Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (01/02/2021)

Ngày 01/02/2021 là ngày chính thức có hiệu lực của Nghị định hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật cùng nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng, y tế...


1/ Nội quy lao động phải có phòng, chống quấy rối tình dục

Tại Mục 3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã có hướng dẫn chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Cụ thể, người sử dụng lao động phải quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động.

Trong đó, khoản 2 Điều 84 Nghị định này nêu rõ các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

- Hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử…

Xem thêm…

chinh sach moi co hieu luc 01/02/2021
Chính sách mới có hiệu lực 01/02/2021 (Ảnh minh họa)


2/ Ca sĩ không còn bị cấm “hát nhép”

Đây là nội dung đáng chú ý này được Chính phủ ban hành tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghề thuật biểu diễn.

Theo đó, tại Điều 3 Nghị định 144 không còn quy định cấm “sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn” như tại điểm d khoản 2 Điều 6 NGhị định 79 năm 2012.

Nghị định 144 này chỉ còn cấm các nội dung sau đây trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn:

- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại;

- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội…


3/ Thêm tài sản đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu

Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 06/2020/TT-BTP sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Theo đó, về các loại tài sản bảo đảm được đăng ký tại Trung tâm đăng ký theo yêu cầu, điểm a khoản 5 Điều 1 Thông tư 06 sửa đổi như sau:

Máy móc; phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật liên quan không thuộc tài sản nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này và không phải là tàu bay, tàu biển; thiết bị, dây chuyền sản xuất; nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng hoá; kim khí, đá quý; động sản khác là vật

Trong khi đó, trước đây tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 08/2018, các loại tài sản này chỉ gồm: Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hóa khác, kim khí quý, đá quý.

Như vậy, có thể thấy, Thông tư 06 đã bổ sung thêm một số loại tài sản được đăng ký biện pháp bảo đảm theo yêu cầu so với quy định trước đây.

Xem thêm: Đăng ký hợp đồng không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng


4/ 2 trường hợp cấp lại Giấy báo tử

Nội dung này được ban hành tại Thông tư số 24/2020/TT-BYT của Bộ Y tế về Phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong, cấp giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Cụ thể, khoản 2 Điều 5 Thông tư này nêu rõ 02 trường hợp cấp lại giấy báo tử gồm:

- Nhầm lẫn khi ghi chép giấy báo tử: Người thân thích làm đơn đề nghị cấp lại giấy báo tử kèm theo giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn gửi cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã cấp giấy báo tử lần đầu cho người tử vong. Khi đó, giấy cũ sẽ bị hủy.

- Mất, rách, nát giấy báo tử: Người thân thích làm đơn đề nghị gửi cơ sở khám, chữa bệnh đã cấp giấy báo tử lần đầu. Trong thời hạn tối đa 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ sở khám, chữa bệnh phải thu hồi giấy đã bị rách, nát, kiểm tra và đối chiếu thông tin.

Lưu ý: Giấy báo tử được cấp lại phải ghi rõ số, quyển số của giấy báo tử cũ và đóng dấu “cấp lại”.


5/ Phí chuyển tiền ra nước ngoài qua Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung về biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 15/2020/TT-NHNN.

Cụ thể:

- Phí chuyển tiền ra nước ngoài:

  • Thanh toán bằng Đô la Mỹ (USD) là: 0,15% số tiền chuyển đi (Tối thiểu 2 USD/món; Tối đa 200 USD/món);
  • Thanh toán bằng Đồng tiền chung Châu Âu (EUR): 0,15% số tiền chuyển đi (Tối thiểu 2 EUR/món; Tối đa 200 EUR/món).

- Phí nhận tiền từ nước ngoài chuyển đến:

  • Thanh toán bằng USD: 0,05% số tiền chuyển đến (Tối thiểu 1 USD/ món; Tối đa 100 USD/món);
  • Thanh toán bằng EUR: 0,05% số tiền chuyển đến (Tối thiểu 1 EUR/ món; Tối đa 100 EUR/món).

Xem thêm…

chinh sach moi co hieu luc 01/02/2021
Nhiều quy định về lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực từ 01/02/2021 (Ảnh minh họa)


6/ Không được mua bán, thế chấp đất quốc phòng, an ninh

Để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 132/2020/QH14.

Theo đó, khoản 5, khoản 6 Điều 6 Nghị quyết này nêu rõ:

5. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất quốc phòng, an ninh khi sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Xem thêm…

7/ Thay mới biểu mẫu xuất, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt

Thủ tục chấp thuận hoạt động xuất, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của các ngân hàng được phép được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, Điều 2 Thông tư này nêu rõ, thay thế Phụ lục 01, 02, 03 ban hành kèm Thông tư số 33/2013/TT-NHNN bằng Phụ lục 01, 02, 03 ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể gồm các biểu mẫu:

- Văn bản đề nghị chấp thuận xuất khẩu/nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt;

- Quyết định chấp thuận xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt;

- Báo cáo tình hình xuất khẩu/nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt.

8/ Cập nhật quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi ít nhất 2 năm/lần

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 41/2020/TT-BCT quy định về quản lý vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.

Theo đó, khoản 3 Điều 5 Thông tư 41 nêu rõ:

Quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi phải được điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi điều kiện đầu vào của hồ chứa, kế hoạch sản xuất và kết quả đo đạc, dự báo các yếu tố khí tượng, địa chất, thủy văn nhưng phải được cập nhật ít nhất 01 (một) lần trong thời gian vận hành 02 (hai) năm.

Đồng thời, quy trình này phải được xây dựng gồm quy trình vận hành hồ chứa quặng đuôi trong điều kiện bình thường, trong điều kiện mưa lũ và trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu có khả năng dẫn đến sự cố…

9/ Đối tượng miễn vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà

Khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý được nêu tại Thông tư số 31/2020/TT-BGTVT.

Cụ thể, các đối tượng được miễn vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà gồm:

- Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu;

- Xe cứu hỏa;

- Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;

- Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;

- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;

- Xe, đoàn xe đưa tang;

- Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường;

- Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh;

- Thương binh, bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp) nhưng phải xuất trình bản chính hoặc bản sao giấy tờ như thẻ hoặc giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh; thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh.

10/ Tự xử lý chất thải phóng xạ đã qua sử dụng phải có giấy phép

Đây là nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định số 142/2020/NĐ-CP về tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Theo đó, khoản 6 Điều 4 Nghị định này nêu rõ:

Tổ chức, cá nhân có chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nếu tự xử lý, lưu giữ thì phải có Giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, yêu cầu này không áp dụng đối với kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, cơ sở xử lý, lưu giữ tập trung chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Những chính sách này đều có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.

>> Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 02/2021

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

4 tiêu chí đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội theo Nghị định 178

Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Chính phủ ban hành.