Số 33.2015 (745) ngày 01/09/2015

 

SỐ 33 (745) - THÁNG 09/2015

* LuatVietnam - website cung cấp dịch vụ tra cứu Văn bản pháp luật tiếng Việt và tiếng Anh, hoạt động từ tháng 10/2000 - nơi hỗ trợ Quý khách hàng tìm văn bản và các thông tin liên quan ĐẦY ĐỦ - CHÍNH XÁC - NHANH NHẤT!
* Thông tin chi tiết về dịch vụ của LuatVietnam, xin Quý khách vui lòng tham khảo tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

 

#

KÝ HIỆU

VĂN BẢN

 

Trong số này:

DOANH NGHIỆP

 

DOANH NGHIỆP

1

69/2015/NĐ-CP

Nghị định 69/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 175/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013

 

* Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được có 5 Phó Tổng giám đốc

Trang 2

2

127/2015/TT-BTC

Thông tư 127/2015/TT-BTC hướng dẫn việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp

 

* Cấp mã số doanh nghiệp tự động theo phương thức điện tử

Trang 2

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG-TÍN DỤNG

 

3

14/2015/TT-NHNN

Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam

 

* Cấm chuyển nhượng trái phiếu đặc biệt của VAMC

Trang 3

4

22/CT-TTg

Chỉ thị 22/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước

 

* Giải thể quỹ tài chính hoạt động không hiệu quả

Trang 3

XUẤT NHẬP KHẨU

 

XUẤT NHẬP KHẨU

 

5

28/2015/TT-BCT

Thông tư 28/2015/TT-BCT quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa Asean

 

* Thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN

Trang 3

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

Y TẾ-SỨC KHỎE

 

6

23/2015/TT-BYT

Thông tư 23/2015/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu

 

* Quy định hàm lượng tối đa Nicotin trong thuốc lá điếu

Trang 4

GIAO THÔNG

 

GIAO THÔNG

 

7

1468/QĐ-TTg

Quyết định 1468/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

* Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM sẽ đạt tốc độ chạy tàu đến 90 km/giờ

Trang 4

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO-DẠY NGHỀ

 

8

3131/CT-BGDĐT

Chỉ thị 3131/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

 

* Ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

Trang 4

BẢO HIỂM

 

BẢO HIỂM

 

9

130/2015/TT-BTC

Thông tư 130/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 115/2013/TT-BTC ngày 20/08/2013 hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện

 

* Người VN định cư tại nước ngoài được rút trước tài khoản bảo hiểm hưu trí

Trang 5

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

CHÍNH SÁCH KINH TẾ-XÃ HỘI

 

10

1467/QĐ-TTg

Quyết định 1467/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030

 

* Mục tiêu đến 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD

Trang 5

CÔNG NGHIỆP

 

CÔNG NGHIỆP

 

11

21/CT-TTg

Chỉ thị 21/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than

 

* Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh than

Trang 5

12

23/CT-TTg

Chỉ thị 23/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học thực hiện Quyết định 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống

 

* Hết tháng 11/2015, tối thiểu 50% cây xăng tại Hà Nội bán xăng E5

Trang 6

 

Nếu chưa sử dụng dịch vụ thuê bao của LuatVietnam, để nhận được văn bản yêu cầu, Quý khách cần soạn tin theo cấu trúc:
VB
  Sốvănbản gửi 6689

VD: Muốn xem nội dung Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, soạn tin: VB 71/2010/ND-CP gửi 6689.

Hiện chúng tôi đã có Danh sách văn bản mới tháng 08/2015, để nhận được danh sách này qua email, bạn cần soạn tin nhắn theo cấu trúc: VB DS08/2015 Emailnhận gửi đến 6689.

TÓM TẮT VĂN BẢN:

 

Ü Doanh nghiệp:

TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
ĐƯỢC CÓ 5 PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được có 5 Phó Tổng giám đốc là một trong những nội dung sửa đổi tại Nghị định số 69/2015/NĐ-CP ngày 26/08/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 175/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, có hiệu lực từ ngày 10/10/2015.

Cụ thể, thay vì được có 07 Phó Tổng giám đốc như quy định hiện hành, từ ngày 10/10/2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chỉ được có 05 Phó Tổng Giám đốc và 01 kế toán trưởng. Kế toán trưởng này do Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng, quyết định mức lương và các lợi ích khác theo đề nghị của Tổng giám đốc.

 

 

Về kiểm soát viên, Tổng công ty có từ 01 - 03 kiểm soát viên do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và trả lương. Trong đó, tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của kiểm soát viên được thực hiện theo quy định của pháp luật, có hiệu lực từ ngày 10/10/2015.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung thêm các công ty con, công ty liên kết của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo đó, từ ngày 10/10/2015, số công ty con của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng thêm 03 công ty, từ 24 công ty lên 27 công ty, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Vận tải đường sắt Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Sài Gòn; Công ty TNHH một thành viên Xe lửa Gia Lâm.
 

CẤP MÃ SỐ DOANH NGHIỆP TỰ ĐỘNG
THEO PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ

Ngày 21/08/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2015/TT-BTC hướng dẫn việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp; trong đó đáng chú ý là quy định về cấp mã số doanh nghiệp tự động theo phương thức điện tử trên Hệ thống đăng ký thuế của Tổng cục Thuế.

Việc cấp mã số doanh nghiệp được thực hiện tự động theo phương thức điện tử trên Hệ thống đăng ký thuế của Tổng cục Thuế được thực hiện ngay trong ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp thông tin không đầy đủ hoặc không theo đúng quy định, hệ thống sẽ tự động tạo thông báo; truyền thông tin sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho doanh nghiệp biết, điều chỉnh và bổ sung theo quy định.
 

 

Về phân công cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp, Thông tư quy định, việc phân công được thực hiện trên Hệ thống đăng ký thuế đồng thời với cấp mã số doanh nghiệp và phải phù hợp với tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc điểm của từng địa phương, vùng, miền trên cả nước. Theo đó, Cục Thuế sẽ quản lý trực tiếp đối với các doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp dự án BOT, BTO, BT do nhà đầu tư thành lập để thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý công trình dự án và để thực hiện dự án khác; doanh nghiệp hạch toán toàn ngành, doanh nghiệp hoạt động trên nhiều địa bàn; doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề đặc thù, có tính chất pháp lý phức tạp như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, kế toán...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015.
 

Ü Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:


CẤM CHUYỂN NHƯỢNG TRÁI PHIẾU ĐẶC BIỆT CỦA VAMC

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 14/2015/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 28/08/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/09/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Cụ thể, trái phiếu, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để thanh toán cho các tổ chức tín dụng bán nợ khi mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đó. Trong đó, trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử có định danh hoặc chứng chỉ ghi danh; có lãi suất 0%; có thời hạn tối thiểu 01 năm đối với trái phiếu và tối đa 05 năm đối với trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu được chuyển nhượng giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau; riêng trái phiếu đặc biệt không được chuyển nhượng.

Cũng theo Thông tư này, trái phiếu, trái phiếu đặc biệt phải lưu ký tại Ngân hàng

 

Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về lưu ký giấy tờ có giá, được miễn phí lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước; được sử dụng trong nghiệp vụ tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua. Theo đó, VAMC sẽ xem xét, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu nếu khách hàng hợp tác tốt với VAMC, tổ chức tín dụng được ủy quyền trong việc cung cấp hồ sơ thông tin, giao nhận tài sản bảo đảm; có phương án trả nợ hoặc phương án cơ cấu lại tài chính, hoạt động khả thi để có nguồn vốn trả nợ và việc giảm lãi suất của khoản nợ xấu góp phần giúp khách hàng giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2015.


