiểm soát việc chấp hành các quy định về an toàn vận tải.

- Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Bước 6. Thông báo lỗi vi phạm

Sau khi kết thúc kiểm soát, CSGT báo cáo Tổ trưởng về kết quả, thông báo cho tài xế và những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có) và biện pháp xử lý.

Bước 7. CSGT lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ

6. Nhận biết các hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông được thể hiện bằng tay, cờ, gậy hoặc đèn tín hiệu ánh sáng điều khiển giao thông. Từng cử chỉ của CSGT đều có những ý nghĩa nhất định. Cụ thể:

* Hiệu lệnh bằng tay:

- CSGT tay giơ thẳng đứng thì người đi đường ở các hướng đều phải dừng lại.

- Hai tay hoặc một tay CSGT dang ngang thì người ở phía trước và ở phía sau CSGT đều phải dừng lại; người ở bên phải và bên trái được đi…

* Hiệu lệnh bằng còi:

- Một tiếng còi dài, mạnh thì các xe phải dừng lại.

- Một tiếng còi ngắn thì được phép đi.

- Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh thì các phương tiện phải đi chậm lại…

* Hiệu lệnh bằng đèn tín hiệu chiếu sáng: Mặt đỏ của đèn giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới thì tài xế phải dừng xe.

* Hiệu lệnh bằng gậy: Gậy chỉ huy vào hướng xe nào đang chạy thì xe đó phải dừng.

Hiệu lệnh của CSGT hiểu thế nào?
Hiệu lệnh của CSGT hiểu thế nào? (Ảnh minh họa)

7. Cảnh sát giao thông có được kiểm tra giấy tờ, hàng hóa trên xe?

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT có quyền kiểm tra các loại giấy tờ sau đây:

- Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;

- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ Giấy đăng ký xe);

- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với các loại xe phải đăng kiểm.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan.

Còn đối với hàng hóa trên xe, theo điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT được kiểm soát tính hợp pháp của hàng hoá, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật.

Trường hợp CSGT muốn khám xét bên trong hàng hóa thì phải có căn cứ cho rằng trong phương tiện có cất giấu tang vật vi phạm hành chính theo Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

8. Cảnh sát giao thông phạt nguội như thế nào?

Theo hướng dẫn tại Thông tư 51/2022/TT-BGTVT và Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy trình phạt nguội được CSGT thực hiện theo 05 bước sau:

Bước 1: Phát hiện vi phạm giao thông.

Cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát; thông tin, hình ảnh ghi thu được từ thiết bị của các tổ chức, cá nhân khác cung cấp; từ nguồn trên các phương tiện thông tin đại chúng,…

Bước 2: Kiểm tra, phân tích, xác định vi phạm.

Kiểm tra xem có đúng là có hành vi vi phạm giao thông không. Nếu có vi phạm thì xác định thông tin về phương tiện, chủ xe, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính.

Bước 3: Thông báo cho người điều khiển phương tiện vi phạm.

CSGT gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc vi phạm đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm giao thông hoặc đến trụ sở Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP.

Bước 4: Phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm.

Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì CSGT nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành xử lý như sau:

- Lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được người vi phạm.

- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt.

Bước 5: Cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ.

Sau khi được giải quyết, cơ quan Công an phải cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái cảnh báo đăng kiểm.

9. Cảnh sát giao thông được phạt tối đa bao nhiêu?

Theo Điều 76 và khoản 2 Điều 78 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, giới hạn về mức tiền phạt thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm của CSGT được quy định như sau:

- Chiến sĩ Cảnh sát giao thông có quyền phạt tối đa 500.000 đồng đối với lỗi vi phạm của cá nhân và 01 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của tổ chức.

- Đội trưởng đội CSGT có quyền phạt tối đa 1,5 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của cá nhân và 03 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của tổ chức.

- Trưởng đồn Công an có quyền phạt tối đa 2,5 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của cá nhân và 05 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của tổ chức.

- Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT có quyền phạt tối đa 15 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của cá nhân và 30 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của tổ chức.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tối đa 37,5 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của cá nhân và 75 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của tổ chức.

- Cục trưởng Cục CSGT có quyền phạt tối đa 75 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của cá nhân và 75 triệu đồng đối với lỗi vi phạm của tổ chức.

10. Giải đáp một số thắc mắc về cảnh sát giao thông

10.1. Trường hợp nào bị cảnh sát giao thông lập biên bản?

Theo quy định tại Điều 56 và Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, CSGT người tham gia giao thông sẽ bị CSGT lập bên bản vi phạm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Tất cả các lỗi vi phạm giao thông được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

- Các lỗi vi phạm khác bị áp dụng hình thức xử phạt là phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân và trên 500.000 đồng đối với tổ chức.

Cảnh sát giao thông lập biên bản khi nào?
Cảnh sát giao thông lập biên bản khi nào? (Ảnh minh họa)

10.2. Cảnh sát giao thông có được rút chìa khóa xe người đi đường?

Theo Điều 3 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT khi thực hiện tuần tra, kiểm soát được phép xử lý vi phạm pháp luật về giao thông nhưng khi tiếp xúc với người dân cũng cần phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.

Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA đã nêu rõ quyền hạn của CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông với quyền dừng xe và kiểm soát người và phương tiện cùng các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, kiểm soát việc thực hiện quy định về hoạt động vận tải đường bộ, được áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Quyền này không bao gồm việc rút chìa khóa xe của phương tiện giao thông. Do đó, dù người tham gia giao thông có thực sự vi phạm hay không thì Cảnh sát giao thông cũng không được  rút chìa khóa xe của người đi đường.

