Thủ tục khai sinh cho con có cha, mẹ trong tù
Cha mẹ trong tù, có đăng ký khai sinh cho con được không?
Điều 30 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân sinh ra có quyền được khai sinh. Trong đó, trẻ em sau khi sinh 24 giờ phải được khai sinh. Nếu sống không đến 24 giờ thì không phải khai sinh trừ khi cha mẹ đẻ có yêu cầu.
Theo đó, Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ khi trẻ em được sinh ra, người có trách nhiệm phải đi đăng ký khai sinh cho con là:
- Cha hoặc mẹ
- Ông hoặc bà hoặc người thân thích khác. Trong trường hợp này văn bản ủy quyền không cần công chứng, chứng thực nhưng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ.
- Cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em.
Ngoài ra, có thể ủy quyền đăng ký khai sinh cho bé. Cụ thể, việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực. Phạm vi ủy quyền có thể bao gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả.
Ngoài ra, nếu nữ phạm nhân sinh con thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. (Điều 45 Luật Thi hành án hình sự 2015).
Nếu phụ nữ bị tạm giam, tạm giữ sinh con thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký, cấp giấy khai sinh (Điều 35 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015).
Như vậy, có thể khẳng định, việc cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ đang chấp hành hình phạt tù không ảnh hưởng đến việc đăng ký khai sinh của con. Lúc này, trẻ em sẽ được đăng ký khai sinh theo thủ tục lưu động.
Khai sinh cho con khi cha mẹ đi tù thế nào? (Ảnh minh họa)
Thủ tục đăng ký khai sinh lưu động mới nhất
Ngoài việc ủy quyền, để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em, pháp luật còn cho phép em bé được đăng ký khai sinh thông qua thủ tục đăng ký khai sinh lưu động. Theo đó, Điều 14 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định các trường hợp được đăng ký khai sinh lưu động:
- Cha mẹ khuyết tật, ốm bệnh không thể đi đăng ký khai sinh cho con
- Cha mẹ bị bắt, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù, không có ông bà nội, ông bà ngoại và người thân thích khác hoặc những người này không có điều kiện đi đăng ký khai sinh
Lúc này, người có thẩm quyền đăng ký khai sinh lưu động sẽ là Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.
Theo đó, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ có cha mẹ đang trong tù được quy định như sau:
- Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã chuẩn bị đầy đủ các loại mẫu Tờ khai, giấy tờ hộ tịch và điều kiện cần thiết
- Tại địa điểm đăng ký hộ tịch lưu động, cán bộ công chức tư pháp – hộ tịch hướng dẫn người yêu cầu điền đầy đủ các thông tin trong tờ khai, kiểm tra các giấy tờ theo quy định, viết phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, công chức tư pháp – hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký giấy tờ hộ tịch, ghi nội dung đăng ký vào sổ hộ tịch.
- Trong thời hạn 05 ngày, công chức tư pháp – hộ tịch đem theo giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch trả kết quả cho người yêu cầu tại địa điểm đăng ký lưu động, hướng dẫn người yêu cầu ký, ghi rõ họ, tên đệm, tên vào sổ hộ tịch theo quy định.
Lưu ý: Mục “Ghi chú” trong sổ hộ tịch ghi rõ “đăng ký lưu động”
Nếu người yêu cầu không biết chữ thì công chức tư pháp – hộ tịch phải ghi hộ vào tờ khai, sổ hộ tịch; Đọc cho người yêu cầu nghe nội dung tờ khai, giấy tờ hộ tịch và hướng dẫn người này điểm chỉ vào tờ khai, sổ hộ tịch.
Trên đây là quy định về việc khai sinh cho trẻ có cha mẹ đang bị tạm giam, tạm giữ, đang thi hành án. Để tìm hiểu thêm các quy định về dân sự, độc giả vui lòng theo dõi tại đây.
Nguyễn Hương