GIẢI THỂ QUỸ TÀI CHÍNH HOẠT ĐỘNG KHÔNG HIỆU QUẢ

Trong thời gian qua, có nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước được thành lập, góp phần tích cực trong huy động nguồn lực tài chính của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; tuy nhiên cũng có không ít quỹ tài chính chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, bộ máy quản lý yếu kém, sử dụng kinh phí sai quy định, gây thất thoát, lãng phí… Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/08/2015 về việc tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước; trên cơ sở đó, tiếp tục duy trì các quỹ hoạt động có hiệu quả; xây dựng phương án chuyển đổi cho các quỹ có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, nhất là các quỹ đầu tư có tính chất sinh lời; kiên quyết cho dừng hoạt động,
 

 

giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc các quỹ đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Và đặc biệt, chỉ thành lập quỹ mới trong trường hợp thật cần thiết và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động và việc chấp hành pháp luật của các quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước cũng là một nhiệm vụ được nhấn mạnh tại Chỉ thị này. Trong đó, yêu cầu các quỹ này phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tài chính hàng năm, riêng phần kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ phải được tổng hợp đầy đủ; báo cáo tài chính quỹ phải gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, theo dõi; công khai rộng rãi hoạt động của các quỹ tài chính…

 

Ü Xuất nhập khẩu:

THÍ ĐIỂM TỰ CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ
HÀNG HÓA TRONG ASEAN

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/08/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, cho phép thương nhân được tự khai báo xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại thay cho Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D (C/O mẫu D).

Theo đó, thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm tự khai báo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trên hóa đơn thương mại phải là nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính mình sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; có kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD và phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định cấp.
 

 

Thương nhân được tham gia thí điểm có trách nhiệm duy trì các điều kiện nêu trên trong suốt quá trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cung cấp đầy đủ báo cáo, tài liệu liên quan và bố trí để Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương hoặc cơ quan được Bộ Công Thương ủy quyền đến kiểm tra các cơ sở sản xuất; lưu trữ hồ sơ, báo cáo, tài liệu để chứng minh hàng hóa tự khai báo đáp ứng các tiêu chí xuất xứ và các chứng từ liên quan trong thời gian ít nhất 03 năm kể từ ngày tự chứng nhận xuất xứ…

Bên cạnh đó, Thông tư cũng khẳng định thương nhân được Bộ Công Thương lựa chọn tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn có quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu D theo quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2015.
 

Ü Y tế-Sức khỏe:

QUY ĐỊNH HÀM LƯỢNG TỐI ĐA NICOTIN
TRONG THUỐC LÁ ĐIẾU

Có hiệu lực từ ngày 01/11/2015, Thông tư số 23/2015/TT-BYT ngày 20/08/2015 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu quy định hàm lượng tối đa nhựa thuốc lá (Tar) và Nicotin trong khói 01 điếu thuốc lá lần lượt là 16mg và 1,4mg. Hàm lượng tối đa này được áp dụng đến hết năm 2020.

Về phụ gia và nguyên liệu thay thế lá thuốc lá, Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá điếu tại Việt Nam phải kê khai đầy đủ tên phụ gia và nguyên liệu thay thế lá thuốc lá trong quá trình sản xuất, chế biến
 

 

thuốc lá điếu cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá điếu phải công bố hợp quy tại Cục An toàn thực phẩm. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá điếu sau khi đã được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và đáp ứng các quy định pháp luật khác có liên quan.

 

Ü Giao thông:

TUYẾN ĐƯỜNG SẮT HÀ NỘI - TP.HCM
SẼ ĐẠT TỐC ĐỘ CHẠY TÀU ĐẾN 90 KM/GIỜ

Ngày 24/08/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đồng bộ về kết cấu hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và công nghệ đạt trình độ tiên tiến, hiện đại.

Theo Quy hoạch, từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung đầu tư nâng cấp và từng bước đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dài khoảng 1.726km để đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80 km/giờ - 90 km/giờ đối với tàu khách và 50 km/giờ - 60 km/giờ đối với tàu hàng; trước mắt tập trung cải tạo khu vực đèo Hải Vân, đèo Khe Nét… Đồng thời, cải tạo, nâng cấp từng bước đưa vào cấp kỹ thuật đường sắt quốc gia các tuyến: Yên Viên - Lào Cai dài 285km; Hà Nội (Gia Lâm) - Hải Phòng dài 96km; Hà Nội (Đông Anh) - Thái Nguyên (Quán Triều) dài 54,6km;

 

 

Hà Nội (Yên Viên) - Lạng Sơn (Đồng Đăng) dài 156km.

Đặc biệt, cũng trong giai đoạn đến năm 2020, nghiên cứu xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; TP.HCM - Cần Thơ; Đắk Nông - Chơn Thành; Dĩ An - Lộc Ninh. Đối với tuyến đường sắt đô thị, hoàn thành và đưa vào khai thác một số tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội) và TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên)…

Mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch là đến năm 2020, giao thông vận tải đường sắt đáp ứng khoảng 1% - 2% về nhu cầu vận tải hành khách và khoảng 1% - 3% về nhu cầu vận tải hàng hóa; trong đó, vận tải hành khách đô thị bằng đường sắt đáp ứng được khoảng 4% - 5% nhu cầu vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TP.HCM.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
 

Ü Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:


ƯU TIÊN PHỔ CẬP GIÁO DỤC MẦM NON CHO TRẺ 5 TUỔI

Được ban hành ngày 25/08/2015, Chỉ thị số 3131/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015 - 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã yêu cầu toàn ngành giáo dục tập trung, ưu tiên các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ em 05 tuổi và phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định sẽ rà soát, điều chỉnh và tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng đội ngũ; chuẩn bị kế hoạch đào tạo giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới; tăng cường các hình thức bồi dưỡng và hỗ trợ hoạt động dạy học, quản lý cho giáo viên, cán bộ quản lý; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.
 

 

Về tổ chức hoạt động giáo dục, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; đa dạng hóa hình thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh; thực hiện thí điểm tư vấn, bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, cộng đồng; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh. Đồng thời, cần rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015, chuẩn bị tốt cho việc triển khai kỳ thi năm 2016 và những năm tiếp theo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo...
 

Ü Bảo hiểm:

NGƯỜI VN ĐỊNH CƯ TẠI NƯỚC NGOÀI
ĐƯỢC RÚT TRƯỚC TÀI KHOẢN BẢO HIỂM HƯU TRÍ

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư số 130/2015/TT-BTC ngày 25/08/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/2013/TT-BTC ngày 20/08/2013 hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện.

Cụ thể, ngoài người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên, từ ngày 10/10/2015, người được bảo hiểm là công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hợp pháp tại nước ngoài cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cho rút trước một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí.

Trong đó, bảo hiểm hưu trí là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo
 

 

hiểm, nhưng không dưới 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về độ tuổi nghỉ hưu.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định sửa đổi về điều kiện đại lý bảo hiểm. Theo đó, thay vì phải có ít nhất 06 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ liên tục hoặc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm như trước đây, từ ngày 10/10/2015, đại lý bảo hiểm được triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp; không vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian hành nghề đại lý và phải được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo, chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015.
 

Ü Chính sách kinh tế-xã hội:

MỤC TIÊU ĐẾN 2020,
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU ĐẠT 300 TỶ USD

Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1467/QĐ-TTg ngày 24/08/2015, đặt ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11% - 12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020. Trong đó, tùy thuộc vào đặc thù và tình hình xuất khẩu tại mỗi thị trường, mục tiêu xuất khẩu cụ thể tại các khu vực như sau: Khu vực Hoa Kỳ và Tây Ban Nha đạt khoảng 60 tỷ USD, châu Âu đạt khoảng 60 tỷ USD, Đông Nam Á đạt khoảng 30 tỷ USD, Tây Á đạt khoảng 18 tỷ USD…

Theo định hướng phát triển thị trường của Đề án, sẽ tiếp tục củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc, Oxtrâylia, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ. Đồng thời, đa dạng hóa
 

 

thị trường xuất khẩu, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại khu vực châu Phi, Mỹ la-tinh, Trung Đông…

Ngoài ra, để khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường, sẽ thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan; đẩy mạnh hoạt động đàm phán thương mại song phương và đa phương, tạo thuận lợi cho xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để tiếp nhận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 

Ü Công nghiệp:


TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH THAN

Trước tình trạng việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trái phép vẫn còn diễn ra và có nguy cơ tái diễn; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh than chưa được quan tâm đúng mức…, ngày 26/08/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than phải tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn, xử lý kịp thời việc khai thác, chế biến, vận chuyển, tập kết và kinh doanh than trái phép; khẩn trương hoàn thành việc cập nhật, điều chỉnh hoặc lập và phê duyệt Quy hoạch các bến cảng, kho bãi kinh doanh than trên địa bàn; đặc biệt, hạn chế tối đa việc cấp phép các dự án phát triển kinh tế - xã hội chồng lấn với diện tích khoáng sàng…; chỉ đạo các cơ quan chức năng của
 

 

địa phương đẩy mạnh kiểm tra các tuyến đường vận chuyển, bến bãi, cảng biển tập kết than; duy trì thường xuyên các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường bộ, sông, biển để phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh than trái phép…

Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Thủ tướng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ ranh giới mỏ được giao; tăng cường quản lý nguồn than từ nơi khai thác, trên đường vận chuyển đến các bãi, cảng tiêu thụ; quản lý tốt các phương tiện vận chuyển than đi tiêu thụ nội địa; quản lý chặt chẽ đất đá thải mỏ, bã sàng, đá xít có than; tăng cường công tác chế biến để nâng cao chất lượng than đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, giảm tồn kho các loại than chất lượng thấp…

 

HẾT THÁNG 11/2015, TỐI THIỂU 50% CÂY XĂNG
TẠI HÀ NỘI BÁN XĂNG E5

Ngày 31/08/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, nhằm giải quyết tình trạng ở nhiều địa phương, người dân còn e ngại việc sử dụng xăng E5, số lượng cửa hàng bán lẻ xăng E5 còn thấp, hiệu quả kinh doanh xăng E5 còn chưa cao, chưa khuyến khích được doanh nghiệp đẩy mạnh cung ứng xăng E5…

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về nhiên liệu sinh học ở địa phương; căn cứ vào thực tế tại các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể theo hướng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên

 

địa bàn bắt buộc sử dụng xăng E5 cho các phương tiện vận tải đường bộ; xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các đơn vị liên quan tại địa phương, đảm bảo đến 30/11/2015 đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc địa phương bán xăng E5…

Đồng thời, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng E5; xây dựng kế hoạch, tiến độ đầu tư các trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng E5 đến 30/11/2015 gửi về Bộ Công Thương trước ngày 15/09/2015; định kỳ ngày 20 hàng tháng báo cáo Bộ Công Thương tình hình sản xuất, kinh doanh xăng E5 của tháng trước và kế hoạch của các tháng tiếp theo…
 

 

  • Chi tiết của bản tin này được đăng tải đầy đủ trên website LuatVietnam www.luatvietnam.vn    
  • Quý khách sẽ nhận được nội dung toàn văn các văn bản trong bản tin và nhiều văn bản khác khi tham gia dịch vụ Tra cứu văn bản mới của LuatVietnam, hoặc sử dụng dịch vụ LuatVietnam-SMS gửi tin nhắn đến 6689.
  • Mọi yêu cầu cung cấp văn bản, xin liên hệ với [email protected]
  • Quý khách có thể tham khảo mọi thông tin về dịch vụ LuatVietnam tại địa chỉ: www.luatvietnam.vn

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

TRUNG TÂM LUẬT VIỆT NAM - CÔNG TY CP TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.37833688 - Fax: 04.37833699
Tại TP.HCM:
Tòa nhà Hà Phan, số 456 Phan Xích Long, P.2, Q.Phú Nhuận, Tp. HCM - Tel: 08. 39950724
Email: [email protected]

 

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi huỷ bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.