CSGT cần ra hiệu lệnh dừng và hướng dẫn vị trí để người tham gia giao thông dừng xe và thực hiện các yêu cầu kiểm soát giao thông.

10.3. Cảnh sát giao thông được lập chốt ở đâu?

Theo Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA, các hình thức tuần tra, kiểm soát giao thông của CSGT gồm có: (1) Tuần tra, kiểm soát cơ động bằng cách di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công; (2) Kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường; (3) Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm CSGT.

Tất cả các hình thức tuần tra, kiểm soát giao thông kể trên đều phải thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, CSGT được lập chốt kiểm soát giao thông tại các vị trí hoặc đoạn đường nằm trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lưu ý, khi lập chốt tại một điểm trên đường, CSGT phải lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn. Trường hợp lập chốt kiểm soát vào buổi tối, ban đêm thì phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

10.4. Cảnh sát giao thông mặc thường phục có được xử phạt?

Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 32/2023/TT-BCA, khi tiến hành tuần tra, kiểm soát công khai, CSGT phải mặc trang phục cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân, dây lưng chéo theo quy định thì mới được xử phạt vi phạm.

Trong khi đó, bộ phận CSGT mặc thường phục tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp với lực lượng CSGT tuần tra công khai để bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.

Theo điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 32/2023/TT-BCA, chiến sĩ CSGT mặc thường phục khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện và xử lý theo quy định.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì CSGT mặc thường phục có thể sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động người dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Đồng thời thông báo và phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý.

Như vậy, CSGT mặc thường phục có thể dừng xe người vi phạm nhưng không được trực tiếp xử lý vi phạm giao thông.

10.5. Mức lương của Cảnh sát giao thông là bao nhiêu?

Mức lương của Cảnh sát cơ động được thực hiện theo bảng lương của công an nhân dân nói chung và được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Mức lương của CSGT = Hệ số lương x Mức lương cơ sở

Cấp bậc quân hàm

Hệ số

Mức lương (Đơn vị: đồng/tháng)

Đại tướng

10,4

18,720,000

Thượng tướng

9,8

17,640,000

Trung tướng

9,2

16,560,000

Thiếu tướng

8,6

15,480,000

Đại tá

8,0

14,400,000

Thượng tá

7,3

13,140,000

Trung tá

6,6

11,880,000

Thiếu tá

6,0

10,800,000

Đại úy

5,4

9,720,000

Thượng úy

5,0

9,000,000

Trung úy

4,6

8,280,000

Thiếu úy

4,2

7,560,000

Thượng sĩ

3,8

6,840,000

Trung sĩ

3,5

6,300,000

Hạ sĩ

3,2

5,760,000

Lương Cảnh sát giao thông bao nhiêu tiền?
Lương Cảnh sát giao thông bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa)

10.6. Cảnh sát giao thông nhận hối lộ bị xử lý thế nào?

Theo quy định, CSGT nhận hối lộ sẽ bị xử lý kỷ luật, nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

* Xử lý kỷ luật:

Theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, chiến sĩ CSGT vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc diện vi phạm lần đầu có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

* Xử lý hình sự:

Mức phạt đối với Tội nhận hối lộ là từ 02 năm tù, nặng nhất có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 - 05 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

10.7. Cảnh sát giao thông “bắt láo”, làm thế nào để khiếu nại?

CSGT có quyền dừng xe người đi đường để kiểm soát, xử phạm vi phạm giao thông theo quy định. Tuy nhiên, nếu cho rằng CSGT xử phạt sai quy định, người dân hoàn toàn có quyền khiếu nại.

Hiện nay người dân có thể khiếu nại thông qua hình thức gọi điện hoặc làm đơn khiếu nại,

Cục CSGT đã công bố hotline phản ánh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng CSGT: 06923.42593. Nếu cho rằng CSGT xử phạt sai quy định, người dân có thể gọi điện tới số 06923.42593 để phản ánh tình trạng này.

Trường hợp không liên hệ được, người dân có thể làm đơn khiếu nại đến đơn vị CSGT nơi xử phạt để được giải quyết.

Cũng cần biết thêm rằng, ngay cả khi vụ chưa được xử lý thì người tham gia giao thông vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt theo thời hạn đã quy định (căn cứ khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Sau đó, nếu xác minh CSGT xử phạt sai quy định, người tham gia giao thông sẽ được hoàn trả tiền nộp phạt.

Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến Cảnh sát giao thông. Mọi thắc mắc liên quan đến Cảnh sát giao thông vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được các chuyên gia của LuatVietnam hỗ trợ, tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

5 điểm mới tại Thông tư 36/2024/TT-BYT về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe từ 01/01/2025

5 điểm mới tại Thông tư 36/2024/TT-BYT về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe từ 01/01/2025

5 điểm mới tại Thông tư 36/2024/TT-BYT về tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe từ 01/01/2025

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ và việc khám sức khoẻ đối với người lái xe, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Dưới đây là tổng hợp một số điểm mới tại Thông tư này.

Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình: Hiểu thế nào cho đúng?

Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình: Hiểu thế nào cho đúng?

Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình: Hiểu thế nào cho đúng?

Vừa qua, rất nhiều thông tin đã lan truyền rằng từ 15/11/2024, người dân sẽ không còn được giám sát CGST bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên điều này là không chính xác. Vậy bãi bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình phải hiểu thế nào cho đúng?