Hiện tại, một số địa phương đang bị quá tải trong việc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) bởi quá đông người lao động đến xin cấp dẫn tới tình trạng xếp hàng dài. Tuy nhiên, việc chen chúc đi lấy loại giấy này là chưa cần thiết.
1. Tại sao F0 không cần vội đi lấy giấy nghỉ hưởng BHXH khi khỏi bệnh?
Theo Điều 100 Luật BHXH năm 2014, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là một trong những giấy tờ quan trọng trong bộ hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp điều trị ngoại trú.
Do đó, người lao động điều trị Covid-19 tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH mới được chi trả hưởng chế độ ốm đau.
Cùng với đó, Công văn 1492/KCB-PHCN&GĐ của Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng khẳng định chỉ giải quyết chế độ ốm đau đối với trường hợp F0 điều trị tại nhà nếu có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Tuy nhiên, người lao động cũng cần biết rằng, thời hạn nộp lại giấy chứng nhận nghỉ việc cho doanh nghiệp để làm hồ sơ hưởng BHXH là trong vòng 45 ngày, tính từ ngày trở lại làm việc.
Thậm chí, nếu vì lý do khách quan nào đó mà không thể nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đúng hạn khiến doanh nghiệp chậm nộp hồ cho cơ quan BHXH thì cũng chỉ cần có văn bản giải trình hợp lý, người lao động vẫn được giải quyết chế độ ốm đau.
Với thời hạn như trên, người lao động không cần vội vàng xếp hàng đi lấy giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH bởi mỗi người đều có khoảng thời gian khá dài để đi xin cấp loại giấy này.
Mặt khác, việc chen chúc, tập trung đông người còn làm tăng khả năng lây nhiễm Covid-19. Thực tế, rất nhiều trường hợp đã điều trị khỏi Covid-19 nhưng vẫn bị tái dương tính.
2. F0 khỏi bệnh đến đâu để xin giấy nghỉ việc hưởng BHXH?
Theo Thông tư 56/2017/TT-BYT, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hợp lệ được cấp bởi cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh cho người lao động.
Tuy nhiên, với những trường hợp F0 tự điều trị tại nhà thì hiện chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất về việc cơ quan nào sẽ đứng ra cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Mỗi địa phương lại có những hướng dẫn khác nhau.
Đơn cử như với TP. HCM, tại Công văn 9000/SYT-NVY, Sở Y tế Thành phố hướng dẫn nơi cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà bao gồm: Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức; trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà.
Hay như tại tỉnh Nghệ An, theo Công văn 748/SYT-NVY, Sở Y tế tỉnh này chỉ đích danh các trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà.
Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, trạm y tế chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà. Người lao động nhận được giấy này thì nộp lại cho trung tâm y tế quận/huyện để được cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
3. Thủ tục nhận tiền ốm đau của F0 điều trị tại nhà thế nào?
Sau khi có được giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, F0 thực hiện theo các bước sau để nhận tiền chế độ ốm đau:
Bước 1: Nộp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho doanh nghiệp.
Thời hạn nộp: Trong vòng 45 ngày tính từ ngày trở lại doanh nghiệp làm việc.
Bước 2: Chờ đợi doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan BHXH.
Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của người lao động, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH.
Bước 3: Nhận tiền chế độ ốm đau.
- Thời hạn cơ quan BHXH giải quyết chi trả tiền ốm đau là tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
- Hình thức nhận tiền chế độ:
+ Nhận tiền mặt tại doanh nghiệp.
+ Nhận tiền qua thẻ ATM của người lao động.
Căn cứ: Quyết định 166/QĐ-BHXH, Quyết định 222/QĐ-BHXH.
Trên đây là thông tin lý do vì sao F0 không cần chen chúc lấy giấy nghỉ hưởng BHXH. Nếu vẫn còn thắc mắc liên quan đến các quyền lợi dành cho F0, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam tư vấn chi tiết.
>> Hướng dẫn cách nhận tiền BHXH dành cho F0