Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Có đặc điểm thế nào?

Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư khá hấp dẫn với mức sinh lời tương đối cao. Vậy trái phiếu doanh nghiệp là gì? 

1. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

“Trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành (theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP).

Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam (căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 153).

Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trái phiếu doanh nghiệp là gì? (Ảnh minh họa)

2. Ai được mua trái phiếu doanh nghiệp?

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định các đối tượng được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm:

- Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.

- Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

Trong đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính/trình độ chuyên môn về chứng khoán theo Điều 11 Luật Chứng khoán 2019.

Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo Điều 4, Điều 5 Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán 2019:

Theo đó, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ:

  • Có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

  •  Không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.

  • Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nêu trên có giá trị trong vòng 03 tháng kể từ ngày được xác nhận.

Xem thêm: Điều kiện phát hành trái phiếu đối với công ty cổ phần

2. Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp

Căn cứ Điều 6 Nghị định 153 năm 2020, trái phiếu doanh nghiệp có một số đặc điểm như sau:

2.1. Kỳ hạn trái phiếu: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

2.2. Khối lượng phát hành: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.

2.3. Đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu

  • Đối với trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là đồng Việt Nam;

  • Đối với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế, đồng tiền phát hành, thanh toán lãi, gốc trái phiếu là ngoại tệ theo quy định tại thị trường phát hành và tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp
Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

2.4. Mệnh giá trái phiếu

  • Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước: Mệnh giá là 100 triệu đồng/bội số của 100 triệu đồng.

  • Mệnh giá của trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế: Thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.

2.5. Hình thức trái phiếu

  • Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ/dữ liệu điện tử;

  • Doanh nghiệp phát hành quyết định cụ thể hình thức trái phiếu đối với mỗi đợt phát hành theo quy định của thị trường phát hành.

2.6. Lãi suất danh nghĩa trái phiếu

  • Lãi suất danh nghĩa trái phiếu có thể xác định theo một trong các phương thức: lãi suất cố định cho cả kỳ hạn trái phiếu/lãi suất thả nổi/kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi;

  • Trường hợp lãi suất danh nghĩa là lãi suất thả nổi/kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi, doanh nghiệp phát hành phải nêu cụ thể cơ sở tham chiếu để xác định lãi suất danh nghĩa tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu về cơ sở tham chiếu được sử dụng;

  • Doanh nghiệp quyết định lãi suất danh nghĩa cho từng đợt phát hành phù hợp với tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ. Lãi suất trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành ngoài việc tuân thủ quy định tại Nghị định này phải phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2.7. Loại hình trái phiếu: Do doanh nghiệp phát hành quyết định

2.8. Phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu do doanh nghiệp phát hành quyết định căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn và thông lệ thị trường phát hành, được công bố cho nhà đầu tư trước khi phát hành trái phiếu.

3. Quyền lợi của nhà đầu tư khi mua trái phiếu

Theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nhà đầu tư mua trái phiếu có các quyền lợi sau:

- Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.

- Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.

- Được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

- Được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

4. Trái phiếu và cổ phiếu có gì khác nhau?

Điểm khác biệt đặc trưng giữa trái phiếu và cổ phiếu là khi một nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, có nghĩa là họ cho công ty đó vay tiền. Ngược lại, khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu, nghĩa là họ mua một phần của công ty. Giá trị của các cổ phiếu tăng và giảm đi theo giá trị của công ty, cho phép các nhà đầu tư kiếm lợi nhuận hoặc thua lỗ.

Với trái phiếu, nhà đầu tư sẽ chỉ được nhận lãi mà thôi. Nếu một công ty bị phá sản, công ty sẽ ưu tiền trả nợ cho chủ sở hữu trái phiếu của mình cùng các chủ nợ khác trước các cổ đông trong công ty. Do vậy, việc đầu tư vào trái phiếu được đánh giá là an toàn hơn cổ phiếu.

Trên đây là các quy định về: Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Có đặc điểm thế nào? Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục