Lịch khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự năm 2023

Việc tham gia nghĩa vụ quân sự được coi là trách nhiệm thiêng liêng của công dân đối với Tổ quốc. Trước khi lên đường nhập ngũ, công dân nam từ đủ 17 tuổi trở lên sẽ được tiến hành khám sức khỏe.

1. Lịch khám nghĩa vụ quân sự 2023

Khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định thời gian khám sức khoẻ từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12 hằng năm. Như vậy, thời gian khám nghĩa vụ quân sự cho đợt nhập ngũ đầu năm 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 01/11/2022 và kết thúc sau ngày 31/12/2022.

Đối với đợt gọi công dân nhập ngũ lần hai thì thời gian khám sức khỏe sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Sau khi khám sức khỏe, công dân có sức khỏe loại 3 bị khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS sẽ không được gọi nhập ngũ. Chỉ tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

lich kham suc khoe nghia vu quan su
Lịch khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2023 diễn ra từ 01/11/2022 - 31/12/2022 (Ảnh minh họa)

2. Khám nghĩa vụ quân sự 2023 mấy vòng? Có mất chi phí gì không?

Theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, khám nghĩa vụ quân sự 2023 sẽ gồm 02 vòng:

- Vòng 01: Vòng sơ tuyển;

-  Vòng 02: Vòng khám chi tiết.

Tại vòng sơ tuyển, công dân đến khám để phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Tại vòng khám chi tiết, tiến hành khám các nội dung:

- Khám mắt;

- Khám thể lực;

- Khám răng;

- Khám tai - mũi - họng;

- Khám tâm thần và thần kinh;

- Khám nội khoa;

- Khám da liễu;

- Khám ngoại khoa;

- Khám sản phụ khoa.

Trong đó, kinh phí bảo đảm cho việc khám sơ tuyển, khám chi tiết sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, giám định sức khỏe, làm các xét nghiệm cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự được sử dụng từ ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác Quốc phòng - An ninh. Do đó, công dân đến khám nghĩa vụ quân sự sẽ không phải trả khoản chi phí nào.

3. Không đi khám nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi bị xử lý thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP về xử phạt quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự:

- Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

- Phạt tiền từ 12 - 15 triệu đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

- Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

- Phạt tiền từ 25 - 35 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

4. Nghĩa vụ quân sự 2023 đi mấy năm?

Công dân được tuyển chọn tham gia nghĩa vụ quân sự phải đạt đủ yêu cầu về độ tuổi, tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe, văn hóa.

Theo quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp sau:

  • Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
  • Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Như vậy, công dân đi nghĩa vụ quân sự sẽ có thời gian phục vụ trong Quân đội là 24 tháng, trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không quá 06 tháng.

Trong thời gian phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được hưởng các chế độ theo khoản 1 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:

- Nghỉ phép 10 ngày khi phục vụ Quân đội từ tháng thứ 13 trở lên;

- Được đảm bảo về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

- Được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm nếu kéo dài thời gian tại ngũ;

- Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự…

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 50 Luật này cũng liệt kê các quyền lợi mà nhân thân của hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ được hưởng gồm: Được cấp thẻ BHYT miễn phí; miễn, giảm học phí đối với con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ;…

Trên đây là giải đáp về Lịch khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự. Mọi vấn đề vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ quân sự năm 2023, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục