Cảnh sát giao thông có được dừng xe biển xanh đỏ không khi mà chúng là xe của cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội. Liệu có đặc quyền nào dành cho các loại xe này không? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
1. Xe biển xanh, biển đỏ là xe của cơ quan nào?
1.1. Xe biển xanh là của cơ quan nào?
Biển số xe màu xanh là biển số xe được cấp cho xe ô tô, xe mô tô của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước (theo khoản 5 Thông tư 24/2023/TT-BCA ).
Xe của các cơ quan, đơn vị kể trên có đặc điểm chung là có nền màu xanh, chữ và số màu trắng, sêri biển số sử dụng một trong 11 chữ cái: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M.
Riêng với xe mô tô biển xanh thì các chữ cái A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M trong sêri biển số sẽ được kết hợp thêm với một chữ số tự nhiên từ 1 đến 9.
Tương ứng với mỗi chữ cái, người dân có thể dễ dàng nhận diện xe biển xanh là thuộc sở hữu của cơ quan, đơn vị nào. Cụ thể:
Seri biển số sử dụng chữ | Cơ quan được cấp biển số xanh |
A | Các cơ quan của Đảng |
B | Văn phòng Chủ tịch nước |
C | Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội |
D | Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các Ban chỉ đạo Trung ương |
E | Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân |
F | Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
G | Ủy ban An toàn giao thông quốc gia |
H | Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện |
K | Tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam |
L | Đơn vị sự nghiệp công lập Không bao gồm: Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập |
M | Ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước |
1.2. Xe biển đỏ là của cơ quan nào?
Biển số xe màu đỏ là biển số xe được cấp cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng.
Đặc điểm chung của các xe mang biển số màu đỏ là nền biển màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm. Biển này được phủ lớp vật liệu phản quang màu đỏ trên bề mặt, trên nền biển có dập nổi hình quân hiệu.
Xe của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được phân biệt bằng các ký hiệu biển số riêng. Cụ thể như sau:
TT | TÊN ĐƠN VỊ | KÝ HIỆU BIỂN SỐ |
1 | Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc Phòng | TM |
2 | Tổng cục Chính trị | TC |
3 | Tổng cục Hậu cần | TH |
4 | Tổng cục Kỹ thuật | TT |
5 | Tổng cục Công nghiệp quốc phòng | TK |
6 | Tổng cục II | TN |
7 | Quân Khu 1 | KA |
8 | Quân Khu 2 | KB |
9 | Quân Khu 3 | KC |
10 | Quân Khu 4 | KD |
11 | Quân Khu 5 | KV |
12 | Quân Khu 7 | KP |
13 | Quân Khu 9 | KK |
14 | Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội | KT |
15 | Quân đoàn 1 | AA |
16 | Quân đoàn 2 | AB |
17 | Quân đoàn 3 | AC |
18 | Quân đoàn 4 | AD |
19 | Binh đoàn 11 | AV |
20 | Binh đoàn 12 | AT |
21 | Binh đoàn 15 | AN |
22 | Binh đoàn 16 | AX |
23 | Binh đoàn 18 | AM |
24 | Quân chủng Phòng không - Không quân | QA |
25 | Quân chủng Hải quân | QH |
26 | Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng | QB |
27 | Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển | QC |
28 | Bộ Tư lệnh 86 | QM |
29 | Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh | BL |
30 | Binh chủng Tăng, Thiết giáp | BB |
31 | Binh chủng Công binh | BC |
32 | Binh chủng Đặc công | BK |
33 | Binh chủng Pháo binh | BP |
34 | Binh chủng Hóa học | BH |
35 | Binh chủng Thông tin liên lạc | BT |
36 | Học viện Quốc phòng | HA |
37 | Học viện Lục quân | HB |
38 | Học viện Chính trị | HC |
39 | Học viện Hậu cần | HE |
40 | Học viện Kỹ thuật quân sự | HD |
41 | Học viện Quân y | HH |
42 | Trường Sĩ quan Lục quân 1 | HT |
43 | Trường Sĩ quan Lục quân 2 | HQ |
44 | Trường Sĩ quan Chính trị | HN |
45 | Cục Đối ngoại | PA |
46 | Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam | PG |
47 | Ban Cơ yếu Chính phủ | PK |
48 | Viện Khoa học và Công nghệ quân sự | PQ |
49 | Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng | PM |
50 | Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga | PX |
51 | Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 | PP- 10 |
52 | Bệnh viện quân y 175 | PP-40 |
53 | Viện Y học cổ truyền Quân đội | PP-60 |
54 | Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội | VT |
55 | Tổng công ty 36 - CTCP | CA |
56 | Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội | CB |
57 | Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân | CD |
58 | Tổng công ty Đông Bắc | CH |
59 | Tổng công ty Thái Sơn | CM |
60 | Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng | CN |
61 | Tổng công ty 319 | CP |
62 | Công ty Ứng dụng Kỹ thuật và Sản xuất | CT |
63 | Tổng công ty xây dựng Lũng Lô | CV |
2. Cảnh sát giao thông có được dừng xe biển xanh/đỏ?
Căn cứ Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về việc dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, Cảnh sát giao thông có quyền dừng xe người tham gia giao thông để kiểm soát theo các trường hợp được pháp luật quy định mà không phụ thuộc vào màu của biển số.
Do đó, Cảnh sát giao thông hoàn toàn có quyền dừng xe biển xanh/đỏ nếu các xe này thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
(2) Cảnh sát giao thông thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
(3) Cảnh sát giao thông thực hiện theo văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng về dừng xe để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các vi phạm khác.
(4) Cảnh sát giao thông nhận được tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông.
Lưu ý: Quy định trên không áp dụng đối với xe biển xanh/đỏ đang phát tín hiệu ưu tiên khi làm nhiệm vụ.
3. Xe biển xanh/đỏ được ưu ái như thế nào khi đi đường?
Xe biển xanh/đỏ được “ưu ái” hưởng quyền ưu tiên nếu đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp được quy định tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bao gồm:
(1) - Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ.
(2) - Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.
Trong đó:
- Xe quân sự bao gồm: Xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, tác chiến,…; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc điều tra, dẫn giải tội phạm, tham gia chống khủng bố.
- Xe công an bao gồm: Xe đi thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc điều tra, dẫn giải người phạm tội, chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự,...
(3) - Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu: Chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
(4) - Xe hộ đê, xe đi khắc phục thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.
Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp là xe đi thi hành biện pháp đặc biệt khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm (theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 109/2009/NĐ-CP).
Các xe biển xanh/đỏ thuộc các trường hợp kể trên được hưởng sự “ưu ái” như sau:
- Không bị hạn chế về tốc độ xe chạy.
- Được đi vào đường ngược chiều.
- Được tiếp tục hành trình kể cả khi có đèn đỏ.
- Chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Lưu ý: Khi làm nhiệm vụ, các xe biển xanh/đỏ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn để báo hiệu những người tham gia giao thông khác.
Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “Cảnh sát giao thông có được dùng xe biển xanh đỏ không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.