Cổ phiếu là gì? 5 điều cần biết trước khi đầu tư cổ phiếu

Cổ phiếu là một loại tài sản đặc biệt, là kênh đầu tư có tiềm năng lớn. Trước khi tham gia mua bán cổ phiếu nhà đầu tư cần hiểu cổ phiếu là gì cũng như cách giao dịch, khai thác lợi nhuận từ cổ phiếu ra sao?

1. Cổ phiếu là gì?

Cổ phiếu là một loại chứng khoán được coi là tài sản xác nhận quyền sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành và được phát hành dưới dạng chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Chỉ công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phiếu (theo (khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019), khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020).

Cổ phiếu là gì theo quy định mới nhất
Cổ phiếu là gì theo quy định mới nhất (Ảnh minh họa)

Theo khoản 1, 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, có 02 loại cổ phiếu như sau:

- Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông): Dùng để xác định quyền sở hữu của các cổ đông. Người nắm giữ cổ phiếu này sẽ có quyền quản lý và kiểm soát công ty hay tham gia vào các cuộc họp HĐQT, cũng như bỏ phiếu quyết định vào các vấn đề lớn của công ty.

- Cổ phiếu ưu đãi: Người nắm giữ có thể nhận ưu đãi về cổ tức và quyền biểu quyết hay được hoàn lại phần vốn góp.

Xem chi tiết: Phân biệt cổ phần, cổ phiếu, cổ tức, cổ đông trong công ty cổ phần

2. Mục đích của việc mua bán cổ phiếu

Cá nhân, tổ chức mua bán cổ phiếu, chủ yếu nhằm mục đích sau:

- Để tìm kiếm lợi nhuận. Thông thường đây là mục đích chính khi mua bán cổ phiếu. Cổ phiếu là công cụ sinh lời cao và cũng là kênh đầu tư linh hoạt.

- Để nắm quyền biểu quyết và quản lý công ty: Đối với những cá nhân, tổ chức muốn năm quyền điều hành công ty, họ thường mua bán số lượng cổ phiếu khá lớn.

3. 5 điểm lưu ý trước khi đầu tư cổ phiếu

3.1. Mệnh giá cổ phiếu

Theo khoản 2 Điều 13 Luật Chứng khoán 2019, mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng là 10 nghìn đồng.

Mệnh giá của trái phiếu chào bán ra công chúng là 100 nghìn đồng và bội số của 100 nghìn đồng.

Như vậy, mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng. Các sàn giao dịch chứng khoán sẽ quy định giá mức giá tối thiểu mà nhà đầu tư phải bỏ ra khi tham giao dịch cổ phiếu.

5 điều cần biết trước khi đầu tư cổ phiếu

3.2. Mua bán cổ phiếu ở đâu?

Việc mua bán cổ phiếu sẽ được thực hiện thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

Điều kiện bắt buộc để mua bán cổ phiếu thông qua sàn chứng khoán là phải có tài khoản tại một công ty chứng khoán (Khoản 1 Điều 6 Thông tư 120/2020/TT-BTC). Bởi vậy, nhà đầu phải liên hệ với một trong những công ty chứng khoán được thành lập hợp pháp để mở tài khoản.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc tại mỗi công ty chứng khoán nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản (ngoại trừ các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 6, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Thông tư 120/2020/TT-BTC).

Hiện nay, đa số các công ty chứng khoán mở tài khoản miễn phí. Các công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng mà không thu bất kỳ chi phí nào và không có quy định gì về việc phải nộp bao nhiêu tiền vào tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, người giao dịch phải đáp ứng điều kiện là đủ 18 tuổi trở lên theo đúng quy định về năng lực trách nhiệm dân sự và đủ đáp ứng tham gia giao dịch.

Sau khi có tài khoản thì có thể tham gia giao dịch mua bán cổ phần đã niêm yết thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Các Công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ và hướng dẫn nhà đầu tư thao tác mua - bán cổ phần đã niên yết thông qua việc khớp lệnh trên website hoặc phần mềm.

3.3. Thuế, phí phải đóng khi mua bán cổ phiếu

Khi giao dịch chứng khoán cũng như giao dịch các loại hàng hoá khác, nếu có phát sinh thu nhập từ việc mua bán chứng khoán, cá nhân phải chịu các loại thuế, phí như sau:

- Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần (theo khoản 10 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP)

Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân lưu ký chứng khoán, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm khấu trừ thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán theo mức 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần.

- Phí giao dịch chứng khoán: Theo Phụ lục tại Thông tư 102/2021/TT-BTC cũng nêu rõ, mức giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu tối đa không quá 0,45% giá trị của một lần giao dịch. Cụ thể, phí giao dịch này sẽ được các sàn giao dịch chứng khoán quy định.

3.4. Nên mua bán cổ phiếu hay trái phiếu?

Cổ phiếu và trái phiếu đều được mua bán trên thị trường chứng khoán và đều có rủi ro về giá do quy định cung cầu quyết định.

Cổ phiếu thường là công cụ đầu tư ngắn hạn, trái phiếu thì được nắm giữ trong thời gian lâu hơn.

Lợi nhuận do cổ phiếu mang lại sẽ lớn hơn nhưng đi kèm với đó là mức độ rủi ro. Trái phiếu có mức độ rủi ro thấp hơn vì lãi suất cố định và họ thường có lợi nhuận thấp hơn.

Do đó, việc nên đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu phụ thuộc vào khả năng tài chính, thời gian cần thu hồi vốn và mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.

Xem chi tiết: Trái phiếu là gì? Cổ phiếu và trái phiếu khác nhau thế nào?

3.5. Gian lận trong chứng khoán bị phạt thế nào?

Theo Điều 12 Luật Chứng khoán 2019, một số hành vi bị nghiêm cấm trong mua bán giao dịch chứng khoán như:

1. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán.
2. Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
3. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán.
4. Thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.
5. Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
6. Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.
7. Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định của Luật này.

Theo khoản 3 Điều 132 Luật Chứng khoán 2019, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm đối với các hành vi như trên là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này thi áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 4 Điều này (03 tỷ đồng).

Như vậy, mua bán cổ phiếu phải thông qua sàn giao dịch chứng khoán và đáp ứng theo những quy định riêng của sàn. Nếu có thắc mắc về vấn đề cổ phiếu là gì cũng như các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng liên hệ đến tổng đài 0938.36.1919 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá bài viết:
(5 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục