Mùa tuyển quân 2023: 7 nội dung về khám nghĩa vụ quân sự cần lưu ý

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là vấn đề được rất nhiều người quan tâm vào thời điểm cuối năm bởi đây là thời điểm các địa phương sẽ tiến hành khám nghĩa vụ quân sự để chuẩn bị cho đợt tuyển quân mới. Dưới đây là những nội dung cần biết về khám nghĩa vụ quân sự 2023.

1. Độ tuổi gọi khám nghĩa vụ quân sự là bao nhiêu?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Trong đó, một trong những tiêu chuẩn quan trọng để công dân được gọi nhập ngũ là đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định. Vì vậy, trước khi nhập ngũ, công dân bắt buộc phải thực hiện khám sức khỏe để kiểm tra xem có đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay không.

Về độ tuổi được gọi khám sức khỏe quân sự sẽ là độ tuổi gọi nhập ngũ. Theo đó, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Như vậy, công dân từ đủ 18 - 25 tuổi phải tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đối với công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học (chưa nhập ngũ) thì đến 27 tuổi.

kham nghia vu quan su 2023
Công dân từ đủ 18 - 25 tuổi phải tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa)

2. Lịch khám nghĩa vụ quân sự 2023 là khi nào?

Theo khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự diễn ra từ ngày 01/11 - 31/12 hằng năm.

Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Như vậy, đợt khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 01/11/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Đến thời điểm khám nghĩa vụ quân sự, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ. Việc tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ do Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện tổ chức khám sức khỏe cho công dân trong diện gọi nhập ngũ.

Xem thêm: Lịch khám nghĩa vụ quân sự 2023

3. Khám nghĩa vụ quân sự 2023 là khám những gì? Khám mấy vòng?

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, việc khám nghĩa vụ quân sự được thực hiện 02 vòng: Vòng sơ tuyển và Vòng khám chi tiết. Cụ thể:

Vòng 1: Khám sơ tuyển (tại Trạm y tế xã)

Công dân đến khám để phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

Một số bệnh được miễn nghĩa vụ quân sự gồm:

  • Tâm thần;
  • Động kinh;
  • Bệnh Parkinson;
  • Mù một mắt;
  • Điếc;
  • Di chứng do lao xương, khớp;
  • Di chứng do phong;
  • Các bệnh u ác và bệnh máu ác tính;
  • Người nhiễm HIV;
  • Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Vòng 2: Khám sức khỏe chi tiết (tại Trung tâm y tế huyện)

Tại vòng này, công dân được khám chi tiết về thể lực; mạch, huyết áp; thị lực; thính lực, tai, mũi, họng; răng - hàm - mặt; nội và tâm thần kinh; ngoại khoa, da liễu, xét nghiệm… Cụ thể:

- Khám thể lực: Khi khám thể lực, công dân lưu ý:

+ Cởi bỏ mũi nón, giày dép, quần áo

+ Phải đi chân đất và để đầu trần;

+ Nếu là nam giới: Phải cởi bỏ hết quần áo dài, chỉ mặc một quần đùi;

+ Nếu là nữ giới: Mặc quần dài, áo mỏng.

Công dân được đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực và tính toán chỉ số BMI (mối tương quan giữa chiều cao và cân nặng).

- Khám mắt: Che một mắt và đọc bảng chữ.

Công dân phải che mắt 01 bên bằng bìa cứng, đọc chữ trên bảng trong khoảng dưới 10 giây. Cự ly giữa bảng tới chỗ đứng của người đọc là 5m.

- Khám răng: Kiểm tra răng sâu, mất răng và các bệnh răng miệng

Công dân được kiểm tra về tình trạng răng sâu, mất răng. Trong đó, có kiểm tra về tình trạng răng giả. Ngoài ra, còn kiểm tra về các bệnh răng miệng như viêm tủy, tủy hoại tử, viêm quanh cuống răng…

- Khám tai - mũi - họng:  Đo sức nghe khi nói thầm, nói bình thường

Ngoài ra, công dân còn được kiểm tra về tình trạng viêm họng mãn tính, chóng mặt mê nhĩ…

- Khám tâm thần và thần kinh: Kiểm tra tình trạng mồ hôi tay, chân

Ngoài kiểm tra tình trạng mồ hôi tay, chân, công dân còn được kiểm tra các bệnh teo cơ, nhược cơ, tật máy cơ (có biểu hiện nháy mắt, nháy mồm, nháy mép)

- Khám nội khoa: Kiểm tra huyết áp, mạch, phế quản, tim

Khi khám huyết áp, công dân được đo bằng máy đo huyết áp; khi khám mạch, công dân được khám bằng phương pháp bắt mạch quay hoặc chạy tại chỗ với tốc độ 10 – 12 bước trong 5 giây, chạy trong 5 phút...

- Khám da liễu: Khám dựa trên biểu hiện trên da

- Khám ngoại khoa: Khám trĩ từng người một. Ngoài ra, còn khám về chứng bàn chân bẹt và giãn tĩnh mạch thừng tinh.

- Khám sản phụ khoa: Chỉ áp dụng với nữ

Việc khám sản phụ khoa chỉ áp dụng đối với công dân nữ và phải được bố trí tại phòng khám kín đáo, nghiêm túc; cố gắng bố trí cán bộ chuyên môn là nữ.

Như vậy, đợt khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ diễn ra qua 02 vòng khám, kiểm tra với các nội dung khám nêu trên.

Lưu ý, khi đến khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, công dân phải mang theo: Lệnh gọi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và các giấy tờ liên quan đến sức khỏe (nếu có) để xuất trình khi có yêu cầu.

Xem thêm: Khám nghĩa vụ quân sự nữ thực hiện thế nào? 

kham-nghia-vu-quan-su-2023-1
Công dân sẽ trải qua 02 vòng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa)

4. Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2023 thế nào?

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được thực hiện lần lượt như sau:

- Lập danh sách các đối tượng là công dân thuộc diện được gọi nhập ngũ đã qua sơ tuyển sức khỏe trên địa bàn được giao quản lý;

- Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe;

- Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định;

- Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đối với các trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ hằng năm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Hoàn chỉnh phiếu sức khỏe theo quy định tại Mục II Mẫu 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 3a Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.

5. Tiêu chuẩn và phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự hiện nay thế nào?

Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự được quy định tại Điều 31 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP. Theo đó, tiến hành tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định. Cụ thể, 08 chỉ tiêu sức khỏe được chấm điểm chi tiết theo mức điểm chẵn từ 01 - 06 điểm.

Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt.

Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt.

Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá.

Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình.

Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém.

Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

Căn cứ vào số điểm chấm cho 08 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:

Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1.

Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2.

Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.

Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4.

Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5.

Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Xem thêm: Tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2023

6. Chế độ của công dân trong thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2023

Theo Điều 12 Nghị định 13/2016/NĐ-CP quy định về chế độ đối với công dân trong thời gian thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Người làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước nếu đi khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện:

- Được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành;

- Người không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước được đảm bảo các chế độ:

+ Tiền ăn bằng mức tiền 01 ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh

+ Được thanh toán tiền tàu xe đi - về theo chế độ quy định hiện hành

Theo đó, thời gian đi, về và thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc khám, kiểm tra sức khỏe trong thời gian từ 04 giờ trở lên trong ngày được tính cả ngày. Trường hợp thời gian dưới 04 giờ trở xuống thì tính là 1/2 ngày.

7. Không đi khám nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi, bị xử lý thế nào? Có bị đi tù không?

7.1 Mức phạt tiền với hành vi trốn khám nghĩa vụ quân sự

Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

STT

Hành vi

Mức phạt

1

Không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

10 - 12 triệu đồng

2

Cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

12 - 15 triệu đồng

3

Một trong các hành vi:

+ Có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

+ Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 02 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

15 - 20 triệu đồng

4

Không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

25 - 35 triệu đồng

Có thể thấy, người có hành vi trốn khám nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tiền lên tới 35 triệu đồng.

Xem thêm: Không khám nghĩa vụ quân sự, xử lý thế nào?

7.2 Trốn khám nghĩa vụ quân sự có bị đi tù không?

Căn cứ Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, một người được coi là phạm Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi thực hiện 01 trong 03 hành vi:

- Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự;

- Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ;

- Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.

Đồng thời, theo mục 11 phần I Công văn 5887/VKSTC-V14, trốn tránh nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành:

- Lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự;

- Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

- Lệnh gọi nhập ngũ;

- Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định xử lý hình sự đối với 03 hành vi nêu trên, không quy định xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Do đó, không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Trên đây là toàn bộ vấn đề liên quan đến khám nghĩa vụ quân sự 2023. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Không đi khám nghĩa vụ quân sự, bị xử lý thế nào?

Không đi khám nghĩa vụ quân sự, bị xử lý thế nào?

Không đi khám nghĩa vụ quân sự, bị xử lý thế nào?

Vào thời điểm này hàng năm, công dân đủ điều kiện bắt đầu nhận được lệnh gọi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phục vụ cho đợt tuyển chọn nhập ngũ. Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều trường hợp đã có hành vi trốn tránh khám nghĩa vụ quân sự. Vậy, không đi khám nghĩa vụ quân sự bị xử lý thế nào?

Xâm phạm chỉ dẫn địa lý: Điểm qua các hành vi vi phạm và mức phạt

Xâm phạm chỉ dẫn địa lý: Điểm qua các hành vi vi phạm và mức phạt

Xâm phạm chỉ dẫn địa lý: Điểm qua các hành vi vi phạm và mức phạt

Chỉ dẫn địa lý đang được xem là một công cụ quan trọng cung cấp sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Lợi dụng điều này, một số cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý. Việc xâm phạm chỉ dẫn địa lý sẽ bị phạt thế nào?