Nghỉ thai sản đi làm lại, công ty có phải báo tăng lao động?

Kế toán mới đi làm, chưa thông thạo việc giải quyết chế độ cho nhân viên hẳn sẽ gặp phải vướng mắc: “Nghỉ thai sản đi làm lại có phải báo tăng không?” Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.


1. Nghỉ thai sản đi làm lại có phải báo tăng không?

Do trước đó đã báo giảm lao động nên khi người lao động nghỉ thai sản đi làm lại, công ty buộc phải làm thủ tục báo tăng lao động để ghi nhận việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị sử dụng lao động và người lao động đều không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Lúc này, phía người sử dụng lao động sẽ thực hiện thủ tục báo giảm lao động theo diện nghỉ hưởng chế độ thai sản để không phải đóng bảo hiểm.

Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, người lao động quay trở lại làm việc thì người này và người sử dụng lao động sẽ phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.

Thậm chí, ngay cả khi chưa nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản mà quay trở lại làm việc, người lao động và doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đóng bảo hiểm kể từ thời điểm người này đi làm (theo khoản 6.3 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH).

Nghỉ thai sản đi làm lại có phải báo tăng?
Nghỉ thai sản đi làm lại có phải báo tăng? (Ảnh minh họa)

2. Thủ tục báo tăng lao động sau thai sản thế nào?

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2019, Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 và Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021, thủ tục báo tăng lao động sau khi nghỉ thai sản được được thực hiện như sau:

- Giấy tờ hồ sơ cần kê khai bao gồm:

+ Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

+ Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).

- Thủ tục báo tăng lao động sau thai sản:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ.

Bước 2: Kê khai hồ sơ online hoặc nộp hồ sơ giấy cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Kê khai online bằng cách lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN hoặc qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Nộp hồ sơ giấy thông qua bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bước 3: Cơ quan bảo hiểm xã hội xử lý hồ sơ.

Thời gian giải quyết: Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Thủ tục báo tăng lao động sau nghỉ thai sản
Thủ tục báo tăng lao động sau nghỉ thai sản (Ảnh minh họa)

3. Thời hạn báo tăng lao động khi hết thời gian thai sản?

Hiện nay, không có quy định cụ thể về thời hạn báo tăng lao động khi hết thời gian thai sản. Nhưng nếu người lao động quay trở lại làm việc sau khi hết thời gian thai sản mà công ty không thực hiện báo tăng và đóng bảo hiểm cho người đó thì sẽ đối diện với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Việc kéo dài thời gian báo tăng lao động sau thời gian thai sản sẽ dẫn tới chậm đóng bảo hiểm xã hội. Lúc này, ngoài việc bị phải nộp đủ tiền bảo hiểm, phía doanh nghiệp còn có thể phải nộp thêm tiền chậm nộp. Thậm chí còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng bảo hiểm.

Theo khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên sẽ bị phạt hành chính.

Mức phạt đặt ra với hành vi này là phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng (theo điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Do đó, để tránh mất thêm tiền, các công ty cần sớm thực hiện thủ tục báo tăng và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nghỉ thai sản đi làm lại.

Trên đây là giải đáp thắc mắc: “Nghỉ thai sản đi làm lại có phải báo tăng không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.

Tham gia Group Zalo của LuatVietnam để cập nhật nhanh nhất các văn bản mới nhất về Lao động - Bảo hiểm.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục