Nhà đang thế chấp có được thêm tên người khác cùng sở hữu không?

#11723 Dân sự
Câu hỏi:

Xin hỏi Luatvietnam: Bố mẹ tôi đang thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng, sổ đỏ đứng tên bố mẹ, nay bố mẹ và tôi thoả thuận với nhau đứng tên chung sổ. Xin hỏi nhà đang thế chấp thì cần làm gì để thực hiện được thủ tục thêm tên người khác vào sổ đỏ ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

I. Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Dân sự 2015

- Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 33/2017/TT-BTNMT)

II. Thế chấp tài sản là gì?

Tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

III. Thủ tục khi thêm người khác vào sổ đỏ khi đang thế chấp ngân hàng.

1/ Nghĩa vụ của bên thế chấp

Theo thông tin bạn cung cấp, giấy chứng quyền sở hữu căn nhà (sổ hồng) đang do ngân hàng giữ và là tài sản thế chấp tại ngân hàng. Để bổ sung tên bạn vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì bố mẹ bạn cần thực hiện thủ tục tặng cho một phần căn hộ cho bạn. Tuy nhiên căn hộ đang là tài sản thế chấp tại ngân hàng nên quyền của bố mẹ bạn đối với căn hộ sẽ bị hạn chế hơn.

Khoản 8 Điều 320 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này”.

Khoản 4, 5 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Theo quy định trên, để tặng cho một phần căn hộ cho bạn thì phải được sự đồng ý của ngân hàng (bên nhận thế chấp) đồng ý. Bạn, bố mẹ và ngân hàng nhận thế chấp tài sản có thể lập thỏa thuận ba bên liên quan việc thanh toán tiền thanh toán tiền nợ vay của bố mẹ đối với ngân hàng. Ngân hàng sẽ xóa thế chấp và trả lại giấy tờ sở hữu nhà cho bố mẹ bạn.

Sau đó, bố mẹ bạn có thể lập hợp đồng tặng cho một phần quyền sử dụng đất và thực hiện công chứng hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014:

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

2/ Đăng ký biến động

Theo quy định trên thì công chứng hợp đồng tặng cho này là bắt buộc. Sau đó, bạn cần thực hiện đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai để được bổ sung tên trên Giấy chứng nhận.

Hồ sơ thực hiện đăng ký biến động được quy định tại Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (sửa đổi, bổ sung bởi thông tư 33/2017/TT-BTNMT), bao gồm:

+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK

+ Họp đồng tặng cho một phần quyền sở hữu căn hộ có công chứng;

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Để thực hiện thủ tục đăng ký biến động, bạn nộp phí, lệ phí theo quy định.

Xem thêm: Nhà đất đang thế chấp có được sang tên Sổ đỏ?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi "Nhà đang thế chấp có được thêm tên người khác cùng sở hữu không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn! 

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY