Tổng hợp mức lương cơ sở qua các năm

Trong nhiều năm trở lại đây, mức lương cơ sở liên tục tăng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sống của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức. Dưới đây là chi tiết mức lương cơ sở qua các năm.


1. Lương cơ sở là gì?

Lương cơ sở là mức lương được đề cập đến rất nhiều trong các văn bản liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ bảo hiểm xã hội được tính dựa vào mức lương cơ sở. Tuy nhiên, không có văn bản nào định nghĩa cụ thể lương cơ sở là gì?

Hiện nay, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, Chính phủ đề cập đến lương cơ sở như sau:

1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Như vậy, mặc dù không có định nghĩa lương cơ sở là gì nhưng có thể hiểu đây là mốc lương tối thiểu, được dùng để tính lương trong các bảng lương, phụ cấp… của cán bộ, công chức, viên chức theo các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Không chỉ thế, mức hoạt động phí, sinh hoạt phí và các chế độ khác theo mức lương cơ sở cũng lấy căn cứ từ mức lương này.

Điều đặc biệt và thường dùng để phân biệt mức lương cơ sở với các loại lương khác (lương tối thiểu vùng áp dụng với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước) là đối tượng được áp dụng mức lương cơ sở trong việc tính bảng lương.

Theo đó, lương cơ sở là mức lương áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Trước đây, Chính phủ gọi lương cơ sở là mức lương tối thiểu chung. Tuy nhiên, đến khoản 2 Điều 5 Nghị định 66/2013/NĐ-CP, để phân biệt rõ ràng giữa lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài công lập, Chính phủ quy định:

2. Mức lương cơ sở quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 và thay thế mức lương tối thiểu chung quy định tại các văn bản về chế độ tiền lương và các chế độ khác có liên quan đến tiền lương của cơ quan có thẩm quyền.

muc luong co so qua cac nam

2. Mức lương cơ sở qua các năm biến động thế nào?

Hiện nay, mức lương cơ sở đang được áp dụng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP là 2,34 triệu đồng/tháng.

Dưới đây là tổng hợp mức lương cơ sở qua các năm:

Thời điểm áp dụng

Lương cơ sở (đồng/tháng)

Mức tăng

(đồng/tháng)

Căn cứ pháp lý

Từ 01/10/2004 - hết 30/9/2005

290.000

-

Nghị định 203/2004/NĐ-CP

Từ 01/10/2005 - hết 30/9/2006

350.000

60.000

Nghị định 118/2005/NĐ-CP

Từ 01/10/2006 - hết 31/12/2007

450.000

100.000

Nghị định 94/2006/NĐ-CP

Từ 01/01/2008 - hết 30/4/2008

540.000

90.000

Nghị định 166/2007/NĐ-CP

Từ 01/5/2009 - hết 30/4/2009

650.000

110.000

Nghị định 33/2009/NĐ-CP

Từ 01/5/2010 - hết 30/4/2011

730.000

80.000

Nghị định 28/2010/NĐ-CP

Từ 01/5/2011 - hết 30/4/2012

830.000

100.000

Nghị định 22/2011/NĐ-CP

Từ 01/5/2012 - 30/6/2013

1.050.000

220.000

Nghị định 31/2012/NĐ-CP

Từ 01/7/2013 - hết 30/4/2016

1.150.000

100.000

Nghị định 66/2013/NĐ-CP

Từ 01/5/2016 - hết 30/6/2017

1.210.000

60.000

Nghị định 47/2016/NĐ-CP

Từ 01/7/2017 - hết 30/6/2018

1.300.000

90.000

Nghị định 47/2017/NĐ-CP

Từ 01/7/2018 - hết 30/6/2019

1.390.000

90.000

Nghị định 72/2018/NĐ-CP

Từ 01/7/2019 - hết 30/6/2023

1.490.000

100.000


Nghị định 38/2019/NĐ-CP

Từ 01/7/2023 - hết 30/6/2024

1.800.000

310.000

Nghị định 24/2023/NĐ-CP

Từ 01/7/2024

2.340.000

540.000

Nghị định 73/2024/NĐ-CP

3. Lương công chức tính theo lương cơ sở thế nào?

Như phân tích ở trên, lương cơ sở là căn cứ để tính lương và phụ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức. Căn cứ hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 04/2019/TT-BNV, Thông tư 79/2019/TT-BQP, lương cán bộ, công chức, viên chức, người trong lực lượng vũ trang được tính theo công thức:

Lương = Mức lương cơ sở x Hệ số hiện hưởng

Trong đó:

Mức lương cơ sở được nêu trong các văn bản của Chính phủ ban hành tại các thời điểm khác nhau.

Hệ số hiện hưởng là hệ số được nêu cụ thể tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP tuỳ vào từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang.

Trên đây là tổng hợp mức lương cơ sở qua các năm. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(8 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục